XIN VÂNG

XIN VÂNG

http://www.vietcatholicsydney.net/images/picture/17_899_Me-Vo-Nhiem-Nguyen-Toi.jpg

Một linh mục nổi tiếng thánh thiện và nhiệt thành, có kể lại kinh nghiệm khi được mời dự tiệc tại một nhà giáo dân khá giả trong giáo xứ như sau:

Trong suốt bữa tiệc thịnh soạn hôm đó, giữa tiếng cười nói của thực khách, có một điều làm tôi thắc mắc, đó là tiếng nước chảy đâu đó trong nhà. Vì là lần đầu tiên được mời, tôi không dám lên tiếng, chỉ mong sao có người nhà nhận ra tiếng nước chảy đó.

Sau cùng, không thể cầm lòng được, tôi hỏi một người giúp việc. Với nụ cười lịch sự, người này giải thích:

Cách đây khoảng 40 năm, khi người ta đào móng xây nhà và dựng nông trại, tình cờ họ đã khám phá ra mạch nước ngầm. Thế là họ xây một căn phòng ngay bên mạch nước, kế đó họ xây những căn phòng khác ở chung quanh.

Mạch nước ngay trong nhà mình, tư tưởng đó xâm chiếm tâm trí tôi suốt quãng đường về, và tôi đoán ra đâu là bí quyết hạnh phúc của gia đình giáo dân ngoan đạo và tốt lành đó.

***

Câu chuyện trên đây gợi lại trong tâm trí chúng ta lời sứ thần chào Đức Trinh Nữ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc 1,28). Vâng, Mẹ chính là mạch suối tràn đầy thánh ân, mạch suối trong lành tươi mát, mạch suối không bao giờ cạn của Thiên Chúa.

Để chuẩn bị cho Ngôi Hai xuống thế làm người, Thiên Chúa đã dọn sẵn cung lòng Đức Maria trinh khiết vẹn tuyền, xứng đáng cho Con Thiên Chúa ngự đến. Thiên Chúa đã ưu đãi và ban ơn đặc biệt cho Mẹ qua lời sứ thần: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa” (Lc 1,30). Và để bảo đảm cho sự can thiệp đặc biệt này, sứ thần loan báo thêm: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Trinh Nữ, và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ” (Lc 1,35). Như vậy việc sinh con này hoàn toàn do Thiên Chúa, xác thịt không tham dự vào.

Cuối cùng, thiên thần đã kết thúc sứ điệp Truyền Tin bằng một lời bảo đảm tuyệt diệu: “Vì không việc gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1,38).

Và Đức Maria, với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác liền thưa: “Xin vâng” (Lc 1,38). Một câu tuy ngắn gọn nhưng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới. Một câu đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi. Một câu đã đem lại cho muôn loài niềm hy vọng và bình an.

Với “Uy quyền Đấng Tối Cao”, một thế giới tuyệt vọng trong vòng kiềm toả của tội lỗi, đã hy vọng được ơn giải thoát. Với “Uy quyền Đấng Tối Cao”, một cung lòng trinh nữ không sinh con, đã được dâng hiến để hạ sinh Đấng Cứu Thế. Với “Uy quyền Đấng Tối Cao”, một nhân loại đang sống dưới ách nô lệ của Satan, đã được tự do làm con cái Chúa.

Lời thưa “xin vâng” của Mẹ không chỉ thốt lên một lần để thay cho tất cả, nhưng là tiếng “Xin vâng” liên lỉ trọn cả kiếp người. Từ tiếng “Xin vâng” đầy phó thác và tuân phục vào ngày Truyền Tin đến lời “Xin vâng” trọn vẹn tin yêu và chấp nhận dưới chân thập giá.

***

Lạy Mẹ Maria, việc Mẹ thụ thai cách lạ lùng là dấu hiệu báo trước sứ mạng cao cả của Hài Nhi. Xin cho chúng con biết vâng phục và phó thác cho chương trình nhiệm màu của Chúa. Nhất là, xin Mẹ cho chúng con biết cộng tác với Ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng con. Amen!

Thiên Phúc

Hai người đi cấp cứu vì bị công an tra tấn

Hai người đi cấp cứu vì bị công an tra tấn
Thursday, April 24, 2014

Nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV) .- Hai người đàn ông, một ở Gia Lai, một ở An Giang, đã được thân nhân đưa vào bệnh viện cấp cứu sau khi bị công an tra tấn với các thương tích trầm trọng.

Ông Lê Thanh Hồng chỉ vết thương thủng màng nhĩ tai trái vì bị Công an tra tấn. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo tin báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Minh, cư dân thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, đã được chuyển từ bệnh viện huyện lên Bệnh viện Quân y 211 (Thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai) để tiếp tục điều trị “trong tình trạng sức khỏe yếu”.

Nguồn tin trên viết rằng “Kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Quân y cho thấy anh Minh bị chấn thương ngực kín, đa chấn thương phần mềm do bị đánh” không biết có thể thoát chết hay không. Hiện chưa thấy có tin tức tiếp theo.

Theo tờ Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Minh thuật lại là sáng 21-4-2014, khi ông đang ở nhà thì Công an huyện Ngọc Hồi mời ông đi “làm việc về vụ ẩu đả giữa hai nhà xe”. Ông khai rằng sự việc hôm xảy ra ẩu đả ông “có đến hiện trường nhưng khi đó tất cả đã xong xuôi, không tham gia đánh nhau với ai nên anh khai trong tờ khai mình không liên quan”.

Tuy nhiên, tờ Tuổi Trẻ nói, điều tra viên liên tiếp ép ông phải “khai thật”. Hơn một tiếng sau, có một điều tra viên khác đến và cầm trên tay roi điện dọa nạt, yêu cầu ông phải khai nhận đã tham gia ẩu đả.

“Tôi nói là tôi có đến nhưng không có đánh nhau với ai, nhưng hai điều tra viên liên tiếp ép cung, rồi một người cầm roi điện gí thẳng vào cánh tay khiến tôi ngất xỉu. Sau đó, người này còn nhảy qua thúc mạnh vào hông, dùng chân tay đấm đá khiến tôi choáng váng” , ông Minh kể trên tờ Tuổi Trẻ.

Bà Lê Thị Kim Phượng – vợ của ông Minh – cho biết đến khoảng 13giờ cùng ngày, bà “nhận được điện thoại của cán bộ điều tra Công an Ngọc Hồi yêu cầu lên đưa anh Minh về. Khi lên đến nơi thì thấy anh Minh rã rời, thân thể bầm giập, vừa rời trụ sở công an thì anh Minh ngất lịm, phải cấp tốc đưa đến Bệnh viện huyện Ngọc Hồi cấp cứu. Đến tối thì bệnh viện yêu cầu phải chuyển lên tuyến trên.

Trong một bản tin khác, báo Tuổi Trẻ cho biết, một người dân tên Lê Thanh Hồng, 35 tuổi đã phải nằm bệnh viện suốt một tuần lễ qua điều trị thương tích sau khi bị đưa tới trụ sở Công an xã Bình Hòa huyện Châu Thành (An Giang) để thẩm vấn.

Vào đêm 17/4/2014, ông Hồng và cha của ông là Lê Văn Bay “xảy ra xô xát” với người hàng xóm tên Chải làm ông này “rách mày trái”. Vì vậy, công an xã đã “mời” cha con ông Lê Thanh Hồng về trụ sở “làm việc”.

“Đến khoảng 24 giờ cùng ngày, công an báo cho người thân anh Hồng đến chở đi bệnh viện. Sau khi sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa Châu Thành, anh Hồng được chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang nằm viện điều trị đến nay.” báo Tuổi Trẻ kể. “Anh Lê Thanh Hồng khai bị công an đánh đa chấn thương, sưng bầm hốc mắt trái. Kết quả nội soi tai trái bị thủng nhĩ trung tâm”.

Chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 7 người dân bị công an tra tấn đến chết, trong đó, ba người bị họ đổ cho là “tự tử” dù trên thân thể đầy dấu vết tra tấn nhục hình. Điều đáng nói là nhà cầm quyền CSVN ký vào bản Công Ước Quốc Tế về Chống Tra Tấn từ tháng 11 năm ngoái. (TN)

 

Con buôn Trung Quốc lừa dân, nhà thầu gạt nhà nước

Con buôn Trung Quốc lừa dân, nhà thầu gạt nhà nước
Thursday, April 24, 2014

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) .- Dư luận chỉ trích gia tăng khi nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đòi nâng vốn đầu tư của dự án lên gần gấp đôi (từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD).

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông “chưa đâu vào đâu” và nhà thầu Trung Quốc thản nhiên để đó rồi đòi tăng vốn. (Hình: Bộ Giao Thông – Vận Tải CSVN)

Đáng ngạc nhiên là Bộ Giao thông – Vận tải CSVN tỏ ra rất dễ dãi khi tán thành yêu cầu đó. Lý do phía nhà thầu Trung Quốc đòi tăng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vì có nhiều “khoản phát sinh” trong chi phí xây dựng (tăng thêm 221 triệu USD), chi phí giải phóng mặt bằng (tăng thêm 25 triệu USD), chi phí thiết bị (tăng thêm 20 triệu USD)…

Trong khi một viên Phó Thủ tướng của Việt Nam tên là Hoàng Trung Hải, chỉ yêu Bộ Giao thông – Vân tải Việt Nam thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm vụ chi thêm 339 triệu USD cho nhà thầu Trung Quốc, đồng thời yêu cầu các cơ qan có liên quan khác như Bộ Kế hoạch – Đầu tư làm việc với Trung Quốc để “bổ sung nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho phần vốn tăng thêm của dự án” thì nhiều chuyên gia khẳng định, đáp ứng yêu cầu này của nhà thầu Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”.

Ông Nguyễn Đình Thám, một tiến sĩ làm việc tại Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng của Đại học Xây dựng Hà Nội cả quyết là “Không có cơ sở để tính “giá đội thầu” lên tới gần 100% tổng mức đầu tư ban đầu của dự án”.

Ông Thám dẫn Luật Xây dựng (quy định nhà thầu chỉ được điều chỉnh vốn đầu tư dự án với mức tăng tối đa 10% tổng mức đầu tư) để chứng minh cho nhận định của ông. Theo ông Thám, nếu việc điều chỉnh vốn đầu tư dự án tăng quá 10% tổng mức đầu tư, phải thẩm định lại dự án và việc tăng thêm vốn chỉ được chấp nhận khi điều đó có lợi cho nhà đầu tư (trong dự án này là phía Việt Nam).

Lúc đầu, tổng vốn đầu tư cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 552 triệu USD và Việt Nam vay của Trung Quốc 419/552  triệu USD. Nếu chấp nhận tăng thêm 339 triệu USD theo đòi hỏi của nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải vay thêm Trung Quốc khoản này. Theo thông lệ, nợ càng nhiều thì sức ép càng lớn và càng dễ phải nhượng bộ.

Nhận xét về lý do khiến nhà thầu Trung Quốc yêu cầu tăng vốn  trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Nguyễn Đình Thám cho rằng, việc xin điều chỉnh tổng vốn đầu tư với lý do chi phí thiết bị xây dựng tăng là “không thể chấp nhận” bởi chi phí đó đã được tính khi bỏ thầu, thành ra không thể điều chỉnh.

Theo dự kiến, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 13 cây số nằm trên cao và 1,7 cây số dẫn vào khu depot. Trên tuyến này có 12 ga trên cao và có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn bốn toa, mỗi toa chở khoảng 300 người, tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến, tương đương lưu lượng 1 triệu người/ngày. Dự án này khởi công vào tháng 11 năm 2008 và lẽ ra phải hoàn tất hồi tháng 11 năm 2013 nhưng đến nay vẫn “chưa đâu vào đâu’ và nhà thầu Trung Quốc đòi tăng vốn đầu tư để có thể “khai thác vào… tháng 6 năm 2015”!

Ngoài ông Nguyễn Đình Thám, còn có một giảng viên đại học khác là ông Trần Hải Minh, làm việc tại Khoa Vận tải kinh tế của Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, tham gia cảnh báo về thực trạng bỏ thầu giá thấp để trúng thầu, sau đó đòi nâng chi phí đầu tư.

Một chuyên gia giao thông tên là Nguyễn Xuân Thủy, công khai bày tỏ thắc mắc vì chi phí thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông quá đắt. Ông Thủy bảo rằng, trên thế giới, chi phí đầu tư trung bình cho đường sắt chạy ở trên cao trong đô thị chỉ khoảng 20 triệu đến 30 triệu USD/km. Nếu tổng vốn đầu tư được nâng lên theo yêu cầu của nhà thầu Trung Quốc thì mỗi cây số đường sắt trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngốn gần 70 triệu USD, hơn gấp đôi là quá phi lý.

Các chuyên gia không đồng tình còn vì chính quyền vay nhưng dân chúng phải trả và họ cùng thắc mắc là tại sao lại có “cơ sự thế này” nhưng không ai màng đến trách nhiệm.

“Cơ sự thế này” không chỉ xảy ra với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Trên thực tế, khi tham gia tranh thầu tại Việt Nam, nhà thầu Trung Quốc chỉ bỏ thầu với giá tương đương 20% đến 30% so với các nhà thầu khác và gần như luôn luôn thắng thầu. Từng có một thống kê cho biết, 90% các “dự án trọng điểm” tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Sau đó, nhà thầu Trung Quốc chỉ thi công cầm chừng rồi đòi gia hạn thời gian thực hiện, kế đó đòi tăng vốn, thậm chí đòi thay đổi các yêu cầu của dự án.

Tuy điều này xảy ra thường xuyên ở khắp mọi nơi, trong một thời gian dài nhưng nhà thầu Trung Quốc vẫn tiếp tục thắng thầu. Tiếp tục có cơ hội đưa dân Trung Quốc tràn vào Việt Nam, với lý do cần nhân lực thực hiện các dự án mà họ nhận thầu. Tiếp tục đưa máy móc, thiết bị, vật liệu vào Việt Nam để thi công, bóp chết ngành công nghiệp Việt Nam vì không tiêu thụ được sản phẩm, khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó.

Chưa kể đó cũng là lý do làm cho nhập siêu từ Trung Quốc tăng liên tục. Chỉ trong 10 năm (2001 đến 2012) nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu USD hồi 2001, thành 16 tỷ USD vào năm 2012. Đẩy kinh tế Việt Nam đến tình trạng càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tại sao chính quyền Việt Nam không hành động?

Một số chuyên gia kinh tế giải thích, đó là do sự câu kết rất chặt chẽ giữa các thế lực kinh tế mà chủ yếu là các doanh nghiệp lớn của nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn, với các thế lực chính trị, để các bên đạt tới lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thường gọi là nhóm lợi ích. (G.Đ)

 

THƯ TỪ NƯỚC MỸ GỬI BẠN BÈ

THƯ TỪ NƯỚC MỸ GỬI BẠN BÈ

Nguyễn Thị Kim Chi

Chúng tôi được lời mời tới Mỹ dự hội thảo về vấn đề tự do báo chí  Việt Nam của hai vị dân biểu Hoa Kì là bà Loretta Sanchez và Joe Lojgren. Ban tổ chức gửi vé bay, đưa đón chúng tôi ở các sân bay và lo mọi chuyện ăn ở đi lại trong nước Mỹ.

Vậy là các dư luận viên bắt đầu tấn công chúng tôi rằng: “Bọn họ là những kẻ vì những đồng đôla mà bán rẻ Tổ Quốc…”.

Những lời thóa mạ vô căn cứ đó của những  người “trung thành” chỉ khiến tôi  tức cười. Họ nguyền rủa, kết tội  chúng tôi vì lòng họ yêu nước và đang ra sức bảo vệ đất nước thật ư? Họ nói rằng lịch sử VN sẽ phán xét chúng tôi – những kẻ đi bêu xấu tổ quốc.

Tôi thì nghĩ khác họ. Những kẻ nào bòn rút đất đai tiền của của dân để đem ra nước ngoài giấu vào các ngân hàng thì mới là kẻ có tội với dân. Những kẻ nào cậy đứng trên đỉnh cao quyền lực đã dùng bộ máy chuyên chính bịt mắt, bịt miệng và đàn áp thẳng tay những người lương thiện dám đấu tranh thì mới là kẻ có tội. Những kẻ chạy theo bám đít bọn tham nhũng và  bưng bít sự thật để được chủ thưởng thì mới có tội với dân với nước. Đây xin mọi người hãy xem bản tổng kết của nhà báo nào đó mà Oanh Bùi đã gửi cho tôi thì mọi người sẽ biết rõ thêm tình trạng VN.

Thấy chúng tôi dám nói, dám viết sự thật hiện trạng của VN trên các trang mạng nên các dân biểu quốc hội Mỹ đã mời chúng tôi tới Hoa Kỳ. Đoàn hiện chỉ có 5 người, năm người đã bị chặn lại ở các sân bay. Còn nếu nhà nước cử người đi đại diện cho VN thì bọn tôi chẳng bao giờ tới lượt. Những người đang biểu diễn lập trường chắc chắn sẽ được cử đi để “bảo vệ danh dự của đảng cộng sản VN và nhà nước”. Lúc đó các nhà lý luận sẽ viết sẵn cho họ những bài tham luận đầy tự hào rằng: “Việt Nam tuy còn khó khăn, nhưng đang phát triển và dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản”…

Việt Nam “dân chủ” mới có những người như Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết phải đem cả mạng sống của mình ra giành lại đất đai…

Việt Nam tự do nên các bloger và những người dám xuống đường  đấu tranh chống Trung Quốc bành trướng đã bị đàn áp và lần lượt vào tù.

Họ làm trò gắp lửa bỏ tay người chẳng mấy ai tin. Chúng tôi dẫu biết sẽ rất nhiều hệ lụy trong  ngày trở về,  chúng tôi sẵn sàng đón nhận tất cả. Tù đày ư, tra tấn đánh đập ư? Chúng tôi sẵn sàng dấn thân cho một Việt Nam ngày mai được TỰ DO, DÂN CHỦ, GIÀU MẠNH, VĂN MINH, KHÔNG THÙ HẬN.

N.T.K.C.

Washington ngày 23.4.2014

Nhân viên thô lỗ bị khách đi xe buýt đánh chết

Nhân viên thô lỗ bị khách đi xe buýt đánh chết
Wednesday, April 23, 2014

Nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV) Cuộc xung đột giữa nhân viên xe buýt vận chuyển công cộng và hành khách tiếp tục tái diễn có phần trầm trọng hơn, với vụ mới xảy ra hôm 20 tháng 4, 2014 làm nhân viên bán vé xe buýt thiệt mạng.

Vụ ẩu đả giữa người này và một hành khách diễn ra ngay trên đường phố giữa chốn đường người, thuộc phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Sài Gòn.



Hành khách tố bị nhân viên xe buýt đánh bầm mặt. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Cuộc điều tra của công an Sài Gòn cho biết, khoảng 3 giờ chiều ngày 20 tháng 4, 2014, nạn nhân là Trần Hoàng Lâm, 22 tuổi, cư dân tỉnh Kiên Giang, đứng bán vé trên chiếc xe buýt mang số 32 chạy tuyến đường nối liền Bến xe miền Tây và bến xe Ngã tư Ga, Hóc Môn. Khi xe đang chạy trên đường Văn Cao, quận Tân Phú, một nam hành khách chưa rõ lai lịch, xin dừng xe để xuống vì lỡ đi nhầm chuyến.

Yêu cầu của người khách lạ này làm ông Trần Hoàng Lâm bực bội. Khi xe dừng lại trước một căn nhà ở đường Văn Cao, ông Lâm ném hành lý của người khách nọ xuống đường. Hành động này khiến ông khách nổi giận, thách ông Lâm xuống xe để “thử sức hơn thua.”

Ðoạn đường nơi xảy ra vụ ẩu đả làm một nhân viên xe buýt tử thương. (Hình: báo Lao Ðộng)

Sau cuộc đánh võ mồm kịch liệt, cả hai xông vào nhau đánh đấm loạn xạ. Không may, ông Lâm bị té đập đầu xuống đường bất tỉnh nhân sự. Người khách nọ thừa cơ hội bỏ chạy mất, hiện chưa rõ danh tính. Ông Trần Hoàng Lâm được đưa vào bệnh viện cứu cấp, nhưng đã chết dọc đường, nghi bị chấn thương sọ não.

Công an quận Tân Phú có mặt đã lập biên bản nội vụ và mở cuộc điều tra, truy lùng người khách nọ.

Thời gian qua, xảy ra liên miên nhiều vụ đánh nhau giữa hành khách và nhân viên xe buýt, kể cả tài xế. Có người tài xế ở Hà Nội đã buộc hành khách phải quỳ xin mới chịu dừng xe cho xuống. Hồi cuối năm 2012, một nữ hành khách chuyến xe buýt ở Ðồng Nai bị nhân viên đánh u đầu, bầm mặt sau vụ cãi vã dẫn đến xô xát. (PL)

 

Bố

Bố

Chuacuuthe.com

th (1)

VRNs ( 24.04.2014) – Sài Gòn-  Nhà tôi ở bên bờ sông. Sau nhà, những chiếc xà-lan gầm rú, những chiếc vỏ lãi nhỏ nhắn mỏng manh suốt ngày xuôi ngược trên sông, chở đầy ăm ắp những cây củ quả, những hàng nông sản chắc là cây nhà lá vườn. Chiếc ô-bạc-lơ bông bí đặt trên mũi đò mở hết công suất:

– Mười ngàn ba kí bắp cải, bắp cải ba kí mười ngàn.

– Ai hành hẹ, dưa leo, củ sắn, dừa tươi, dừa khô, củ cải trắng, củ cải đỏ, khoai lang, dưa hấu hôn?

Trước nhà, tiếng hú của xe cứu thương, tiếng còi giành đường inh ỏi, tiếng xe tải rầm rập. Và tiếng rao của những chiếc loa vuông trên những chiếc xe gắn máy cũ không thể cũ hơn:

– Sò huyết, sò vôi, sò cò, sò lông đây.

– Giấy thơm chùi miệng chùi tay một cây mười ngàn, bà con cô bác ơi.

– Mua ti-vi, ăm-li, tủ lạnh đây.

Và nhất là bài thuyết minh dài dằng dặc về tiến bộ của khoa học. Sau nhiều năm nghiên cứu, người ta đã phát minh ra và đưa vào sử dụng sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường không gì hơn được. Kết luận:

– Keo dính chuột, keo dính ruồi đây.

Bấy nhiêu thứ âm thanh (gọi là tiếng động có vẻ chính xác hơn) xô bồ, suốt ngày đêm ra rả tra tấn thính giác con người, làm tôi muốn điên lên. Rồi mất ngủ, rồi thao thức, nhớ linh tinh đủ thứ chuyện, đủ thứ người. Rồi nhớ da diết một người: Bố. Bố nuôi tôi bằng nghề hàn nồi niêu soong chảo lu khạp của bố. Lời rao hàng của bố không có máy tăng âm, không thét vào tai người ta, nhưng ai đã nghe qua một lần là nhớ ngay, không quên được, vì nó buồn buồn, lại vui vui, nghĩa là buồn cười:

– Hàn nồi hàn niêu, hàn cả tình yêu, hàn cả cuộc đời. Hàn niêu hàn nồi, hàn luôn con người, hàn cả trái tim.

*  *  *

Từ khi lên lớp mười, tôi đã được nghe người ta nói gần nói xa, bóng gió rằng tôi là con nuôi. Các cô các dì tôi thường lườm nguýt:

– Anh nuông chiều nó quá. Nó lớn rồi, anh phải bảo ban dạy dỗ nó, phải nghiêm khắc mới được. Anh không nhớ cha chúng mình thường nói: “Yêu cho roi cho vọt” hay sao?

Tôi trốn học, nhà trường gởi giấy báo về nhà, bố giận lắm. Hôm ấy bố không ăn uống gì. Bố quăng tờ giấy báo đóng dấu đỏ chót của nhà trường lên bàn học của tôi. Tôi thấy rõ bố nén cơn giận:

– Con trả lời bố thế nào đây?

Tôi nói dối, bào chữa:

– Buổi trưa cô giáo dạy môn Tiếng Anh tổ chức mừng sinh nhật, tụi con về trễ 15 phút, cô chủ nhiệm không cho vào lớp.

Cơn giận của bố bùng nổ. Tuy nhiên tôi thấy bố cũng còn cố kiềm chế:

– Con trốn học ngày 2 tháng 3. Sinh nhật cô Nguyễn Thị Mông Triệu dạy môn Tiếng Anh ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Con nỡ lòng nào nói dối bố? Hôm nay bố phạt con không phải vì con trốn học, cũng không phải vì tờ giấy báo kia, mà vì con nói dối bố. Đó cũng là phạt chính bố đã không dạy dỗ con thành một người chân thật. Con lên giường, nằm sấp xuống, bố đánh con ba roi.

Bố thẳng tay vụt cái roi trúc lên người tôi. Đau quá, không chịu nổi. tôi gào toáng lên. Bố ném chiếc roi vào góc nhà, nói cộc lốc:

– Còn hai roi. Để đấy. Cho nợ.

Tôi thấy bố lấy tay áo lau nước mắt. Tôi biết, từ nay, tôi không nỡ, không nên mà cũng không thể nói dối bố được nữa.

Chiều, hàng xóm láng giềng xì xầm với nhau:

– Lão già ác thật, đánh con bé đến không đi nổi, đau đến độ nó phải khóc thét lên, cả xóm nghe thấy. Rõ là khác máu tanh lòng.

Đêm, tôi gục mặt vào gối, khóc thầm cho thân phận mình. Tôi nhất quyết phải hỏi bố cho ra lẽ. Hôm sau, tôi xin lỗi bố, rồi hỏi:

– Bố cho con hỏi hai câu, bố đừng giấu con: Thứ nhất con có phải là con của bố không? Thứ hai…

– Bố biết câu hỏi thứ hai rồi.

Khuôn mặt bố căng ra, có vẻ rất nghiêm trọng:

– Bố chờ đợi câu hỏi này của con từ lâu lắm rồi. Bố hỏi con: Có khi nào con không là con của bố không? Thế này nhé! Bố hứa sẽ nói tất cả khi con khôn lớn, vào một dịp đặc biệt nào đó, ngày con vào đại học chẳng hạn (bố con mình ấn định luôn, ngày con vào đại học nhé!). Lúc ấy con đã trưởng thành. Còn bây giờ, nhiệm vụ của con là học và học được không?

*  *  *

Tôi trúng tuyển kỳ thi vào đại học. Đó là ước mơ của tôi, cũng là ước mơ của bố, nhưng đối với bố, đó là ước mơ vượt tầm vì bố phải đi vay nặng lãi làng trên xóm dưới mới có tiền cho tôi đi học. Bố chăm chút cho tôi từng li từng tí, như một người cha, đồng thời như một người mẹ. Tôi thương bố quá, vừa muốn bỏ học cho rồi, nhưng lòng lại dặn lòng phải hết sức cố gắng để không phụ công lao và niềm tin yêu của bố. Tôi cũng đã biết hai năm rõ mười về nhân thân vô thừa nhận của tôi. Tôi không nhắc gì đến lời hứa của bố. Nhưng bố không quên. Bố gọi tôi lên phòng bố:

– Bố trả lời cho con không phải hai mà là tất cả mọi câu con hỏi bố hôm nay, như món quà mừng con vào đại học. Nào, con hỏi đi.

– Thôi mà bố. Chẳng có gì quan trọng đâu.

Bố nhìn xa vắng, như thể đôi mắt bố nhìn ra ngoài cửa sổ, mãi tận chân trời quá khứ xa xăm nào đó:

– Bố nhặt được con trong một thùng rác. Tiếng khóc của con đã cứu con. Lúc ấy, người con tím ngắt, lũ kiến cắn khiến môi, mắt con sưng vù lên. Bố đưa con vào bệnh viện, người ta theo nguyên tắc, chỉ đồng ý chữa trị cho con nếu bố trả tiền viện phí, tiền thuốc men, sữa sần, quần áo, tã lót và các chi phí linh tinh khác, và cam kết chịu trách nhiệm chăm nuôi đứa bé. Ơn Chúa, vì thế mà bố con mình có nhau. Con nghĩ xem, có một người đàn bà, vì một lý do nào đó, do hoàn cảnh đưa đẩy, đã can đảm cưu mang chín tháng mười ngày đứa con của mình, rứt ruột sinh con ra mà không nuôi được, cũng có thể không được nuôi. Người đàn bà ấy, là người mẹ đẻ của con, đau khổ và đáng thương lắm chứ, phải không?  Đáng trách phải là người đàn ông bội bạc, là thành kiến xã hội đối với những người lầm lỡ, là dư luận ác tâm, là những bậc ông bà cha mẹ, là những chức dịch chánh phó trương trùm trưởng tân cựu, miệng lúc nào cũng rao giảng lời Chúa, tha thứ bảy mươi lần bảy, nhưng thực tế lại tự cho mình là quan tòa, kết án nạn nhân là chửa hoang, là lăng loàn trắc nết, là kẻ bôi tro trát trấu, làm ô danh gia đình, dòng họ, giáo khu, giáo xứ, là mọi người thấy người ta chết đuối mà không dám đưa tay ra, dù chỉ một ngón tay. Bố gọi đó là sự bất khoan dung, có được không, con gái? Con còn trẻ, đời còn dài, bố thành tâm mong Ơn Trên run rủi cho con được gặp mẹ con, con sẽ hiểu được thế nào là tấm lòng người mẹ.

Bố sòng sọc rít một hơi thuốc lào:

– Câu hỏi thứ hai. Con hỏi về bố phải không?

Tự nhiên nước mắt tôi trào ra:

– Vâng, nhưng không cần nữa đâu, bố ạ! Bố biết cho, bố là bố, là người thân yêu duy nhất, là điểm tựa đời con, thế là đủ với con, bố ạ!

*  *  *

Tôi ra trường, chưa xin được việc làm, chưa đáp đền công ơn bố được xu teng cắc bạc nào thì bố bỏ tôi mà đi. Bố mất năm bố năm mươi mốt tuổi. Trúng cơn gió độc (chắc là bị tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim gì đó), bố hôn mê sâu, không nói được một lời nào với bất cứ ai. Bố được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy. Khi đi, bố là một con người; khi về, bố chỉ là một cái xác không hồn. Bố chết như một chiếc lá rụng về cội. Hình như bố không muốn hay không dám làm phiền hà con gái bố và những người thân của bố, dù chỉ một viên thuốc, một hớp nước lã, một thìa cháo hoa, một câu nói cuối đời.

*  *  *

Hôm thứ tư Lễ Tro, sau khi tham dự thánh lễ khai mạc Mùa Chay Thánh, tôi ra Phục sinh đường giáo xứ viếng bố. Tôi nhìn lên nơi bố yên nghỉ. Một con người chỉ còn một dúm tro trong cái tiểu bé tí kia ư? Nắm tro ấy từ đâu đến? Như thế nào? Rồi đi đâu?…Bố đã được dựng nên và được gởi đến, được đặt để trong thế gian này cho riêng tôi, với bao nhiêu lao công khó nhọc, mồ hôi nước mắt. Bố đã là cha, là bạn thiết, là món quà quý giá nhất trên đời Chúa ban tặng cho tôi. Bố đã yêu thương, đã được chẳng bao nhiêu, nhưng mất mát lại nhiều quá. Bố đã “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” (GS). Bố đã là một con người, vậy mà giờ đây, chỉ còn một nắm tro tàn. Quả thật, cuộc hiện sinh kinh hoàng biết nhường bao. Tôi đăm đắm nhìn lên di ảnh của bố. Bố cười, nụ cười hàm chứa một chút đau đớn cam chịu, nhưng vẫn là nụ cười đã thắng vượt nỗi đau, và cả sự chết, một nụ cười không thể bị già nua đi nữa. Có khi đó còn là nụ cười vĩnh cửu không chừng. Nụ cười của bố như muốn nói với tôi rằng:

-Bố đã từ tro bụi mà đến, thì lại tro bụi mà về. Nhưng con hãy tin đi. Nắm tro bụi này sẽ trỗi dậy trong một thân xác thần thiêng ngày sau hết, giống như thân xác hiển vinh của Đấng đã bị treo lên, đã chịu chết, chịu mai táng và phục sinh, vì bố vì con, cho bố cho con.

Thân Thị Vô Dụng

Cha Giám Đốc ơn gọi của Rôma nói: Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh

Cha Giám Đốc ơn gọi của Rôma nói: Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh

Chuacuuthe.com

VRNs (24.04.2014)- Sài Gòn- Theo Zenit- Cha Don Fabio Rosini, Giám đốc ơn gọi của điạ phận Rôma đã nhấn mạnh  rằng tất cả mọi người đều có thể nên thánh như các Đức Giáo Hoàng, những người sẽ được phong thánh vào Chúa Nhật này.

Cha Don Fabio Rosini, Giám đốc ơn gọi của điạ phận Rôma

Cha Don Fabio Rosini, Giám đốc ơn gọi của điạ phận Rôma

Ngài nói rằng tất cả chúng ta có thể nên thánh như hai Đức Giáo Hoàng nếu chúng ta đáp lại lời mọi gọi thương xót của Thiên Chúa bằng tình yêu.

Ngài phát biểu như thế tại một cuộc họp mặt với những người trẻ đã diễn ra tại Thánh đường Gioan Laterano do Đức Hồng Y Agostino Vallini, tổng đại diện của địa phận Rôma chủ trì.

Cha Manuel Dorantes là thành viên Ủy Ban Công lý và Hòa bình của Toà Thánh nói với hãng tin Zenit rằng thông điệp này rất “ấn tượng”.

Ngài nói: “Tôi rất ngạc nhiên vì lời phát biểu của cha Don Fabio khi nhắc nhở những người trẻ của Roma rằng cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II là thánh nhưng điều đó không quan trọng hơn các bạn …. Chúng ta đều kêu gọi để nên thánh. Ơn gọi nên thánh không phải là đặc quyền của một số người nhưng đúng hơn đó là một lời mời gọi phổ quát cho tất cả chúng ta”

Cha Don Fabio, Cha Giovan Giuseppe Califano và Đức ông Slawomir Oder là cáo thỉnh viên  trong vụ phong thánh cho Chân Phước Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Khách hành hương đến tham dự  buổi họp mặt này rất vui vẻ khi được nghe những hồi ức cá nhân của Đức ông Oder, đặc biệt là những câu chuyện hài hước liên quan đến Đức Gioan Phaolô II.

Cha Dorantes  nói rằng những người trẻ bị tác động khi nghe nói  ”cuộc sống của Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII là quan trọng, cuộc sống của các ngài rất đặc biệt và các bạn cũng sẽ làm được như vậy.”

Hoàng Minh

BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ VIỆC TÌM CHÚA PHỤC SINH

BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ VIỆC TÌM CHÚA PHỤC SINH

Tác giả: Phaolô Phạm Xuân Khôi (chuyển ngữ)

Lời cảnh báo này, ‘Tại sao anh chị em lại tìm người sống giữa những kẻ chết’ sẽ giúp chúng ta thắng vượt những không gian buồn thảm của mình và mở ra những chân trời của niềm vui và niềm hy vọng.  Niềm hy vọng ấy đẩy các tảng đá ra khỏi các ngôi mộ và khuyến khích chúng ta loan báo Tin Mừng, có khả năng phát sinh ra sự sống mới cho tha nhân.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 23 tháng 4 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC nói về việc làm thế nào để tìm thấy Chúa Phục Sinh trong đời mình.

* * *

“Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa những người chết”

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tuần này là tuần lễ vui mừng: chúng ta cử hành Lễ Phục Sinh của Giêsu.  Đó là một niềm vui đích thực, sâu xa, dựa trên sự chắc chắn rằng Đức Kitô hiện đã sống lại, Người không còn chết nữa, nhưng đang sống cùng hoạt động trong Hội Thánh và trong thế gian.  Chắc chắn Người ngự trong tâm hồn các tín hữu từ buổi sáng Phục Sinh, khi các phụ nữ đi đến ngôi mộ của Chúa Giêsu và thiên sứ bảo họ: “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?” (Lc 24:5 ).  “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?”  Những lời này là một mốc quan trọng trong lịch sử; nhưng cũng còn là một “chướng ngại” nếu chúng ta không mở lòng ra đón nhận tin mừng, nếu chúng ta tin rằng một Chúa Giêsu đã chết gây ra cho chúng ta ít phiền phức hơn một Chúa Giêsu còn sống!  Tuy nhiên, biết bao lần trong cuộc hành trình hàng ngày của mình, chúng ta cần phải nghe:  “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?”!  Biết bao lần chúng ta tìm người sống ở giữa những kẻ chết, giữa những điều không thể ban cho chúng ta sự sống, giữa những điều nay còn mai mất, những điều chóng quá… “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?”

Chúng ta cần đến câu hỏi này khi chúng ta đóng kín mình trong bất kỳ hình thức ích kỷ hay tự mãn nào; khi chúng ta để cho mình bị quyến rũ bởi những quyền lực thế gian và những gì thuộc về thế gian này, qua việc bỏ quên Thiên Chúa và tha nhân; khi chúng ta đặt niềm tin của mình vào những gì là phù phiếm của thế gian, vào tiền bạc, vào thành công.  Khi ấy Lời Chúa bảo chúng ta: “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?”  Tại sao anh chị em lại tìm ở đó?  Điều ấy không thể ban cho anh chị em sự sống!  Vâng, có thể điều ấy ban cho anh chị em một ít vui thích trong một giây phút, một ngày, một tuần, một tháng… nhưng sau đó là gì?  “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?”  Câu này phải được nhập vào tâm chúng ta, và chúng ta phải lặp lại nó.  Chúng ta cùng nhau lặp lại ba lần nhé?  Chúng ta cố gắng được không?  Tất cả: “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết”  [đám đông lặp lại].  Hôm nay, khi chúng ta về nhà, chúng ta hãy nói lời ấy trong lòng, trong im lặng, và chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này: tại sao trong đời sống tôi, tôi lại tìm người sống giữa những kẻ chết?  Điều đó sẽ tốt cho chúng ta.

Không phải dễ dàng để mở lòng ra cho Chúa Giêsu.  Chấp nhận sự sống của Đức Kitô Phục Sinh và sự hiện diện của Người giữa chúng ta không phải lả điều đương nhiên.  Tin Mừng cho chúng ta thấy những phản ứng khác nhau: Tông Đồ Tôma, bà Maria Magđalena và hai môn đệ trên đường Emmau: thật tốt cho chúng ta khi so sánh mình với các ngài.  Thánh Tôma đưa ra một điều kiện với đức tin, ngài đòi được sờ mó đến bằng chứng là những vết thương; bà Maria Magdđalena đã khóc, bà nhìn thấy Người nhưng không nhận ra Người, bà chỉ nhận ra đó là Chúa Giêsu khi Người gọi đích danh bà; các môn đệ trên đường Emmau, buồn nản và với một cảm giác thất bại, họ gặp gỡ Chúa Giêsu bằng cách để cho người lữ khách bí ẩn đồng hành với mình.  Mỗi người một đường khác nhau!  Các ngài tìm người sống giữa những kẻ chết, và chính Chúa điều chỉnh lại lộ trình của các ngài.  Còn tôi, tôi phải làm gì?  Tôi phải đi theo đường nào để gặp Đức Kitô hằng sống?  Người sẽ luôn luôn gần gũi chúng ta để chỉnh lại lộ trình nếu chúng ta đi lạc.

“Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?”  (Lc 24:5).  Câu hỏi này giúp chúng ta thắng vượt cơn cám dỗ nhìn lại phía sau là những gì thuộc ngày hôm qua, và thúc đẩy chúng ta nhìn về phía trước về phía tương lai.  Chúa Giêsu không ở trong mồ, Người là Đấng Phục Sinh!  Người là Đấng Hằng Sống, Đấng luôn luôn canh tân thân thể của Người là Hội Thánh và làm cho Hội Thánh bước đi bằng cách lôi kéo Hội Thánh về phía Người.  “Hôm qua” là ngôi mộ của Chúa Giêsu và của Hội Thánh, ngôi mộ của chân l‎ý và công lý; “hôm nay” là sự sống lại vĩnh cửu mà Chúa Thánh Thần thúc đầy chúng ta tiến về, bằng cách ban cho chúng ta sự tự do trọn vẹn.

Hôm nay câu hỏi này cũng được đặt ra cho chúng ta.  Còn anh (chị), tại sao anh (chị) lại tìm người sống giữa những kẻ chết, bằng cách tự đóng kín trong chính mình sau một thất bại và không còn đủ sức để cầu nguyện nữa?  Tại sao anh (chị) tìm người sống giữa những kẻ chết, anh (chị), người cảm thấy cô đơn, bị bạn bè của mình, và có lẽ ngay cả Thiên Chúa, bỏ rơi?  Tại sao anh (chị) tìm người sống giữa những kẻ chết, anh (chị), người người đã mất hy vọng và cảm thấy bị cầm tù bởi tội lỗi của mình?  Tại sao anh (chị) tìm người sống giữa những kẻ chết, anh (chị), người khao khát vẻ đẹp, sự hoàn thiện tâm linh, công lý, hòa bình?

Chúng ta cần phải lặp lại và nhắc nhở nhau của lời cảnh báo của thiên sứ!  Lời cảnh báo này, “Tại sao anh chị em lại tìm người sống giữa những kẻ chết” sẽ giúp chúng ta thắng vượt những không gian buồn thảm của mình và mở ra những chân trời của niềm vui và niềm hy vọng.  Niềm hy vọng ấy đẩy các tảng đá ra khỏi các ngôi mộ và khuyến khích chúng ta loan báo Tin Mừng, có khả năng phát sinh ra sự sống mới cho tha nhân.  Chúng ta hãy nhắc lại câu này của thiên sứ để nó nhập tâm và nhập trí chúng ta, và sau đó tất cả mọi người đáp lại một cách âm thầm: “Tại sao anh chị em lại tìm người sống giữa những kẻ chết?”  Chúng ta hãy lặp lại! [đám đông lặp lại].  Anh chị em hãy coi kìa, Người đang sống, Người đang ở với chúng ta!  Chúng ta đừng đi về phía tất cả những ngôi mộ ấy, là những gì hôm nay đang hứa hẹn với anh chị em một điều gì đó, vẻ đẹp, và rồi không đem đến cho anh chị em bất cứ điều nào cả!  Người đang sống!  Chúng ta không tìm người sống giữa những kẻ chết!  Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

http://giaoly.org/vn/


Người Uighur từ đâu đến?

Người Uighur từ đâu đến?

Thứ năm, 24 tháng 4, 2014

Một nhóm Uighur bị chặn bắt ở Songla, miền Nam Thái Lan hồi tháng 3/2014

Câu chuyện về các nhóm người Hồi giáo dân tộc Uighur tìm cách sang Việt Nam bị bắt và trao nộp về cho quân Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

BBC Tiếng Việt giới thiệu các nguồn quốc tế về dân tộc Uighur từ trong lịch sử và các vấn đề họ đang gặp phải hiện nay ở Trung Quốc:

Là một trong số nhiều bộ lạc nói tiếng Turkic (Thổ) thời cổ, người Uighur hiện nay tập trung đông nhất tại Tân Cương, (Trung Quốc) nhưng cũng sống ở Pakistan, Kazachstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Nga.

Ngoài ra họ có các cộng đồng nhỏ ở cả Ukraine, Đức và một số nước khác do lưu lạc đến sau này.

Các sử liệu Phương Tây ghi nhận sự tồn tại của Đế Quốc Hồi Hột (Uighur Empire) có thủ đô ở Karabalghasun bên bờ sông Orhon, ở về phía Tây của Trung Hoa.

Có hai nhóm Uighur chính: những người du mục, nổi tiếng về đua ngựa và từng được người Hán gọi là tộc Cao Xa hoặc Thiết Lặc, và những cộng đồng định cư làm nghề nông.

Về mặt chủng tộc, họ thuộc nhóm Âu Á (Eurasian) nên có nhiều nét hình thể giống người Đông Á nhưng cũng có những người mũi cao, tóc sáng.

Theo Britannica, đế quốc của người Uighur mà dân Hán cũng gọi là Duy Ngô Nhĩ, đã có quan hệ gắn chặt với các triều đại Trung Hoa.

Người Uighur thuộc nhóm Âu Á và có nền văn hóa lâu đời

Tuy thế, họ không bị người Hán coi là mối đe dọa như nhóm Hung Nô và người Uighur từng giúp vua Đường dẹp loạn An Lộc Sơn năm 755.

Các triều vua Hán thường mua ngựa của người Uighur và bán cho họ các sản phẩm nông nghiệp.

Một vị vương của tộc Uighur, Mouyu còn từng viếng thăm kinh đô Lạc Dương của Trung Hoa.

Vì có ngôn ngữ và tôn giáo giống các dân tộc Trung Á, người Uighur là cầu nối giữa Trung Hoa và các vùng phía Tây.

Kashgar, đô thị có từ thời cổ của người Uighur mà nay thuộc về Tân Cương, Trung Quốc, từng là một trung tâm thương mại trên Con đường Tơ lụa giữa Đông và Tây ở châu Á.

Đầu thế kỷ 20, người Uighur từng tuyên bố độc lập ngắn ngủi ở vùng Đông Hồi (East Turkestan).

Đến năm 1949, chính quyền Mao Trạch Đông thắng trong cuộc nội chiến ở Hoa lục, đưa quân vào làm chủ vùng đất này và gọi là Tân Cương, miền biên giới mới.

Trung Quốc lo ngại gì?

BBC News trích lời giới vận động người Uighur nói rằng văn hóa, thương mại và tôn giáo của họ bị chính quyền Trung Quốc trói buộc.

Trung Quốc cũng bị tố cáo đã tăng cường trấn áp người Uighur sau các cuộc biểu tình trong thập niên 1990 và trước thời gian diễn ra Thế Vận hội Bắc Kinh 2008.

Vẫn theo trang BBC News, trong thập niên qua, nhiều nhân vật nổi trội từ cộng đồng Uighur ở Tân Cương, ước tính có khoảng 9-10 triệu người, đã bị Trung Quốc bắt hoặc truy đuổi khiến họ phải trốn ra nước ngoài tỵ nạn.

Chính quyền Bắc Kinh nói có các nhóm ly khai Uighur và thậm chí có cả những tổ chức khủng bố thuộc sắc dân này.

Ngược lại, các nhóm vận động người Uighur tố cáo Bắc Kinh đưa di dân Hán vào vùng Tân Cương, bắt đầu từ các ‘binh đoàn’ lao động sản xuất nhưng có vũ trang từ thời Mao tới các đợt mới ồ ạt hơn về sau này.

Đại biểu từ Tân Cương tham gia Quốc hội Trung Quốc

Họ cho rằng các nhóm Hán tộc di dân vào Tân Cương làm loãng đi bản sắc của người bản địa và người Uighur trở thành thiểu số ngay tại tân Cương.

Vụ xung đột sắc tộc nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 7 năm 2009 tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương khi đám đông người Uighur tràn ra phố, tấn công người Hán, chém chết cả phụ nữ và trẻ em.

Vài ngày sau, các nhóm thanh niên Hán dùng gậy và thanh sắt đã ra phố lùng bắt và đánh trả người Uighur, gây ra thương vong và khiến chính quyền phải đưa quân cảnh ra phố.

Trong vụ bạo lực đó, gần 200 người đã bị thiệt mạng và theo truyền thông Trung Quốc thì đa số nạn nhân là người Hán.

Đầu tháng 3 năm nay, tại nhà ga xe lửa Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã xảy ra một vụ tấn công nghiêm trọng nữa bằng đao mà các mạng xã hội Trung Quốc nói là do các thủ phạm người Uighur thực hiện.

Trong vụ việc, có ít nhất trên 40 thường dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 140 người bị thương.

Giới quan sát từ bên ngoài nói vụ tấn công gây ngạc nhiên vì cộng đồng Uighur ở Vân Nam và Hồ Nam chỉ có vài nghìn dân làm nghề trồng cấy, ít liên hệ với nhóm Uighur gốc du mục Tân Cương.

Tuy thế, các nguồn tin như New York Times cũng nói sau vụ đâm chém tại ga Côn Minh, công an Trung Quốc vây các khu nhà của người Uighur trong tỉnh và tiến hành các vụ bắt bớ.

Các đợt trấn áp cũ và mới có thể là lý do khiến một số nhóm Uighur tìm đường xuống Đông Nam Á.

Hội Uighur Thế giới tin rằng nhóm gặp nạn ở Bắc Phong Sinh là đồng bào của họ

Ngoài Việt Nam và Thái Lan, họ cũng đến cả Campuchia và một nhóm từng bị chính quyền Hun Sen trục xuất về Trung Quốc năm 2009.

Theo nhà báo Hamid Ismailov từ ban Trung Á của BBC, người Uighur chạy xuống Đông Nam Á là để tìm đường vòng trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, nước cho họ trú ngụ do có cùng nguồn gốc ngôn ngữ và tôn giáo.

Mục tiêu của các nhóm Uighur vì thế không phải là tìm cách định cư ở lại Thái Lan hay Việt Nam.

Dù vậy, chính quyền các nước này đã tìm cách trục xuất họ về Trung Quốc.

Cách đối xử này khác hẳn với chuyện các nước Asean thường cho người tỵ nạn Bắc Hàn sang Nam Hàn định cư.

Vì dù tồn tại như một dân tộc có hàng triệu người nhưng lại không có nhà nước riêng, người Uighur đang phải chịu sự đưa đẩy của hoàn cảnh mà không có quốc gia nào bảo vệ.

 

“Dốc hết tình này là trả nợ người,”

“Dốc hết tình này là trả nợ người,”

Dốc hết tình này là trả nợ đời,

Trả hết tình tôi còn nợ không thôi.”

(Tuấn Khanh  – Trả Nợ Tình Xa)

(Rm 13: 8)

Tình xa là thế, mà sao nghệ sĩ nhà mình lại cứ trả? Giả như câu này, ở đây, là câu nói từ đấng bậc chót vót ở trên cao chốn Thánh hội, thì sự thể sẽ ra sao?

Hỏi về sự thể như thế, là hỏi và hát những lời thêm thắt nữa, rồi sẽ nói, những điều rằng:

“Mắt đã mù loà vì đợi tin xa.

Tóc trắng bạc màu vì nợ yêu nhau.

Nào biết ngày sau trả nợ tình nhau.”

(Tuấn Khanh – bđd)

Hát thế rồi, lại nhớ đến lời phát-biểu mới đây không lâu, của đấng bậc vị vọng được coi và được gọi là Đức thánh (rất) Cha hôm rồi mang nặng giòng chảy những kêu gọi mọi người rằng:

“Hỡi, thành viên nam nữ thuộc bè/nhóm Mafia,

xin hãy chuyển-đổi cuộc sống của quý vị.

Xin hãy dừng tay lại mà hoán-cải và đừng làm thế!

Đừng làm những việc dưới áp-lực của ác thần sự dữ, nữa.

Tôi mong mỏi điều này bằng lời nguyện cầu liên lỉ,

để mọi điều tốt đẹp sẽ xảy đến với quý vị.

Bởi, cuộc sống mà quý vị hiện đang có vào lúc này

sẽ không đem lại cho quý vị niềm an vui hoan lạc nào hết,

và cũng chẳng tạo hạnh phúc cho quý vị bao giờ đâu…”

(xem Francis X Rocca, Pope to Mafia: You’re Going to Hell, The Catholic Weekly 06/04/2014 tr. 1)

Lời Đấng Bậc vị vọng ở cấp cao kêu gọi, khác nào lời ới gọi của nghệ sĩ vẫn còn hát:

“Trả hết, trả hết cho người,

Trả luôn mắt môi nụ cười.

Trả xong đời còn hư không.

Nào gió gió bay về trời,

Này hoa sẽ bay về cội.

Còn ta đường nào cho ta?”

(Tuấn Khanh – bđd)

Vâng. Nếu chư vị ở bè/nhóm “Mafia” không chấp-nhận tuân theo lời ới gọi của đấng bậc ở chốn trên cao từng kêu gào hãy dừng lại, rồi “dốc hết tình này”,“trả hết cho người”,“trả luôn mắt môi nụ cười” thì rồi ra cũng chả còn “đường nào cho ta” cho người, ở chốn nợ đời này cả đâu.

Vâng. Chợ đời chốn ấy hôm nay, bạn và tôi cũng như mọi người vẫn còn nhiều thứ cần  phải trả. Và trên hết mọi sự, vẫn là thứ nợ tình yêu như bậc thánh hiền khi xưa từng đoan quyết:

“Anh em đừng mắc nợ gì ai,

ngoài món nợ tương thân tương ái;

vì ai yêu người,

thì đã chu toàn Lề Luật.”

(Rm 13: 8)

À thì ra, ới gọi về chuyện trả nợ “trả hết, trả hết cho người, trả luôn mắt môi nụ cười” có xuất từ người nghệ sĩ hay đấng bậc “lành-thánh rất cha/cố” đi nữa, cũng là ới gọi một kêu mời: hãy dừng đứng lại đừng trả nợ “quỷ thần độc ác”, cho bằng hãy trả mỗi món nợ “tương thân tương ái” mà thôi.

Hôm nay đây, ở xã hội ngoài đời hoặc trong Đạo, vẫn còn đó lời ới gọi hãy “đổi thay” lề lối sống rất “nợ đời”. Để rồi, mọi người ở khắp nơi sẽ chỉ nghĩ đến món nợ “tương thân tương ái” cũng rất cần trong đời người, mà thôi.

Thế đó, là ý/lời đầy ới gọi cả người trong Đạo cũng như ngoài đời, tương tự như ở chốn truyền thông/báo đài nhiều tin tức. Những tin cùng tức, cũng thúc giục mọi người hãy nên có lập trường đúng để mà sống.

Còn nhớ, ngay vào lúc Đức Phanxicô vừa đăng quang trở thành Giáo hoàng đương đại, có tác-giả vội viết trên báo điện mang tên MercatorNet, những lời như sau:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ còn mỗi con đường độc-đạo là phải đối-đầu với người sầu buồn khổ đau và làm sầu đau/ buồn khổ những kẻ mà ngài phải đối đầu. Ngài làm thế, theo kiểu-cách cũng rất khác, khi ra khỏi khuôn viên Toà Thánh để có cuộc “thăm-dân-cho-biết-sự-tình” nơi ốc-đảo hẻo lánh mạn Nam nước Ý, có tên Lampedusa. Thăm viếng hôm ấy, là buổi kinh-lược mục-vụ khởi đầu triều-đại Giáo-hoàng của ngài, mà giới truyền-thông từng loan-báo cho cư-dân toàn đảo biết trước.

Lời lẽ và ý-lực chính mà thông-điệp đề-cập cốt gửi đến thành-viên cộng-đồng nhân-loại đang kiếm-tìm nơi trú-ngụ an-toàn ở vùng đảo ốc có cuộc sống mới kể từ khi Lampedusa trở thành thứ đảo Ellis cao sang của châu Âu…

Nhưng, thật sự thì thông-điệp ngài muốn gửi là có ý gì?

Có thể nói ngay đây, rằng: đó là thách-thức đem đến cho nhiều người, chứ không là cử-chỉ mang tính chính-trị mà thôi. Hãy nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát-biểu những lời như sau: “Cũng giống như xưa, khi Giavê Thiên-Chúa hạch-hỏi Ađam và người em mình là Ca-in cùng một câu hỏi: “người anh/em ngươi đâu?” thì hôm nay, nhiều người trong chúng ta, trong đó có cả tôi nữa, cũng để quên thân-thuộc mình và chẳng bận tâm gì đến chốn miền mình đang sống, không còn bận tâm để ý đến những gì được Chúa tạo-dựng cho tất cả mọi người. Và, ta không còn khả-năng biết trông nom/giùm giúp nhau, nữa. Những người như thế đã không còn biết, không còn chấp-nhận hoặc tìm ra sự kết-đoàn hỗ-trợ nhau nữa...” (xem Sheila Liaugminas, The Globalisation of Indifference, MercatorNet 26/7/2013)

Vấn đề mà người viết nêu ra khi ấy, nay quay lại thách-thức lương-tâm mỗi người và mọi người, vào thời này. Thời hôm nay, là thời để ta nghe nhiều lời vãn than/ới gọi như bài hát trên vẫn được nghệ-sĩ tiếp-tục hát mãi những câu như: 

“Dốc hết tình này là trả nợ người,

Dốc hết tình này là trả nợ đời.

Trả hết tình tôi, còn nợ không thôi…”

(Tuấn Khanh – bđd)

Nơi xã-hội mọi thời, “nợ người”, “nợ đời” hoặc “trả hết tình tôi”, “còn nợ không thôi”, là thứ nợ tình mà người đời vẫn bảo nhau hãy xem mỗi người và mọi người có “trả hết cho người’, “trả luôn mắt môi, nụ cười” nữa, không?

Ở nhà Đạo hôm nay, việc trả hết nợ “tương thân tương ái” không chỉ bằng việc chu-toàn lề-luật lại là ý-tưởng được nhiều người/nhiều vị trong Đạo mình suy-tư cảm-kích do bởi những gì được Đức Giáo Hoàng tỏ bày hôm ấy.

Ngày “N” hôm ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lại cũng mở lời ới gọi cả những người chẳng còn biết “tương thân tương ái” với bất cứ một ai. Bằng vào ví dụ rút từ Tin Mừng về người Samaritanô nhân-hiền có những chi tiết thật da-diết, như sau:

“Thế-giới hôm nay, chẳng ai thấy mình có trách-nhiệm về nhiều thứ nữa. Bởi, con người chúng ta nay để mất ý-thức trách-nhiệm về người anh/người chị của mình, dù họ có ra sao đi nữa, cũng mặc. Chúng ta nay lại rơi vào tình-cảnh của các giáo-sĩ đạo-đức giả tựa như tình-tự của thày Lêvi được Chúa mô-tả ở dụ-ngôn Người Samaritanô nhân-hiền, thời buổi trước. Có thể, như người anh em thuộc nhóm đạo Lêvi tư-tế hôm ấy tuy thấy nạn-nhân nằm chết dần bên vệ đường, cũng chỉ như tự nói với chính mình rằng: “Tội nghiệp cho ông ta!” rồi cứ tiếp tục bỏ đi, chẳng ra tay cứu vớt chút gì, bởi ông cứ nghĩ đó không thuộc phần-hành/trách-nhiệm của ông. Và, ông vẫn nghĩ là mình có lý…”

Nói thế rồi, Đức Giáo Hoàng lại tiếp tục phát-biểu về thứ văn-hoá thời hôm nay, như sau:

“Thứ văn-hoá dửng-dưng/vô-cảm khiến ta chỉ nghĩ đến riêng mình, và làm ta trở thành thứ người lạnh-lùng trước tiếng khóc/than cùng ới/gọi của người khác. Thứ văn-hoá làm ta sống trong cảnh chỉ tỏ bày lòng yêu-thương qua sinh-hoạt đình đám nổi bật thôi, nhưng không có thực-chất. Yêu thương đình-đám/nổi bật chỉ bềnh-bồng trong chốc lát rồi chìm đắm trong hư-không/trống rỗng với ảo-vọng dẫn về tính lạnh-nhạt/dửng dưng đối với người khác; rồi đi dần vào sự-kiện toàn-cầu-hoá tính dửng-dưng/nguội lạnh. Nói cách khác, ta trở nên chai-đá, quen dần với chuyện khổ-đau của người khác mất rồi. Chuyện khổ đau của người khác không còn đánh động ta nữa và ta cũng chẳng bận tâm gì những chuyện như thế, bởi vẫn coi chuyện ấy không thuộc phạm-vi ta quan tâm. Và, việc toàn-cầu-hoá tính dửng-dưng đã biến ta thành những con người không tên tuổi, vô-trách-nhiệm đến độ có thể gọi mình là người không hình-tượng, chẳng có tên và chẳng mang hình-thù gì hết.

Và Đức Giáo Hoàng kết-luận:

“Xã-hội ta sống, nay chẳng còn biết khóc thương người đau khổ và chẳng còn biết cùng đau cùng khổ với bất cứ ai. Tính dửng-dưng nay trải rộng khắp hoàn-cầu khiến con người ngày hôm nay không còn khả năng khóc thương nữa rồi. Khi xưa Hêrôđê đã từng gieo vãi sự chết để bảo vệ tính lạnh-lùng, dửng dưng của ông trong cảnh đình đám mà xã-hội ngoài đời vẫn tiếp tục nằm ẩn trong tâm con người ngày hôm nay.

Giờ đây, xin Chúa gỡ bỏ những gì do Hêrôđê từng gieo vãi để ta biết khóc biết thương cả tính dửng-dưng/lạnh-nhạt ẩn tàng nơi tâm can con người. Xin Ngài ban cho ta ơn sủng-ái biết khóc cho tính lạnh lùng mà mình vẫn có và biết khóc cho tính ác-độc của thế-giới mình đang sống, khóc cho tính độc địa nơi tâm can mọi người và những người vẫn đang tìm cách tác-hại con người bằng hành-động mang tính kinh-tế xã-hội quyết mở rộng cửa cho tình-cảnh bi ai của thế giới.” (Sheila Liaugminas, bđd)

Quả thật, nhận-định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tạo làn sóng cảm-nhận từ nhiều người, cả trong Đạo lẫn ngoài đời. Cảm-nhận nhiều, còn là cảm-kích và nhận-xét về công việc Đức đương kim Giáo Hoàng đã từng làm trong năm đầu, khiến biến-cải/đổi-thay rất nhiều thứ. Biến-cải và đổi thay, không chỉ mỗi tâm-tính dám đối đầu với khổ-đau sầu buồn từ nhiều phía, mà cả từ phía tạo nhiều khổ đau cho người khác là bè/nhóm Mafia lẫn người có quyết-định ảnh hưởng lên kinh-tế, xã-hội ở thời này nữa.

Chả thế mà, ngay khi Đức Giáo Hoàng lên tiếng về nền văn-hoá dửng-dưng/vô cảm truớc nỗi khổ của nhiều người, nay đã thấy nhiều phản-ứng từ một số độc giả bày tỏ tình đồng-thuận với ngài nên đã gửi đôi giòng chảy tâm-tư như sau:

“Nếu ta trị được đói/nghèo và bỏ được nhu-cầu của mình để cho người tị-nạn, thì đó cũng là vì con người nay đã giải-quyết được các khó-khăn do tôn-giáo đánh đỗ.” (David Page)

Muốn giảm-thiểu số người chết vì di-dân bất-hợp-pháp, các nước phát-triển phải tạo cơ-hội mỗi năm một lần giúp tặng tài-chánh cho những ai kiếm tìm cuộc sống tốt đẹp hầu cứu vớt và đưa họ vào sống ở quốc gia có lòng thương yêu và cấp quốc-tịch mới cho họ.” (Phyllis Ann James)

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm tôi tỉnh-thức về chuyện cứ thu vén lợi-nhuận chất đầy túi mình. Dù tôi vẫn còn đó những khó khăn tài-chánh cũng như tài-nguyên vật-chất, vẫn có thứ gì đó tôi có thể làm được để giúp đỡ người nhiều nhu-cầu hơn tôi và khổ cực hơn tôi nhiều.

Tôi nghĩ: mình phải bắt đầu bằng nguyện cầu trải rộng ra bao gồm cả việc xin mọi người có thêm trí-lực và lòng thiêng-liêng đạo-đức cho dân đảo Lampedusa và nơi khác đang chịu cảnh thiếu thốn giống thế. Tôi sẽ dâng mọi khó-khăn tư-riêng của mình để hướng lòng về với người nghèo khổ; và tôi sẽ thu-thập hiểu biết xã-hội để, một ngày nào đó, dạy đám học trò của tôi cho chúng có hy vọng có được tâm-linh đạo-hạnh hầu có tính thừa sai/mục vụ để giáo-dục người nghèo, tật bệnh”. (Regina)

“Riêng tôi, tôi thất đây là bài viết khá hay về vấn-đề tính dửng-dưng mang tính toàn-cầu và thấy được rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhà mình đang nói thẳng, nói thực những chuyện bức bách như thế qua cuộc sống của chính ngài và bằng lời rao giảng cho giới trẻ biết được chuyện ấy”. (Paul Go)

Thế đó, là những phản-ứng khá tốt đẹp về Đức Giáo-chủ. Tuy nhiên, có nhiều vị lại nói theo cung-cách khác hẳn, vì đứng từ tầm nhìn cũng rất khác, như nhận-định của nữ-lưu như bên dưới:

“Tôi nghĩ Đức Thánh Cha nhà mình nói hơi sai. Ngày nay, dân chúng thế-giới đâu có dửng-dưng, vô cảm. Có chăng, chỉ là họ không thể tạo ảnh-hưởng lên tình-cảnh khốn-khổ của người khác, mà thôi. Tôi có thể tự khóc than cuộc đời mình rồi lên giường đi ngủ, hoặc dửng dưng với chuyện của Đại tá Oliver, tôi không thể tiếp-tục ăn cơm tối được nữa và trở thành người ốm yếu bệnh tật về thể xác nếu làm thế, nhưng để đi đến kết cuộc nào?

Hãy tạm lấy ví dụ về gia đình tôi xem sao: năm 2011 tôi đi làm và kiếm được vỏn vẹn $50 ngàn đô một năm. Ngay từ đầu năm 2011, tôi làm cùng một công việc và lãnh được $42 nghìn một năm, đến giữa năm tôi mất việc  và cuối năm ấy, tôi đành phải làm công việc để sống sót qua ngày đến khi nào kiếm được việc gì khác tốt đẹp hơn. Nhưng chuyện ấy chẳng bao giờ xảy đến. Nay thì, chỉ làm có một tuần 15 tiếng kiếm có $800 một tuần không thuế. Nhưng không sao, vì chồng tôi vẫn còn đi làm, chúng tôi chia ra: tôi trả tiền cho bọn trẻ, giúp nhà thờ một ít và cuối cùng mang về nhà chỉ mỗi $25 ngàn đô thôi. Đó là về tài-chánh. Nay nói về chuyện tâm can, linh hồn thì tôi nói thế này:

Tôi có người bạn thân vừa biết mình mắc phải căn bệnh ngặt-nghèo là ung-thư xương. Cũng cô này, cách đây trong cùng một tháng đã mất người mẹ già thân yêu và đứa con trai tự vẫn. Hai người bạn khác của tôi lại cũng vừa tiễn-biệt ông chồng trân quý bị ung-thư, người kia mất việc trong một năm. Một trong hai chị bạn này lại cũng bị mất nhà vì thiên tai. Nên câu hỏi tôi đặt ra là: chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi bỏ những người như thế ở lại, để chạy đi tiếp giúp những người ở nơi xa xôi như đảo nhỏ Lampedusa hoặc miền Nam nước Mỹ nơi có những người cứ liều mình băng ranh giới với Mêxicô nhập lậu để rồi bị chết mất xác ở khu sa mạc nóng cháy ấy?

Kể những chuyện này, ý của tôi là: đa số mọi người vẫn đều làm hết mình, để cuộc đời mọi người nên tốt đẹp. Người di dân lậu liều mình chết trong sa mạc hay ngoài biển cả đều là những tít lớn xuất hiện ở báo đài truyền thông, lại cũng có những người âm thầm sống cuộc đời tuyệt-vọng mà chẳng ai ngó ngàng biết đến mà vẫn bị người đời kết cho tội rất bất công là lười biếng, chẳng chịu làm ăn nuôi thân, thành thử những điều nhiều người nói có khi cũng chẳng đúng sự thật cho lắm. Bởi thế nên, có những vấn-đề rất khác nhau nếu mình đứng nhìn từ góc cạnh khác biệt.” (Claudia Williams)

Và, ý-kiến của người ngoài Công-giáo, cũng táo-bạo như độc-giả có tên hơi lạ:

“Tôi không là người Công-giáo, nhưng các tin/bài về Đức Phanxicô, Giáo-chủ Công-giáo tôi thấy ngài này giảng đạo cũng khá hay. Dĩ nhiên trên đời này vẫn có khá nhiều người làm rất nhiều điều tốt đẹp để săn sóc giúp cho những người đang có nhu-cầu. Thế nhưng, thế-giới hiện nay vẫn còn tình-trạnh thiếu trong-lành khi có quá nhiều kẻ bợ đỡ, chỉ phô trương đánh bóng công việc của mình hay người khác chỉ phù thịnh những người và những giới giàu có, sung túc, tức những người từng được báo chí/truyền-thông nêu tên tuổi, địa vị cùng tài sản kếch sù của họ như giới vua quan lãnh chúa no cơm rửng mỡ, những là khoa-trương quần áo, sắc đẹp cùng con cái của mình cho thiên-hạ thèm thuồng, ngưỡng-mộ rồi cổ-võ những thứ xấu xa vô bổ, khoả lấp các ý-tưởng và lời lẽ tốt đẹp do đấng tối cao trong Đạo từng đưa ra. Hoan hô Giáo chủ Phanxicô. Sự can đảm của ngài khiến tôi khâm phục hết mình. Tôi đang đợi bài giảng kế tiếp của ngài xem có gì là quả cảm nữa không đây.” (Ensnaturae2).

Vâng. Đúng thế. Đấng bậc ở trên cao tít chốn ấy, có làm điều gì hoặc có nói làm sao, thế nào cũng có kẻ khen, người chê cũng dễ thôi. Nhưng khen chê thế nào, đề-nghị bạn đề nghị tôi, ta nghe thêm tin tức về hành-xử của Đấng chủ-quản ở chóp bu Giáo hội mình như sau:

“Tin Vatican- Đức Thánh Cha Phanxicô quyết-định duy trì viện Giáo-vụ (IOR) quen gọi là Ngân-hàng Vatican, đồng thời chỉ-thị Viện này tiếp-tục tuân-hành các qui-luật về sự minh-bạch, về việc chống rửa tiền và tài-trợ khủng-bố.

Trong thông-cáo công-bố ngày 7/4/2014, Đức Thánh Cha phê-chuẩn một đề-nghị về tương-lai Viện Giá-vụ, tái khẳng-định sứ-mạng quan-trọng của Viện này để mưu-ích cho Giáo-hội Công-giáo, Toà Thánh Vatican và Quốc gia thành Vatican. Đề-nghị này do các cơ-quan liên-hệ của Toà thánh đệ-trình trong đó có Ủy-ban Toà Thánh nghiên-cứu và đề ra hướng-đi cho cơ-cấu kinh-tế và quản-trị của Toà Thánh, Ủy Ban Hồng Y về Viện Giáo vụ cũng như Hội-đồng Giám-sát-viện này.

Đức Thánh Cha quyết-định rằng Viện Giáo-vụ sẽ tiếp-tục phục-vụ một cách khôn-ngoan thận-trọng và cung-cấp các dịch-vụ tài-chánh chuyên-biệt cho Giáo hội Công-giáo trên toàn thế-giới, viện này cũng giúp Đức Thánh Cha trong sứ-mạng chủ chăn Giáo hội hoàn-vũ hỗ-trợ các tổ-chức và những người cộng-tác trong sứ-vụ của ngài.

Các hoạt-động của Viện Giáo-vụ sẽ tiếp-tục dưới sự giám-sát thường-xuyên của thẩm-quyền thông-tin tài-chánh (AIF) là cơ-quan thẩm-quyền trong lãnh-vực của Toà Thánh và quốc-gia thành Vatican…” (xem Lm Trần Đức Anh, Đức Thánh Cha duy trì “Ngân-hàng Vatican” www.Vietcatholic.net/News/Html/122407.htm)

Thế đó, là cử-chỉ khá quả cảm của đấng bậc ở trên cao vẫn bận rộn cả giáo-vụ lẫn tài-vụ. Những bận và rộn mà rất ít người ở ngoài biết cảm-thông, cảm-kích và cảm-động. Bởi, chức-vụ của Đức thánh (là) cha của cả Giáo-hội mà chỉ một đấng, một vị cai quản nổi. Thế mới biết, đời người đi Đạo dễ gì có được cảm-xúc lẫn cảm-quan để thông-phần rồi cảm-nghiệm.

Cảm gì thì cảm, vẫn là cảm-động rất tâm động khi nghệ sĩ ngoài đời lại cứ hát như sau:

“Này gió, gió bay về trời
Này hoa sẽ rơi về cội
Còn ta đường nào cho ta?
Em ơi em, anh không thể
Nuôi bao nhiêu yêu thương này
Nhớ mong hoài…
Em ơi em, anh không thể
Nuôi bao nhiêu yêu thương này,
Chờ mong, chờ mong mãi…”

(Tuấn Khanh – bđd)

Nghĩ kỹ, thật cũng kỳ. Kỳ một nỗi, là: nghệ-sĩ ở đời, ngoài Đạo lại cứ nói khác hẳn Đấng bậc trong Đạo, về nền văn hoá dửng dưng, rất vô cảm.

Nghĩ rồi, lại sẽ thấy chẳng có gì lạ, khi người nghệ-sĩ ở ngoài đời lại cứ hát những lời ong bướm những ới gọi một đợi chờ con tim đen có nhữ câu nghe không quen, như: “Em ơi! Em ơi, anh không thể nuôi bao nhiêu yêu thương này”, “chờ mong, chờ mong mãi!…” Chờ mong là chờ mong gì. Thôi đành chịu. Đành hết ý, và cũng không hiểu nổi. Như thế, giống hệt như truyện kể về tâm-tình trẻ nhỏ, nay như “vô cảm” trước cảm-tình và cảm-tính của ông bố rất như sau:

“Ông bố nọ, một hôm hứng chí quay vào với con trai bèn hỏi nhỏ:

-Này con yêu. Giữa ba và mẹ, con thương ai nhiều nhất, thế?

-Dạ thương cả hai người ạ!

Ông bố không cam lòng, đành vặn hỏi:

-Nếu Ba đi Mỹ còn Mẹ đi Pháp, con sẽ đi đâu?

-Dạ, con đi Pháp!

-Tại sao thế?

-Dạ, vì Pháp đẹp hơn Mỹ nhiều lắm cơ bố à!

-Thế, nếu Ba đi Pháp, mẹ đi Mỹ con sẽ đi đâu?

-Dạ, con đi Mỹ đấy bố mình à?

-Sao lại như thế?

-Vì con đã đi Pháp rồi!

Có thể, lời con trẻ vẫn rất tự-nhiên vì đã đi rồi tức đã tìm đến nôi văn hoá rất đa cảm rồi.

Nói đến văn-hoá với văn-minh, không lình xình nhiều chuông mõ để chứng-tỏ mình vẫn còn sống ở đây, chốn nợ đời này, nên cứ hát dù câu hát đó có vô tình, vô bổ, ít/nhiều văn-hoa hay văn-hoá rất nhịp nhàng điệu-bộ, kèm lời ca như sau:

“Em ơi em, anh không thể
Nuôi bao nhiêu yêu thương này
Nhớ mong hoài…
Em ơi em, anh không thể
Nuôi bao nhiêu yêu thương này,
Chờ mong, chờ mong mãi…”

(Tuấn Khanh – bđd)

À thì ra, đời người hôm nay ra như thế. Bởi như thế, nên có đức thày nhà Đạo hôm xưa dám tuyên bố những câu nảy lửa, nên đã bị giới chức của tổ-chức rất nhiều tiền tài, bạo lực quen gọi là Mafia Italia, giết quách đi cho rảnh chuyện. Câu nói của đấng-bậc-lẽ-được-phong-thánh là Lm Giuseppe Pino Puglisi, chánh xứ họ đạo San Gaetano ở Palermo, nước Ý dám nói như sau:

“Chúng tôi từng quả quyết, là: chúng tôi muốn kiến-tạo một thế-giới khác-biệt. Hãy để chúng tôi phấn-đấu hầu tạo nên thế-giới có bầu khí lương-thiện đầy ưu-ái, của sự ngay-thẳng đạo-hạnh, của sự công-bằng chính-trực, nói chung của những gì luôn làm Thiên-Chúa vui lòng, hãnh diện.” (xem Edward Pentin, Murdered by the Mafia, honoured by the Church, MercatorNet 13/7/2012)

Xem thế thì, hỡi những người còn mang danh-nghĩa người Công-giáo rất Kitô, và hỡi bạn cùng tôi, ta cứ hiên ngang đứng dậy theo chân bậc tiền-bối dấn bước vào chốn “nợ đời” để chứng tỏ Đạo mình còn đó nỗi vui của người thiện-tâm thiện-ý, không chối bỏ văn-minh/văn-hoá của sự tốt lành hạnh đạo. Rồi ra, ta sẽ thắng rất không lâu.

Trần Ngọc Mười Hai

Những muốn cho mình và cho người

Giữ mãi nét đẹp văn-hoá

và văn-minh của Đạo mình.

 

Người Uighur kêu gọi LHQ điều tra VN

Người Uighur kêu gọi LHQ điều tra VN

Thứ tư, 23 tháng 4, 2014

Ông Dilshat Rashit kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra Việt Nam

Hội Người Uighur Thế giới kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra Việt Nam về vụ đổ máu ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh.

Ông Dilshat Rashit, phát ngôn viên của hội có trụ sở tại Đức nói với BBC tiếng Trung chiều 22/4:

“Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Liên Hiệp Quốc hành động của chính quyền Việt Nam, vốn làm chết người Uighur, xem liệu họ có vi phạm Công ước Liên Hiệp quốc về Người Tị nạn hay không.”

Điều 31 của Công ước được gần 150 nước phê chuẩn cấm các nước thành viên trừng phạt những người vào nước họ từ nơi tính mạng hay sự tự do của họ bị đe dọa với điều kiện người nhập cư trái phép phải trình diện chính quyền và chứng minh được họ có lý do chính đáng để vượt biên.

Tuy nhiên Việt Nam chưa phải là thành viên của công ước có hiệu lực từ năm 1954 này.

Trong vụ người Uighur bị cho là cướp và nổ súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, hai lính biên phòng Việt Nam thiệt mạng.

Năm người Uighur cũng tử vong, ba người nhảy từ trên tầng ba xuống “tự tử” và hai người bị “bắn chết”, theo lời Đại tá Lê Tiến Thanh, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Việt Nam nói với VTV hôm 18/4.

“Khi đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ thì bạn [công an Trung Quốc] sang tiếp nhận để chuẩn bị ký vào hồ sơ thì bất ngờ vùng dậy, có hành động cướp súng của chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ và đập vỡ ghế lấy chân để chống đối lại lực lượng công vụ và chúng đã cướp được một súng của biên phòng và dùng súng đó bắn lại lực lượng chức năng tại cửa khẩu.”

Chỉ huy Biên phòng Quảng Ninh, Đại tá Lê Tiến Thanh

Về nội tình vụ cướp và nổ súng, ông Thanh nói:

“Khi đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ thì bạn [công an Trung Quốc] sang tiếp nhận để chuẩn bị ký vào hồ sơ thì bất ngờ vùng dậy, có hành động cướp súng của chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ và đập vỡ ghế lấy chân để chống đối lại lực lượng công vụ và chúng đã cướp được một súng của biên phòng và dùng súng đó bắn lại lực lượng chức năng tại cửa khẩu.”

Trong khi đó phát ngôn viên Dilshat của Hội người Uighur Thế giới nói nhóm 16 người Uighur, trong đó có bốn phụ nữ và hai trẻ em, muốn được gặp các quan chức Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên phía Việt Nam hoặc không hiểu hoặc hiểu những không đáp ứng.

Ông nói nhóm người Uighur đã chống cự khi thấy cảnh sát Trung Quốc xuất hiện ở Bắc Phong Sinh và dẫn tới vụ đổ máu.

Trang Bấm Facebook của Hội Người Uighur Thế giới cũng dẫn lại lời một blogger của Việt Nam, người đặt câu hỏi ai đã cho phép cảnh sát Trung Quốc mang theo vũ khí vào Bắc Phong Sinh và tại sao phải mất ba tiếng người ta mới có thể khống chế được nhóm người Uighur vốn chỉ có một khẩu súng và “không quá năm viên đạn”.

Không cấp hộ chiếu

Phát ngôn viên này nói hiện Hội Uighur Thế giới cũng không thể xác định được tung tích của nhóm người bị Việt Nam trả về và nói thêm.

“Sau sự cố này, cảnh sát địa phương [Trung Quốc] đã có đợt trấn áp người Uighur và bắt một số người cũng như tăng cường giám sát.”

Chỉ trong những ngày cuối tuần trước đã có 37 người bị bắt khi toan vào Việt Nam và 15 người bị bắt ở biên giới Thái Lan/Campuchia.

Cả Thái Lan và Việt Nam đều không phải là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn trong khi Campuchia đã phê chuẩn công ước này hồi năm 1992.