Đổi nghề và đổi đời

Đổi nghề và đổi đời

Nguoi-viet.com

Phụ nữ Việt Nam tại một lớp học tiếng Hoa ở Đài Loan. (Hình minh họa: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Phụ nữ Việt Nam tại một lớp học tiếng Hoa ở Đài Loan. (Hình minh họa: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Tạp ghi Huy Phương

Nói chuyện ngư dân bỏ biển cũng như nói đến chuyện công nhân bỏ nhà máy và nông dân bỏ ruộng đồng. Trong một đất nước Cộng Sản mà các lực lượng công nông, thường được biểu dương là giai cấp tiên phong, không đủ đất sống phải đi làm thuê, ở mướn nước ngoài, thậm chí là kiếm tấm chồng hay bán thân nuôi miệng, thì đó là điều đáng xấu hổ cho giới cầm quyền vẫn thường rêu rao là “giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.”

Ước tính, khoảng 263,000 người bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết, trong đó có 100,000 lao động trực tiếp. Giải quyết vấn đề cá chết, biển nhiễm độc hiện nay là không thể có đủ lương thực trợ cấp cho ngư dân dài hạn, biển không biết bao giờ mới sạch để cho “con cá nó sống vì nước” trở lại. Việt Nam nhận $500 triệu và Formosa vẫn ở tại chỗ, không có gì bảo đảm là đã ngưng xả nước độc xuống biển, và cũng không ai kiểm soát được nhà máy sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai.

Ông Doãn Mậu Diệp, thứ trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, cho biết, sau sự cố, lãnh đạo bộ đã làm việc với các tỉnh để nắm tình hình khó khăn của ngư dân bị ảnh hưởng, “lắng nghe” nguyện vọng của ngư dân.”

Tôi đặt hai tiếng “lắng nghe” trong ngoặc kép! Chính phủ đã lắng nghe nguyện vọng của ngư dân như thế nào. Đó là Formosa phải cút khỏi Việt Nam và không lấy tiền hỗ trợ của Formosa, trong khi Formosa vẫn tồn tại, đó là hành động tiếp tay cho thủ phạm thải chất độc vào môi trường.

Formosa vẫn còn đó nhưng dân phải đổi nghề và ra đi! Chính phủ Việt Nam hiện nay rõ ràng là đã chọn nhà máy thép thay vì chọn cá.

“Bộ trưởng đã thống nhất với các tỉnh về việc cần phải có một đề án tổng thể về dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Sẽ có chương trình đưa 3,500 ngư dân (ưu tiên cho các huyện ven biển của bốn tỉnh miền Trung) đi xuất khẩu lao động tại Nam Hàn, và có kế hoạch đưa điều dưỡng viên đi Đài Loan, Nam Hàn, và Thái Lan.

Trong cuộc đời chúng ta, những người đã bỏ nước ra đi, đã đổi nghề nhiều lần. Từ một chuyên viên, một trí thức, một ông bộ trưởng, một thầy giáo, năm 1975 khi Cộng Sản Bắc Việt vào Sài Gòn, họ đều bắt buộc đổi nghề trong các trại cải tạo. Những nghề này hoàn toàn không liên quan gì đền nghề nghiệp cũ mà họ đã tốn công, tốn của để được đào tạo trong bao nhiêu năm. Bây giờ họ là những cuốc đất, trồng khoai, cấy lúa, nấu bếp hay chăn dê, giữ bò. Đây là những cuộc đổi nghề bất đắc dĩ vì thời thế nhưng họ làm được, cũng không đến nỗi vụng về. Những trí thức đã từng quen với ống nghiệm trong phòng bào chế hay đứng trên bục giảng, cả những người chỉ chuyên “bóp cò” cũng nấu chín một nồi cơm, đan dược những tấm tranh, lợp được một mái nhà tươm tất, không đến nỗi tệ vì đây chỉ là loại lao động căn bản, có thể nói “ai làm cũng được.”

Rồi khi ra tù, trong chế độ mới, họ lại “đổi nghề” một lần nữa, lăn lóc ngoài chợ trời, mở một xe hủ tiếu, đứng bán một quầy vé số hay thuốc lá lẻ, đạp xích lô. Cũng không sao! Những nghề này không cần khả năng chuyên môn, cũng chẳng cần bằng cấp, thì những người có chuyên môn, thuộc giới khoa bảng cũng làm được.

Bị đẩy ra nước ngoài, lại có dịp đổi nghề một lần nữa, đi bỏ báo, vào cắt chỉ trong shop may, hay nấu phở cũng không sao! Đó là những chuyện đổi nghề và đổi đời mà những người dân ở phía Nam sông Bến Hải đã trải qua.

Nhưng ngư dân phải đổi nghề là một thảm họa.

Vì địa thế nơi cư ngụ, gần biển cả, không có ruộng đồng, không có nương rẫy, nghề cá là một nghề gần gũi, thích hợp với sinh hoạt của họ, một nghề cha truyền con nối. Trong gia đình ngư dân, một đứa trẻ lên 10, 12 đã theo cha lên thuyền ra biển, tập vật lộn với biển cả, quen với cánh buồm, sợi lưới, mái chèo. Ngư dân cũng không thấy học vấn là cần thiết cho việc sinh nhai, chỉ cần quen việc, chịu đựng mưa gió. Họ cũng không nghĩ đến việc đầu tư cho con, học lên cao, quen với khoa học kỹ thuật để cải tiến nghề nghiệp, như con cái sau này có cơ hội xây dựng một nhà máy nước đá, ướp cá hay dùng xe lạnh chuyên chở hải sản đi xa để tăng lợi tức.

Không có phương tiện đầu tư cho tương lai, tầm nhìn gần và họ không nghĩ xa, kiểu ăn bữa nào lo bữa đó. Người chủ ghe hay bạn ghe trở về sau chuyến ra khơi đem cá về, thì đã có thương lái đến tận nơi, cân cá lấy tiền, hay chính người vợ, đứa con gái, trực tiếp đem hải sản ra chợ bán cho khách trong làng để đổi lại mớ sau, bộ áo quần hay tập sách cho con. Họ dựng vợ gả chồng trong thôn xóm qua sự gần gũi quen biết, cùng nghề nghiệp, cùng sớm hôm vui buồn theo con nước hay những ngày biển động.

Bây giờ bắt những thanh niên da đã sạm nắng, bàn chân trần đã chai, bỏ làng xóm, bỏ biển, bỏ gia đình, mang dày vớ, kéo một cái va-li “xuất khẩu” đi ngoại quốc, làm những công việc lạ lẫm, thì chẳng qua là& bước đường cùng!

Hiên nay, Việt Nam có 167 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động, trong đó có khoảng 60% doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc cổ phần có vốn nhà nước chi phối. Công ty làm nhiệm vụ giới thiệu, đào tạo, thủ tục đi nước ngoài, lo nơi định cư, giấy tờ, hợp đồng lao động,… cho người lao động. Đổi lại, lao động chi trả cho công ty khoản phí gọi là phí môi giới. Tình hình “xuất khẩu lao động” hiện nay xẩy ra nhiều tệ nạn “bắt con bỏ chợ,” công nhân đối mặt với việc bị lừa đảo, bóc lột và ngược đãi.

Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã cấu kết với các nhà thầu, “sống chết mặc bay!”

RFA loan tin theo Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hiện có hàng ngàn lao động Việt Nam lâm cảnh mất việc làm, vô gia cư, đói khát ở nước ngoài trong khi giới chủ nhân và các quan chức liên hệ tỏ ra tắc trách.

Cho nên, giải pháp “chữa cháy” của Việt Nam đưa ngư dân vùng biển có cá chết đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp “mạt hạng” chỉ có lợi cho ngân sách nhà nước và kẻ “lái người” vô đạo.

Ngoài giải pháp xuất khẩu “ngư dân,” hiện nay, chính phủ hứa cấp 15kg gạo mỗi tháng cho một người trong thời gian tối đa sáu tháng đối với nhân khẩu thuộc gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV. Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân Hàng Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tối đa sáu tháng.

Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội triển khai một dự án tổng thể về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, trong đó ưu tiên một số huyện nghèo ven biển bị ảnh hưởng.

Nhưng rồi sau sáu tháng, sự việc sẽ ra sao?

Chính phủ có bảo đảm sau sáu tháng biển sẽ sạch, và ngư phủ đã ra khơi bắt được con cá sống về chưa, trong khi nguyên nhân biển nhiễm độc và con cá chết là Formosa vẫn còn đó?

Đảng Cộng Sản Việt Nam đứng về phía Formosa chứ không phải đứng về phía dân tộc.

Buổi điểm danh cuối cùng

Buổi điểm danh cuối cùng
Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương

Ngày mới bước chân đến Mỹ, với tuổi mới trên 50, lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, tham gia niềm vui của con cháu mình và con cháu bạn bè, tháng nào chúng tôi cũng phải tham dự một hai tiệc cưới. Bây giờ suýt soát tuổi 80, sắp lên chức “cố,” cả năm không còn khăn áo chỉnh tề, lên xe “phó hội” ký tên vào sổ vàng, tươi cười đóng hụi chết, mà áo trắng, cà vạt đen, mặt mày buồn thảm đi viếng tang cũng khá nhiều.

(Hình minh họa: David McNew/Getty Images)

Bạn bè, đơn vị cũ, một thời chinh chiến hay là long nhong thời thơ ấu, ông thì nằm trong nhà hưu dưỡng đã hơn năm, ông thì đi gậy chống, walker hay ngồi xe lăn, ông thì đã thành tro bụi chứa trong cái hũ có khắc tên để trên chùa, hay ra nằm ngoài nghĩa địa với bia mộ đề tên!

Bây giờ không còn vào nhà hộ sinh để thăm cháu ra đời, hay chúc mừng hôn lễ của ai nữa, mà toàn đi nhà dưỡng lão, bệnh viện hay tang nghi quán!

Có người bạn mới gặp ở quán cà phê, tươi vui, yêu đời, vài hôm sau vừa nghe tin đột quỵ. Sau một vài tuần ở bệnh viện và trung tâm phục hồi trở về, bây giờ không còn nói được, tay chân lẩy bẩy, gặp nhau, ứa nước mắt, mà không khóc, sợ bạn buồn nản chí.

Trong nhà hưu dưỡng, đi thăm một người bạn khác, gặp một người bạn biến chứng tiểu đường, mắt đã mù, nằm ở đây đã bốn năm, còn nhớ tiếng nói của bạn mà mừng, nhưng không còn trông thấy nhau nữa. Rồi có người mang ống dẫn tiểu, có người mang tã, có người sống nhờ thức ăn chuyền thẳng vào bao tử, mà phải sống không chối từ, không thể dễ dàng chọn cái chết dù muốn chết.

Tôi cũng biết có trường hợp, anh nằm đây đã trên 10 năm, sau lần “tai biến.” Anh mở lớn đôi mắt nhìn tôi, anh nhớ tôi hay không, tôi không rõ, đôi mắt đờ đẫn, mệt mỏi, đầy những chịu đựng. Lần nào vào thăm anh, tôi cũng thấy chị ngồi đó, theo anh suốt một cuộc hành trình dài lâu, mà vẫn như đi một mình. Nhan sắc chị đã tàn phai, thân gầy như xác ve, sức tàn, lực kiệt. Chỉ sợ một ngày nào đó, chị ra đi, bỏ anh lại cho ai? Rồi một ngày, nghe tin anh mất, buồn, nhưng mừng cho chị, từ nay được giải thoát.

Nhưng chỉ ít lâu sau thôi, nghe tin chị cũng theo anh. Chút dầu còn lại trong cây đèn nhỏ đã cạn!

Tuần rồi vào bệnh viện thăm một thằng bạn thời niên thiếu, cái thuở bạn bè mùa Hè nào cũng rong chơi, tinh nghịch mà vô tư, có đêm ngủ lại nhà nhau, mà bây giờ nó nằm đó, hôn mê. Cũng một thời hạnh phúc, cũng một thời đau khổ, cũng vật vã trong chiến tranh, cũng tủi nhục trong tù đày, giờ này đâu còn gì vui buồn mang theo nữa. Thôi ra đi bình yên!

Những người lính cũ dự định tổ chức họp khóa, thời còn sung mãn, một năm một lần, bây giờ ba năm chưa muốn gọi nhau. Ngày trước tập họp vài ba trăm có dư, nay là vài ba chục cũng khó kiếm. Trong điện thoại, ở xa, có bạn nói thều thào không ra hơi, có anh điếc ù phải đeo máy, có người kêu than đau chân đi không nổi, thì làm sao mà họp khóa, điểm danh với anh em được. Ở gần thì đau mắt, không lái xe được, cũng có nhớ bạn thương bè, nhưng sức đã tàn, lực đã kiệt, cũng chẳng còn vui thú gì những lúc gặp gỡ anh em. Thôi đành một tiếng “xin lỗi” là xong!

Trước đó, thăm một anh bạn cùng khóa nhà binh, tuy già yếu, đau ốm trên giường bệnh, nhưng thấy còn lạc quan vui tươi: “Thế nào tháng sau, họp khóa, tôi cũng đến! Lâu quá không gặp anh em!” Lời hứa vui vẻ ấy không ngờ không bao giờ thực hiện được. Chúng tôi “họp khóa” năm ba thằng với anh tại nhà quàn trong ngày tiễn đưa. Rõ ràng là anh có hẹn với chúng tôi là anh sẽ đến, nhưng ở một nơi khác.

Hôm nay họp khóa, chị đã trở thành bà quả phụ, nhận bó hoa từ anh em, nhắc lại như một lời chia buồn. Lần “điểm danh” này, vắng mặt quá nhiều anh em, trong đó có anh. Vắng mặt có lý do – Miễn tố!

Quân số hôm nay đã hao hụt nhiều, phần lớn bất khiển dụng, hoặc được xếp loại 2, nhưng không bao giờ được bổ sung!

Chắc các bạn còn nhớ giờ điểm danh cuối cùng, hay là buổi chào cờ cuối cùng trong đơn vị vào cái Tháng Tư nghiệt ngã của đất nước, rồi anh em, mỗi người một nơi. Có anh em may mắn trôi giạt, sống sót đến xứ người, có người thất thân lâm cảnh tù đày. Đã có bao người chết trong trại tù hung hãn, bao nhiêu người chìm sâu xuống đáy biển oan khiên.

Bây giờ quê người lận đận, mà vẫn có đồng đội, rỗi công đi tìm người thất tán, tái cấu trúc, hay tái bố trí, gọi là đồng môn cùng quân trường, là khóa học, là binh chủng, là đơn vị! Họ gặp nhau, già yếu hơn xưa, tóc đã bạc phơ, câu chuyện ngày cũ, nhớ nhớ, quên quên. Họ gặp nhau mà nước mắt lưng tròng. Nhưng những lần tập họp thưa thớt dần, xa dần, mệt mỏi dần trong ngày tháng phai tàn.

Không phải là một lời nói bi quan, đây có thể là lần điểm danh cuối cùng. Ở tuổi ngoài bảy mươi, cuộc đời còn lại chỉ có thể tính bằng giờ. Nhiều đồng đội đã bỏ anh em đi xa, nhiều người đã không đến. Con số người mất cũng lớn bằng người còn. Răng, tóc, trí nhớ cùng với bạn bè đã bỏ chúng ta ra đi biền biệt.

Tướng MacArthur đã để lại một câu nói để đời: “Old soldiers never die; they just fade away” (Người lính già không chết; họ chỉ phai nhạt dần đi).

Tôi thích và yêu kính những người lính chết trận. Tôi không thích những người lính sống cũng như chết, sống như cái bóng ma. Phải có sự khác biệt của một người lính hy sinh trên chiến địa ngày xưa và một người lính cũ chết trong nhà dưỡng lão. Không thể coi họ như nhau.

Sống mà phai nhạt dần, cho đến một ngày nào đó, không ai còn nhớ đến mình nữa, thì cuộc đời này buồn biết mấy!

Mà thôi, chuyện gì rồi cũng qua, cái gì rồi cũng đến!

Ngư dân và biển cả

Ngư dân và biển cả
Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

“Ông già và biển cả” (The Old Man and the Sea) là một tiểu thuyết ngắn của nhà văn Ernest Hemingway, người đã đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm này năm 1953, cũng như sau đó, nhận thêm giải Nobel Văn Học năm 1954.

(Hình minh họa: STR/AFP/Getty Images)

Chuyện kể một ngư phủ người Cuba, đã cố gắng trong ba ngày đêm vật lộn với một con cá kiếm khổng lồ ngoài khơi và cuối cùng câu được nó. Ông buộc con cá vào mạn thuyền và cố gắng đem về đất liền, nhưng đàn cá mập đã đánh hơi, đuổi theo và rỉa thịt con cá, khiến ông phải lại đem hết sức để chống lại lũ cá mập khát máu. Cuối cùng khi về đến bến, con cá lớn ông đánh bắt được chỉ còn trơ lại một bộ xương.

Những nhà phê bình văn học đã cho rằng tác phẩm miêu tả cuộc vật lộn gay gắt của con người với thiên nhiên, cũng như cái quyết liệt, tàn bạo của đời sống và khả năng chống chọi của con người.

Ở đây chúng tôi không nhắc đến triết lý cuộc sống trong tác phẩm này, nhưng nhân những ngày cá chết, biển nhiễm độc ở quê nhà, tôi không thể nào rời khỏi cái ý nghĩ về cuộc sống người ngư dân, đặc biệt là người ngư dân khốn khổ của đất nước Việt Nam.

Thuở nhỏ thời chúng ta không ai là không thuộc bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh mô tả những ngư dân trong một ngày ra khơi, đẹp đẽ và hùng tráng biết bao nhiêu:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”

Hay qua nhạc phẩm “Tiếng dân chài” của Phạm Đình Chương:

“Đêm nay thuyền ngược trường giang.
Cho mai sớm được vui khoang cá đầy.”

Đời sống của người ngư dân suốt đời sống nhờ biển thật ra không hề có vui tươi, hạnh phúc và bình an như những điều đẹp đẽ trong thơ và nhạc, mà là cả trăm nghìn đắng cay, vất vả hiểm nghèo. Biển đã nuôi họ lớn lên, da sạm nắng gió của biển khơi, nhưng có miếng ăn nhờ kho tàng của biển, ngư dân đã phải vất vả trăm chiều, trải qua những giờ phút gian nguy.

Những gia đình ngư dân thường sống ở một vùng biển quen thuộc, cha truyền con nối, đời này qua đời nọ. Khi những đứa trẻ lớn lên, dù mới là một thiếu niên, đã theo cha ra biển, kinh nghiệm về sóng gió dày dạn đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và gần như theo một nguyên tắc bất di, bất dịch, không bao giờ bỏ nghề, bỏ biển.

Ngư dân không phải như nông dân có ruộng vườn canh tác hay như công nhân trong nhà máy có đồng lương và bảo hiểm sức khỏe. Nghề đánh cá sống nhờ biển, biển bao la đã cưu mang họ, sóng biển và gió đã đưa thuyền ra khơi, nhưng cũng đã từng nổi cơn phẫn nộ, nhận chìm con thuyền xuống biển. Sinh mệnh những ngư dân đôi lúc như sợi chỉ treo mành, trước thiên nhiên, biển cả bao la, giữa trời đất, con người chỉ là hạt bụi

Nghề biển không có một năm mười hai tháng như những ngành nghề khác. Một năm với ngư dân chỉ có sáu tháng, sáu tháng với luồng nước bất thường, với đường đi của đàn cá, nên cũng có thể ngày có, ngày không. Kho tàng thiên nhiên không phải là vô tận.

Sáu tháng còn lại là mưa bão và những lúc trái gió, trở trời, thuyền không thể ra khơi. Ngư dân những ngày không có cá như người làm ruộng mất mùa không có chén cơm.

Có lần nào bạn ghé thăm một xóm chài chưa. Nơi đó có thể có những căn nhà lợp ngói khang trang, nhưng cũng không thiếu những túp lều dột nát, tơi tả, những đứa trẻ đen đúa, mình trần đang chơi đùa trên bãi cát. Và những con thuyền vẫn là thuyền gỗ như cả trăm năm về trước, những cánh buồm vá víu, khoang thuyền sơn quét đơn sơ, và nghề biển tạo ra những con người không bao giờ ăn mặc được tươm tất.

Ngư dân miền Nam từ Thuận An đến đảo Phú Quốc, từ 40 năm qua có một đời sống tương đối khá giả hơn, vì từ ngày nếm mùi Cộng Sản, gia đình nào cũng có người vượt biển ra đi và thành công ở nước ngoài. Nhiều gia đình đã bỏ nghề cá từ mấy đời này, để tìm một cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Những buổi cá về, những phụ nữ xóm chài khá vất vả, lúc nào cũng vội vàng, tất bật, tôm cá không giữ được lâu, phải có mối lái thu mua liền tay. Lúc chồng và con ra khơi là lúc người vợ, người mẹ đặt nỗi lo lắng theo con sóng. Những ngày bão dữ, số phận chồng con sốt ruột theo từng giờ. Có những ngư dân ra đi không có buổi trở về. Biển là ân nhân nhưng biển cũng là huyệt mộ. Biển nuôi người, nhưng biển cũng nuốt người. Những nén nhang hiu hắt theo gió trên bờ biển của những quả phụ thê thảm biết chừng nào.

Ngày xưa, ngư dân chỉ lo sợ thiên nhiên, lo sợ cơn cuồng nộ của trời đất với phong ba bão táp, ngày nay dưới chế độ này, ngoài trời đất, người đi biển còn lo sợ đến những con người hung hãn, xem vùng biển của tổ quốc chúng ta như ao nhà của chúng. Phải chăng vì những kẻ mà ông bà đã đào hầm nuôi chúng, bớt từng miếng cơm, manh áo cho chúng, hy sinh xương máu cho chúng, bây giờ đã quá yếu hèn, nhu nhược.

Những khuôn mặt phè phỡn, bụng phệ vì rượu thịt, xuống nước trình diễn màn tắm biển, liệu có giúp ích gì cho cuộc sống của ngư dân?

Đối với ngư dân cá là tiền mua lưới, là xăng nhớt, là hạt gạo, ngọn rau, là đời sống, là huyết máu.

Vậy mà bây giờ biển thấm độc, tôm cá chết.

“Chim bay dọc biển mang tin cá!” nhưng giờ này cá chết, chim trời cũng chết theo!

Ngư dân không muốn ngửa chiếc nón rách ra để nhận hạt gạo cứu trợ của chính quyền. Họ cần biển sạch, cá tôm tươi và biển của tổ tiên ngày trước phải là biển của đất nước, của ngư dân!

“Rừng vàng” ngày nay đã vàng váng bùn bô xít,

“Biển bạc” mới đây đã nhuộm đen chất chì, pha lẫn máu của ngư dân!

‘Cash only!’

‘Cash only!’
Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương

Ở Mỹ, ra khỏi nhà đi mua bán, không mang tiền mặt là chuyện thường, nhưng có một hôm nào đó, rủ bạn đi ăn phở, đến khi ra quầy trả tiền, mới ngớ ra vì mấy chữ “cash only.” “Phép vua thua lệ làng,” đành phải xấu mặt gọi bạn: “Ông có tiền mặt, trả giùm tôi!” “Cash only” có trăm thứ lợi cho chủ nhà hàng, nhưng chẳng tiện chút nào cho khách đi khách đến. Đành rằng thẻ tín dụng cũng là tiền, chi phiếu cũng là tiền, nhưng tiền giấy là tốt nhất.

(Hình minh họa: dayair.org)

Cứ tưởng tượng, một hôm nào đó, vợ chồng đi dự đám cưới ở nhà hàng, trong khi quan khách đều đến tay không, mà mình theo phong cách của những đám cưới thời xưa, khệ nệ khiêng theo một món quà để tặng cô dâu, chú rể thì “quê” hết chỗ nói. Không chỉ nhà trai nhà gái khinh mình ra mặt, mà quan khách chung bàn cũng xầm xì, xem mình như Mán xuống Bolsa. Cũng vì đây là văn hóa “cash only” nên phải là tiền mặt, mà là tiền lớn, tờ trăm có in hình ông Benjamin Franklin, chúng tôi hẳn không chấp nhận giấy bạc $20 kể cả những cái “gift card,” dù là Dior, Channel, Gucci hay hạng thường như Nordstrom, Macy’s.

Nhớ lại hồi xưa, cách đây 50 năm, bạn bè tham dự đám cưới đã “biếu” vợ chồng chúng tôi chừng sáu cây đèn để bàn, năm bộ bình trà, bốn cặp áo gối, hai xấp vải áo dài và quý đồng nghiệp cùng trường góp tiền nhau mua cho một cái đồng hồ Odo có tiếng chuông Westminster gõ mỗi 15 phút làm sốt cả ruột những đêm khó ngủ. Và cũng không thiếu những cặp vợ chồng khách mời, đến… tay không. Nhưng cũng không sao, cái thời buổi ấy “tiền tài còn như phấn thổ,” và cũng không ai đòi hỏi, hay có thông lệ, mừng đám cưới là phải có tiền mặt. Những món quà cưới theo phong tục, thường được đem đến nhà “đôi trẻ” trước ngày vui.

Ở nhà quê, ngày xưa ấy, đi ăn cưới chỉ cần xách cặp bia “BGI-Con Cọp,” chờ chủ nhà đãi khách xong, xin hai cái vỏ chai không về đem trả lại cho “depot.” Chủ yếu là vui, không ai tính chuyện lời, lỗ.

Chính vì cái thời buổi “cash only,” sau mỗi đám cưới, đãi đằng bạn bè, hai họ, cô dâu chú rể còn đủ tiền đi hưởng tuần trăng mật, nên những cặp đôi hay bậc cha mẹ thường tính chuyện lời, lỗ. Có gia đình chạy theo con số khách mời, càng nhiều càng tốt, nhất khi nhà hàng Tàu “khuyến mãi” đạt con số 50 bàn, thì được “free” bánh cưới, rượu champagne.

Những khách dự lễ cưới cũng theo phong tục văn hóa Việt Nam cũng không bao giờ than phiền chuyện “cash only,” vui lòng không những chi tiền, mà còn chịu khó đi “làm tóc” hay nhờ người trang điểm. Đám cưới ngày xưa không bao giờ có nạn cướp tiền mừng, nhưng ngày nay chính vì “văn hóa cash only” nên đã xẩy ra chuyện kẻ gian thừa cảnh đông người, trà trộn trong đám người ăn cưới, cũng áo quần tươm tất, bưng túi tiền mừng đi mất.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng đang chủ trương “cash only!” Tháng Hai, 2015, đại diện Bộ Tư Pháp dự thảo bộ luật hình sự, sửa đổi, giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền và “cải tạo không giam giữ.” “Cải tạo không giam giữ” vì nhà tù đầy nhóc rồi mà lại phải nuôi cơm, chẳng thà “cash only” cho tiện sổ sách.

Chê chủ tịch tỉnh trên Facebook: Phạt tiền! Uống rượu lái xe: Phạt tiền! Cô giáo xưng hô “mày, tao,” mắng học viên là “vô học”…: Phạt tiền! “Đái đường”: Phạt tiền! Bất hiếu: Phạt tiền! Chồng chửi vợ, hoặc vợ chửi chồng: Phạt tiền! Không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu: Phạt tiền! Vợ kiểm soát tiền chồng hoặc chồng kiểm soát tiền vợ: Phạt tiền! Không đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú: Phạt tiền! Điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức: Phạt tiền! Bán dâm: Phạt tiền! Mua dâm: Cũng phạt tiền! Làm ma cô: Lại phạt tiền!

Người Việt hiện nay ở trong nước, nghèo nhưng “phú quý sinh lễ nghĩa,” tiền thù tạc, hiếu hỷ ngốn hết 50% tiền lương mỗi tháng. Sinh nhật, tân gia, cưới hỏi, đồng nghiệp bảo vệ luận án, đi thăm người bệnh, đồng nghiệp ngã xe, đẻ con, tứ thân phụ mẫu thủ trưởng qui tiên. Phong kiến, tham ô đẻ ra cái chỉ thị quái đản là “khi có đám ma tứ thân phụ mẫu của cán bộ lãnh đạo (từ phó giám đốc sở trở lên) thì phải thông báo cho toàn ngành, toàn tỉnh” để biết, tức là để góp phong bì tống táng cha ông chúng nó.

“Cho nên không ít người mượn cớ đó để ‘thông báo’ có khuôn dấu đỏ hẳn hoi về cái chết của bố mẹ của mình hay của vợ, gây phản cảm và nghi ngờ về lòng hiếu thảo có mùi ‘cash’ này. Có những đám ma mà anh chị em trong nhà tranh giành nhau để tổ chức!” (vietbao.vn)

Cho nên đám ma, đám cưới lại trở thành một dịp… kinh doanh!

Trước đây, Việt Nam đã có dự án cho thanh niên đến tuổi đi lính đóng tiền để khỏi tòng quân, ai không có tiền đóng thì đóng máu là lẽ đương nhiên. Trên thế giới, chỉ có nhân gian trong XHCN mới có câu “Đồng tiền là tiên, là Phật, là sức bật của lò xo, là thước đo lòng người, là tinh thần của tuổi trẻ, là sức khỏe của người già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý…” Chân lý ấy không bao giờ thay đổi! Trong xứ này, làm gì cũng phải có thủ tục “đầu tiên,” tức là “tiền đâu?”

Thế gian xưa, nói về tình đời, đã có câu “đồng tiền liền khúc ruột.” Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!” Đó là chuyện “chạy án” trong nền tư pháp hay là chuyện “bôi trơn” trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam hiện nay. Nghe nói vào Bộ Chính Trị cũng cần “cash,” mà “cash only!” Ở đó cái gì họ cũng có thể bán đi và cái gì cũng mua được (*), nếu không mua được bằng tiền, thì bằng nhiều tiền.

Người đời thường mỉa mai: “Đồng tiền dơ bẩn!” Quả nó dơ bẩn thật, từ khi được phát hành, trước khi đi qua tay bạn, nó được chuyền tay qua nhiều người trong một thời gian dài, từ bàn tay chị bán tôm cá, nơi thắt lưng cô nàng múa cột, chủ lò mổ heo, tay anh chị “drug dealer,” cô nàng bán trôn hay thằng ma cô ở xó đường, nó tanh tưởi, có khi còn mùi máu! Nếu tôi là nguyên thủ quốc gia, tôi sẽ ra lệnh cấm in hình tôi trên tờ giấy bạc, vì tôi sợ những thứ này sẽ dính vào bộ râu của tôi!

Nó dơ bẩn về nghĩa bóng, ở chỗ đồng tiền, làm cho con người táng tận lương tâm, quên điều phải trái, đổi trắng thay đen, chém giết nhau cũng vì mãnh lực của nó.

Đồng tiền dơ bẩn thì phải đem đi rửa, giặt, hy vọng từ đồng tiền bẩn thỉu, người ta có thể có trong tay những đồng tiền sạch, nhưng khốn nỗi việc rửa tiền trong thế giới này là một tội trọng, đồng tiền càng rửa càng dơ bẩn thêm.

Đồng tiền như vậy đó, nhưng ở đâu, ra đường nhớ sờ lại cái ví, và xem lại trong ví có tiền (cash) hay không, rồi hãy lên xe.

(*) Từ rừng núi, đồng bằng, hải đảo
Đến xác thân em bé đứng đường.

‘Việt Nam – Hồ Chí Minh!’

‘Việt Nam – Hồ Chí Minh!’
Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Xin bạn đọc chớ vội dị ứng khi thấy hai tiếng Việt Nam được viết đi liền với tên Hồ Chí Minh. Đây chính là một sự gán ghép tệ hại, xấu xa nhất của lịch sử trong hơn nửa thế kỷ này.

Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Bà Nguyễn Thị Nhuận, một điều dưỡng viên hiện đang làm việc tại Nam Úc, đã kể lại một câu chuyện trên VnExpress, nghe đến nát lòng!

Bà được bệnh viện gửi đến nhà một người khuyết tật, bị bại liệt hai chân, để giúp chăm sóc thường ngày, giúp ông tắm rửa, ăn sáng, dùng máy nâng ông vào ghế tắm và đặt lại giường nằm. Vừa làm, bà vừa giải thích cho ông biết, nhân viên ngày thường đến chăm sóc ông hôm nay bị bệnh nên bà được cơ quan y tế cử đến thay thế.

Bỗng nhiên bà nghe ông hỏi, bà đến Úc lâu chưa?

Bà trả lời:

-Thưa ông, mới hai năm nay và tôi đến từ Việt Nam!

Nghe chưa dứt hai tiếng Việt Nam, ông già bỗng giận dữ quát to, một cách thô lỗ:

-Mày ra khỏi nhà tao ngay! Ra ngay!

Người điều dưỡng viên trong câu chuyện này ấp úng:

-Nhưng, ông đang trong nhà tắm…

-Không! Ra ngay, ra ngay!

Bà Nhuận nhẫn nhục để ông trên ghế tắm, khoác cái áo choàng cho ông và đi ra gọi điện báo về văn phòng. Họ bảo bà cứ yên tâm ra về, họ sẽ cử người đến làm tiếp và an ủi bà:

-Đừng coi đó là chuyện của riêng bà!

Bà Nguyễn Thị Nhuận kể lại: “Tôi cảm thấy tủi thân, trào nước mắt. Tôi mới từ Việt Nam qua với tâm trạng tuy mình còn kém tiếng Anh, nhưng người Việt Nam cũng ‘nổi tiếng anh hùng, dũng cảm, thông minh, sáng tạo…’ Bà cũng chẳng có tội tình gì với ông già, được đến để chăm sóc ông, và cũng tự đánh giá mình là người tử tế. Nhưng tại sao lại bị đối xử như vậy? Chẳng lẽ chỉ vì bà là người Việt Nam?”

Lẽ cố nhiên người điều dưỡng viên trong câu chuyện này không được bệnh nhân cao niên kia giải thích vì sao ông lại khinh miệt một người Việt đến như thế! Có thể trước đây, một người Việt Nam nào đó đã làm những điều xấu xa, hay đối với ông tồi tệ thế nào, khiến giờ đây ông ghét tất cả người Việt.

Cơ quan y tế cử bà Nguyễn Thị Nhuận đến giúp đỡ cho người đàn ông Úc cao niên kia đã an ủi bà: “Đừng coi đó là chuyện của riêng bà!”

Phải, câu chuyện này không phải là của riêng bà, một người Việt đang làm việc tại Úc mà của tất cả thanh danh của người Việt đang ở nước ngoài. Người ta cũng mường tượng ra, một người Việt Nam nào đó đã đối xử xấu xa hay làm một điều gì đó khiến cho một người Úc căm giận đến thế?

Du học ở Úc, bà Nguyễn Thị Nhuận cũng đã được bạn bè, ngay cả những người Châu Á, than phiền về lối sống vô trách nhiệm của sinh viên Việt tại đây, biết đến những thanh niên Việt Nam đang can dự vào các tội buôn bán ma túy tại nơi đã cưu mang họ, và bà cũng mới nghe tin hai người Việt bị bắt vì tội trộm cắp ở Thụy Sĩ.

Cũng như chúng ta, bà Nguyễn Thị Nhuận lâm vào hoàn cảnh này hẳn phải tức giận và xấu hổ, trăn trở tự hỏi: “Ai đã làm cho đất nước chúng ta lâm vào cảnh trái ngang này?”

Câu kết luận của bà Nguyễn Thị Nhuận là: “Có lẽ mỗi ngày tôi và các bạn nên nhìn thẳng vào tấm gương thực (chứ không phải những tấm gương nịnh mặt) để thấy những vết nhọ của mình.”

Khi mà mặt mình mang nhọ, đừng nghĩ là không ai thấy, có ra đường thì chớ vênh váo thêm nhục!

Bạn thử đứng vào vị trí một nhân viên quan thuế tại phi trường Changi, Singapore, khi cầm sổ thông hành của một cô gái Việt mới đến đây, mà không thể không liên tưởng đến chuyện tối nay, anh có thể gặp cô này trên con đường Joo Chiat Road tấp nập của Singapore. Hay một nhân viên phi trường Nhật nào đó cầm một cái sổ thông hành Việt Nam trong tay, mà không nghĩ đến bao nhiêu người Việt, kể cả các quan chức là lũ ăn cắp, buôn lậu.

Không phải không có lý do hay phát biểu hồ đồ mà Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã phát biểu: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ!” Thay vì nhìn nhận sự thật, “soi gương” thì chính quyền Hà Nội, thông qua truyền thông Việt Nam, đã bắt bẻ, đặt vấn đề về lòng yêu nước của ông, cuối cùng áp lực cho ông được về hưu sớm hơn so với kế hoạch.

Sau Tháng Tư, 1975, dân Bắc, ai đi Nam về cùng có chung một nhận xét “trẻ con trong Nam hầu như rất ít nói bậy và viết những điều tục tĩu lên tường nơi công cộng, đi đâu về nhà thì lễ phép cung kính vòng hai tay thưa gửi người bề trên. Đặc biệt, ngoài đường, xe cộ nếu có đụng chạm thì cũng không dẫn đến xô xát, chửi bới nhau như ngày nay.”

Sau năm 1975, “đất lành chim đậu,” nhiều đợt di dân mới ồ ạt từ Bắc vào Nam, tạo điều kiện cho Nam Bắc gần gũi nhau, nhưng cũng chính từ đó, thói hư tật xấu dễ lan tràn, đồng hóa hơn là học hỏi được điều tốt, và ngày nay cái tên “thành phố Hồ Chí Minh” cũng lấm lem không thua gì Hà Nội.

Sau Cách Mạng Tháng Mười, 1917 của Nga, nhà văn Maxim Gorki đã có nhận xét rằng “cuộc cách mạng đã có tác dụng tích cực lật đổ được chế độ phong kiến, nhưng với sự nắm quyền và quản lý xã hội của giai cấp vô sản ít học, nước Nga sẽ phải đối đầu với một tình trạng còn nguy hiểm hơn, đó là ‘lâm nguy văn hóa.’”

Đó là Việt Nam ngày nay. Muốn cải cách văn hóa, giáo dục, lối sống, cũng như của mọi công cuộc cải cách khác, trước hết phải cải cách chính trị, nói chung là thay đổi chính quyền. Từ đâu mà từ nửa thế kỷ nay vấn đề đạo đức – văn hóa – giáo dục của đất nước chúng ta trở nên tồi tệ như hôm nay, và hai tiếng Việt Nam trở thành một mối bận tậm, hổ thẹn của người Việt Nam, khi đi ra nước ngoài!

Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ mới xẩy ra đây thôi.

Ba năm nay, ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, vào dịp lễ Quốc Khánh 2 Tháng Chín, tòa đại sứ CSVN đều tổ chức một buổi tiệc “buffet” và mời đại diện đại sứ quán các nước khác và người lao động Việt Nam ở Malaysia tham dự. Buổi tiệc chưa bắt đầu, trước con mắt của quan khách ngoại quốc, dân Việt Nam đã nhào vào bàn tiệc lấy thức ăn, đến mức khách tham dự không còn gì ăn, tạo ra một khung cảnh hỗn loạn vô cùng xấu hổ. Năm sau, rút kinh nghiệm, tòa đại sứ tổ chức hai nơi, một ngoài trời và một trong hội trường cho quan khách. Người Việt Nam sau khi đã ăn ở ngoài trời, lại nhào vào hội trường vơ vét thức ăn. Vừa xấu hổ và vì danh dự, đại diện tòa đại sứ Việt Nam tại đây phải chắp tay xin lỗi quan khách!

Câu chuyện đạo đức hôm nay không phải là chuyện đạo đức mà chúng ta trước kia đã có và đã nói tới, mà chính là thứ đạo đức được nhồi nặn trong chủ nghĩa Cộng Sản, thứ “đạo đức cách mạng” sản xuất từ ngay vận nước suy vi, mùa Thu 1955, khi mà dân tộc Việt Nam “vô phúc” nhập cảng nhầm cái chủ nghĩa độc hại, không khác gì thực phẩm độc hại giết người của Trung Cộng hiện nay, là chủ nghĩa Cộng Sản.

Đó cũng là từ ngày hai tiếng Việt Nam được kẹp đôi và gắn bó với cái tên Hồ Chí Minh, như bài hát của “đứa con bất hiếu” Phạm Tuyên, mà những tên ăn bả của Việt Cộng đã nhảy cỡn lên mà reo hò trong các đại hội “Việt Kiều:” “Việt Nam – Hồ Chí Minh!” “Việt Nam – Hồ Chí Minh!”

Chúng ta đã rõ! Cái tên Việt Nam chưa bao giờ nhận được sự bẽ bàng, khốn khổ, khinh miệt từ ngày nó được ghép theo cái tên Hồ Chí Minh!

Văn hóa… nhang khói

Văn hóa… nhang khói
Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Tôi ra tù năm 1982. Bảy năm qua các trại cải tạo, tôi hiểu được những người Cộng Sản nhiều hơn ngày trước. Sau khi ra tù, về lại Sài Gòn, tôi lại hiểu được những người Cộng Sản hơn những ngày còn trong nhà tù. Cán bộ coi tù dù có chức phận đi nữa thì số phận cũng không hơn gì thằng tù, cũng thâm sơn cùng cốc, cũng bữa sắn bữa ngô, thằng tù phải lên rừng xuống rẫy giữa mùa Đông giá rét, hay trời Hè nóng nực, thì thằng cai tù cũng phải vác súng đi theo. Gia tài cai tù thì áo quần mỗi năm cũng chỉ hai bộ, đôi dép râu vừa mang trong chân vừa để chà lưng lúc tắm, cũng có thể để gối đầu lúc ngủ, thêm một cái bàn chải đánh răng, một cái chén ăn cơm với đôi đũa mang theo. Sang hơn thì có cái ca nhôm uống nước, nhưng không thì cơm rồi, rót nước vào chén cũng xong.

(Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Cán bộ cấp cao còn có cái “xắc cốt” đeo kè kè bên mình.

Năm 2002, tỉnh Quảng Trị lắp đặt hệ thống thoát nước tại cổ thành Quảng Trị đã phát hiện ra một chiếc hầm chữ A, trong hầm còn nguyên năm bộ hài cốt của lính miền Bắc trong tư thế đang ngồi, trong đó có bộ hài cốt của một sĩ quan, Thượng Úy Lê Binh Chủng, chỉ huy phó chính trị của một tiểu đoàn. Duy nhất bên bộ hài cốt này có chiếc “xắc cốt” da Liên Xô. Trong “xắc cốt” người ta tìm thấy: Một quyển nhật ký một nửa ghi chép công việc, một nửa viết cho cho gia đình, một quyển điều lệ đảng, một quyển 10 điều chính sách của mặt trận GPMN, một chiếc lược làm bằng nhôm, và một cái bút máy Trường Sơn có khắc dòng chữ tặng. Trong cuốn nhật ký còn kẹp những lá thư của người vợ từ quê nhà miền Bắc gửi cho chồng.

Gia tài của một binh sĩ hay một sĩ quan chỉ có ngần ấy.

Lúc không có gì trong tay, đến cả một đồng bạc lẻ, người ta dễ nói chuyện lý tưởng hay hy sinh. Năm người lính Bắc Việt trong chiếc hầm này không chết vì súng đạn mà vì chết đói và hầm bị gạch đá lấp kín, vì lý tưởng “chết là chết cho Liên Xô-Trung Quốc!”Năm 1982, tức là năm năm sau khi “giải phóng,” cán bộ Cộng Sản vào Nam không còn nghèo nữa, họ có thể vơ vét một ít chiến lợi phẩm là “tàn dư” hay “phồn vinh giả tạo” của miền Nam đem về Bắc đắp đổi, hay được ở lại miền Nam là “chuột sa” vào “hũ nếp” Mỹ Ngụy.

Nhà tôi ở Quận 10, Sài Gòn, gần đường Minh Mạng, là nơi chuyên bán đồ mộc. Tôi không chú ý đến chuyện cán bộ miền Bắc mua sắm, bàn ghế, tủ, giường… vì bây giờ họ có nhà cửa, cơ ngơi, sắm đồ đạc là chuyện thường tình. Điều tôi chú ý là cán bộ (giờ đó hầu hết còn mặc đồ bộ đội) đã chở trên xe gắn máy hay những chiếc xích lô những chiếc tran thờ còn mới mua từ những tiệm mộc đem về nhà.

Đó là những tran thờ Thần Tài, Ông Địa, dấu hiệu của chuyện bảo vệ tư hữu, tức là của cải mình có từ vợ con, nhà cửa, tiền của đến chức vụ, quyền lực.

Khi con người chỉ có một cái chén và một đôi đũa, ăn xong, tự rửa lấy và đeo bên mình thì không hề sợ mất và cũng chẳng nhờ con người hay ông Thần, ông Thánh nào giữ giùm.

Bây giờ cướp được chính quyền rồi thì cán bộ có chức phận, có nhà cửa, có tiền bạc. Thực tế là phải nuôi con chó giữ nhà để đêm hôm canh chừng trộm đạo, chức sắc lớn thì có nhân viên bảo vệ, nhà cửa thời đại này chắc chắn phải gắn máy quay phim. Chưa đủ, phải nhờ thêm đến Thần Linh, tức là Ông Địa, ông Thần Tài để giữ của, giữ chức vụ, tức là giữ ghế cho bền. Bàn thờ Ông Địa, ông Thần Tài thì phải nhang khói suốt năm, khi điếu thuốc lá, khi nải chuối, đối với cấp trên cũng vậy phải nhớ “nhang khói” đừng quên. Cấp trên thì không cần chuối, cũng chẳng cần gà, cũng chẳng cần điếu thuốc 555 như thời bao cấp. Bây giờ cái mặt “bác Hồ” cũng chẳng còn giá trị gì nữa mà phải là chân dung quý vị tổng thống Mỹ.

Thói quen là văn hóa, văn hóa hối lộ đã tràn qua địa hạt tín ngưỡng hay mê tín, dân tình trong đó tất nhiên có cán bộ nhét tiền vào tay Phật, đầu rùa, bỏ tiền vào ngai vua, bỏ lên bài vị, tượng La Hán, Kim Cương bị “ép” cầm tiền lễ ở tay, bị nhét dưới râu, thậm chí nhét tiền vào thạch nhũ khi thăm động. Hối lộ để cầu xin may mắn, tiền của vào nhiều, thăng quan tiến chức, giữ yên ổn cho gia đình và bản thân mình.

Ngày xưa, nghe lời dụ dỗ của đảng, thanh niên miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” trên đầu nón cối, dưới đất dép râu, không biết cầu xin, van vái ai, cuộc đời cũng chẳng biết đến nhang khói là gì. Ngày nay khi đã có chính quyền trong tay, với thế giặc phương Bắc, chỉ biết có một điều cư xử là cúi lạy. Khi người dân cúi lạy xin tha mạng trước bạo lực, thì chính phủ phải lấy đó làm nhục, vì chính phủ là đại diện của dân, chính phủ không che chở được cho dân, thì dân lạy vái cũng như chính phủ lạy vái.

Cả nước ngày này không có gì gọi là dũng khí, ngay cả báo chí Việt Nam cũng đã than thở đất nước đã đến hồi “mạt vận.” Thay vì ngẩng cao đầu, đứng thẳng lưng, thì cả biển người lại sống bằng quỳ lạy dập đầu và đi xin xỏ Thần Thánh ban phát sự giàu có, vinh hiển, công danh sự nghiệp.

Ở miền Bắc Việt Nam rộ lên cái gọi là lễ hội văn hóa, tôn giáo, với cảnh chen chúc giẫm đạp nhau nơi đền chùa, dâng đội mâm cao cỗ đầy, sì sụp lạy lục, lâm râm khấn vái, đốt vàng mã cho thần thánh, để xin xỏ, năn nỉ xuýt xoa, rồi giành giật nhau, đánh nhau u đầu chẩy máu để lấy hay cướp lộc mang về.

Xin một cái ấn đền Trần, là được may mắn thăng quan tiến chức. Chính ông Nguyễn Thiện Nhân, khi còn làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, đã “đích thân” đóng ấn để phát cho du khách thì còn ra cái sĩ diện quốc gia gì nữa!

Ba triệu thanh niên miền Bắc với “cái chén ăn cơm và đôi đũa giắt lưng” đã nằm xuống cho ba triệu đảng viên Cộng Sản hôm nay chỉ biết lạy lục kẻ thù và nhang khói Thần Thánh.

Trong bức di thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh chết tại cổ thành Quảng Trị, để lại, có viết cho vợ:

-“Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh!”

Theo tôi nghĩ, chỉ tiếc thương cho những cái chết trở thành vô nghĩa như của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Máu xương của hàng triệu người đó, không phải hy sinh để chúng ta có một đất nước như ngày hôm nay!

Nỗi Đau Tuổi Già –

Nỗi Đau Tuổi Già

Huy Phương

February 27, 2016 | by TVVN |

Nỗi Đau Tuổi Già – Huy Phương

Ở đây, chúng ta không bàn chuyện đau nhức, cao máu, tiểu đường…nữa, vì đã có quá nhiều vị bác sĩ quan tâm tới tuổi già trên đất Mỹ này. Những loại đau trên đã có thuốc và có chính phủ Mỹ trả tiền, nhưng có những thứ đau khác không có thuốc chữa và cũng không ai kê vai gánh vác giùm.

Báo OC Register thứ sáu tuần trước có đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước cổng một ngôi chùa ở thành phố Westminster. Ông lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày. Cảnh sát đến mang ông vào bệnh viện tâm thần. Ông không có trong người bất cứ một thứ giấy tờ nào để biết được ông là ai, ở đâu. Ông không nói một lời nào, chỉ biết lặng lẽ, đôi khi cười một mình như một người mất trí. Ông là một người Á Châu, Việt Nam cũng chưa chừng, như vậy ông không phải sinh ra ở đây, hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một tập phim Tiệp Khắc. Vậy là có người chở ông tới và bỏ ông lại đây, không ai ngoài con cái hay thân thích của ông. Lâu nay thỉnh thoảng người ta thấy có những thiếu phụ sinh con rồi đem con bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường. Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không ông sẽ đau khổ biết chừng nào?

Trước đây người ta kể chuyện có người chở bà mẹ già bỏ ở cây xăng, tôi không tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ thực sự lại có người “đem cha bỏ chùa”.

Cũng lại câu chuyện của một người già. Tháng trước, trong một dịp đưa người thân đi Việt Nam, tại quầy vé China Airline ở phi trường Los Angeles tôi đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng. Trong khi mọi người đang xếp hàng trình vé, cân hàng thì một bà cụ người Việt cứ loay hoay lúng túng trước quầy vé với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà. Bà ngồi bệt xuống đất hết móc túi này đến túi nọ, vẻ mặt lo lắng. Một nhân viên an ninh phi trường thấy tôi cũng là người Á Đông, ngỏ ý muốn tôi lên giúp bà cụ. Nhân viên quầy vé cho biết bà có vé máy bay, một visa nhập cảnh Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh. Tôi giúp bà moi từ đống giấy tờ ra chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam cấp cách đây mười mấy năm khi bà đến Mỹ đã hết hạn và một cái ID của bà do tiểu bang Florida cấp. Bà mới từ Florida đến phi trường Los mấy giờ trước đây một mình và trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.

Cuối cùng, bà cũng lên được máy bay, nhưng bà sẽ không bao giờ có thể trở lại Florida nữa vì trong tay bà không có passport của Hoa Kỳ, không thẻ xanh, không “entry permit”. Đây là trường hợp một bà mẹ già, quê mùa bị con cái “mời khéo” về Việt Nam. Tội nghiệp cho bà đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng hồ để đến phi trường LAX, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng không biết là mình không thể trở lại Mỹ và lòng bất nhân của con cái. Hình ảnh bà già này cứ ám ảnh tôi mãi. Bà vụng về, quê mùa, có lẽ cũng chẳng giúp ích được gì cho con cái mà chỉ thêm gánh nặng. Thôi để cho bà đi, khi biết mình không trở lại Mỹ được thì chuyện đã rồi. Tuổi bà có nằm lại trên quê hương cũng phải, sống chẳng giúp ích gì được cho ai, chết ở đây bao nhiêu thứ tốn kém.

Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off (trả hết). Khi các con đã có gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời. Thấy mẹ hiu quạnh trong một căn nhà khá lớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán nhà đi rồi về ở với các con. Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con. Bà không biết lái xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm home work, nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón. Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần mẹ thành gánh nặng. Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang gồi xem TV, nó hất hàm hỏi: – “Có hiểu gì không mà thấy má ngồi coi suốt ngày vậy?”. Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát gừng: – “Bả đi khỏi rồi!”

Một bà mẹ khác, ở chung nhà với một đứa con nhưng nhờ một đứa con khác đưa đi bác sĩ. Xong việc, nó đưa mẹ về rồi lẹ lẹ dọt xe đi làm. Bà già vào tới cửa, móc túi mãi không tìm ra cái chìa khóa nhà. Bà không có chìa khóa, không cell phone, cũng không có tiếng Anh, sợ sệt không dám gõ cửa hàng xóm. Bà ngồi đó, trên bục cửa cho tới chiều, khi đứa con ở chung nhà đi làm về, thì bà đã kiệt sức vì khô nước, phân và nước tiểu đầy mình.

Đời xưa, người ta kể chuyện trong một gia đình, có hai vợ chồng đối xử với ông cha già đã run rẩy của mình tệ bạc, cho cha ăn trong cái “mủng dừa”. Một hôm hai vợ chồng đi làm về thấy đứa con nhỏ của mình đang hì hục đẽo một cái gáo như thế, được cha mẹ hỏi, nó “thành thật khai báo” rằng “để dành cho cha mẹ lúc về già”.

Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ, cũng như nhớ chuyện “trồng đậu có đậu, trồng dưa có dưa”.

Huy Phương

Những Người Ở Lại

Một mặt trận hai kẻ thù

Giặc cộng bán nước, giặc tầu xâm lăng

Những Người Ở Lại

 Tạp Ghi Huy Phương

Người ta thường nói: “Chúng ta đi mang theo quê hương!” Nhưng quê hương là gì? Phải chăng đó là ngôn ngữ, thói quen trong cuộc sống, câu hò, giọng hát và miếng ăn, thức uống hàng ngày. Nhưng quê hương đâu phải chỉ có vậy, và như vậy là hết!

Bước chân lên bờ mà người ta gọi đó là mảnh đất tự do, bước chân xuống đất một phi trường nào đó mà người ta gọi là đất hứa, chẳng mấy chốc mà chúng ta đã quên hết. Mang theo quê hương nhưng chúng ta đã bỏ lại rất nhiều thứ, như người chăn chiên bỏ bầy chiên lại cho lũ sói rừng. Chúng ta bỏ lại người sống lẫn người chết, người chết đã đành, người sống thì cũng như người đã chết. Người sống hôm nay là những anh em thương binh quặt què của chúng ta, những người trong một đất nước tối đen mà mắt mình thì không còn trông thấy ánh sáng, sống đời sống lây lất trong cái thảm cảnh lê lết của những ngày tháng vô vọng còn lại.

Một người tù binh còn lành lặn, còn lại sau chiến tranh, đã mất đơn vị, không còn hàng ngũ, lạc bạn bè trên trận địa, sống giữa thù hận, kỳ thị, sống đã là một chuyện đau khổ. Chúng ta nghĩ thế nào một người thất trận, mù hai mắt, cụt hai chân, không còn hai tay, giữa rừng người thắng trận kiêu ngạo mà vô nhân tính, mà không thể chết.

Không ít người chỉ còn biết sống trong tình thương của người qua đường không quen biết, mà người qua đường cũng không cần biết con người khốn khổ đó là ai, khi chúng ta còn ngồi trong ghế nhà trường, sống hạnh phúc trong một thành phố chan hòa ánh sáng, nơi quán cà phê hay những đêm vũ trường, bên bữa cơm gia đình ấm cúng khi họ còn ba ngày lương khô, hai cấp số đạn, băng rừng lội suối.

Chúng ta có gần 100 vị tướng lãnh, những người mà “cấp bậc là xương máu của thuộc cấp,”(*) được may mắn ra đi trước khi Sài Gòn thất thủ, bỏ lại gần một triệu quân tinh nhuệ, hàng chục nghìn thương binh bị đuổi ra khỏi quân y viện, đã có ai có cái ý nghĩ kêu gọi đồng bào ở hải ngoại nghĩ ra chuyện “lon gạo thương binh.” Phải đợi đến 20 năm sau, mới có những người bạn đồng ngũ, mới ra khỏi nhà tù tập trung, thoát nạn, quần tụ nơi đây, ngồi lại với nhau, nghĩ cách kiếm đồng tiền cho bạn bè. Cho đến bây giờ, mỗi năm, cả thế giới, nhiều lắm là chúng ta mới có khoảng $2 triệu cho thương binh, trong con số $13 tỷ gửi về Việt Nam, mà đã có người kêu la bài bác, hô hào thương binh ngưng nhận tiền cứu trợ, vì đồng tiền gửi về này, giúp cho chế độ Cộng Sản vững mạnh và sống còn!

Có người còn dạy khôn các cơ quan cứu trợ thương binh ngưng gửi tiền giúp cho các thương binh, để dành năng lực ủng hộ cho một cuộc vận động không tưởng. Cũng có người dối trá với chính mình, khi khai tử đồng đội, cho rằng việc cứu trợ thương binh là một việc làm “dối trá,” vì bây giờ, sau 40 năm, làm gì còn có thương binh nữa!

Về việc đối xử với thương binh thua trận của chính phủ Cộng Sản hiện nay, thì chính phóng viên trong nước, Bùi Minh Quốc cũng đã công nhận: “Chính sách của chính quyền Việt Nam lâu nay từ sau 1975 tới nay rất tệ. Tức là họ phân biệt đối xử và họ không quan tâm tới cái quyền sống của số anh chị em thương phế binh của phía VNCH này.”

Việc cởi mở “có giới hạn” như những diễn tiến liên quan đến thương binh VNCH tại chùa Liên Trì hay Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn trong thời gian gần đây, và chưa lúc nào danh xưng Việt Nam Cộng Hòa được nói đến nhiều như hôm qua, hôm nay sau 40 năm bị chôn vùi và lăng mạ. Nhưng những điều này cũng không thay đổi được cuộc sống đen tối của những người đã chịu khổ 40 năm qua, nhất là những anh em ở xa vùng phố thị. Điều đáng buồn hơn là ngoài các chức sắc tôn giáo, một triệu người miền Nam trong 3 triệu người Sài Gòn hôm nay, vì đang chạy theo “cơm áo gạo tiền,” hay ký ức đã xói mòn, như người mất trí, chẳng còn ai lo âu, đoái hoài đến những người anh em năm cũ.

Trước khi nói đến những gì mà những người có lòng ở hải ngoại đang cố gắng tìm con đường sống cho các thương binh, công việc cấp bách hiện nay là tăng cường sự cứu trợ, vì con số thương binh chết càng ngày càng nhiều, vì tuổi tác, bệnh tật và đói nghèo. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, anh em thương binh cần chén cơm, viên thuốc hơn là những lời hứa hẹn hão huyền.

 Chiến dịch “Một Gia đình-Một Thương Binh” đã được Hội HO Cứu Trợ TPB phát động cách đây vài ba năm, tuy thấy đơn giản, nhưng thật khó khăn. Người có hảo tâm dễ dàng gửi đến hội một số tiền, nhưng thấy phiền phức khi phải có trách nhiệm, cưu mang lấy một gia đình, thường trực vài ba năm, lo lắng cho họ. Đồng tiền bảo trợ giờ đây ấm áp thêm những lời thăm hỏi, thấm đượm tình người.

Chiến dịch này không phải là để trút gánh nặng cho quần chúng, để các hội đoàn thiện nguyện phủi tay, đóng cửa, mà chỉ là lời kêu gọi sự quan tâm của chúng ta đối với từng hoàn cảnh riêng của mỗi một người, mà người cho kẻ nhận gặp nhau trong sự ân cần, gần gũi.

Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn đầy tình người, lẽ tất nhiên là khó khăn hơn khi chúng ta gửi đến các hội thiện nguyện một số tiền, mà thường là chúng ta chẳng hề quan tâm đến người nhận là ai.

Chỉ tính riêng những gia đình những người cựu quân nhân trong tập thể cựu tù nhân chính trị, hay những quân nhân đã vượt thoát ra đi vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, là những người đã từng chiến đấu bên cạnh anh em thương binh ngày nay, đôi khi còn là cấp chỉ huy, con số này lên đến hằng trăm nghìn. Một trăm nghìn gia đình bảo trợ cho 15,000 hồ sơ thương binh, không phải là chuyện khó khăn không làm được, nhưng cũng phải nói đây là chuyện khó khăn.

Phần lớn, có những chuyện chúng ta hay quên phải có người khác nhắc nhở, phần lớn chúng ta “có lòng” nhưng trong cuộc sống lại thường “vô tâm,” chúng ta đi nhưng thường ít khi quay đầu ngó lại.

Có những người chết cho chúng ta được sống, có những người thương tật cho chúng ta lành lặn, có những người đành ở lại để chúng ta có cơ hội ra đi.

Tạp ghi Huy Phương

Cho ngày tháng ấy lụi tàn

Cho ngày tháng ấy lụi tàn

Tạp ghi Huy Phương

Nguoi-viet.com

Bây giờ những gói quà đã được mở ra, ánh đèn trên cây Giáng Sinh đã tắt, trẻ em không còn nô nức chờ đợi và chúng ta đã trở lại với những ngày bình thường tất bật.

Các ông già Noel đi xe gắn máy trên xa lộ ở Belgrade, Serbia, hôm 26 Tháng Mười Hai, một ngày sau Giáng Sinh. (Hình minh họa: AP Photo/Darko Vojinovic)

Hai mươi lăm năm trôi qua trên đất Mỹ, tôi cảm nhận Giáng Sinh mỗi ngày mỗi buồn, không biết lý do có phải vì mỗi năm càng thấy mình mỗi già, thân không còn nhanh nhẹn, ý không còn lăng xăng. Đối với tất cả người già, như tuổi đời mệt mỏi, đứng lại bên lề đường hay lề đời, nhìn dòng xe hay dòng đời trôi qua.

Hai mươi lăm năm trước, khi tôi mới đặt chân đến Mỹ, dù chỉ với một gia đình gói gọn trong vòng năm bảy người, tuy không phải là người theo đạo Chúa, cũng như nhiều gia đình khác trong xóm, cả người ở lâu hay người mới đến, năm nào nhà cũng dựng cây Giáng Sinh, dưới gốc cây sáng ánh đèn, năm nào cũng đầy những gói quà cho nhau, được gói kỹ lưỡng với những tờ giấy gói trang trí đầy màu sắc.

Những ngày đó mỗi năm, tôi còn cắm cúi viết những lời chúc tụng trên những tấm thiếp mừng Giáng Sinh và năm mới, trình bày nghệ thuật, lúc nào cũng lấp lánh ánh ngân nhũ, mô tả những nóc nhà thờ đầy tuyết trắng, nhưng ông già Noel râu tóc bạc phơ trên chiếc xe tuyết do đàn tuần lộc, kéo chạy băng băng, từ trên bầu trời sáng đầy ánh sao.

Gần ngày Giáng Sinh, trên đường phố, tôi thường bắt gặp những chiếc xe chở những cây thông tươi nặng trĩu, và tôi có cảm tưởng rằng tất cả mọi nhà, đều có cây Giáng Sinh, có chăng đèn, kết hoa, có những gói quà cho người lớn và lũ trẻ, có bữa ăn “reveillon dinner” theo phong cách Âu Châu.

Những thương xá luôn đầy người mua sắm, không ngại tốn tiền mà ngại phải xếp hàng rồng rắn để đợi đến phiên mình trả tiền. Và những ngày cuối Tháng Mười Hai, đường về hình như kẹt xe nhiều hơn, trời thường tối sớm, cho chúng ta có cảm tưởng như bữa ăn tối thường dọn trễ hơn mọi ngày.

Có lẽ đối với trẻ em Giáng Sinh là một giấc mơ, một cơ hội tuyệt vời, nhưng đối với cả người lớn, chúng ta thử tưởng tưởng ra, một năm không có ngày Giáng Sinh, như con đường không có trạm nghỉ, dòng sông dài miên man không có một bến đỗ. Khéo cho ai đã đặt ra tuần, ra tháng, ra năm, để cho con người trên thế gian, có được cơ hội đếm thời gian, có chờ đợi, hẹn hò và cũng có hồi tưởng, để nhớ lại những ngày, những tháng, những năm…

Mãi lực mua sắm hàng năm của người Mỹ quả là có lên có xuống, nhưng là những món mua sắm cho bản thân mình. Những món quà Giáng Sinh mỗi năm cho bạn bè và người thân mỗi năm mỗi vắng. Trên đường đi, ít thấy cảnh những chiếc xe chở cây thông tươi về nhà. Trong thùng thư bưu điện họa hoằn lắm mới có tấm thiệp của người ở xa với những nét chữ quen thuộc, nhưng trong e-mail, có quá nhiều tấm thiệp vô hồn của một người gửi cho cả trăm người. Mấy năm rồi không hang đá, mà cũng chẳng buồn cây thông, con cháu lớn rồi, mỗi người một ngả, còn đâu phút sum họp mà mở quà.

Mấy năm nay không còn cái thú đi xem nhà thiên hạ giăng đèn rực rỡ đêm Noel, mà cũng chẳng còn mấy nơi chịu khó giăng đèn, chỉ còn những cây Giáng Sinh ở những khu thương mãi. Sở Vệ Sinh nước Mỹ càng ngày càng nhẹ gánh đỡ nhọc công đi đổ rác sau ngày Giáng Sinh khi thùng rác đầy giấy gói quà, thùng carton và những cây thông bắt đầu héo lá.

Cách đây 10 năm trong khu phố này, mỗi đêm Halloween có hàng chục em gõ cửa “trick and treat” năm nay chỉ có một lần với hai em, tôi bật đèn ngoài đến khuya, và rổ kẹo vẫn còn đầy. Phải chăng em không còn tuổi thơ hay ngoài đường không còn là nơi yên ổn cho em? Và phong tục, lễ tết càng ngày càng tàn lụi theo thời gian.

Rồi đây, các em sẽ biết rõ không có ông già Noel, không bao giờ có những chiếc xe tuần lộc chở nặng những gói quà, và tuổi thơ sẽ không còn mơ đến những câu chuyện huyền thoại của một thời như lúc chúng ta còn nhỏ. Nếu đời sống trần trụi, đơn điệu và mỗi đời người không có một giai đoạn gọi là tuổi thơ thì quả địa cầu này buồn biết mấy!

Thế giới hôm nay không còn “bình an dưới thế cho người thiện tâm,” thiên tai và nhân tai luôn luôn đe dọa rình rập loài người, không mang súng đạn cũng chết vì súng đạn, không là người ác cũng chịu chết như kẻ ác. Hãng thông tấn Sputnik cho biết, ở Mỹ hiện nay, súng là một món quà Giáng Sinh phổ biến và những khẩu súng làm quà tặng thì không cần kiểm tra lý lịch.

Chỉ nội cái ý nghĩ năm nay nhận được một khẩu súng lục trong gói quà Noel không biết chúng ta vui thích hay cảm thấy lạnh người, khi trên đất Mỹ, số người chết vì súng đã cao hơn số người chết vì tai nạn giao thông.

Trường học nhiều nơi, nhân viên và giáo viên đã được mang súng đến trường. Dù chưa có phép, ông già Noel cũng đã bắt đầu giấu súng trong chiếc áo bông dày cộm của ông, vì đám đông, dù là đám đông trẻ thơ tụ tập nhận quà, vẫn là mục tiêu tàn sát của bọn khủng bố.

Con người không mơ giàu có, không ước tiếng tăm, nếu được một ngày không phải lo âu, một đêm có giấc ngủ bình an, vui cứ cười, buồn cứ khóc, và mau quên những điều phiền muộn như trẻ thơ, thì thế giới hạnh phúc biết bao nhiêu!

Đó là lời cầu bình an!

Bình an dưới thế cho người thiện tâm!

 

‘Trận đánh’ nhà hàng Mỹ Cảnh

‘Trận đánh’ nhà hàng Mỹ Cảnh

Tạp ghi Huy Phương

(Để nhớ lại, nhân vụ khủng bố giết 129 người ở Paris)

Nguoi-viet.com

Ngày 14 Tháng Mười Một, sau vụ khủng bố ở Paris làm thiệt mạng 129 người, ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nhà nước CSVN, gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Tổng Thống Pháp Francois Hollande; Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Thủ Tướng Pháp Manuel Valls. Cùng ngày, ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao, cũng gửi điện chia buồn tới Ngoại Trưởng Pháp Laurent Fabius.

Nhà hàng Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn. (Hình minh họa: pronto.au104.org)

Trong khi đó, phát ngôn viên của chính phủ Việt Nam đã lớn tiếng: “Chúng tôi hết sức bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường xảy ra vào ngày 13 Tháng Mười Một, 2015 tại Pháp khiến nhiều người bị thiệt mạng và bị thương. Việt Nam xin chia sẻ những đau thương, mất mát to lớn mà chính phủ, nhân dân Pháp cũng như gia đình những nạn nhân đang phải hứng chịu. Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực mà chính phủ và nhân dân Pháp đang triển khai, những kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng!”

Đây là những giọt “nước mắt cá sấu” của tập đoàn CSVN, đồng minh anh em, dùng cùng sách lược với ISIS, nhỏ lệ thương xót Paris.

Chúng ta cũng đã biết bọn khủng bố tấn công vào Paris, ngoài các mục tiêu có đông người như nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France, bọn chúng còn dùng súng bắn xối xả vào các nhà hàng ăn, quán cà phê gồm Bar Le Carillon: một người chết, Le Petit Cambodge: 12 người chết, La Belle Equipe: 18 người chết, La Casa Nostra: năm người chết.

Bắn súng để giết người, thủ phạm có thể bị bắt, còn đặt mìn định hướng để giết người rồi chạy trốn, còn ghê tởm hơn ngàn lần.

“Chiến công” của ISIS đánh vào những mục tiêu phi quân sự ở Paris, có khác gì “chiến công” đánh vào nhà hàng Mỹ Cảnh trên bến Bạch Đằng, Sài Gòn, 50 năm về trước, đêm 25 Tháng Sáu, 1965 khi Việt Cộng đặt chất nổ để giết khách hàng ăn đang có mặt trên nhà hàng nổi, và giết luôn thường dân ngồi hóng mát hay đi dạo mát bên ngoài hoặc đang đứng chờ phà qua sông, tất cả là 42 người chết và khoảng 81 người bị thương.

Ngay sau đó đài phát thanh Hà Nội đã tuyên dương “thành tích vẻ vang của đội biệt động thành Sài Gòn” và cho rằng “…Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh tại bến Sài Gòn là một chỗ thu hút về đêm của những người Mỹ xâm lược… hàng trăm người Mỹ xâm lược và tay sai đã bị giết hoặc bị thương… Thêm nữa, nhiều xác chết của kẻ xâm lược vẫn còn bị đè dưới bàn ghế và mảnh vỡ của nhà hàng… Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh bị thiệt hại nặng. Một tầu chiến của Mỹ đậu bên cạnh cũng bị nổ tung…”

Năm tên đặc công khủng bố của Việt Cộng đều được tặng thưởng huân chương chiến công. Tên Huỳnh Phi Long (bí danh Huỳnh Anh Dũng) 45 năm sau mới được ra Hà Nội và người ta phải “thốt lên kinh ngạc và thán phục về tài mưu trí, dũng cảm đã thực hiện thắng lợi trận đánh vang dội nhà hàng Mỹ Cảnh Sài Gòn năm 1965.”

Xin dẫn chứng một vài dòng “sử” khủng bố của Việt Cộng để các bạn đọc xa gần, nhất là những người lớn tuổi ở Sài Gòn có thể nhận ra sự láo khoét, trơ tráo của những cái loa tuyên truyền bịp bợm của Cộng Sản:

– “Chủ nhà hàng là một người tên Phú Lâm, một tay sai đắc lực của tình báo CIA.”

– “Cấp trên nhận định phá hủy được nhà hàng này coi như ta đã triệt được một cái vòi của Mỹ-Ngụy và sẽ khoét sâu được mâu thuẫn giữa Mỹ và Ngụy.”

– “Địch lại thường xuyên bố trí hai cảnh sát mang súng tiểu liên canh gác bên cầu thang.”

– “Trên bờ sông bốn tên cảnh sát đứng dàn hàng ngang súng tiểu liên cầm tay, hai tên công an chìm đi lại ngay bãi trống đối diện nhà hàng.”

– “Dưới sông, an ninh hải quân của địch tuần tra liên tục.”

– “Tại các ngã tư địch tăng cường xe bọc thép và bọn lính dã chiến hình thành thế bảo vệ quanh mục tiêu.”

– “Một tầu chiến của Mỹ đậu bên cạnh nhà hàng Mỹ Cảnh cũng bị nổ tung!”

– “Vài phút sau, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cũng có mặt và chứng kiến cảnh tan nát này đã lắc đầu thất vọng và ủ rũ cúi đầu!”

Một cái nhà hàng ăn tầm thường trong trăm nghìn nhà hàng ở Sài Gòn vào năm 1965, mà được bố trí cẩn mật như thế sao?

Đánh mìn vào một nhà hàng ăn để giết người không khó. Để phịa ra chiến công, truyền thông Việt Cộng đã tô vẽ cho nhà hàng này thành một chiến lũy hay một pháo đài bằng thép. Sử Cộng Sản mô tả Mỹ Cảnh có cảnh sát chìm nổi, có xe thiết giáp và binh sĩ dã chiến bảo vệ, có an ninh hải quân tuần tra liên tục và một tàu chiến của Mỹ đậu bên cạnh!

Xin thưa với bạn đọc, cũng như những người Sài Gòn có sự hiểu biết và có đôi mắt quan sát, ngay cả Phủ Tổng Thống VNCH hay Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn cũng không thể nào được bảo vệ cẩn mật như nhà hàng Mỹ Cảnh được Việt Cộng mô tả trong sử sách như thế! Điều này, khốn nạn thay, có thể lừa được người dân sống trong vùng “giải phóng” bên kia sông Bến Hải và lũ trẻ con mang “khăn quàng thắp đỏ bình minh” (lời nhạc TCS) mà thôi.

Tôi chỉ nêu ra một trong trăm nghìn chiến công của “cách mạng.” Đặt mìn xe đò, tàu lửa, nửa đêm vào nhà cắt cổ người hoặc thả trôi sông, pháo kích vào trường tiểu học, ám sát các viên chức miền Nam Việt Nam như Giáo Sư Nguyễn Văn Bông và Luật Sư Trần Văn Văn, đập đầu chôn sống dân Huế tay không trong Tết Mậu Thân, cho pháo binh bắn vào đoàn thường dân di tản như “đại lộ kinh hoàng” hay tỉnh lộ 7B, không phải là những cuộc ra quân đối đầu quân sự, mà chính là những sự giết chóc khủng bố.

Hy vọng là chính phủ Việt Nam không treo cờ rũ hay gửi điện văn, hoa, nến để chia buồn và tưởng niệm những nạn nhân của các vụ khủng bố ở Paris, ở Ankara, ở Kuwait… Tôi chỉ yêu cầu một điều, xin các “đồng chí” chịu khó cúi xuống nhìn lại hai bàn tay của mình.

Khi chế độ sợ sử

Khi chế độ sợ sử

Tạp ghi Huy Phương

 Nguoi-viet.com

Theo báo chí trong nước, môn lịch sử dự định sẽ bị xóa bỏ khỏi chương trình giáo dục phổ thông, và sẽ được “tích hợp” với môn giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng! Dư luận trong và ngoài nước đã lên án gắt gao dự định này, và việc bỏ môn sử trong chương trình giáo dục của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa không phải là không có cơ sở, vì nó đã bắt nguồn từ cuộc Cách Mạng Tháng Tám, đảng Cộng Sản muốn viết lại lịch sử theo chiều hướng có lợi cho đường lối của đảng.

Nghĩa Trang Liệt Sĩ Người Trung Quốc ở Cao Bằng. (Hình minh họa: Tienve.org)

Hiện nay, trong giai đoạn Việt Nam đang trở thành con cái (một loại nghịch tử) của Trung Cộng, lịch sử Việt Nam đã là một trở ngại cho mối giao hảo của Việt-Trung, thì khi đất nước chúng ta trở thành một thành phần không thể cắt lìa của Trung Cộng, là ngôi sao nhỏ thứ năm trên lá cờ của bọn bành trướng. Lý do lịch sử Việt Nam là một chuỗi trường kỳ kháng chiến với giặc phương Bắc, và nước Tàu trở thành một “kẻ thù truyền kiếp” của dân tộc Việt Nam.

Sách “Việt Nam – Những Sự Kiện Lịch Sử 1945-1975” của Viện Sử Học-Viện Khoa Học Xã Hội (cơ quan chính thức của đảng và chính phủ) không hề nói đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa và sự hy sinh của những anh hùng tử sĩ VNCH trong trận chiến với Trung Cộng vào Tháng Giêng, 1974. Ngay cuộc tấn công của quân Trung Cộng chiếm các bãi đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa diễn ra ngày 14 Tháng Ba, 1988, phía Việt Nam mất ba tàu vận tải của hải quân, 64 thủy binh đã thiệt mạng cũng bị bỏ quên. Đương nhiên chuyện bán nước tày trời, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, vào năm 1958 đã gửi công hàm cho Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai nhìn nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng trên Hoàng Sa và Trường Sa lại phải giấu kín, không được ghi vào sử.

Vì sao đảng Cộng Sản Việt Nam lại giấu sử và viết lại sử, ngăn cấm không cho các thế hệ con em biết những sự thật đẫm máu về Trường Sa- Hoàng Sa, phải chăng là sợ mất lòng đàn anh “láng giềng khốn nạn!”

Cũng trong thời gian xảy ra những biến cố đau thương ở Gạc Ma, những việc nhảm nhí lại được đảng Cộng Sản tôn vinh thành sử sách như việc “Khai mạc Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Hội Chữ Thập Đỏ lần thứ năm” hay “Ngành Nội Thương tổ chức hội nghị đánh giá kết quả bước đầu chuyển hoạt động thương nghiệp sang hoạch toán kinh doanh XHCN.”

Ngay cả tội ác của lính Trung Cộng, trong cuộc thảm sát ngày 9 Tháng Ba, 1979 tại huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Cộng đã “dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có bảy phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình,” (*) mà ghê tởm thay, cũng được các nhà viết sử Cộng Sản lơ đi kẻo sợ mất lòng ông chủ Trung Cộng!

Những anh hùng do đảng nặn, phịa ra thì lại được ghi vào sử cho con em học ra rả. Đó là những anh hùng tưởng tượng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu… hay những dũng sĩ “không tưởng” như Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Bùi Minh Kiểm tay không ghì máy bay trực thăng thì được nhồi nặn vào đầu óc trẻ thơ. Thế hệ thanh niên bây giờ có thể biết về Lenin, Karl Marx là ai, trong khi một học sinh lớp 8 không biết ông Quang Trung “bà con” ra sao với ông Nguyễn Huệ, phải chăng vì “hai ông” này đều chống Tàu?

Khốn nạn hơn nữa, kẻ thù giết đồng bào lại được ghi công, nhà nước Việt Nam đã xây dựng đài tưởng niệm Liệt Sĩ Trung Quốc với hàng chữ “Việt Nam Nhân Dân Ký Công,” tức là “Nhân Dân Việt Nam Ghi Công” và hàng năm, đảng và nhà nước lại còn cúi đầu dâng vòng hoa tưởng niệm “Đời đời nhớ ơn các Liệt Sĩ Trung Quốc!”

Sao mà có một bọn cầm quyền hèn mạt đến thế.

Những việc tàn độc sau khi Cộng Sản miền Bắc đánh chiếm miền Nam, gọi là “giải phóng,” “thống nhất đất nước,” như tập trung quân cán chính, nhân viên đảng phái miền Nam vào nhà tù lao động khổ sai, đánh tư sản, lùa dân đi kinh tế mới, đổi tiền, các phong trào vượt biển đi tìm tự do… làm chết hàng triệu người Việt Nam, nó chính là tội ác, phải ghi vào sử, nhưng Cộng Sản sợ phải ghi những hình ảnh này vào sử, nó sẽ cho đồng bào biết Cộng Sản có bàn tay vấy máu như thế nào! Trong sử sách Cộng Sản, đảng ta luôn luôn “đánh thắng” dù là bằng cách trói tay và đập đầu chôn sống hơn 5,000 dân Huế trong Tết Mậu Thân!

Hãy nhìn đây sự khiếp nhược của đảng Cộng Sản Việt Nam trước bọn Tàu Cộng: Không có một con đường, một bến sông, một chiếc tàu hải quân nào dám mang tên có “hơi hám” đến cuộc chống Tàu xâm lăng trong lịch sử của cha ông, đó là những địa danh lẫy lừng trong lịch sử như Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng, Đống Đa, Hà Hồi hay các nhân vật lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu. Tất cả những con tàu thuộc Hải Quân VNCH đều hãnh diện mang những cái tên anh hùng chống Tàu như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Yết Kiêu…

Truyền thống của hải quân bất kỳ nước nào trên thế giới cũng là phòng thủ biên giới quốc gia, chống ngoại xâm, nhưng hải quân Cộng Sản Việt Nam chỉ bày ra để bảo vệ đảng, cũng như binh lính công an, bộ đội. Những con tàu của hải quân Cộng Sản Việt Nam hiện nay chỉ dám “rón rén” đặt những cái tên vô tội, ngây thơ không sợ “nhạy cảm” làm mất lòng đàn anh, như tàu HQ.182 tên là Hà Nội, HQ.183 là TP Hồ Chí Minh, HQ.184 là Hải Phòng, HQ.185 là Đà Nẵng, HQ.186 là Khánh Hòa, HQ.187 là Bà Rịa Vũng Tàu, HQ.011 là Đinh Tiên Hoàng, HQ.12 là Lý Thái Tổ. Nghĩ ông Đinh Tiên Hoàng hay ông Lý Thái Tổ thì có đụng gì đến bọn Tàu xâm lược.

Như vậy là quay mặt làm ngơ với lịch sử!

Là học sinh trung học thời VNCH, chúng tôi không những được học sử của Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh… mà trong sách Giáo Khoa Thư thuở tiểu học chúng tôi đã biết đến Ngô Quyền đóng cọc nhọn đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, ông Trần Hưng Đạo tâu với vua, “hãy chém đầu thần đi trước khi hàng giặc,” Trần Quốc Toản, tuổi thiếu niên, bóp nát quả cam trong tay, dựng cờ “phá cường dịch báo hoàng ân!” Thời bây giờ, chúng tôi không biết những Huỳnh Văn Bánh, Lê Thị Riêng, Ngô Văn Năm, Nguyễn Văn Đậu, Phan Thị Ràng… là ai, mà nghĩ thương cho “ông Quang Trung là anh em với ông Nguyễn Huệ!”

Một chế độ sợ sử và viết sử láo, chẳng qua vì hèn ngu, khiếp nhược.

Vì những lý do sợ Tàu, câu chuyện bỏ môn sử nghĩ cũng có nguyên nhân.

Dân tộc không sử là thứ con không cha, nhà không nóc.

Thôi thế thì thôi!

(*)Ghi theo tài liệu của Phạm Trần.
Nếu có thời giờ xin mời bạn đọc vào xem DVD “Thảm Họa Mất Nước”
https://www.youtube.com/watch?v=fpYuc2gs2bk

 

‘Ẩm thực’ thời ‘cách mạng’

‘Ẩm thực’ thời ‘cách mạng’

Tạp ghi Huy Phương

Nguoi-viet.com

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, sau khi người Nam “nhận họ,” người Bắc “nhận hàng,” bao nhiêu kho đạn, lương thực, thuốc men, máy móc… được chở về Bắc để vỗ béo cho cán bộ cao cấp, kể cả 16 tấn vàng, tài sản quốc gia, bị bọn cán bộ cao cấp, mỗi người “cấu véo” một tí, thì miền Nam trở thành một bãi rác hoang tàn. Sau khi đưa vào tù quân cán chính miền Nam, đánh tư sản, đổi tiền, lùa dân đi vùng kinh tế mới, thì dân đen, loại không biên chế, không còn cái ăn cái mặc, đau ốm không thuốc men.

Lá cây khoai mì. (Hình minh họa: Issouf Sanogo/AFP/Getty Images)

Cái ăn đã không có, trừ gạo mục từ các mật khu mang về, bo bo, bột mì, khoai sắn nộp nghĩa vụ lẫn đất cát còn không đủ no, thì chuyện đau ốm khó khăn – khắc phục. Xuyên tâm liên là vị thuốc độc nhất toàn năng phổ biến trong quần chúng dành cho những “ông chủ” của đất nước, như Tạ Phong Tần đã viết: “… sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, ai bị bệnh gì vô bệnh viện Bạc Liêu cũng đều được bác sĩ kê toa hai thứ thuốc không bao giờ thay đổi là xuyên tâm liên (viên nén) và chai xi-rô Lạc Tiên, đem về uống đến phù cả mặt mũi mà vẫn không hết ho…” Không phải chỉ có Bạc Liêu mà cả toàn quốc! Phổ biến thì súc muối hay nhỏ nước tỏi vào lỗ mũi. Trong nhà tù “cải tạo” ngoài Bắc, thì phái đoàn y sĩ từ Hà Nội về nhổ răng cho tù bằng kềm, búa, đục thợ rèn, 10 anh thì sưng mặt hết bảy.

Xuyên tâm liên là thứ cây thuốc có ở phía Nam Trung Quốc. Theo tính vị ghi trong tài liệu y học dân gian Quảng Châu, thì cây “xuyên tâm liên” này có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thủng, giảm đau. Được dùng chữa vết thương, tẩm gạc đắp vết thương hoặc làm dịch nhỏ giọt rửa vết thương; chữa viêm họng, viêm phế quản, lị cấp (nước sắc xuyên tâm liên cùng với bồ công anh, sài đất…).

Vào khoảng thời gian “mở cửa” khi mà Việt Cộng đã cho dân chúng nhận những thùng quà từ ngoại quốc gửi về, đặc biệt là những người vượt biên đến được Mỹ, thì hải quan tại phi trường Tân Sơn Nhứt bắt đầu ra lệnh tịch thu thuốc Tylenol trong những thùng quà với lý do là có chất độc, cần phải kiểm nghiệm. Mặc dầu Tylenol đã vài lần bị thu hồi (recall) tại Mỹ, nhưng đó là một thứ thuốc bán rất chạy trên thị trường Bắc Mỹ, đứng hàng thứ ba trong các loại thuốc đau nhức. Nếu hải quan tịch thu Tylenol và thiêu hủy tại chỗ thì không nói, đằng này trong lúc thuốc men khan hiếm, thuốc này dành cho cán bộ dùng, và được tuồn ra ngoài chợ trời để bán với giá cao.

Về cái ăn thì thịt là món hiếm, chỉ có trong các cửa hàng nhà nước, hay được chuyển lậu, bằng cách bó vào đùi, vào mông để qua mắt các trạm kiểm soát. Nhưng nhân dân đã có một thứ “thịt” dễ kiếm khác, đó là ngọn “lá sắn” bỏ đi, sau khi “thu hoạch” củ sắn (khoai mì) nông dân ủ thành phân xanh.

Báo Nhân Dân, “Cơ Quan Trung Ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tiếng Nói của Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân Việt Nam,” vào khoảng thời gian 1978-79 đã có những bài báo nghiên cứu để đưa đến kết luận: “Ba kí lô lá sắn bằng hai kí lô thịt bò,” vì lá sắn chứa rất nhiều chất protein. Sở dĩ tôi còn nhớ rõ, là vì trong trại tù ở Bắc Thái, bọn tù chúng tôi đã phải tập họp ngồi nghe bọn “trật tự-thi đua” đọc đi đọc lại bài nghiên cứu khốn nạn “ba kí lô lá sắn bằng hai kí lô thịt bò.” Trong khi dân nếu tin chuyện đảng hướng dẫn, ăn lá sắn đến vàng da, mờ người, thì Bộ Chính Trị và các quan chức dùng sữa, thịt bò Jersy từ trại Ba Vì và sâm nhung hảo hạng. Cái này thì không phải chờ đến sau Tháng Tư, 1975, mà trước kia, Nguyễn Chí Thiện đã nói lên giữa hai màu da mặt tương phản giữa lãnh tụ phè phỡn và quần chúng tí hon, tương lai của đất nước:

“Nước da hai bác mầu hồng

nước da các cháu nhi đồng mầu xanh

giữa hai cái mặt bành bành

chiếc khăn quàng đỏ quấn quanh cổ cò!”

Về sau mới biết vì sao có chuyện lá sắn có protein: Nguyên ngành chăn nuôi Bắc Việt nghiên cứu ngọn lá sắn nếu đem ủ chua vào khẩu phần vỗ béo bò thịt sẽ làm tăng lượng hấp thụ thức ăn. Trọng lượng bò được vỗ béo tăng dần theo mức bổ sung ngọn lá sắn ủ chua trong thức ăn của bò hằng ngày. Việc ủ chua lá sắn cho bò đã tiết kiệm được thức ăn. Nhân dân không được đảng xem là người mà xem như trâu bò, được dùng lá sắn thay cho cá thịt. Dân ngu thì cứ tin đảng và nhà nước tận cùng, đảng và nhà nước thì dối trá, ai chết mặc ai. Cuộc nghiên cứu của những “đỉnh cao trí tuệ” đã được đăng tải trên báo Nhân Dân, cơ quan của đảng Cộng Sản thì ai mà không dám không tin. Con bò ăn lá sắn lên cân, thì con người XHCN cũng có thể ăn lá sắn để tăng sức, con gà toi nhỏ mũi bằng nước tỏi được, thì con người XHCN có thể nhỏ mũi bằng nước tỏi để khỏi toi.

Câu chuyện này làm chúng ta nhớ lại một anh hoạn lợn (thiến heo) bên Tàu, có bà vợ cứ sòn sòn đẻ năm một, cứ nghĩ là cơ phận con người cũng giống heo, cắt tử cung đi là hết đẻ. Một ngày “đẹp trời” nọ, anh trói vợ ra giữa sân, dùng đồ nghề quyết tâm làm cho vợ cai đẻ, bằng cách tìm cách cắt bỏ tử cung của vợ. Lẽ cố nhiên, bà vợ không sao tránh khỏi cái chết do tri thức của anh chồng hoạn lợn ngu dốt. Dân Việt Nam thời “cách mạng” không thiếu người chết, vì các bậc lãnh đạo quốc gia, có đầu óc và tư duy của những anh chàng “thiến heo” loại này.

Thời “cách mạng” đổi đời, dân được khuyến khích đói thì ăn lá sắn, ốm đau thì đã có nước đái, nhân dân tự sản xuất, không cần phải bào chế hay “nhập khẩu!”

Đó là câu chuyện “niệu liệu pháp” từ cuốn sách của Bác Sĩ F.O. Quinn (Mỹ) do nhà nước xuất bản năm 1989, trong đó đã đề cập đến “phương pháp tự chữa bệnh bằng nước tiểu đơn giản, dễ kiếm, dễ dùng nhưng hiệu quả trị bệnh lại rất cao.”

Thời điểm này, cuốn sách xuất bản nhằm mục đích dạy cho dân chúng biết “khắc phục” chứ không phải là một chuyện tình cờ. Sau này giới y học trong nước công nhận nội dung “niệu liệu pháp” thiếu khoa học và gây hậu quả nặng nề, một số người bệnh vì uống nước đái! Cuốn sách sau đó bị cấm lưu hành và trôi vào quên lãng.

Ngày còn nhỏ, ở nhà quê, tôi cũng có nghe nước tiểu trẻ em cho đàn bà mới sinh dậy và có công dụng chữa các chứng bệnh như sốt nóng, ho ra máu, thổ huyết, hoa mắt chóng mặt, tay chân lạnh do huyết dồn lên đầu, sản hậu ứ huyết, tổn thương, huyết ứ… Nhưng không phải nước tiểu được đồn đãi “trị được bá bệnh” như “xuyên tâm liên” mà người dân khốn cùng phải làm liều.

“Trong nước tiểu có hàng loạt chất độc hại như: Amoniac dùng để tẩy rửa, Creatinine làm co bắp thịt, gây chuột rút, đau đớn, Amylase gây hạ đường máu, Ure gây hôn mê, Bilirubine và chì là chất cực độc, lân dùng để bón cây, ngoài ra còn hàng ngàn loại vi trùng, nấm, virus từ nước tiểu, rồi từ hậu môn xâm nhập qua nước tiểu khi chảy xuống… Do đó, có thể nói, nước tiểu người lớn là… thuốc độc.” (VT News)

Nhà văn Quang Lập (Hội Văn Nghệ Bình Thị Thiên) viết trong Blog năm 1985-86: “Vài ngày sau thằng Thịnh đưa tờ báo có bài: ‘Niệu liệu pháp phản khoa học, một trò lừa đảo!’” Cả hội mới ngớ người ra.

Anh Nguyễn Khoa Điềm nói hội mình anh em dại quá toàn nghe người ta xúi bậy. Anh Vĩ nói rất hay sự tuyên truyền rỉ tai nguy hiểm thế nào, tôi đã nói rồi tiếc thay anh em trí thức cả lại không ai cảnh giác.

Anh Nguyễn Quang Hà cười ha ha ha nói, tôi lừa các ông thế mà các ông cũng tin. Anh Văn Lợi nói Lập ơi tao thử trí thông minh mày, chứ đời nào tao uống. Mình cũng nói với Ngô Minh em trêu anh chứ có họa ngu mới đi uống nước đái. Ngô Minh cũng cười khe khe nói tao cũng lừa mày chứ sức mấy tao ngu!”

“Vì bởi người dân ngu quá lợn…” nên mới dễ bị chúng bịp.

Dân trí thức lại còn giở trò bịp nhau.

Thời “giải phóng” đảng nói với dân: “Đừng ăn những gì chúng ông ăn (có đâu mà ăn) mà hãy ăn những gì chúng ông nói!”