Từ cái lon đến cái lu

Cái Lu to cái Lon lớn chống lụt


Cuộc đời quá khổ và quá buồn, nên đôi khi chúng ta cần một vài phút “thư giãn,” để giãn ra cái gì đang căng và thư thả lại cái gì đang gấp. Muốn được như vậy cứ mở vào những trang báo Việt Nam là đủ. “Tuổi già hạt lệ như sương,” khóc thì khó có nước mắt, nhưng cười thì hỉ hả, miễn là giữ lại hàm răng giả thật chặt. “Cười ra nước mắt!” Ai than là tuổi già khô nước mắt để khóc, nhưng lúc cười nước mắt lại tuôn, vậy cười hay khóc cũng giống nghĩa như nhau.

Tôi nghĩ chưa lúc nào đất nước Việt Nam lại có những đầu óc siêu phàm như hôm nay, đúng như thành ngữ người ta đã hoang tưởng dùng nó để tự ca tụng mình là “đỉnh cao trí tuệ!” Không những đã được mang danh trí thức mà còn đầy những thứ khoa bảng. Việt Nam hiện nay có hơn 24,000 tiến sĩ và mỗi năm có chỉ tiêu đào tạo thêm khoảng 350 tiến sĩ, thống kê ra thì cứ hơn một ngày thì đất nước có thêm một tiến sĩ? Trong hơn 72,000 giảng viên đại học Việt Nam, số thạc sĩ là 43,000, tiến sĩ là 16,500. Tin hay không tin là quyền của mỗi người.

Cứ xét trình độ một nhân vật cầm quyền tiêu biểu ngớ ngẩn như Nguyễn Xuân Phúc với trình độ cử nhân kinh tế, ngoại ngữ Anh văn B, Nga văn B, thì người ta cũng đã thất vọng rồi! Nhìn xuống, thấy toàn là những thứ tiến sĩ, phó giáo sư nhưng mỗi lần mở miệng thấy trình độ không hơn gì một đứa trẻ tiểu học trước đây. Bởi vậy một em tốt nghiệp Tú Tài II thời xưa, cho biết em hiện nay, em đang sống dư dả với nghề viết “luận án” cho các tiến sĩ ngày nay.

Những giới chức như đại biểu nhân dân, giám đốc, khoa trưởng khi đã kiếm được chỗ ngồi yên ấm, thì tốt hơn là nên “ngậm miệng ăn tiền” cho qua buổi, đàng này như sợ người ta quên, hay không biết tới mình, nên đã cố gắng kiếm cơ hội để phát biểu đôi câu “để đời,” không phải lưu danh muôn thuở mà tiếc thay lại “lưu xú vạn niên!”

Gần đây, cái thứ “anh hoa” này lại có phong trào “phát tiết” ra từ phe phụ nữ, mà sao thời nay đàn bà lắm miệng nhiều đến thế? Hãy nghe một giáo sư-tiến sĩ là Vũ Thị Nhung, chủ tịch Hội Phụ Sản TP.HCM, khuyến khích các bậc cha mẹ: “Để giúp đời sống tình dục của con cái mình trong tương lai, cha mẹ hãy thể hiện cách làm tình với nhau trước mặt bọn trẻ.”

Có lẽ vì đang ám ảnh cái ấy và chuyện ấy, khi hãng Coca-Cola Việt Nam quảng cáo sản phẩm của mình bằng slogan “Mở lon Việt Nam” thì bà khác là cục trưởng Cục Văn Hóa Cơ Sở thuộc Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch, la toáng lên rằng: “Từ ‘lon’ đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia, có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa; nếu bị thêm dấu, thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất phản cảm!”

Cục trưởng Cục Văn Hóa Cơ Sở cũng nói rõ: “Việc gắn chữ ‘lon’ như cách của Coca-Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như ‘ở Việt Nam,’ ‘tại Việt Nam’… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ… Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó… Từ ‘lon Việt Nam’ có rất nhiều vấn đề!”

Hãng nước ngọt này bị phạt tiền và bảng quảng cáo phải hạ xuống, bỗng chốc mà cái tên Ninh Thị Thu Hương nổi lên như cồn. Quần chúng một mặt buồn cười cái ngớ ngẩn, có quyền lực đang áp đặt một biện pháp lên một dòng chữ quảng cáo bình thường không có gì phải lo sợ vì sự xỏ xiên, xuyên tạc của nó. Chỉ sợ rồi đây, những đầu óc ngu và… ngoan (cố) thế này sẽ đi vào chỗ tăng trưởng quyền lực và cấm đoán thêm cách dùng chữ nghĩa, bằng lối tư duy sợ… bỏ dấu nữa. Sẽ không còn ai dám nói đến cái thứ mà Việt Nam chưa sản xuất nỗi là con “bu-lon,” Hồng Kông nằm bên hông “Cho Lon,” và một loạt sinh hoạt “mung lon,” “gan lon,” “len lon,” “rua lon” của các ông lính…

Nỗi lo sợ của bà Cục Trưởng Ninh Thị Thu Hương là sợ thói quen “chụp mũ” của thiên hạ, trong đó có cả chính quyền. Thiên hạ thì thích “chụp mũ,” “đội ô” lên những chữ không có mũ, chính quyền công an thì thích chụp mũ lên những cá nhân không có mũ, bằng những cái mũ “âm mưu lật đổ chính quyền,” “làm gián điệp ngoại quốc,” “tổ chức Việt Tân…” được kèm theo với vài chục năm tù tội.

Dư luận chưa hết bàn tán chuyện cái lon, thì tiếp đến là chuyện cái lu.

Chúng ta đã biết, đối với người dân thành phố Sài Gòn thì chuyện ngập lụt mỗi khi trời mưa là chuyện vô phương cứu chữa, bao nhiêu kế hoạch, công trình đề ra rồi cũng không đi đến đâu, dân nghe chính quyền nói nhiều mà không thấy tình trạng thay đổi. Nhà nước biện bạch: thứ nhất là thiếu tiền, thứ hai là nhân lực, thứ ba là thời gian, với khối lượng như thế không thể làm trong thời gian ngắn được.

Câu chuyện cái lu bắt đầu từ chiều 12 Tháng Tư, 2019, tại phiên họp của Hội Đồng Nhân Dân TP.HCM, đại biểu Phó Giáo Sư-Tiến Sĩ Phan Thị Hồng Xuân, kiêm một lố chức tước, chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam-Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân Tộc Học-Nhân Học TP.HCM, giảng viên tại Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM, đã đưa ra ý kiến, mỗi nhà dân ở Sài Gòn nên có một cái lu chứa nước để chống ngập mỗi khi có trời mưa.

Cả nước đang cười ầm lên vì chuyện cái lu của Tiến Sĩ Hồng Xuân, thì bà phân bua với báo chí: “Đây là giải pháp tôi rất tâm huyết, nghiên cứu kỹ lưỡng nên mới đề xuất. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa (?).” Bà cũng nói chuyện này bên Nhật, bên Phi người ta đã làm và không thấy bị ngập. Bà cũng chê người dân “không đủ trình độ,” nghĩa là còn ngu, để hiểu giải pháp “trí tuệ” dùng lu chống ngập của bà!

Người dân phản bác rằng, dù có hàng triệu cái lu cũng không thể chống được úng ngập khi nền xây dựng đô thị thấp, khi có nước sông dâng cao không thể chảy thoát  ra ngoài được. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị. Hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu, trong khi người dân vẫn đốn rừng, lấn chiếm, san lấp ao hồ, xả rác ra kênh rạch, làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Và nước mưa chảy xuống mỗi nhà đã có lu đựng, nước mưa chảy ngoài đường, trên sông hồ, ngoài đồng ruộng, lu đâu đủ mà hứng và nước ấy chảy đi đâu?

Có người đùa cho rằng họ hàng nhà bà phó tiến sĩ, chắc quê quán ở Lái Thiêu, đang có nghề sản xuất lu đựng nước! Báo Sài Gòn Giải Phóng còn bênh vực tối đa phát minh của bà, so sánh bà với nhà khoa học thông thái là Galileo Galilei, vào thế kỷ thứ XVI, đã tìm ra những định lý về khoa học, nhưng vào thời điểm đó, quan điểm của ông không được chấp nhận và bị quản thúc tại gia cho đến chết.

Giải pháp lấy lu chống ngập của Phan Thị Hồng Xuân không khác gì suy nghĩ phát xuất từ đầu óc ngây ngô của một học sinh lớp Ba trường làng. Nhưng bà này hiện nay là cấp cao của nhiều hội hè và lại là giáo sư Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn, làm tôi đâm ra nghi ngờ, phải chăng đây một trong những giáo sư, tiến sĩ, đặc trưng của loại khoa bảng “học giả-bằng mua?” và tiến thân nhờ đảng?

Sau chuyện cười “cái lon,” tiếp đến “cái lu,” rồi ra nay mai, sẽ là cái gì nữa đây, xin vui lòng cho biết tiếp, thưa quý bà? (Huy Phương)

 

Phàn nàn

(Hình minh họa: Getty Images)

Trong đời sống, đã biết bao lần chúng ta phàn nàn. Buổi sáng đi làm kẹt xe. Đến sở gặp đồng nghiệp ăn nói vô duyên, mếch lòng. Ông chủ mặt mày khó chịu, gắt gỏng. Về nhà vợ than phiền chuyện cơm áo. Con cãi lời, hỗn láo. Cánh tay đau nhức khó ngủ.

Nói chung hữu thân thì hữu khổ. Nhưng khi còn có việc làm, thì mới có đồng nghiệp, có ông thủ trưởng. Còn có xe để bị kẹt, còn có vợ để nghe mè nheo, còn có con để chê là nghịch tử. Còn có cánh tay để đau nhức. Trên đời này rất nhiều người không có gì, kể cả hai cánh tay, và sự thật là có người bất hạnh, không có luôn cả hai chân nữa.

Ít người cho mình có một đời sống hạnh phúc hoàn toàn. Không bất mãn chuyện này thì cũng khổ vì chuyện kia. Mỗi cuộc đời có bao nhiêu chuyện bất như ý, mỗi ngày có bao nhiêu giờ phút bực mình, đáng cho ta phàn nàn, than vãn!

Anh họ tôi có con trai sợ vợ, để vợ lấn lướt tìm cách đuổi cha mẹ chồng ra khỏi nhà, mà không có được một phản ứng gì. Tuy không đến nỗi lâm thảm cảnh của người vô gia cư, nhưng vợ chồng anh thất vọng, buồn bã đến nỗi mang chứng trầm uất, nhiều khi tỏ thái độ không thiết tha đến cuộc sống nữa.Ví như, trường hợp của một gia đình khác, đứa con trai ngay từ hồi còn bé bị té từ trên giường cao hai tầng xuống, tổn thương não bộ, phải sống đời thực vật từ nhỏ đến nay đã gần 40 tuổi, khổ đau là chừng nào. Trong khi anh chỉ có một thằng con bất hiếu, sợ vợ, nhưng anh cũng có khả năng thuê được nhà ở, có chiếc xe đi, lại còn có chị bên cạnh trong tuổi già, cuộc đời đâu đến nỗi bi đát.

Ông bạn già tôi, hơn ba mươi năm về trước, gửi đứa con trai vị thành niên, theo một người bạn đi vượt biên. Sang đến đảo, người bạn đổi tên đổi họ con anh, nhận là con mình. Khi gia đình anh sang định cư tại Mỹ, thì con anh đã lớn, tốt nghiệp đại học, nhưng đã trở thành đứa con của một gia đình khác, xem người đưa mình vượt biển là mẹ và cũng không còn biết người bạn tôi là ai. Vợ chồng người bạn tôi coi đây là một biến cố lớn lao trong đời, canh cánh bên lòng mỗi khi nghĩ đến chuyện mất con, đứa con mình đã tốn công sinh dưỡng, bây giờ xem mình như là những người xa lạ. Thật ra thì, bạn tôi không hề mất con, đứa con mình sinh ra, vẫn còn đó, mạnh khỏe, bình an, thành đạt, có một mái gia đình êm ấm. Có khác chăng là quan niệm “con tôi,” “vật sở hữu của tôi” nay vì nó thuộc về người khác, nên nó làm cho tôi đau khổ.

Tôi nhắc lại một chuyện cũ, vợ chồng ông bạn tôi sang Mỹ, nhà có mỗi hai cô con gái thì lớn lên, một cô lấy chồng Mỹ, một cô lấy chồng Trung Đông. Bạn tôi có hai ông rể giỏi giang, những đứa cháu xinh dẹp, dễ thương, nhưng lòng luôn luôn phiền muộn, thường mỗi khi nói đến chuyện con cái, gia đình, thì y như là khơi lại mối thương tâm, khiến bạn tôi không vui, tỏ ra bất mãn với hoàn cảnh. Rất nhiều gia đình sau Tháng Tư, 1975 có con gái mất tích giữa đại dương ngày vượt biển, phải chi được đổi lấy một hoàn cảnh của người bạn kia, thì gia đình họ sẽ vui sướng hạnh phúc bao nhiêu!

Em tôi sang Mỹ chậm, con cái không có cơ hội và cũng thiếu may mắn trong chuyện học hành, lớn lên, đứa thì làm công nhân hãng xưởng, đứa thì bưng phở trong nhà hàng, đứa thì chạy xe hàng xuyên bang. Nhìn quanh bạn bè, con ai cũng thành đạt, ông em sinh ra tự ti mặc cảm, tránh xa thiên hạ, không muốn giao thiệp với ai, không muốn nói đến chuyện gia đình. Những đứa con gia đình này, không có tội lỗi gì, cũng không cần phải mang mặc cảm như bố. Bao nhiêu người chết sông, chết biển, mình mang được cả gia đình trọn vẹn sang đây, ai cũng có công ăn việc làm ổn định, sống lương thiện, không vướng trộm cắp, ma túy. Bao nhiêu người mơ ước có cuộc đời như mình mà không được.

Có ông bạn gặp bà vợ lắm điều, không hợp ý, ông vò đầu bứt tai than khổ, tưởng như đang sống dưới mấy tầng địa ngục. Nghĩ lại, có người vợ mất sớm, thân già vò võ một mình, quạnh hiu biết chừng nào. Có người thì vợ đau yếu, vào ra bệnh viện, thập tử nhất sinh, giờ lại phải vào nhà dưỡng lão, ông phải vất vả vào ra hàng ngày. Còn có vợ bên mình, không còn ngọt bùi như thời xuân sắc, nay dù có điều bất như ý, thì cũng còn có nhau, bao nhiêu người mơ ước cảnh đời này mà không được.

Khi người ta bất như ý, người ta có thói quen oán Trời trách Đất. – “Trời ơi sao tôi khổ thế này?”- “Sao Ông Trời bất công quá vậy!”- “Thật là Ông Trời không có con mắt!”- “Ông Trời ơi, xuống mà coi nè!”

Cam chịu bình thản, thì người theo đạo Phật tin vào Nhân Quả và cái Nghiệp. Đời này thấy mình sao thì biết kiếp trước mình ăn ở làm vậy! Người Công Giáo thì tin đã có Chúa an bài, là do ý Chúa, chết cũng là do Chúa gọi về!

Người bình dân thường đổ cho tại cái số, giàu nghèo, no đói, sướng khổ đều do số Trời định, khi đã được Nam Tào, Bắc Đẩu ghi sổ rồi, thì “có chạy Trời cũng không khỏi,” cứ an phận thủ thường, ung dung tự tại mà sống!

Xin kể một chuyện bên Tàu: Đức Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ ngao du ngoài đồng, mặc áo cừu, thắt lưng dây, tay gẫy đàn cầm vừa đi vừa hát.

Đức Khổng Tử hỏi: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ như thế?”

Ông Vinh Khải Kỳ nói: “Trời sinh muôn vật, loài người quý nhất mà ta được làm người. Trong loài người đàn ông quý hơn đàn bà mà ta được làm đàn ông.  Người ta sinh ra có đui què, non yểu mà ta hoàn toàn khỏe mạnh, nay đã chín mươi tuổi. Đó là ba điều đáng vui, có gì mà phải lo buồn”.

Lại xin kể một chuyện bên Tây: Từ đầu năm đến nay, hàng chục người đã thiệt mạng khi tìm cách vượt qua sông Rio Grande, nơi mực nước dâng lên cao nhất trong 20 năm qua, để tìm cách đến Mỹ.

Đoàn “caravan di cư” bất hợp pháp hơn 7,000 người áp sát biên giới Mỹ. Trạm biên phòng Del Rio ở Texas hôm tuần qua đã báo cáo, chỉ từ Tháng Sáu tới nay họ bắt giữ hơn 1,000 người Haiti.

Mới đây lại thêm một bức ảnh chấn động lương tâm thế giới ghi lại cảnh tượng một người cha và con gái người El Salvador bị chết đuối, nằm úp mặt xuống nước tại bờ sông Rio Grande ở biên giới Mỹ – Mexico khi tìm cách bơi qua sông. Họ là những người đang tìm cách đến Mỹ và hy vọng sống được trên đất Mỹ, như chúng ta.

Liệu chúng ta có nên phàn nàn nữa không? (Huy Phương)

Chết vì rượu

Chết vì rượu

Huy Phương

Việt Nam đang được xem là một “cường quốc” về bia rượu. (Hình: Getty Images)

Tôi không biết uống rượu nhưng khi ai có lòng đem cho mình một chai rượu quý, tôi vẫn dành để biếu lại cho một người bạn thân uống được rượu, mà uống một cách thông minh.

Người xưa phong lưu thì có cầm, kỳ, thi, tửu. Nhà thơ Tú Xương cũng không qua cảnh “một trà, một rượu, một đàn bà.” Rượu luôn luôn đi với thơ, dễ chừng không có rượu, cõi đời không có thơ, (bầu rượu, túi thơ.) Có bạn bè thì phải có rượu “chén chú, chén anh.” (Rượu ngon phải có bạn hiền!)

Trong tình yêu cũng thế: “Em ơi! Lửa tắt, bình khô rượu, Đời vắng em rồi, say với ai?”(VHC).

Trong lễ cưới hỏi của người Việt thì có khay rượu đi đầu, “giúp em một thúng xôi vò, hai con lợn béo, một vò rượu tăm!” Đôi tân lang và tân giai nhân cùng nhau uống rượu làm lễ giao bôi, họ hàng thì nâng ly rượu mừng cho đôi trẻ. Khi vui uống ly rượu mừng, lúc buồn mượn ly rượu giải sầu. Có ly rượu mừng và cũng có ly rượu phạt. Trong Tam Quốc Chí thì “Quan Vũ lên ngựa ra chém Hoa Hùng, chạy về chén rượu uống dở vẫn còn nóng!”

Người Trung Hoa, người Việt thì đám cưới cũng rượu, đám tang cũng rượu. Không có rượu, coi như lễ nghĩa không thành (Vô tửu bất thành lễ). Trong nhiều nghi lễ khác cũng cần có rượu, đặc biệt là trong các nghi lễ cưới hỏi. Trong phong tục cưới hỏi của người Việt, khay trầu rượu luôn được đi hàng đầu. Như vậy thì chúng ta cũng có thể nói: rượu là một nét văn hóa của người Việt.

Tai hại của rượu thì ai cũng đã thấy. Ngay ở Hoa Kỳ, tệ nạn nghiện rượu từng là thảm kịch trong gia đình của Tổng Thống Donald Trump. Người anh của ông là Fred Jr. đã qua đời vào năm 1981, vì nghiện rượu. Gia đình Ông Trump không ai uống rượu, năm ngoái (2018), ông đã tặng $100,000 trích từ tiền lương của ông trong quý thứ ba của năm cho cơ quan “National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism.”

Và ngày nay, thế giới đang báo động vì tai nạn uống rượu lái xe gây chết người.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO nói rượu là thủ phạm đứng hạng 3 gây ra số người chết và thương tật nhiều nhất trên thế giới, ước chừng có 2.5 triệu người chết mỗi năm.

Ở Hoa Kỳ, nghiên cứu cũng cho thấy rằng 5 thành phố tại California, như Vista, Hemet, Delano, Murrieta, và Pittsburg, việc tử vong do DUI (Driving under the influence – Lái xe dưới sự ảnh hưởng của rượu hay ma túy), gia tăng từ 140 tới 700% từ năm 2012 tới 2017. Trong thời gian 5 năm, hơn 5,500 người chết từ tai nạn do say rượu lái xe tại California.

Nhưng ở Mỹ có luật lệ nghiêm minh, cơ quan cảnh sát cũng làm việc đứng đắn, dân trí cao nên rượu không phải chuyện “quốc nạn” như ở đất nước Việt Nam.

Ở Việt Nam, chỉ tính trong một năm 2016, ước tính có 79,000 người chết vì uống rượu bia, và hàng trăm ngàn người khác phải vào bệnh viện vì các bệnh liên quan đến rượu như gan, tim mạch, ung thư, đột quỵ.

Việt Nam được xem là một “cường quốc” về rượu. WHO cho biết người Việt tiêu thụ trung bình một người trên 15 tuổi tiêu thụ 8.3 lít cồn nguyên chất trong năm 2016, trong khi các quốc gia trong khu vực sử dụng ít hơn nhiều như ở Mông Cổ là 7.4 lít, Trung Quốc là 7.2 lít, Campuchia là 6.7 lít, Philippine là 6.6 lít và Singapore chỉ có 2 lít.

Đàn ông Việt Nam sử dụng rượu bia càng ngày càng tăng, cứ 100 người đàn ông thì có 77% người uống rượu bia, gia tăng từ năm 2015 so với năm 2010 là 15%.

Rượu “góp mặt” trong 70% số vụ phạm pháp hình sự ở nhóm dưới 30 tuổi (giết người, hiếp dâm…)

Mỗi năm có, 4,800 người tử vong do tai nạn giao thông vì say rượu. Dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua có 60% trong số 500 ca cấp cứu nhập viện liên quan đến rượu bia. Ước tính thiệt hại kinh tế do rượu bia, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 65,000 tỉ đồng (khoảng $2.8 tỷ).

Bây giờ rượu không còn “nhấp” hay “nhâm nhi” mà phải “nhậu,” “nốc,” “dzô!” Uống rượu ngày nay không còn là cái thú tao nhã, phong lưu nữa mà đã trở thành một tệ nạn, lan tràn khắp đất nước. Đám cưới phải nhậu, đám ma cũng nhậu, mừng nhà mới, con tốt nghiệp cũng nhậu, lên lương, lên chức cũng nhậu, thảo luận làm ăn, ký khế ước cũng nhậu, mừng vô đảng viên cũng nhậu. Ngày thường nhậu, cuối tuần nhậu nhiều hơn. Rượu vào lời ra, nôn mửa, la lối, đánh giết nhau, vật vã trên vỉa hè, chẳng còn một chút gì gọi là nhân cách.

Và theo quan niệm từ xưa, đàn ông, nam nhi thì phải biết uống rượu. “Nam vô tửu, như kỳ vô phong.” (Đàn ông không rượu, như lá cờ không có gió.) Nhậu mới là đàn ông, nhậu mới là chịu chơi. Xã hội ngày nay, thằng đàn ông không rượu là đồ hèn. (Cởi quần mặc váy đi anh,Về cho con bú, cơm canh lau nhà..) Buổi chiều tan sở, ra thẳng quán nhậu. Không nhậu với thủ trưởng, đồng nghiệp thì đừng hòng có phe cánh hay sống còn.

Chuyện xưa kể, ngày xưa có một chàng trai bị quỷ đòi mạng. Anh chàng van xin tha tội. Quỉ ra điều kiện, phải làm ba việc, uống rượu, đốt nhà hay giết mẹ! Đốt nhà, giết mẹ thì không nỡ, chàng trai chọn điều kiện uống rượu. Nhưng khi rượu vào mất trí khôn, chàng trai đốt nhà rồi giết luôn mẹ. Ngày nay cứ mở Google ra, đánh mấy chữ “Say rượu, giết Mẹ,” sẽ thấy hiện lên hàng trăm trường hợp đi nhậu say rượu về, con trai cầm dao giết mẹ, hay cha giết cả nhà, bạn bè đâm nhau lòi ruột.

Trong chuyện Tam Quốc, có chuyện Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, ba người tâm đầu ý hợp, cùng nhau uống mấy vò rượu mà kết bái huynh đệ tại vườn đào. Ngày nay ở Việt Nam có chuyện hai anh em kết nghĩa, sau bữa nhậu say túy lúy, ông anh nham nhở sờ vào vùng kín của ông em, khiến người này tức giận vác dao chém chết ông anh kết nghĩa.

Trong văn chương thấy người xưa uống rượu có phong cách, chừng mực, uống rượu như là một thứ nghệ thuật, đắp bồi cho giá trị cuộc sống. Ngày nay, Việt Nam là một nước nghèo, lại mang tiếng là đứng đầu vì rượu chè, tai nạn giao thông, ung thư, án mạng, hiếp dâm, phá thai…con người mất nhân cách, lâm cảnh tù đày…

Nói đến chuyện say rượu, phải nói đến nhân vật Chí Phèo. Nhà văn Nam Cao đã kết án đanh thép cái xã hội phong kiến, thực dân tàn bạo, tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, vùi dập cả đạo đức, nhân tính.

Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp,” viết bằng tiếng Pháp và được in năm 1925-1926 trên một tờ báo của Quốc Tế Cộng Sản, Nguyễn Ái Quốc cho rằng Pháp đầu độc dân Việt Nam, bằng cách bắt họ uống rượu theo tiêu chuẩn đầu người (?) Nhưng cứ nhìn con số người chết vì rượu, và những tệ nạn xã hội do rượu gây ra dưới thế hệ Hồ Chí Minh, cái thời mà Tổng Bí Thư đã ca tụng “đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay,” thì cái chế độ này còn độc ác và gây tội lỗi cho dân tộc Việt Nam gấp trăm lần thời nô lệ!

Quốc Hội CSVN hiện nay đang dùng dằng chưa muốn đem việc hạn chế rượu thành luật, vì rượu là “nền văn hóa thế giới,” thậm chí dẫn cả thơ của Hồ Chí Minh, cho rằng “chỉ khi bị tước đoạt tự do mới không được uống rượu!” (Trong tù không rượu cũng không hoa)!

Để giữ gìn sức khỏe, Lãn Ông đã khuyên: “bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà…”(Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tuần trà, mỗi ngày cứ như thế, thầy thuốc không đến nhà). Chuyện này không chắc lắm, nhưng “nốc” rượu như Việt Nam ngày nay, bác sĩ cũng chạy xa, xe cứu thương đến nhà, và cuối cùng, đạo tì khiêng xác ra… (Huy Phương)

Ở cuối một con đường

Ở cuối một con đường

Huy Phương

Tượng Đài Thuyền Nhân bên trong khuôn viên nghĩa trang “Peek Family,” nơi có đây có rất nhiều người Việt Nam an nghỉ. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ở vùng đất Nam California, Bolsa là tên một con đường chạy cắt ngang từ Đông sang Tây, giữa lòng một khu phố đông đúc người Việt trên đất Mỹ, nên theo thói quen, người ta gọi luôn khu phố này là khu Bolsa, một khu phố nổi danh trong cộng đồng người Việt trên cả thế giới.

Ở phía Đông, trên con đường này có một khu chúng cư màu hồng, cao mười một tầng, khác với màu sắc và cái bề thế bên ngoài, đây lại là một khu nhà dành cho người lớn tuổi, lặng lẽ, sống những ngày cuối cùng, an nhiên và chờ đợi. Chờ đợi để đi về cuối con đường hướng kia.

Ở cuối con đường này về phía Tây, người ta gặp một con đường sắt, đã lâu chỉ có vài toa tàu chở hàng hóa qua lại, không biết từ nhà ga nào và chạy về đâu. Cách con đường sắt này vài trăm thước, không có một nhà ga nào để chúng ta đặt tên là “Ga Cuối Đường Tàu,” nhưng gần đó là một nơi, mà cuối cùng, hầu hết cư dân người Việt ở Bolsa đều phải đến, tiễn đưa bạn bè thân quyến ra đi hay chọn cho chính mình một nơi yên nghỉ. Người ta gọi căn nhà màu trắng xây theo kiểu thuộc địa khá xưa này là “Peek Family.”

Ở khu Bolsa này cũng có rất nhiều nhà hàng Trung Hoa chuyên tổ chức những buổi tiệc cưới cuối tuần cho những đôi tân nương và tân lang, mà hình như lâu lắm, dễ chừng gần mười lăm năm, tôi không có dịp đến đó, nâng ly rượu mừng cho con cháu. Cái thời ấy hình như đã qua rồi, chỗ mà ngày nay tôi vẫn thường lui tới, tiễn đưa bạn bè hay thân thuộc, thắp một nén nhang, nói mấy lời chia buồn với tang chủ, chậm chạp bắt tay những người bạn già đã lâu không gặp, hỏi bạn rằng “Có khỏe không?” là… Peek Family.

Nhiều thành phần trong một gia đình đã lần lượt đi qua nơi đây.

Hai mươi năm về trước, tôi và bạn bè đã đến đây đưa tiễn anh, còn nhớ vào một chiều nắng ấm, và bây giờ, hai mươi năm sau, tháng ngày như một chớp mắt, chúng tôi lại đến đây, một buổi sáng, để đưa tiễn chị về nơi an nghỉ.

Nhiều năm về trước, cũng tại nơi này, chúng tôi có dịp chia buồn khi hiền nội của một cấp chỉ huy qua đời, rồi sau đó vài năm, chúng tôi lại tiễn ông ra đi.

Đôi lúc, tôi có cảm tưởng đến đây để gặp gỡ những người còn sống nhiều phần hơn là thăm viếng những người đã khuất.

Có những người quen biết đã năm mười năm mà lâu nay không thấy mặt, có những bạn bè ở tiểu bang xa mới vội vã trở về, cơ hội gặp nhau quả là hiếm. Không gặp nhau ở đây thì còn cơ hội gặp nhau ở đâu nữa? Không hẹn hò, không thông báo, không có ban tổ chức mà lúc nào cũng có họp trường, họp lớp, họp khóa, họp đơn vị, họp quân binh chủng, không có nghi lễ, mà sao lúc nào cũng đông vui. Bởi vậy không nên bỏ cơ hội đi gặp một người chết và rất nhiều người sống vài tuần một lần, ở cái nơi gọi là Peek Family này! Hèn chi, đám ma nào, cũng thấy ít khi có nước mắt, mà tay bắt mặt mừng, cười cười nói nói. Hèn chi, nghe có tiếng: “Suỵt suỵt! Mấy ông nói nhỏ lại, người ta đang đọc điếu văn, đang làm lễ cầu siêu kìa!”Nhiều khi người ta quên mất, tưởng đến đây là để gặp bạn bè bù khú mấy câu.

Bao nhiêu con người lưu lạc Việt Nam đã qua đây. Mười năm trước là một tướng lãnh lưu vong, mười năm sau là một người lính thất trận, tất cả đều không được giấc mơ gối đầu lên mảnh đất quê hương.

Có người là tỷ phú cũng chôn nơi này, nhưng cũng có người lâm cảnh vô gia cư, được cộng đồng người Việt đùm bọc đưa đến đây!

Rất nhiều nhà văn, ký giả, ca sĩ, nhạc sĩ… ưu tú của cộng đồng đã yên nghỉ bên nhau trong gần như là một ngôi làng nhỏ và họ đã trở thành bạn bè, lối xóm của nhau. Một ngôi làng có những bóng cây cao và trong yên lặng, chúng còn nghe cả tiếng chim vô tình ríu rít đâu đây!

Tất cả đều bình đẳng trong phần mộ của mình.

Tôi không đếm hết những lần đến đây chậm rãi đi theo sau chiếc quan tài với tấm lòng bùi ngùi thương tiếc và nghĩ đến lẽ đời vô thường. Một người chị đến tuổi đại thọ nhưng phải chi chị sống cho thêm vài năm nữa, vì đời sống của chị mang hữu ích lại cho người đời. Một người bạn văn không còn quá trẻ nhưng mất đi để lại quá nhiều thương tiếc cho mọi người.

Ở đây, có lần anh em du ca đã quây quần hát bên quan tài người đã mất. Có lần bài hát của người sáng tác nằm trong mộ đã được người sống đứng vòng trong, vòng ngoài hát lên. Đã qua đây những Nguyễn Đức Quang, những Trầm Tử Thiêng, những Nhật Trường Trần Thiện Thanh, những Nhật Ngân, những Cao Xuân Huy… Đây cũng là nơi an nghỉ của Đỗ Ngọc Yến, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Bảo Trúc… Cả một quê hương, cả một xóm văn học thu nhỏ.

Chúng ta chưa có một bảo tàng viện, một tự điển văn học xứng đáng với tầm vóc của nó, nhưng chúng ta đem tinh hoa văn học của miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa, đến đây, không phải để chôn vùi theo tác giả trong những phần mộ mà còn để xiển dương và duy trì nó muôn đời.

Trăm năm sau, lớp hậu thế còn ai biết những người nằm ở đây là ai? Rồi đây, Peek Family cũng trở thành những khu nghĩa trang lịch sử như Passy, Père Lachaise, Montparnasse hay Montmartre của Paris, đó là những nơi chôn cất những nhân vật lịch sử, những bậc Vua Chúa hay những bậc anh hùng. “Bất tri tam bách dư niên hậu,” liệu rồi có ai tò mò đến đây, vạch đám cỏ, lấy tay chùi lên tấm bia mộ để đọc tên một người đã khuất?

Không phải chỉ “ở cuối một con đường” mà ở cuối con đường nào cũng có một chỗ để chúng ta dừng chân, quay đầu nhìn lại đoạn đường đã qua, trước khi bước vào cõi miên viễn, chỉ còn khác nhau ở chỗ chậm, nhanh mà thôi!

 (Huy Phương)

Ngày Mai Đã Muộn Rồi” – Huy Phương

Ngày Mai Đã Muộn Rồi” – Huy Phương

Ở thời niên thiếu, chúng tôi đã được xem một cuốn phim tình cảm đen trắng do Ý sản xuất trong một rạp chiếu bóng ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Cuốn phim mang tên “Ngày Mai Đã Muộn Rồi,” (Demain c’est trop tard!) liên quan đến việc giáo dục giới tính phù hợp cho giới trẻ. Cuốn phim nêu ra chuyện nếu hôm nay không được chỉnh sửa hay là được làm đúng, ngày mai đã quá trễ, muộn màng.

Tuổi ấy, chúng tôi không hiểu nhiều về tình tiết của câu chuyện, và luận đề cuốn phim đưa ra, nhưng sau này, rất thích lập lại tên của cuốn phim trong nhiều tình huống của cuộc sống. Phải chăng, đừng để đến ngày mai mà muộn màng, những gì làm được hôm nay thì hãy làm.

Bây giờ bước vào tuổi già, bạn đã có bao điều hối hận: phải chi ngày trước mình biết cách yêu thương, định hướng cho bản thân và nỗ lực hơn, biết trân quý bạn đời hơn, biết giáo dục con cái hơn…

Trước khi biết mình qua đời, người sắp chết cũng có bao nhiêu điều phải hối tiếc. Bước qua một năm mới, chúng ta cũng có những điều tự hỏi vì sao đã bỏ phí trong năm qua. Và rồi qua một ngày, có bao giờ bạn thấy hối hận đã không làm việc ấy ngay hôm nay không?

Thời gian cứ trôi đi và chẳng bao giờ dừng lại để chờ đợi ai, cũng chẳng chờ cho chúng ta làm xong việc này hay kết thúc một việc khác. Một ngày qua đi và một ngày không trở lại, và công việc ấy chúng ta không làm hôm nay, sẽ không bao giờ chúng ta có cơ hội thực hiện nữa. Không phải là cứ một đời người, hay một năm, mà một ngày cũng đã là quá muộn!

Bạn tôi đang nằm trong bệnh viện, vừa qua một cuộc giải phẫu khá quan trọng. Tôi có dự định đi thăm người bạn ấy hôm nay, nhưng quen thói lần lữa, giải đãi, lòng hẹn lòng đợi một này nào đó, thật rỗi rảnh sẽ đi thăm bạn. Nhưng cái ngày đó không bao giờ đến, vì chỉ vài ngày sau đó, bạn tôi đã từ giã cuộc đời này, mà tôi thì vẫn chưa thực hiện được cuộc viếng thăm đơn giản ấy, nên lòng ân hận mãi.

Thân bằng quyến thuộc của chúng ta không thiếu gì những người già, đang nằm trong bệnh viện, nhà dưỡng lão, như ngọn đèn cạn dầu trước gió, cần một lần thăm viếng, một cái cầm tay hay một lời nói thân tình. Những người này không còn thời gian để đợi chúng ta, mà chúng ta thì cứ mãi “lòng hẹn lòng!”

Có bao nhiêu bậc cha mẹ già, trên ngưỡng cửa ngôi nhà xưa, ngóng chờ những đứa con trở về một lần thăm viếng. Nhưng rồi thì vì thời gian bận rộn vì công việc làm ăn, cuối tuần còn đưa con đi chơi thể thao, học đàn, học võ; kẹt một chuyến du lịch xa, hay bận rộn vì con chó con mèo, con cá lia thia trong chậu, sợ bỏ đói, không ai chăm sóc.

Thật lòng không biết có ai hối hận không, nhưng đừng để bao giờ phải hối hận.

Giá mà ta làm việc ấy hôm nay, hay tự đặt cho mình một mệnh lệnh: “Hãy làm việc ấy hôm nay!” Ngày không thể không đi và đêm không đến vì việc ấy ta làm chưa xong!
Suốt đời, chúng ta đã bỏ bao nhiêu cơ hội, để làm một việc hay để nói một lời.

Không phải đến bây giờ người ta mới nhắc nhở “Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ. Đừng để ngày mai đến lúc tôi xa người… (*) mà ngày xưa, tình duyên đôi lứa đã một lần muộn màng, vì người con trai đã bỏ đi cơ hội nghìn vàng, để ngậm ngùi suốt đời.

“Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết bao giờ gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Có người hối hận để mất một cuộc tình, nhưng cũng có người đánh lỡ mất cả cuộc đời, để rồi than thở:

“Đến nay tôi hiểu thì tôi đã

Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!” (TTKh.)

Richard Templar là một tác giả người Anh, người đã viết nhiều cuốn sách về con đường thành công trong cuộc sống. Ông chia sẻ “con đường dẫn đến thành công” của mình trong một loạt sách, trong đó 100 quy tắc đơn giản được trình bày để đạt được thành công, trong kinh doanh, tiền bạc hoặc cuộc sống nói chung. Và “quy tắc của cuộc sống” của Richard Templar là “đừng để qua ngày mai!”

Người ta thường hẹn trong ngày mai sẽ làm công việc dự định hôm nay, nhưng đối với nhà thơ Norma Cornett Marek lại khác: “Ngày Mai Không Bao Giờ Đến!” đó cũng là tựa đề bài thơ của bà. “Nếu ta đang chờ ngày mai đến thì tại sao lại không làm điều đó ngày hôm nay? Vì nếu ngày mai không bao giờ đến, thì chắc chắn ta sẽ hối tiếc suốt phần đời còn lại của mình!”

Không ai biết đây là lần gặp gỡ cuối cùng, một lời nói giã biệt, vì không một ai, trong chúng ta, trẻ hay già, đoan chắc rằng, họ sẽ sống qua hôm nay, để ngày mai thấy mặt trời lên! Trên trái đất này, đêm nay có những người cũng lên giường như chúng ta, nhưng ngày mai, họ không còn thức trở dậy!

Đó chính là ân huệ của cuộc đời chứ không phải là một chuyện đương nhiên: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương!
Xin đừng để quá trễ, hãy nói với ai đó một lời yêu thương hôm nay. Hãy nói một lời xin lỗi. Hãy nói một lời cám ơn. Nếu ai cũng nghĩ rằng hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc sống để hành động, để yêu thương, để dịu dàng với nhau…thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu!

Xin hãy làm điều đó hôm nay. Ngày mai đã muộn rồi!

Huy Phương)
(*) Trần Duy Đức- Ngô Tịnh Yên

Image may contain: text

Tháng Tư nói chuyện ‘giải phóng’

Tháng Tư nói chuyện ‘giải phóng’

Huy Phương

Nguoi-viet.com

Sài Gòn những ngày êm đềm, có chủ quyền, tự do, dân chúng đang hạnh phúc. Trong hình là cổng chào “Hân Hoan Chào Mừng Phái Đoàn Thủ Tướng Nhật Bản” tại ngã tư Công Lý-Hiền Vương năm 1967 (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Võ Thị Sáu, quận 1, Sài Gòn). Bên phải đường Công Lý là Dinh Phó Tổng Thống (nay là Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi). (Hình: Flickr manhhai)

“Hoan hô giải phóng, hoan hô phỏng..!?
Ruột héo gan bầm có biết không?” (P.Đ.)

Chuyện xưa kể rằng: “Khổng Tử đi qua bên núi Thái Sơn, nghe có một người đàn bà khóc bên một ngôi mộ rất bi thương. Ông sai Tử Lộ hỏi bà ta rằng: ‘Tiếng khóc của bà dường như có nhiều nỗi đau đớn?’ Người đàn bà trả lời: ‘Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp, chồng tôi cũng chết vì cọp, nay con tôi lại chết vì cọp.’ Khổng Tử hỏi lại: ‘Tại sao bà không bỏ đi?’ Người đàn bà đáp: ‘Ở đây không có chính sách hà khắc!’ Khổng Tử quay lại nói với các môn sinh: ‘Các trò hãy ghi nhớ điều đó. Chính sách hà khắc còn tàn bạo hơn cọp dữ.’”

Điều này làm cho chúng ta hiểu nguyên nhân vì sao chế độ Cộng Sản, nhân danh là “giải phóng dân tộc,” đến đâu, dân đều bỏ chạy khỏi nơi đó! Đông Đức vượt tường Bá Linh sang Tây Đức, Bắc Hàn sang Nam Hàn và Bắc Việt trốn chạy vào Nam, và ngay bây giờ ở Việt Nam, người ta còn tìm cách bỏ nước ra đi.

Giải phóng có nghĩ là cởi ra, mở ra. Trong một nghĩa khác thiên về chính trị, đó là “giải trừ câu thúc, đem lại tự do.” Bị Đức Quốc Xã chiếm đóng bốn năm, sau khi đồng minh đổ bộ lên Normandie, ngày 25 Tháng Tám, 1944, Tướng Pháp De Gaulle cùng với một sư đoàn thiết giáp đã vào giải phóng Paris.

Trong một quy mô nhỏ hơn, năm 1968, sau 26 ngày Cộng Sản Bắc Việt chiếm đóng thành phố Huế, ngày 24 Tháng Hai, 1968, Quân Đội VNCH phản công giải phóng Huế. Đó mới gọi là “giải phóng” chính danh và đích thực. Còn những hành động như tấn công, cướp bóc, giết người vào một phần đất đang có chủ quyền, tự do, dân chúng đang hạnh phúc, không thể gọi là giải phóng.

Mặt khác, dân tộc đang bị áp bức, xâm lược luôn khao khát được giải phóng. Khi De Gaulle vào Paris, hàng trăm ngàn dân chúng đổ ra đường đón mừng, khi quân đội VNCH giải phóng Huế, dân chúng trong các vùng chiếm đóng, hay ở các hầm trú ẩn, chạy về phía cờ vàng. Mang danh “giải phóng,” mà khi tiến vào một thành phố, “giải phóng” đã không hề được đón tiếp, dân chúng ở đó đã sợ hãi bỏ chạy hết gọi là “chạy giặc,” thì hành động quân sự đó, không thể xem là một hành động giải phóng.

Chiêu bài “giải phóng” luôn luôn được nói đến trong các bản văn, báo chí, tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt, và thứ quân vũ trang này luôn luôn tự xưng là “quân giải phóng!” Nhưng trên thực tế, “quân giải phóng” đi đến đâu, dân chúng bỏ nhà, bỏ của chạy xa chừng ấy trong khi những bản nhạc như “giải phóng miền Nam” hay “tiến về Sài Gòn!” đang còn ra rả trong các loa tuyên truyền. Cộng Sản Việt Nam luôn luôn tuyên truyền chính nghĩa thuộc về họ, dân chúng ủng hộ họ, và về chiêu bài giải phóng vẫn không ngớt được nói đến. Vùng tự do quốc gia, chúng gọi là vùng “tạm chiếm,” vùng Cộng Sản kiểm soát, chúng gọi là “vùng tự do.” Nhưng từ bao lâu nay, người dân vẫn từ “vùng tự do” chạy về “vùng chiếm đóng!” Không có dân, lãnh thổ đó thành vô hồn, chính nghĩa đâu?

Năm 1968, khi Việt Cộng tiến chiếm Huế, bao nhiêu đồng bào đã chạy về nơi an toàn, nơi có quân đội miền Nam trấn giữ, không hề có hành vi vùng dậy cướp chính quyền, hay cờ xí xuống đường hoan hô “quân giải phóng!” Khi Paris được giải phóng, dân Pháp còn căm thù Đức Quốc Xã và thẳng tay trừng trị, ngay những kẻ đã trốn chạy, trái lại chúng ta không hề thấy một hành động giết viên chức chính quyền địa phương nào của người miền Nam.

Mùa Hè năm 1972, khi quân Bắc Việt tràn qua sông Bến Hải, dân số Quảng Trị có hơn 300,000, đã có 250,000 người bồng bế gồng gánh, đi về phía Nam “chạy Việt Cộng!” Ngư dân tại Gia Hải di tản vào Đà Nẵng trên 150 chiếc thuyền, chuyến ra đi của họ đã bị Cộng quân ngăn cản, nổ súng vào đoàn thuyền, làm nhiều người bị thương và chết.

Cơn hoảng loạn của miền Nam Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975, đã nói đến nỗi sợ hãi khốn cùng của người dân miền Nam trước thảm họa Việt Cộng. Việt Cộng “giải phóng” Quảng Trị, dân chúng chạy vào Huế. Việt Cộng “giải phóng” Huế, dân chúng tràn xuống biển Thuận An, chen nhau lên đèo Hải Vân tìm đường vào Đà Nẵng. Việt Cộng “giải phóng” Đà Nẵng, dân chúng xuống biển đi về phía Nam.

Khi Cộng Sản tuyên bố “giải phóng hoàn toàn miền Nam,” đặt toàn bộ đất nước dưới quyền cai trị của đảng, dân miền Nam đã ùn ùn bỏ nước ra đi, vượt biển băng rừng, không những đã bỏ lại nhà cửa, tiền bạc mà còn chấp nhận thà chết còn hơn sống với Cộng Sản, cứ hai người ra đi mới có một người đến bến bờ tự do!

Trước đó, khoảng năm 1970, Tổng Trưởng Dân Vận-Chiêu Hồi Hồ Văn Châm đã gọi thái độ trốn chạy khỏi chế độ Cộng Sản này bằng thành ngữ “bỏ phiếu bằng chân!”

Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có 796,310 người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển. Và chưa hết đâu! Đất nước còn chế độ Cộng Sản thì dân chúng còn bỏ nước ra đi. Tôi không nói ngoa, ngày nay còn có người đóng tàu vượt biển đi Úc (Tháng Tám và Tháng Mười Một, 2018) hay đến Đài Loan (Tháng Ba, 2018).

Không dưới hình thức vượt biển thì người ta trốn chế độ bằng con đường du học không về, định cư theo con cái, đầu tư để có quốc tịch nước ngoài, đăng ký lấy chồng ngoại nhân, đi lao động hay du lịch trốn ở lại…

Trước thái độ dứt khoát của người dân ghê sợ chế độ, bỏ quê hương ra đi như thế, Cộng Sản coi họ như là những kẻ thù cần phải tiêu diệt, bắn bỏ không thương tiếc. Không hợp tác, nổi dậy, hơn 5,000 người dân Huế bị đập đầu hay chôn sống trong các hầm tập thể. 2,000 người dân Quảng Trị bị tàn sát trên đoạn đường dài độ 9 km từ Quảng Trị vào Huế vì cái tội chạy khỏi quê hương vì sợ “giải phóng!”

Cộng Sản Bắc Việt đã dùng pháo 122 ly, 130 ly, cối 160 ly… từ hướng rừng Trường Sơn bắn vào dòng người di tản. “Chiến công” giết người này, 37 năm sau, đảng Cộng Sản đã thú  nhận là công lao của Trung Đoàn Pháo Binh 38-Bông Lau, đơn vị này đã được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,” được kể lại trong cuốn sách “Mùa Hè Cháy,” của tác giả Quý Hải, một đại tá của quân Bắc Việt viết về trận thảm sát trên đường di tản của dân Quảng Trị.

Rồi sau đó, bao nhiêu người bị bắn hay bị pháo kích trên các bờ biển miền Trung vì muốn ra khơi chạy trốn Việt Cộng vào những ngày cuối Tháng Ba, Tháng Tư, 1975! Bao nhiêu người bị tù đày, bắn giết vì “tội” vượt biên!

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, được Cộng Sản Bắc Việt rêu rao là ngày họ “giải phóng” dân chúng miền Nam khỏi sự “kìm kẹp” của Mỹ-Ngụy. Tới nay đã 44 năm trôi qua, ta thử nhìn lại xem ngày này: Ai giải phóng ai?

Lâu nay chúng ta đã được đọc các bài viết về chuyện “giải phóng” có tên hay giấu tên, cũng như của nhà báo Huy Đức, Trần Quang Thành, nhà văn Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Phan Huy, Tiến Sĩ Lê Hiển Dương, Châu Hiển Lý (bộ đội tập kết,) nhất là qua thực tế của người dân đã sống với chế độ miền Nam, cả nước đều đã mở mắt thấy rõ:

-Cuộc kháng chiến “giải phóng miền Nam,” thống nhất đất nước, thực chất chỉ là cuộc chiến đánh thuê của người lính Bắc Việt cho Liên Xô, Trung Quốc.

-Xã Hội Chủ Nghĩa là một xã hội tồi tệ và được phơi bày rõ rệt qua sự nghèo khổ của nhân dân miền Bắc và là một thời đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam, thê thảm và lạc hậu, hy sinh hạnh phúc của nhân dân cho sự nghiệp của đảng Cộng Sản quốc tế.

-Xã hội ngày nay là một xã hội đạo đức băng hoại đến cùng với đĩ điếm, buôn người, rượu chè, giết chóc, hối lộ tham nhũng ngay cả trong ngành giáo dục và tư pháp. Người dân có quyền ăn chơi, nhậu nhẹt, sa đọa… nhưng không có quyền phát biểu hay phê phán người cầm quyền. Hệ thống công an, roi cùm, nhà tù đã bóp chẹt quyền con người. Giàu nghèo cách biệt bởi đảng cầm quyền có quá nhiều quyền lực, tham ô, vơ vét!

Như thế gọi là giải phóng ư?

“Đất lành chim đậu,” nhưng thực tế, là sau 44 năm “giải phóng,” dân chúng còn phải bỏ nước vượt biển ra đi, hai tiếng “giải phóng” trở thành thứ ngôn ngữ lừa dối, điêu ngoa. Cái ngày mà đảng Cộng Sản gọi là “ngày Giải Phóng” chính là cái này thảm họa của cả dân tộc Việt Nam.

Xin đừng quên, và đừng “quen miệng,” đừng vì đầu óc ngu muội, mà dùng hai chữ ‘giải phóng” nữa! (Huy Phương)

Xin quý nương nhường 1 bước!

Xin quý nương nhường 1 bước!

 

Tác giả Laura Doyle. (Hình:lauradoyle.org)

Muốn bảo vệ hạnh phúc trong hôn nhân, xin quý bà hãy nhường lui một bước!

The Surrendered Wife (Người Vợ Hàng Phục) của tác giả Laura Doyle là một cuốn sách bestseller bán chạy nhất. Ngay chỉ trong tháng đầu tiên, số bán đã đạt con số 100,000 bản. Đây là một quyển sách độc đáo bàn về cách bảo vệ hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng.

Với tác phẩm The Surrendered Wife, hơn 150,000 phụ nữ tin rằng họ không những cứu vãn được mối quan hệ vợ chồng, mà cá nhân họ còn được trân trọng và ngưỡng mộ suốt đời. Báo chí và các đài truyền hình quan trọng Hoa Kỳ đều hết lời ca tụng tác phẩm của Laura Doyle.

Laura Doyle là một tác giả có sách bán chạy nhất của New York Times. Sách của bà đã được dịch ra 28 thứ tiếng ở 27 quốc gia. Tác giả là người đã sáng lập ra “Laura Doyle Connect,” một công ty huấn luyện quốc tế, huấn luyện cho phụ nữ những khả năng hầu đưa đến những mối quan hệ dịu dàng, say đắm.

Bà Laura Doyle đã xuất hiện CBS News, Dateline NBC, The Today Show, Good Morning America và The View. Bà đã có bài in trên The Huffington Post, Tạp chí Phố Wall, Thời Báo New York, Thời Báo Los Angeles, The Washington Post, The London Telegraph và là cây bút thường xuyên của The Huffington Post. Laura Doyle hiện sống ở New Port Beach, California, có cuộc hôn nhân dài 26 năm với chồng là John Doyle.

Nguyên nhân ra đời của tác phẩm “Người Vợ Hàng Phục”

Bà Laura Doyle thú nhận là từ khi lấy chồng lúc 22 tuổi, bà đã có thói quen thường xuyên kiểm soát chồng một cách gắt gao, không ngớt ra lệnh, chỉ trích, gắt gỏng, nói xỏ xiên, bới móc những chuyện nhỏ nhặt của chồng, hạ nhục ông chồng về bất cứ sự sơ suất nào, xem chồng như một đứa trẻ, nếu ông ta làm không đúng như ý bà.

Vì vậy, càng ngày giữa hai người càng có khuynh hướng xa cách. Vợ chồng không còn những mối tương quan đằm thắm thuở ban đầu, họ mất dần đi sự đồng cảm, tình yêu giữa vợ chồng càng ngày càng phai nhạt. Mới 4 năm, từ một đôi vợ chồng hạnh phúc, cả hai bên hầu như đều chán nhau và chuyện ly dị chắc chắn sẽ đến với họ một ngày không xa.

Thay vì dễ dàng ra tòa để xé tờ hôn thú, Laura Doyle bỗng quyết tâm thay đổi lại cách sống, hy vọng làm mọi cách để cứu vãn hạnh phúc gia đình mình. Bà theo những khóa tâm lý trị liệu, học hỏi qua sách vở, đi tìm nguyên nhân sự đỗ vỡ, xa cách. Bà tiếp xúc với những cặp vợ chồng thật sự gắn bó yêu thương nhau và đang có cuộc sống hạnh phúc để học hỏi cách đối xử, ngôn ngữ và tình yêu, kinh nghiệm từ nơi họ. Bà ghi nhớ và học hỏi kinh nghiệm, những gì có thể hàn gắn sự đổ vỡ của vợ chồng bà. Cuối cùng, là Laura Doyle đã cứu vãn được hạnh phúc của mình.

Bà muốn đem những kinh nghiệm và bài học hôn nhân của mình, việc sửa đổi lối sống của mình, viết thành sách để giúp bạn bè của mình, những người đã trải qua hoàn cảnh của mình không tìm ra lối thoát.

Xích lại gần nhau và bỏ bớt cái tôi của mình

Phải chăng tăng trưởng theo nữ quyền trong xã hội, người phụ nữ trong gia đình càng ngày càng lấn lướt, khống chế, kiểm soát chồng trên mọi phương diện.

Bà Laura Doyle đã quyết định chấm dứt giai đoạn “gà mái đá gà cồ,” bỏ thời hoạnh họe, thống trị, coi chồng như tôi tớ, hiếp đáp, xỏ mũi chồng như trước?

Laura Doyle đề cao sự quay trở về nguồn với những giá trị đạo đức ngày xưa trong đời sống lứa đôi. Chồng là người chỉ huy và vợ là người tuân hành, kiểu “phu xướng, phụ tùy của Đông phương.

Từ bỏ vai trò một người phụ nữ trí thức, cấp tiến, thích chỉ huy, ra lệnh, kiểm soát, thống trị, coi thường và sai khiến chồng thẳng tay, “xem chồng như tấm thảm chùi chân- doormat” ngoài ngạch cửa, nay thì Laura Doyle đã tự nhìn nhận trở thành một người biết ăn năn hối cải, trở thành một người vợ hiền lành, nhu mì. Bà hồi tâm và đã thấy tránh vợ chồng đi đến chỗ đổ vỡ hạnh phúc gia đình, chỉ có một cách duy nhất là mình, chính mình, cần phải thay đổi cách cư xử với chồng, mềm mỏng, lắng nghe, bỏ quyền chỉ huy và trở thành một người vợ yếu đuối, cần che chở, được chồng quý mến.

Từ đó, cả hai người đều cảm thấy hạnh phúc bên nhau. Chồng bà, sau một thời gian, trở nên vui vẻ tự tin trở lại, và bắt đầu quan tâm đến trách nhiệm gia đình, thương yêu, trân trọng bà hơn. Riêng bà cũng thấy lòng thấy thanh thản, hạnh phúc hơn xưa. Được như vậy, chính nhờ bà đã biết thay đổi cách suy nghĩ, thái độ và biết cách ứng xử tốt đẹp với chồng.

Theo sự suy nghĩ của Laura Doyle, bà đã ngộ ra chân lý: phải tự mình thay đổi chính bản thân mình chớ đừng mong đợi hay bắt buộc sự thay đổi ở người khác.

Bà tự xem mình là một người vợ biết hàng phục và quyết định chia xẻ những kinh nghiệm này cho tất cả chị em phụ nữ đang mấp mé bên vực thẳm ly dị, đổ vỡ của gia đình, qua tác phẩm “The Surrendered Wife.”

Người phụ nữ lội ngược dòng

Trong thời đại nữ quyền đang được đề cao, người phụ nữ đã ra khỏi cánh cửa gia đình, bước vào xã hội, đang giữ các chức vụ lãnh đạo đất nước như Tổng thống, Thủ Tướng… ở trong gia đình thì chưa biết ai thuần phục ai, ý tưởng của Laura Doyle hình như quá ngược dòng và quá mới lạ đã làm nhiều người bàng hoàng và sửng sốt, chưa nói đến thái độ tức giận của giới phụ nữ cánh “Nữ Quyền” thì đả kích và chống đối hết lời “The Surrendered Wife.”

Tác giả đã đi khắp nước Mỹ để tổ chức những nhóm học tập workshop, seminar, những buổi hội thảo, quảng bá những ý kiến mới, lập ra những hội đoàn các người vợ hàng phục để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về cách bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Bà Laura đã đưa ra thái độ “hàng phục” cần thiết cho những người vợ, nhưng không biết liệu quý bà có chịu cho không?

– Biết kính trọng chồng.

– Ngoan ngoãn vâng lời chồng bất cứ việc gì từ nhỏ đến việc lớn.

– Không bao giờ ngắt lời, hay gắt gỏng với chồng.

– Không tìm cách hạ thấp phẩm giá của chồng bằng cách kiểm soát, ăn hiếp, xài xể, cằn nhằn, nặng lời với chồng.

– Không còn tìm cách kiểm soát chồng (nhiều bà lục cả ví tiền, thư tín, kiểm soát chi thu của chồng, ghi số milleage xe hơi của chồng.)

– Đối xử với chồng như một người trưởng thành, không xem ông như là một đứa trẻ con.

– Để cho chồng mình được tự do lựa chọn quần áo, cà vạt, giày dép.. theo ý ông, cũng không ép buộc chồng phải ăn uống như ý mình muốn.

– Đừng đóng vai trò tài xế phụ băng sau (backseat driver) để chỉ trích, chê bai, phê phán cách lái xe của chồng.

– Phải tin tưởng chồng về bất cứ chuyện gì, từ vụ sex đến việc quản lý tài chánh gia đình.

– Hãy chiều chồng, cả nể khi cần cho chồng vui lòng.

Trong các cuộc mạn đàm, hội thảo trên truyền hình, phát thanh, tác giả “The Surrendered Wife” khuyên những người vợ:

– Dành nhiều thời gian để vợ chồng vui sống, ngưng tranh chấp, cãi cọ, gây lộn, cằn nhằn, về ba cái vụ tiền bạc.

– Nên dịu dàng bày tỏ những điều mình mong muốn với chồng.

– Tạo ra những cơ hội tiếp xúc lãng mạn với chồng.

– Đừng ôm hết mọi việc vào mình, chia sẻ với chồng nhiệm vụ dạy dỗ con cái.

– Tái lập và vun bồi lại không khí êm đềm trong gia đình.

– Hãy si tình chồng và trở lại như những “ngày xưa thân ái.”

Đang ở vị thế Bà La Sát, quay chồng mòng mòng như quay dế, mà bỗng nhiên được khuyến cáo hãy quy phục để làm một người vợ hiền lành, dịu dàng, chiều chồng, ai mà chịu được? Như vậy là chịu lép vế, thua sút, làm tôi mọi đàn ông hay sao?

Nhà thơ Anh Quốc Alfred Tennyson (1809-1892) đã đưa ra quan điểm về vai trò của phụ nữ:

“Đàn ông chỉ huy, đàn bà vâng lệnh. Tất cả những điều khác đều là lầm lẫn! ( Man to command, and woman to obey. All else confusion!)

Ngày xưa ông bà ta cũng đã khuyến cáo: “Chồng giận thì vợ làm lành! Miệng cười chúm chím, thưa anh giận gì?”

Thôi xin quý nương hãy xuống ngựa quy hàng đi, gia đình được trong ấm ngoài êm thì loài người cũng mang ơn quý nương, được bình an dưới thế! (Huy Phương)

Tố Hữu, vai kép nịnh trong tuồng chèo!

 

Tố Hữu, vai kép nịnh trong tuồng chèo!

Tố Hữu (Hình: Cadn.com.vn)

Huy Phương

Có hai lý do để cho Việt Nam ngày nay là một đất nước có nhiều tượng đài và nhà lưu niệm nhiều nhất trên trái đất này, thứ nhất là để lưu lại những vết tích của những người Cộng sản, sợ rồi một ngày kia sẽ mai một, hai là chủ trương “có làm có ăn” của viên chức đảng ngày nay.

Chúng ta nên nhớ rằng hiện nay Tố Hữu đã có một nhà lưu niệm tại Hà Nội, khánh thành năm 2009, vì sao Thừa Thiên lại khùng điên dựng thêm một nhà tưởng niệm nữa?

Nhưng trước hết Tố Hữu là ai?

Tư Lành Nguyễn Kim Thành sinh năm 1920  gốc ở làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế. Người ta xem Tố Hữu như một nhà thơ tiêu biểu cho Cộng Sản Việt Nam, và tự cổ chí kim chưa có ai nhờ thơ mà “ăn nên làm ra” như Tố Hữu. Ông đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Phó Thủ Tướng.

Trong nước hô hào cho rằng “việc xây dựng nhà lưu niệm Tố Hữu là một việc làm “mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với sự nghiệp cao quý của nhà thơ!” Sự nghiệp cao quý đó là gì? Nhà văn Nguyễn Trọng Khang trong nước đã ca tụng rằng: “Thứ khiến hậu thế nhớ về họ, làm hậu thế mê say cả khi người viết nó không còn trên thế giới này nữa, đấy chính là những tác phẩm. Chỉ cần tác phẩm sống thì nhà văn còn sống, dẫu nơi lưu trữ những tác phẩm ấy có trong một cung điện, một viện bảo tàng hay chỉ trong căn nhà nhỏ trên một ngọn đồi hoang vu đi nữa.”

Thật sự là những bài thơ của Tố Hữu còn sống không? Hình tượng Staline, Lenin đã bị chôn vùi bên kia trời Âu. Ở Trung Cộng người ta công nhận Mao Trạch Động đã mắc phải lỗi lầm khi cầm quyền và đã làm nhiều tội ác trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Hồ Chí Minh đã phơi bày nhiều tội ác và các bản chất xấu xa, phàm tục và dối trá của y. Những bài thơ tanh mùi máu của một thời chém giết, đấu tố, của Tố Hữu ngày nay không còn ai muốn nhớ nữa! Những tác phẩm ấy thực sự đã chết, thì nhà thơ này cũng đã chết theo. Người ta thường nói Tố Hữu là người học trò thân cận của Hồ Chí Minh, và là người làm thơ ca tụng Hồ Chí Minh nhiều nhất. Trong thế giới Cộng Sản, những người viết văn, làm thơ này được gọi là “văn công”, “văn nô” không còn chút liêm sỉ. Ca tụng làm cho chính người được ca tụng, cũng phải lấy làm ngượng.

Thợ nịnh, trên đời này, khó có ai qua mặt Tố Hữu. Trong thơ Tố Hữu, trên thân thể “bác Hồ” từ sợi tóc trên đầu cho đến ruột gan, đôi dép râu đi dưới chân “bác” đều là những thứ thơm tho, siêu phàm.

Tóc- “Bác về tóc có bạc thêm – Năm canh, bốn biển có đêm  nghĩ nhiều.”

Mắt- “Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi – Ta lớn cao lên bay bỗng diệu kỳ”

Tay và Trán- “Trông đàn con đó vẫy hai tay – Cao cao vừng trán ngời đôi mắt”.  “Trán mênh mông thanh thản nụ cười …”.

Mắt- “Nhớ ông cụ mắt sáng ngời- Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường.”

Bàn tay- “Bàn tay con nắm tay Cha – Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng”.

Máy đánh chữ- Chiếc gậy- “Máy chữ thôi reo nhớ ngón đàn – Thong dong chiếc gậy gác bên bàn.”

Đôi dép râu- “Còn đôi dép cũ mòn quai gót – Bác vẫn thường đi giữa thế gian!”

Áo- “Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị .”

Cho đến thanh gỗ trong nhà sàn, chiếc chiếu, cái tủ cũng là đề tài cho Tố Hữu: “Nhà gác đơn sơ một góc vườn. Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn. Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối. Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn.”

Cả con cá trong ao: “Cá ơi! Em có biết không. Trọn đời Bác nặng một lòng vì dân!”

May mà Bác không thích nuôi chó!

Đó là xu nịnh trong thơ. Còn ngoài đời Tố Hữu là tay nịnh hót có hạng.

Sách chép, trong một buổi hội, Hồ Chí Minh yêu cầu Tố Hữu ngâm một bài thơ tặng hội nghị. Tố Hữu khôn khéo nói rằng: – “Thưa Bác, thưa các đồng chí. Bác chỉ thị cho tôi đọc một bài thơ với các đồng chí, nhưng mà tôi nghĩ chúng ta vừa được nghe bài thơ hay nhất, những lời nói rất là ấm áp của Bác với tất cả chúng ta hôm nay. Vì thế nên bất cứ câu thơ nào có vần có nhạc cũng đều vô duyên trong lúc này!”

Trong một lần khác, Hồ Chí Minh nói với Tố Hữu:

– “Chú không được sùng bái cá nhân.”

Tố Hữu: – “Dạ, chỉ sợ sùng bái không đúng thôi, nhưng mà sự sùng bái của chúng ta là lòng kính yêu vô hạn của tất cả chúng ta đối với Bác là hoàn toàn chính đáng!”

Những lời lẽ tâng bốc này được các cán bộ cao cấp đứng chung quanh nham nhở vỗ tay hoan hô nhiệt liệt y như lúc Hồ Chí Minh sàm sỡ ôm nữ diễn viên Trà Giang trước mặt “triều đình” vậy.

Không phải Tố Hữu chỉ nịnh Hồ Chí Minh mà là tên nịnh quốc tế, ca ngợi các lãnh tụ phong trào Cộng sản thế giới như Liên Xô của Stalin (Yêu biết mấy nghe con tập nói, Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!) Trung Cộng của Mao Trạch Đông (Chào Trung Quốc, giang sơn hùng vĩ, Quê Hồng quân vạn lý trường chinh! Hôn các anh xưa, những người chiến sĩ. Đầu đỏ ngôi sao, không sợ thác ghềnh), Cuba của Fidel Castro (Lởn vởn ngoài khơi những bóng ma. Hai con tàu Mỹ ngó dòm ta. Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy! Chẳng thấy Cu-ba đứng đấy à?) và cả Ba Lan (Em ơi, Ba Lan mùa  tuyết tan.Đường bạch dương  sương trắng nắng tràn. Anh đi, nghe tiếng  người xưa vọng. Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn!)

Vì nhu cầu của đảng, Tố Hữu kể lại, khi làm bài thơ “Bà má Hậu Giang” năm 1941 và bài “Lá thư Bến Tre” năm 1962, ông chưa từng đặt chân đến Nam Bộ, chưa hề biết đất Bến Tre. “Nghĩ đến phong trào đấu tranh trong đó, muốn góp một tiếng nói đồng cảm mà thôi… Lúc bấy giờ cứ nghĩ Bến Tre chắc phải rất nhiều tre, không ngờ sau này đất nước thống nhất, vô mới hay ở đó chỉ có dừa!”

Nhà thơ Xô Viết Mayakovsky có trường ca “Lê Nin” nổi tiếng viết về vị lãnh tụ Cộng Sản, thì Tố Hữu có trường ca “Theo chân Bác” được viết năm 1970. Trong khi đánh giá về vai trò lớn lao của nhà thơ Mayakovsky, Stalin đã từng nói: “Mayakovsky là nhà thơ ưu tú nhất của chủ nghĩa xã hội!” nhưng Hồ Chí Minh, dù được tâng bốc lên mây xanh,  chưa bao giờ khen thơ Tố Hữu! (Nguyên Hạnh) Chính Tố Hữu cũng công nhận điều này.

“Trong tập phê bình tiểu luận ‘Chân dung và đối thoại’, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng Tố Hữu đã thừa nhận “Bác chưa bao giờ khen thơ tôi”. Điều này như có vẻ hơi lạ!

Qua nhận định của Trần Đăng Khoa thì:

“Tố Hữu thường tự hào cho mình là người giác ngộ sớm, giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng và có nhãn quan chính trị tốt. Tệ hơn, ông tin rằng người lãnh đạo cộng sản nào cũng vĩ đại. Sai lầm lớn nhất của ông là lớn tiếng khen Stalin và Mao. Trong khi đó, Hồ Chí Minh có vẻ không hề đánh giá cao Mao và Stalin, chưa từng nhắc đến tên hai vị này trong bất cứ bài nói hay bài viết nào.”

Trong bài “Sáng tháng Năm,” Tố Hữu ca ngợi Hồ Chí Minh nhưng kết thúc ông làm một câu làm Hồ Chí Minh phật lòng:

“Việt Nam có Bác Hồ. Thế giới có Stalin. Việt Nam phải tự do. Thế giới phải hòa bình!”

Hồ Chí Minh luôn là người cao ngạo, tự cho mình là anh hùng, đâu muốn đứng sau Stalin!

Không phải làm thơ ca tụng máu, Tố Hữu, trong thời gian làm Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, cầm đầu công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền được coi là đao phủ thủ không nương tay, mang món nợ máu với nhóm Nhân Văn–Giai Phẩm.

Y đã lên án: “Lật bộ áo “Nhân Văn – Giai Phẩm” thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm.”

“ Nhóm “Nhân Văn – Giai Phẩm” phản đối sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, chúng đòi “trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ”, thực ra chúng đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng.” Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ!”

Phan Khôi, Trần Duy, Thụy An, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt… đã bị mạt sát, trù dập đến chết hay thân tàn, ma dại… ngày nay chưa bao giờ được phục hồi danh dự, Cộng Sản lại muốn vinh danh Tố Hữu, dựng lên cái xác chết thối tha, bị dân tộc nguyền rủa, để làm gì?

Sau này khi làm Phó Thủ Tướng đặc trách kinh tế, Tố Hữu đã có một “sáng kiến để đời” là phát hành tờ giấy bạc $30.00. Dư luận cho rằng một ông Phó Thủ Tướng mà chưa biết hệ thập phân (hệ đếm cơ số 10) là hệ đếm dùng số 10 làm cơ số.

Tố Hữu thể hiện khuôn mặt của vai kép nịnh trong gánh tuồng chèo, với hình dung của một kẻ tiểu nhân, chuyên luồn cúi (tâng bốc nịnh bợ lãnh tụ) để thăng tiến và dèm pha người trung trực (vụ nhân văn giai phẩm.)

Xác chết như thế tưởng đã được chôn sâu dưới ba thước đất, nay lại được chế độ này dựng lại thây ma, tổ chức đình đám, kèn trống giữa thái độ lạnh nhạt, coi khinh của quần chúng! Đó là  những chuyện không lạ vẫn thường xảy ra trong chế độ Cộng Sản!

(*) Chữ dùng của GS. Ngô Bảo Châu

Một thời Ma Quỷ

Một thời Ma Quỷ

Huy Phương

Một người hóa trang thành am quỷ trong ngày hội Halloween ở New York. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)

Halloween của nước Mỹ lại sắp đến rồi. Bạn đã chuẩn bị gì cho ngày lễ này chưa? Tích cực thì trang trí nhà cửa, vườn tược, sân trước với đầu lâu, xương xóc, máu me, mạng nhện, dây treo cổ, bia mộ và bí ngô tạc hình đầu lâu. Nhiều nhà còn dùng cả sân trước để dựng nên một nghĩa trang giả với hàng chục bia mộ R.I.P. Đây là những con người muốn sống chung với ma quỷ?

Bình thường thì chúng ta chuẩn bị vài bịch kẹo để chờ bọn trẻ gõ cửa “Trick or Treat,” coi như trả nợ Quỷ Thần. Ghét Halloween thì tối 31 Tháng Mười, đóng cửa tắt đèn, đi ngủ hay để thiên hạ xem như chủ nhân vắng nhà, khỏi bị lũ trẻ quấy rầy.

Halloween mỗi năm mỗi thiếu an toàn, trẻ con đi ngoài đường dễ bị tai nạn, kẹo độc, kẻ xấu lợi dụng đêm lễ mang mặt nạ ma quỷ, hóa trang xâm nhập tấn công, cướp bóc các tư gia. Trẻ em bị ngộ độc vì kẹo có thể truy tìm viên kẹo này từ gia đình nào? Cả trăm chuyện rắc rối!

Hollywood cũng đã ăn nên làm ra nhờ Ma Quỷ và tâm lý quần chúng cũng thích chuyện rùng rợn. Ngay trong thời hiện đại ngày nay, những phim kinh dị vẫn còn hốt bạc. Cuốn phim nổi tiếng Halloween 2018 vừa có một cuộc chiến thắng tuyệt vời. Phim do David Gordon Green đạo diễn và thực hiện bởi ba nhà văn Green, Jeff Fradley, and Danny McBride. “Halloween” chiếu tại 3,920 rạp Bắc Mỹ,  kết thúc ba ngày cuối tuần qua với ước tính $77.5 triệu tiền vé. Theo đó, tác phẩm của xưởng Blumhouse và nhà phát hành Universal trở thành tựa phim kinh dị bị gắn nhãn R có mở màn cao thứ hai lịch sử thị trường này, chỉ sau phim IT (1986) theo truyện của nhà văn Stephen King với số thu $123.4 triệu.

Không đi vào chi tiết từ đâu mà có Halloween, Halloween được mặc nhiên xem như một ngày lễ của Ma Quỷ, Thần Linh và những người đã chết! Đối với Đông Phương, theo quan niệm của Khổng Tử “kính nhi viễn chi” (kính trọng mà không nên gần gũi). “Kính quỷ thần nhi viễn viễn chi, khả vị trí hĩ,” nghĩa là đừng có mê tín, đừng cầu xin quỹ thần điều gì cả. Nhưng thời nay vẫn có người thích lạy lục cây đa, cây đề, khấn vái nơi am, miễu và thích chơi với Ma Quỷ, đầu lâu và mộ chí.

Trong những ngày lễ lớn của Hoa Kỳ, tôi cho ý nghĩa nhất là ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), Giáng Sinh (Christmas), và Valentine. Là một người lính cũ tôi rất quan tâm đến hai ngày lễ khác là Veterans Day (Ngày Cựu Chiến Binh) và Memorial Day (Ngày Chiến Sĩ Trận Vong).

Còn ngày Lễ Ma Quỷ? Ma Quỷ mà cũng có ngày lễ nữa hay sao?

Chuyện gì chứ chuyện rùng rợn, máu me, chết chóc, trong đất nước Việt Nam, từ ngày thơ ấu, thời Việt Minh, tôi đã chứng kiến cảnh đầu lâu người cắm vào thanh tre dựng bên đường, thây người bị xử tử nằm giữa chợ, xác người trôi sông và cảnh người bị trói bị chặt đầu với bản án dán trên người. Những cảnh mà ngày nay, nước Mỹ không cho trẻ em mục kích, phải xoá bỏ hay làm mờ đi, thì ngày đó, vì không có ai bịt mắt tôi, nó gây cho tôi một ấn tượng kinh hoàng.

Mỗi đêm tối, nghe tiếng chó sủa, là người tôi co rúm lại, không bao giờ dám mở cửa ra vườn để đi tiểu tiện.

Lớn lên, ngày còn là một học sinh trung học, tôi đi với cha tôi vào nhà “Vĩnh Biệt” để nhìn mặt người anh cô cậu của tôi, khóa 1 Sĩ Quan Đập Đá, mới ra trường nửa tháng, còn mang cấp bậc chuẩn uý, đã tử trận đưa về. Tôi nhìn anh, cả một vùng ngực đẫm máu, và khuôn mặt xám xịt của một người chết! Trưởng thành, động viên vào quân trường, tôi cũng đã có dịp thấy bạn bè chết thảm trong một tai nạn súng cối, mới tươi cười đó, một mảnh đạn phá nát khuôn mặt non trẻ của bạn tôi.

Mặc dầu tôi không phải là một người lính trận mạc để thấy xương máu mỗi ngày, nhưng Mậu Thân đó, với những đầu lâu bị đập vỡ, những thân thể dân lành mục nát trong bùn đất, cánh tay bị trói khuỷu bằng những đoạn lạt tre hay dây điện thoại và mùi thối của xác chết vẫn đeo đuổi tôi trong những ngày sau đó. Rồi Mùa Hè Quảng Trị, trên đoạn đường gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng” với xác người vung vãi, máu xương bám vào vệ đường hay trên những chiếc xe bị pháo tan nát.

Rồi cuộc di tản trên tỉnh lộ 7B từ Phú Bổn về Tuy Hòa vào trung tuần Tháng Ba năm 1975 bi thảm, với xác người banh thây, chôn vùi bởi đất cát, cây rừng và dòng nước sông Ba.

Rồi cuộc lui binh cuối Tháng Tư, với bao nhiêu người nằm lại trên những bãi biển miền Trung, để gió cát và trùng dương rửa sạch da thịt, chỉ còn lại những bộ xương rời rã và những chiếc đầu lâu lăn lóc.

Thì đó, Việt Nam khốn cùng là một hình ảnh của những gì người ta muốn dựng nên, tìm đủ yếu tố rùng rợn, máu me, chết chóc cho một mùa lễ Halloween. Một người Việt Nam trải qua bao nhiêu biến cố thảm thương trong cuộc chiến tranh khốn nạn khởi xướng bởi một thứ ma quỹ thời nay, thì đâu có cần những cảm giác mạnh như người ta đang cố dựng nên cho một ngày Halloween vô lối của nước Mỹ nữa.

Biết bao nhiêu linh hồn oan khuất chết oan trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất, bao nhiêu mạng sống oan khiên bị đập đầu cắt cổ “ngày Giải Phóng,” ngày nay không siêu thoát, hiện thân thành những kẻ mang lốt người, nhưng lòng dạ ma quỷ đang thống trị đất nước chúng ta hôm nay. Còn những phận người bị vùi dập, còn những linh hồn oan khuất, còn những nhà tù rên xiết, địa ngục là cảnh giới của mùa lễ Halloween, thì người Việt chúng ta đâu có cần tái lập địa ngục một lần nữa.

Năm nay, đêm Halloween trên đất Mỹ, tôi sẽ không tốn một đồng để trang trí căn nhà thành nơi của ngạ quỷ, súc sanh, sẽ không tốn một đồng để mua kẹo cho cho bọn trẻ thích hoá trang hải tặc, Satan. Tôi sẽ đóng cửa, tắt đèn, đi ngủ sớm và xin tất cả cùng cầu nguyện cho thế giới bình an, đất nước tôi sớm thoát cảnh dân oan với bảy tầng địa ngục với bọn mang búa, liềm nhân danh tự do, độc lập.

 (Halloween 2018 – Huy Phương)

Chết theo kế hoạch, tử hợp quy trình!

Image may contain: one or more people and people standing

Van H Pham

Chết theo kế hoạch, tử hợp quy trình!

Huy Phương

Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào ngày 21 Tháng Chín, 2018 tại bệnh viện Quân Đội 108. Chưa được chín ngày sau, cũng tại bệnh viện này, cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười ra đi. Cờ đỏ sao vàng “sồi sụt” hạ xuống rồi kéo lên. Đó là người dân biết theo thông báo của đảng, còn đảng viên như sống chết ra sao, ngày nào là do chương trình xếp đặt của đảng. Đảng cho khai sinh trễ vài năm để dễ hy sinh thêm vài nhiệm kỳ, cho chết trễ vài ngày để tránh trùng tang. Ngay ngày Hồ Chí Minh “chuyển sang từ trần,” đảng cũng chưa cho phép chết, như theo Thông báo số 151-TB/TW ngày 19 Tháng Tám, 1989 của Bộ Chính Trị, “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 ngày 2 Tháng Chín, 1969, ngày Quốc Khánh của nước ta nên để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc nên Bộ Chính Trị quyết định công bố Chủ Tịch Hồ Chí Minh mất vào lúc 9 giờ 47 ngày 3 Tháng Chín, 1969!”

“Bác” mà Bộ Chính Trị còn đối xử như vậy, thì Trần Đại Quang, Đỗ Mười, hay Lê Đức Anh cùng chết chùm thì đảng cũng phải chia ra một hai tuần cho thưa thưa, không lại miệng tiếng ở đời độc ác lại cho rằng “trùng tang” hay “điệp tang,” không những “double” mà còn “triple!”

Theo phong tục Việt Nam, ngày xưa khi trong nhà có người chết, quan tài quàn tại nhà thì tất cả tủ kính, cửa kính đều phải dán kín lại, người ta sợ hình ảnh một quan tài phản chiếu trong kính thành hai, ba quan tài.

Không phải chỉ những ở Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Hàn, lãnh tụ và đảng viên thường có những cái chết mờ ám vì tranh giành quyền lực, thanh toán phe phái, mà ngay ở Việt Nam, những cái chết như Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang hay mất tích như Đinh Thế Huynh, Phùng Quang Thanh cũng đem lại nhiều nghi vấn. Trước đây Phùng Quang Hải, con Phùng Quang Thanh bị cách chức chủ tịch Tổng Công Ty 319, và người được đưa lên thay lại là con trai của Trần Đại Quang. Bây giờ Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang chết vì “vi-rus lạ,” còn cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh được cho là thân Trung Cộng, từng bị loan tin là bị đầu độc ở Pháp, có lần tái xuất hiện ở Việt Nam, rồi khi biến mất từ đó đến nay.

Nhưng dù có chết vì tuổi già, bị bệnh hiểm nghèo, bị đầu độc hay bị ám sát đều được đảng thương tiếc, che giấu và cải chính bằng cách ra một loại thông báo đại loại như nhau. Tục ngữ Việt Nam chúng ta đã có câu “có tật giật mình!”

Có gì mờ ám mà khi đồng chí nào chết, đảng cũng phải phân bua, rào đón “… dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, lãnh đạo đảng, nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện nhưng không qua khỏi.”

Xin đan cử một vài ví dụ:

*Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang: “Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương cho hay Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang do mắc bệnh hiểm nghèo, dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, lãnh đạo đảng, nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện nhưng không qua khỏi.”

*Cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười: “Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương thông báo, nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười trút hơi thở cuối cùng lúc 23 giờ 12 phút ngày 1 Tháng Mười, tại bệnh viện Trung Ương Quân Ðội 108. Thời gian lâm bệnh, ông đã được đảng, nhà nước, tập thể giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước cứu chữa, nhưng không qua khỏi vì tuổi cao sức yếu.”

*Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt: “Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng chiều 12 Tháng Sáu viết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được đảng, nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7 giờ 40 phút ngày 11 Tháng Sáu, 2008, thọ 86 tuổi.

*Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: “Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được đảng, nhà nước, quân ủy trung ương, Bộ Quốc Phòng và tập thể các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế trong và ngoài quân đội cùng gia đình hết lòng chăm sóc, đồng chí đã từ trần hồi 18 giờ 9 phút, ngày 4 Tháng Mười, 2013 tại bệnh viện Trung Ương Quân Ðội 108; hưởng thọ 103 tuổi.”

Ngoài trường hợp ông Võ Văn Kiệt chết ở Singapore hay ông Phan Văn Khải chết ở quê nhà Củ Chi, còn thì quân đội hay dân sự đều phải qua một ngõ duy nhất: Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108. Lê Đức Anh hiện cũng đang nằm chờ ở đây.

Dù lúc sống hầm hè, ganh ghét, quắc mắt nhìn nhau, thiếu đường muốn ăn tươi nuốt sống nhau, nhân gian gọi là “như sừng với đuôi,” khi chết dù phải bắt ấn vì sợ, cũng vắt nước mắt, tìm chữ nghĩa để ca tụng nhau.

Lẳng lặng mà nghe ông Tổng viết lời phúng điếu:

*Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính Trị, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nhà lãnh đạo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đảng, nhà nước và nhân dân ta, nhất là lực lượng công an nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam XHCN. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn với đảng, nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc với tất cả chúng ta.”

*Cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười, nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của đảng, nhà nước và nhân dân ta; Người đảng viên cộng sản rất mực kiên trung, suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; Người có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với đảng, nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.”

*Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: “Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với đảng, nhà nước, nhân dân và quân đội ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Nguyện mãi mãi học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong và tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của đồng chí.”

Tình nghĩa đồng chí Cộng Sản với nhau, có bao nhiêu câu nói, chỉ cần nói đi lặp lại như luận điệu của loại loa phường. Nhưng cứ nhìn cái quắc mắt của Nguyễn Tấn Dũng khi nhìn Nguyễn Phú Trọng bên cạnh quan tài Trần Đại Quang, hay những đôi mắt hằn học của gia đình người bị bức tử ném về phía kẻ sát nhân, thì người ngoài cuộc cũng đã hiểu. Trong thế giới đồng chí với nhau, đã và sẽ có những cái chết theo kế hoạch và tử hợp quy trình của đảng!  

Chúng ta là một dân tộc!

‘Chúng ta là một dân tộc!’

Huy Phương

Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in (trái) và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un trong cuộc gặp gỡ lịch sử hôm 20 Tháng Chín, 2018. (Hình: Getty Images)

Trông người, đau xót cho ta!

Ngày 18 Tháng Chín vừa qua, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in lần đầu tiên đến thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Hàn trong một cuộc viếng thăm lịch sử. Hình ảnh hai vị lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiên duyệt hàng quân danh dự và đứng trên xe mui trần đi qua các con đường phố với hàng nghìn dân chúng tụ tập hai bên đường, ăn mặc như ngày hội vẫy cờ chào đón – dù là được Bắc Hàn vận động – đã làm cho cả dân tộc Triều Tiên vui mừng trước cơ hội thống nhất Nam Bắc sau 65 năm hai miền bị chia cắt, ly tán.

65 năm nay, hai miền ngưng chiến nhưng không có hiệp ước hoà bình, hai bên vẫn xem nhau như thù nghịch, tiến hành chiến tranh tình báo và tìm cách tuyên truyền lôi kéo hay đánh phá nhau.

Qua những cuộc thương thuyết dài ngày và cam go, cũng như gây ra nhiều sự dị nghị, nghi ngờ, cho đến hôm nay, vào thời điểm trung tuần Tháng Chín, 2018, Bắc Hàn cam kết ngừng các hoạt động nghiên cứu hạt nhân, tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, bằng một quy trình “có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, và một thỏa thuận hòa bình Nam-Bắc Hàn, chấm dứt tình trạng chiến tranh dai dẳng giữa hai miền.

Theo AFP, Kim Jong-un đã tuyên bố tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bình Nhưỡng là :”Tổng Thống Moon Jae-in và tôi thống nhất đưa bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực không có vũ khí hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân – Tuyên bố chung Tháng Chín cũng sẽ nâng quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc lên tầm cao hơn, mang lại kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng!”

Lãnh đạo Bắc Hàn cũng đã nhận lời mời thăm Seoul của tổng thống Nam Hàn.

Kim Jong-un từ lâu nay được thế giới xem như một Chí Phèo của làng Vũ Đại, sở hữu vũ khí nguyên tử và hăm dọa cả vùng Đông Nam Á. Ngày nay nếu Kim Jong-un chịu thương thuyết với Hoa Kỳ và chịu ngồi lại với lãnh tụ Nam Hàn để mang lại hoà bình, thịnh vượng cho một đất nước chung, tách xa con đường thù hận, hiếu chiến của ông Kim Il-sung, và cha Kim Jong-il, thì lãnh tụ Bắc Hàn hôm nay đươc xem như một người thức thời và là cứu tinh của dân tộc Bắc Hàn. Chuyện thống nhất của hai miền tuy hãy còn xa, nhưng rồi đây hai miền sẽ thông thương, người dân đói nghèo, đơn điệu của Bắc Hàn rồi đây sẽ được hưởng một đời sống thịnh vượng, sung túc như Nam Hàn. Sẽ không còn đảng mà chỉ còn dân tộc!

Nhìn về Đông Âu: Ngày 9 Tháng Mười Một, 1989, bức tường Berlin sụp đổ.

Một dòng người lũ lượt từ Đông Bá Linh, đang tràn sang phía Tây thành phố Berlin tưng bừng như một này hội. Người ta khiêu vũ, uống rượu, phất cờ, ca hát, hò reo: “Wir sind ein Volk,” “Wir sind ein Volk” (Chúng ta là một dân tộc).

Đây là cơ hội một thuở để lìa bỏ chế độ Cộng Sản, và xóa sổ Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Ngày 3 Tháng Mười, 1990, nước Đức chính thức thống nhất.

Hai năm sau, Honecker, cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Ðức lâu năm kiêm chủ tịch nước Cộng Hòa Dân Chủ Ðức (DDR) và đồng bọn ra toà án nước Đức, sau đó xin tị nạn ở Liên Xô. Năm 1991, khối cộng sản Liên Xô kể như tan rã, nước Nga không muốn chứa chấp vợ chồng Honecker, họ phải trốn vào tòa đại sứ Chile xin tị nạn.

Năm 1991, chính phủ Đức ban hành “thuế phụ thu đoàn kết” (“Solidaritätszuschlag”) cho chương trình xây dựng Đông Đức, tính đến nay, chính phủ Đức đã chi hàng ngàn tỷ Euro cho chương trình xây dựng Đông Đức và vẫn còn tiếp tục. Người Đông Đức đã giàu lên hơn gấp 10 lần.

Nước Đức đã thống nhất nhưng không có kẻ thắng người thua, không có vơ vét tài sản của người khác làm chiến lợi phẩm cho mình, không có trả thù, không có trại tù (học tập cải tạo), không chiến dịch đánh tư sản mại bản, không có vùng kinh tế mới, không có hàng triệu người bỏ nước ra đi.

Nhìn cảnh tay trong tay của hai lãnh tụ Nam Bắc và viễn ảnh thống nhất nay mai của Đại Hàn, mà người Việt không khỏi mắt ứa lệ nghĩ đến thân phận của đất nước mình, cũng là hoàn cảnh chia cắt, cũng là phân đôi Quốc Cộng, mà hồi kết cục thì bi thảm.

Mục đích của đảng Cộng Sản Đông Dương – tiền thân của Đảng CSVN – do Hồ Chí Minh, ủy viên Ban Chấp Hành Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản lãnh đạo, ngay từ ngày thành lập, mục tiêu vẫn là hoàn thành cuộc cách mạng nhân danh “vô sản” trên toàn cõi Đông Dương.

Việt Minh hô hào chống Pháp giải phóng đất nước, nhưng chủ trương tiêu diệt các đảng phái chính trị yêu nước, thừa cơ cướp chính quyền ngày 19 Tháng Tám, 1945, và ngày 2 Tháng Chín, 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập. Hai biến cố này đã đưa tới sự thay thế chính quyền của Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim bằng chính quyền Việt Minh do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản lãnh đạo, từ đó tới cuộc chiến 30 năm đầy đau thương, chết chóc, chia rẽ và hủy diệt, kéo dài từ năm 1946 đến năm 1975. Hai biến cố này thực ra là đều không cần thiết vì ít nhất hai lý do vì sau ngày 9 Tháng Ba, 1945, Người Pháp đã bị nguời Nhật loại trừ ra khỏi chính quyền Đông Dương từ ngày Nhật đảo chính Pháp và sau khi Nhật đầu hàng, Việt Nam đương nhiên độc lập với chính quyền Bảo Đại–Trần Trọng Kim là chính quyền đương nhiệm và hợp pháp.

Đối với Hà Nội, Hiệp định Paris 1973 chỉ là một thủ đoạn để đuổi quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, khiến cho chế độ Sài Gòn suy yếu. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Việt tổ chức cuộc tổng tấn công, để đưa cả nước vào quỹ đạo Cộng Sản. Lấy được miền Nam, Hà Nội sẽ “thừa thắng xông lên” chiếm luôn Lào và Cambodia, biến hai nước láng giềng này thành những nước cộng sản dưới sự chi phối trực tiếp của đảng CSVN. Rõ ràng là ngày nay Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng, và một ngày không xa có thể sát nhập với nước Tàu như thân phận Mông Cổ, Tây Tạng…

Cuộc chiến xâm lược 72 năm của Việt Bắc đã gây ra cái chết của từ 2 đến 4 triệu người Việt ở hai miền. Việt Nam thống nhất nhưng hàng nghìn trại tập trung được dựng lên cho chính sách trả thù tàn độc. Ba triệu người cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đã bỏ nước ra đi, hằng trăm nghìn người đã chết ngoài biển khơi. Khoa bảng trí thức miền Nam bị vùi dập trong trại tù hay đã chết sông, chết biển hay bỏ thây nơi rừng rậm. Với con người thì nhân tâm ly tán, đạo đức suy đồi, với lãnh đạo thì nợ công chồng chất. Đất nước “vô địch” về tham nhũng, ma tuý, phá thai, ung thư, rượu bia, buôn người, xuất cảng lao động…

Chế độ Cộng Sản không yêu thương gì người Việt Nam, không nghĩ gì đến quần chúng, nên không thể dõng dạc nói như người Đức và có thể là Nam Bắc Hàn sau này: “Chúng ta là một dân tộc!” mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam chỉ biết hô to: “Còn đảng còn mình!” hay “Thà mất nước hơn là mất Đảng!” Việc hoà giải chỉ là chiến thuật nhất thời hay chiêu bài cho người nhẹ dạ để cướp chính quyền. “Chính quyền về tay nhân dân” nhưng nhân dân Việt Nam ngày nay là thù địch, cỏ rác dưới mắt đảng!

Bắc Việt không xem miền Nam là ruột thịt và không thể nói với miền Nam: “Chúng ta là một dân tộc!” Việt Cộng xem dân Tàu Cộng là anh em, xem nước Tàu là quê hương cả chúng:

“Bên này biên giới là nhà

Bên kia biên giới cũng là quê hương!”

Khi Mao Trạch Đông nước Tàu cần Hồ Chí Minh dùng xương máu của người Việt để bành trướng chủ nghĩa, lãnh đạo miền Bắc không từ nan, vì:

“Bác Mao không ở đâu xa

Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao” (Chế Lan Viên)

Trông người, đau xót cho ta! Dân tộc Việt Nam quả là một dân tộc bất hạnh.

Chúng ta đã chịu thiệt thòi làm người Việt Nam và cảm thấy xót xa, hổ thẹn trước gương Nam-Bắc Hàn, và chuyện thống nhất của nước Đức! 

(Huy Phương)

Có Những Sự Thật Không Cãi Được 

5 hrs

No automatic alt text available.
No automatic alt text available.
Image may contain: 2 people, people smiling, text
Image may contain: 2 people
Image may contain: 1 person, eyeglasses and text

Van H Pham

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật đau lòng, đừng mang ảo tưởng quê hương giàu đẹp, văn minh, trí tuệ, có ai đụng vào thì giãy lên như đỉa phải vôi, kêu la là “chống phá tổ quốc, tay sai ngoại bang, thù nghịch với nhân dân !”
**************

Có Những Sự Thật Không Cãi Được 

Tạp ghi Huy Phương

Càng sống lâu trong xã hội chủ nghĩa, con người càng thiếu đạo đức.

“Trăm năm trồng người…”

Một bản tin ngắn, rất tầm thường ở Việt Nam, không chắc làm cho bạn quan tâm, đau lòng, đó là bản tin từ Hà Nội, cho biết nạn bẻ kính chiếu hậu xe hơi bắt đầu tràn lan. Chỉ với một chiếc Porsch Panamera giá $200,000 đã được quân gian chiếu cố, chỉ trong hai năm, đã bị bẻ kính bảy lần. Ngay một sinh viên trường Cao Đẳng Văn Hóa-Thể Thao Hà Nội, Đặng Huy Việt, trước đây cũng từng là thủ phạm loại ăn cắp vặt này. Theo tôi, trong cái thời buổi tệ mạt này, rõ ràng là chuyện “trăm năm trồng người” đã có kết quả hay hậu quả đau lòng.

“Trăm năm trồng người…”

Một trong những “ranh ngôn” của Hồ Chí Minh được CSVN ca tụng nhất là câu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người,” nhưng trẻ em“quàng khăn đỏ” ít đứa nào biết tới ông Quản Trọng bên Tàu là tác giả chính hiệu danh ngôn này, đã bị “bác” bứng nguyên cây về trồng trong vườn nhà“bác.”

Câu này lấy từ ý của Quản Trọng trong sách Quản Tử, nguyên văn là: “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc, thập niên chi kế, mạc như thụ mộc, chung thân chi kế, mạc như thụ nhân.” (Kế sách cho một năm, lấy việc trồng lúa làm đầu; kế sách cho mười năm, lấy việc trồng cây làm đầu; kế sách cho trăm năm, lấy việc trồng người làm đầu).

Những gì “bác” đã gieo giống, chăm sóc, tưới nước bón phân, ngày nay rõ ràng là đã có kết quả. Sách Minh Tâm Bảo Giám, chương Kế Thiện, có câu: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. (Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu). Không ai gieo hạt chanh chua mà lại hái được giống cam ngọt, nói đơn giản, gieo nhân nào thì gặt quả nấy! Hạt giống độc địa ấy từ ngày được Hồ Chí Minh mang về gieo trong khu vườn nhà đã như là “loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh; là loài trùng độc, sinh sôi nảy nở trên rác rưới của cuộc đời” như câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tây Tạng, khi nhận xét về chủ nghĩa cộng sản.

Sau ngày cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, nơi Bắc Việt gọi là vùng tạm chiếm, tệ nạn xã hội càng ngày càng gia tăng, làm băng hoại đạo đức xã hội, luân thường đạo lý, như những chuyện băng đảng nhóm xã hội đen, cướp của giết người, mại dâm, ma túy, cờ bạc, hiếp dâm trẻ em, loạn luân, lừa gạt, chiếm đoạt tài sản.

Lúc đầu, nói về tình hình trật tự xã hội, đề cập đến những điều xấu xa đầy rẫy này, đảng cộng sản tránh né trách nhiệm, đổ lỗi cho đó là hậu quả, tàn dư của chế độ cũ để lại, chỉ đích danh là Mỹ, Ngụy, nhưng rõ ràng là sau hơn 39 năm “làm chủ” đất nước, thực tế ngày nay không thể còn đổ lỗi cho ai. Sau nữa là cả nước từ 60 năm nay, dưới sự cai trị của đảng, do chủ trương của đảng, là “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh!” Vậy thì những gì được ghi nhận hôm nay là thành quả chiếu sáng từ tấm gương ấy, đó là chân lý, mà chân lý này không bao giờ thay đổi. Không ai dám hỏi Hồ Chí Minh thực sự có đạo đức hay không, và cả đất nước mù quáng tin theo những gì đảng nhồi nhét từ những đứa trẻ, làm đông đặc đầu óc thanh niên, bắt người ta tin vào những chuyện không có thật.

Hậu quả là ngày nay cả nước nói dối như cuội.
Hậu quả là ngày nay cả nước ai cũng gian dối để sống.
Hậu quả là ngày nay, lý tưởng của cuộc sống là đồng tiền.

-Ở xã hội ấy cái gì cũng mua được bằng tiền, cái gì cũng được đem bán, và người ta sẵn sàng bán đi cả những gì quý nhất.

– Ở xã hội ấy, người ta không biết hổ thẹn vì nhân cách, nhưng cảm thấy hổ thẹn khi thua sút những người chung quanh vì cái nhà, cái xe, cái điện thoại, cái xách tay…

– Ở xã hội ấy, ai cũng muốn bỏ đi, những ai còn ở lại vì không đi được, hay đang còn kiếm tiền để chuẩn bị đi hay lo cho những người đã đi.

– Con người là vốn quý như ai đó đã từng nói, nhưng một mạng người không đáng giá bằng một con chó!

– Con người là vốn quý, nhưng người ta coi rẻ sinh mạng của nhau, cầm dao giết nhau chỉ vì một cái nhìn, một chuyện tranh cãi hay để cướp đoạt tài sản của người khác.

– Con người là vốn quý, nhưng công an, thế lực của chế độ, sẵn sàng đánh chết dân vì dân không chịu nhận tội mình không làm.

– Xã hội chủ trương mình sống vì mọi người, nhưng người vá xe sẵn sàng rải đinh trên đường để cho tiệm mình đông khách, thêm lợi nhuận.

-Xã hội chủ trương mình sống vì mọi người nhưng bọn phục vụ cho dân, ăn gian, làm dối, sống chết mặc bay.

– Cộng sản đã từng ca tụng: “Chủ Nghĩa Xã Hội là đỉnh cao trí tuệ loài người!” Hà Nội là lương tri của nhân loại! Báo Quân Đội Nhân Dân đã ca tụng “đỉnh cao của khí phách và trí tuệ Việt Nam,”nhưng ngày nay nhân dân Việt Nam đi đến đâu đều được mọi quốc gia có những cái nhìn thiếu thiện cảm.

Nhật, Thái Lan, Nam Hàn, Singapore… kết án người Việt trộm cắp, ăn tham, xả rác, bán dâm… khiến hình ảnh Việt Nam đang dần trở nên xấu xa. Cả nhân viên nhà nước cũng buôn lậu, ăn cắp, hối lộ, vậy người Việt ra nước ngoài còn dám ngẩng mặt nhìn ai?

– Ở trong nước dân Việt đã bày tỏ dân trí bằng cách ẩu đả, chửi bới nhau để chen lấn mua bánh Trung Thu ở Hà Nội, giành giật đạp lên nhau để giành được một miếng sushi miễn phí ở một cửa hàng mới khai trương, hỗn loạn trèo lên đầu nhau để mua bằng được lá ấn trong lễ khai ấn đền Trần, hôi của khi có tai nạn qua đường như rơi tiền, đổ bia…

Người ngoại quốc và các tòa đại sứ ở Việt Nam thì bắt đầu “sợ” dân Việt khi những cây anh đào được đem từ Nhật đến bị đám đông nhào đến vặt sạch, chính phủ Hòa Lan tổ chức phát 3,000 chiếc áo mưa cho dân chúng để tỏ tình hữu nghị thì đám đông ào ạt, hung dữ nhào lên sân khấu cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán.

– Chính giới trí thức trong nước, như Giáo Sư Nguyễn Thanh Giang đã viết rằng,“Phải nói rằng kể từ khi đưa Chủ Nghĩa Mác vào Việt Nam thì con người Việt Nam bấy giờ còn tha hóa hơn con người Việt Nam hồi thời phong kiến. Và tư chất, đạo lý của con người Việt Nam bây giờ còn thua cái thời Pháp thuộc. Cho nên điều đó là do ảnh hưởng của chế độ chính trị và của tổ chức xã hội. Tổ chức xã hội mà chủ yếu đẩy con người vào tình trạng không cạnh tranh lành mạnh, không cạnh tranh dựa trên đạo lý, không dựa trên pháp luật, mà bằng phe nhóm, ỷ thế, ỷ quyền, ỷ vào giai cấp, ỷ vào thành phần lý lịch, ỷ vào con ông cháu cha. Hơn nữa, kể từ khi đưa cái Chủ Nghĩa Mác vào, lấy chuyên chính vô sản vào, thì người ta không tôn trọng pháp luật nữa. Cho nên người ta sẵn sang giẫm đạp lên pháp luật, lên đạo lý, từ đấy ảnh hưởng đến tâm tính của con người Việt Nam. Rồi đời sống không cần đạo lý, không cần pháp luật. Thì đó là cái tội của chế độ chính trị và tổ chức xã hội này.”

Ai đưa Chủ Nghĩa Mác vào Việt Nam, phải chăng là công ơn “bác Hồ” cho nên hôm nay, chưa đến một trăm năm, mà việc trồng người của “bác” đã có kết quả “khả quan,” đưa đất nước vào chỗ lụn bại, tha hóa.

Muốn gieo lại hạt giống tốt thì phải quét sạch, khai quang, đào xới lại cả khu vườn, thay đất mới, và phải mất trăm năm nữa, con người hôm nay mới trở lại được cái tử tế, văn hóa, chỉ mong được tương đối như người miền Nam trước 1975, hay nói xa hơn là cả cái thời Pháp thuộc.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật đau lòng, đừng mang ảo tưởng quê hương giàu đẹp, văn minh, trí tuệ, có ai đụng vào thì giãy lên như đỉa phải vôi, kêu la là “chống phá tổ quốc, tay sai ngoại bang, thù nghịch với nhân dân !”