AI MUỐN LÀM LỚN NHẤT

AI MUỐN LÀM LỚN NHẤT

Tuyết Mai

Người gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. (Mc 9, 29-36 (Hl 30-37)).

Chúng tôi xin được hỏi trên cái cõi đời tạm bợ này ai không thích hay ao ước muốn được làm Lớn?.   Chúng tôi nhớ là được nghe ở đâu đó nói là mỗi một người Việt Nam chúng ta thường cho mình là một vị vua. Có nghĩa là ai cũng cho mình có quyền được làm vua hết từ nhỏ tới lớn, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Người mà nhút nhát thì chúng tôi không nói làm gì bởi đã có cái tánh nhút nhát thì ở trong nhà cũng đã nhút nhát; ít khi lên tiếng ngay cả khi được hỏi cũng không muốn trả lời. Nhưng đối với một người bình thường mê ăn uống, thích được phô trương, khoe tài ăn nói, khoe cái Tôi, cái tài rất có giới hạn của mình cho thiên hạ nể nang dù mình chẳng có một cái gì để mà khoe, v.v…

Nếu chúng ta chịu khó để ý trong một bàn tiệc dù là bàn tiệc nho nhỏ trong gia đình hay là bàn tiệc lớn nơi chỗ công cộng thường thì rất là ồn ào, sầm uất và náo nhiệt bởi vì ai cũng tranh nhau nói nhiều hơn là nghe. Nếu có người xướng lên một đề tài nào đó để nói và đang nói thì có phải người nói chưa kịp giứt lời là đã có một vài người khác nhẩy tranh nhau vào mà nói, cắt đứt ngang tư tưởng của những gì người kia đang nói như sợ rằng mình sẽ không có dịp để được nói.   Được khoe tài của mình thì hay hơn, duyên dáng hơn, giỏi dang hơn như muốn dành sự chú ý của nhiều người nghe hơn.   Muốn dành phần khen về cho mình là vì mình nổi bật hơn mọi người khác chăng?.

Được những tràng cười dòn tan hay những cái gật gù đồng ý cho những gì mình kể, bịa đặt, khoác lác, ba hoa, nổ quá mức tưởng tượng, v.v…. Cốt chỉ mong cho mọi người chú ý đến một mình mình là được rồi. Nhiều khi chúng ta cũng không hiểu tại sao chúng ta lại phải làm như vậy?.   Vì chúng ta không thích nghe những người khác họ nói về họ ư?.   Tại sao chúng ta lại không thấy được cái vô duyên của chính mình?.   Có khi nào chúng ta tự hỏi chính mình rằng cái cười phụ họa của mọi người có chính là cái cười mà họ đang cười vào mặt mình hay không?.  Trong khi mọi người họ càng cười lăn cười bò ra mà mình lại cứ tưởng là họ cười cái chuyện có duyên mà ta đang kể?.

Vâng, nếu chúng ta và mọi người chịu khó khiêm nhường một tí thì đi đến đâu cũng được mọi người thương mến và dành nhiều cảm tình cho mình vì mình là con người biết điều, có lịch sự tối thiểu.   Có biết trước biết sau, biết trên biết dưới, biết ăn trông nồi ngồi trông hướng, biết nhường mọi người, v.v…

Có rất nhiều lần chúng tôi để ý thấy trong khi người ta đang thao thao bất tuyệt nói khoe về họ, chồng của họ và thành công của con cái họ thì trong khoảnh khắc ấy chúng tôi thấy mọi người không còn muốn nghe chuyện của người ấy kể nữa.  Không ai bảo ai họ đã chụm đầu vào thành nhóm và nói chuyện lớn tiếng với nhau như muốn ngầm cho người ấy thấy sự lố bịch, hợm hĩnh, vô duyên, quá trớn của người?.

Rồi thì nhìn người ấy như đã cảm thấy một cái gì là nghèn nghẹn, xấu hổ và thiếu ý thức?. Cho nên có phải nếu mình đừng cho mình là quan trọng nhất, hãy khiêm nhường, hòa nhã và vui vẻ thì chắc rằng niềm vui của sự gặp gỡ với nhau mới được trọn vẹn?.   Kinh nghiệm cho chúng ta thấy người nào thích nói nhiều thì người ấy hay mắc quai bởi những gì mình nói. Khoan dung từ tốn là con người luôn có sự khôn ngoan của Chúa. Cân nhắc từng lời ăn tiếng nói của mình.   Uốn lưỡi 10 lần trước khi nói thì ai cũng nể trọng vì những lời mình nói đã có sự suy nghĩ chín chắn.

Quả thật con người yếu kém của chúng ta thường không biết rõ (hay biết mà lừa dối cả chính mình?) sự yếu kém của mình trên nhiều lĩnh vực nhưng lại thích được người khác nghe cái hay của mình mà nghĩ rằng cái hay của mình phải hay hơn cái hay của người khác tuy dù học lực và học thức của mình thật kém cỏi hơn người ta rất là nhiều, thưa có phải?.   Như nói nhiều mà ý nghĩa chẳng được bao nhiêu hay trăm voi chẳng được bát nước sáo là vậy.

Bởi chẳng qua chúng ta là những tôi tá rất hèn mọn của Chúa, là những con chiên lạc đường được Chúa thương yêu, cứu thoát đem trở về đàn. Bởi con người “trẻ người thì non dạ” trước đây thường là như thế.   Đi đến đâu, hiện diện nơi đâu, cái không tư cách của mình chắc hẳn đã làm cho rất nhiều người gai mắt và không ưa. Bởi thường vì chức phận không nhỏ của chúng ta ở cái thời gian ấy đã cho phép chúng ta lên mặt với đời và với người.

Tuy chúng ta nhỏ tuổi nhưng dưới mắt mọi người họ buộc phải nghe lời chúng ta sai biểu nếu không thì chỗ mà họ đang có sẽ lập tức được thay thế cho người khác.  Chúng ta vào gia nhập trong hội đoàn của Nhà Thờ cũng tương tự như thế, vì Tôi có tiền nên Tôi đã được bầu làm ông bà hội trưởng của nhóm này hay ông bà hội trưởng của nhóm khác. Bao nhiêu hội đoàn thì Tôi được bầu làm hội trưởng hết thế có oai không cơ chứ?.

Rồi chẳng bao lâu thành công của Tôi từ ngoài xã hội cho đến trong khuôn viên Nhà Thờ của giáo xứ đã biến Tôi ngang nhiên trở thành một con người có thế lực, có quyền và sai biểu mọi người phải theo ý của Tôi.  Từ khi có mặt Tôi thì không nơi nào mà không có chuyện xẩy ra đến cho nhiều người.  Rồi chuyện gì đến nó đã phải đến là tất cả mọi người họ đòi khử trừ Tôi vì Tôi không xứng đáng với chức vụ của mình, lấn lướt, dùng đồng tiền của mình mà coi thường mọi người, bất nhã với những người có tuổi, đôi khi còn muốn lấn lướt cả cha cả thầy, thưa có đúng không?.

Rồi với cái tánh lấn lướt, ức hiếp người qua cái chức vụ làm lead làm xếp chúng ta đã đối xử khắc nghiệt với anh chị em nên rồi chúng ta cũng đã bị đuổi việc vì không ai ưa mình. Tâm lý của những con người lợi dụng tiền tài và quyền lực, thường rất yếu đuối hơn cả những con người bình thường vì họ rất sợ cực khổ và đau đớn. Bởi họ chỉ thích chỉ ngón tay mà thôi! Để sai biểu, để làm oai, để bắt nạt những con người nghèo khổ, thấp cổ bé họng chứ thực chất thì họ không có thể gánh vác được những việc gì cho hữu ích cả.

Gặp chuyện chẳng lành thì họ dông trước mặc kệ cho những con người đáng thương trước kia làm việc dưới mình. Ăn ở thì đừng có mong có tình có nghĩa. Sẵn sàng bán nước, bán gia đình, bán người thân thương, bán tất cả để đổi lấy chức phận hay chạy lấy bản thân. Có phải chúng ta là những con người bán nước để chạy lấy thân không?.  Là những con người mà bây giờ có tuổi, có con, có cháu, có chít đã không có gì đáng để dạy dỗ chúng hay có gì đáng để mà hãnh diện để kể lại cho chúng một thời quá khứ oai hùng của mình?.

Có phải chúng ta là những con người bên trong rất nhát đảm, luôn sợ hãi, tầm thường, thiếu tự tin, ham hố, hồ đồ, là những hạng người luôn sống đạo đức giả?. Thích phô trương chính mình, sống trên xương máu của anh chị em nghèo như những loài đỉa sống hút máu người cho đến cùng kiệt mới nhả ra.  Thế mà chúng ta gọi mình là làm lớn trước mặt Thiên Chúa được ư???.

Chỉ cần một lần Chúa cho ngã ngựa thì mới biết thế nào là Lớn nhỏ ngay, theo tinh thần và sự mong muốn của Chúa. Bởi làm Lớn theo ý của Chúa là phải phục vụ anh chị em mình và phải bắt chước gương sống thương yêu của Chúa Giêsu và Lời của Chúa thì như kim chỉ nam để chúng ta cùng được Ngài đem về Quê Trời hưởng muôn phước lộc, sống trong hạnh phúc vĩnh cửu trường tồn muôn đời bên cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa. Cùng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, các Thánh, các Thiên Thần và tất cả anh chị em của chúng ta trên Trời.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

09-17-2009

Edited 09-18-15

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay