Dừng chân tại Baltimore Maryland

Dừng chân tại Baltimore Maryland

Bút ký

Đoàn Thanh Liêm

*     * Ngày 20 tháng Tư năm 2010, tôi đã từ Dallas Texas bay đến phi trường quốc tế Baltimore Washington (BWI) vào lúc 5.00 chiều và được cháu Hoà là ông xã cuả cháu Vui đón đưa về nhà tại thành phố Owings Mills ở phiá tây bắc cuả Baltimore, gần với biên giới tiểu bang Pennsylvania. Muà hè năm 2009, tôi cũng đã ở đây và được các cháu chăm sóc mọi chuyện thật là tươm tất chu đáo, trong bàu không khí thật là thân thương ấm cúng cuả gia đình. Đó là lý do tại sao tôi lại lấy nhan đề là “Dừng chân” cho bài viết này.

Sau mấy tuần lễ bận rộn ở Houston, New Orleans và Dallas, tôi cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức, và giải quyết một số công việc còn tồn đọng cuả mình. Nhất là còn phải khai triển tiếp theo (follow-up) những điều tiếp thu được trong các kỳ đại hội tại Texas và Louisiana, cũng như là gửi thư và hình ảnh liên hệ đến các vụ việc đó cho các bạn hữu khắp nơi.

Cũng như năm ngoái, các cháu Hoà Vui đã dành cho tôi cả một căn phòng rộng rãi dưới tầng hầm (basement), với đủ tiện nghi về phòng ngủ, nhà vệ sinh và nhất là bàn máy computer – để tôi có thể làm việc và trao đổi thông tin cho gọn gàng thoải mái. Rõ ràng đây là thứ “căn cứ hậu cần” cho tôi trên bước “đường hành quân” tại khu vực miền Đông nước Mỹ, cách xa với bản doanh chính là California đến trên 4,000 cây số.

Trong dịp này, vào ngày Thứ Sáu 23 tháng Tư, các cháu còn chở tôi đến thăm anh hoạ sĩ Vũ Hối ở thành phố Laurel cũng gần với Baltimore. Nhà anh chị ở chung với con cháu rất đông, nhân số lên đến tất cả 16 người, ai nấy đều có công ăn việc làm, nên cuộc sống cũng thoải mái. Anh vẫn cặm cụi làm việc như ngày nào, mà lại hay được bạn hữu khắp nơi mời đến tham gia các buổi triển lãm với những tác phẩm độc đáo cuả anh về cả bốn thể loại : Thi, Thư, Ảnh, Hoạ, tức là có Thơ, có Thư hoạ, có Nhiếp ảnh vá có Tranh do chính anh sáng tác, thực hiện. Anh nhắc lại hai câu thơ tôi nhờ anh viết để tặng Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị hồi cuối năm ngoái 2009, và bảo tôi ghi ra một số câu thơ khác nưã cho anh trình bày qua lối Thư hoạ độc đáo (calligraphy) để gửi tặng bạn bè. Và tôi đã ghi ra một số câu thơ tôi làm hồi còn ở trại tù Z30D tại khu Rừng Lá Hàm Tân hồi năm 1994-95, để tặng các bạn tù chính trị như Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Trung Tá Phạm Đức Khâm. Tôi cũng viết vài câu thơ tặng Chị Jackie Bông và Nghệ sĩ Kiều Chinh, tất cả đều là các bạn thân thiết cuả cả hai chúng tôi. Rồi chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ là anh Vũ Hối đã hoàn thành được tất cả 5 bức thư hoạ để gửi tặng các người bạn nói trên cuả tôi. (Chi tiết cuả mấy câu thơ này, tôi xin ghi trong Phần Phụ Lục kèm theo bài viết này). Anh còn yêu cầu tôi cứ việc gửi thêm các câu thơ tặng bạn hữu khác nưã, để anh thực hiện trình bày và gửi làm kỷ niệm cuả chung hai chúng tôi đến các người bạn đó. Thật rõ ràng là tôi có cái duyên hợp tác gắn bó rất là thân tình với anh bạn hoạ sĩ thật dễ mến này vậy đó.

Chiều Thứ Bảy 24, các cháu còn chở tôi cùng gia đình đi tham dự thánh lễ tại nhà thờ Sacred Heart cũng gần nhà. Sau buổi lễ, lại còn chở đi vòng quanh khu vực nông thôn trong vùng. Muà Xuân cây cỏ thật xanh tươi nơi các nông trại được chăm sóc khá lớp lang gọn ghẽ, với nhiều đàn ngưạ đua nhau gặm cỏ ven đường. Dọc theo đường làng quê, có nhiều chỗ dân chúng tụ họp rất đông đảo để cắm trại và xem biểu diễn đua ngựa (horse show), tạo thêm vẻ sinh động cho cảnh thiên nhiên vốn thật tĩnh lặng thanh bình, bao quanh khu vực đô thị thường náo nhiệt ồn ào như Baltimore, Philadelphia ở hai đầu phiá nam và phiá bắc. Vẫn còn muà Xuân, nên khí hậu thật mát diụ, ban ngày chỉ vào khoảng trên dưới 10 độ bách phân, với những cơn mưa rào nho nhỏ kéo dài có khi cả một vài ngày, khiến cho cây cối càng thêm tươi tốt, với vòm lá lung linh sáng loáng phản chiếu ánh mặt trời ban mai.

Cái cảnh thanh bình tĩnh lặng ở miền nông thôn này thật trái ngược hẳn với tình trạng xô bồ, phức tạp trong khu nội ô thành phố Baltimore, nơi có tỷ lệ cao nhất so với các thành phố lớn khác về loại tội phạm giết người, mà phần lớn do nạn nghiện ngập và buôn bán ma tuý phát sinh ra. Đó là vấn đề gây cho chánh quyền, cũng như dân chúng điạ phương nhiều nỗi bế tắc lo âu, nhức nhối mà từ nhiều năm nay vẫn chưa làm sao tìm được lối thoát khả dĩ vậy.

Nói về sức khoẻ cuả tôi, thì nhờ Trời và cũng nhờ đông đảo bà con chăm sóc cái ăn cái uống, cũng như nơi ở tĩnh mịch tiện nghi, nên ai gặp lại tôi cũng phải khen là hồi này coi bộ sắc diện có vẻ tươi vui, dáng đi vững chãi. Cô Uyên ở New Orleans, thì nói : “Trông anh mạnh khoẻ hơn cái hồi mấy năm trước, mà nhất là anh vẫn giữ được cái tạng thon thon với cái bụng thật là flat…” Bạn Phan Đình Minh ở Dallas, thì nói : “Anh Liêm coi thật là healthy…” Cháu Vui ở Baltimore, thì nói : “Coi bộ bác khoẻ mạnh rắn chắc hơn năm ngoái đấy…” Tôi thật mừng vì ai cũng vui lây vì thấy tôi khoẻ mạnh, lạc quan, yêu đời và say mê với công việc này nọ.

Sau chừng một tuần lễ dừng chân nơi đây, tôi lại sắp sưả đến vùng thủ đô Washington DC, để tiếp tục làm công việc nghiên cứu tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ như vẫn thường làm mỗi năm vào các muà hè.

Xin hẹn sẽ trình bày tiếp trong các bài viết sau vậy nhé

Baltimore, 26 Tháng Tư 2010

Đoàn Thanh Liêm

Phụ Lục : Mấy câu thơ tặng bạn với thư hoạ cuả hoạ sĩ Vũ Hối

1/ Tặng Chị Jackie Bông :

“ Trời thu nắng nhẹ hiền hoà

Mây thu lãng đãng ngàn hoa phiêu bồng.”

2/ Tặng Chị Kiều Chinh :

“Let’s live fully

By loving totally

And enjoying peace & ecstasy

Deep in our inner-selves.”

3/ Tặng Anh Phạm Đức Khâm :

“Mưa nắng dãi dầu, thân sức kiệt

Vẫn lòng son sắt, dạ kiên trung”

4/ Tặng Anh Đoàn Viết Hoạt :

“ Tường đá rào cao kiên cố đó

Hồ dễ làm ta bỏ cuộc chơi?”

5/Tặng Anh Nguyễn Đan Quế :

“Tù mấy phen rồi, ai thắng ai?

Bạo quyền muôn thuở sợ công khai

Bịt mồm khoá miệng người công chính

Ta vẫn kiên cường, há thua ai?”

6/ Tặng Anh Nguyễn Bảo Trị :

“Đường xa vạn lý mỏi mòn

Vẫn nòi quân tử sắt son với Đời.”/

Thương tiếc Bác Chín

  Thương tiếc Bác Chín

       (1920 – 2012)

 Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Bác Chín là tên gọi thân thiết riêng tư trong nhóm bạn hữu chúng tôi ở Sài gòn sau năm 1975 để gọi Bác Chín Tân (Chân Tín) – nhằm tránh sự theo dõi của mấy người công an mật vụ vốn thường bám sát những “đối tượng khả nghi”. Còn thông thường, thì mọi người đều gọi ông là Cha Chân Tín – nguời Mỹ thì gọi ông là Father Chân Tín.

Ở vào tuổi 92 (1920 – 2012), theo đúng với quy luật “Sinh Lão Bệnh Tử”, thì sự ra đi của ông vào ngày 1 tháng 12 năm 2012 tại Saigon là điều không mấy ai ngạc nhiên. Mặc dầu vậy, tôi cũng đã nhận được điện thư của mấy người bạn – họ bày tỏ “sự bàng hòang” (anh Nguyễn Xuân Sơn ở New York, bào đệ của họa sĩ Thái Tuấn) hay : “đó là sự mất mát lớn cho Việt nam” (chị Sophie Quinn-Judge ở Philadelphia).

Là người có duyên được quen biết gần gũi với ông từ trên 45 năm nay, tôi xin được ghi lại một số kỷ niệm thân thương với ông qua một số bạn hữu và một số chuyện ngộ nghĩnh khác – đặc biệt là sau năm 1975.

1 – Trước hết là nhóm người cùng bị bắt với Bác Chín vào tháng 4 & 5 năm 1990.

Trong đó có những người đã ra người thiên cổ như Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ, Nguyễn Ngọc Lan, Đỗ Trung Hiếu, Nguyễn Văn Tấn và Roxanna Brown v.v…

Còn anh Đỗ Ngọc Long, Lê Văn Trinh, Nguyễn Trọng Liêm và tôi, thì hiện đang sinh sống trên đất Mỹ. Mike Morrow hiện còn làm ăn ở Hongkong. Nhóm chúng tôi bị bắt giữ trong đợt này là do chính ông Mai Chí Thọ Bộ trưởng Nội vụ hồi đó là người đứng ra chỉ đạo chiến dịch mẻ lưới lớn “bắt giữ để phòng ngừa” (preventive arrests).

2 – Kỷ niệm với Mục sư Tullio Vinay (1909 – 1996) ở Italia.

Vào năm 1989, mục sư TullioVinay ở thành phố Turin Italia đã chuyển tòan bộ số hiện kim của giải thưởng ông nhận được từ bên nước Đức cho cha Chân Tín – số tiền lên đến trên 11,000 US dollar. Và dĩ nhiên là cha đã chia hết số tiền này cho những dự án xã hội và giáo dục ở Saigon và ở Cần Giờ. Bây giờ, thì ông cha có thể đi gặp lại người bạn mục sư Tin Lành rất mực thân thương và tốt bụng đó rồi.

3 – Chuyến viếng thăm của Nghị sĩ George McGovern năm 1972.

Thượng Nghị sĩ McGovern là ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ trong cuộc bàu cử Tổng thống ở Mỹ năm 1972. Trong chuyến viếng thăm Sài gòn vào giữa năm đó, ông dành thời gian để đến thăm Linh mục Chân Tín. Nhưng ông lại bị lực lượng an ninh tìm cách cản trở, nên cuộc thăm viếng đã không thể thực hiện được. Sự kiện này đã gây sôi nổi trong công luận ở Mỹ lúc đó. Vài tháng trước đây, thì Nghị sĩ McGovern cũng vừa mới qua đời cũng trong năm 2012 – như thế thì hai nhân vật danh tiếng lần này sẽ dễ dàng gặp lại nhau, khỏi bị ai đó làm phiền hà ngăn cản nữa.

4 – Câu chuyện xung quanh vụ Phong Thánh Tử Đạo năm 1988.

Suốt trong hai năm 1987 – 88, Nhà nước cộng sản mở chiến dịch chống phá việc Giáo hội Công giáo tổ chức Phong Thánh Tử Đạo cho những vị bị sát hại trong thời cấm đạo ở Việt nam thời trước. Trong hàng ngũ tu sĩ và giáo dân có can đảm đứng ra bênh vực lập trường của Giáo hội, thì có Linh mục Chân Tín và Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan là hai vị viết những bài có sức thuyết phục cao đối với quần chúng giáo dân, nên được phổ biến cùng khắp cả nước – khiến gây e ngại cho giới cầm quyền, vì họ sợ chuyện “già néo bứt giây”.

Vì thế, mà trong dân gian bà con đã ví von gọi hai ông là “cặp kiện tướng Gullitt/Van Basten” của đội bóng tròn Hòà Lan là vô địch Âu châu năm 1988.

5 – Cuộc thẩm vấn của Đại tá Quang Minh tại trại giam B34 ở Saigon.

Trong suốt 3 tháng 5,6 và 7 năm 1990, tôi bị Đại tá Quang Minh Ngô Văn Dần thẩm vấn liên tục. Ông này là thủ trưởng của bộ phận Phản gián ở miền Nam. Ông tra hỏi tôi rất kỹ về mối liên hệ giữa tôi với linh mục Chân Tín và ông Tám Cần Tạ Bá Tòng. Ông còn nói với tôi : Ông Chân Tín là “người bạn lớn” của ông mà ! (Ông Minh hay chêm tiếng Pháp trong khi nói chuyện với tôi – cụ thể nguyên văn tiếng Pháp : “votre grand ami”). Trong thời gian thẩm vấn dài ngày đó, cũng ông Quang Minh này đã tặng cho tôi một danh hiệu dữ dằn khác nữa, đó là : “ kẻ sát nhân ngọai hạng “ (nguyên văn: “assassin de génie”).

6 – Tôi còn rất nhiều kỷ niệm vui buồn khác nữa với Bác Chín. Xin lần lượt ghi ngắn gọn mấy vụ điển hình như sau:

A – Đại khái như lúc bác rưng rưng nước mắt xác nhân với anh em chúng tôi là cháu Thiên Hương ái nữ của nhà văn Duyên Anh và chồng là David người quốc tịch Anh đều đã tử nạn máy bay ở Bangkok năm 1988.

B – Từ cuối thập niên 1980, Ông Tám Cần Tạ Bá Tòng và Linh mục Chân Tín là hai vị Cố vấn mà thường đến tham dự các buổi họp với chúng tôi trong Xí nghiệp Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật có trụ sở đặt tại Bến Chương Dương Sài gòn. Cả hai vị đều được anh em trong Xí nghiệp chúng tôi rất quý mến yêu chuộng. Và sau này cả hai đều bị bắt giữ, bị quản chế vào năm 1990 như đã ghi ở trên.

C – Vào cuối năm 1974, nhân dịp đến thăm các tù nhân chính trị từ Côn Đảo mới được trả tự do và đang tá túc tại chùa Ấn Quang trong thời gian chờ đợi tìm phương tiện chuyên chở để về lại nguyên quán tại miền Trung, thì tôi còn dẫn Bác Chín đến thăm Thày Trí Quang tại đây nữa. Đây có thể là lần duy nhất mà Bác Chín trực tiếp chuyện trò trao đổi với Thày Trí Quang. Hai vị chuyện trò với nhau thật thân tình cởi mở, biểu lộ sự thông cảm và tương kính giữa những bậc tu hành với nhau.

D – Và vào năm 1989, một số anh chị em giáo dân chúng tôi cũng đã rủ nhau đến hội họp tại văn phòng của Bác Chín để cùng nhau bàn luận về việc sọan thảo Búc Thư Ngỏ gửi đến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và cả đến Tổng Giám Mục Sài gòn Nguyễn Văn Bình nữa.

Những chuyện vui buồn giữa Bác Chín và anh chị em chúng tôi ngộ nghĩnh đại lọai như vậy, thì rất là nhiều. Nhưng vì khuôn khổ của bài báo có giới hạn, nên tôi xin tạm ngưng bài viết này tại đây vậy.

Nay thì Bác Chín đã lìa xa cõi tạm này để đi gặp lại, quây quần xum họp với bao nhiêu người thân thiết yêu thương của Bác.

Xin vĩnh biệt Bác Chín với lòng quý mến muôn vàn

Và xin cầu chúc Bác luôn thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng.

Bài viết lần đầu tại Westminster California, tháng 12 năm 2012

Và được bổ túc cũng tại California vào tháng 11 năm 2015 – nhân dịp chuẩn bị Lễ Giỗ Đoạn Tang Ba Năm của Bác Chín (2012 – 2015)

Đoàn Thanh Liêm

Desiderata: Một áng văn “lời hay ý đẹp”

Mehrmann

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Max Ehrmann (1872-1945)

Desiderata: Một áng văn “lời hay ý đẹp”

Đoàn Thanh Liêm giới thiệu

Trước năm 1975, ở Saigon tôi có dịp được đọc bản văn tiếng Anh mà có nhan đề bằng tiếng la tinh là “Desiderata” có nghĩa là “ Những điều mong ước”. Đây là một “bài thơ không vần” (poeme en prose) như người Pháp thường nói. Lời văn rất súc tích, gọn gàng, chứa đựng những lời khuyên nhủ rất thân tình, cụ thể và thẳng thắn. Tôi đã chép bài đó vào một cuốn vở. Nhưng lâu ngày hóa ra lạc mất. Nay cũng lại nhờ có internet, mà tôi đã tìm ra được, không những nguyên tác bản văn, mà còn cả nhiều chuyện ngộ nghĩnh xung quanh áng văn có thể được xếp vào lọai “bất hủ “ này nữa. Tôi xin đính kèm trong Phần Phụ Lục của bài này cả bản dịch tòan văn và cả nguyên tác bằng Anh ngữ nữa.

Xin trích dẫn vài đọan tiêu biểu như sau :

“ Hãy giữ bình thản tự tại ở giữa sự ồn ào vội vã, và nhớ đến sự an bình trong trạng thái thinh lặng”. “Bạn là một người con của vũ trụ này, không thua kém gì so với cây cối và tinh tú; bạn có quyền được có mặt nơi đây.” “Hãy vui thú với những thành tựu cũng như các dự án của bạn.” “ Hãy tránh xa người hay ồn ào lớn tiếng và hay gây hấn ; họ là lọai người hay gây phiền nhiễu cho tinh thần.” “Bạn cũng đừng nên hòai nghi yếm thế về tình yêu, bởi lẽ đối mặt với tất cả sự khô cằn và vỡ mộng, thì tình yêu vẫn tồn tại miên viễn như cây cỏ.” …

Tác giả bài thơ này là Max Ehrmann (1872-1945). Ông sinh tại thành phố Terre Haute, tiểu bang Indiana. Sau thời gian ngắn hành nghề luật sư, thì ông về nhà chuyên viết văn, làm thơ. Bài Desiderata này được suy đóan là được viết vào năm 1927, lúc ông đã được 55 tuổi. Nhưng phải đến giữa thập niên 1960, thì bài thơ mới được công chúng say mê ưa chuộng và phổ biến khá rộng rãi.

Có hai lý do khiến gây ra sự chú ý của công luận. Thứ nhất là nhờ người bạn thân thiết của vị Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là Adlai Stevenson, vừa mới mất tại London vào năm 1965, thì có khám phá ra được là ông đại sứ để trong phòng làm việc riêng của mình một bản văn của bài thơ Desiderata này, mà ông dự định sẽ cho in vào trong tấm Thiệp Noel sắp tới để gửi cho các bạn hữu của ông. Mẩu tin này càng khiến cho công luận chú ý đến bài thơ.

Còn một lý do khác nữa, đó là không hiểu vì sao mà lại có một ấn bản khác của bài thơ lại ghi là “Được tìm thấy tại Nhà thờ cổ St Paul năm 1692”. Công chúng thắc mắc, vì ngôn từ tiếng Anh của bài thơ này là của thời hiện đại, chứ không thể là từ thế kỷ 17 được. Và qua các vụ tranh tụng trước Tòa án, cũng như bút chiến trên báo chí, thì gián tiếp càng làm cho công chúng chú ý hơn đến bài thơ này hơn nữa.

Nhiều bà mẹ đã đọc cho con cái nghe bài thơ, đến nỗi các cháu đều thuộc làu. Ngay cả đến cháu bé mới có 3 tuổi, mà đã vanh vách đọc lớn tiếng tòan bộ bài thơ, mặc dầu cháu chưa hề biết đọc được chữ viết.

Bạn đọc muốn biết thêm chi tiết nữa, thì xin cứ mở internet qua Google hay Yahoo, thì sẽ thấy tài liệu rất đày đủ, phong phú và chính xác liên hệ đến bài thơ “Desiderata này.

Người viết rất vui mừng được giới thiệu với các độc giả người Việt thêm một áng văn nổi danh khác nữa trong kho tàng văn học hiện nay của nước Mỹ.

California, Tháng Năm 2009

Đoàn thanh Liêm

Phụ Lục

Desiderata (1927)

by Max Ehrmann

Bản dịch : Đòan Thanh Liêm(2009)

Hãy giữ bình thản tự tại ở giữa sự ồn ào vội vã, và nên nhớ đến sự an bình có được trong trạng thái thinh lặng.

Hãy đối xử thuận thảo với mọi người, trong chừng mực tối đa có thể được mà không phải là sự đầu hàng.

Hãy nói sự thật của bạn một cách ôn tồn và rõ ràng; và lắng nghe mọi người khác, kể cả người ngu đần, dốt nát; họ đều có câu chuyện của họ.

Hãy tránh xa người hay ồn ào lớn tiếng và thích gây hấn; họ là lọai người gây phiền nhiễu cho tinh thần.

Nếu bạn mà so sánh mình với các người khác, thì bạn có thể đâm ra kiêu ngạo hay cay cú, bởi lẽ luôn luôn có người hơn hay kẻ kém so với chính bản thân bạn. Hãy vui thích với những thành tựu và dự án của bạn.

Hãy chú trọng đến nghề nghiệp riêng tư của bạn, mặc dù nó khiêm tốn đến mấy; bởi vì đó mới đích thực là sở hữu của riêng bạn giữa sự thăng trầm của thế sự.

Hãy thận trọng trong công việc làm ăn, vì thế giới đày dãy những lừa lọc dối trá Nhưng cũng đừng nên tự bịt mắt mình trước điều nhân đức; bởi lẽ vẫn có nhiều người tranh đấu vì lý tưởng cao cả, và bất cứ ở đâu thì cuộc sống cũng đày dãy lòng dũng cảm.

Hãy đích thực là mình. Đặc biệt không nên giả vờ tỏ ra sự âu yếm.

Mà cũng đừng nên hòai nghi yếm thế về tình yêu, bởi lẽ đối mặt với tất cả sự khô cằn và vỡ mộng, thì tình yêu vẫn tồn tại miên viễn như cây cỏ.

Hãy lịch lãm nghe theo lời khuyên của các bậc cao niên, và biết duyên dáng nhường bước cho tuổi trẻ.

Hãy bồi dưỡng sức mạnh tâm trí để che chắn cho bạn trong lúc họan nạn.

Nhưng đừng gây phiền muộn cho mình với những tưởng tượng đen tối.

Nhiều nỗi sợ hãi phát xuất từ sự mệt nhọc và nỗi cô đơn.

Vượt lên trên cả kỷ luật lành mạnh, hãy lịch sự nhỏ nhẹ với chính mình.

Bạn là một người con của vũ trụ này, không thua kém gì so với cây cối và tinh tú; bạn có quyền được có mặt nơi đây.

Và dù tỏ tường hay không rõ rệt đối với bạn, chắc chắn là vũ trụ này phải tỏ lộ ra cho con người.

Bởi vậy, hãy hòa hõan với Thượng Đế, dù bạn quan niệm Ngài bất kể như thế nào.

Và bất kể sự vất vả và ước vọng của bạn ra sao trong cái hỗn độn ồn ào của cuộc sống, bạn hãy ráng giữ được sự an bình trong tâm hồn.

Với tất cả nỗi nhục nhằn, vất vả, và giấc mộng đổ vỡ, thì thế giới này vẫn là tuyệt diệu.

Hãy vui lên. Hãy phấn đấu để mà được sống hạnh phúc.

Desiderata

(something desired as essential)

Go placidly amid the noise and the haste, and remember what peace there may be in silence.

As far as possible, without surrender, be on good terms with all persons.

Speak your truth quietly and clearly; and listen to the dull and ignorant; they too have their story.

Avoid loud and aggressive persons; they are vexations to the spirit.

If you compare yourself with others, you may become vain or bitter, for always there will be greater and lesser persons than yourself.

Enjoy your achievements as well as your plans.

Keep interested in your career, however humble; it is a real possession in the changing fortunes of time.

Exercise caution in your business affairs, for the world is full of trickery.

But let this not blind you to what virtue there is; many persons strive for high ideals and everywhere life is full of heroism.

Be yourself. Especially do not feign affection.

Neither be cynical about love; for in the face of all aridity and disenchantment, it is as perennial as the grass.

Take kindly the counsel of the years, gracefully surrendering the things of youth.

Nurture strength of spirit to shield you in sudden misfortune.

But do not distress yourself with imaginings.

Many fears are born of fatigue and loneliness.

Beyond a wholesome discipline be gentle to yourself.

You are a child of the universe, no less than the trees and the stars and you have a right to be here.

And whether or not it is clear to you, no doubt the universe is unfolding as it should.

Therefore, be at peace with God, whatever you conceive Him to be.

And whatever your labours and aspirations, in the noisy confusion of life, keep peace with your soul.

With all its sham, drudgery and broken dreams, it is still a beautiful world.

Be cheerful. Strive to be happy.

 Max Ehrmannn, 1927

Đại Hội Mẹ La Vang tại Las Vegas 2015

Đại Hội Mẹ La Vang tại Las Vegas 2015

Ghi ngắn của Đoàn Thanh Liêm

DoanThanhLiemĐại Hội Mẹ La Vang năm 2015 vừa diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 18 tháng Mười tại Đền Thánh Mẹ La Vang nơi thành phố Las Vegas thuộc tiểu bang Nevada. Đây là Đại Hội lần thứ VIII quy tụ đến trên 6,000 giáo dân đến từ nhiều tiểu bang lân cận, đặc biệt là từ California. Nhiều thánh lễ trọng thể đã được liên tiếp cử hành trong Đại Hội với sự chủ tế của Đức Cha Joseph A. Pepe là vị Giám mục sở tại và hai vị Giám mục đến từ Việt nam là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên giáo phận Hải Phòng và Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống giáo phận Phan Thiết. Với sự đồng tế của trên 30 vị Linh mục đến từ nhiều địa phương ở hải ngọai cũng như ở Việt nam.

Chủ đề của Đại Hội năm nay là: “Cùng Mẹ Sống Chứng Nhân Hy Vọng”. Chủ đề này đã được phản ánh thật rõ nét trong các bài thuyết giảng tại buổi lễ cũng như trong các bài thuyết trình tại các cuộc hội thảo. Đặc biệt trong bài thuyết giảng vào Chủ nhật 18 tháng Mười, Đức Cha Vũ Duy Thống đã nhấn mạnh đến sứ mệnh tận tâm phục vụ trong mọi hòan cảnh của các tín hữu Công giáo – để góp phần vào công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô tại khắp nơi trên thế giới.

216193-Dai-Hoi-La-Vang-1-4

Cụ thể Đức Cha Thống cũng nhắc đến tinh thần hy sinh của các anh chị thiện nguyện viên trong Ban Ẩm Thực để phục vụ các bữa ăn cho tòan thể cộng đồng hành hương – mà tổng số lên đến năm sáu ngàn người trong suốt 3 ngày của Đại Hội – cũng như của rất nhiều em trong tổ chức Thiếu Nhi Thánh Thể, các Nữ Tu và các thành viên của Hội Đồng Mục Vụ đã không quản ngại công lao khó nhọc trong việc bảo đảm trật tự vệ sinh cũng như giữ được bàu không khí trang nghiêm đạo đức trong suốt các buổi lễ và hội thảo.

Cũng nên ghi thêm là các ca đòan từ nhiều giáo xứ ở xa như từ California cũng đã liên kết với nhau thành một ca đòan tổng hợp với số ca viên lên tới 50 – 60 người. Các thành viên đều được tập luyện riêng với nhau trong từng ca đòan cơ hữu của mình theo các bài hát đã được thỏa thuận chọn lựa từ trước – nhờ vậy mà đến khi các đơn vị này ráp nối lại chung với nhau thì mới đạt được sự ăn ý nhịp nhàng với nhau trong một ban hợp ca duy nhất.

Dai-Hoi-La-Vang-2-4

So với Đại Hội Thánh Mẫu được tổ chức vào đầu tháng 8 mỗi năm tại Missouri, thì Đại Hội La Vang tại Las Vegas vừa mới mẻ, nhỏ bé và khiêm tốn hơn nhiều. Nhưng nếu ta chú ý đến quá trình thành lập và phát triển của Đền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas, thì từ một nơi trước đây là khu đất hoang do các thành phần vô gia cư chiếm đóng gây tình trạng mất an ninh lộn xộn hỗn tạp với nạn ma túy, cướp bóc hòanh hành mà nay – do cố gắng kiên trì của tu sĩ và giáo dân Việt nam trong vòng chua đày 20 năm qua – chúng ta đã có một cơ sở truyền giáo thật có triển vọng tốt đẹp như ta thấy giữa vùng đất xưa kia là sa mạc của tiểu bang Nevada này.

Một phần do vị trí của Las Vegas tương đối gần gũi với California là nơi có rất đông giáo dân ở cả hai khu vực phía bắc như San Jose, San Francisco và khu phía nam như Orange County, San Diego – mà đi xe đến viếng Đền Thánh Mẹ La Vang thì chỉ mất chừng 6 – 7 giờ, nên nhiều bà con có thể đi lại thuận tiện dễ dàng – nhất là đối với các vị cao niên với sức khỏe yếu kém không thể đi đường quá xa xôi mệt nhọc được. Thứ nữa là vào giữa tháng Mười, thì khí hậu tại Las Vegas vào mùa thu đã mát dịu nhiều, chứ không còn nóng bức như vào mùa hè với nhiệt độ oi ả nóng bức lên đến trên 100 độ F nữa.

Dai-Hoi-La-Vang3

Mặt khác nữa, đó là khách hành hương có thể nghỉ ngơi tại các khách sạn tương đối tiện nghi với giá thật nhẹ nhàng, đặc biệt dành cho các tập thể. Điển hình là có đến mấy chục xe bus lọai lớn cỡ 50 chỗ ngồi do các đòan thể như Hội Cao Niên, Liên Minh Thánh Tâm, Legio v.v… tổ chức, thì năm nào cũng có rất đông giáo dân từ California hưởng ứng tham gia. Đó là chưa kể đến con số hàng mấy trăm những xe hơi cá nhân do các gia đình tự tổ chức riêng với nhau nữa.

Rõ ràng là cộng đòan tương đối nhỏ bé khiêm tốn với chưa đến một ngàn gia đình tín hữu của Giáo xứ Mẹ La Vang tại Las Vegas (cả hai đều viết tắt là LV cả, nên thật dễ nhớ) – mà đã có những cố gắng hy sinh vượt bậc để tổ chức được một Đại Hội Thánh Mẫu hàng năm rất là thành công có sức thu hút được nhiều ngàn khách hành hương từ khắp nơi đến tham dự – như trong Đại Hội lần thứ VIII năm 2015 này.

Và đó cũng là một điểm son rất đáng phấn khởi, là niềm hy vọng tươi sáng cho tòan thể đại gia đình công giáo Việt nam ở hải ngọai – đặc biệt là ở phía bờ biển miền Tây (West Coast) của nước Mỹ vậy./

Costa Mesa California, ngày 19 tháng Mười 2015

Đoàn Thanh Liêm

Bài thơ “Tuổi Trẻ” và Tướng Quân Mc Arthur.

Bài  thơ “Tuổi  Trẻ”  và Tướng  Quân Mc Arthur.

Đòan Thanh Liêm  

Vào dịp cuối năm 1956, lúc tôi còn theo học tại trường luật Saigon, thì anh bạn cùng quê là Vũ Năng Phương có gửi cho tôi một tấm thiệp Noel trong đó có ghi tòan văn bản dịch của bài thơ “Tuổi Trẻ” (Youth) của Samuel Ullman. Lời lẽ thật là sâu sắc, đày tinh thần lạc quan và rất ngắn gọn. Bài thơ đã có ảnh hưởng lớn lao đối với tôi từ trên 50 năm nay. Nhưng mãi đến gần đây, nhờ tìm kiếm trên internet, tôi mới có được nguyên tác bản văn bằng tiếng Anh mà tác giả Samuel Ullman viết vào năm 1918 lúc ông đã 78 tuổi. Tòan văn theo nguyên tác và bản dịch sẽ được ghi nơi Phần Phụ Lục kèm theo bài viết này.

Xin trích một vài đọan tiêu biểu như sau : “Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình”.” “ Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say phấn khởi, thì mới làm tâm hồn chúng ta thêm héo hắt.  

Nhưng điều quan trọng hơn cả là thông qua Tướng Douglas Mc Arthur, mà cả nước Nhật đã lấy lại được cái hào khí sinh động khiến giúp cho việc tái thiết và phục hồi quốc gia sau cuộc bại trận được mau lẹ tốt đẹp ít ai có thể ngờ được. Chi tiết câu chuyện này như sau : Tướng Mc Arthur rất tâm đắc với bài thơ “Youth” này, nên ông đã cho trưng bày bản văn ngay tại văn phòng của ông tại Tokyo, lúc ông làm Tư lệnh Lực lượng Đồng Minh đặc trách công việc giải giới và phục hồi nước Nhật sau chiến tranh. Rồi vào năm 1946, tờ tạp chí Reader’s Digest ấn bản tiếng Nhật đã phổ biến tòan văn bản dịch ra Nhật ngữ của bài thơ bất hủ này.

Nhiều thành phần công chúng tại Nhật đã hân hoan đón nhận cái tín hiệu đày lạc quan, tích cực và năng động được gói ghém trong “bài thơ không vần này”. Và từ đó mà họ đã hăng say dấn thân vào công cuộc tái thiết quốc gia, khiến cho chỉ sau vài chục năm từ vị trí của một nước thảm bại vì thua trận, và bị tàn phá nặng nề, nước Nhật đã lấy lại vị thế của một cường quốc về mặt kinh tế, chính trị cũng như văn hóa như ta thấy ngày nay. Nhiều người Nhật đã tìm hiểu cặn kẽ hơn về tác giả bài thơ “Youth” này, bằng cách đến tại thành phố Birmingham thuộc tiểu bang Alabama, miền Nam nước Mỹ và thúc đảy cả dân chúng Mỹ tại địa phương để cùng hợp tác thiết lập Viện Bảo Tàng Samuel Ullman (Museum), bằng cách gây quỹ để mua lại căn nhà xưa của tác giả và biến nhà đó thành cơ sở của Viện Bảo Tàng do Đại học Alabama tại Birmingham quản lý (UAB = University of Alabama Birmingham).
Kết cục là chính người Nhật lại đã thán phục cái tinh thần lạc quan năng động của Samuel Ullman như được ký thác trong bài thơ bất hủ này, và họ đã gây ra được cả một phong trào quần chúng tự phát đi tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của tác giả, hơn cả chính người Mỹ ở Alabama bởi cái tâm lý “Bụt nhà không thiêng”, nên đã ít chú ý đến con người xuất chúng như thế từ chính quê hương bản quán của mình.

Tiểu sử của tác giả Samuel Ullman (1840 – 1924) có thể ghi vắn tắt như sau : Ông sinh tại nước Đức năm 1840, khi lên 10 tuổi thì theo gia đình qua lập nghiệp tại miền Nam nước Mỹ. Ông gia nhập quân đội Miền Nam (Confederate Army) trong cuộc nội chiến 1860-65. Sau khi miền Nam thất trận, thì giải ngũ về lo chuyện kinh doanh nhỏ. Sau này ông làm việc trong ngành quản lý giáo dục và hết sức hỗ trợ cho các trẻ em da màu (người Mỹ gốc Phi châu) có cơ hội được đi học. Ông cũng dành nhiều sự dễ dãi cho giới phụ nữ được tham gia các sinh họat văn hóa xã hội trong cộng đồng người Do Thái tại miền Nam. Lập trường cấp tiến như vậy đã gây cho ông nhiều sự phiền phức, vì vào thời đó tại miền Nam nước Mỹ nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn rất ngặt nghèo, tàn bạo. Một con người với đầu óc tiến bộ như vậy, nên vào tuổi 78 ông đã sáng tác được bài thơ mà Tướng Mc Arthur (1880 – 1964) đã đưa sang phổ biến tại Nhật bản sau thế chiến 2, khiến gây được một chấn động mạnh mẽ trong tâm lý người Nhật, cũng như trong giới quân nhân Mỹ phục vụ tại Nhật hồi sau chiến tranh.

Quả thật, sức mạnh của tư tưởng nhân bản tích cực và lạc quan phát xuất từ bài thơ này đã tạo ra được sự hưởng ứng mãnh liệt của quần chúng khắp nơi, đặc biệt là tại nước Nhật, ngay cả gần 100 năm sau khi tác giả đã qua đời. Người viết xin trân trọng giới thiệu với các bạn đọc Việt nam câu chuyện về bài thơ “Youth” thời danh này.

Nhân tiện cũng xin ghi lời biết ơn và tưởng nhớ sâu sắc đến với anh bạn Vũ Năng Phương, tức nhà biên khảo Vũ Lục Thủy là người đầu tiên đã cho tôi được biết đến bài thơ này như đã ghi ở đầu bài viết này. Anh đã sớm từ giã cõi đời năm 2001 tại San Diego lúc chưa đày tuổi 70./

California, Tháng Năm 2009
Phụ Lục                                                         

Tuổi   trẻ

Nguyên tác : Youth by Samuel Ullman (1918)

(Bản dịch của Đòan Thanh Liêm – 2009)

Tuổi trẻ không phải là khoảnh khắc thời gian của cuộc đời; đó là một trạng thái của tâm trí; đó không phải là chuyện của những cặp má hồng, của làn môi đỏ mọng và của cặp đầu gối mềm dẻo; đó là chuyện của ý chí, phẩm chất của óc tưởng tượng, sức mạnh của cảm xúc; đó là sự tươi mát của nguồn suối nhân sinh.

Tuổi trẻ mang ý nghĩa là sự thắng vượt của lòng can đảm trên sự rụt rè của ham mê, thích phiêu lưu mạo hiểm hơn là ưa chuộng sự dễ dãi. Điều này thường có nơi người trên 60 tuổi, hơn là trong cơ thể của người ở tuổi 20. Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình.

Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say phấn khởi thì mới làm tâm hồn chúng ta thêm héo hắt. Sự buồn phiền, sợ hãi, sự ngờ vực chính bản thân mình bẻ nát vụn tâm hồn và biến tinh thần trở về lại cát bụi.

Dù ở tuổi 60 hay 16, trong con tim mỗi người đều có sự quyến rũ của sự kỳ diệu, sự đam mê háo hức như con trẻ với cái điều sắp xảy đến, và niềm vui của trò chơi cuộc sống. Trong sâu thẳm của tâm hồn bạn cũng như của tôi, thì đều có một trạm vô tuyến; bao lâu mà cái trạm đó còn tiếp nhận tín hiệu của cái đẹp, niềm hy vọng, sự nô nức, lòng can đảm và năng lượng của con người và của Vô biên, thì lúc đó bạn còn trẻ mãi.

Khi mà giây ăng ten cụp xuống, và tinh thần của bạn bị bao phủ bởi lớp tuyết hòai nghi yếm thế, thì dù bạn mới có 20 tuổi, bạn đã già nua cằn cỗi rồi. Nhưng nếu giây ăng ten đó vẫn mở bật lên để đón bắt những đợt sóng của lạc quan, thì có hy vọng là bạn có thể chết trẻ vào tuổi 80./

Ghi  chú  :  Tác giả Samuel Ullman mất vào năm 1924 lúc ông được 84 tuổi. Rõ rệt là ông vẫn còn tươi trẻ khi lìa đời, đúng như đọan sau cùng của bài thơ bất hủ, mà ông viết vào năm 1918 lúc ” mới có 78 tuổi “./

YOUTH

Samuel Ullman

 Youth is not a time of life; it is a state of mind; it is not a matter of rosy cheeks, red lips and supple knees; it is a matter of the will, a quality of the imagination, a vigor of the emotions; it is the freshness of the deep springs of life.

Youth means a temperamental predominance of courage over timidity of the appetite, for adventure over the love of ease.  This often exists in a man of sixty more than a body of twenty.  Nobody grows old merely by a number of years.  We grow old by deserting our ideals.

Years may wrinkle the skin, but to give up enthusiasm wrinkles the soul.  Worry, fear, self-distrust bows the heart and turns the spirit back to dust.

Whether sixty or sixteen, there is in every human being’s heart the lure of wonder, the unfailing child-like appetite of what’s next, and the joy of the game of living.  In the center of your heart and my heart there is a wireless station; so long as it receives messages of beauty, hope, cheer, courage and power from men and from the Infinite, so long are you young.

When the aerials are down, and your spirit is covered with snows of cynicism and the ice of pessimism, then you are grown old, even at twenty, but as long as your aerials are up, to catch the waves of optimism, there is hope you may die young at eighty.

Những bạn tôi từ miền đất Quảng Ngãi

Những bạn tôi từ miền đất Quảng Ngãi

 Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Tôi sinh trưởng tại tỉnh Nam Định trong vùng đồng bằng sông Hồng thuộc miền Bắc. Nhưng từ năm 1954 lúc đến tuổi 20, thì di cư vào miền Nam và lập nghiệp ở Sài gòn cho đến ngày qua định cư bên nước Mỹ kể từ năm 1996.

Từ trên 60 năm nay, tôi có duyên quen biết gắn bó với nhiều bạn hữu xuất thân từ tỉnh Quảng Ngãi là một khu vực mà theo vị trí địa lý, thì nằm ở giữa khỏang cách từ Nam Định tới Sài gòn.

Nay nhân dịp đầu xuân Bính Thân 2016, tôi xin ghi lại những kỷ niệm thật dễ thương với một số trong những người bạn thân thiết đó, lần lượt như sau đây.

I – Luật sư Bùi Chánh Thời.

Anh Thời là một sinh viên học chung lớp với tôi tại Đại học Luật khoa Sài gòn bắt đầu từ năm 1955 và đến năm 1958, thì chúng tôi cùng tốt nghiệp văn bằng Cử nhân Luật khoa. Sau đó, chúng tôi cùng hành nghề luật sư nên vẫn thường gặp nhau nơi pháp đình Sài gòn. Vào giữa thập niên 1960, anh Thời mở chung văn phòng luật sư với anh bạn đồng nghiệp Đòan Ý cũng là một đồng môn với chúng tôi.

Anh Thời lập gia đình sớm, ngay từ cái thời còn là sinh viên, anh nói đặc giọng Quảng ngãi nghe hơi nặng, mà người bạn đời của anh là chị Thân Thị Tố Tâm thì lại nói giọng Huế nghe thật là du dương. Trong khi phần đông sinh viên chúng tôi còn phải đi xe đạp, thì anh Thời đã có xe hơi để thường chở chị ấy đi dậy học tại trường Gia Long rồi.

Trước năm 1975, luật sư Thời là một nhân vật khá nổi tiếng không những với nghiệp vụ biện hộ cho các thân chủ trước các tòa án, mà anh còn tham gia việc giảng dậy về luật pháp tại Đại học Huế. Về chính trị, anh cũng tham gia sinh họat thật sôi nổi cùng với các bạn có chung một lập trường đối lập được gọi là thành phần thứ ba. Giới báo chí liệt kê anh vào nhóm thân với khối Phật giáo Ấn Quang – mà có người còn nói là anh Thời đã có thời gian sinh sống trong một ngôi chùa ở miền Trung. Hồi còn là một học sinh ở Huế, anh Thời đã nổi tiếng với những bài thơ được nhiều bạn trẻ ưa thích. Anh lấy bút hiệu là Như Trị – cùng thời với nhà thơ Tạ Ký nữa. Anh quen nhiều với anh Cao Huy Thuần là bạn cùng học luật với chúng tôi. Đó là một trí thức khá nổi tiếng mà đã qua dậy học và định cư ở Pháp từ lâu.

Thế nhưng sau 1975, mọi họat động chuyên môn của giới luật sư chúng tôi cũng như lọai sinh họat chính trị nói trên thì đều bị ngưng trệ tất cả. Và cũng giống như đại đa số những bạn đồng nghiệp khác, luật sư Thời đã không còn có cơ hội thi thố tài năng đang độ chín mùi của mình nữa. Anh sống âm thầm kín đáo lặng lẽ, thu hẹp sinh họat trong phạm vị nhỏ bé của riêng gia đình mình mà thôi.

Chẳng bao lâu sau, anh chị Thời lại còn gặp phải một tai họa thật là não nề đau đớn. Đó là vào năm 1978 – 79, anh chị gửi hai cháu nhỏ đi vượt biên cùng với gia đình anh chị Luật sư Nguyễn Hữu Lành trong chuyến tàu có nhiều nhân vật tên tuổi khác ở miền Nam. Ấy thế, mà con tàu bị biệt tăm giữa biển khơi, anh chị không bao giờ được biết tung tích của hai đứa con của mình ra sao nữa. Để rồi sau đó, cả hai anh chị cũng phải liều mình đem một cháu út ra đi và lần này anh chị đã gặp may mắn mà đến định cư ở Australia.

Vào cuối năm 2011, tôi đã có dịp đến thăm gia đình anh chị Thời tại thành phố Canberra là thủ phủ của Liên bang Australia. Sau mấy chục năm gặp lại nhau, cả hai chúng tôi đều mừng mừng tủi tủi, thật là cảm động chuyện trò trao đổi tin tức về một số bạn hữu thân thiết đã từng sát cánh với nhau bao nhiêu năm xưa ở quê nhà Việt nam. Tôi nhận thấy anh chị đã đạt tới tình trạng trầm lắng bình thản sau bao nhiêu nghịch cảnh sóng gió cuộc đời – đặc biệt là thái độ an nhiên tự tại để tiếp tục sống bên nhau trong những ngày tháng của tuổi xế chiều.

Hai anh bạn trẻ cùng đi với tôi bữa đó, thì xưa kia cũng đã từng là học trò của luật sư Thời, nên họ đều nhắc lại những kỷ niệm thật sâu đậm với vị thày khả kính thuở ấy. Và rõ ràng cuộc trùng phùng này đã làm sống lại cái tình cảm thân thương và niềm an ủi chân thật giữa hai phía anh chị Thời với ba người chúng tôi vào một ngày mùa hè ở Úc châu cuối năm 2011 vậy.

II – Thày Thích Tâm Quang.

Bắt đầu từ năm 1966, lúc tôi giữ nhiệm vụ Quản lý chương trình phát triển quận 6 Sài gòn, thì hay có dịp gặp gỡ trao đổi với Thày Tâm Quang là một tu sĩ từ miệt Quảng Ngãi vào làm việc Phật sự ở khu vực Phú Lâm gần với ngã ba Cây Da Xà. Ông thày còn rất trẻ cỡ trên dưới tuổi 25, nhưng có sức làm việc bền bỉ nhẫn nại ít ai sánh kịp. Ông không lo xây cất chùa, mà lại dồn hết nỗ lực vào việc mở trường học cho các em nhỏ tại địa phương có nhiều gia đình lao động nghèo khó. Và ngòai ra thì đi giúp những nơi có nhiều nạn nhân chiến cuộc đến tạm cư.

Với thái độ cởi mở hồn nhiên, ông đi tiếp xúc với nhiều giới chức tại Bộ Xã Hội cũng như tại những cơ quan từ thiện nhân đạo quốc tế và tạo được mối thiện cảm sâu xa của nhiều nhân vật đặc trách về công tác xã hội ở Sài gòn thời kỳ trước năm 1975. Nhờ có sự tín nhiệm đó, mà mỗi khi ông thày cần đến dụng cụ huấn nghệ hay vật phẩm gì để giúp đồng bào, thì các cơ quan xã hội này luôn sẵn sàng cung cấp cho thày lãnh nhận để đem phân phối lại cho bà con nạn nhân thiên tai bão lụt hay nạn nhân chiến cuộc tại các địa phương xa xôi hẻo lánh.

Qua sự giới thiệu của thày Tâm Quang mà tôi có dịp gặp gỡ quen biết với Thượng Tọa Thích Hồng Ân là vị sư phụ của ông và cũng là bậc tu sĩ cao cấp nhất tại Quảng Ngãi. Và vào năm 1972, nhân chuyến đi thăm các cơ sở cứu trợ nạn nhân chiến cuộc tại miền Trung, tôi đã có dịp đến thăm viếng ngôi chùa trên núi Thiên Ấn là cơ sở tôn giáo lâu đời mà hồi ấy do Thày Hồng Ân phụ trách trông coi. Tôi vẫn còn nhớ ở phía chân núi còn có mộ phần của nhà ái quốc Hùynh Thúc Kháng được bà con ở địa phương chung nhau xây dựng và bảo trì khá tươm tất tại đây. Quả thật địa danh “Núi Ấn, Sông Trà” là một thắng cảnh đặc trưng nổi bật của tỉnh Quảng Ngãi – tức là núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc.

Và cũng qua thày Tâm Quang mà tôi còn quen biết được cả ba người anh em đều là những nhân vật có tên tuổi ở Quảng Ngãi nữa. Đó là các anh Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Diễn và Nguyễn Văn Hàm. Cả ba anh đều đi dậy học, viết văn viết báo, làm thơ. Chỉ có anh Diễn ở lại Quảng Ngãi mà nay đã qua đời. Còn anh Xuân và Hàm đều sinh sống lâu năm ở Sài gòn.

Tôi còn rất nhiều kỷ niệm với thày Tâm Quang qua những chuyến đi công tác cứu trợ nạn nhân chiến cuộc ở Bình Tuy, Bà Rịa, Long Khánh v.v… Thông thường, thày luôn được Thượng Tọa Thích Quảng Long hồi đó đảm trách Tổng Vụ Xã Hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho mượn xe và cả tài xế để chuyên chở đi khắp nơi thăm viếng úy lạo đồng bào đang phải lánh nạn trong các khu tạm cư hoặc di chuyển từ vùng đất Quảng Trị vào miền Nam.

Sau 1975, mặc dầu gặp nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn có dịp gặp lại nhau, thường là thày Tâm Quang đến thăm tôi tại nhà và cho biết tin tức của nhiều bà con bạn hữu khác. Quả thật, tình cảm thân thiết giữa chúng tôi mỗi ngày càng thêm bền chặt, gắn bó lâu bền. Là người tận tâm chăm sóc cho giới bình dân lao động theo đúng tinh thần từ bi hỉ xả của Đức Phật, thày Tâm Quang cũng còn có thái độ cởi mở phóng khóang và thuận thảo đối với giới tu sĩ và tín đồ Công giáo và Tin lành nữa.

Tôi thật nhớ câu nói của thày đã nói với tôi từ gần 50 năm trước, đó là: Người tu luyện theo giáo l‎ý nhà Phật thì luôn tìm cách thực hành phương châm này “Tự độ để độ tha. Tự giác để giác tha”.

Mới đây vào năm 2011 – 2012, thày Tâm Quang lại có dịp qua Mỹ và chúng tôi lại gặp nhau nhiều lần để hàn huyên tâm sự ngay tại Quận Cam ở California. Thày cũng đến thăm Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu tại thành phố Amarillo tiểu bang Texas và đã có mặt cùng với người thân trong những giờ phút cuối cùng của Bác sĩ Phiêu vốn là người bạn tâm huyết lâu năm của thày.

III – Một số người bạn khác nữa xuất thân từ Quảng Ngãi.

Dĩ nhiên là tôi còn quen biết nhiều người quê ở Quảng Ngãi. Nhưng vì bài báo có giới hạn, nên tôi xin ghi vắn tắt về hai người bạn lớn tuổi đã qua đời và một người bạn trẻ hiện sinh sống ở Canada.

31 – Nhà báo lão thành Hồ Văn Đồng.

Anh Đồng là một nhà báo lâu năm ở miền Nam. Anh cùng lứa tuổi với các anh Dõan Quốc Sĩ, Hùynh Văn Lang, tức là lớn hơn tôi cả một con giáp. Hồi trước 1975, tôi có gặp anh Đồng tại nhà Luật sư Trần Văn Tuyên một vài lần, nhưng chưa có dịp nói chuyện trao đổi nhiều với anh. Vào năm 2001 – 2002, tôi mới hay có dịp gặp gỡ chuyện trò tâm sự với anh khi thì ở Virginia, khi thì ở California. Nhà báo Phạm Bá Vinh chủ bút tờ Sóng Thần có cho tôi biết là chính ông Hồ Văn Đồng là một vị huynh trưởng đã tận tình hướng dẫn và truyền nghề viết báo cho anh.

Đóng góp cuối cùng của anh Đồng là đã hòan thành việc dịch thuật sang tiếng Việt cuốn sách “Le dossier noir du Communisme” (Hồ sơ đen của chủ nghĩa Cộng sản) do giới nghiên cứu sử học bên Pháp sọan thảo. Anh đã ra đi vào năm 2006 ở Virginia vào tuổi 84.

32 – Giáo sư Phạm Văn Diêu.

Là một giáo sư về Văn học Việt nam cả ở Trung học và Đại học, anh Diêu được nhiều người ái mộ với công trình nghiên cứu nghiêm túc về văn chương quốc ngữ. Điểm đáng chú ‎ ý nhất của anh Diêu là : Tuy là người cháu gọi ông Phạm Văn Đồng là chú ruột, nhưng anh Diêu lại có lập trường quốc gia khác hẳn với ông Đồng là một đảng viên cộng sản cấp cao. Sau năm 1975, anh Diêu không hề tỏ ra là kẻ a dua, đứng về phía bên cộng sản là kẻ thắng cuộc như dân gian thường nói đó là cái “thái độ phù thịnh”.

Lần cuối cùng tôi gặp anh Diêu là vào giữa năm 1982, anh tỏ ra không có gì là mặn mà với chế độ cộng sản cả. Rất tiếc là anh Diêu đã mất sớm vào cuối năm 1982 lúc chưa đến 55 tuổi. Con cháu anh Diêu hiện nay phần đông cư ngụ tại nước ngòai như Canada, Mỹ.

33 – Kỹ sư Lê Quang Phiêu cỡ tuổi ngòai 40 hiện ở Canada.

Năm 2012, nhân dịp đến thăm Canada, tôi đã có dịp gặp em Phiêu tại thành phố Toronto. Tôi liền hỏi em có bà con gì với cụ Lê Quang Sách là một vị chức sắc có tên tuổi của Đạo Cao Đài ở Quảng Ngãi, Phiêu gật đầu xác nhận em là cháu gọi cụ Sách là bác mà năm đó đã trên 85 tuổi. Nghe vậy, tôi bèn nhờ Phiêu hỏi ông bác giùm tôi về vụ rất đông tín đồ Cao Đài bị Việt minh cộng sản sát hại tại Quảng Ngãi hồi tháng 8 & 9 năm 1945. Em nhận lời và vào tháng 4 năm 2015, tôi lại đến Toronto và gặp Phiêu để hỏi về chuyện này. Phiêu cho biết đã đi California thăm bác Sách và được bác nói cho biết nhiều chi tiết về vụ thảm sát này – mà riêng về phía tín đồ Cao Đài, thì con số nạn nhân bị sát hại đã lên tới gần 3,000 người.

Cụ thể là chính cụ Sách lúc đó cũng bị bắt cùng với thân phụ và bao nhiêu bà con khác nữa. Trong vụ thảm sát này, ông cụ thân sinh là ông nội của em Phiêu thì bị giết, còn người con là ông Sách vì theo lời khuyên của cha mà khai nhỏ tuổi đi nên mới thóat chết.

Thành ra cụ Sách là một nhân chứng rất khả tín mà hiện còn sống để cung cấp cho chúng ta những tư liệu thật chính xác về vụ tàn sát bạo ngược này do người cộng sản cuồng tín gây ra ngay từ năm 1945 mà họ gọi là “Cách Mạng Tháng Tám” đó vậy.

IV – Những người bạn đã từng làm việc ở Quảng Ngãi.

Ngòai ra, tôi cũng còn có rất nhiều người bạn thân thiết quê ở miền Bắc mà lại có thời đến làm việc tại Quảng Ngãi. Điển hình như trường hợp các bạn sau đây.

41 – Giáo sư Uông Đại Bằng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 1962, thì anh Bằng được cử về dậy học tại trung học Trần Quốc Tuấn ở thị xã Quảng Ngãi. Trong mấy năm phục vụ ở đây, ngòai chuyện giảng dậy ở nhà trường anh Bằng còn nhiệt tình tham gia sinh họat với các em thanh thiếu niên ở địa phương, nên hiện vẫn còn giữ được nhiều kỷ niệm với bà con ở đây. Ca sĩ Hồng Vân hồi đó cỡ tuổi 15 – 16 cũng là một học sinh nổi tiếng là rất hăng hái tham gia với sinh họat văn nghệ của trường trung học công lập lớn nhất tại Quảng Ngãi.

Sau này, từ năm 1966 cho đến 1975, anh Bằng về làm Hiệu trưởng trung học Lương Văn Can ở quận 8 Sài gòn. Anh được các học sinh và phụ huynh rất yêu mến vì sự tận tụy hy sinh của anh trong sự nghiệp giáo dục nơi địa phương được coi là kém phát triển nhất của thành phố Sài gòn.

Cụ thể là hiện nay các em cựu học sinh Lương Văn Can ở trong nước vẫn luôn mời thày Hiệu trưởng Uông Đại Bằng đến tham dự những buổi hội ngộ hàng năm với các em. Và các em ở hải ngọai vẫn tổ chức các buổi gặp gỡ với ông thày mỗi khi thày có dịp đi thăm bà con tại Úc châu hay tại Mỹ.

42 – Giáo sư Phạm Tất Hanh.

Cũng vào đầu thập niên 1960, thì anh Hanh đến dậy Anh văn tại Quảng Ngãi. Và đặc biệt, anh Hanh rất chăm lo việc sinh họat về mặt tâm linh đạo đức cho giới thanh thiếu niên công giáo ở địa phương. Sau này anh về Sài gòn và vẫn tiếp tục dậy môn Anh văn cho các học sinh trung học. Và trong số các học sinh này, rất nhiều em đã đi tu và trở thành linh mục, nữ tu công giáo.

Vì sự tận tụy chăm sóc bồi dưỡng cho học sinh như thế, nên thày Hanh được sự quý mến chân tình của nhiều thế hệ học sinh, trong đó có nhiều em ở Quảng Ngãi mà đã từng được thày giáo Hanh hướng dẫn từ nhiều năm trước.

Hơn nữa, từ ngày qua định cư ở Mỹ anh Hanh còn có sáng kiến thành lâp Quỹ Học Bổng Nguyễn Trường Tộ để trợ giúp những học sinh ở miệt quê Gia Kiệm Long Khánh siêng năng học tập mà gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Sau khi anh Hanh qua đời vào năm 2011 vì bệnh ung thư, thì Quỹ Học Bổng này được bà con ở địa phương đặt tên mới là Quỹ Học Bổng Phạm Tất Hanh.

43 – Anh chị người Mỹ Earl và Pat Martin.

Earl Martin và Pat Hostetter là hai thiện nguyện viên thuộc tổ chức xã hội Mennonite Central Committee (MCC) của Giáo Hội Tin Lành Mennonite làm việc tại Quảng Ngãi từ năm 1967 để giúp các nạn nhân chiến cuộc. Vào năm sau hai người làm đám cưới và tiếp tục công tác nhân đạo tại Quảng Ngãi. Sau khi cả hai về học thêm ít lâu tại Đại học Stanford, thì trở lại phục vụ ở Việt nam cho đến năm 1975.

Earl Martin có tên Việt nam là Chú Kiến. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện thật ngô nghĩnh thế này: “Hồi mới đến, tôi phải đi tìm nhà để mướn ở thành phố Quảng Ngãi. Trẻ con thấy lạ bu theo tôi đông lắm. Rồi vào lúc đứng trước cửa một nhà nọ, tôi giẫm phải một đàn kiến nên bị nó đốt ngứa quá, đành phải dậm chân hòai cho kiến chạy đi. Lũ trẻ bèn kêu to lên: Kiến cắn, Kiến cắn v.v… Và từ đó, trẻ con đặt cho tôi cái tên mới là chú Kiến”.

Còn chị Pat, thì có tên là Cô Mai. Anh chị nói và đọc được tiếng Việt và quen biết gắn bó thân tình với khá nhiều bà con ở Quảng Ngãi.

Pat Martin có lần tâm sự với tôi: “ Là người Mỹ, tôi rất đau buồn về vụ thảm sát ở Mỹ Lai do quân đội Mỹ gây ra…” Và tôi cũng đã góp lời với chị rằng : “Dĩ nhiên là người Việt nam, thì tôi cũng hết sức đau đớn với vụ thảm sát ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 do chính người cộng sản Việt nam gây ra vậy…”

Từ năm 2000 đến nay, tôi thường đến cư ngụ tại nhà anh chị ở thành phố Harrisonburg tiểu bang Virginia, để tham dự những khóa hội thảo về Xây dựng Hòa bình do Đại học Eastern Mennonite University (EMU) tổ chức vào mùa hè mỗi năm (mà thường được gọi là Summer Peacebuilding Program = SPI). Qua anh chị Earl & Pat Martin, tôi học hỏi được bao nhiêu điều quý‎ báu mà những người yêu chuộng Hòa bình đang cố gắng theo đuổi thực hiện tại khắp nơi trên thế giới – với tư cách là thành viên của các tổ chức thuộc khu vực Xã hội Dân sự.

V – Để tóm lược lại.

Bài viết đến đây đã khá dài rồi, tôi chỉ xin tóm lược lại trong vài điểm như sau:

51 – Thứ nhất: Cũng như Quảng Nam ở phía Bắc và Bình Định ở phía Nam, Quảng Ngãi quả là một nơi xứng đáng với cái danh hiệu “Địa Linh – Nhân Kiệt”. Nhưng từ khi người cộng sản nắm giữ được quyền bính trong tay, thì họ đã gây ra không biết bao nhiêu đau thương khổ ải cho bà con nơi “miền đất cày lên sỏi đá” này. Cụ thể là vụ sát hại tập thể hàng mấy ngàn người ngay trong tháng 8 và 9 năm 1945.

Cũng như vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, sự việc độc ác tàn bạo tày trời này – dù cách nay đã 70 năm – thì chúng ta cũng không thể nào dễ dàng mà bỏ qua cho người cộng sản được.

52 – Thứ hai: Hiện nay số bà con gốc từ Quảng Ngãi đang định cư ở nước ngòai khá đông và đang quy tụ lại với nhau qua các Hội Ái Hữu – để vừa an ủi tương trợ lẫn nhau, vừa tìm cách giúp đỡ thế hệ trẻ ở bên quê nhà. Đó là điều thật đáng phấn khởi và tôi xin thành thực cầu chúc cho Quý Hội Ái Hữu Quảng Ngãi tiếp tục đạt thêm nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa vậy./

Costa Mesa California, cuối năm Ất Mùi 2015

Đoàn Thanh Liêm

Một ít kỷ niệm với Bác sĩ Văn Văn Của.

Một ít kỷ niệm với Bác sĩ Văn Văn Của.

 Hồi ức của : Đoàn Thanh Liêm

Tôi vừa mới viết một bài về Chương trình Phát triển Cộng đồng tại các quận 6, 7 & 8 Saigon, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 45 kể từ ngày thành lập (1965 – 2010). Bài này có nhan đề là “ Làm Men trong Bột”, đã được phổ biến rộng rãi trên các báo giấy, cũng như báo điện tử. Nay tôi muốn viết thêm về một ít kỷ niệm thật là sâu đậm giữa cá nhân tôi với bác sĩ Văn Văn Của, là vị Đô trưởng mà đã tận tình giúp đỡ cho anh chị em chúng tôi, trong những năm chương trình mới khởi sự hoạt động tại quận 8. Ông đã qua đời ở bên Pháp từ mấy năm trước rồi, nhưng đối với riêng tôi, thì không bao giờ tôi lại có thể quên được cái tình cảm thân thương quý báu, mà ông dành cho bản thân mình, ngay từ hồi tôi có duyên được gần gũi, sát cánh với ông tại Tòa Đô chánh Saigon vào giữa năm 1965 trở đi.

Đang là một Y sĩ trưởng của Sư Đoàn Dù, thì vào đầu năm 1965, bác sĩ Văn Văn Của được bổ nhiệm giữ chức vụ Đô trưởng thành phố Saigon. Hồi đó, tôi là một sĩ quan làm việc trong phòng pháp chế & tố tụng thuộc Bộ Quốc phòng, nên có điều kiện giúp các em sinh viên trong công tác từ thiện xã hội, đặc biệt là trong khuôn khổ của Chương trình Công tác Hè 1965. Do vậy, mà có vài ba lần tôi phải đến gặp vị Đô trưởng, để xin ông giúp đỡ sinh viên trong một số công tác từ thiện nhân đạo, cụ thể như khám bệnh phát thuốc cho bà con bệnh nhân tại các khóm hẻm ở vùng ngoại ô thành phố. Vì là một bác sĩ, nên ông Đô trưởng rất thông cảm và yểm trợ hết mình cho loại công tác y tế xã hội này của giới thanh thiếu niên ở Saigon hồi đó. Lại có một sự trùng hợp may mắn khác nữa, đó là vị ân nhân vẫn hay cấp phát thuốc cho đoàn y tế chúng tôi chính là dược sĩ La Thành Nghệ, thì lúc đó lại được bàu làm Chủ tịch Hội Đồng Đô Thành. Cho nên, tại Tòa Đô chánh, chúng tôi được cả hai vị lãnh đạo về hành chánh và đại diện dân cử đều có thiện cảm với anh chị em chúng tôi.

Kịp đến khi Chương trình Phát triển Quận 8 được Phủ Thủ tướng chấp thuận, và trao cho Tòa Đô chánh và Bộ Thanh niên đứng ra bảo trợ, thì tôi được anh em trao phó cho nhiệm vụ đứng ra liên lạc với Tòa Đô chánh, để chuẩn bị sắp xếp cho việc khởi sự công tác tại địa phương này. Mà nhờ có sẵn sự tiếp súc quen biết trước với bác sĩ Của, nên công chuyện liên lạc này đã được tiến hành một cách êm thắm tốt đẹp. Hơn nữa, các anh em làm phụ tá chuyên môn cho bác sĩ Đô trưởng lại phần đông là chỗ quen biết của tôi, cụ thể như bác sĩ Bùi Thế Cầu, bác sĩ Nguyễn đình Mão, giáo sư Lê Công Truyền, đốc sự Bùi Thế Cảnh…, nên bất cứ lúc nào mà tôi có việc phải tới Tòa Đô chánh, thì cũng đều được anh em đối xử thân tình, cởi mở như là với một nhân sự cơ hữu của cơ quan vậy.

Dĩ nhiên, Chương trình Quận 8 chúng tôi lúc đó là một thứ ngoại lệ, như là một ”dự án thí điểm” (pilot project) của giới thanh niên tự nguyện đứng ra mà hợp tác với cơ quan chánh quyền, chứ đó không phải là một cơ sở hành chánh thuần túy, thuộc quyền điều động trực tiếp của nhà nước. Do đó mối liên hệ của Chương trình Phát triển với Bộ Thanh niên, cũng như với Tòa Đô chánh, là hai cơ quan bảo trợ, thì lúc đầu phải có tính cách mềm dẻo, tế nhị, chứ không thể cứng nhắc, cố định theo một khuôn mẫu nào đã có sẵn được.

Và chúng tôi thật có may mắn, vì được cả hai vị Bộ trưởng Thanh niên lúc đó là bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, cũng như bác sĩ Đô trưởng Văn Văn Của đều có sự thông cảm và yểm trợ tối đa cho việc làm thiện nguyện của giới trẻ trong Chương trình chúng tôi. Các vị coi chúng tôi là lọai “con nhà lành” chỉ biết làm việc xã hội từ thiện, chứ không phải là thuộc nhóm “quá khích, chuyên môn xuống đường hoan hô, đả đảo thế này thế nọ” như vẫn thường thấy vào cái thời xáo trộn, bất ổn các năm 1964,65,66 lúc đó.

Qua nhiều năm tháng gần gũi sát cánh với bác sĩ Của ở Tòa Đô chánh, tôi nhận thấy rõ ràng ông là con người có tính tình thật là xuề xòa, đơn sơ, chân chất bình dị, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Nơi ông, tôi thấy có sự thông cảm nồng ấm và gắn bó thân tình với tất cả anh em binh sĩ, các cộng sự viên cũng như gia đình của họ. Khác với bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng và dược sĩ La Thành Nghệ là những người có dáng dấp thư sinh nho nhã, trắng trẻo, bác sĩ Của có nước da ngăm đen, luôn mặc quần áo nhà binh, nên coi vẻ lam lũ dày dạn sương nắng, và gần gũi với binh lính luôn bận rộn với các cuộc hành quân chiến đấu ngòai mặt trận nhiều hơn. Có thể nói ông có sự gắn bó sâu đậm với anh em đồng đội, vì tại binh chủng nhảy dù, ông luôn phải chứng kiến rõ ràng những sự tổn thất nặng nề về mạng sống, cũng như về thương tật của anh em binh sĩ, mà ông có trách nhiệm phải chăm sóc phần y tế cho họ. Bù lại, tôi cũng thấy các sĩ quan, binh sĩ, hạ sĩ quan thuộc quyền rất là quý mến và trung thành với ông, mà điển hình là Trung sĩ Trâm, người sau này bị sát hại vào năm 1968 tại trường Phước Đức ở Chợ lớn, trong lúc làm cận vệ cho ông. Tình cảm cao quý này vẫn được giới quân nhân đề cao là “tình huynh đệ chi binh”.

Ông làm việc miệt mài ngày đêm, thường xuyên ở văn phòng, coi như “cấm trại 100 %” vậy. Nhất là vào lúc xảy ra những cuộc xuống đường biểu tình chống chánh phủ, do nhóm “Phật giáo Miền Trung chủ xướng vào năm 1966”, thì Đô trưởng rất là vất vả, mệt nhọc đến độ thần kinh rất căng thẳng. Ít nhất là 2 lần, khi ngồi tại văn phòng Đô trưởng vào buổi chiều sau giờ làm việc, tôi đã phải đích thân chứng kiến, có lần thì ông bực bội quá sức chuyện gì đó, mà tháo cả chiếc giày đi trận “botte de saut”, đem ném thật mạnh vào cánh cửa ra vào, đến nỗi lảm bể hết cả tấm kính khiến mảnh vỡ bắn tung tóe ra hết sàn nhà. Lần khác, thì trong lúc tôi đang ngồi nói chuyện với ông, với sự có mặt của ông Tổng thư ký Đòan Văn Bích, bác sĩ lại bất mãn sao đó, mà rút khẩu súng lục ra bắn lóp bóp lên trần nhà liên hồi đến 4-5 phát, làm vỡ cả một bóng đèn néon. Cả ông Bích với tôi đều thất kinh luôn, vì sợ nhỡ bị đạn lạc mà trúng vào mình, thì thật là oan uổng. Chứng kiến mấy chuyện như vậy, và lại còn được nghe kể về chuyện ông bị rắc rối sao đó với toán Quân cảnh Mỹ vào một đêm khuya, tôi lại càng thông cảm và đâm lòng thương mến ông hơn.

Bác sĩ Nguyễn Đình Mão, Chánh sở Y tế Saigon có cho tôi biết là : “Nguy quá anh ơi, anh Của xài nhiều thuốc an thần lọai barbiturique, thì sẽ có hại lắm, vì một là nó làm giảm sút trí nhớ, hai là nếu mà xài lâu ngày sẽ thành ra nghiền, khó mà dứt bỏ đi được…”

Ông rất xông xáo, đi khắp hang cùng ngõ hẻm để thăm viếng dân chúng, nhất là các khu nhà “ổ chuột”, lầy lội chật hẹp ở miệt ngọai ô. Có lần, tôi dẫn ông đến thăm mấy khu phố bị ngập lụt ở Xóm Giá, ở Cầu Tre – Phú Lâm, thì ông xăm xăm lội ào ào vào chỗ ngập sâu đến sát đầu gối, khiến cho cả đòan tùy tùng cũng phải lội theo sau, mà tức cười là nhiều người lại mang giày dép, quần áo đi làm việc văn phòng, nên bất ngờ bị ướt như chuột lột cả lũ. Thấy việc của bọn chúng tôi ra sức phục vụ bà con nghèo túng ở địa phương như vậy, nên ông luôn tìm cách khôn khéo bênh đỡ cho chương trình phát triển, trước sự chỉ trích gắt gao, nặng nề của một số nghị viên đô thành, vốn không có sự thiện cảm nào với anh chị em chúng tôi. Nhờ có sự bênh đỡ đó, mà chúng tôi mới có thể tiếp tục theo đuổi công trình xây dựng trong cả ba quận 6,7 và 8, cho đến khi được lệnh phải chấm dứt vào năm 1971. Mà vào lúc đó, thì bác sĩ Của đã rời khỏi chức vụ Đô trưởng từ 3 năm trước rồi.

Năm 1967, cơ quan USAID có tổ chức cho Tòa Đô chánh gửi một phái đòan trên 10 nhân viên đi Mỹ trong 3 tháng để quan sát, tìm hiểu vấn đề phát triển đô thị tại một số thành phố lớn tại đây, thì ông Đô trưởng cũng cho đến 3 người trong số anh em chúng tôi cùng đi chung với phái đòan, mặc dầu chúng tôi không phải là nhân viên cơ hữu của Tòa Đô chánh. Cũng trong năm đó, khi chánh phủ cho sát nhập mấy xã bên phía Thủ Thiêm để lập thành Quận 9 thuộc thành phố Saigon, thì bác sĩ Của bảo tôi rằng : “Tôi muốn cử anh giữ chức vụ Quận trưởng tại quận mới này, để anh lo giúp việc phát triển ở đây, như các anh đang làm ở bên quận 8. Ý kiến của anh Liêm ra sao?” Tôi một mực từ chối, viện lẽ ở Thủ Thiêm, vấn đề an ninh là quan trọng hơn, do đó thiết nghĩ nên bổ nhiệm một vị sĩ quan có kinh nghiệm nhiều về quân sự, thì thích hợp hơn. Nghe tôi nói vậy, ông gật gù tỏ vẻ đồng ý, và không hề ép buộc tôi phải đảm nhiệm công việc này.

Cũng trong năm 1967, vào lúc có cuộc vận động tranh cử vào Thượng Nghị Viện, thì có một số người rủ rê, lôi cuốn bác sĩ Của ra đứng đầu một liên danh để nạp đơn ứng cử. Vốn tính cả nể, ông đã nhận lời. Chuyện này mấy người bạn chúng tôi thấy phiêu lưu quá, nhưng chẳng một ai dám lên tiếng can ngăn với ông. Biết vậy, tôi phải tìm cách nói riêng với chị bác sĩ Hồng là bà xã của ông và cũng là người chị của Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Tôi nói với chị Hồng : “Mấy anh em chúng tôi nghĩ chỉ có chị mới có đủ uy thế để can ngăn anh Của mà thôi. Vậy xin chị tìm cách thuyết phục anh ấy không nên vì tính hay vị nể, mà ngả theo sự lôi cuốn phiêu lưu chính trị như thế này…” Chị Hồng nói cũng đồng ý với tôi như vậy, cho nên rút cục là bác sĩ Của đã từ bỏ ý định ra ứng cử Thượng Nghị Viện năm 1967 đó. Và chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm.

Dịp Tết Mậu Thân đầu năm 1968, ông thật vất vả, mệt nhọc với việc phải đối phó triền miên trước các cuộc tấn công của bộ đội cộng sản, xâm nhập từ phía Long An, Rạch Kiến vào các quận 6,7,8 nơi chương trình chúng tôi họat động. Thấy ông bơ phờ, hốc hác cả người, trông thật tội nghiệp. Mà rồi chính ông lại bị trọng thương trong vụ máy bay trực thăng Mỹ bắn lầm vào nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy an ninh thành phố, làm thiệt mạng bao nhiêu sĩ quan cao cấp khác nữa, trong số này có cả Trung tá Nguyễn Bảo Thùy là em của Tướng Nguyễn Bảo Trị. Và sau thời gian chữa bệnh, ông được cho giải ngũ và được cử đi Mỹ để học chuyên về ngành Y tế công cộng (Public Health).

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp với văn bằng Ph D, ông trở về nước. Và rồi ông được cử giữ chức vụ Viện trưởng Viện Y tế Công cộng có trụ sở trong Khu Lò Heo Chánh Hưng cũ, phía bên kia Cầy chữ Y thuộc quận 8. Có lần ông rủ tôi với mấy bạn trẻ sinh viên đến nhà riêng, để ăn bữa cơm với gia đình ông.

Đây là lần đầu tiên tôi được mời ăn cơm tại nhà riêng của ông bà. Chứ hồi ông còn bận rộn với công việc ở Tòa Đô chánh, thì dù là một người rất gần gũi thân quen với ông, tôi chưa hề được ông dẫn về nhà chơi bao giờ. Mà hồi đó, ông cũng chẳng dọn gia đình đến cư ngụ trong tư thất khang trang dành riêng cho chức vụ Đô trưởng. (Tôi nhớ chỉ có một lần làm đám tang cho bà cụ thân sinh, thì bác sĩ Của mới cho sử dụng ngôi nhà đó trên đường Hai Bà Trưng, để bà con, các đòan thể cơ quan và công chúng đến viếng thăm linh cữu bà cụ và bày tỏ sự phân ưu với gia đình mà thôi).

Và sau đó không lâu, cũng trong năm 1974, tôi có dịp mời ông cùng với chị Jackie Bông đi thăm lại mấy quận do chương trình phát triển chúng tôi phụ trách xây dựng và tái thiết, đặc biệt sau Tết Mậu Thân. Bác sĩ Của đã tỏ vẻ thật vui mừng, khi thấy bà con ở vùng ven đô này đã xây dựng lại được những căn nhà khang trang, tươm tất từ khu vực bị tàn phá nặng nề năm xưa, giữa thời ông còn giữ chức vụ Đô trưởng Saigon.

Sau năm 1975, gia đình ông đi thóat được, mà riêng ông bị kẹt lại ở Saigon và phải đi tù cải tạo mãi tận ngòai Bắc mất mấy năm. Khi ông được thả về, chúng tôi đã có nhiều lần gặp lại nhau tại nhà ông Văn Văn Đây là bào đệ ở Gò Vấp Gia Định. Ông phải đi làm tại bệnh viện chuyên chữa về bệnh truyền nhiễm và được mở phòng mạch châm cứu tại nhà với rất đông bệnh nhân đến xin chữa trị. Bác sĩ Của tâm sự với tôi : ” Bây giờ, tôi phải dùng lối châm cứu để chữa trị cho bệnh nhân, vì hầu hết họ không có tiền để mua thuốc uống cho hết bệnh. Thành ra cái khoa châm cứu theo lối đông y lại đắc dụng hơn là khoa tây y đấy…”

Kể từ năm 1990 lúc tôi bị công an cộng sản bắt giữ, thì tôi không còn có thể liên lạc trực tiếp với ông, cũng như với gia đình. Tôi chỉ nghe có bạn nói là : Bác sĩ Của có một người con trai học rất giỏi ở Pháp, và đã có những công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá là xuất sắc. Điều này thật đáng mừng, vì với người cha, người mẹ tài ba như thế, thì cháu phải được truyền thừa với cái “gene” quý báu rất mực như thế chứ.

Bác sĩ Văn Văn Của chẳng phải là một vĩ nhân kiệt xuất, cũng chẳng phải là một nhân vật chính trị ngọai giao lẫy lừng gì, mà cũng không phải là một nhà hành chánh tài ba lỗi lạc nữa. “Nhân vô thập toàn”, ông cũng mắc phải những sai lầm, khuyết điểm thường tình, như bất kỳ ai trong chúng ta vậy. Nhưng mà trong mấy năm giữ chức vụ Đô trưởng Saigon, giữa thời kỳ bất ổn rối lọan, tôi thấy ông đã hết sức tận tâm với công việc phục vụ người dân thành phố, điển hình là ông đã khích lệ và hỗ trợ rất nhiều cho chương trình phát triển cộng đồng của nhóm anh chị em thanh niên tự nguyện chúng tôi tại các quận 6,7&8 Saigon. Và riêng đối với cá nhân mình, thì tôi luôn luôn có thiện cảm và có lòng quý mến sâu xa đối với bác sĩ Của.

Kể ra, thì tôi còn rất nhiều kỷ niệm vui có, buồn có chung với vị bác sĩ đã có thời làm Đô trưởng Saigon trong mấy năm, giữa thời chiến tranh xáo trộn với khói lửa tàn phá kinh hòang. Nhưng bài viết đến đây kể ra cũng đã dài rồi, nên tôi phải tạm ngừng lại ở đây. Và xin hẹn đến dịp khác thuận tiện hơn, tôi có thể viết thêm chi tiết cho đày đủ hơn vậy.

Bạn đọc cần biết thêm nữa, thì có thể tìm đọc trong cuốn Hồi ký của bác sĩ Văn Văn Của viết với nhan đề là “Mộng Không Thành” xuất bản vào năm 2001-2002, ít lâu trước khi ông từ giã cõi đời này ở bên nước Pháp vậy nhé./

California Tháng Tám 2010

Đòan Thanh Liêm

Ai đã ra lệnh giết Đức Thày Hùynh Phú Sổ?

Ai đã ra lệnh giết Đức Thày Hùynh Phú Sổ?

Tài liệu cần được công bố rộng rãi.

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Sự kiện người cộng sản ra tay bắt cóc rồi sát hại Đức Thày Hùynh Phú Sổ, vị sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo vào ngày 16 tháng 4 năm 1947 tại khu vực miền Tây Nam Bộ – thì đã được nhiều người biết đến qua những chứng từ rõ ràng rất đáng tin cậy. Việc sát hại một vị lãnh tụ tôn giáo rất mực uy tín này đã gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với đại khối quần chúng tín đồ vốn đa số là nông dân ở địa phương đồng bằng sông Cửu Long suốt bao nhiêu năm nay.

Thế nhưng, cho đến gần đây người cộng sản cũng chỉ nói vu vơ đại khái rằng : “Những sự việc đáng tiếc như thế là do địa phương làm sai trái – chứ không phải do cấp trên ở trung ương quyết định v.v…” Tuy vậy, giới nghiên cứu sử học vẫn tìm ra được các bằng chứng xác đáng liên hệ đến hành vi tội ác này là do giới lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản vào thời gian ấy. Xin trình bày vấn đề ngắn gọn như sau.

I – Vào năm 2000, bác sĩ Trần Ngươn Phiêu đã tiết lộ trong một bài báo rằng: “Có hai sử liệu hiện được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Pháp ở Paris, cụ thể như sau:

1- Quyết Định đề ngày 28 – 4 – 1947 của Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, do Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần ký: Cách chức Ủy viên Đặc biệt và Truy tố Hùynh Phú Sổ về tội phản bội.

2 – Thông Cáo ngày 20 – 5 – 1947 của Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ cho biết một phiên tòa đặc biệt được thành lập ngày 25 – 4 – 1947, đã lên án tử hình và cho hay đã xử tử Hùynh Phú Sổ.

(Các tài liệu này đã được nhà văn Như Phong Lê Văn Tiến phát hiện khi sang Pháp sưu tầm trong văn khố Thư viện Quốc gia Pháp – (Bibliothèque Nationale de Paris – Centre des Hautes Études sur l’Afrique et l’Asie Moderne – Notes sur le PGHH, Tác giả: Savani).

Bài báo khá nhiều chi tiết này của Bs Phiêu đã được đăng trên Việt Báo mà tôi đã tìm được trên online.

II – Và mới nhất đây, trong một bài báo phổ biến vào tháng 10 năm 2014, Giáo sư Shawn McHale giảng dậy tại Elliot School of International Affairs tại thủ đô Washington DC cũng đã tiết lộ rằng: “Thực ra, (việc xử tử nhà lãnh đạo Hòa Hảo Hùynh Phú Sổ) đó là một quyết định của tòan bộ Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, và Tướng Nguyễn Bình vị Tư lện quân sự cho miền Nam đã chấp thuận – (In fact, it was a decision of the entire Administrative Committee of Nam Bộ, and General Nguyễn Bình, military commander for the south, approved of it).

Trong phần Chú Thích, tác giả MCHale còn ghi nguyên văn chi tiết như sau:”I found a photograph of the order, signed by General Nguyễn Bình, this past summer in the French archives in Aix-en-Provence. See Indochine.Haut Commissariat de l’Indochine. Service de Protection du Corps Expéditionnaire dossier 385. BỐ CÁO CUẢ UỶ BAN HÀNH CHÁNH NAM BỘ. “VỤ ÁN HÙYNH PHÚ SỎ”. Ngày 27 tháng 5 năm 1947. (Signed:) NGUYỄN BÌNH.

Qua Ghi Chú này, thì chính Tướng Nguyễn Bình là vị có thẩm quyền cao cấp nhất tại Nam Bộ đã ký tên chấp thuận quyết định lên án và thi hành việc xử tử Giáo chủ Hùynh Phú Sổ vào năm 1947 vậy.

Và nếu coi kỹ lại, thì tài liệu do Giáo sư McHale ghi ở trên đây cũng chính là tài liệu số 2 như BS Phiêu đã ghi trong bài báo nói trên. Chỉ có điều khác là tài liệu do nhà văn Như Phong tìm ra thì được ghi là ở tại Thư viện ở Paris. Còn tài liệu do GS McHale nêu ra, thì ở tại Văn khố tại Aix-en Provence.

III – Tóm lược lại.

Theo sự hiểu biết của bản thân, thì tôi chưa được thấy phóng ảnh của 3 văn kiện nói trên được phổ biến ở đâu cả. Vậy tôi xin bà con, ai mà có bản phóng ảnh về các tài liệu này, thì xin vui lòng phổ biến rộng rãi cho công chúng được biết đến sử liệu có giá trị rất chính xác này.

Hoặc nếu chưa ai có, thì tôi xin các vị học giả đang cư ngụ tại Pháp vui lòng đến tìm kiếm mấy tài liệu đó và cho công bố để bà con được biết với. Mong lắm thay.

Costa Mesa California, Ngày Đầu Thu năm Ất Mùi 2015

Đoàn Thanh Liêm

Ghi chú:

Bài báo của Giáo sư Shawn McHale có nhan đề là “Caught Between Propaganda anh History” là bài Điểm sách về cuốn “Lịch sử Nam bộ Kháng chiến” do Hội Đồng chỉ Đạo Biên Sọan Lịch Sử Nam Bộ Kháng Chiến ấn hành năm 2010. Bài báo được đăng trong Tủ sách“Cold War International History Project”, October 2014

Có Đi Có Lại – Mới Toại Lòng Nhau

Có Đi Có Lại – Mới Toại Lòng Nhau

Bài Ghi Ngắn của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Tại nông thôn của ta từ xa xưa, thì bà con sống đùm bọc gắn bó với nhau thật là chặt chẽ. Vì thế mà có sự liên đới tương trợ, gia đình này giúp đỡ gia đình khác một cách rất hồn nhiên, thỏai mái trong mọi trường hợp. Bà con trao đổi miếng ăn thường ngày với nhau hoặc chuyên giúp đỡ nhau trong các vụ hiếu hỷ như đám tang đám giỗ hay lễ cưới lễ hỏi v.v…

Chuyện bà con chia sẻ với nhau như vậy, thì trong tiếng Mỹ người ta cũng thường nói: “To live is to share” (Sống là Chia sẻ với nhau). Dân gian ta từ lâu cũng hay nói: “bánh ít gửi đi, bánh quy gửi lại” để diễn tả cái mối quan hệ trao đổi hai chiều giữa con người với nhau (two-way communication).

Ngày nay, với tình trạng đô thị hóa càng mở rộng, thì người dân sống tại các thành phố không còn giữ được cái khung cảnh nền nếp thân thương chan hòa giữa các gia đình với nhau như xua nữa. Đó là cái mặt trái không sao tránh khỏi do sự phát triển kỹ nghệ trong xã hội đem lại.

Để chấn chỉnh tình hình suy thóai như thế trong nếp sống tình cảm nơi các đô thị, nhiều tổ chức do các tôn giáo cũng như các nhóm chuyên họat động về văn hóa xã hội đã có sáng kiến phát động những chương trình cải thiện nếp sống cộng đồng tại các khu phố nghèo nàn chật hẹp – mà thường gọi là “khu ổ chuột” (slums).

Đồng thời họ cũng gây áp lực đòi hỏi cơ quan nhà nước phải đầu tư nhiều hơn nữa trong việc cung cấp những dịch vụ xã hội thiết yếu cho tầng lớp người dân lao động như nhà giữ trẻ, trường học, bệnh viện, viện mồ côi, nhà chăm sóc người già v.v…

Từ đó, mà chính sách “An ninh Xã hội” (Social Security) lần hồi được hình thành và với thời gian chính sách này đã đạt tới mức độ hòan thiện như ta thấy tại nhiều quốc gia văn minh tiến bộ ngày nay trên thế giới. Qua hệ thống An ninh Xã hội như vậy, những viên chức trong cơ quan chính quyền nhà nước hiện đang thực hiện đúng cái vai trò của người “đày tớ phục vụ quần chúng nhân dân” – mà trong tiếng Anh người ta gọi đích danh là “public servants”.

Rõ ràng nhân dân là những người “đóng thuế” cho nhà nước (taxpayers), thì đổi lại họ có quyền đòi hỏi phải được viên chức chính quyền phục vụ một cách thật là trân trọng tương xứng. Như thế, mói đích thực là “Có Đi, Có Lại – Mới Tọai Lòng Nhau” vậy./

Một vài kỷ niệm nho nhỏ với Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện

Một  vài  kỷ  niệm  nho  nhỏ  với  Thi  sĩ  Nguyễn  Chí  Thiện

Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Thi sĩ, Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện (1939 – 2012) là một nhân vật được nhiều người quý trọng mến phục vì tinh thần kiên cường bất khuất của ông chống lại chế độ độc tài tàn bạo của đảng cộng sản tại Việt nam. Đã có rất nhiều người viết về ông, đặc biệt kể từ ngày ông lìa trần tại California vào tháng 10 năm 2012. Nay nhân ngày giỗ đọan tang của ông, tôi xin ghi lại một vài kỷ niệm thật dễ thương và đáng nhớ với một người bạn đã từng sát cánh với anh chị em chúng tôi trong tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQ) có trụ sở chính đặt tại miền Nam California.

Từ hồi năm 2001, khi dọn về cư ngụ tại California, anh Thiện đã thường xuyên sinh họat với MLNQ chúng tôi. Anh được mời tham gia với tư cách là một thanh viên trong Ban Cố vấn của MLNQ – trong đó có những nhân vật có tên tuổi như Bác sĩ Nguyễn Tường Bách là bào đệ của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Luật sư Trần Thanh Hiệp, Giáo sư Đoàn Viết Họat v.v…

Trong các phiên họp định kỳ mỗi tháng, anh Thiện thường có mặt và anh luôn đóng góp những ý kiến thật là xây dựng tích cực và quý báu cho Ban Điều hành chúng tôi.

Với sự hiểu biết sâu sắc về tình hình chính trị xã hội ở trong nước và nhất là qua những thông tin chính xác mà anh thu thập được từ nơi các bạn bè thân tín của anh tại quốc nội – anh Thiện đã góp ý hướng dẫn rất tận tình cho anh chị em chúng tôi trong MLNQ trước những vấn đề quan trọng tinh tế liên quan đến công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt nam. Anh luôn biểu lộ một lập trường kiên định dứt khóat đối với chế độ độc tài thâm độc của người cộng sản từ xưa đến nay. Mà anh cũng được tất cả anh chị em chúng tôi quý mến vì cái phong cách điềm đạm nhân ái của một sĩ  phu quân tử, theo đúng với truyền thống xưa nay của dân tộc chúng ta.

Và qua anh Thiện, chúng tôi còn được biết thêm về cái tư cách đáng quý của những người bạn tù chính trị thân thiết lâu năm với anh, cụ thể như các anh Kiều Duy Vĩnh, Phan Hữu Văn v.v…

Anh Thiện không lái xe, nên nhiều người trong số anh chị em chúng tôi thay phiên nhau đến đón anh và chở anh về mỗi khi có các buổi họp của MLNQ. Và mỗi lần đi chung xe với anh Thiện, chúng tôi lại còn được anh chuyện trò tâm sự về nhiều khía cạnh trong cuộc sống riêng tư ở Việt nam, cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới mà anh đã có dịp đi qua. Còn ngòai ra, thì anh Trần Phong Vũ mới là người tài xế thường xuyên lo chuyên chở anh Thiện đi khắp nơi.

Vào khỏang năm 2008, trong lần đi chung xe với anh sau một phiên họp của MLNQ, thì anh Thiện có than thở tâm sự riêng với tôi đại để như thế này: “Ở vào cái giai đọan già yếu bệnh tật như lúc này, sao tôi thấy chán nản bi quan quá đối với cuộc đời tại thế này đấy, anh ạ…” Nghe vậy, tôi không khỏi thắc mắc, vì đối với một con người chiến sĩ kiên cường sắt đá như “Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện” vốn đã từng vượt qua được bao nhiêu đày đọa áp bức trong nhà tù cộng sản suốt gần 30 năm ròng rã – ấy thế mà lúc này đang sinh sống tại một nơi có đày đủ tự do và tiện nghi thỏai mái như ở nước Mỹ, anh lại đâm ra chán chường yếm thế đến như vậy!

Và tôi nhớ mình đã trả lời anh như sau: “ Thông thường vào lúc cuối đời, sau khi đã trải qua bao nhiêu sóng gió đọan trường trong cuộc sống, thì các cụ xưa hay nói đến chuyện “Tu Thân Tích Đức” để rồi chuẩn bị “về với ông bà tổ tiên” thôi. Nói cách khác, người lớn tuổi thì tìm cách nâng cao tâm hồn mình lên một bình diện tâm linh và tôn giáo – như trong tiếng Pháp người ta gọi đó là một thứ “dimension spirituelle/religieuse” vậy mà… Nghe tôi nói như vậy, anh Thiện tỏ vẻ trầm ngâm và không nói gì thêm nữa cho đến lúc chúng tôi chia tay nhau ở một địa điểm mà anh phải đến để tham dự một phiên họp khác nữa.

Vào năm 2013, nhân dịp Đại Hội lần thứ XI của MLNQ được tổ chức tại miền Nam California, Bác sĩ Lâm Thu Vân, một đại biểu đến từ Canada đã phát biểu trong phần Tưởng niệm hai vị Cố vấn vừa mới qua đời mới đây, đó là Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và Bác sĩ Nguyễn Tường Bách. Bằng một giọng thật xúc động Bác sĩ ThuVân nói :”Đây là hai người chiến sĩ mà tôi luôn kính trọng như là thần tượng gương mẫu cho công cuộc tranh đấu gian khổ vì lý tưởng Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của dân tộc Việt nam chúng ta vậy…”

Như dân gian vẫn thường nói: “Cọp chết thì để lại bộ da, người ta chết thì để lại cái nết”. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã đi xa, lìa khỏi cõi tạm này. Nhưng cái nết na, đạo hạnh và cái chí khí kiên cường bất khuất của anh thì vẫn còn lại mãi như là một tấm gương sáng ngời cho các thế hệ mai sau vậy./

Westminster California, tháng Chín 2015

Đoàn Thanh Liêm

Tôi đã gặp lại Chị Lài tại Ba lan

Tôi đã gặp lại Chị Lài tại Ba lan

Bút ký của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Tháng 6 năm 2012 vừa rồi, trong chuyến đi Âu châu, tôi đã có dịp đến thăm gia đình chị Trần Thị Lài tại thành phố Cracovie là cố đô của nước Ba lan. Chị Lài theo học Ban Cử nhân Văn chương Pháp tại Đại học Văn khoa Sài gòn vào giữa thập niên 1950. Hồi đó, chúng tôi cùng sinh họat chung với nhau trong Nhóm Sinh viên Công giáo do cha Nguyễn Huy Lịch làm Tuyên úy hướng dẫn.

Nhóm chúng tôi có chừng 30 thành viên là sinh viên thuộc nhiều phân khoa khác nhau và thường gặp gỡ trao đổi với nhau sau khi cùng tham dự Thánh lễ ngày Chủ nhật tại nhà nguyện thuộc Tu viện Mai Khôi trên đường Nguyễn Thông gần với Bệnh viện Saint Paul. Ở độ tuổi 20 – 25, chúng tôi sinh sống thật hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời giữa lòng một xã hội tương đối thanh bình và thịnh vượng ở miển Nam Việt nam thời đó.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Lài đi dậy môn Pháp văn mấy năm tại Nữ Trung học Gia Long. Rồi chị đi qua Pháp để học thêm lên bậc cao học. Vào khỏang năm 1964, chúng tôi được tin là chị Lài thành hôn với anh Stefan Wilkanowicz và theo chồng về sinh sống tại Ba lan. Có thể đây là trường hợp đầu tiên mà một người từ miền Nam Việt nam lập gia đình với người Ba lan và đến sinh sống tại quốc gia dưới chế độ cộng sản này.

Mùa hè năm 1970, chị Lài về thăm gia đình tại Việt nam nhân dịp Lễ Giỗ Đầu của thân phụ là Cụ Trần Văn Lý – người đã từng giữ chức vụ Thủ Hiến Trung Việt dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại vào năm 1950. Và các bạn chúng tôi đã thật vui mừng được gặp lại chị Lài sau mấy năm xa cách. Buổi hội ngộ thân tình ấm cúng này cũng diễn ra như xưa tại văn phòng của cha Lịch trong Tu viện Mai Khôi.

Chị kể cho chúng tôi về nhiều chuyện khó khăn phức tạp dưới chế độ cộng sản ở Ba lan, đặc biệt là nếp sinh họat của người công giáo thời đó. Chị cho tôi địa chỉ của anh Stefan Wilkanowicz là phu quân của chị lúc đó đang làm cho văn phòng của Pax Romana quốc tế có trụ sở tại thành phố Fribourg Thụy Sĩ. Thế mà vào cuối năm 1970, khi tôi có việc qua Genève thì cũng tìm đến Fribourg để thăm anh Stefan luôn thể, nhưng vì đúng vào dịp nghỉ lễ Noel, nên tôi đã không gặp được anh.

Từ ngày qua định cư ở Mỹ năm 1996, tôi đã dò hỏi nhiều nơi, nhưng cũng không làm sao liên lạc được với chị Lài, kể cả qua địa chỉ e-mail do một anh bạn gửi cho. Mãi đến khi tôi qua Paris vào mùa Xuân năm 2012, thì nhờ được bà con ở Ba lan cho biết số điện thọai chính xác của gia đình chị ở thành phố Cracovie, nên tôi mới liên lạc nói chuyện được với chị Lài. Qua điện thọai, tôi nghe được giọng nói của chị thật rõ ràng và mạnh mẽ, biểu lộ nỗi vui mừng được tin về một số bạn bè thân thiết từ cái thời còn đi học đã trên 50 năm xưa ở quê nhà Việt nam.

Và vào đầu tháng 6, tôi đã bay từ thành phố Frankfurt nước Đức để tới thăm anh chị Lài & Stefan Wilkanowicz tại cái thành phố là cố đô của Ba lan. Như vậy là kể từ ngày gặp nhau lần cuối ở Saigon vào năm 1970 cho đến năm 2012 này – tức là sau 42 năm thì chị Lài và tôi mới lại có cơ hội gặp nhau ở Ba lan là quê hương của chồng chị. Rõ ràng đây là một cuộc hội ngộ trùng phùng rất mực kỳ thú đối với cả hai phía chúng tôi.

Trong dịp này, tôi đã đến sinh sống vài ngày với gia đình anh chị tại một căn hộ trên lầu ba của một chung cư tọa lạc trong khu trung tâm thành phố Cracovie. Anh chị có hai cháu gái đều đã trưởng thành và có gia đình ở riêng, nên hiện trong nhà chỉ còn có hai vợ chồng già sống chung với nhau mà thôi. Mỗi ngày thì có người đến giúp dọn dẹp nhà cửa bếp núc và đi chợ mua sắm thực phẩm cho gia đình.

Ở vào tuổi 83, chị Lài đã bắt đầu có dấu hiệu suy thóai về mặt trí nhớ, nên khi chuyện trò trao đổi với tôi, thì có nhiều câu hỏi chị cứ nhắc đi nhắc lại hòai. Trái lại, anh Stefan ông xã của chị, thì dầu đã ở tuổi 87 mà anh vẫn còn rất sáng suốt tinh tường. Anh nói tiếng Pháp khá trôi chảy lưu lóat và ra tay lo lắng chăm sóc cho tôi thật là chu đáo tươm tất.

Để bạn đọc tiện bề theo dõi câu chuyện của ”một gia đình Việt – Ba lan” này, tôi xin lần lượt ghi lại chi tiết hơn về chị Lài, anh Stefan và cháu gái tên Việt nam là Lan.

1 – Câu chuyện của chị Lài.

Gặp lại chị Lài lần này, tôi được nghe chị kể lại nhiều kỷ niệm xa xưa ở Việt nam mà chị nhớ rất kỹ. Cụ thể như chị nói về chuyện ông cụ hồi làm Quản Đạo ở Đà lạt hồi trước năm 1940, thì đứng ra tổ chức cho một số bà con từ miền Bắc vào làm nghề trồng rau ở vùng cao nguyên này. Chị còn nhớ lúc đi theo thân phụ ra bến xe để đón lớp người này mang theo cả gia đình cùng với mọi thứ gồng gánh nồi niêu chén bát từ mãi xứ Hà Đông Nam Định vào lập nghiệp ở địa phương.

Chị cũng kể lại những năm tháng theo học nội trú tại trường của mấy ma soeur người Pháp với kỷ luật khá nghiêm khắc – mà nhờ vậy chị tiếp thu được số vốn kiến thức vững chắc, nhất là với môn Pháp văn và cổ ngữ La tinh – khiến cho chị có thể tiến xa trên đường học vấn sau này.

Chị vẫn còn nhớ cái thời tham gia viết báo Thông Cảm với Nhóm Sinh viên Công giáo chúng tôi năm xưa ở Saigon. Chị gọi các bạn thời đó đều có tinh thần của người chiến sĩ dấn thân phục vụ xã hội và là những người đồng điệu với chị nữa (militants – âmes soeurs). Khi nghe tôi nhắc đến tên những người đã ra đi – điển hình như cha Nguyễn Huy Lịch, anh Dược sĩ Trần Quý Thái v. v…, thì chị đều nhớ đến và bày tỏ lòng thương tiếc đối với những nhân vật mà chị đã từng sát cánh gắn bó thân thiết trong thời gian cùng sinh họat chung với nhau đã đến trên nửa thế kỷ trước đây.

Trên Internet, tôi còn được đọc một bài phỏng vấn khá nhiều chi tiết do chị Lài trả lời cho một nhà báo người Ba lan tên là Malgorzata Dzieduszycka vào khỏang năm 1994. Bài báo có nhan đề tiếng Anh là : ” An interview with Lai Wilkanowicz, a Vietnamese woman who has been living in Poland for 30 years “ (Bài Phỏng vấn với bà Lài Wilkanowicz, người phụ nữ Việt nam đã sống ở Ba lan suốt 30 năm). Chị Lài kể lại về mối tình của chị với anh Stefan mà chị gặp gỡ lần đầu tiên khi cùng tham dự một Hội nghị quốc tế của Pax Romana được tổ chức vào năm 1957 tại San Salvador ở Nam Mỹ.Và mãi đến năm 1964, sau khi vượt qua bao khó khăn trở ngại, thì chị mới có thể đến Ba lan để cùng chung sống với anh được.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, chị Lài còn cho biết chị đã dịch nhiều tài liệu từ tiếng Ba lan sang tiếng Pháp – đặc biệt là các sách của Tổng Giám Mục Karol Wojtyla. Nhờ vậy mà chị mới có đủ phương tiện tài chánh để lo giúp trang trải mọi phí tổn rất nặng nề cho người em ở Việt nam có thể qua định cư bên nước Pháp. Chị cũng còn dịch cả cuốn tiểu sử của nữ tu Faustyna là người được coi như một “Sứ giả rao truyền về sự sùng kính Lòng Thương Xót Chúa” (Divine Mercy) nữa.

Và mới đây vào tháng 10/2012, báo Đàn Chim Việt còn giới thiệu cuốn Tự truyện của cháu Lan là con gái đầu lòng của anh chị, thì bài báo còn ghi là chị Lài đã cho xuất bản vào năm 2004 một cuốn Hồi ký bằng tiếng Ba lan với nhan đề : “ Từ Việt nam đến Ba lan : truyện của một người con gái quan huyện”. Các chi tiết này, quý bạn đọc đều có thể đọc trên Internet, nên tôi khỏi cần ghi thêm ở đây nữa.

2 – Câu chuyện của anh Stefan.

Anh Stefan năm nay đã ngòai 87 tuổi mà vẫn còn làm việc đi đứng vững vàng. Stefan là một trí thức Công giáo có tên tuổi ở Ba lan, anh đã từng làm Tổng Biên tập trong nhiều năm cho nhà xuất bản có tiếng Znak và cả cho một tờ tuần báo nữa. Anh là một thành viên của tổ chức “Bảo tàng Khu Thiêu người Auschwitz” xưa kia của Đức Quốc Xã. Và Stefan cũng có chân trong Hội Đồng Giáo Hòang về Giáo Dân (Pope’s Council for Lay Catholics).

Anh dẫn tôi đi khắp nơi trong thành phố bằng xe taxi hay xe bus để làm việc này chuyện nọ một cách dễ dàng. Chị Lài có nhắc anh dẫn tôi đến thăm nhà xuất bản Znak là cơ sở anh đã gắn bó cộng tác từ nhiều năm, nhưng đúng lúc đó thì cơ sở này đang đóng cửa để sửa chữa lại, nên tôi đã không có dịp đến thăm viếng nhà xuất bản có danh tiếng này.

Stefan cho tôi biết : Bản luận văn tốt nghiệp đại học của anh lấy chủ đề là : “L’émancipation ouvrìere selon Emmanuel Mounier” (Sự Giải phóng giới Lao động theo chủ trương của Emmanuel Mounier là người khởi xướng ra chủ thuyết Nhân vị (Personnalisme) ở Pháp từ sau Đệ Nhất Thế chiến và cũng là sáng lập viên của tạp chí Esprit mà hiện vẫn còn tiếp tục ấn hành). Và chúng tôi có dịp trao đổi về các tác giả thuộc trường phái Nhân bản Thiên chúa giáo ở Pháp vào giữa thế kỷ XX như Jacques Maritain, Gabriel Marcel – mà từ hồi còn là sinh viên chúng tôi đã say mê theo dõi học hỏi. Trong nhà anh, tôi thấy vẫn còn các số báo mới nhất của tạp chí Esprit từ Pháp gửi cho anh – báo này từ sau 1975 thì tôi không hề thấy xuất hiện tại Việt nam nữa.

Stefan còn kể lại cho tôi cái kỷ niệm sinh họat sôi nổi với các “Công nghị cấp giáo phận” (synode diocésain) dười thời Giám mục Karol Wojtyla cai quản giáo phận Cracovie (mà sau này đó chính là vị Giáo hòang nổi danh Jean Paul II của Giáo Hội Công giáo La mã). Anh nói : Phải có đến 500 đơn vị các synode này với khí thế nô nức của mọi giới công giáo hội họp thảo luận về các khía cạnh đổi mời của Giáo hội Công giáo tại địa phương. Đó là một phong trào tự phát của quần chúng công giáo mà chính quyền cộng sản không thể làm cách nào mà cấm cản hay dẹp bỏ được. Tuy vậy, lên đến cấp quốc gia (synode national), thì các công nghị này lại không thể nào đạt kết quả mong muốn được.

Trả lời câu hỏi của tôi là : “Liệu bây giờ có thể gây lại phong trào quần chúng tôn giáo như vậy nữa chăng?”, thì Stefan cho biết : “Bây giờ nhờ có Internet, thì giới trẻ có nhiều điều kiện thuận tiện để phát động phong trào canh tân như đã khởi sự từ khỏang 40 năm trước ngay tại giáo phận Cracovie này.” Cuộc trao đổi giữa anh và tôi kéo dài trong nhiều giờ với nhiều chi tiết lý thú về quá trình xây dựng và phát triển phong trào canh tân của giới Công giáo Ba lan  –  mà tôi sẽ có dịp ghi lại đày đủ hơn trong một bài riêng biệt khác.

Mà ở đây, tôi muốn ghi ra sự nhận xét của mình về sự bền vững của tình yêu giữa hai anh chị Lài & Stefan – đó là cả hai người đều ôm ấp theo đuổi cùng một lý tưởng của người chiến sĩ – như chính chị Lài đã nói với tôi :  Chúng ta đều là những “militants”, là “âmes-soeurs” với nhau. Và cả hai anh chị suốt cuộc đời đều họat động trong lãnh vực văn hóa của Giáo hội Công giáo Ba lan – cụ thể là sát cánh chặt chẽ với Tổng Giám mục Karol Wojtyla ở Cracovie là người sau này trở thành Giáo Hòang Jean Paul II nổi tiếng.

Hồi ký của chị Lài cũng như Tự truyện của cháu Lan đã ghi chi tiết về mối tình này. Kể cả trong bài phỏng vấn vào năm 1994 đã nêu ở trên, thì chị Lài cũng đã nói nhiều về mối tình keo sơn tuyệt vời này nữa.

Và tôi cũng còn chứng kiến việc anh Stefan chăm sóc tận tụy và trìu mến đối với người bạn đời hiện đang có triệu chứng của bệnh Alzheimer nữa.

3 – Câu chuyện của cháu Lan, trưởng nữ của anh chị Lài – Stefan.

(tên đày đủ là : Lan Marzena Wilkanowicz – Devoud)

Tôi chưa có dịp gặp cháu Lan, vì anh Stefan cho biết cháu sống tại Paris với người chồng là dân Pháp. Tôi đóan cái chữ Devoud ở cuối cái tên dài như được ghi ở trên, thì đó là tên họ của chồng cháu. Lan là tiếng Việt như Hoa Lan (Orchidea), Marzena mới là tên tiếng Ba lan. Còn Wilkanowicz là tên họ nội của cháu. (Tên mẹ là Lài (Jasmine) – em gái chị Lài có tên là Huệ (Lily), thì cũng lại là một thứ Hoa nữa)

Cuối tháng 10 năm 2012, cháu Lan có cho ấn hành cuốn Tự truyện bằng tiếng Ba lan tại thủ đô Varsovie và đã có nhiều bà con người Việt tại Ba lan đến dự buổi ra mắt. Cuốn sách này đã được giới thiệu trên báo điện tử Đàn Chim Việt và được nhiều độc giả chú ý theo dõi. Vì không đọc được nguyên tác bằng tiếng Ba lan – mà cũng chưa thấy có bản tiếng Anh hay tiếng Pháp – nên tôi xin phép được trích dẫn một vài đọan trong bài báo của Đàn Chim Việt như sau đây để giới thiệu với quý bạn đọc câu chuyện của cháu Lan :

…”Lan Marzena là kết quả của mối tình “không tưởng vô cùng lãng mạn của người trí thức Ba lan với cô gái Việt Nam dòng dõi – trong khi chiến tranh, chính trị và khỏang cách địa lý là những rào cản thách thức tưởng như không thể vượt qua.”

“Mẹ cô, Maria Teresa Trần Thị Lài là con gái của quan Trần Văn Lý, người từng giữ chức cai quản tại Đà lạt thời Pháp thuộc. 28 tuổi, bà gặp người chồng tương lai trong cuộc Họp mặt Thanh niên Công giáo Pax Romana tại San Salvador (Nam Mỹ) và … sau 7 năm xa cách, bà quyết định lấy ông Stefan Wilkanowicz khi đó là ký giả của tuần báo Công giáo Tygodnik Pawzechny…”

“… Mối tình của ông bà Wilkanowicz “ly kỳ và có khi còn hay hơn cả phim Hollywood, vì là chuyện có thật” (theo lời ghi của cô Lan)”.

“… Lan Marzena dẫn ta tới gặp các nhân vật lịch sử cận đại của Ba lan mà chị gặp, kết thân và học hỏi – trong đó có Thủ Tướng đầu tiên của Ba lan dân chủ Tadeusz Mazowiecki, các nghệ sĩ, nhà văn, các tên tuổi tạo mode Anh, Pháp mà chị từng làm việc cùng trong 13 năm làm Tổng biên tập đầu tiên của nguyệt san “Elle” Ba lan…”

4 – Để tóm lược lại.

Khi tìm đến thăm gia đình chị Lài ở Ba lan, tôi chỉ nhắm mục đích thật đơn giản là gặp lại người bạn thân thiết từ thuở còn đi học ở Saigon trên nửa thế kỷ trước. Nhưng sau cuộc viếng thăm này, tôi thật không ngờ là chị bạn của mình đã trải qua một cuộc sống cam go mà thật sôi động giữa lòng một đất nước xa lạ dưới sự kềm kẹp ngặt nghèo của chính quyền cộng sản. Và tôi thật vui mừng thấy được anh chị Lài – Stefan đã vượt qua được bao nhiêu nghịch cảnh sóng gió và giữ vững được niềm tin son sắt của mình đối với Đạo Công giáo – mà cả hai dòng họ của anh chị ở Việt nam cũng như ở Balan đã gắn bó vững chãi từ bao nhiêu thế hệ trước.

Bài viết này chỉ nhằm ghi lại một cách sơ lược về chuyến thăm viếng của tôi đến với gia đình anh chị. Do vậy, nó chỉ có tính cách riêng tư về tình cảm bạn hữu giữa chúng tôi – kể cả giữa một số bằng hữu quen biết trong thế hệ sinh viên chúng tôi ở Saigon thời trước mà thôi.

* Vì thế, tôi hy vọng sẽ có bà con hiện sinh sống ở Ba lan có điều kiện tham khảo trực tiếp từ các tài liệu viết bằng tiếng Ba lan – để rồi trình bày cho công chúng độc giả người Việt hiểu biết tường tận hơn về một gia đình “Việt – Balan” với nhiều tình tiết thật là ly kỳ sinh động này. Mong lắm thay!

Costa Mesa California, Tháng 11 năm 2012

Đòan Thanh Liêm

Ghi chú: Chị Teresa Maria Trần Thị Lài đã qua đời tại Cracovie vào đúng ngày 15 tháng Tám năm 2014.

Ông bước theo chân cháu để hội nhập vào dòng chính trong xã hội Mỹ.

Ông bước theo chân cháu để hội nhập vào dòng chính trong xã hội Mỹ.

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Tôi đã ở vào lứa tuổi bát thập và đã định cư ở nước Mỹ được gần 20 năm nay. Hầu hết các cháu nội ngọai trong gia đình chúng tôi tức là lớp thế hệ thứ ba, thì đều sinh trưởng tại Mỹ. Các cháu theo học và tiếp cận thường xuyên với các bạn người Mỹ ngay từ các lớp nhà trẻ, mẫu giáo lên đến tiểu học, trung học và cả đại học. Do đó mà các cháu nói tiếng Mỹ thành thạo hơn là nói tiếng Việt. Và suy nghĩ cũng như hành động của các cháu cũng không khác gì nếu so sánh với các bạn người Mỹ cùng lứa tuổi. Nói khác đi, thì các cháu đã hội nhập hòan tòan vào với xã hội Mỹ. Nhờ vậy, mà sau khi tốt nghiệp đại học, các cháu mới dễ kiếm được việc làm và có chỗ đứng vững vàng trong xã hội sở tại.

Đối với mấy cháu ở vào độ tuổi 20 – 25, đủ khôn lớn rồi, thì từ mấy năm gần đây, tôi bắt đầu viết trực tiếp một số bài bằng tiếng Anh để giúp các cháu hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa Việt nam – cũng như là về một số công việc tôi làm trước đây và cả về chuyện tôi bị công an cộng sản bắt giam giữ trong nhà tù nữa. Xin liệt kê một số bài viết bằng Anh ngữ đó như sau:

– A very short introduction into the Vietnamese culture

(Giới thiệu thật ngắn về văn hóa Việt nam)

– Some brief notes on the Vietnam war (1945 – 1975)

(Mấy ghi chú ngắn về cuộc chiến tranh Việt nam)

– How I became a political prisoner in Vietnam in the 1990’s

(Làm sao tôi trở thành người tù chính trị ở Việt nam vào thập niên 1990)

– Reflection on my being an octogenarian

(Suy nghĩ nhân dịp bước vào tuổi bát tuần)

– From Social Action to Human Rights Advocacy

(Từ họat động xã hội đến bảo vệ nhân quyền)

v.v…

Những bài này thường ngắn gọn, chỉ chừng vài ba trang với cỡ trên dưới 1,000 chữ mà thôi. Tôi chủ tâm ‎viết thật ngắn như vậy, thì các cháu mới chịu đọc. Nhân tiện, tôi cũng gửi các bài này cho một số bạn người Mỹ nữa. Và thật là phấn khởi khi tôi nhận được phản hồi thuận lợi từ các bạn đó. Có bạn lại còn chuyển những bài đó lên internet, cụ thể là trên Google nữa. Vì thế, bạn đọc có thể mở Google và đánh chữ: “Doan Thanh Liem – articles in English”, thì có thể đọc các bài này một cách thật dễ dàng.

Thành ra, đàng nào tôi cũng có nhu cầu phải truyền đạt suy nghĩ và kinh nghiệm của bản thân mình cho lớp hậu duệ trong gia đình – mà việc này lại được các bạn người Mỹ tiếp nhận với mối thiện cảm chân tình. Như thế đấy, từ việc chuyện trò trao đổi trong chỗ thân mật riêng tư với các cháu trong nội bộ gia đình – mà tôi lại có cơ hội thông tin tiếp cận dễ dàng hơn với các bạn thuộc dòng chính trong xã hội nước Mỹ vậy. Rõ ràng đây là cái thứ “Một Công Đôi Việc” – như dân gian vẫn thường nói. Tôi viết bài dành riêng cho các cháu trong gia đình, mà bài viết đó cũng còn được dùng để gửi cho các bạn người Mỹ cùng đọc nữa.

Rốt cuộc là từ mấy năm gần đây, tôi lại có thêm cái nhu cầu và sự phấn khích để mà cố gắng viết trực tiếp những bài bằng Anh ngữ dành riêng cho các cháu nội ngọai của mình và nhân tiện cũng dành cho các bạn đọc người Mỹ nữa. Vì nhằm viết riêng cho những người thân thiết của mình, nên tôi không phải quá sức đắn đo gọt giũa về lối hành văn như trong các bài viết cho những người xa lạ mà mình chưa có dịp quen biết thân mật gì cả.

Hơn nữa, các cháu thành thạo tiếng Anh hơn tôi thì còn sẵn sàng góp phần sửa chữa bổ túc cho bài viết của tôi đạt được tiêu chuẩn để các độc giả người Mỹ dễ dàng chấp nhận hơn. Và đó cũng là dịp để ông cháu tôi cùng làm việc sát cánh với nhau hơn nữa.

Trước lạ, sau quen. Sau chừng trên một chục bài viết trực tiếp bằng Anh ngữ như thế, ngòi bút của tôi đã bắt đầu trở thành trôi chảy trơn tru – và tôi không còn thấy ngại ngùng, ngượng ngập như trước đây khi mình chưa quen viết  bằng tiếng Anh nữa. Tôi nghĩ nếu mình cứ kiên trì mỗi tháng cố gắng viết được một bài như thế để dành riêng cho các cháu – thì chỉ trong vài năm tôi có thể hòan thành được một cuốn sách bằng tiếng Anh được rồi vậy.

Trên đây là một chuyên riêng tư của bản thân tôi là một người đã ở vào tuổi bát tuần mà hiện đang cùng gia đình định cư tại tiểu bang California trên nước Mỹ. Tôi xin được chia sẻ cái kinh nghiệm nho nhỏ này với bà con người Việt tỵ nạn chúng ta vậy nha./

Costa Mesa California, Tháng Chín 2015

Đoàn Thanh Liêm