Nghĩ về Cha Mẹ

Nghĩ về Cha Mẹ

(Hình minh họa: Getty Images)

Huy Phương

“Cha Mẹ đối với con cái là bổn phận,

(Lâm Ngữ Đường)

Nhân dịp lễ Vu Lan, chương trình Quê Nhà- Quê Người trên Người Việt TV vừa rồi, chúng tôi đã thực hiện một chương trình mang tên “Gửi Con Yêu Dấu.” Tên chương trình chính là tên của một bài thơ. Trong bài thơ này, tác giả đã thay lời Cha Mẹ viết cho con, mong con hãy hiểu những gì ngày xưa khi còn tuổi ấu thơ Cha Mẹ đã làm gì cho con, để con nhớ mà đối xử tử tế với Cha Mẹ lúc về già.

Trên đời này, khi nhắc lại công ơn cả Cha Mẹ, tôi nghĩ đứa con nào cũng xúc động thấy mình chưa đền đáp được “công lao dưỡng dục,” “ơn nghĩa sinh thành” của Cha Mẹ, phần lớn suốt đời hy sinh cho chúng ta. Trong văn hóa Á Châu, người ta luôn đề cao đến chữ Hiếu và luôn nhắc nhở đến công ơn của Cha Mẹ, nhưng trong văn hóa phương Tây, những gì con cái đối với Cha Mẹ là “đặc ân” Cha Mẹ được nhận, chứ không phải “bổn phận” con cái phải lo.

Với khái niệm này, trong đoạn góp ý cho TV Show vừa qua, một khán giả đã viết cho chúng tôi nêu lên mấy điểm:

“- Cha Mẹ có sự chọn lựa về việc sinh ra con cái, trong khi con cái không có cái quyền chọn lựa trong việc mình sinh ra đời, nên Cha Mẹ phải có trách nhiệm lo cho con cái là chuyện tự nhiên.

– Bảo là con cái phải lo cho Cha Mẹ vì khi nhỏ Cha Mẹ lo cho nó, là đặt cái quan hệ giống như là một cuộc trao đổi, ‘tao gãi lưng mày, mày gãi lưng tao!’

– Thiên hạ không có can đảm nhắc tới chuyện già như thế nào là quá đủ và cứ bằng mọi giá kéo dài cuộc sống, không hạnh phúc, đầy khổ sở và là một gánh nặng cho tất cả mọi người!”

Nói chung con cái không có bổn phận gì đối với Cha Mẹ, vì cuộc sống không phải là một sự trao đổi và không nên sống quá già để trao gánh nặng cho người khác (con cái chẳng hạn)!

Quan điểm này chẳng có gì lạ! Con cái vị thành niên, giờ học đi lang thang ngoài đường bị cảnh sát xét hỏi Cha Mẹ chúng là ai, và Cha Mẹ nếu có bỏ bê con cái thì sẽ bị ra toà, và mất quyền nuôi con. Nhưng Cha Mẹ bị vứt bỏ ngoài đường sẽ không bị tra vấn con cái họ ở đâu?

Vào Tháng Bảy và Tám năm 2003, Châu Âu hứng chịu trận nóng hơn 41 độ C (khoảng 106 độ F), cao nhất trong vòng 500 năm trở lại. Riêng tại Pháp, 14 nghìn người đã thiệt mạng trong trận nóng dữ dội này, chủ yếu là người lớn tuổi. Nếu con cái di du lịch xa không kịp về để lo mai táng Cha Mẹ chết vì nóng thì chính phủ sẽ chôn giùm, nhưng nếu trẻ con chết thì người ta sẽ truy tìm ra Cha Mẹ là ai?

Quan niệm con cái chẳng có bổn phận gì với Cha Mẹ trong thời đại này không phải chuyện hiếm. Ngay trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại này, chuyện con cái đồng tình cùng dâu rể, thẳng tay đuổi Cha Mẹ ra khỏi nhà – ngôi nhà Cha Mẹ đã làm thủ tục để cho con – là chuyện thường tình. Những vị này đã khóc không hết nước mắt và ân hận đã vì tình thương trao hết tài sản cho con. Họ không đòi hỏi những đứa con phải trả hiếu, nuôi Cha Mẹ như ngày trước Cha Mẹ đã nuôi con, nhưng chưa bao giờ phải nghĩ rằng họ phải lâm vào một hoàn cành xót xa như vậy!

Ở độ tuổi 60, những bậc Cha Mẹ ở Hoa Kỳ thường rơi vào tình trạng “tổ trống” (empty nest) khi con cái đã “đủ lông, đủ cánh” để bay xa, chỉ còn lại hai vợ chồng đơn chiếc trong căn nhà rộng rãi thênh thang. Tôi nói “đơn chiếc” là vì hầu hết các bậc Cha Mẹ trong hoàn cảnh này ai cũng cảm thấy buồn bã. Họ chờ một tiếng điện thoại reo của những đứa con gọi về, những ngày lễ cuối năm vẫn mong có lần gặp lại con cái. Những căn phòng trống trải vẫn còn treo những bức ảnh thời thơ ấu, lá cờ kỷ niệm của trường trung học, những “trophy” thể thao của con, không suy chuyển. Và tội nghiệp, dù có đổi qua một căn nhà khác, Cha Mẹ vẫn muốn có một căn nhà, nhiều hơn hai phòng để dành cho dịp con cái ngày trở về thăm viếng Cha Mẹ.

Nhưng với những đứa trẻ, con cái thì không!

Có một thời, ở quê nhà, ông bà, cha mẹ, con cái thường sống chung dưới một mái nhà, có khi cả bốn thế hệ (tứ đại đồng đường). Trái với xã hội cũ, bây giờ khi chúng ta hội nhập vào xã hội Mỹ, hầu hết cũng phải làm quen với cảnh con cái trưởng thành lớn khôn, sống xa Cha Mẹ và nghĩ là không có bổn phận gì với bậc sinh thành.

Nếu nói rằng, ngày trước Cha Mẹ lo cho con, bây giờ Cha Mẹ già yếu, con cái lo lại cho Cha Mẹ là một sự trao đổi song phương, kiểu “tao gãi lưng mày, mày gãi lưng tao” là một ví von quá tàn nhẫn, hết cả tình người, chứ đừng nói gì đến quan hệ giữa Cha Mẹ và con cái.

Con cái thường trách Cha Mẹ ở mấy điểm: – Cha Mẹ vụng về không có khả năng, vô tích sự, – Cha Mẹ nói nhiều, – Cha Mẹ hay trách móc, – Cha Mẹ chậm chạp, – Cha Mẹ hay ốm đau.

“…Con tức giận có khi còn xấu hổ

Vì Mẹ Cha giờ ăn đậu ở nhờ.

Xin hãy hiểu và mong con nhớ lại

Những ngày xưa khi con tuổi ấu thơ.” (Gửi Con Yêu Dấu)

Bây giờ lớp trẻ sau này không ai muốn ở chung nhà với Cha Mẹ, vì đời sống cá nhân, cũng không có dâu, rể nào muốn sống chung với nhạc phụ, nhạc mẫu. Lúc còn mạnh khoẻ, ông đưa đón cháu đi học, chơi thể thao, học nhạc; bà lo chuyện bếp núc cơm nước cho cả nhà. Nhưng lúc về già, con cái không có thời gian và sức khoẻ để lo săn sóc, ẵm bồng Cha Mẹ, thì có một nơi cuối cùng là… nhà dưỡng lão.

Mấy ai thấy được: “Nuôi con mới biết lòng Cha Mẹ. Về già mới thấy mình bất hiếu!”

Muôn đời “Nước mắt chảy xuôi!”

Thống Nhất và nỗi đau ly tán của dân tộc

Thống Nhất và nỗi đau ly tán của dân tộc

TẠP GHI HUY PHƯƠNG

  

 

 

 

 

 

 

 

… Các mảnh vỡ từ hai bên cố ráp vào vẫn rời ra, xộc lệch không tài nào ăn khớp.
(Trăm Năm Ly Hợp- Lê Khắc Hoan)

Cảnh sum họp của những người con có Cha tập kết ra Bắc trở về Nam sau ngày 30 tháng 4-1975, tưởng chừng vui tươi cảm động đầy nước mắt trong một màn tái ngộ, đã trở thành một cảnh ngỡ ngàng xót xa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lưu Quý Kỳ, Vụ Trưởng Báo Chí Ban Tuyên Huấn Trung Ương và TTK Hội Nhà Báo Bắc Việt, năm 1954, đã cùng vợ ra đi tập kết, để lại miền Nam hai đứa con, một trai mới lên một tuổi và một gái mới lên ba, cho bà Ngoại nuôi. Người con trai bị bỏ lại miền Nam khi mới một tuổi nay là Thiếu uý Lưu Đình Triều thuộc Sư Đoàn 7BB, chờ đợi cái ngày hội ngộ với Cha Mẹ sau thời gian ly tán 30 năm, đã thấy rõ ràng mình vẫn là kẻ thù của cha mẹ và những đứa em sinh ra ở miền Bắc, khi chúng đã hát trước mặt anh câu “xô lên xác thù hung bạo!” Kẻ thù đó là đứa con bị bỏ lại 30 năm về trước, đang bị kết án là dắt lính hành quân đi bắt heo, bắt gà của dân!

Lưu Quý Kỳ, hay thân phụ nhà văn Phan Nhật Nam, cũng như biết bao nhiêu người Cha đi tập kết trở về, rút cuộc chỉ có một câu động viên con đang ở trong nhà tù tập trung không có bản án: “Ráng học tập, lao động tốt cho mau về với gia đình!” (theo Bên Thắng Cuộc. T.1)

Trong thời gian chúng tôi đi tù ở huyệnTân Kỳ thì nhà ông anh rể tôi ở huyện Đức Thọ cùng trong một tỉnh, thư không có, mà thăm cũng không. Nghe gia đình ở Huế kể lại ông anh rể tôi viết thư lên án gia đình bên vợ là “đã gây nhiều tội ác” trong khi  nhà chỉ có mình tôi bị động viên vào lính, còn lại là bốn người làm nghề dạy học.

Lê khắc Nghi, Chú họ người viết bài này có vợ là một hoa khôi làng Văn Xá, “cưới nhau xong là đi!” Ở miền Nam đứa con trai duy nhất lớn lên, “được” VC xã dụ dỗ tham gia du kích vì có Cha đi tập kết, trong một cuộc hành quân bị nghĩa quân miền Nam bắn chết. Ba mươi năm sau, ông Chú trở về theo một bà vợ răng đen do đảng “cơ cấu” và mấy đứa con rặt Bắc, “cháu bác Hồ.” Ngày trùng phùng hoá ra là ngày khởi đầu cho một giai đoạn ngỡ ngàng cay đắng. Sum họp như thế thà chia lìa còn hơn! Họ không còn giống nhau từ sự hiểu biết, giọng nói, lối sống và tư tưởng. Vợ chồng mà đó, anh em ruột thịt mà đó, cha con mà đó, nhưng xa cách nghìn trùng, càng dùng ngôn ngữ để tiến lại gần nhau, càng thấy xa nhau.

Trong Đèn Cù, Trần Đĩnh kể chuyện một ông cụ thổi kèn Tây trong ban nhạc của triều đình Huế thời Bảo Đại, tập kết ra Bắc, sau ngày “chiến thắng” chỉ còn độc một đôi dép râu, không có cả…bít tất. Ông cụ nói như lời trăng trối: “- Cảm ơn ông, đoàn với ai, tụ với ai? Vợ con chưa biết hiện ở đâu, đi theo nhà khác mất rồi có khi. Họ hàng thì chết trong Tết Mậu Thân… Tôi về đó vẫn lại trơ làm thằng tập kết đợt hai trơ trọi một mình… Ra đi để thống nhất đất nước, bây giờ ai thống nhất với thân già tôi?”

   Trần Đĩnh cũng như triệu triệu người miền Bắc ngây ngô, mơ màng thằng dân trong này bị bóc lột tận xương tuỷ, không có nổi cái chén mà ăn cơm, trong hành lý vào Nam của Trần Đĩnh có năm bảy thứ cứu đói được mang vào, trong đó có cả một cái thùng nhựa đựng nước kẻo sợ trong Nam không có được cái miểng sành chăng?  Người ngoài Bắc nô nức đi Nam xem chúng nó bị bóc lột đến cỡ nào, không ngờ “trong kia dân nó ối chà giàu ơi là giàu. Vàng chỉ năm chục đồng Cụ một cây. Tủ lạnh vài chục đồng một chiếc. Lạnh cứ là liên lu liền lù suốt năm. Bảo cho tay vào lâu là hoá ra đá!” hay “buồng nào cũng máy lạnh. Xin lỗi anh, tôi thấy sướng nhất là đi toa lét!”

Dân miền Nam quả là không đợi không chờ ai  vào giải phóng. Câu chuyện của Minh Trường, nguyên phóng viên nhiếp ảnh TTX Bắc Việt, kể lại cái hí hửng của kẻ “giải phóng” khi vào Sài Gòn đã bị một thau nước lạnh dội vào mặt. Bà mẹ  ra mở cửa, thấy mặt anh thì vội vàng chấp tay lạy:

– “Anh còn sống thì tôi mừng nhưng anh về thì tất cả các đứa con bao lâu nay sống với tôi, chăm sóc phụng dưỡng tôi đều đã bị các anh lôi đi tù hết mất rồi. Anh về thì nhà này tan nát, thì tôi trơ trọi. Thôi, tôi xin anh, anh đi với đồng chí của anh đi cho mẹ con tôi yên!”

Lê Khắc Hoan, một ký giả, nhà văn cũng là nhà giáo “bên thắng cuộc,” đã viết cuốn “Trăm Năm Ly Hợp” nói về chuyện đoàn tụ và ly cách của dòng họ Lê Khắc từ một ngôi làng nhỏ của miền Trung sỏi đá: Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sau 30 năm tập kết, cán bộ Bắc Việt Lê Khắc Hoan trở về, hí hửng tưởng bà con dòng họ này ai cũng chờ đợi, hân hoan đón tiếp.. Nhưng sự thật hoàn toàn khác những điều ông đã suy nghĩ! Ông về, vẫn mang theo loại chữ nghĩa nghịch với lỗ tai người miền Nam, có đoạn ca tụng “bác Hồ”, dùng chữ “ngụy quyền Saigon,” kêu gọi bà con “về đầu tư, xây dựng đất nước”, ca tụng làng Văn Xá Anh Hùng chống Mỹ (!), thiết nghĩ không có sức thuyết phục để anh em trong dòng tộc ngồi lại với nhau, mà chỉ gây thêm chia rẽ.

Nhưng khi tác giả trở về Nam, một số thân tộc đã bỏ nước ra đi, một số phải chịu cảnh tù đày, một số khác thất vọng, cay đắng, trừ những người ít bị thương tổn, không ai muốn liên lạc hay hợp tác, nhận họ với phía “giải phóng”. Ông tác giả này đã thú nhận gặp phải những sự lạnh lùng, ngỡ ngàng cay đắng, đã gửi đi hằng trăm e-mail, lời nhắn cho bà con, nhưng không hề được hồi âm, và ngay đối với người viết bài này, đứa em họ ở miền Nam, cũng ngần ngại không muốn cho tác giả biết địa chỉ, dù là địa chỉ e-mail. Ðiều này chứng tỏ, “miền Bắc nhận hàng” đã xong, nhưng miền Nam vẫn còn miễn cưỡng, chưa muốn “nhận họ”.

Cuối cùng, trong một sự thật cay đắng, người đi tập kết trở về đã phải thốt lên: “ … Các mảnh vỡ từ hai bên cố ráp vào vẫn rời ra, xộc lệch không tài nào ăn khớp!”

Sau 30 năm, khi con tàu xuyên Việt có thể nhả khói, kéo những hồi còi, chạy suốt, nối Hà Nội-Huế với Sài Gòn, nhân gian, bao nhiêu dòng họ tưởng là đoàn tụ, nhưng đây là lúc chia cách lớn nhất, không còn là vì khoảng cách của sông núi, mà bởi lòng người ly tán, tưởng chừng, rồi đây cả trăm năm sau, cũng chưa thể hàn gắn được

Để kết luận bài này tôi xin mượn lời của Lê Khắc Hoan, một nhà văn tập kết trở về sau ngày “thống nhất:” Hai phần ba thế kỷ trong vòng xoáy đối đầu tàn khốc, rốt cuộc, không một người nào ở phía nào được hạnh phúc vẹn tròn. Cho dù công danh hiển đạt. Cho dù vợ đẹp con khôn. Cho dù tiếng tăm lừng lẫy, chính trực nhân từ, tài ba uyên bác cũng nổi chìm quăng quật trong cuộc chiến đa diện, đa phương…”

Chúng tôi nghĩ khác, hạnh phúc sẽ được vẹn toàn, nếu từ nửa thế kỷ trước, nếu đất nước này không bất hạnh có nhân vật Hồ Chí Minh, mang chủ nghĩa Cộng Sản từ Liên Xô về để đày đọa dân tộc Việt Nam trong bao nhiêu năm. Chắc chắn chúng ta sẽ có “hạnh phúc vẹn toàn,” đó là ngày chế độ Cộng Sản tàn lụi trên quê hương Việt Nam.

(4- 2018)

Văn hóa tự nguyện

Văn hóa tự nguyện

Cảnh sát giao thông Hà Nội nhận một tờ nghi là tiền từ một người vi phạm giao thông. Sau khi “clip mãi lộ” đăng trên mạng xã hội ngày 11 Tháng Ba, 2018, 20 cảnh sát giao thông thuộc các Đội Cảnh Sát Giao Thông số 3, 5, 6 (PC67, Công An thành phố Hà Nội) bị đình chỉ. (Hình: Tuổi Trẻ)

“Cũng bởi thằng dân ngu quá ‘lợn’
Cho nên quân ấy dễ làm quan!” (Tản Đà)

Một chế độ đào tạo ra những con người của đất nước luôn luôn hành động một cách tự nguyện, không cần roi vọt, không cần ai nhắc nhở, phải chăng là một chế độ “tuyệt hảo?”

Ngày “cách mạng” mới vô, nhân gian thuộc lòng cái thủ tục “đầu tiên” là “tiền đâu?” Điếu thuốc lá đầu lọc được rút trong túi ra, ly cà phê sữa đá hột gà được đưa tận tay, không ai yêu cầu nhắc nhở!

Trong phường khóm, ngoài khu phố, làm ăn phải nhớ là “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá,” nhớ chung chi cho đủ, tránh chuyện sạt nghiệp, ra toà hay vào tù, bởi muôn nghìn lý do. Sinh nhật lãnh đạo, vợ con lãnh đạo hay ngày “tứ thân phụ mẫu” qua đời, đừng để ai kêu réo nhắc nhở, công xa nối đuôi trước nhà, với phong bao trong tay, tự động bước tới quan tài, để tiền bên cạnh bát hương.

Ông Bùi Thanh Hiếu, tức Người Buôn Gió, kể chuyện “đi nghĩa vụ” dưới chế độ, lính về nhà hằng tháng cứ đóng tiền, thỉnh thoảng đến đợt huấn luyện thì vào. Còn khi đi lao động thì hằng tháng đóng tiền được về nhà khỏi phải đi lao động. Thấy cách đóng tiền hằng tháng nó cũng lằng nhằng, ông bố làm giá luôn cho gọn với “ông quân lực.”

Thay vì lãnh hình phạt đào ngũ, Người Buôn Gió được đưa về làm “tà lọt” cho đại đội trưởng, Hiếu tưởng mình được may mắn. Thời hạn nghĩa vụ của Người Buôn Gió có 2 năm 8 tháng, trong khi các bạn cùng lứa phải hơn ba năm mới hết hạn phục vụ. Hỏi ra, ông bố đã chạy hay đã mất hai chỉ vàng, lúc nhận giấy xuất ngũ một chỉ, lúc về nhà đóng thêm một chỉ. Toàn là tự nguyện, thấy “những việc cần làm ngay” thì làm, chẳng có ai ra giá cả gì!

Đã mấy chục năm nay, giữa ban ngày ban mặt, ngay giữa ngõ vào Sài Gòn, người ở nước ngoài về, khi đi qua hải quan, phải tự động kẹp tờ đô la vào passport. Cũng không có bảng thông báo giá cả, không có lệnh lạc, xin xỏ gì. Cứ nhìn vào khuôn mặt, ánh mắt của hải quan mà tự nguyện, tự động móc túi. Ở chỗ công đường, đơn từ muốn giải quyết nhanh thì luôn luôn có tờ bạc, tờ “bác” kèm theo. Không có lòng tự nguyện thì phải từ bị thương tới chết, bị chết hay tự nguyện chết.

Tại tòa đại sứ CSVN tại Kuala Lumpur, Malaysia, một phụ nữ Việt Nam tên Bạch Mai đã tự sát bằng dao, vì bị các nhân viên tòa đại sứ này từ chối làm thủ tục cho cô về nước. Thông hành của cô có hiệu lực trong 10 năm, trong khi cô chỉ mới nhập cảnh Malaysia cách đây bốn tháng. Đây rõ ràng là một sự xung đột văn hóa đưa đến cái chết oan khuất của cô. Quan chức Cộng Sản bản chất đã mang thứ văn hóa bôi trơn, văn hóa phong bì, người phụ nữ khốn khổ kia lại thiếu văn hóa tự nguyện, đành phải chọn văn hóa… tự sát.

Chạy xe ra đường, dù là loại xe nào, khi thấy mình có lỗi, hay có cảm tưởng rằng mình không có lỗi, bị công an đứng đường thổi còi chận lại, thì phải tự xét mình, “mỗi cái tóc là mỗi cái tội,” có văn hóa tự nguyện, thì tự động móc túi, giá cả theo buổi chợ. Dân vốn ngoan lẫn ngu, đưa tiền xong còn cảm ơn người thò tay ra nhận, coi mình như vừa được đại diện đảng và chính phủ ban phát đặc ân. Đó là “ơn đảng!”

Báo Dân Trí đưa tin, trả lời phỏng vấn tại hành lang Quốc Hội, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Bá Thuyền nói với báo chí: “Có bộ trưởng đã phát biểu là cán bộ tôi không bao giờ đòi hối lộ cả, chỉ tại dân đưa, bởi thực tế, chúng tôi chỉ gây khó khăn, anh phải đưa tiền, không phải đòi.”

Cán bộ của ông bộ trưởng kia không ai đòi hối lộ cả. Thậm chí, người đưa tiền còn bị mắng cho là… không biết cách đưa, và vì hối lộ là tội hình sự. Song, có văn hóa tự nguyện thì quan chức chỉ “gây khó khăn thôi, còn việc đưa tiền là do anh!”

Cứ thử lên chốn công quyền nhờ việc gì đó, dù đó là công việc phục vụ của cán bộ, công chức, họ hạch sách đủ kiểu với hàng trăm lý do. Một trong những lý do là… thủ trưởng đi vắng, và dân hôm nay đợi, ngày mai đợi, ngày kia đợi… đợi mòn mỏi, đợi đến lúc phải có hành động tự nguyện.

Dạy cho người dân có tập quán và hành động tự nguyện không phải đất nước nào cũng làm được, mà phải được un đúc từ đường lối và nghệ thuật cai trị, “học tập và làm việc theo đường lối,” kinh qua một thời gian nhất là 70 tuổi đảng!

Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng, phải biết “tự nguyện” mới xong việc này!

(Huy Phương)

Việt Nam, ‘quốc gia say xỉn?’

Việt Nam, ‘quốc gia say xỉn?’

(Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Tạp ghi Huy Phương

“Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?” Đó là câu hỏi của ông Nguyễn Phương Nam, nhân viên của cơ quan Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tại Việt Nam về tệ trạng bia rượu ở nơi nầy.

Loại văn hóa ăn chơi, nhậu nhẹt đã gia tăng thêm tai nạn giao thông trong những ngày lễ Tết. Tám ngày nghỉ Tết có bao nhiêu ngày nhậu? Chỉ từ ngày mồng Hai đến mồng Bốn năm nay, Bính Thân, cả nước có 13,695 trường hợp bị tai nạn giao thông phải cấp cứu tại các bệnh viện; 2,716 trường hợp đánh nhau phải nhập viện. Chỉ riêng ở bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, thôi, trong ba ngày Tết, có hơn 200 trường hợp bị tại nạn xe cộ phải vào cấp cứu, trong đó, có tới 116 ca bị chấn thương sọ não vì va chạm hay té đập đầu xuống đường.

Hơn cả ma túy và tội phạm, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong nhiều cho thanh thiếu niên ở Việt Nam. Trẻ em, dù chưa đủ tuổi để lái xe, đã trở thành nạn nhân của rất nhiều vụ đụng xe. Theo thống kê của UNICEF hồi đầu năm nay thì tai nạn giao thông khiến mỗi năm có khoảng 4,200 trẻ em bị tử vong và hàng ngàn em bị tàn phế vĩnh viễn hay chấn thương não bộ.

Con số của người Việt Nam chết trong thời bình như vậy là quá kinh hoàng!

Đúng là tai nạn giao thông ở Việt Nam quá đặc biệt, “chẳng nơi nào có được!”

Ở đây chúng ta không nói đến những lý do gây ra tai nạn như số xe quá tải cho đường sá quá lỗi thời, ý thức trật tự và thiếu giáo dục của người lái xe, hay sự buông thả hoặc ý thức đạo đức của cảnh sát giao thông, như ở các nước nghèo trên thế giới, nhưng thủ phạm giết người ở đây là chất cồn trong rượu, bia.

Việt Nam đã làm một cuộc khảo sát trên những người gây tai nạn hay bị tai nạn giao thông tại Việt Nam, trong số 1,840 người bị tai nạn phải vào phòng cấp cứu, thì đã có 67% người lái xe khi đang say xỉn, 45% người khác lái xe chỉ mới sau hai giờ nhậu nhẹt.

Những người bênh vực, cho rằng lý do tai nạn giao thông chẳng phải vì rượu. Họ lấy lý do, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam chỉ tương đối cao, chứ không hề dẫn đầu thế giới. Trên thực tế, theo tài liệu của WHO, nếu xét về mức tiêu thụ đồ uống chứa cồn trên đầu người, Việt Nam vẫn đứng khá xa cỡ thứ 29. Nhiều người biện hộ: “Con số này ở nhiều nước phương Tây vẫn còn gấp đôi chúng ta!”

Nhưng trên thực tế, hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng rượu, bia cao thứ hai Đông Nam Á (sau Thái Lan,) thứ 10 ở Châu Á, và thứ 29 trên thế giới, nhưng trên thực tế có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều, vì việc nấu rượu và buôn bán rượu (lậu) của tư nhân không được kiểm soát đến nơi đến chốn.

Kết quả điều tra do Bộ Y Tế và WHO đồng thực hiện vừa được công bố giữa tuần qua cho thấy, tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu lên đến 77%. Điều đáng lo là, trong 10 năm qua, số lượng rượu, bia sử dụng trên thế giới không tăng nhưng ở Việt Nam lại tăng dữ dội. Từ những năm 2003-2005, lượng tiêu thụ bia rượu tính trên đầu người là 3.8 lít/năm, năm 2010, tăng gấp đôi là 6.6 lít/năm. Dự báo cho năm 2025, con số này sẽ tăng lên 7 lít cho mỗi đầu người một năm. Việt Nam tiêu thụ khoảng 3.4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu, đấy là chưa kể mỗi năm Việt Nam còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu “tự biên!”

Chính phủ rõ ràng không có biện pháp nhằm hạn chế bia, rượu gây ra, dự thảo chống tác hại của rượu, bia đề xuất quy định cấm bán rượu, bia sau 10 giờ tối xem có vẻ khôi hài. Như vậy, dân nhậu có thể mua trước vài két bia trước thời gian này và sau đó thoải mái nhậu cho đến sáng. Cũng không có luật nào cấm trẻ em dưới 21 tuổi “nốc” bia rượu.

Nhiều ý kiến cho rằng người Việt Nam uống rượu bia vô độ và không biết kiềm chế, sau đó lại thoải mái leo lên xe lái đi, “anh hùng” có bao giờ tự nhận là mình đã say.

Việt Nam từ những năm 1975 trở về sau này đã tạo ra một thứ “văn hóa nhậu nhẹt.” Đàn ông sau giờ làm việc, đi thẳng về nhà với vợ, không biết nhậu là những “thằng hèn” không bao giờ thành công mà cũng chẳng được ai thuê mướn!

Tất cả các mối quan hệ giữa nhân viên và thủ trưởng, công ty và đối tác làm ăn, công ty và khách hàng đều được xây dựng trên bàn nhậu. Càng biết uống, càng được lòng chủ, càng dễ thăng chức, càng được lòng đối tác, càng dễ ký hợp đồng.

Ông Jean-Francois van Boxmeer, tổng giám đốc Heineken, đồng ý Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, với 3.4 tỷ lít bia trong năm 2015, đứng thứ ba châu Á sau Nhật và Trung Quốc, và nằm trong “Top 25” của thế giới. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, dân số Việt Nam chỉ có 91 triệu, Nhật 127 triệu, và Trung Quốc là 1.3 tỷ người.

Như vậy, Việt Nam quả là “anh hùng,” vì người ít nhưng chịu nhậu nhiều, hơn là các quốc gia nhiều người mà nhậu ít.

Nhậu nhiều, nhậu giỏi, “chịu chơi” như vậy, nhưng gần 16 lao động Việt mới có năng suất làm bằng một người Singapore. Nếu giữ tốc độ này, phải mất hơn 60 năm, Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore. Tương tự, một người Nam Hàn cũng có năng suất lao động bằng bảy người Việt cộng lại. Mức năng suất lao động của nước ta cũng bị Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… bỏ xa.

Khi say xỉn rồi còn biết gì đến cảnh nước mất nhà tan. Xưa kia, mình trách Tây bày ra trò đá banh, hội chợ, bắn pháo bông… cho dân quên chuyện nô lệ, bây giờ chỉ nội cái văn hóa nhậu nhẹt đầu đường cho tới khuya, thì dân đâu còn muốn thấy, chẳng thèm nghe, chỉ còn tranh nhau nói lè nhè!

Những người làm chứng gian

 

Những người làm chứng gian

 

Trong ngành tư pháp, trước toà án hay trong vòng điều tra, một lời khai báo gian dối, không đúng sự thật được xem là một trọng tội; xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khác.

Nếu người làm chứng khai báo gian dối khác với sự thật mà mình biết thì sẽ gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra của cơ quan chức năng. Do đó, pháp luật có những quy định và hình phạt đối với hành vi người làm chứng gian.

Ngày nay tại hải ngoại, nơi có nhiều người Việt đang sinh sống, chúng ta thấy và nghe đầy dẫy những lời chứng gian trong các địa hạt, nhiều nhất hiện nay là món “dược thảo!” Ðể củng cố lòng tin của khách tiêu dùng, người ta đã mời rất nhiều khuôn mặt nổi tiếng trong cộng đồng trong giới thể thao, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu… để mời mọc giới tiêu thụ bằng những lời lẽ không thật, gian dối, tức là những lời chứng gian.

Tâm lý quần chúng là nghe theo những lời chứng này. “Thuốc không hay sao trên đài phát thanh và truyền hình người ta khen dữ vậy!” “Thuốc không hay sao diễn viên này khen, ca sĩ nọ giới thiệu!”

nhung-nguoi-lam-chung-gian
Từ trái sang: Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, (chụp trong khai mạc triển lãm ảnh Dương Minh Long tại Huế 1995)

Cuối cùng họ đem số phận và sức khỏe của mình thử thách cùng một loại nghệ thuật quảng cáo rất tầm thường nhưng có mãnh lực thu hút và nhồi nhét ý niệm rất mạnh mẽ!

Quần chúng thì chạy theo thần tượng, tên tuổi nên “cả tin” những gì họ nói, phô này, đôi khi cả những lời thề thốt, nhưng sự thật chưa bao giờ người quảng cáo có can đảm, uống một viên thuốc hay dùng sản phẩm của viện bào chế hay nhà sản xuất nọ đưa ra thị trường. Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ Bob Dole năm 70 tuổi đã quảng cáo cho loại thuốc cường dương Viagara, nhưng liệu thứ thuốc này hiệu nghiệm với ông như thế nào, vì đây là chuyện phòng the riêng tư của vợ chồng ông.

Trong chuyện chính trị, nói dối và hứa gian là những chuyện thường tình. Ðể tuyên truyền hay tán dương cho một chế độ người ta đã không thương tiếc khi dùng những kẻ gian dối để làm chứng gian cho họ, và những kẻ chứng gian đã sẵn sàng bỏ qua lương tâm và sự thật để “biểu diễn lập trường,” trả nợ cơm áo hay vì sợ hãi cường quyền.

Vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế năm 1968, qua cuốn phim của Lê Phong Lan với những “nhân chứng” xứ Huế như Nguyễn Ðắc Xuân , Hoàng Phủ Ngọc Tường và Trịnh Công Sơn là những chuyện làm chứng gian nguy hiểm nhất!

Trong một khúc phim, Lê Phong Lan phỏng vấn Nguyễn Ðắc Xuân, Xuân đã phủ nhận hoàn toàn chuyện thảm sát, nghĩa là Cộng Sản không giết ai cả, đây là do phản kích tâm lý chiến của phe VNCH, và Huế là nơi duy nhất đã đạt được cả hai mục tiêu “tấn công” và “nổi dậy”. Sự thật việc “tổng nổi dậy” là một chuyện hoang tưởng của phe Cộng Sản, không ai minh chứng được tên tuổi hay đơn vị quân đội, quần chúng địa phương nào đã “nổi dậy!” Sự thật là Việt Cộng đi đến đâu, dân Huế bỏ chạy đến đó, nghe chữ Việt Cộng là dân Huế “vãi đái” rồi. Ðây cũng là một thứ miệng lưỡi gian xảo của một người chứng gian được gọi là nhà “sử học!” Hay ông cho rằng quân nổi dậy được đếm trên đầu ngón tay, là anh em nhà họ Hoàng, cha con Nguyễn Ðoá và ông?

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một chứng gian tệ hại hơn. Luôn luôn nói rằng mình, trong thời gian Tết Mậu Thân, không có mặt ở Huế, nhưng trước ống kính truyền hình quốc tế thì Tường làm chứng gian rằng mình đã “lội” trong máu, mà không biết, khi bật đèn pin lên mới thấy đó là máu của 200 nạn nhân, trong một cuộc ném bom vào một bệnh viện trong thành nội Huế. Tôi chưa nói đến sự phi lý máu của 200 người chảy từ bệnh viện ra đường, thứ máu không đông đến nỗi ngập đường mà ông Tường phải “lội” mà không nghe mùi tanh. Tường cũng làm chứng gian nói rằng những phụ nữ miền Nam mang thai, có chồng tập kết ra Bắc đều bị công an, cảnh sát đạp cho văng thai nhi ra ngoài, và công chức Huế mỗi ngày Lễ Tết đều phải đến quỳ lạy tại nhà ông Ngô Ðình Cẩn. (số này đương nhiên là phải có HPNT và tác giả bài viết này!)

Khi nghe Nguyễn Ðắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường “ăn gian nói dối” chúng ta không ngạc nhiên vì họ là những người Cộng Sản, nhưng đến phiên Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ có tài đã để lại nhiều sự ái mộ trong lòng quần chúng, cũng chịu làm chứng gian cho bộ phim chối tội “Mậu Thân 1968” của Lê Phong Lan thì chúng ta hoàn toàn thất vọng!

Phát biểu của Trịnh Công Sơn trong bộ phim Mậu Thân 1968 của Lê Phong Lan là: “ …quân đội Bắc Việt Nam vô cùng nghiêm túc, kỷ luật, không hề có chuyện thảm sát!”.

Tôi là một nhân chứng có mặt Huế trong suốt thời gian 24 ngày trước khi quân Việt Cộng rút ra khỏi Huế. Trong thời gian này, gia đình Trịnh Công Sơn, có cả Ðinh Cường từ Saigon ra ăn Tết với Sơn, đã từ Phú Cam (nhà Sơn) chạy về trường Trung Học Kiểu Mẫu (toà Khâm Sứ cũ) được dùng như một trại tạm cư để tránh Việt Cộng.

Từ Saigon ra, gia đình tôi cũng từ Chợ Cống tránh VC chạy về đây. TCS đã ở đây cho đến ngày VC rút ra khỏi thành phố. Như vậy trong những ngày này, lúc nào, ở đâu, TCS đã tiếp xúc với bộ đội Bắc Việt, để có nhận xét rằng: “quân đội Bắc Việt Nam vô cùng nghiêm túc, kỷ luật, không hề có chuyện thảm sát?” Vậy thì ai là thủ phạm? Hay mấy nghìn dân Huế cùng nhau tự trói mình, tự nhảy xuống hầm và cùng… tự sát?

Nếu VC gặp một thanh niên đeo kính trắng, trắng trẻo, tóc dài, dáng dấp thư sinh như TCS thì chắc chắn người nhạc sĩ này không thoát cảnh nằm chung với đồng bào trong các hầm chôn tập thể. Thời đó, bọn ở trong rừng ra, biết TCS là ai?

Lời chứng gian này là một điều xúc phạm đến nỗi đau của hàng nhìn gia đình có thân nhân chôn chung trong 22 hầm tập thể. Vậy mà Lê Phong Lan dám nói rằng: “Không có nhân chứng nào có thể nói dối trong những cuộc phỏng vấn này.”

Những số phận thảm sầu

 

Những số phận thảm sầu

Tạp ghi Huy Phương

Người Việt vượt biển bị bắt ở Đài Loan. (Hình: Coast Guard)

“Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?”
(Tố Hữu)

Ngày 19 Tháng Ba, 2018, trong khi tại Hà Nội, Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, ra tòa lần thứ hai về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” khoảng $35 triệu thì trên bờ biển Đài Loan, cảnh sát tìm thấy hai người Việt Nam, một nam, một nữ bị chết đuối trôi dạt vào bờ biển. Những người này vì sự sống đói khổ đã phải bỏ nước, giao thân cho bọn buôn người ra đi.

Theo báo United Daily News, ba người Việt sống sót còn lại gồm một nam, hai nữ đã khai họ và hai người chết đuối kia đến từ Việt Nam. Nhóm của họ trả tiền để được chở bằng tàu tới Đài Loan, nhập cư lậu vào xứ này với hy vọng có thể tìm kiếm được một công việc tốt hơn.

Tuy nhiên, khi cách bờ biển Đài Loan khoảng 3 – 4 hải lý, thuyền trưởng của con tàu ra lệnh nhóm người Việt và hai người Đài Loan phải xuống tàu cứu sinh tự tìm đường vào bờ. Những cơn sóng lớn sau đó đã đánh chìm chiếc thuyền cứu sinh, tất cả bảy người trên đó đều bị rơi xuống biển. Không còn cách nào khác, họ phải tự bơi vào đất liền, nhưng có hai người đuối sức bị chết đuối và bị sóng đánh dạt vào bãi biển.

Một ngày sau đó, ở hai địa điểm, nhà chức trách cũng đã phát hiện thêm 26 người Việt vượt biển đến Đài Loan trên những tàu đánh cá của đảo quốc này và đã bị tống giam vào nhà tù Cao Hùng.

“Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình.”

Câu nói của Nguyễn Phú Trọng nghe rổn rảng, y như lối nói của những anh chàng “mãi võ sơn đông” ngoài phiên chợ chiều. Sao con người Việt Nam hôm nay lại khổ sở, điêu đứng như thế này. Vì sao nước giàu dân mạnh mà con người phải bỏ nước ra đi. Ngày trước còn đổ lỗi cho đế quốc xúi giục, trong cơn hoảng loạn, chạy theo “bơ thừa sữa cặn,” sao ngày hôm nay đã 43 năm “chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này” mà thiên hạ vẫn ùn ùn ra đi. Người giàu thì cho con du học, mua nhà cửa ở ngoại quốc, kẻ ít vốn thì đem thân “ở đợ” quê người, lấy chồng ngoại quốc hay xung phong đi làm thuê xứ khác. Bần cùng cũng tom góp, vay mượn để xuống tàu ra đi, hy vọng kiếm chút tương lai ở xứ người.

100 ngàn du học sinh Việt Nam học và làm việc ở 49 quốc gia, trong đó có đến 90% du học tự túc và nhiều người trong số họ đã không về nước.

Đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa đã lên tiếng báo động, hiện nay nhiều trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ, công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định cư ở nước ngoài.

Khi khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, du học sinh và công nhân xuất khẩu lao động đã trốn chạy xin tị nạn sang các quốc gia khác thay vì xin trở về nước. Số liệu thu thập được vào thời điểm đầu thập niên 1990 có khoảng 300 ngàn người sống rải rác ở Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Đông và Tây Đức…

Ngày nay hàng người tị nạn Việt Nam đang kẹt trên đất Mã Lai, Thái Lan và Cambodge, đang sống cuộc đời bất hợp pháp, vô tổ quốc, bấp bênh, đói khổ vì đã bỏ quê hương ra đi.

Bất chấp việc Chính Phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư lậu, hằng ngày vẫn có rất nhiều người Việt tìm mọi cách vào Anh bất hợp pháp với hi vọng đổi đời. Người bản xứ gọi họ là “người rơm,” tức người không có giấy tờ hợp lệ, sinh sống bất hợp pháp.

Năm 1954, sau Hiệp Định Geneve, cắt miền Bắc giao cho Việt Cộng, hơn một triệu người chạy trốn chế độ Cộng Sản vào Nam. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong gần hai thập niên sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, hơn 1.3 triệu người Việt Nam vượt biên, vượt biển đi tị nạn. Trong số này , Liên Hiệp Quốc thẩm định từ 200,000 đến 400,000 người không đến được bến bờ hoặc chết vì tàu bị đắm, bị hải tặc Thái Lan sát hại. Trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ đón nhận 823,000 thuyền nhân , Pháp 96,000, Úc cũng như Canada nhận 137,000 người, Anh quốc 19,000.

Nhưng vào năm 2013, gần 40 năm sau ngày Việt Nam thống nhất trong chế độ “xã hội chủ nghĩa,” nguyên nhân nào lại thúc đẩy hàng trăm người Việt Nam vượt biển ra đi?

460 thuyền nhân Việt Nam kể cả phụ nữ và trẻ em đã đến Úc trong 4 tháng đầu 2013. Hiện tượng người vượt biển lại tăng cao, bằng tổng số thuyền nhân đến Úc trong 5 năm trước.

Số liệu của Tổ Chức Di Cư Quốc Tế và Vụ Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Kinh Tế và Xã Hội cho thấy, từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 100 nghìn người Việt di cư.

Vậy câu hỏi đặt ra là đất nước không còn chiến tranh nữa, kinh tế cũng tốt hơn, thì tại sao họ lại bỏ đi?

Có người cho rằng đây là vì lý do kinh tế nhưng cũng có người cho rằng đây là hậu quả của chính sách đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội đối với nhân quyền, tự do ngôn luận và chính kiến tại Việt Nam. Nhưng dù là với lý do kinh tế, một chính phủ để dân đói nghèo, phải hy sinh mạng sống, bỏ quê hương ra đi, thì đó là một chính phủ tồi tệ.

Ngày xưa, sau Tháng Tư, 1975, người Việt vượt biển ra đi, được thế giới dang tay đón tiếp, lo chuyện ăn ở, thuốc men, cấp quy chế tị nạn, giúp tìm nơi chốn và giúp phương tiện để định cư tại một quốc gia thứ ba. Ngày nay, như những người Việt được bọn buôn người đưa đến Đài Loan, hay Âu Châu đã phải vay mượn, thế chấp nhà cửa, lo tiền trả cho bọn buôn người, được xem như là những người nhập cư trái phép, bị còng tay và đưa vào nhà tù hay bị trục xuất trở lại quê quán.

Nhưng bằng mọi giá, người dân Việt vẫn mong muốn chuyện bỏ đất nước ra đi.

Ngày nay có người đang ở trong nhà tù, có người đang sống vất vưởng trong ống cống gầm cầu, có kẻ đang sống cuộc đời khốn khổ, làm thuê ở mướn mà không đủ ăn. Tất cả họ đều là những người vô tổ quốc, sống bất hợp pháp, “những người rơm” như người dân Anh Quốc đã đặt tên cho họ.

Thực xót xa khi đọc lại hai câu thơ của Tố Hữu viết từ năm 1938:

“Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi.
Số phận hay do chế độ này?”
Mà câu trả lời thì đã quá rõ ràng, cay đắng!

Tư duy ‘lộng kiếng!’

 

Tư duy ‘lộng kiếng!’

Tạp ghi Huy Phương

Bàn ăn nơi Tổng Thống Obama ghé ăn bún chả năm 2016, được lộng kiếng. (Hình: Facebook Đàm Hà Phú)

Tháng Năm, 2016, Tổng Thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam, khi ra Hà Nội, ông đã cùng với đầu bếp nổi tiếng nước Mỹ Anthony Bourdain, ghé ăn bún chả Hương Liên tại số nhà 24 Lê Văn Hưu. Mang tính thân thiện, cũng như năm 2000 khi ghé Sài Gòn, Tổng Thống Bill Clinton đã cùng con gái đến dùng phở tại quán Phở 2000 gần chợ Bến Thành.

Khi một nhà hàng ăn được một đại tài tử chiếu cố thường lui tới, sẽ ăn nên làm ra nhờ tiếng tăm của những thực khách danh tiếng. Nhà hàng Patsy’s Italian Restaurant trên con đường phố 56 Street, New York, từ năm 1944, của một di dân người Ý, nhờ có vị khách thường xuyên là ca sĩ Frank Sinatra, đã trở thành một nhà hàng ăn của các bậc đại gia, giới nghệ sĩ nổi tiếng, như George Clooney, Al Pacino cho đến James Gandolfini và Tony Bennett.

Tiệm Phở 2000 ở Sài Gòn và tiệm bún chả Hương Liên, Hà Nội cũng nhờ tiếng tăm của hai vị tổng thống đã trở thành những địa điểm đắt khách nhất. Không nghe nói Sài Gòn đã có những sáng kiến quảng cáo về cái nơi một vị tổng thống của một đại cường quốc đã đến ăn một bát phở ra sao, nhưng ở Hà Nội chủ quán bún chả đã cho “lộng kiếng” bộ bàn ăn, chén dĩa và chai lọ, đũa muỗng… nơi Obama và Bourdain để thưởng thức món bún chả Hà Nội. Lẽ cố nhiên sau hai năm, cái dĩa, cái chén, đôi đũa, lọ tiêu, chai nước mắm, hai cái vỏ chai cũ không còn nữa, chỉ có tính cách tượng trưng. Tiếc là còn thiếu có cái tăm xỉa răng, tờ giấy lau miệng và chút DNA trên miệng chai bia ngài vừa tu xong.

Biết được chuyện này, Anthony Bourdain đã đăng tải lại bức ảnh trên trang Instagram cá nhân kèm theo lời bình luận “Tôi không chắc mình cảm thấy thế nào nữa?” Có nghĩa là Bourdain chưa hiểu nỗi kiểu chơi của Việt Nam, trò tư duy “lộng kiếng” của miền Bắc XHCN.

“Cái gì sợ người ta quên đi thì hãy lộng kiếng giữ lại!” Do đó, người người lộng kiếng, nhà nhà lộng kiếng, từ cái bằng liệt sĩ, giấy khen lao động vinh quang, hình bác Hồ đến cái xác giả trong lăng cũng phải “lộng kiếng” lại.

Tổng Thống Obama đặc biệt là một người danh tiếng và một nhân vật quan trọng nên cần lưu giữ lại chút kỷ niệm, nhưng ở xứ tôi, cái gì của lãnh tụ, của “cách mạng,” cái gì cũng cần “lộng kiếng” vì cái gì cũng thơm tho, quý giá cả.

Hằng trăm thứ đồ dùng của lãnh tụ, từ cái bàn máy chữ đến đôi guốc ở Hà Nội, cái tủ đựng quần áo, tủ con để đầu giường, cái la-va-bô rửa mặt ở số 9 ngõ Công-Poanh, và cả “cục gạch hồng” mà thi nô Chế Lan Viên đã cúi đầu ninh bợ “một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá!” cũng được xem như quốc bảo vào nằm trong viện bảo tàng.

Dân số Việt Nam là 92.7 triệu thì đất nước có gần 50 triệu khung hình “lộng kiếng” của Bác, phần dư ra có thể dùng vào việc cứu đói cho thương binh, liệt sĩ, cô nhi, quả phụ hay dùng để xoá đói, giảm nghèo. Hiện nay, trong cả nước, trên 27 tỉnh và thành phố đã có trên 630 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ được “lộng kiếng” từ cái nhà sàn, cái ao, nơi Bác sống, nơi Bác đã đi qua, nơi Bác đã dừng lại và nơi Bác nằm xuôi tay.

Theo thống kê của nhà nước CSVN, đến nay tượng và tượng đài tưởng niệm “Bác” đã có mặt tại khoảng 20 nước trên thế giới. Ở trong nước, hiện nay đã có khoảng 137 tượng đài HCM và theo dự tính, người ta sẽ xây thêm 58 tượng đài nữa… Mỗi tượng đài để suy tôn lãnh tụ, cái rẻ nhất cũng tốn vài ba chục triệu và cái đắt nhất là $70 triệu.

Các nước Tây phương và những người tư bản “chưa tiến bộ” như Anthony Bourdain khó hiểu nỗi cái tinh thần “lộng kiếng” trong chế độ Cộng Sản, và cũng chưa hiểu nỗi thói quen nói lái muôn đời của người Việt Nam.

Và, làm sao chúng ta có thể tưởng tượng ra, ngay như một vật ghê tởm nhất là một cái búa tạ vấy máu mà Việt Cộng dùng để đập vỡ đầu những người mà Cộng Sản kết tội là ác ôn, cũng được “lộng kiếng” đưa vào viện bảo tàng. Cái búa đã được ghi chú: “Búa – đồng chí Nguyễn Văn Thắng, huyện đội Mõ Cày (Bến Tre) dùng bổ chết 10 tên ác ôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước!”

Trong tương lai, khi chế độ Cộng Sản đã không còn trên đất nước Việt Nam, có lẽ có hai nghề làm ăn phát đạt nhất, là nghề bán ve chai khi thời đại “lộng kiếng” đã hết thời và nghề bán “xà bần” từ những tượng đài nghìn tỷ.

Chào mừng Việt Khang đến Mỹ!

 

Chào mừng Việt Khang đến Mỹ!

Tạp ghi Huy Phương

Việt Khang đến phi trường Los Angeles. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

 

Việt Khang đã bị chính quyền CSVN bắt vào cuối năm 2011, bị kết án 4 năm tù vào ngày 30 Tháng Mười, 2012, được trả tự do vào ngày 14 Tháng Mười Hai, 2015 và bị quản chế hai năm, đã đến phi trường Los Angeles, California, lúc 1 giờ 20 chiều ngày 8 Tháng Hai, và được đông đảo đồng hương và giới truyền thông ra đón.

 Cũng không phải tự dưng mà công an Cộng Sản tử tế tới nhà Việt Khang mời lên máy bay đi Mỹ. Nhạc sĩ Trúc Hồ và SBTN có sáu năm vận động cho Việt Khang, mở chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư vào năm 2012, và sau đó đã âm thầm vận động với Thượng Nghị Sĩ John McCain để ông trực tiếp can thiệp, nêu trường hợp của nhạc sĩ này với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi làm việc với CSVN.

Phải nói Việt Khang là hình ảnh của tuổi trẻ tinh hoa của tổ quốc với một lối tranh đấu, phê phán đặc biệt. Không giăng biểu ngữ, không xuống đường, không hô hào, chỉ với một bài hát, Việt Khang đã làm đánh động đến con tim và nỗi xót xa của hằng triệu người Việt tha hương, và làm chấn động cả bộ máy cầm quyền CSVN, nhất là giới công an, những người được Việt Khang gọi đích danh, chỉ mặt trong trong câu hát “Anh là Ai?” Rõ ràng là nhà cầm quyền đã phải kiêng nể. Việt Khang không có thế lực, không có dao súng trong tay, chỉ với một cây đàn và những nốt nhạc, đã làm cho cường quyền phải sợ hãi. Dập tắt nỗi sợ hãi này, chúng đã dùng thứ vũ khí muôn đời của mọi chế độ độc tài là cảnh sát, dùi cui, tòa án và cuối cùng là nhà tù. Có một thời đại nào trong lịch sử Việt Nam, tồi tệ và hèn hạ như hôm nay, khi mà một câu hát chống Tàu xâm lược, lại làm cho chính quyền lo sợ, bắt bớ, trù dập tác giả như trường hợp của Việt Khang?

Nhưng nhà tù không bưng bít dập tắt được lời hát yêu nước này, bài hát này đã bay qua những đại dương, những cánh đồng, vượt qua những biên giới để đến trên môi những em thơ, trong lồng ngực của tuổi trẻ yêu nước đang hướng về quê hương, về hình ảnh Việt Khang sau những song sắt của nhà tù.

Báo Nhân Dân Hà Nội đã lên án cho rằng “mục đích hành động của một số người đang nhân danh dân chủ để gây rối loạn xã hội, cản trở sự phát triển đất nước.” Vậy thì nếu có cơ hội, Việt Cộng không ngần ngại đẩy những nhà tranh đấu dân chủ trong nước ra đi, dù là đến một đất nước tự do, giàu sang, không phải chịu cảnh lưu đày, trước là được tiếng nhân đạo, sau là loại bỏ ảnh hưởng của những nhà tranh đấu này ở trong nước.

Việt Khang không phải là nhà tranh đấu dân chủ cho Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ, trước đây đã có những nhân vật như Đoàn Viết Hoạt, Đoàn Thanh Liêm, Nguyễn Chí Thiện, Hoàng Minh Chính, Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy, Mục Sư Nguyễn Công Chính, Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Chính Kết… Trong này có những người như Đỗ Minh Hạnh được sang Áo thăm mẹ, đi một vòng sang Úc, cuối cùng trở về Việt Nam. Ông Hoàng Minh Chính sang Mỹ chữa bệnh, đã về lại Việt Nam. Trong trường hợp này thì Nguyễn Chính Kết đến Mỹ bằng con đường tự chọn, không phải do CSVN cho phép ra đi.

“Những nhà tranh đấu ra hải ngoại có dễ dàng tranh đấu hiệu quả hơn ở trong nước hay không?” Đó là sự băn khoăn của nhiều người khi nghe tin một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền trong nước, “bị” hay “được” ra đi. Tôi đã có dịp đặt câu hỏi này với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, nhà thơ này cho rằng, ra hải ngoại việc tranh đấu thuận lợi hơn, nhờ không khí tự do, gần gũi với truyền thông thế giới.

Câu trả lời của một người khác, đã hoạt động trong cộng đồng lâu năm là “không!”

Nhân vật này nêu lý do, trừ một vài trường hợp đặc biệt, như Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt và Luật Sư Đoàn Thanh Liêm, dễ hội nhập với đời sống mới, ít lo đến sinh kế, có nhiều mối liên kết với cộng đồng và các nhân vật ngoại quốc. Phần lớn các nhà tranh đấu ra nước ngoài khó hội nhập với đời sống mới, một mặt phải lo cho cuộc sống áo cơm, lo ăn, lo mặc, chịu cảnh nhà thuê, nên một số đành thúc thủ, im hơi lặng tiếng vì “lực bất tòng tâm.”

Đó là chưa nói đến sự đánh phá, vùi dập, bôi xấu của nhiều phe phái, Cộng Sản hay không Cộng Sản, tại hải ngoại hay được yểm trợ từ các thế lực trong nước mà trường hợp của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là rõ nét nhất. Ông bị vu cáo là “Nguyễn Chí Thiện giả,” “ăn cắp thơ,” thậm chí bọn đánh phá, táng tận lương tâm, đã gắn cho ông cái tội xấu xa, là đã hành nghề “chủ động đĩ!”

Một số khác có thành kiến hiểm độc, kết án các nhà tranh đấu có gốc gác là bộ đội như Điếu Cày, công an như Tạ Phong Tần… là đối lập cuội, khổ nhục kế. Nếu khổ nhục kế mà phải dùng đến cái chết của mẹ già như trường hợp Tạ Phong Tần, thì bọn vu oan, giá họa này đúng là bọn “ngậm máu phun người!” Nói chung không có nhà tranh đấu nào sau một vài năm còn giữ được khí tiết và hoạt động hữu hiệu cho đất nước!

Phải chăng vì vậy mà Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, một người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, đã ba lần bị tù tội, với tổng cộng thời gian trên 20 năm, mặc dầu được quốc ngoại can thiệp cho ra đi, đã chọn con đường ở lại tranh đấu cùng với đồng bào trong nước.

Hải ngoại đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuộc phỏng vấn, bao nhiêu bản nhạc bài thơ, bao nhiêu đêm thắp nến cho những nhà tranh đấu, nhưng chúng ta đã tiếp đón những người này với thái độ như thế nào, khi họ ra hải ngoại, được hít thở bầu không khí tự do như chúng ta,?

Thay vì một vòng hoa tri ân, chúng ta gửi đến họ những quả trứng thối!

Nhiều người cho rằng việc đánh phá những người tranh đấu từ trong nước khi ra hải ngoại là chủ trương của Cộng Sản, nhưng tham gia công việc “giết người chẳng lọ gươm dao” này hôm nay lại là những người thường vỗ ngực cho mình là người chống Cộng ở hải ngoại.

Đó là hình ảnh một miếng thịt tươi được vứt xuống một hầm cá sấu, và chính quyền cộng sản trong nước luôn luôn tìm cách đẩy họ ra khỏi nước để nhờ tay người khác giết họ để khỏi bị mang tiếng là đao phủ thủ!

Việt Khang! Em là nhà tranh đấu trẻ tuổi nhất phải bỏ nước ra đi đến định cư tại Mỹ. Tôi tin rằng em có đủ thời gian để làm lại cuộc đời và đủ sáng suốt chọn con đường tranh đấu hữu hiệu cho mình đối với quê hương. Em được mọi người yêu thương vì lời hát của em đã bay đến tận mọi nhà, trong và ngoài nước!

Điều cốt yếu là mong sao, qua bao nhiêu nghịch cảnh, lòng em vẫn giữ được ngọn lửa tranh đấu và yêu nước, ngọn lửa ấy sẽ là mồi lửa châm bùng lên, đốt tan bóng tối cho những thế hệ như chúng tôi, được thấy quê nhà trong một ngày vui trọn vẹn. (Huy Phương)

Lạc quan… tâm thần!

 

Lạc quan… tâm thần!

Tạp ghi Huy Phương

Người Việt Nam “lạc quan” hay “ngây thơ” với những hình ảnh như thế này? Cảnh đường phố cứ mưa là ngập ở Sài Gòn. (Hình: Zing)

Mấy lúc sau này, đọc những tin tức về Việt Nam, nhất là những nghiên cứu, đánh giá về cuộc sống tại Việt Nam, chúng ta thường vấp phải sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên… như có những nghiên cứu cho rằng người Việt Nam hiện nay có cuộc sống hạnh phúc nhất, nhì trên thế giới. Và mới đây, người Việt Nam lại được xếp hạng đứng đầu thế giới, về những thay đổi cuộc sống trong nửa thế kỷ qua, nghĩa là Người Việt Nam hiện nay đang đứng đầu thế giới về sự lạc quan.

Khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew thực hiện với hơn 40 ngàn người tại 38 nước, cuối cùng đã xếp Việt Nam ở vị trí số một với 88% người Việt được phỏng vấn đã cho rằng cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn 50 năm trước. Pew là tổ chức phi chính phủ chuyên cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, ý kiến công chúng và các xu hướng nhân khẩu học đang định hình Hoa Kỳ và thế giới và là một chi nhánh của Tổ Chức The Pew Charitable Trusts của Hoa Kỳ.

Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cũng vừa bị Việt Nam “ném đá” vì vừa công bố các số liệu cho rằng Việt Nam đang vi phạm tự do tôn giáo với mức độ nhảy vọt.

Có phải chăng vì thái độ chính trị và những đối nghịch trong quan điểm với đường lối chính phủ trong nước, được thấy rõ qua các phản ứng của quần chúng, các bản án đàn áp chính kiến vẫn xảy ra khắp nơi, chúng ta thấy những công trình nghiên cứu, thăm dò dư luận trên đời sống Việt Nam, có vẻ như không sát với thực tế. Đôi khi hóa ra một sự giả dối đầy trò cười, chỉ có mục đích dùng như một tài liệu tuyên truyền cho chế độ.

Lẽ cố nhiên lạc quan là điều tốt. Nếu nói theo một nhà văn Hoa Kỳ, bà Helen Keller: “lạc quan là niềm tin mang đến thành tựu. Bạn chẳng làm gì được nếu thiếu hy vọng và lòng tự tin.”

Người lạc quan là người luôn luôn nghĩ rằng ngày mai sẽ khá, sẽ tốt hơn hôm nay, nên chẳng có gì phải lo lắng, đó là người bằng lòng với số phận. Người Việt Nam chúng ta ngày hôm nay thật sự phải là những người như thế sao?

Cũng có định nghĩa cho rằng, người lạc quan không bao giờ lầm tưởng cuộc sống này là sự hoàn hảo, vì điều đó là không tưởng. Thay vì chờ đợi một ngày “hoàn hảo” nào đó để làm việc gì đó, họ sẽ sống tích cực trong ngày hôm nay, mà không hề tỏ ra một thái độ bất mãn. Họ khám phá thế giới với con mắt tò mò và nhiệt tình thơ trẻ.

Thử tưởng tượng buổi chiều đi làm về đường phố ngập nước, xe chết mất cả tiếng đồng hồ mới về tới nhà, nhưng những người Việt Nam hôm nay vẫn không cho chuyện đó là khó chịu, đó là chuyện nhà nước đang bận tâm và đang lo cho dân. Chính quyền tìm mọi cách moi tiền của dân qua mọi thứ gọi là phí, thuế, lộ phí và huy động nhân dân với nhà nước cùng làm, nghĩa là dân è cố ra vì thuế rồi, còn gặp cảnh không đóng tiền sửa đường, nhân viên xã không chịu ký giấy tờ.

Tuy vậy, chuyện lạc quan là có thật.

Trong nước thiên hạ quá lạc quan, giờ rảnh rỗi, ngoài chuyện cầm micro hát hò thì nhiều người chẳng biết làm gì khác?

Hãng tin VNExpress đang có loạt bài độc giả phàn nàn bị hàng xóm “tra tấn” bằng phong trào karaoke, họ thích hát và thích ép người khác phải nghe mình hát.

“Đối với dân văn phòng, buổi chiều, tan sở, ‘tăng một’ sẽ đi lai rai vài chai với đồng nghiệp. Nếu cao hứng, tăng hai sẽ kéo nhau đi hát karaoke… Những người khác sẽ hát hò thoải mái tại quán nhậu lề đường thông qua sự hỗ trợ cơ động của dàn karaoke kẹo kéo.”

Không lạc quan sao được? Một người vừa trở lại Việt Nam cho biết, Sài Gòn bây giờ hình như không ai nấu ăn trong nhà hay sao mà tối nào các tiệm, các quán cũng tấp nập khách ăn? Bao giờ nhìn chung quanh các bàn cũng rất nhiều người địa phương ngồi ăn, phần đông là giới trẻ, và trung niên. Trên bàn đầy ắp thức ăn và bia, nước ngọt.

Trên những chương trình truyền hình, gameshow cũng khai thác chuyện hát, và những hài kịch rẻ tiền, kể cả tên tuổi những “danh hài” Việt kiều, với những show thời trang dị hợm, mà khả năng dàn dựng, y phục, nói năng, tưởng không còn gì “hạ cấp” hơn. Tuy vậy người xem, phần lớn là tuổi đôi mươi, vẫn dễ dãi hài lòng bằng những nụ cười mở rộng, tâm đắc với những tràng pháo tay tán thưởng không ngừng, và diễn viên vẫn tiếp tục thành “siêu sao,” kiếm tiền dễ dàng.

Đó phải chăng là thái độ lạc quan ngây ngô, bất tận. Hàng trăm, hàng nghìn người, toàn là học sinh, sinh viên, trí thức, tương lai của đất nước, đang dễ dãi chạy theo những ngôi sao sân khấu cỡ Trường Giang và Trấn Thành ngoài đường phố và sẵn sàng “hôn ghế thần tượng,” thì chúng ta trông mong ở họ nỗi gì?

Mọi sự ngày nay đều dễ dãi, đơn giản như chuyện dẫn nhau vào “nhà nghỉ” hay buổi chiều ra “bãi nhậu” sau giờ làm việc.

Nếu kể từ ngày trong rừng ra, một cái “xắc cột” và một cái chén đôi đũa dắt bên lưng, thì hoàn cảnh ngày hôm nay quả là lạc quan. Ngoài những viên chức cấp cao như Ủy Viên Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng hiện đang nắm các chức Tướng Lãnh, Bí Thư Tỉnh Ủy, Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, cán bộ trung cấp ngày nay là cán bộ đảng viên thì có lương bổng, có quyền lực. Chúng ta cũng hiểu rằng tầng lớp này hầu hết là những người xuất thân từ nghèo khổ, “đi làm cách mạng,” ngày nay là những người một bước lên xe, có biệt thự, nhà lầu, có đặc quyền và có cơ hội tham ô. Thành phần tiếp theo là công chức giáo viên, quân đội công an, tuy lương mỗi tháng cỡ vài trăm, nhưng trong các địa hạt như thuế vụ, quan thuế, công thương, y tế, ngân hàng, tư pháp… nếu không nói là trong tất cả các cơ chế, họ lại có những tròng tréo, móc ngoặc chia chác, nếu chúng ta chỉ tính trên đồng lương tháng mang về thì chưa đủ. Trong rất nhiều cơ quan XHCN ngày nay, rất nhiều viên chức lương ít mà lộc nhiều, lương một mà bổng mười.

Một phần ba công nhân ngày nay xuất thân từ nông dân đã bỏ ruộng đồng lên tỉnh. So với đời sống sống ngày trước, người công nhân thấy đời sống của họ đỡ vất vả hơn.

Tất cả thành phần dân chúng Việt Nam và tất cả họ hàng bên thắng cuộc, khởi đi từ chén bắp bo bo, cái tem phiếu, ở nhà tập thể, miếng thịt con cá phải xếp hàng, so với đời sống hôm nay, với tiện nghi điện thoại, chiếc xe, áo quần bảnh bao với nhà cao cửa rộng, ăn nhậu linh đình& thì lạc quan là phải.

Đó là những con người đã bị bóp cổ không thở được, ngày nay thấy dễ thở, so sánh để lạc quan là lẽ đương nhiên. Tất cả lạc quan vì đời sống của họ đã khá hơn thời ông cha họ, được hưởng thụ đời sống vật chất như nhà cửa, ăn nhậu, phương tiện di chuyển. Và những người đi từ thiếu thốn, nghèo khó, chỉ mong nhu cầu vật chất, khi đầy đủ vật chất rồi họ không còn thấy bận tậm gì bữa. Đó là một xã hội đầy hưởng thụ, đi đến chỗ đạo đức băng hoại.

Mỗi năm, Việt Nam có từ 250,000-300,000 ca nạo phá thai được ghi nhận chính thức, còn thực tế chưa thể thống kê được và hiện đang đứng đầu Châu Á về tỉ lệ nạo phá thai.

Báo chí Việt Nam ghi nhận, cùng với việc phát triển kinh tế, nhà nhà quần quật, người người lo làm ăn, cả nước thi đua làm giàu, trong khi nạn cướp giật càng ngày càng gia tăng.

Về mặt y tế, tình trạng sức khỏe của Việt Nam không đáng lạc quan: khoảng 44% dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao trong cơ thể. Trong số này, ước lượng 126,000 người mắc bệnh lao mỗi năm, theo một phúc trình mới được đưa ra hôm 13 Tháng Mười Hai, 2017.

Trong khi đó, Việt Nam bị xếp hạng thứ 78/172 quốc gia có tỉ lệ mắc ung thư cao. Theo thống kê của dự án phòng chống ung thư quốc gia, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 70,000 người chết và hơn 200,000 nghìn người mới nhiễm bệnh.

Theo nghiên cứu của Bộ Y Tế, 15% dân số Việt Nam tương đương 14 triệu người mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển và con số này vẫn không ngừng tăng. Chủ yếu do làm việc quá sức, áp lực công việc lớn, căng thẳng, khủng hoảng tiền bạc, dùng nhiều rượu bia, cách biệt giàu nghèo, ly hôn, thất nghiệp…

Vậy loại lạc quan này phải chăng là lạc quan… tâm thần!

Người Việt Nam được xếp hạng “lạc quan nhất thế giới,” nhưng trong khi dân số chúng ta có 94,970,597 người, thì mỗi năm có tới 1 triệu thanh thiếu niên chết vì tự tử, như vậy trong 100 người Việt Nam thì có một người thiếu lạc quan. Đáng tiếc là theo thống kê, số người tự tử là “thanh thiếu niên,” sinh viên, học sinh, đặc biệt trong giai đoạn thi lên lớp và thi đại học, trong đó có những vụ tự tử tập thể. Đây không còn là một chuyện nhỏ mà cả một vấn đề lớn của dân tộc.

Và câu hỏi là vì sao trong khi cả nước an tâm, hồ hởi, lạc quan như vậy, mà vẫn còn người vượt biển ra đi hay mong chuyện đổi đời bằng cách đi làm thuê, ở mướn, hay bán trinh tiết và tuổi xuân xanh, phó mặc cho số mệnh và cuộc đời đưa đẩy? (Huy Phương)

Xin Một Chút Bình Yên – Tạp Ghi Huy Phương

Xin Một Chút Bình Yên – Tạp Ghi Huy Phương


 

 

 

 

 

Trong cuộc đời này chúng ta ai cũng muốn được sống hạnh phúc và chết bình yên. Sống hạnh phúc thì ai cũng đã biết, và đôi khi hạnh phúc chỉ có nghĩa tương đối của nó. Cơm rau cũng là hạnh phúc. Ðói rách cũng có thể thấy hạnh phúc. Trong tuổi già, chúng ta còn được sống trong tiện nghi, no đủ nhưng cùng tuổi chúng ta có những ông bà cụ già còn còng lưng mò ốc trên bến sông hay mưu sinh bằng mớ rau, nải chuối giữa buổi chợ chiều, còn phút giây nào nghĩ đến sự ốm đau, mỏi mệt và cũng không còn biết đến hạnh phúc là gì, ý nghĩa của nó ra sao?

Chết bình yên thì ai cũng mong muốn nhưng mấy người được toại nguyện.

Chúng tôi, những ông bạn già, ít có cơ hội lui tới gặp nhau, nhưng lại thường hay gặp nhau trong nhà quàn để tiễn đưa bằng hữu, nhất là vào những ngày cuối năm. Qua câu chuyện vãn, ai cũng có một điều mong muốn, là nếu khi ra đi, ước chi được ra đi trong bình yên, thanh thản, không phải nằm lâu trên giường bệnh, khổ cho người thân mà cũng đau đớn cho thân mình.

Tôi có một người bạn gốc thầy giáo nhưng rất thích chơi thể thao. Buổi trưa, từ sân banh về, anh đến nhà học trò dạy kèm tại gia. Thấy thầy đầu gục trên bàn, người trong nhà tưởng thầy mệt mỏi ngủ gục, thương thầy, bảo nhau im lặng kẻo sợ phá giấc của thầy. Ðến chiều không thấy thầy dậy, học trò lay thức thầy, mới biết anh đã hôn mê. Chở vào bệnh viện thì đã quá trễ, từ đó anh bị liệt toàn thân, không nói năng được. Anh đã nằm trên giường bệnh, vệ sinh tại chỗ, ăn uống phải có người chăm sóc như thế trong vòng hai mươi năm tròn. Bạn bè xuất ngoại năm, mười năm trở về vẫn thấy anh nằm liệt trên giường, da bọc xương, lở loét, giữa mùa nóng Saigon, trong căn nhà nhỏ sức nóng từ mái tôn xuống hừng hực. Khổ nỗi con cái anh lại không được may mắn học hành, phải làm những nghề tay chân vất vả, nên cuộc sống của người bệnh lại càng bi đát hơn. Người vợ, cũng là một cô giáo bỏ hết thời xuân sắc bên giường bệnh của chồng, chỉ còn là một xác ve khốn khổ. Năm ngoái, nghe tin anh qua đời, lòng thoáng buồn đôi chút nhưng quả thực mừng cho anh giải thoát ra đi, còn sống, không chỉ khổ cho thân anh, mà còn khổ cho gia đình vốn đã nghèo đói vất vả.

Ở trên đất Mỹ, trong một đất nước mà người cao niên được chăm sóc và thuốc men cũng đã có những người bệnh nằm trên giường hai ba năm với những dây nhợ, dụng cụ trợ sinh trên người mà không được chết. Và trong nursing home, đã có những ông bà cụ già chọn nơi này là ngôi nhà cuối cùng, đã ở đây trong một thời gian quá dài, có người đến mười năm mà Trời chưa gọi cho ra đi. Gần đây báo chí lại đưa tin, tại một nhà dưỡng lão ở Laguna Woods, California, ông cụ William McDougall, 81 tuổi, vì giận dữ với người bạn cùng phòng, đã dùng gậy sắt đánh chết một ông cụ người Việt, 94 tuổi. Cũng mới đây thôi, cũng tại một nursing home, một cụ ông đã kết liễu đời vợ mình bằng một phát súng ân huệ “để cho nàng khỏi khổ”. Ở Mỹ, có nhiều trăm ngàn người cao niên trong nhà dưỡng lão, rất dễ thiệt mạng vì sự chăm sóc bất cẩn, cũng như theo một bản báo cáo của University of Kentucky cho biết là chỉ trong thời gian một năm thôi, dịch vụ bảo vệ người già đã điều tra trên toàn quốc, có 461,135 vụ tố cáo về vấn đề ngược đãi và hành hạ người cao niên, bao gồm những vụ gây tổn thương về thể lý và tinh thần, lẫn xâm phạm tình dục.

Tôi vừa đi thăm một vị sư già mới vào nursing home được hai hôm. Ông than thở với tôi, lần đầu tiên, cảm thấy thế nào là nhà dưỡng lão: Sáng nay mới sáu giờ sáng hai cô y tá đã đem ông vào phòng tắm “dội nước lạnh ngắt, kỳ cọ và nhồi ông như trái banh”. Ðó chỉ mới là ngày đầu, ông chưa nếm mùi bị đánh đập, chọc ghẹo hay hắt hủi thường xảy ra ở những nơi như thế này. Nhà dưỡng lão cũng không phải là nơi làm việc lương cao, thoải mái khi nhân viên phải tiếp cận với những bệnh nhân lú lẫn, bẳn tính, khó chịu. Chúng ta, con cái ruột thịt, có khi không còn kiên nhẫn, chịu khó đối với cha mẹ, trách chi những “người dưng, nước lã”.

Ngày nay những chốn này không phải là địa ngục dành riêng cho tuổi già. Một lớp tuổi trẻ hơn từ 30 đến 65 tuổi cũng đang sống trong nhà dưỡng lão vì những chứng bệnh không tự săn sóc được như bệnh thận, tiểu đường, tâm thần và cũng vì lý do ngân sách y tế không còn đủ cho những dịch vụ săn sóc tại gia tốn kém hơn là ở trong những nhà dưỡng lão. Như vậy những ngày cuối cuộc đời của nhiều người sẽ kéo dài thời gian hơn, không phải chỉ vài ba năm mà có thể mười, hai mươi năm như hoàn cảnh người bạn cũ của tôi ở đầu bài hôm nay.

Thông thường, khi nghe một người bạn vừa qua đời đột ngột, chúng ta thường thở dài, tỏ lòng thương tiếc: “Mới gặp hôm qua đây!”, “Mới cười cười, nói nói đây!” hay “Sao chết đột ngột như thế!” Nên mừng cho bạn bè đã ra đi bình yên, thanh thản, hơn là xót xa thấy cha mẹ, thân thuộc hay bạn bè lặng lẽ, u sầu kéo dài những ngày vô vị, chán chường trên giường bệnh, sống cũng như đã chết.

Bây giờ là thời gian của những ngày lễ cuối năm, nhiều ngôi nhà đã bắt đầu giăng đèn kết hoa, thương xá rộn ràng tấp nập đông người mua bán. Những cánh cửa chờ được mở ra để đón người thân về sum họp, những đứa trẻ chờ đợi niềm vui với món quà đầy màu sắc nặng trên tay, nhưng những bậc cha mẹ già trong nhà dưỡng lão sẽ không có cơ hội trở về. Mấy hôm nay, giữa đêm trời lạnh người ta chịu xếp hàng để mua một vài món hàng sale, cần thiết hay chẳng hề cần thiết gì cho đời sống này, thì những người khác không còn gì để mong đợi, mà cũng chẳng còn gì để thiết tha.

Sắp đến năm mới, theo thông lệ, người ta thường chúc người “sống lâu trăm tuổi, đầu bạc răng long”, sống lâu đến trăm tuổi thọ, mà năm, mười năm nằm trên giường bệnh thì đó đâu gọi là sống. Cứ nghĩ đến một này kia mình không còn lái được chiếc xe để tự đi đây đi đó, phải nhờ đến con cháu, đã là một sự kinh hoàng rồi, nói gì đến chuyện phải năm trên giường bệnh, hay ngồi trên xe lăn, không còn lo được cả việc vệ sinh cá nhân cho chính mình, thật là một chuyện đau khổ.

Dù đời sống có là hạnh phúc hay không, xin cho người được một cái chết bình yên, cuộc sống ngắn hay dài không có điều chi đáng kể.

Huy Phương

Tuổi già và chuyện lái xe

Tuổi già và chuyện lái xe

Huy Phương

Ðối với người Việt Nam, đến tuổi 70 cũng chưa phải là già, kể cả những người lên 80, cũng không ai dám gọi là cụ ông, cụ bà, vẫn còn khả năng lái xe, nhưng đối với cảnh sát Mỹ thì chúng ta nên coi chừng, tuổi senior (từ 62 trở lên) là lớp tuổi dễ bị thu bằng lái nhất.

Các bạn già của tôi, hãy tưởng tượng đến lúc chúng ta không còn được phép lái xe, thì cuộc sống này trở nên bất tiện, buồn bã biết bao nhiêu. Ở Mỹ này không lái xe được xem như người què nằm một chỗ, nhất là ở những thành phố ít phương tiện giao thông công cộng. Chúng ta cũng không có được đời sống như ở Việt Nam, một bước lên xe xích lô, xe ôm hay gọi taxi đến tận nhà. Ở Mỹ đời sống tất bật, ngày thường bận đi làm, cuối tuần còn bao nhiêu việc nhà, con cái đâu có thời giờ để chúng ta đi nhờ xe, đến nơi này hay đi nơi nọ.

Tôi có một cô em họ, độc thân, 76 tuổi. Tuần rồi cô gây một tai nạn xe hơi. Thật ra không phải lỗi của cô. Cô đang lái xe trong lane sát lề bên tay mặt, thì một chiếc xe từ lane bên trái, xấn vào đầu xe của cô khá mạnh. Mất bình tĩnh, cô lái xe sang phải và đụng vào một chiếc xe khác đang đậu bên lề đường. Cô và người ngồi trên xe chỉ bị hoảng hốt, trầy trụa nhẹ, nhưng cả hai chiếc xe đều bị hư hại nặng (total loss.) Cảnh sát đến lập biên bản, lấy bằng lái của cô để ghi chi tiết, nhưng cô không ngờ, đây là ngày cuối cùng cô được lái xe. Cô không có con cái, có nghĩa là từ đây, việc di chuyển của cô sẽ gặp nhiều khó khăn, và đời sống của cô bước sang một khúc ngoặt mới.

Cụ George Weller, 86 tuổi, và hiện trường tai nạn. nguồn CBS los angeles

Chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh của câu chuyện ở trên, để thấy giờ này mà chúng ta còn lái xe được, rong ruổi trên xa lộ, đi đây đó, hạnh phúc biết chừng nào!

Chiều ngày 16 tháng 7 năm 2003, cụ George Weller, 86 tuổi, đã lái chiếc xe Buick LeSabre năm 1992 của mình xuống đại lộ Arizona ở Santa Monica, California để đi tới khu mua sắm Third Street Promenade nổi tiếng ở đây. Cuối con đường, hôm đó người ta đã ngăn lại để dành cho một phiên chợ nông sản cuối tuần. Chiếc xe của cụ Weller đã chạy thẳng đâm xuyên những bảng chận đường, lao vào khu chợ đang đông người với tốc độ 60 miles/giờ, đã tông chết tại chỗ 10 người và đã làm 63 người khác bị thương. Weller nói ông đã đạp nhầm chân ga thay vì đạp thắng.

Ngày 8/11, năm 2011, tại một thị trấn Palm Coast, miền Bắc Florida, ông cụ Louis Nirenstein, một người “handicap” thường dùng xe lăn, lái xe hơi và lạc tay lái, chạy vào, cũng một chợ nông sản, làm bị thương 3 người. Cụ cho cảnh sát biết chân ga của cụ bị kẹt.

Cuối năm 2014, bà cụ Beryl Hughes, 84 tuổi đã bị giam giữ 24 tuần, đồng thời bị cấm lái xe 5 năm vì tội gây ra tai nạn chết người. Cụ lái chiếc Audi A3 đâm trực diện vào chiếc Honda Civic do ông Brian Bockmaster, 80 tuổi lái, khiến ông Brian phải nhập viện và qua đời một ngày sau đó. Trước khi gây ra vụ tai nạn, bà Hughes từng bị phạt vì lái quá tốc độ hạn định. Bản thân bà Hughes cũng thừa nhận nhiều năm trở lại đây, khả năng lái xe đã suy giảm.

Các vụ tai nạn đã thúc đẩy những cuộc tranh luận toàn quốc ở Hoa Kỳ về những tai nạn giao thông do những người lái xe cao tuổi gây ra.

Theo Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia (National Highway Traffic Safety Administration) những người lái xe lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên đã gây ra 12.5% tai nạn giao thông trên đường phố.

Vấn đề được đặt ra là những người lái xe lớn tuổi có còn giữ được “an toàn trên xa lộ” không? Từ lâu, Anh quốc có quy định bắt buộc bằng lái xe của những người từ 70 tuổi trở lên đều bị thu hồi. Ðể có thể tiếp tục lái xe, họ cần phải kiểm tra sức khỏe và thi lại bằng lái trước ngày sinh nhật lần thứ 70 và liên tục phải đổi bằng lái mỗi ba năm. Ở Mỹ, người lái xe trên 70 tuổi vẫn được cấp bằng lái có hiệu lực 5 năm, đến kỳ hạn 5 năm, họ chỉ việc thi lại bằng viết và kiểm tra lại thị lực, nhưng trong thời gian này, nếu gây ra tai nạn, chắc chắn bằng lái sẽ bị thu hồi.

Tuy nhiên, việc có nên cấm hẳn người già lái xe hay không luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi. Năm 2010, tỉ lệ người trên 70 tuổi lái xe trên toàn quốc tăng gấp 4 lần so với năm 1975. Ở California có hơn 5.5 triệu người trên 55 tuổi đang lái xe, và hơn 2.5 triệu người trên 70 tuổi.

Tại Anh Quốc, phụ nữ cao tuổi nhất đang lái xe đã 107 tuổi. Nước này có 191 người có bằng lái xe trên tuổi 100. Bộ Giao thông Anh (DfT) cho biết, tuy chưa có bằng chứng cho thấy người cao tuổi lái xe có nguy cơ gây tai nạn cao hơn nhóm tuổi trẻ, nhưng thực tế, báo chí tốn không ít giấy mực với các vụ người lớn tuổi lái xe vi phạm luật lệ hoặc gây tai nạn.

Người ta đưa ra những yếu tố giải thích người già gây ra nhiều tai nạn vì:

  1. Không còn minh mẫn, nhanh lẹ, nên phản ứng chậm chạp trước các tình huống.
  2. Bị ảnh hưởng các loại thuốc mà người già thường dùng.
  3. Phản ứng sai lệch do việc đau các khớp chân tay, hay cổ.
  4. Tai không nghe rõ, mắt đã mờ.

Ở các nước khác, để giảm tội ác và các tai nạn do súng đạn, chính phủ kêu gọi người dân đem súng đổi lấy tiền thưởng, trong khi ở Nhật người ta kêu gọi quý cụ đem bằng lái xe nộp cho cảnh sát để được giảm giá khi ăn mì ramen tại 176 địa điểm thuộc chuỗi nhà hàng Sugakiya, nghe thật tội nghiệp! Bằng lái của người già cũng nguy hiểm như súng đạn hay sao?

[tuoi-gia-va-chuyen-lai-xe]  Hai cụ già selfie bên chiếc xe bị tai nạn – nguồn you tube

Một chiến dịch của cảnh sát Tokyo cũng khuyến khích người già từ bỏ việc lái xe bằng cách giảm giá xe buýt và taxi cho họ. Nhiều trường hợp người già gây tai nạn đã xảy ra, khi một người phụ nữ 83 tuổi mất kiểm soát khi đang lái xe, gây ra cái chết cho hai bộ hành. Một cụ ông khác, 87 tuổi lái xe tải đâm vào một nhóm học sinh, khiến một em 6 tuổi tử vong.

Người già lái xe xin đọc những lời của Thẩm phán Stephen Holt (Hoa Kỳ) sau đây “Bản thân người cao tuổi và gia đình, bạn bè cần có trách nhiệm theo dõi khả năng lái xe của mình và người thân, đối mặt với sự thật rằng – qua thời gian, khả năng lái xe của họ không còn an toàn. Việc người cao tuổi cần và muốn lái xe, ít để ý tới vấn đề an toàn, đặc biệt ở những khu vực xa đô thị, không có các phương tiện giao thông công cộng là điều dễ hiểu”.

Một nghiên cứu do Khoa Y học Cộng đồng Maliman thuộc Ðại học Columbia thực hiện và công bố đầu năm 2016 cho thấy, sức khỏe của người cao tuổi sẽ bị suy giảm khi họ không còn được lái xe. Không chỉ vậy, việc này sẽ đem lại cho người già triệu chứng trầm cảm, buồn phiền.

Các bạn già của chúng tôi, những người đang còn lái xe như hôm nay cảm thấy thế nào nếu một ngày nọ, không còn ngồi được vào chiếc xe, sau tay lái để tự ý đi đây, đi đó mà phải nhờ đến con cái, họ hàng. Ðiều đó có nghĩa là đời sống đã mất đi nhiều ý nghĩa.

Nhưng một ngày nọ, nếu các bạn nghe tin có người lái một cái xe đâm vào một đám đông gây chết người, thì đừng vội kết luận đó là một chuyện khủng bố của ISIS, mà nên xem lại có phải người lái xe là một trong mấy ông bạn già lạng quạng của chúng ta không?

Huy Phương

Anh chị Thụ Mai gởi

Chính Đảng Hay Băng Đảng? – Tạp Ghi Huy Phương

Van Pham
Bề ngoài, đảng Cộng Sản là một chính đảng, nhưng thực chất hiện nay là một băng đảng có phân chia ngôi thứ, cấu kết khắng khít với nhau vì quyền lợi.

“Tại Việt Nam hiện nay, không còn chủ nghĩa Cộng Sản, mà đó chỉ là một xứ độc tài đảng trị nhưng theo đuổi chủ nghĩa tư bản ‘cuồng nhiệt.’”

Hiện nay chính đảng không còn, mà chỉ còn là băng đảng! Chúng ta nên gọi chúng: “Băng đảng Cướp Mafia Hồ Chí Minh” thay vì “đảng CSVN”!!!
************

Chính Đảng Hay Băng Đảng? – Tạp Ghi Huy Phương

Ngày 13 Tháng Mười, Ngoại Trưởng John Kerry đến vùng Silicon Valley của California tham dự một cuộc hội thảo bàn tròn về an ninh cũng như vai trò của Internet đã và đang làm thay đổi thế giới, do tổ chức Virtuous Circle mời ông làm diễn giả. Tại đây, trong bài diễn văn, ông Kerry cho rằng tại Việt Nam hiện nay, không còn chủ nghĩa Cộng Sản, mà đó chỉ là một xứ độc tài đảng trị nhưng theo đuổi chủ nghĩa tư bản “cuồng nhiệt.”

Ông John Kerry nói trong buổi hội luận này như thế và cho rằng Việt Nam hiện chỉ là một nước hăm hở đuổi theo tư bản chủ nghĩa mà trong đó người dân tiếp cận được với Internet. Ông Kerry nhìn nhận rằng nước Việt Nam “theo thời gian, đang có dấu hiệu thay đổi,” nhưng bây giờ vẫn còn là “một nước độc tài độc đảng và vẫn còn đàn áp nhân quyền bên cạnh những vấn đề khác.” Ông cũng nói thêm: “Cộng Sản là một lý thuyết kinh tế, và bạn không thấy một chút hơi thở nào của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam.”

Đảng Cộng Sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại Việt Nam hiện nay đồng thời là chính đảng duy nhất được phép hoạt động trên đất nước Việt Nam. Theo cương lĩnh và điều lệ chính thức được công bố hiện nay, đảng Cộng Sản Việt Nam là “đại biểu trung thành” của liên minh giai cấp công nhân, nông dân và lấy chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của đảng.

Bề ngoài, đảng Cộng Sản là một chính đảng, nhưng thực chất hiện nay là một băng đảng có phân chia ngôi thứ, cấu kết khắng khít với nhau vì quyền lợi.

Nói đến “chủ nghĩa” và “tư tưởng” thì liệu rằng 4.5 triệu đảng viên, 200 ủy viên trung ương, và 19 ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay có tin rằng chủ nghĩa Cộng Sản đem lại no ấm cho nhân loại, Hồ Chí Minh là vị cứu tinh của dân tộc Việt Nam hay không? Tôi tin rằng tất cả đều không, nhưng những người này vẫn giả vờ dối trá với nhau, dối trá với cả nước, dối cả với mình, dối với vợ con, để giả vờ tin đảng. Không ai dám nói thật với ai, để vin vào sự gắn bó keo sơn vì quyền lợi thiết thân của họ. Đảng không còn thì số đông quyền lực này không còn gì để bám víu vào nhau như bầy nghêu, hà bám vào ghềnh đá.

Trong hội trường, dinh cơ, những người Cộng Sản hôm nay vẫn còn treo cờ búa liềm, hình Lenin, hình Karl Mark, và hình tượng Hồ Chí Minh, như thể họ tôn sùng và tin tưởng vào những hình ảnh ấy. Thực tế là không! Họ tự dối mình, với lương tâm mình, giả dối với đồng chí và quần chúng chung quanh mình, để có địa vị và được sống còn. Không ai có thể nói khác, cười khác đi, mà không theo đường lối đã quy định của đảng.
Họ cam phận hèn khi biết mình bị dối trá, bản thân mình cũng dối trá và cư xử với người khác cũng dối trá, y như Alexander Solzhenitsyn đã lên án: “Mình thà ở lại đàn làm một thằng hèn. Sao cũng được, miễn no bụng ấm lưng thì thôi…”

Nhưng dư luận gần đây cũng đã nêu lên câu hỏi: Chống Cộng? Bây giờ làm gì còn Cộng Sản mà chống? Không còn Cộng Sản để chống, nhưng phải chống lại với băng đảng và cái ác đang thống trị đất nước.

Băng đảng có cơ chế và qui luật của băng đảng, nhất là chuyện chia chác quyền lợi. Sau một vụ cướp nhà băng, việc đầu tiên của bọn cướp là kiếm chỗ để tụ họp chia tiền. Ngày xưa Việt Minh đi đánh đồn Tây, hay phục kích “con voi, “chiếm được đồn hay chiếm được xe là có gạo, có đường, có bơ, có thịt hộp, ai cũng hăng hái. Đánh thắng miền Nam, chiến lợi phẩm đầu tiên là 16 tấn vàng, trả nợ máu xương hay Bộ Chính Trị chia chác, bấu véo với nhau thì đã rõ. Rồi sau đó cơ man là gạo, đường, bột mì, sắt thép, xi măng, đồ điện khí, xe cộ, từ cái quạt máy, chiếc đồng hồ cho đến cái TV, bom đạn, máy bay, xe tăng… gấp triệu lần một lần đánh đồn Tây.

Đất nước “thu về một mối,” có quyền lực trong tay rồi, thì nhân dân, tài năng mà không có đảng, không ở trong băng đảng phải lo tìm đường bỏ nước ra đi. Tài năng của đất nước, chuyên viên cấp cao được đào tạo từ nước ngoài, trừ Liên Xô, không ai dùng. Chúng ta nhìn xem chuyện chia chác quyền lực của đảng Cộng Sản Việt Nam ra sao?

Theo cơ cấu của đảng, 19 ủy viên Bộ Chính Trị, đương nhiên nắm giữ tất cả những cương vị chủ chốt trong đảng và nhất là trong bộ máy chính quyền: Chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội, phó thủ tướng thường trực, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, bộ trưởng Bộ Công An, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, những người này được gọi là “các cán bộ chủ chốt của đảng và nhà nước.”

Hai trăm ủy viên trung ương đảng nắm giữ tất cả vị trí then chốt của quốc gia, không ai ngoài đảng được lọt vào như bí thư tỉnh, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành, các bộ trưởng, thứ trưởng trong chính phủ, các tướng lãnh tư lệnh các binh chủng, các quân khu cho đến các ngành quan trọng của quốc gia như các đại học quốc gia, công ty hàng không, ngân hàng, đài truyền hình, thông tấn xã, viện kiểm sát nhân dân…

Việt Nam hiện nay có 4.5 triệu đảng viên Cộng Sản thì được phân phối, chia nhau trong các lãnh vực công quyền, từ chức giám đốc, trưởng ty, trưởng, phó phòng cho đến anh công an đứng đường thổi còi phạt mang đến cấp bậc trung tá, không một con muỗi ngoài đảng nào lọt được vào trong lưới quyền lực. Ai cũng có đặc quyền, đặc lợi, nên ai cũng ôm đảng và giữ đảng cho đến chết.
Đại hội đảng Cộng Sản lần thứ 11 năm 2011 chỉ có 3.6 triệu đảng viên, sang đến đại hội 12 năm 2016, số đảng viên tăng lên tới 4.5 triệu, rõ ràng là đảng có chủ trương lấy thịt đè người, tăng nhân sự, thêm vây cánh, thêm quyền lợi để giữ đảng.

Ali Baba chỉ có vây cánh là 40 tên cướp. Đảng nay có đến 4.5 triệu tên cướp. Câu thần chú của Ali để mở và đóng cửa hang động chứa kho tàng là: “Vừng ơi! Mở ra!” và “Vừng ơi! Đóng lại,” nay câu thần chú của đảng là: “Chủ nghĩa Mác- Lenin bách chiến bách thắng” và câu kinh nhật tụng là: “Hồ chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”

Xin nhắc lại câu nói của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry, có thể là một câu nói để đời: “Tại Việt Nam hiện nay, không còn chủ nghĩa Cộng Sản, mà đó chỉ là một xứ độc tài đảng trị nhưng theo đuổi chủ nghĩa tư bản ‘cuồng nhiệt.’”

Hiện nay chính đảng không còn, mà chỉ còn là băng đảng!

Image may contain: 6 people, people sitting, suit and indoor