Liệu Việt Nam có quyết định rời khỏi Trung Quốc?

Liệu Việt Nam có quyết định rời khỏi Trung Quốc?

Bùi Quang Vơm

4-6-2016

Quan hệ Mỹ – Việt – Trung. Ảnh: Internet.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, vị Tổng thống thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, đã kết thúc chuyến thăm được đánh giá làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai quốc gia từng là cựu thù, trước hết đem lại nhiều chờ đợi trong dân chúng về một triển vọng sáng sủa hướng về phía tiến bộ. Chính sách ngoại giao của Việt Nam hứa hẹn sẽ có ít nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đơn giản. Quan hệ Việt – Mỹ dù các cố gắng tăng cường, không thể tách hẳn đường lối các chính sách ngoại giao của Việt Nam khỏi những nguyên tắc truyền thống. Từ sau năm 1991, khi khối XHCN thế giới tan vỡ, Việt Nam theo đuổi con đường cải cách, trong đó có chính sách ngoại giao độc lập trong đa dạng và đa hướng, với quan điểm xây dựng một môi trường hợp tác và hòa bình với bên ngoài, tạo điều kiện theo đuổi các lợi ích quốc gia như phát triển kinh tế, chủ quyền quốc gia, duy trì chế độ độc đảng cầm quyền, phát triển kinh tế và xã hội. Nhưng những nguyên tắc này thường được rút gọn lại bằng bốn chữ, “chế độ và tăng trưởng”. Đó là những thứ mà lãnh đạo Việt Nam gọi là “nhị bất biến, ứng với vạn biến”. Trước hết là chế độ, chống mọi thế lực thù địch và âm mưu diễn biến. Tiếp đến là tăng trưởng kinh tế nhằm tìm kiếm chính danh và sức mạmh đảm bảo ổn định cho chế độ.

Ưu tiên chế độ trở thành ưu tiên ý thức hệ dẫn đến ưu tiên quan hệ Trung Việt. Sau ba mươi năm, quan hệ Trung Việt phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, bề ngoài, có vẻ như chế độ có một chân đế vững chắc. Không có gián điệp Trung Quốc gây bạo loạn, không có Trung Quốc làm diễn biến hoà bình. Không có Mặt Trận kháng chiến phục Việt do Trung Quốc giật dây, nuôi dưỡng. Không có “dân chủ và nhân quyền tư bản”.

Nhưng, sau ba mươi năm, biên giới hầu như thông thương, mọi thứ, cả con người lẫn phương tiện qua lại như anh em trong nhà, không thể phân biệt ngay, gian. Rừng biên giới có người Trung Quốc rào chắn, làm đường, đào hầm, lập làng, cưới vợ, gả chồng sinh con, đẻ cái. Công ty Trung Quốc hiện diện ở khắp mọi nơi, thuê dài hạn và chiếm những vị trí xung yếu, trên suốt chiều dài đất nước, đặc biệt vùng đất hẹp miền Trung. Nền công nghiệp què quặt của Việt Nam, phần lớn sản xuất bằng công nghệ lỗi thời của Trung Quốc, sử dụng nguyên liệu nhập từ trung Quốc, sẵn sàng tê liệt khi mất nguồn cung từ Trung Quốc. Người ta không thể quên, những lãnh tụ Trung Quốc từng tổng kết rằng, có ba con đường để Trung Quốc mở rộng lãnh thổ, một là đồng hoá các dân tộc trong cùng biên giới, hai là dồn dân tới các vùng giáp ranh để lấn đất, ba là gây chiến tranh.Với Bôxít trên nóc cao Nguyên, khu công nghiệp Vũng Áng trấn tại đèo ngang Hà Tĩnh, một khi chiếm trọn Trường Sa, thì cả biển lẫn đất có nguy cơ không có cách gì giữ được?

Chủ trương chế độ trên hết đã bộc lộ là một chủ trương sai lầm. Càng gần Trung Quốc, càng phát triển rộng và sâu với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam càng mất dần khả năng kiểm soát đất nước, chủ quyền biển đảo càng có nguy cơ không giữ được. Đây mới chính là thực chất của mối đe dọa chế độ.

Việt Nam tìm kiếm trước hết sự hỗ trợ từ ASEAN, hy vọng tạo ra được một tiếng nói chung khả dĩ đa phương hoá nguy cơ chèn ép nước lớn của Trung quốc. Nhưng cộng đồng chung này chưa có gì chung ngoài ý chí, thực chất đã bị phân hoá trước thủ đọan chia rẽ bằng lợi ích kinh tế ích kỷ của từng quốc gia thành viên, trong khi cộng đồng tồn tại với một cơ chế đồng thuận lỏng lẻo.

Nhật Bản là một lựa chọn. Việt Nam biết Nhật Bản, với những ràng buộc chưa thể gỡ bởi luật pháp quốc tế đối với một quốc gia nguyên tội phạm chiến tranh, không cho phép Nhật triển khai một cách tự do tiềm lực quân sự và hỗ trợ quân sự các quốc gia khác. Chưa nói, bản thân tiềm lực quân sự của Nhật bản dẫu mạnh, vẫn chưa thể đối đầu với Trung Quốc. Nhưng Nhật Bản có một điểm đặc biệt. Nhật không có đối kháng về thể chế chính trị với chế độ cộng sản độc đảng. Nhật Bản không có yêu cầu nhân quyền kèm theo các hợp tác kinh tế. Vì vậy, Việt Nam gắn kết toàn tâm bằng sự tin cậy hoàn toàn với Nhật Bản. Nhật Bản là một quốc gia dân chủ và là đồng minh đặc biệt của Mỹ. Quan hệ gắn bó và sâu sắc, tin cậy hoàn toàn với Nhật bản, Việt Nam có cơ hội quen dần và thích nghi với chuỗi giá trị khác với hệ thống giá trị truyền thống của chế độ XHCN. Qua Nhật Bản, vốn từng là cựu thù chiến tranh, vì thế, cách nhìn nhận một cựu thù như Mỹ đối với lãnh đạo cộng sản Việt Nam, có phần bớt gay gắt.

Trước một thách thức lớn đến từ sự trỗi dậy, tiềm tàng một tham vọng bành trướng mang tên “giấc mộng Trung Hoa”, biển Đông có nguy cơ biến thành ao riêng của Trung Quốc. Khu vực biển có lưu lượng hàng hoá luân chuyển gần 50% tổng lượng hàng hoá lưu chuyển toàn cầu và trên 5000 tỷ đôla giá trị sản lượng hàng năm, tự do hàng hải, tự do hàng không phía trên vùng biển và an ninh trật tự khu vực có lợi ích gắn với lợi ích của Mỹ.

Sau tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia với tự do hàng hải và luật pháp quốc tế tại biển Đông của bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton năm 2010 tại ASEAN, Tổng thống OBAMA tuyên bố chuyển trục chiến lược sang Đông Á.

Việt Nam vốn biết, đàm phán song phương với Trung Quốc chỉ đem lại thất bại. Đàm phán là thủ đọan hoãn binh và trói tay đối phương trên bàn, bằng mồi nhử kinh tế, để Trung Quốc lấn lướt, một mình tự tung, tự tác trên thực địa, tạo ra việc đã rồi, từng bước, từng lát cắt cho đến khi độc chiếm. Việt Nam tìm cách đa phương hoá tranh chấp. Việt Nam tìm kiếm chỗ dựa, tìm hỗ trợ cho cuộc chiến quá chênh lệch với Trung Quốc.

Và Việt Nam đã thấy ở chiến lược chuyển trục Đông Á của Mỹ nhằm bảo vệ tự do hàng hải và trật tự an ninh khu vực theo luật pháp quốc tế, có lợi ích ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc đồng nhất với lợi ích bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt nam.

Tháng 7/2013, Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác toàn diện”, thúc đẩy quan hệ trong mọi lĩnh vực, tạo sự tin cậy gắn kết từng bước tới thực chất.

Cũng bắt đầu từ sau chuyến thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang, Trung Quốc tăng cường trả đũa Việt nam bằng áp lực Hoàng, Trường Sa. Hai nước Việt Mỹ càng tiến lại gần nhau, quan hệ hợp tác giữa hai nước càng phát triển thì thái độ lấn chiếm biển đông càng kiên quyết, tốc độ xây dựng và quân sự hoá theo hướng tăng cường khả năng tấn công càng bộc lộ rõ. Dường như thông điệp mà Trung Quốc muốn chuyển tới lãnh đạo Hà Nội là việt Nam không còn lối thoát bất chấp mọi cố gắng tìm kiếm đồng minh.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định “nếu tình hình Trung Quốc quân sự hóa biển Đông không được can thiệp, biển Đông sẽ biến thành ao nhà của Trung Quốc vào năm 2030.” Điều này có nghĩa là không có can thiệp Mỹ, sau 2030, Việt Nam sẽ không còn biển? Nếu đường lưỡi bò trở thành hiện thực, ra cách bở khảng 44km, Việt Nam đã lọt vào biển Trung Quốc.(12 hải lý lãnh hải + 12 hải lý giáp ranh lãnh hải), nếu không có phép, tàu thuyền Việt Nam sẵn sàng bị bắn hạ.

Báo Guardian (Anh) tuần trước dẫn lời Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Michael Hayden cảnh báo nếu Mỹ không xử lý tốt đà trỗi dậy của Trung Quốc trong 10 năm tới thì hậu quả sẽ là thảm họa với Mỹ và với cả thế giới. Theo ông Michael Hayden, “Mỹ cần soạn ra một kế hoạch chặt chẽ và lâu dài cho khu vực Thái Bình Dương trong thập niên tới và cả sau này”.

Mỹ đã có một chiến lược, đương nhiên. Nhưng điều đáng quan tâm là Việt Nam ở đâu trong kế hoạch này? Việt Nam rõ ràng không có nhiều lựa chọn.

Quan hệ Việt – Mỹ phát triển không ảnh hưởng tới các mối liên hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thay vì phải chọn một bên nào, Việt Nam đang cố gắng hết sức để tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, và coi quan hệ với hai nước này là quan hệ các bên đều có lợi.

Để công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Việt Nam coi trọng Mỹ như nguồn chính về thị trường, đầu tư, công nghệ và phát minh sáng chế. Các nước khác, trong đó có Trung Quốc, đều đã củng cố quan hệ với Mỹ vì lý do tương tự. Tăng cường quan hệ Việt – Mỹ cũng đem lại cho Việt Nam các nguồn lực ngoại giao và chiến lược mạnh hơn. Mỹ ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong việc định hình các cấu trúc an ninh khu vực tại Châu Á – Thái Bình Dương và hỗ trợ các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, xây dựng năng lực hàng hải để cải thiện khả năng cảnh báo trong lĩnh vực hàng hải và các năng lực an ninh biển.

Tháng 9/2011, Việt Nam và Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương trong 5 lĩnh vực, bao gồm an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ, các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai, và hợp tác giữa các trường đại học quốc phòng và viện nghiên cứu. Trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Obama đã thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, Việt Nam luôn nhấn mạnh không đồng nghĩa với kiềm chế và chống lại Trung Quốc. Việc dỡ bỏ lệnh cấm trên chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự và đạn dược.

Hình ảnh độc lập của chính sách đối ngoại của Việt Nam chủ yếu dựa vào chính sách quốc phòng, theo đó Việt Nam theo đuổi nghiêm ngặt “nguyên tắc ba không” – Việt Nam sẽ không tham gia một hiệp định quân sự và trở thành một đồng minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho phép bất kỳ nước nào lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, và không dựa vào bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác.

Gần đây, Việt Nam đang chịu sức ép trong nước phải xem lại nguyên tắc này, tuy nhiên, việc kiên trì theo đuổi nguyên tắc này vẫn là cố gắng trong chính sách của chính phủ Việt Nam, mặc dù giới lãnh đạo Việt Nam thừa biết, không có sự can thiệp của Mỹ, Việt nam dẫu có quyền mua vũ khí ở bất kỳ đâu, hy sinh thu nhập cho trang bị quốc phòng đến mức nào, cũng không cản được bước tiến của Trung Quốc tới chiếm đọat hoàn toàn.

Là một thành viên ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia các nỗ lực của Hiệp hội trong việc thu hút tất cả các nước lớn thông qua các cơ chế hợp tác do ASEAN đứng đầu, với chủ trương ASEAN không phải là một hiệp định quân sự hay nằm dưới sự ảnh hưởng của một nước lớn nào, mà là một tổ chức thúc đẩy ngoại giao để giải quyết những bất đồng.

Việc nghiêng về một bên nào đó là không hợp lý và không khả thi, vì cả Mỹ và Trung Quốc, bất chấp những bất đồng của họ, đều đang phối hợp dựa trên một quan hệ kiểu mới coi trọng việc tránh đối đầu quân sự, đồng thời thúc đẩy quan hệ trong mọi lĩnh vực.

Là một nước nhỏ theo dõi sát diễn biến trong quan hệ Mỹ – Trung, Việt Nam không thể không lo ngại các kịch bản Bắc Kinh và Washington trực tiếp đối đầu hoặc thỏa hiệp với nhau.

Lo ngại của Việt Nam không phải là không có cơ sở, vì lịch sử đã cho thấy Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong quan hệ Mỹ – Trung trong thời Chiến tranh Lạnh.

Vả lại Trung Quốc sẵn sàng làm mọi việc để đạt được thoả hiệp với Mỹ, nhằm chủ yếu dạy bài học cho các quốc gia nhỏ yếu khác. Một chính sách như vậy sẽ đẩy Mỹ đối diện với thử thách không dễ vượt qua, khi Quốc hội Mỹ chỉ lựa chọn lợi ích của người dân Mỹ.

Vì vậy, lựa chọn chính sách là bạn với cả Mỹ và Trung Quốc, chủ động trong ASEAN, và tuân thủ các nguyên tắc toàn cầu của luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực khu vực đã được thiết lập về cách hành xử và bộ quy tắc ứng xử, có thể là lựa chọn chiếm ưu thế trong các nhà lãnh đạo Việt Nam. Sự cải thiện trong quan hệ Việt – Mỹ sẽ củng cố xu hướng này.

Nhưng liệu chủ trương này của Việt Nam có khả thi không? Với Mỹ, dù không gắn kết bằng một hiệp định đồng minh, Việt Nam vẫn có thể phát triển quan hệ đối tác toàn diện với đầy đủ sự tin cậy và tôn trọng bình đẳng, căn cứ trên luật pháp quốc tế và văn minh nhân quyền. Với Trung Quốc, ngược lại, quan hệ thân thiện hoặc đối tác toàn diện chỉ đem lại thiệt hại. Ngay cả khi là đồng minh, Trung Quốc luôn lợi dụng các hiệp định hợp tác để tạo ra sự trói buộc và lệ thuộc tới mức Việt nam mất khả năng kiểm soát. Trong trường hợp không còn là đồng minh, hoặc có biểu hiện ngả sang phía đối thủ, Trung Quốc sẽ gây áp lực và đe dọa an ninh chế độ, nuôi lửa xung đột buộc Việt nam phải chạy đua quốc phòng, dẫn tới tình trạng chảy máu, kiệt sức.

Làm thế nào để chặn được tất cả các vòi bạch tuộc đang len lách ở khắp mọi nơi. Cách ly hoàn toàn thì có nguy cơ xung đột, gây đổ vỡ lập tức, không thể kịp ứng phó. Nhưng nếu không cách ly, để ngỏ cửa, thì nguy cơ có thể đến chậm, nhưng cũng không có cách nào ngăn chặn được.

Có thể phải lựa chọn cặp đôi với Mỹ, cho dù không tránh khỏi những điều không thể tránh khỏi, nhưng nguy cơ mất nước thì không.

Trung Quốc phát tờ rơi xuyên tạc về biển Đông tại Shangri-La

Trung Quốc phát tờ rơi xuyên tạc về biển Đông tại Shangri-La

Tuổi Trẻ

Quỳnh Trung (từ Shangri-La)

4-6-2016

Tờ rơi tiếng Hoa gồm những nội dung xuyên tạc về Biển Đông mà Trung Quốc chủ ý phát cho các đại biểu quốc tế tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: V.T.

TTO – Tờ rơi gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, cung cấp thông tin xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc.

Chiều 3-6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương với đoàn quốc phòng Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông cho các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Tờ rơi được phát có nội dung tuyên truyền những luận điệu sai trái của nước này về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Nội dung tờ rơi này cho rằng các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, và quần đảo Nam Sa (là Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc.

Về quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn viết: “Một số nước xung quanh biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên, và khai thác quần đảo Trường Sa”.

Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế:

“Theo luật pháp quốc tế, tranh chấp chủ quyền có những đặc tính mang tính loại trừ. Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa từ xa xưa đã được thiết lập, bất kỳ nước nào khác cũng không thể yêu cầu chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nếu không sẽ đi ngược lại nghĩa vụ của mình đối với việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác”.

Ngoài ra, theo nội dung tờ rơi, Trung Quốc cho rằng vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan.

Bắc Kinh còn cho rằng ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong tranh cãi này.

Hai chủ tịch xã nghi tham ô vẫn lên chức huyện ủy

 Hai chủ tịch xã nghi tham ô vẫn lên chức huyện ủy
Nguoi-viet.com
KIÊN GIANG (NV) – Từ phản ánh của truyền thông Việt Nam, ông bí thư huyện ủy Hòn Đất buộc phải lên tiếng “sẽ kỷ luật hai chủ tịch xã làm sai rồi cùng lên chức,” gây bất bình dư luận.

Người dân xã Bình Giang bất bình về việc hai đời chủ tịch tham ô vẫn lên đến huyện ủy viên. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ dẫn tin, ngày 2 Tháng Sáu, ông Trần Đức Mậu, bí thư Huyện Ủy Hòn Đất tỉnh Kiên Giang, cho biết ban thường vụ huyện ủy đã tiếp nhận và xử lý thông tin báo chí phản ánh chuyện hai ông Phạm Văn Lý và Cam Anh Dũng, đều nguyên là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Bình Giang, làm sai nhưng vẫn được đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 bầu vào ban chấp hành.

Cụ thể, từ năm 2010 đến cuối năm 2014, Ủy Ban Nhân Dân xã Bình Giang đã ký bán 91 lô nền trên tuyến dân cư T5 cho 61 cá nhân, thu về tổng số tiền 685 triệu đồng trên tổng số 1.555 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Văn Lý ký 11 hợp đồng bán 17 lô thu 250 triệu đồng. Ông Cam Anh Dũng ký 50 hợp đồng bán 74 lô thu 435 triệu đồng.

Số tiền 685 triệu đồng thu được, ủy ban xã Bình Giang tự in phiếu thu rồi giữ lại 260.5 triệu đồng để chi xài, không nộp cho nhà nước. Trong đó, ông Lý chi hết 19.351 triệu đồng và ông Dũng chi hết 241.149 triệu đồng “không rõ mục đích.”

Mặc dù sai phạm như vậy, nhưng kết luận thanh tra chỉ đề nghị “kiểm điểm rút kinh nghiệm” đối với hai ông này. Ông Lý hiện đã lên chức huyện ủy viên, làm chủ tịch Liên Đoàn Lao Động huyện; còn ông Dũng hiện giữ chức huyện ủy viên, phó trưởng Ban Tổ Chức huyện ủy Hòn Đất. (Tr.N)

Tôi cứ tưởng bây giờ tôi đã chết,

“Tôi cứ tưởng bây giờ tôi đã chết,

Trước dung-nhan Thượng-Đế, xét tội/công.

Xin tha-thứ bao tội lỗi chất-chồng

Những chối bỏ, khinh chê người tật/bệnh.

Kẻ già nua, thơ trẻ Ngài truyền lệnh

Người bơ-vơ hèn mọn chính là Ta.”

(Dẫn từ thơ Nguyên Đỗ)

Mai Tá lược dịch.

Bơ vơ hèn mọn. Tật bệnh, lũ trẻ thơ. Và, người nữ-phụ chất-chồng nhiều tội-lỗi, Chúa thứ tha. Chúa tha thứ, Ngài thẩm-định mọi việc không do quá-khứ, hệ-lụy mà do biết từ-bỏ những gì lôi kéo người người xuống bùn đen. Bùn đen hôm nay, mon men đến gần với Chúa, để được tha-thứ. Tin Mừng cho thấy diện-mạo hai nhân-vật: một Biệt-phái tên Simôn, một nữ-phụ gọi tắt là Maria. Biệt-phái theo ngôn-ngữ Do-thái-giáo, là “người tách riêng”. Vào thời của Chúa, người Biệt phái như thế rất đông. Đông đến 6 ngàn người. Và, họ ở rải-rác trên toàn cõi Palestine.

Hôm nay, Biệt Phái Simôn mời Đức Kitô đến nhà, phải chăng để huênh hoang khoe chòm xóm: mình quen lớn. Hay, chỉ muốn thách thức thái độ và lời dạy của Đức Kitô, thôi? Điều này, không rõ. Nhưng, chúng ta đều biết, Đức Giê-su không chọn người để đến thăm. Ngài nhận lời đến với người giàu – kẻ nghèo, dù Biệt Phái. Với giới kinh sư, thu thuế, và người phạm tội, rất đáng ghê. Vào nhà Biệt Phái Simôn, ta thấy dường như ông ta cố ý để ngỏ cửa, và tiếp đón hời hợt như muốn đặt Đức Kitô vào tình trạng lúng túng, khó xử. Cửa để ngỏ, khiến người nữ phụ tội lỗi dễ đi  thẳng vào bên trong, để gặp Chúa. Dù không đuợc mời, nhưng chị vẫn đến. Chị đến, để xem Đức Kitô đối xử ra sao với đám tội phạm. Lạm dụng tình.

Cử chỉ của người nữ phụ tội lỗi, những là: xõa tóc, đổ dầu thơm lên chân. Rồi còn, hôn chân Chúa và khóc lóc, làm đẫm ướt chân Ngài. Cảnh tượng này, có lẽ đã gây xúc phạm đối với những người công chính hiện diện, buổi hôm ấy. Trình thuật kể rõ chi tiết, để nêu lên hai thái cực của hai loại người tội lỗi. Hai thái cực này, có thể gây khó chịu cho nhân vật chính được mời, là Đức Kitô.

Lỗi của Biệt Phái Simôn, là: tuy mời Đấng Thiên Sai Đức Chúa, nhưng ông lại không làm thủ tục xã giao đúng với qui cách của nhà chủ, tức: ông ta đã không rửa chân, không ôm hơn hoà bình. Không đổ dầu lên tóc. Cả đến cử chỉ sám hối – ăn năn, cũng không. Cảnh trí trong truyện, còn dẫn đến tình huống gay hơn: khi Chúa quay về phía người nữ phụ từng phạm lỗi khi trước, Ngài nói: “Tội của chị nhiều thật đấy, nhưng đã được tha; bằng chứng là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7: 47)

Trình thuật Phúc âm, ngay từ đầu cho thấy: các xử sự của Đức Kitô rất nhẹ nhàng. Tự do. An bình. Ngài không tỏ dấu hiệu bất an. Lúng túng. Cũng chẳng ra lệnh cho người nữ phụ phải ngưng ngay các hành vi dễ gây ngộ nhận, ra như thế. Bởi, với người đời, chị luôn bị coi là người tội lỗi, mà lại dám có cử chỉ khiếm nhã, với Đấng Hiền Từ, Yêu Thương là Đức Kitô, sao? Thay vì nổi giận hoặc ngượng ngùng trước những động tác hơi xỗ sàng ấy, Đức Kitô đã không khiển trách chị; trái lại, Ngài tuyên bố: tội của chị đã được tha. Tuyên bố như thế, chẳng phải là: Chúa muốn chứng tỏ quyền uy của Ngài, là tha tội. Nhưng, qua hành động ấy, Ngài muốn nói với mọi người, rằng: lòng tin-yêu và hối cải của người phạm lỗi đã đem lại cho họ sự thứ tha. Tha thứ ấy, nay được thể hiện qua việc đổ tràn tình thương tiếp diễn, ngay sau đó.

Tình yêu và tội lỗi, hai điều không thể đi chung, cùng sống tương hợp với nhau. Càng không thể hiện diện trong cùng một nhân vị. Nhưng ở đây, người nữ phụ đã bày tỏ lòng chị đã tin-yêu Chúa thật sự. Nên, vì tình thương ấy, mọi lỗi phạm của chị đã trở thành những sơ xuất chị làm trong quá khứ. Hiện tại, khi được thứ tha, tâm hồn chị trở nên trong trắng. Rất nhiều. Xem thế thì, tình thương yêu xóa bỏ được mọi tì vết dù rất lớn, trong quá khứ. Quá khứ, không quan trọng. Hiện tại, mới cần quan tâm.

Thời nay, người đời thường chú trọng đến những gì người khác đã làm trong quá khứ. Vẫn cứ chụp lên đầu những người làm điều sai quấy bằng các nhãn hiệu/tên gọi rất khắt khe. Dù, họ đã biết đổi thay. Khắt khe quá, khiến đương sự dù có muốn, cũng không thoát khỏi các tai tiếng về các lỗi phạm, thời quá khứ. Và cứ thế, tiếng xấu cứ đeo bám họ suốt chuỗi ngày còn lại. Với Chúa, quá khứ tội lỗi không còn là vấn đề. Điều Ngài quan tâm, là: biết hối hỗi. Và, từ nay không làm thế.

Trong tâm tình này, tay trộm nghèo treo cạnh Chúa trên đồi cao hôm ấy, cũng đã ý thức. Hắn biết kêu gọi tình thương Chúa tha thứ. Nên, được Chúa hứa cho về với Ngài, nơi cõi phúc. Có lẽ, nhiều người sẽ cho đây là chuyện bất công, Chúa đã làm? Nhưng hãy nhớ rằng: ý niệm công bằng của Chúa, không là công bằng trần gian, ta vẫn hiểu. Thử hỏi: nếu Chúa không tha thứ; không đặt nặng đến hành vi ta làm trong hiện tại, thì e rằng người người sẽ không khỏi lúng túng về các lỗi phạm thời đã qua, của mình.

Đây còn là ý chính ở bài đọc 1. Nếu chỉ kể những việc mình làm trong quá khứ, thì Đavít sẽ là tay tội phạm tày trời. Hết cướp vợ người khác, lại giết người không gớm tay, không buông tha cả những đầu xanh vô tội. Nhưng, Đavít đã biết sám hối và đổi thay, nên ông được Yavê Chúa thứ tha. Nhờ sám hối – đổi thay, Đavít đã đi vào vòng tay ôm thương yêu của Chúa. Đúng như lời tiên tri Nathan nói: “Về phía Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài rồi.” (2Sm 12: 13).

Một lần nữa, Thiên Chúa cho thấy: Ngài muốn cải hóa người phạm lỗi, chứ không xử phạt. Xử phạt là hành vi hủy hoại. Chúa chẳng bao giờ hủy hoại ai. Một thứ gì. Ngài muốn mọi người trở nên một. Một thân mình. Một cộng đoàn yêu thương. Cộng đoàn biết sống hài hoà. Bình an. Trong nội tâm.

Tư tưởng này, thánh Phao lô cũng bộc bạch ở bài đọc 2. Tất cả mọi người hãy củng cố niềm tin vì đã có tình thương yêu tha thứ của Chúa, với mình. “Người được nên công chính không phải nhờ đã làm những gì luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Kitô.” (Gl 2: 16). Đó là khác biệt giữa lối hành xử của Simôn Biệt Phái và Maria, người nữ phụ đầy lỗi phạm.

Hôm nay, tất cả mọi người, công chính cũng như có tội, nhờ có niềm tin thương mến nơi Chúa, nên đã được cứu rỗi. Tin, không là động thái của tri thức. Tin, cũng không phải là mớ tín điều mọi người cần giữ. Nhưng, trước hết và trên hết, tin chính là hành động của những người biết yêu thương. Tin tưởng vào điều gì. Vào người nào.

Nếu agapè (lòng mến) là ngôn từ chỉ định tình Cha thương yêu, thì pistis (lòng tin), là đường lối để ta đáp lại tình yêu thương ấy. Ta không thấy Chúa, cũng không bao giờ biết được Ngài, nhưng vẫn tin vì đã dựa vào các trình thuật/truyện kể, nơi Phúc Âm. Ở nơi đó, Chúa đến với ta,qua xác hèn phàm trần bằng xương bằng thịt, của Đức Kitô. Nhờ đó, ta có bước dài củng cố lòng tin mà dâng hiến trọn mình để Ngài chăm sóc. Mến thương. Tựa như người nữ phụ tội lỗi đã làm, hôm nay. Và như thánh Phaolô khuyên nhủ, tin vào Đức Kitô đã cải hoán cuộc đời của chúng ta.

Như thánh Phaolô, luật lệ không còn mang ý nghĩa gì, đối với ta. Luật lệ, sẽ không là chuyện cần thiết ta phải có, khi cuộc sống của mọi người đã có tình thương yêu hướng dẫn. Ai yêu thật sự, chẳng bao giờ làm điều sai quấy. Ác độc. Dù họ có vi phạm những chấm phết của luật lệ. Và, khi đã yêu, thì luật lệ tự khắc sẽ được tuân thủ. Nói khác đi, nếu chỉ giữ luật mà không yêu thương, thì kết cuộc cũng sẽ đưa đến những hậu quả thảm khốc, không ngừa trước.

Chính vì thế, mà thánh Phaolô  -người Biệt Phái hăng say săn bắt người phạm luật Do Thái thuở trước-  đã biết từ bỏ luật lệ của nhóm mình để trở về hiến tặng trọn đời mình cho Đức Chúa. Và khi đã hiến trọn chính mình, thánh nhân dám nói lên câu để đời: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2: 20). Hôm nay, cuộc sống và lời rao giảng của thánh nhân đã trở thành gương sáng, cho ta theo.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch.

Tội phạm Vũng Áng…

Tội phạm Vũng Áng…

“Phải truy tìm cho ra ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Võ Kim Cự đã nhận của Formosa bao nhiêu tìền, trong số tiền đó có bao nhiêu xuất phát từ Trung Quốc cộng sản. Số tiền này tuồn sang Quỹ đầu tư của cô Nguyễn Thanh Phượng bằng con đường nào. Phải truy tố bằng được ông Dũng ra Toà. Trước một thảm hoạ cho quốc gia như vậy, trước một nguy cơ tiêu diệt nguồn sống của hàng triệu người, có hàng nghìn bà con đang đói và nguy cơ chết vì nhiễm độc, không thể để cho Dũng có quyền thoát tội”.

______

Bùi Quang Vơm

3-6-2016

Ngư dân Quảng Bình xuống đường biểu tình, đòi chính phủ công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt. Ảnh: Facebook.

Tội phạm Vũng Áng là ai?

Cho dù đến tận bây giờ, nguyên nhân cá chết xuất phát từ vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, vẫn chưa được nhà nước Việt Nam công bố, thậm chí có ý định không bao giờ công bố qua việc mượn lời chuyên gia Nhật Bản lấp lửng rằng, “có thể phải cần một năm”.

Nhưng trước áp lực của xã hội, ngày hôm qua, 02/06/2016, trong cuộc họp báo của Chính phủ, bộ trưởng Truyền Thông Trương Minh Tuấn nói “Về nguyên nhân cá chết chưa thể công bố, các nhà khoa học nỗ lực tìm ra nguyên nhân và đã sớm tìm ra nguyên nhân. Nhưng việc điều tra cá chết là nhiệm vụ của nhiều cơ quan nên còn nhiều ý kiến khác nhau vì thế cần phải rốt ráo xác định nguyên nhân.

Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực”.

Theo cách trả lời có phần ỡm ờ này, thì người ta “mười phần đã đoán ra được chín”. Chẳng có gì là khó hiểu. Vì kết luận khoa học xác định nguyên nhân cá chết đã có ngay từ ngày 20/04/2016, theo Giáo sư Tiến Sĩ Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang “Ở Vũng Áng sau khi xảy ra sự cố như thế thì (các) nhà khoa học đã ra rất nhiều phương án để tiến hành và những phương án đều thu được những kết quả.

Theo tôi nghĩ có cái gì đó mà người ta không muốn nói. Chứ tìm cả năm cũng vậy vì người ta đã biết nguyên nhân rồi. Như thế thôi, không được ai phát biểu hết: chỉ Tổng Cục Môi Trường và Bộ Tài nguyên – Môi trường mới được phát biểu, ai muốn phát biểu cũng không được. Người ta đã nói như vậy rồi thì thôi!”

Dư luận của cả xã hội, cả tập thể các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế không thể nói ra, nhưng thừa biết không ai khác ngoài nhà máy thép Formosa. Dẫu Chính phủ kết luận là ai, thì người ta vẫn tin rằng chỉ có nhà máy thép. Nếu thủ phạm Chính phủ nói không phải là Formosa thì dứt khoát có chuyện khuất tất được che đậy phía sau.

Chỉ có những kẻ ngớ ngẩn mới che đậy một sự thật hiển nhiên như vậy.

Bất chấp thủ đọan nhả tin từ từ của chính phủ Việt Nam, bất chấp phía sau chứa đựng âm mưu hay mục đích gì, bất chấp kết quả công bố thế nào, thủ phạm là ai, điều mà tất cả chúng ta, tất cả dân chúng, tất cả những người làm khoa học hay không làm khoa học, cả trong nước và cả trên thế giới đều nhất trí một điều là cần phải đóng cửa nhà máy thép Formosa. Vì nó còn nằm đấy thì còn xả thải và nguy cơ cá chết, dân chết và nguy cơ huỷ hoại môi trường sống của con cháu muôn đời vẫn còn nguyên đấy.

Nguyên nhân gây ra nạn cá chết không cần phải có các nhà khoa học nghiên cứu để kết luận. Truy ra nguyên nhân, để truy ra thủ phạm. Đó là việc của công lý, xử đúng người đúng tội. Nhưng vấn đề không chỉ đơn thuần nằm ở việc xử ai. Mục đích chính là bảo vệ môi trường và đời sống của con người.

Không cần biết có phải chính do nhà máy thép Vũng Áng xả thải không qua xử lý hay không, điều chúng ta đã không còn tranh cãi là sản xuất thép là một loại sản xuất gây ra độc hại, huỷ hoại môi trường. Và đặt nhà máý thép tại vị trí nhạy cảm này là hoàn toàn sai.

Vậy giải pháp cho nó rõ ràng là:

1- Bắt buộc nhà máy thép phải xử ký triệt để đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quy chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường.

2- Sửa lại luật về quy trình và chế độ giám sát xử lý trước xả thải ra biển.

3- Đóng cửa từng bước và tiến tới đóng cửa hoàn toàn nhà máy thép tại Vũng Áng.

4- Xác minh thông tin tàu đánh cá Trung quốc thả những thùng chứa hoá chất độc, được đục thủng trước cho thoát ra từ từ, tại vùng biển ngoài khơi Vũng Áng, tiến hành trục vớt và nạo rửa đáy biển nếu có.

5- Xử lý tẩy rửa vùng biển khu vực xả thải của nhà máy thép Formosa ngay. Thủ phạm là Trung Quốc phía sau người Đài Loan, không có gì phải che giấu.

Vậy tại sao có sự ra đời và tồn tại của nhà máy này?

– Theo tất cả các phân tích khoa học, cả về mặt kinh tế, thảm họa môi trường lẫn an ninh quốc phòng, việc tồn tại một nhà máy thép tại thời điểm chính “Bắc Kinh hiện đã ra lệnh cấm các dự án mới trong lĩnh vực sản xuất thép, ximăng, nhôm điện phân, kính và đóng tàu cho tới năm 2017”. Sản lượng thép từ lâu đã vượt qua nhu cầu thị trường.“Đường Sơn, được xem như là “kinh đô” của ngành luyện thép, nay chỉ còn là cái bóng của chính họ với những nhà kho bị bỏ trống và bàn ghế bỏ không”.

“Các chuyên gia môi trường nhận định, nếu tất cả các dự án thép được cấp phép và triển khai đúng cam kết thì đến năm 2020, ngành thép sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2 và lúc đó, riêng ngành thép sẽ “giáng” lên đầu mỗi người dân Việt Nam thêm 1,5 tấn khí CO2”.

Và chính Formosa “Năm 2009, Formosa “vinh dự” nhận giải “Hành tinh đen” – do Ethecon, tổ chức bảo vệ môi trường Đức dành cho những cá nhân/tổ chức “đóng góp” vào việc phá hủy môi trường”.

Vậy ai là người ký duyệt cho Formosa thực hiện đầu tư?

Trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà, ngày 01/05/2016, Tiến sĩ Tô Văn Trường cũng nêu ra câu hỏi vì sao lại phải kêu gọi đầu tư nhà máy thép. Ông nhắc lại chi tiết vào “ngày 15 tháng giêng năm 2008, Formosa mới có thư trình thủ tướng về dự án thép thì ngay ngày hôm sau 16 tháng giêng, vị quan chức đứng đầu của Hà Tĩnh lúc bấy giờ là ông Võ Kim Cự bí thư kiêm chủ tịch HĐND Hà Tĩnh có thư trình xin Thủ tướng ‘cho phép’, mặc dù Formosa không hề gửi thư đó cho ông Cự”.

Tại sao ngày 15/01/2008, Formosa có thư trình thủ tướng xin đầu tư dự án, thì ngày 16/01/2008 đích thân bí thư chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự làm tờ trình xin Thủ tướng cho phép Formosa đầu tư. Võ Kim Cự tiên tri trước ý định đầu tư của Formosa?

“Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại Văn bản số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 với nội dung: đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa (Đài Loan) lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Dự án cảng nước sâu Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh”.

Ngay trong ngày 4/03/2008, Hoàng Trung Hải ký công văn 323/Ttg đồng ý cho tập đoàn Formosa lập Dự án Nhà máy thép Vũng Áng.

Ba tháng sau, ngày 6/06/2088, Hoàng Trung Hải ký tiếp công văn 869/Ttg thực hiện Dự án đầu tư khu liên hợp Gang thép và cảng sâu Sơn Dương tại Vũng Áng. Trên cơ sở công văn này, ngày 21/5/2008, Công ty Formosa có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư; ngày 12/6/2008 Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 282023000001 cho Công ty với thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.

Chưa bao giờ một Dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ đôla, chiếm dụng 3,300ha đất, di dời hàng nghìn hộ dân, mà từ ngày trình tờ xin tới ngày lập luận chứng Dự án, trình duyệt Dự án tổng thể, lập và trình duyệt Dự án chi tiết, cấp giấy phép đầu tư, chỉ có thời gian 4 tháng, trong khi thông thường không thể dưới ba năm.

Tháng 1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định cấp cho Formosa 300 tỷ đồng từ ngân sách, xây nhà ở cho công nhân người Trung quốc.

Thủ tướng Dũng dự lễ động thổ nhà máy thép Vũng Áng, ngày 02/12/2012, 17/09/2015 khánh thành tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.

Như vậy, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự có mặt của công ty thép Formosa tại Vũng Áng.

Tại sao. Vì không đủ trình độ. Vì tiền. Hay vì một thế lực nào khác.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, chủ tịch Tập Hợp dân chủ đa nguyên nhận định “đã có sự câu kết bất chính giữa chế độ cộng sản và các thế lực tài phiệt nước ngoài, ở đây là công ty Formosa”.

Chế độ cộng sản mà ông Kiểng đề cập là bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cũng lưu ý một điều rằng, ban đầu, dự án được phê duyệt trên danh nghĩa là cho tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư, nhưng hiện nay, cổ phần của tập đoàn Formosa đã được nhượng lại tới 25% cho tổng công ty thép Trung Quốc, Chine Steel, và lao động của công ty thép Vũng Áng hiện tại gồm10.000/16.000 là người Trung Quốc lục địa.

Phải truy tìm cho ra ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Võ Kim Cự đã nhận của Formosa bao nhiêu tìền, trong số tiền đó có bao nhiêu xuất phát từ Trung Quốc cộng sản. Số tiền này tuồn sang Quỹ đầu tư của cô Nguyễn Thanh Phượng bằng con đường nào. Phải truy tố bằng được ông Dũng ra Toà. Trước một thảm hoạ cho quốc gia như vậy, trước một nguy cơ tiêu diệt nguồn sống của hàng triệu người, có hàng nghìn bà con đang đói và nguy cơ chết vì nhiễm độc, không thể để cho Dũng có quyền thoát tội. Hãy xem, trong khi dân đói, cá chết, ông Dũng đi thăm chùa Thiên Hưng tại Bình Định và nghe Đàm Vĩnh Hưng hát “Thành phố buồn” tại Sài Gòn. Phải là loại người như thế nào mới có thể nhẫn tâm như vậy.

Có liên hệ gì giữa Trung Nam Hải và cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng không? Chắc chắn an ninh chính trị của đảng đã có câu trả lời. Ông Võ Kim Cự đã buộc phải thôi chức bí thư Hà Tĩnh trước khi có đại hội đảng, tháng 10/2015. Ông Dũng bị buộc phải bàn giao cho ông Phúc trước tháng tư năm 2016.

Có gì liên hệ gì giữa vụ cá chết tại Vũng Áng với chuyến thăm của Tổng thống OBAMA không.

Cẩn tắc vô áy náy, tốt nhất là nên rà soát lại tất cả những dự án do ông Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, và tiến hành kiểm tra, loại bỏ các yếu tố Trung Quốc ra khỏi các dự án đó.

Lòng tin của dân

  Lòng tin của dân

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Hưng Quốc

01.06.2016

Để theo dõi tình hình chính trị tại Việt Nam, tôi thường đọc các bài phát biểu của những người lãnh đạo trong nước, trong đó, có ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng thú thực, đọc ông rất nản. Quan điểm của ông thường bảo thủ, giáo điều, khuôn sáo, thậm chí ngô nghê, hay nói theo chữ dân chúng miền Bắc thường gọi ông, là rất “lú”. Tuy nhiên, bài nói chuyện của ông tại cuộc hội nghị do Ban Dân vận Trung ương mới tổ chức vào ngày 27 tháng 5 vừa qua có thể được xem là một ngoại lệ, ở đó, ông nhìn vấn đề khá đúng.

Đúng khi ông nhớ lại bài học thân dân được Nguyễn Trãi đúc kết: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức dân quyết định. Vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn. Trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn sẽ bị thất bại.” Đúng khi ông, từ bài học ấy, nhìn lại tình hình Việt Nam hiện nay, ông thấy lòng tin của dân chúng đối với đảng của ông càng ngày càng sút giảm nghiêm trọng.

Thật ra, những sự thừa nhận như vậy đã từng xảy ra trong quá khứ. Giữa thập niên 1950, đảng Cộng sản cũng đã từng thừa nhận họ đã sai lầm trong vụ cải cách ruộng đất và quyết định sửa sai. Giữa thập niên 1980, đảng Cộng sản cũng thừa nhận sai lầm trong các chính sách kinh tế, từ đó, quyết định đổi mới. Và bây giờ Nguyễn Phú Trọng lại thừa nhận việc đã để dân chúng đánh mất niềm tin vào đảng.

Nguyễn Phú Trọng chỉ đúng một phần khi cho nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sút giảm lòng tin ấy là do “nhiều cán bộ thoái hoá”. Cụ thể hơn, ông cho biết:

“Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.”

Ông nói thêm: “Thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất.”

Chưa hết. Theo Nguyễn Phú Trọng, “Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một ‘ông vua con’ ở đấy. Thậm chí có cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng.”

Phân tích dài dòng, có lúc lặp đi lặp lại, nhưng ý chính của Nguyễn Phú Trọng về cái gọi là “thoái hoá” của các cán bộ đảng viên có thể tóm gọn vào bốn điểm chính: quan liêu, độc đoán, áp bức và tham nhũng.

Phân tích như vậy là khá đúng. Tuy nhiên, Nguyễn Phú Trọng chưa thành thật khi cho tình trạng quan liêu, độc đoán, áp bức và tham nhũng ấy chỉ xảy ra ở “một số” hay “một bộ phận” đảng viên và cán bộ. Ở Việt Nam, qua kinh nghiệm cá nhân, hầu như ai cũng biết tất cả những tình trạng ấy rất phổ biến. Ở đâu cũng có. Cấp nào cũng có. Làm nhỏ ăn nhỏ; làm lớn ăn lớn. Cứ hễ có chút chức quyền là tiền bạc trôi vào nhà hầu như ngay tức khắc. Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, từng thừa nhận tệ nạn tham nhũng không phải chỉ là vài con sâu mà là cả bầy sâu. Nhung nhúc. Và khi đã giàu có và đầy quyền lực như thế, người ta coi dân như rơm, như rác, hay nói theo hình ảnh của Nguyễn Phú Trọng, như những “ông vua con”.

Nhưng ngay cả khi thừa nhận tình trạng “thoái hoá” của cán bộ, đảng viên là phổ biến, người ta vẫn chưa tiếp cận được nguyên nhân đích thực của việc suy giảm lòng tin của dân chúng. Đó chỉ là một trong những nguyên nhân chứ không phải là tất cả. Còn một lý do khác nữa, có khi quan trọng hơn: Các chính sách của đảng. Chỉ lấy một ví dụ gần đây nhất: nạn cá chết trắng bờ ở các tỉnh miền Trung. Sau khi gây ồn ào dư luận vài ngày, nhà cầm quyền chủ trương giấu nhẹm sự thật. Báo chí, từ đó, không được đề cập đến nạn cá chết nữa. Ngay những người thợ lặn, thấy sức khoẻ có vấn đề, đi khám, bác sĩ và bệnh viện cũng giấu kín kết quả. Hai tháng trôi qua, nguyên nhân của nạn cá chết hàng loạt vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo địa phương vẫn kêu gọi dân chúng ăn cá và tắm biển. Làm sao người dân tin được khi nhà cầm quyền vẫn tiếp tục nói dối và che giấu sự thật như vậy?

Mà những hành động nói dối và giấu giếm sự thật như vậy không phải là hiếm. Có thể nói toàn bộ lịch sử của đảng Cộng sản tại Việt Nam là lịch sử dài dằng dặc của những sự nói dối và giấu giếm sự thật. Chuyện tham nhũng mà Nguyễn Phú Trọng thừa nhận là “rất nghiêm trọng”, cho đến nay, vẫn chưa hề được điều tra và xử lý. Chỉ hoạ hoằn, lâu, lâu lắm, báo chí mới làm rùm beng lên chuyện vài cán bộ phường xã hay cảnh sát giao thông nhận hối lộ. Còn toàn bộ bức tranh tham nhũng, nhất là ở cấp lãnh đạo từ địa phương đến trung ương thì vẫn bị giấu kín. Ông Lê Khả Phiêu và ông Nông Đức Mạnh lương bao nhiêu một tháng mà sau khi về hưu ở những ngôi nhà như cung điện của vua chúa như vậy? Trong giới cầm quyền tại Việt Nam hiện nay, không ai thắc mắc về những điều ấy cả.

Bên cạnh những việc nói dối và giấu giếm sự thật, điều làm cho dân chúng càng ngày càng mất niềm tin đối với đảng Cộng sản còn là vì, với họ, đảng Cộng sản càng ngày càng phản bội những lý tưởng họ đề ra lúc đầu. Đảng đấu tranh cho những người nghèo khó để tạo ra một xã hội bình đẳng ư? Trên thực tế, đảng chỉ lo giành giật quyền lợi cho bản thân họ. Dân nghèo càng ngày càng nghèo. Đảng tranh đấu cho tự do ư? Trên thực tế, đảng chỉ tước đoạt mọi quyền tự do của con người. Đảng tranh đấu cho độc lập dân tộc ư? Nhìn vào quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ gần ba thập niên trở lại đây, người ta chỉ thấy đảng sẵn sàng hy sinh chủ quyền quốc gia để bảo vệ tư thế “ông vua con” của mình.

Làm sao dân chúng có thể tin là đảng nhắm đến lý tưởng cao cả là giải phóng con người trong khi hằng ngày đảng vẫn vùi dập mọi quyền tự do, ngay cả những quyền tự do căn bản nhất của con người?

Làm sao dân chúng có thể tin là đảng yêu nước khi đảng cứ lải nhải nhắc đến những “4 tốt” và “16 chữ vàng” khi Trung Quốc càng ngày càng lấn lướt và những người yêu nước đều bị đảng trấn áp một cách hết sức tàn bạo?

SUNG SƯỚNG VÌ ĐƯỢC MẮC LỪA

 SUNG SƯỚNG VÌ ĐƯỢC MẮC LỪA

Nguyễn Đình Cống

2-6-2016

Tem có hình 3 lãnh tụ CS phát hành thập niên 1950: Georgy Malenkov, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông. Nguồn: internet

Tem có hình 3 lãnh tụ CS phát hành thập niên 1950: Georgy Malenkov, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông. Nguồn: internet

I- BỊ LỪA HAY ĐƯỢC MẮC LỪA

Thông thường mắc lừa là “bị” chứ không thể “được” và khi phát hiện ra bị mắc lừa thì đau khổ, tức giận, hối tiếc rồi rút bài học, rút kinh nghiệm để khôn ra chứ không thể sung sướng. Thế mà lại có chuyện sung sướng vì được mắc lừa mới oái oăm chứ. Tất nhiên người ta không reo mừng rằng tôi sướng quá vì được mắc lừa đây, chỉ thể hiện bằng cách khác mà người ngoài đoán ra được.

Tại sao bị lừa mà vẫn tỏ ra sung sướng, có thể do 1 trong 2 nguyên nhân sau: 1- Vì kém thông minh (nói đúng ra là vì ngu dốt) mà nhận thức nhầm, trong một thời gian cứ tưởng rồi sẽ được lợi gì đó, không biết đã bị lừa. 2-Biết bị lừa, nhưng vì đã thông đồng với kẻ lừa để hưởng một món lợi nào đó hoặc vì biết mình quá ngu mà bị lừa nhưng đã quá huyênh hoang nên tìm cách che giấu hoặc tìm cách lừa dối người khác để trốn tội.

Xét trong chiều dài lịch sử, bọn phong kiến Trung hoa đã nhiều lần lừa vua quan Việt, trong đó chỉ một số ít lần người của ta bị mắc, còn phần lớn nhờ cảnh giác cao mà tránh được. Chỉ có dưới thời thống trị của Đảng CS, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã bị lừa trong rất nhiều chuyện mà vẫn cứ sung sướng nhắc đi nhắc lại mỗi khi có dịp.

I- CSVN ĐÃ BỊ CSTQ LỪA RẤT NHIỀU, CHỈ XIN NÊU VÀI CHUYỆN

1- Từ năm 1941 đến 1946 Hồ Chí Minh rất muốn kết bạn với Mỹ. Chuyện này nhiều người đã biết, nay kể thêm: Ngày 2 /9/1945, tại quảng trường Ba Đình, sau khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thì trong diễn văn tiếp theo Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Mỹ là nước dân chủ, không có tham vọng về đất đai mà lại có công nhất trong việc đánh bại kẻ thù của ta  nên ta coi Mỹ như một người bạn tốt”. Nhưng rồi từ 1949 CS VN bị Mao Trạch Đông lừa, cho rằng đế quốc Mỹ là kẻ thù của giai cấp vô sản toàn thế giới, kẻ thù số 1 của phe XHCN. Việt Nam có vinh dự là tiền đồn phe XHCN, là người lính xung kích chống đế quốc. Trung cộng sẽ giúp Việt Nam đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng. Và rồi Lê Duẩn sung sướng công nhận VN đánh Mỹ là đánh cho cả Liên xô và Trung quốc. Bây giờ mới tỉnh ngộ ra là Mỹ chỉ muốn ngăn chặn làn sóng cộng sản từ Liên xô và Trung quốc chứ không hề có ý đồ xâm lược nước nào. Biết ra thì đã quá muộn nhưng vẫn không dám công nhận, vẫn tuyên bố là rất tự hào đã làm người lính xung kích chống đế quốc.

2- Năm 1958 Chu Ân Lai ra tuyên bố về quyền lãnh hải của Trung quốc bao trùm một phần lớn Biển Đông. Bản tuyên bố này bị nhiều nước phản đối. Chỉ có Phạm Văn Đồng và cả Hồ Chí Minh bị lừa để ra Công hàm 1958, gián tiếp công nhận nhiều đảo ở biển Đông là của Trung quốc. Năm 1974 Trung quốc đánh chiếm Hoàng Sa. ĐCSVN sung sướng vì Trung Quốc đã lấy được các đảo từ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, cho rằng để TQ giữ  các đảo đó tốt hơn so với việc chúng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.

3- Thời gian trước năm 1979 ĐCSVN bị Trung cộng lừa tôn thờ tư tưởng Mao Trạch Đông, sung sướng cho rằng được theo Mao để chống đế quốc và bọn xét lại là hạnh phúc lớn. Cũng chính vì mắc lừa ĐCS TQ mà đã gây nên thảm họa đàn áp không biết bao nhiêu người ưu tú (vụ án chống đảng do Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn tạo dựng). Sau năm 1990 bị lừa ở Hội nghị Thành Đô, ký kết 16 chữ vàng và 4 tốt, tôn sùng ĐCS Trung Quốc là lãnh đạo, là thành trì của CM vô sản thế giới, sung sướng cho rằng còn Trung quốc XHCN thì VN không còn lo gì hết, sung sướng và tự hào rằng ngọn cờ tiên phong của cách mạng vô sản thế giới đã chuyển vào tay của ĐCS Trung quốc và Việt Nam. Thực chất thì Trung cộng lừa cho Việt cộng kiên trì đường lối XHCN để dễ bề thôn tính.

II-PHÂN TÍCH VÀI ĐIỀU GẦN ĐÂY

1-Trong Hiệp định và tuyên bố chung có điều sau: “Hai bên cam kết không liên kết với nước khác để chống lại nước thứ ba”. Đó là điều lừa dối vô cùng xảo quyệt của Trung cộng mà mỗi lần có dịp là các lãnh đạo Việt Nam lại nêu ra với đầy vẻ tự hào.

Hãy phân tích thật kỹ xem câu “Hai bên cam kết không liên kết với nước khác để chống nước thứ ba” có những ý nghĩa gì. Nước khác là nước nào, nước thứ ba là nước nào. Có khả năng xẩy ra nước thứ ba chính là Việt nam, là Trung quốc hoặc một nước thân cận của hai nước trên hay không. Không có một qui ước nào loại trừ khả năng đó. Vậy nếu xấy ra như vậy thì sao. Mà sự tranh chấp ở Biển Đông vừa qua và sắp tới có khả năng xẩy ra như thế.

Giả thử xẩy ra tranh chấp giữa Trung và Việt đến mức dùng vũ lực. Với sức mạnh của mình thì Trung quốc cần gì liên kết với nước khác để chống nước thứ ba là Việt nam. Ngược lại, Việt nam, dù là để tự vệ, dù để chống lại sự xâm lược phi nghĩa của Trung quốc thì rất cần sự liên kết với nước khác cùng chí hướng, cùng mục tiêu (ngoài việc nhận sự cổ vũ chỉ bằng mồm của nhiều nước yêu hòa bình). Lúc này, nếu VN nhận sự viện trợ quân sự của một nước nào đó thì rõ ràng là đã vi phạm cam kết, Trung quốc có cớ để lên án như đã từng viết khẩu hiệu và tuyên truyền “Việt nam ăn cháo đái bát” và gây chiến tranh biên giới năm 1979 để dạy cho VN một bài học. Còn nếu VN sợ bị vi phạm vào cam kết mà không thể liên kết với nước khác thì rõ ràng là đã tự trói mình để chịu lâm vào thế nguy hiểm.

Điều quan trọng, có ý nghĩa là: “Hai nước cam kết không gây hấn, không lấn chiếm đất và biển của nước khác” thì không viết, lại viết “Cam kết không liên kết với nước khác…”. Bất kỳ một người nào có suy nghĩ đều dễ nhận ra ý đồ lừa bịp, chỉ có những lãnh đạo cộng sản VN là không thấy hoặc có thấy nhưng vì lý do nào đó mà cứ đưa ra để khoe khoang, để tự sướng. Xem lại lịch sử, sứ thần của các triều đại trước khi đi sứ Thiên triều không có ai bị mắc lừa như vậy.

2- Điều khác: “Hai bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp bằng thương lượng hòa bình mà không đe dọa dùng vũ lực”. Điều này là đúng nhưng chưa đủ. Nếu xẩy ra tranh chấp, một bên đòi thương lượng hòa bình nhưng bên kia không chịu, hoặc thương lượng không đi đến kết quả thì giải quyết như thế nào. Theo các hợp đồng dân sự, khi hai bên không tự thỏa thuận được với nhau thì phải đưa tranh chấp ra xét xử ở một tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Điều này phải được ghi rõ trong hợp đồng. Vậy quan hệ giữa 2 nước Việt- Trung thì sao. Phải chăng là không sao cả, trông chờ vào đại lượng của Thiên triều.

Trong Lời kêu gọi vào tháng 12 năm 1946 Hồ Chủ tịch viết: Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Còn hiện nay. Cứ mỗi lần Trung quốc lấn chiếm hoặc gây sự thì từ phía VN chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao ra tuyên bố phản đối và yêu cầu đừng tiếp tục, lại huyênh hoang là tôn trọng hòa bình và luật pháp quốc tế, còn Chính phủ và Quốc hội thì quyết giữ phương châm “Im lặng là vàng”. Thế rồi Trung quốc cứ lấn, Việt Nam cứ lùi, vừa lùi vừa tuyên bố. Phải chăng chúng ta muốn hòa bình nên năm 1988 để cho 64 chiến sĩ trên đảo Gạc ma khoanh tay chịu sự thảm sát của lính Trung cộng, để cho tàu ngư dân bị bọn lạ đâm chìm mà không dám chống cự, để cho hết hòn đảo này đến hòn đảo khác lọt vào tay Trung cộng. Cùng bị lấn chiếm biển đảo, Philippines bị ít hơn nhưng họ kiên quyết kiện ra Tòa án Quốc tế sau khi TQ không chịu thương lượng. Còn chúng ta, chỉ thấy tuyên bố của Bộ Ngoại giao. Phải chăng trong việc này lãnh đạo VN cũng sung sướng vì được mắc lừa.

3- Chuyện gần đây. Trước khi xẩy ra thảm họa Biển Miền Trung từ tháng 4/ 2016, nhiều lần qua báo chí và về Hà Tĩnh tôi được nghe ca ngợi hết lời về khu công nghiệp Vũng Áng và những mối lợi to lớn do Formosa hứa hẹn mang lại. Bây giờ mới vỡ lẽ đang mắc lừa, đang không phải ở mức “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà là dùng độc dược để giải khát. Bị mắc lừa rồi nhưng không dám nhận mà đang tìm cách quanh co để bao che, phải chăng để tiếp tục hưởng sự sung sướng và đi lừa lại người khác.

III-ĐẾN LƯỢT CSVN LỪA NHÂN DÂN

Việc lãnh đạo CS và dân VN bị Tàu chệt lừa thì viết vài quyển sách dày để dẫn chứng và phân tích e cũng chưa hết, trên đây chỉ mới nêu ra một phần rất nhỏ. Người ta bảo, sau khi biết bị lừa thì sẽ thu được bài học quý giá mà khôn ra, thế nhưng mãi mà chả thấy CSVN khôn ra được tí nào. Không những thế, sau khi bị lừa, một số lãnh đạo CS còn mang những điều đó lừa lại nhân dân. Hay biết đâu, CSVN không cho rằng họ bị lừa mà thực chất họ muốn như vậy, muốn làm tay sai đắc lực cho CSTQ, muốn đem đất nước này lệ thuộc vào CSTQ để tạo nên một thời kỳ bắc thuộc mới.

Thảm thương thay cho một số khá đông trong dân tộc VN mấy chục năm bị lừa mà vẫn sung sướng, vẫn tự hào vì nhận được sự lừa gạt đó, vẫn tưởng rằng đang được hưởng một nền dân chủ đến thế là cùng, đang được dẫn dắt đến thiên đường nơi hạ giới. Có một số ít người nhận thức được, nói ra điều bị lừa thì lại bị vu cáo, bị đàn áp. Biện pháp để tránh bị mắc lừa là nâng cao dân trí, chống lại sự u mê và nhồi sọ, mở mang sự tiếp xúc với xã hội văn minh. Điều đáng mừng là một số dân Việt đã nhận ra và đang đi theo hướng đó.

RỒI TÔI SẼ HẠNH PHÚC

 RỒI TÔI SẼ HẠNH PHÚC

(Trích dịch từ sách “Who ordered this truckload of dung?” của Ajahn Brahm)
 
Lúc tôi khoảng 14 tuổi, đang học trung học ở Luân Đôn. Cha mẹ và thầy giáo khuyên tôi đừng đi chơi đá banh buổi tối và cuối tuần mà nên ở nhà học bài để lo thi bằng trung học đệ nhất cấp. Họ nói là khi thi đậu thì tôi sẽ cảm thấy sung sướng, hạnh phúc. Tôi nghe lời, lo học và thi đậu, nhưng tôi chẳng thấy hạnh phúc gì cả, vì sau đó phải học tiếp hai năm để thi tú tài.

Cha mẹ và các thầy giáo khuyên tôi đừng đi chơi với bạn bè buổi tối hoặc chạy theo con gái cuối tuần mà nên ở nhà lo học bài. Họ nói bằng tú tài rất quan trọng, nếu thi đậu thì tôi sẽ sung sướng, hạnh phúc.

Một lần nữa, tôi lại vâng lời cha mẹ và các thầy giáo nên tôi thi đậu tú tài.
Nhưng lại một lần nữa, tôi chả thấy sung sướng gì hết, vì sau đó tôi phải tiếp tục vào đại học, học ít nhất ba năm để lấy bằng cử nhân. Má tôi và các giáo sư (lúc này ba tôi đã mất) khuyên tôi không nên lân la ở các quán cà phê hoặc phòng trà, mà nên ở nhà lo học.

Họ nói bằng cử nhân là một bằng cấp giá trị của đại học, nếu có được thì tôi sẽ hạnh phúc lắm.

Nhưng lần này tôi bắt đầu nghi ngờ. Bởi vì tôi có vài người bạn lớn tuổi hơn, đã học xong và có bằng cấp, nhưng hiện nay họ đang vất vả với những việc làm đầu tiên; có người phải làm thêm giờ để có tiền mua xe.

Những người bạn này nói với tôi: “Khi nào tôi có đủ tiền mua được một chiếc xe hơi thì tôi sẽ sung sướng”.
Đến khi họ có đủ tiền mua được chiếc xe hơi rồi, tôi thấy họ cũng chẳng sung sướng gì hơn. Bây giờ họ phải làm việc cực hơn để sửa soạn mua một cái gì đó, hoặc họ đang tìm kiếm một người bạn đời.
Họ nói: “Khi nào tôi lập gia đình đàng hoàng thì lúc đó tôi sẽ hạnh phúc”.
Sau khi lập gia đình, họ cũng chẳng hạnh phúc gì hơn. Tệ hơn nữa, họ phải làm thêm hai, ba công việc, lo để dành tiền mua nhà.
Họ nói: “Khi nào mua được một căn nhà thì tôi hạnh phúc lắm”.

Nhưng mua được nhà rồi, hàng tháng vẫn phải trả nợ ngân hàng, như thế thì đâu có hạnh phúc gì.

Ngoài ra họ bắt đầu sinh con đẻ cái. Nửa đêm con khóc phải dậy thay tã hay cho nó bú. Khi con bệnh hoạn thì bao nhiêu tiền để dành phải trút ra lo thuốc men cho nó.
Và rồi hai mươi năm trôi qua trước khi họ có thể làm những gì mong ước.
Họ nói: “Khi nào con cái tôi học xong, có nghề nghiệp và tự lập được thì chúng tôi sẽ hạnh phúc”. Đến khi tụi nó rời khỏi nhà ra riêng thì lúc đó đa số cha mẹ sắp đến tuổi về hưu. Do đó họ ráng làm tiếp vài năm để lãnh tiền hưu trí nhiều hơn.
Họ nói: “Khi nào tôi về hưu thì lúc đó mới thật là sung sướng, hạnh phúc”. Nhưng trước khi về hưu, và ngay cả sau khi về hưu, họ bắt đầu biết đạo và đi nhà thờ.

Bạn có để ý đa số những người đi nhà thờ là những người lớn tuổi không? Tôi hỏi tại sao bây giờ họ lại thích đi nhà thờ?

Họ trả lời: “Tại vì sau khi chết, tôi sẽ được hạnh phúc!”

Những ai nghĩ rằng “khi nào tôi có được cái này, cái nọ thì tôi sẽ hạnh phúc”, họ không biết rằng hạnh phúc đó chỉ là một giấc mơ trong tương lai. Giống như người đuổi theo cái bóng của mình, họ sẽ không bao giờ nếm được hạnh phúc trong cuộc đời…

THÔNG CẢM ĐỂ “CHẠNH LÒNG THƯƠNG”

THÔNG CẢM ĐỂ “CHẠNH LÒNG THƯƠNG”

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Con người ai sinh ra trên đời này cũng đều trải qua 4 cửa ải là sinh, lão, bệnh, tử.  Hay chết là một trong 4 khâu của định luật “thành, trụ, hoại, diệt.”  Có một câu danh ngôn rất hay: “Sự chết là con lạc đà đen quỳ đợi ngay trước cổng nhà của tất cả mọi người” (Abe- el -Kader).  Nói theo tam đoạn luận thì: ông này bà nọ là con người; mà đã là con người nên họ đều phải chết; vì thế, tôi cũng là con người, nên tôi cũng phải chết.

Thong cam

Như vậy, không ai tránh khỏi cái chết.  Mọi người đều phải kết thúc cuộc hành trình trên trần gian này bằng cái chết.  Đã có sinh thì ắt phải có tử.

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta thấy Chúa Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum và gặp thấy đám tang con trai bà góa thành Naim đang được đem đi chôn.  Hình ảnh đám tang của con trai bà góa này cho chúng ta thấy: người thanh niên này đã trải qua cuộc sống dương thế.  Anh ta đã chết.  Anh ta đã kết thúc tại cửa ải thứ 4 là “tử”; khâu cuối cùng là “diệt.”  Người thanh niên này đã bị cái chết chiến thắng.  Thần chết đã thống trị.

Thế nhưng, khi gặp được Chúa Giêsu, cái chết có phải là đã kết thúc mọi chuyện và là mồ chôn vĩnh viễn thân phận cát bụi của người thanh niên kia không?

Không! Tin Mừng cho chúng ta thấy cái chết không phải là ngõ cụt, nhưng nó là một giai đoạn cần phải trải qua để đi vào sự sống vĩnh hằng.  Cái chết như là một cửa khẩu để qua đó, ta sang được bến bờ bình an và hạnh phúc viên mãn.  Niềm tin ấy đã được Chúa Giêsu hé mở và củng cố qua cái chết của con trai bà góa thành Naim hôm nay.

Hình ảnh đám tang ở trong thành đi ra, còn Chúa Giêsu và các môn đệ thì đi vào.  Hai hình ảnh không thuận chiều nhau mà là trái chiều.  Nhưng hai nhóm người đó đã gặp nhau tại một điểm giao.  Điểm giao đó là “tình yêu”, “lòng thương xót” của Chúa Giêsu.

Quả thật, Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, mà Chúa Giêsu là hiện thân của lòng thương xót đó, nên Ngài luôn yêu thương và thông cảm cho nỗi khốn cùng của con người.  Vì thế, Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương” (esplanchnisthè), mà theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa chính xác là “xúc động đến ruột gan.”

Thật thế, Ngài đã có lòng thương cảm sâu đậm cho hoàn cảnh éo le của gia tang.  Hơn nữa, mẹ của người chết lại là một bà góa, chồng bà đã chết, mọi hy vọng đều đổ dồn vào người con trai duy nhất, nay con bà chết, bà biết trông vào ai?  Nỗi cô đơn trở nên tột cùng khi những kỳ thị của dân tộc sẽ đến với bà.  Sự bất hạnh lại càng lên đến đỉnh cao khi những truyền thống trong xã hội Do Thái thời bấy giờ coi thành phần các bà góa là những người không có tiếng nói, là hạng người thấp cổ bé họng.

Đứng trước tình cảnh như thế, và với con tim nhạy bén trước đau khổ của loài người, Chúa Giêsu đã động lòng trắc ẩn, an ủi bà đừng khóc nữa, rồi sau đó Ngài hành động ngay.  Ngài truyền cho những người khiêng cáng dừng lại, sau đó Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, ta bảo anh: Hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.  Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ.  Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa.

Hành vi Chúa Giêsu bảo những người khiêng cáng dừng lại và Ngài truyền lệnh cho người chết chỗi dậy thể hiện quyền năng của một vị Thiên Chúa uy quyền và làm chủ sự sống lẫn sự chết; đồng thời cũng cho chúng ta thấy bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1 Ga 4, 16).  Một Thiên Chúa luôn yêu thương, chữa lành; một Thiên Chúa đem lại cho con người niềm an ủi và hạnh phúc sau những đắng cay tủi nhục; một Thiên Chúa gieo vào trong tâm hồn con người niềm hy vọng khi mọi chuyện tưởng chừng như đã chấm dứt bằng cái chết.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là những cách giải thoát mang tính hiện sinh mà thôi, bởi lẽ người thanh niên hôm nay được Chúa cho sống lại, nhưng rồi một ngày nào đó anh ta cũng sẽ phải chết.  Nhưng điều mà Chúa Giêsu muốn đi xa hơn qua việc cho người thanh niên này sống lại, đó chính là đem lại cho con người sự sống viêm mãn, một sự sống dồi dào đằng sau cái chết.  Vì thế, Ngài đã muốn giải thoát con người khỏi cái chết đời đời, để thay vào đó là sự sống trường tồn mai hậu.  Đây là trọng tâm của sứ điệp mà hôm nay Chúa muốn nhắn gửi nơi mỗi người chúng ta.

Qua phép lạ cho con trai bà góa thành Naim chết được sống lại, Chúa Giêsu đã tiên báo một cuộc phục sinh vĩ đại cho toàn thể nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của chính Ngài.  Đây chính là niềm hy vọng siêu việt, viên mãn của mọi người Kitô hữu chúng ta.

Quả thật, trình thuật về việc con trai Bà goá thành Naim được sống lại, Chúa Giêsu không chỉ cho chúng ta thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho những người bé mọn, cũng không chỉ dừng lại ở việc Chúa cảm thông với nỗi cô đơn, mất mát to lớn của bà goá nọ.  Nhưng điều quan trọng hơn những cảm xúc đó chính là dấu chỉ tiên báo trước việc Chúa sẽ sống lại và những ai tin vào Ngài thì cũng sẽ được sống lại và được đưa vào nơi tràn đầy hạnh phúc và bình an.

Như vậy, hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta về hai bản tính của Ngài qua việc cho con trai bà goá sống lại.

Về nhân tính: Chúa Giêsu cũng cảm thông, xúc động và “chạnh lòng thương” đến người cùng khổ.  Với hoàn cảnh cụ thể của bà góa, Ngài có sự cảm thông sâu xa khi thấy gia cảnh của bà lúc này: mất chồng, mất luôn cả người con duy nhất của mình trong lúc tuổi già để nâng đỡ những lúc đau bệnh, và bênh vực khi bị người đời chèn ép hay an ủi trong lúc cô đơn…

Về mặt Thiên tính: Ngài có đầy đủ quyền năng, nên Ngài đã cho người chết trỗi dậy.  Sự chết không còn quyền chi đối với Ngài.  Ngài làm chủ sự sống và sự chết khi truyền cho người chết trỗi dậy.

Qua mạc khải trên, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học:

Trước tiên, cần phải có sự thương cảm với những người kém may mắn.  Không ai sống trên đời này như một hòn đảo.  Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: “Hãy vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc.” (Rm 12, 15).  Việt Nam ta có câu: “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.”  Không thể đứng đó và nhìn xem nỗi bất hạnh của người khác rồi hả hê cười đùa vui vẻ; cũng không phải huênh hoang tự kiêu khi thành công để rồi khinh bỉ người cùng khốn.

Thứ đến, sống theo tinh thần của Chúa là chúng ta hãy biết ra khỏi chính mình để đi đến với những ai cần đến bàn tay, khối óc, con tim của chúng ta.  Chúng ta phải biết ra khỏi chính mình, ra khỏi ốc đảo của tự kiêu để như Chúa Giêsu, đi đến đâu thì thi ân giáng phúc tới đó (x. Cv 10, 38).  Ngài luôn an ủi kẻ cô đơn, chữa lành người bệnh tật và đem lại niềm vui, hy vọng cho những người thất vọng.

Ước gì, tâm tình của Thánh Phanxicô Assisi được diễn tả qua Kinh Hoà Bình lại được vọng lại nơi tâm hồn của mỗi chúng ta khi nghe bài Tin Mừng hôm nay: “Chính lúc hiến thân là lúc được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết rung động trước những nỗi đau của con người, biết nhạy bén trước những nhu cầu của anh chị em đồng loại, để đem lại cho họ niềm vui, bình an và hạnh phúc.  Xin cho chúng con biết ra khỏi chính mình, để không bị rơi vào tình trạng co cụm lại nơi bản thân.  Bởi vì nếu co cụm lại với chính mình mà thôi, thì đấy là lúc chúng con đang đánh mất chính mình. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

Về khám phá mới ở VN: Asen không gây độc

Về khám phá mới ở VN: Asen không gây độc

FB Nguyễn Trung

31-5-2016

Thấy một số giáo sư và tiến sĩ giấy của Việt Nam nói về asen nghe thật nực cười, hôm nay anh nói cho mà biết nhé!

Asen là gì?

Xin thưa, đã từ lâu mọi người đều hiểu thạch tín, với tên gọi khoa học thường dùng là asen hoặc arsenic rất độc hại. Nó độc gấp 4 lần thủy ngân. Khi uống phải một lượng asen bằng nửa hạt đỗ xanh có thể chết ngay. Nhưng trước đây chỉ biết nó qua tên vị thuốc bắc trong các quầy thuốc đông y. Thế rồi mãi đến mười năm gần đây, khi hàng loạt người trên thế giới và ngay cả ở Việt nam bị mắc những căn bệnh nguy hiểm dẫn đến ung thư thì mới xét nghiệm nước và chỉ định ra: asen chính là một thủ phạm.

Asen tồn tại ở đâu?

Xin thưa, không chỉ có trong nước mà còn có trong không khí, đất, thực phẩm. Khi ở trạng thái rắn asen là chất bột màu trắng. Khi ngấm vào nước, ngay cả khi nồng độ asen trong nước cao có thể gây chết người nhưng nó tan trong nước, không màu, không mùi, không vị nên phát hiện nó bằng trực giác rất khó. Do vậy nước giếng trong veo cũng cần phải cẩn thận. Tốt nhất vẫn nên đem đi kiểm tra xem có bị nhiễm asen không.

Asen xâm nhập vào con người qua con đường nước uống, không khí trong vùng ô nhiễm, nhiễm da do tiếp xúc nhiều liên tục với nguồn nước, không khí ô nhiễm. Vào trong cơ thể con người asen thường tích tụ trong não, các mô da, móng tay, tóc, răng, xương và trong các bộ phận giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non gây nhiễm độc cấp tính cao. Nhưng sự xâm nhập asen qua đường nước ăn uống mới là nguy hiểm nhất. Dù ở mức độ nào đi nữa vì nó diễn ra hàng ngày, theo con đường tiêu hóa mà nước trong cơ thể chiếm tỉ lệ cao. Khi tích tụ trong cơ thể như vậy thì nó tác động gây ra bệnh

Asen gây ra những bệnh gì?

Xin thưa, asen có thể gây ra tới 19 loại bệnh khác nhau. Nếu bị nhiễm độc asen với liều lượng dù nhỏ nhưng tích tụ trong thời gian dài, sau 5 – 10 năm, sẽ gây: mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm. Hai loại bệnh phổ biến nhất do asen gây ra là ung thư da và phổi. Nhiều nơi có hội chứng xạm da, sừng hóa bẩm sinh gan bàn chân. Thay đổi sắc tố da, phát sinh các điểm tối điểm sáng trong lòng bàn tay, chân, gây sừng cứng và hoại tử.

Tích tụ asen lâu ngày gây nên da mặt xám, rụng tóc, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, bệnh rối loạn nhịp tim, đau mắt, đau tai, bệnh viêm dạ dày và ruột làm kiệt sức, gây mụn lóet, bệnh ung thư, bệnh gây cảm giác về sự di động bị rối loạn, bệnh tiểu đường. Người uống nước ô nhiễm arsen lâu ngày sẽ có triệu chứng các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, niêm mạc lưỡi hoặc sừng hóa da, gây sạm và mất sắc tố.
Nguồn nước bị nhiễm asen dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe các bà mẹ, làm động thai ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra những bệnh phổi ác tính, những tác động xấu lên sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ con mới lớn. Nik Van Larenbeke, một giáo sư người Bỉ, đã cảnh báo trên tờ Het Laatste Nieuws: Do ô nhiễm nên ngày càng có ít bé trai được sinh ra trên thế giới.

Nếu nồng độ asen cao trong nguồn nước thì khi uống vào có thể gây ngộ độc cấp tính, gây ung thư, thậm chí có thể chết ngay. Các nhà khoa học còn gọi asen là “sát thủ vô hình”, “thảm họa môi trường”

Chữa nhiễm độc asen như thế nào?

Xin thưa, trong trường hợp đã bị nhiễm độc asen, muốn giảm bớt các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần được đảm bảo chế độ ăn uống thật tốt, giảm protein, bổ sung các vitamin để giúp cơ thể thải asen nhanh hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dùng thuốc giúp gan thải asen ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, phải đến ngay bệnh viện để có những lời khuyên, chỉ dẫn của bác sĩ.

Những trường hợp nhiễm asen cấp tính, các phác đồ điều trị là giảm thiểu và giải độc trực tiếp asen ra khỏi cơ thể Khi đã nhiễm asen lâu ngày dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm rồi thì vấn đề đã đi sang một hướng khác: khó khăn hơn, tốn kém hơn, sức khỏe suy giảm nhanh hơn và tốn tiền nhiều hơn. Theo như các nhà khoa học cho biết hiện nay trên thế giới khó khăn nhất là khâu chẩn đoán lâm sàng và chưa có cách hiệu nghiệm chữa chạy nhiễm độc asen.

_____

Dân Việt

Asen phát hiện trong hải sản ở Quảng Trị không gây độc

Ngọc Vũ

27-5-2016

Chiều 27.5, ông Phan Hữu Thặng – Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị cho biết, đúng là có phát hiện asen trong hải sản nhưng không gây độc.

H1Ông Phan Hữu Thặng cho biết, asen hữu cơ chiếm chủ yếu trong hải sản, còn asen vô cơ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên không gây độc. Ảnh: Dân Việt

Trước đó Dân Việt đã đưa tin vào sáng 26.5, tại Hội nghị báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch ngành NNPTNT 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, để chủ động các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường, Sở đã chỉ đạo Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản tiến hành lấy 10 mẫu hải sản từ ngày 5 đến 11.5 (trong đó 7 mẫu đánh bắt gần bờ, 3 mẫu xa bờ) để kiểm tra một số chỉ tiêu ô nhiễm kim loại nặng gồm thủy ngân, chì, asen, cadimi.

Trong đó 3 mẫu có hàm lượng asen vượt mức giới hạn cho phép theo quyết định số 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh và hóa học trong thực phẩm”.

Tuy nhiên, chiều 27.5, ông Phạn Hữu Thặng – Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị cho rằng đó là do lỗi kĩ thuật. Sở NNPTNT Quảng Trị đã dựa vào báo cáo cũ của Chi cục rồi cóp vào báo cáo tại hội nghị diễn ra ngày 26.5, chưa kịp cập nhật thông tin mới nên xảy ra sai sót.

Ông Thặng cho biết, trước đó ngày 19.5, Chi cục đã có báo cáo gửi Sở NNPTNT Quảng Trị về việc từ ngày 13 đến 19.5 đã tiến hành lấy 9 mẫu hải sản (7 cá, 2 mực) gửi Trung tâm chất lượng nông sản vùng 2 kiểm tra 3 chỉ tiêu: thủy ngân, chì, cadimi. Riêng đối với chỉ tiêu asen, cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chỉ đạo không kiểm tra vì: Hàm lượng asen quy định tại quyết định số 46/2007/QĐ-BYT là asen vô cơ (không vượt quá 2mg/kg), nhưng Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 chỉ kiểm tra được asen tổng (bao gồm cả asen vô cơ và hữu cơ), không tách được asen vô cơ.

Hàm lượng asen tồn tại trong mẫu hải sản dưới dạng cả hợp chất hữu cơ và vô cơ, nhưng chỉ có asen vô cơ mới gây độc. Các tài liệu quốc tế khẳng định trong môi trường biển asen thường được tìm thấy dưới dạng hữu cơ ở các loại hải sản, rong biển… Ông Thặng khẳng định: “Kết quả kiểm tra asen của Trung tâm chất lượng vùng 2 là asen tổng nên không thể đối chiếu với quy định tại quyết định 46 của Bộ Y tế. Vì vậy, khẳng định asen được phát hiện trong mẫu hải sản ở Quảng Trị từ ngày 5 đến 11.5 không gây độc”.

H1Báo cáo của Chi cục quản lý nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị cho biết asen vô cơ mới gây độc.

Ông Thặng cho biết thêm, từ ngày 5 đến 27.5 đã lấy 27 mẫu hải sản (19 mẫu gần bờ, 8 mẫu xa bờ) để kiểm tra 3 kim loại nặng chì, thủy ngân, cadimi (asen đã có chỉ đạo không kiểm tra). Đến nay đã có kết quả 21 mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép.

Một diễn biến liên quan, những ngày gần đây bữa ăn của người dân Quảng Trị đã xuất hiện hải sản như cá, ghẹ, tôm, mực… Điều đó cho thấy, tâm lý người dân đã ổn định trở lại trong việc tiêu thụ hải sản.

Những năm tháng còn lại của cuộc đời

Xin mời các anh ,chị dành khoảng 15 phút, trong bầu không khí thật tĩnh lặng, cùng thưởng thức  video  dưới đây: cảnh mùa Thu tuyệt đẹp, nhạc đệm quá hay và bài viết thật thâm thuý; làm ta phải suy ngẫm để tạo cho mình một cuộc sống có ý nghĩa ở tuổi tàn Thu.

Keo kiệt , ganh ti ,tức giận …là những bệnh nặng làm giảm thọ người lão thành.