Đóng cửa trường dạy trẻ tự kỷ bằng gậy gộc

Đóng cửa trường dạy trẻ tự kỷ bằng gậy gộc
July 24, 2014

Nguoi-viet.com
SÀI GÒN (NV)Ngành giáo dục Sài Gòn lại thêm tai tiếng vì vụ người nuôi dạy trẻ tự kỷ bằng gậy gộc, vừa được tung lên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam.

Theo báo Thanh Niên, ngôi trường này được gọi là “Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương,” tọa lạc tại phường 15, quận Tân Bình, Sài Gòn. Trường hiện có khoảng 30 trẻ thuộc nhiều lứa tuổi, bị mắc bệnh tự kỷ được cha mẹ gửi đến để được săn sóc về vật chất lẫn tinh thần, cho ăn uống và dạy học.


Ðánh đập, hành hạ trẻ tự kỷ của cô giáo trường tiểu học Anh Vương. (Hình: báo Thanh Niên)

Ðội ngũ nhân viên của trường khoảng 5 người, lớn tuổi nhất là bà Lê Thị Thúy Vân, 56 tuổi, quê ở Vĩnh Long. Người trẻ nhất trong nhóm là Ðỗ Thị Trúc, 21 tuổi, sinh viên một trường đại học sư phạm, quê ở Bình Ðịnh…

Một đoạn clip quay lén của báo Thanh Niên cho thấy, riêng trong một tuần lễ, từ ngày 7 đến ngày 13 tháng 7, 2014, các cô giáo, nhân viên của trường Anh Vương thường xuyên đánh đập các em. Các em bị hành hạ nhiều lần nhất là Trần Minh Sang, 8 tuổi; Nguyễn Phi Bằng, 8 tuổi; Danh Phương, 5 tuổi, và Trần An Tường, 18 tuổi. Các em bị đánh bằng roi vọt, có em trai bị bẹo bộ phận sinh dục nhiều lần…

Xem đoạn clip trên, người ta còn thấy có cô cũng vật học trò tự kỷ của mình xuống nền gạch, đấm đá tới tấp. Nguyên nhân khiến các em bị đòn, chỉ vì đòi về nhà, hái cây lá trong vườn, đi uống nước trong lúc ăn, bật tivi hoặc mặc lộn áo của bạn…

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Hữu Thế Trạch của Ðoàn Luật Sư Sài Gòn cho rằng, tệ hành hạ trẻ em ở đây trầm trọng không kém vụ xảy ra tại trường mẫu giáo Phương Anh ở quận Thủ Ðức mới đây. Ðiều đáng nói, học sinh của trường Anh Vương là học sinh bị bệnh tự kỷ, không nhận thức đầy đủ hành vi của mình, không thể bị hành hạ bằng hành vi bạo lực.

Báo Thanh Niên cho biết thêm, bảng hiệu của trường tiểu học Anh Vương đã bị gỡ bỏ từ sáng ngày 22 tháng 7. Sáng ngày 23 tháng 7, đoàn cán bộ của Phòng Giáo Dục quận Tân Bình cũng đã đến xem xét tình hình tại trường Anh Vương. Công an quận Tân Bình cũng cho hay đã mời ba giáo viên trường Anh Vương đến trụ sở để thẩm vấn.

Kết luận cuối cùng về việc liệu có vi phạm hình sự tại trường Anh Vương hay không, sẽ được công an địa phương thông báo trong vài ngày tới. (PL)

 

‘Không ai sống sót’ vụ máy bay Algerie

‘Không ai sống sót’ vụ máy bay Algerie

Thứ sáu, 25 tháng 7, 2014

Toàn bộ số hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay AH5017 của hàng không Algerie đã thiệt mạng, theo lời của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Ông Hollande nói đã thu được hộp đen của máy bay sau khi lính Pháp tìm kiếm ở vùng xảy ra tai nạn ở Mali.

Máy bay do hãng hàng không Air Algerie vận hành bị rớt cách biên giới Burkina Faso chừng 50km, theo quân đội nước này.

Kiểm soát không lưu mất liên lạc với chiếc máy bay vào sáng thứ Năm giờ địa phương sau khi phi công cho hay đang gặp bão lớn.

Trong số các hành khách có 51 công dân Pháp.

Chiếc máy bay McDonnell Douglas MD-83 – chuyến bay số hiệu AH 5017 – được thuê từ hãng hàng không Swiftair của Tây Ban Nha.

Truyền hình nhà nước Mali xác nhận rằng xác chiếc máy bay được trực thăng của Burkina Faso tìm thấy tại làng Boulikessi.

Gilbert Diendere, một viên tướng của Burkina Faso, nói Mali đã đồng ý tổ chức tìm kiếm xuyên biên giới sau khi một người dân ở Gossi cho biết đã nhìn thấy máy bay rơi xuống phía tây nam thị trấn này.

Ông nói với hãng AP: “Họ đã tìm thấy xác người và mảnh vỡ của chiếc máy bay bị cháy và rơi tung tóe”.

Mất liên lạc

Chiến đấu cơ của Pháp và trực thăng của Liên Hiệp Quốc đã tìm kiếm máy bay tại khu vực sa mạc xa xôi thuộc miền bắc Mali giữa Gao và Tessalit.

Liên lạc với chuyến bay AH 5017 bị mất khoảng 50 phút sau khi cất cánh từ Ouagadougou vào sáng thứ Năm, theo hàng không Air Algerie.

Phi công đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu của Niger tại Niamey lúc khoảng 01:30 GMT (08:30 sáng giờ Hà Nội) để yêu cầu chuyển hướng vì bão cát.

Quan chức Burkina Faso nói rằng trong danh sách hành khách có 27 công dân Burkina Faso, 51 công dân Pháp, tám người Lebanon, sáu người Algeria, hai người Luxembourg, năm người Canadia, bốn công dân Đức, một công dân Cameroon, một người Bỉ, một người Ai Cập, một người Ukraine, một người Thụy Sỹ, một người Nigeriavà một công dân Mali.

Phi hành đoàn sáu người đều là người Tây Ban Nha.

Chuyến bay AH 5017 bay chặng Ouagadougou-Algiers bốn lần một tuần, theo thông tấn xã AFP.

Phóng viên BBC tại Tây Phi Thomas Fessy nói chặng bay này có nhiều hành khách Pháp sử dụng.

Nhiều chủ Facebook Việt ‘mất tài khoản’

Nhiều chủ Facebook Việt ‘mất tài khoản’

Thứ sáu, 25 tháng 7, 2014

Luật sư Lê Công Định là nạn nhân mới nhất của đợt báo cáo sai lên Facebook

Hàng chục trang Facebook cá nhân của những nhà hoạt động và cây viết có tiếng đã bị tạm thời khóa lại trong gần hai tuần qua.

Một số người dùng Facebook nói lý do của tình trạng này là sự lạm dụng chức năng báo vi phạm lên Facebook.

Nhà báo Huy Đức nói có người đã báo với Facebook rằng chủ tài khoản Osin Huy Đức, vốn có 40.000 người đăng ký nhận tin, chưa tới 13 tuổi.

Nạn nhân mới nhất là luật sư Lê Công Định người viết hôm 24/7 trên trang Facebook được lập ra trước đây của ông nhưng nay lấy tên là ‘LS Lê Công Định’:

“Nếu trang này bị report nữa, tôi sẽ tiếp tục nhẫn nại tạo ngay những trang mới mà không oán trách hoặc lên án ai, bởi lẽ quyền tự do tư tưởng phải được bảo vệ một cách kiên trì bằng thái độ ôn hòa.

“Mọi mưu toan tước đoạt quyền tự do của con người chắc chắn sẽ thất bại. Đó là niềm tin bất diệt của tôi.”

Các cá nhân và tổ chức khác nhau nói họ đã liên hệ trực tiếp với các bộ phận khác nhau của Facebook ở Hoa Kỳ để phục hồi lại hoạt động của các tài khoản bị báo cáo sai.

Đảng Việt Tân cho biết hôm 25/7 rằng họ đã gửi danh sách khoảng 30 tài khoản bị ảnh hưởng tới Facebook và các tài khoản này nay đã hoạt động trở lại.

Facebook báo lỗi khi truy cập vào các tài khoản bị ‘tấn công’

Trong số những người bị ảnh hưởng ngoài nhà báo Huy Đức và luật sư Lê Công Định còn có các cây viết Đoan Trang, Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Nguyễn Tường Thụy và Nguyễn Lân Thắng.

Hai trang Osin Huy Đức và Mẹ Nấm nay hoạt động trở lại với tên thật Bấm Trương Huy SanBấm Nguyễn Như Quỳnh.

Đại diện của Facebook ở London nói với BBC Tiếng Việt chính sách từ trước tới nay của họ là các trang cá nhân phải dùng tên thật.

Họ cũng nói chính sách báo lỗi hay sai phạm của Facebook là để bảo vệ cộng đồng hơn một tỷ người dùng nhưng họ cũng biết chính sách này bị lạm dụng tại một số nơi.

Facebook nói khi một tài khoản bị tố cáo, Facebook sẽ đưa tài khoản này vào ‘checkpoint’, tạm dịch là ‘khu cách ly’.

Tài khoản không bị xóa mà bị ngưng hoạt động trong khi chờ chủ tài khoản cung cấp các tài liệu cần thiết để chứng minh họ không vi phạm, chẳng hạn các giấy tờ xác định rằng mình đã trên 13 tuổi như trong trường hợp của nhà báo Huy Đức.

Họ nói hầu hết các tài khoản là đối tượng của việc báo cáo được giải quyết trong vòng ba ngày nhưng cũng có người sử dụng từ Việt Nam nói họ phải chờ đợi lâu hơn thế.

BBC cũng đang đợi câu trả lời từ Facebook về chuyện ai đứng đằng sau các vụ báo cáo hàng loạt các tài khoản vừa qua và liệu những chủ tài khoản ở Việt Nam có thể đề nghị để Facebook chứng thực tài khoản cho họ.

Những tài khoản được chứng thực sẽ có một dấu xanh hình chữ V nhỏ như trên tài khoản của danh hài Bấm Xuân Hinh hoặc của người nổi tiếng Bấm Lê Thị Huyền Anh.

Ống Ðiện Thoại Sống

Ống Ðiện Thoại Sống

Xã hội càng văn minh, kỹ thuật càng tân tiến, thì người già càng bị ngược đãi trong nhiều nước trên thế giới hiện nay.

Tại Roma chẳng hạn, trước năm 1968 với khoảng 3 triệu dân cư, người ta ước tính có đến trên sáu trăm ngàn người già.  Chỉ có một số nhỏ được săn sóc đàng hoàng, đa phần phải trải qua một trong những thử thách lớn nhất của tuổi già là cô đơn và nhiều sự ngược đãi khác.

Từ đó phát sinh ra Cộng đồng Thánh Egidio, gồm một số thanh niên trung-học ở Rôma.  Người chủ xướng là Andrea Riccardi.  Họ đã dấn thân một cách đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của người già.  Về sau thêm các việc giúp đỡ người mắc bệnh AIDS, và những người vô gia cư.  Họ có in một quyển sách nhỏ tựa đề “Where to Eat, Sleep, Wash in Rome”.  Chủ tịch cộng đồng thánh Egidio hiện nay là Marco Impagliazzo.

Điểm đặc biệt là cộng đồng này đã đưa ra một sáng kiến gọi là “Cú điện thoại chống lại bạo động và bênh vực quyền lợi của người già”.  Với sáng kiến này, cộng đồng đã thiết lập một đường dây điện thoại đặc biệt nhằm giúp cho những người già đang sống một mình hoặc bà con thân thuộc của họ có thể liên lạc để xin trợ giúp trong bất cứ nhu cầu nào.

Túc trực điện thoại trên đường dây này là 60 nhân viên, tất cả đều đã từng có kinh nghiệm trong nhiều ngành khác nhau như luật pháp, cán sự xã hội, y tá, nói chung trong mọi lĩnh vực có liên quan đến các vấn đề của người già.

Qua sáng kiến trợ giúp trên đây, nhiều người già cả đã ý thức hơn về quyền lợi của họ cũng như tìm được nhiều an ủi đỡ nâng qua chính những người chỉ túc trực ở điện thoại để lắng nghe.

Một tác giả đã viết về sự cô đơn như sau:

“Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, muốn nhận mà chẳng có ai cho.

Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ chẳng bao giờ đến.  Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông.

Cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt.  Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng.

Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con cái cô đơn bên cha mẹ.  Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn.

Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những con sông thờ ơ, những mây mù ảm đạm.  Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với những người khác…”.

Những dòng trên đây như muốn nói lên một sự thật :  ai trong chúng ta cũng đều có thể rơi vào cô đơn.  Trong bất cứ tuổi tác nào, trong bất cứ địa vị nào trong xã hội, ai cũng có thể làm mồi cho cô đơn.

Liều thuốc để ra khỏi sự cô đơn, chính là ra khỏi chính mình để làm cho người khác bớt cô đơn.

Xã hội sẽ được ấm tình người hơn nếu mỗi người biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của mình để đến với người khác, để trở thành một đường dây điện thoại sống cho người khác.

Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

NƯỚC MỸ SỐ MỘT VÌ “TOILET”?

NƯỚC M S MT VÌ “TOILET”?

Tác giả: Phượng Vũ

http://www.gocnhinalan.com/wp-content/uploads/2013/09/toilet.jpeg

Lợi tức đầu người (GDP) dân Na Uy đứng hạng 3 trên thế giới : 65,500 USD 1 năm, Mỹ hạng 7 = 50,000usd,  nhưng vật giá ở Na Uy cao hơn Mỹ gần 3 lần, xăng giá 11usd /1 gallon, sale tax 25%, nhà hàng không cho free nước đá lạnh như Mỹ, khát phải mua 1 chai nước nhỏ giá 24 Krone = 4USD, suy ra nếu so sánh GDP Mỹ với vật giá Âu Châu thì GDP Mỹ phải cao hơn 150,000 USD !

Ngay giữa thành phố Oslo là công viên tên Vigelandsparken Sculpture Park có những bức tượng điêu khắc mỹ thuật, rộng 80 mẫu, hàng triệu du khách đến mỗi năm..nhưng chỉ có 1

nhà vệ sinh bên cạnh quán nước ngoài cổng, phải nhét đồng 10 Krones (1.75USD) để sử dụng, nhìn đoàn người xếp hàng rồng rắn bên ngoài chờ là.. nhịn luôn !

Nước Mỹ số một…

Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.

“Đi cho biết đó biết đây
Ở hoài một chỗ, biết ngày nào “khôn”

Ông bà ta từ ngàn xưa đã có cái “nhìn xa trông rộng” thấy được nhu cầu phát triển sự hiểu biết, sự “khôn” lên qua việc đi đó đây. Vì thế ngày nay du lịch là ngành “kỹ nghệ không khói” nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra nhờ đi đó đây, ta mới có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh để “biết mình, biết người”.
Ở Mỹ lâu năm, quen hưởng những tiện nghi đời sống căn bản của mọi người trong xã hội ( kể cả người nghèo), riết trở thành quen, thấy bình thường và xem đó là lẽ đương nhiên. Ví dụ như nhu cầu vệ sinh: ở Mỹ cầu tiêu công cộng có ở khắp nơi, giấy vệ sinh, giấy lau tay xài thoải mái, vòi nước uống cũng được thiết kế khắp nơi. Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.
Nhưng khi du lịch ra nước ngoài khac mới “thấm thía”! Cái gì cũng phải trả tiền, kể cả nhu cầu vệ sinh (giá từ 1$ – 1.5$/1 lần, tùy nơi, tùy nước). Không phải chỉ tốn tiền mà còn “gian nan” khi hữu sự, để tìm cho ra “nơi cần đến”, ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới!

Tôi nhớ có một lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! Đó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi “khốn đốn” khi hữu sự!

Tôi nhớ một lần ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra “nơi phải đến”, “bí” quá bèn hỏi:
– Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không?
– Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn!
Có những WC có người ngồi thâu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (cắc) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền cắc (Euro) trong túi, có một bà “mắc” quá nhưng không đổi được tiền cắc, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!

Ở một số nước châu Á như Trung quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như… cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ.

Ôi “cung đình” mà không có giấy vệ sinh! Đúng là XHCN, hình thức trình diễn thì xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng. Trong đời sống có những nhu cầu xem ra có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng khi cần đến mà không có thì nó trở thành một trở ngại lớn, khiến người ta “điêu đứng” vì nó.

Nghe kể có một đoàn du khách nước ngoài viếng các lăng tẩm của triều đình Huế, đi từ lăng này đến lăng kia, cảnh đẹp hùng vĩ bao la…, bỗng một du khách cần đi WC, hướng dẫn viên tìm hoài không ra, bèn chỉ khách vào bụi cây xài đỡ,khách cương quyết không chịu! Vậy là cả đoàn phải ngưng tham quan, ra xe trở về khách sạn.
Phi trường ở Mỹ, ghế ngồi chờ đợi cho hành khách là ghế nệm dày và lúc nào cũng dư thừa, thậm chí lúc ít khách có thể nằm ngủ thoải mái. Toilet và vòi nước uống có khắp nơi, bây giờ lại có thêm những chỗ cho hành khách charge pin điện thoại, laptop, I pad, I phone…

Nhưng khi tới phi trường Paris (CDG) những nhu cầu căn bản đó hình như biến mất. Thực ra trước đây tôi đã đến phi trường Paris nhiều lần, nhưng đều đi ra ngay luôn. Lần này chuyến bay chuyển ở Paris trước khi tới Berlin nên tôi mới có cơ hội thâm nhập CDG. Trước hết khi máy bay đáp xuống CDG, tôi ngạc nhiên khi thấy phải đi cầu thang sắt xuống, với va li carry-on, nếu kéo đi thì nhẹ nhàng, nhưng phải xách nó lên và leo mấy chục bậc thang xuống thì không dễ chút nào! Sau đó, leo lên xe buýt chở vô phi trường.

Vô đây tôi lại tiếp tục chạy vòng vòng, mệt “bở hơi tai” vì phải xách carry-on lên xuống cầu thang nhiều lần đi từ khu này qua khu khác, phải qua khu x-ray (khám bằng tay là chính) rồi mới tới được cổng đổi chuyến bay! Khu nhà kiếng tương đối nhỏ nhưng có tới 12 cổng, mỗi cổng chỉ vỏn vẹn có một quầy nhỏ và một computer. Có một số băng ghế sắt trong khu vực cho hành khách ngồi đợi nhưng quá ít so với nhu cầu, nên hành khách ngồi la liệt dưới đất, khắp lối đi. Một số ông thì ngồi vắt vẻo trên các lan can, bờ tường. Tôi vừa mỏi chân, vừa mệt vừa khát nước, nhưng nhìn quanh cả khu vực không thấy có vòi nước uống nào, cả WC cũng không có, chỉ thấy toàn người là người
Khi lên được máy bay Air France, ngồi yên chỗ quan sát, tôi có cảm tưởng nó là “xe đò bay” thì đúng hơn (khi so sánh với máy bay Mỹ mà tôi vừa đi) vì ghế ngồi và thiết bị cũ kỹ như từ thế kỷ trước. Lúc máy bay cất cánh tôi nghe nó gầm gừ “phành phành” rồi “ạch ạch” như đang cố sức nâng cái thân già nua bốc lên khỏi mặt đất, tôi chỉ lo nó rớt (may là tôi có mua bảo hiểm rồi nên đỡ lo). Cuối cùng sau một hồi “lắc lư con tàu” nó cũng bay lên được. Yên tâm rồi, tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi (vì chẳng có phương tiện giải trí nào: nhạc, tivi…).
Cơn khát nước làm tôi chợt tỉnh, thấy chung quanh ai cũng có ly nước, tôi bèn yêu cầu một nam tiếp viên cho xin ly nước, nhưng hắn trố mắt ra ngó tôi như tôi đang đòi hỏi một điều gì quá đáng, rồi hắn phớt lờ (đúng là tính “ga lăng” của đàn ông Pháp đã trở thành quá khứ). Có lẽ họ cho rằng họ chỉ phát nước theo giờ của họ, hết giờ là hết phát? Sau khi yêu cầu 2 lần không được, khát quá tôi đợi lúc bà tiếp viên trưởng đi ngang để lập lại yêu cầu, bà bảo tôi đợi một lát và mang đến cho tôi một ly nước nhỏ. Hình như nước trở thành hiếm quý và cách phục vụ lịch sự cũng hiếm quý luôn!

Ôi Air France! một thuở mơ ước khi tôi còn học trung học ở Saigon, lúc nhìn những hình ảnh quảng cáo của Air France trên các tạp chí nước ngoài! Ôi mộng và thực đúng là “nghìn trùng xa cách”! Xin tạm biệt Air France và phi trường Paris (kinh đô ánh sáng một thời) mà không mong ngày gặp lại! Có lẽ từ đây nếu có du lịch châu Âu, tôi phải lo học thuộc lòng câu của William Shakespear: “I always feel happy, you know why? Because I don’t expect anything from anyone.”
Tới phi trường Berlin (TXL) lại cũng phải đi cầu thang sắt xuống, rồi đi xe bus vô phi trường, xem ra phi trường này còn nhỏ và thiếu tiện nghi hơn phi trường Paris, tôi lại tiếp tục xách carry-on mệt nghỉ, chứ không kéo đi nhẹ nhàng như ở các phi trường Mỹ. May mà hai nước Pháp và Đức là hai nước lớn lại có nền kinh tế vững mạnh trong khối châu Âu!
Đúng là có đi ra ngoài mới thấy tien nghi o nước Mỹ là số một, đó là chưa kể đến vụ so sánh giá cả hàng hóa ở Mỹ và châu Âu, hàng hóa ở Mỹ vừa nhiều vừa rẻ. Sau này về đến phi trường LAX tôi thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái, tất cả đều được chuẩn bị phục vụ chu đáo nhanh gọn, lịch sự.

Đúng là “sweet home” Ôi! “My beautiful America”. Bây giờ tôi mới cảm thấy thực sự yêu mến và tự hào về quê hương thứ 2 của tôi : Nước Mỹ yêu dấu! Quả là:
“Phải chờ đến xế chiều
Ta mới thấy ánh sáng ban ngày rạng rỡ biết bao!”

Nói đến niềm tự hào về nước Mỹ, tôi lại nhớ đến sự việc trên chuyến Cruise Coastal cua Duc vừa đi. Ngày thứ hai lên tàu thì toilet trong phòng bị nghẹt, tôi gọi điện cho họ sửa mấy lần mà tình trạng vẫn không thay đổi, tôi phải xuống chỗ “Customer Service” để xếp hàng đi khiếu nại.

Thật ngạc nhiên khi họ “tỉnh bơ” cho biết không phải chỉ riêng phòng tôi mà các phòng ở tầng 2,5,8 đều bị như vậy, họ đang sửa, khi nào xong họ sẽ thông báo. Tôi bèn hỏi:
– Trong khi chờ sửa, thì khách giải quyết vụ toilet ra sao?
– Đi kiếm mấy cái toilet công cộng mà xài
– Nhưng chúng ở đâu?
Sau một hồi thắc mắc tới lui, họ mới chịu lục sơ đồ ra để tìm và cho biết một cái ở lầu 9, một cái khác ở lầu 4. Nghĩa là khi hữu sự phải “ôm bụng” chạy vòng vòng mấy tầng lầu để đi tìm cái toilet công cộng và xếp hàng chờ tới phiên. Chắc là dân châu Âu quen kiểu này rồi nên không thấy phiền?
Trở về phòng, tôi bực bội kể lại cho chị bạn cùng phòng nghe, chị là bác sĩ hưu trí ở Đức. Sáng nay chị đã là nạn nhân “ôm bụng” chạy vòng vòng, may mà tình cờ tôi nhớ ra cái toilet công cộng ở lầu 9 cạnh bên nhà hàng, nên chỉ cho chị. Do đó tôi tưởng chị là “đồng minh” bèn nói:
-Hệ thống phục vụ trên tàu quá tệ! Đã vậy xem ra họ còn thản nhiên cho đó là chuyện nhỏ, không hề có một lời xin lỗi khách hàng. Ở Mỹ thì họ đã xin lỗi ríu rít rồi…
Không ngờ chị phản ứng mạnh:
– Mệt quá, Mỹ cái gì cũng tốt, cũng ngon lành hết! Dân Mỹ được nuông chiều quá hóa hư! Bởi vậy trên thế giới, Mỹ đi đâu cũng bị chúng ghét, bị khủng bố cho chết hết là đúng rồi! Lúc nào cũng đòi hỏi thứ này, thứ kia , còn đòi xin lỗi…“nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”…
Chị mắng cho một hồi “tràng giang đại hải” mà vẫn chưa hả cơn giận. Tôi ngơ ngác vì bỗng dưng mình bị “giũa” một trận te tua chỉ vì là “dân Mỹ” mà nào tôi có đòi hỏi điều gì cao cấp đâu, chỉ là những nhu cầu căn bản thôi. Thôi “một sự nhịn chín sự lành”, nên tôi nín nhịn vì chị lớn hơn tôi nhiều, coi như mình nhịn “chị hai” trong nhà cho mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp trong chuyến đi chơi!

Suy ra mới biết tinh thần “bài Mỹ” ở các nước Âu châu khá mạnh (ghé vô Nga 1 ngày tham quan cũng phải nộp tiền làm đơn xin visa). Kiểu này qua các nước Trung Đông chắc bị “xơi tái” quá, nhưng tôi nhớ một lần cách đây 5,6 năm dân Mỹ qua Ai cập thì lại được đối xử như VIP, đi đâu cũng được ưu tiên và có xe jeep hộ tống “tiền hô, hậu ủng” rất oai!
Hôm sau tâm sự với một chị bạn khác về nỗi ấm ức bị mắng oan. Chị trả lời:
– Chắc tại chị ấy ở Đức lâu, nên ngấm tinh thần “tự tôn dân tộc” của dân Đức, không muốn nước nào qua mặt, mà như vậy là tự ái dân tộc dỏm, vì dù gì mình cũng là người Viết Nam! (Chị cười) Ai bảo Mỹ giàu hơn, mạnh hơn nên dễ bị chúng ghét!
Tôi chán ngán:
– À thì ra vậy! Hèn gì em nghe người ta thường nói “ở đời mình thua chúng khinh, mình hơn chúng ganh ghét, mình bằng chúng nói xấu”.
Không biết đến bao giờ các dân tộc trên thế giới sẽ sống với nhau trong tâm trạng “để hận thù người người lắng xuống” hầu không còn ai cảm thấy:
“Đôi khi ta muốn thoát ly
Đi thật xa khỏi cuộc đời này
Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai” (L.H.H.)
Dù sao nhờ có đi ra ngoài, có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh, tôi mới biết trân quý hơn những điều tôi đang được hưởng mỗi ngày ở xã hội này, mà đôi khi quá quen, tôi cứ xem đó là lẽ đương nhiên, là chuyện thường tình (giống như trong đời sống gia đình có nhiều người có phước có được những bà vợ, ông chồng rất tốt, rất tử tế, nhưng họ không hề biết quý và cứ nghĩ đó là chuyện đương nhiên và bình thường, cho đến khi không còn nữa mới hối tiếc thì đã muộn!).

Khi ý thức lại những tiện nghi của đời sống ở Mỹ mà tôi vẫn xem đó là chuyện bình thường, tôi mới biết đôi khi nó là niềm ước mơ của biết bao người trên thế giới nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Họ không chỉ cần những nhu cầu vật chất căn bản của đời sống nhưng còn cần những nhu cầu căn bản về tinh thần (quyền làm người, quyền tự do…) mà họ khát khao nhưng không hề được đáp ứng!
Xin cám ơn Chúa, xin cám ơn đời đã cho tôi có một cuộc sống tương đối an lành trên xứ Mỹ này, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh khác nơi quê nhà, vì có thể “Một tình thương cho cuộc sống đang chờ đợi ta” bởi:
“Tình yêu là trái chín của mọi mùa
Nằm trong tầm với của mọi bàn tay” (Mẹ Theresa)

Phượng Vũ
9/2013

 

10 ĐIỀU SUY NGẪM


10 ĐIỀU SUY NGẪM

1. Cầu nguyện không phải là “bánh xe dự phòng” để lấy ra khi gặp khó khăn, nhưng là “tay lái” để lái đi đúng đường suốt cuộc tạm hành trên đất này.

2. Tại sao xe hơi có KIẾNG TRƯỚC lớn hơn nhiều so với KIẾNG CHIẾU HẬU?  Vì QUÁ KHỨ của chúng ta không quan trọng so với TƯƠNG LAI. Vậy, hãy nhìn thẳng phía trước và đi tới.

3. Tình bạn như một QUYỂN SÁCH. Chỉ cần vài phút để đốt đi, nhưng cần vài năm để viết.

4.  Tất cả những điều mình có trong đời sống nầy đều tạm bợ. Nếu được hạnh thông, hãy vui hưởng, vì nó sẽ chóng qua. Nếu không thuận lợi, cũng đừng lo lắng, vì nó cũng sẽ không kéo dài.

5. Bạn cũ là Vàng! Bạn mới là Kim Cương! Nếu ta có Kim Cương, đừng quên Vàng! Vì muốn giữ được Kim Cương, ta luôn cần Vàng để bọc Kim Cương!

6. Thường khi ta mất hy vọng và nghĩ đây là đoạn cuối đường, Thượng Đế ở trên cao cười và nói: “Hãy thư giãn, con yêu của ta. Đó chỉ là khúc quanh, chứ không phải là đường cùng”.

7. Khi Thượng Đế giải quyết những vấn đề của ta, ta đặt niềm tin nơi Ngài.  Khi Thượng Đế không giải quyết những vấn đề của ta, Ngài đặt niềm tin vào khả năng của ta.

8. Một người mù hỏi thánh Anthony: “Có thể còn điều nào khổ hơn là bị mù không?”  Ông thánh trả lời: “Có, lúc ngươi mất định hướng!”

9. Khi chúng ta cầu nguyện cho người khác, Thượng Đế lắng nghe và ban phước cho người đó. Và đôi khi chúng ta bình an, hạnh phúc, hãy nhớ rằng một người nào đó đã cầu nguyện cho ta.

10. Sự LO LẮNG không dẹp bỏ được sự KHÓ KHĂN ngày mai, nhưng nó lấy đi sự BÌNH AN hiện tại.

Đài Loan : Tai nạn hàng không, 48 người chết

Đài Loan : Tai nạn hàng không, 48 người chết

RFI

Chiếc máy bay GE222 của TransAsia Airways, rơi rã từng mảnh. Anh ngày 24/07/2014.

Chiếc máy bay GE222 của TransAsia Airways, rơi rã từng mảnh. Anh ngày 24/07/2014.

Reuters

Thanh Hà

Chuyến bay GE222 của hãng hàng không Đài Loan TranAsia Airways bị rơi vào tối  23/07/2014 tại huyện Bành Hồ (Penghu), miền tây Đài Loan. Tai nạn xảy ra vào lúc bão Matmo đang đổ xuống Đài Loan. Theo điều tra sơ khởi, chiếc máy bay nói trên bị nổ trước khi đáp xuống phi trường Mã Công (Magong). Trong số các nạn nhân thiệt mạng có hai công dân Pháp.

Máy bay bị nạn là một chiếc ATR 72-500 xuất phát từ Cao Hùng (Kaoshiung) để bay tới Bành Hồ. Đây là một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng của Đài Loan. Theo các nguồn tin từ sân bay thuộc thị xã Mã Công – Bành Hồ, vào lúc 7 giờ tối hôm qua, chiếc máy bay của hãng hàng TransAsia Airways đã bị rơi trước khi tiến vào phi đạo. 5 người trong khu vực bị thương. Một phóng viên của AFP tại chỗ cho biết chiếc máy bay đã bị rã ra từng mảnh. 48 người thiệt mạng trong số 58 hành khách và phi hành đoàn.

Báo chí Đài Loan nêu lên câu hỏi vì sao chuyến bay GE222 đã được phép cất cánh trong lúc cơn bão Matmo đang ập vào hòn đảo này. Bộ trưởng giao thông Đài Loan thì cho rằng, các điều kiện thời tiết không bắt buộc các giới chức không lưu phải hủy các chuyến bay. Các toán cứu hộ vừa tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay bị nạn.

TransAsia Airway là hãng hàng không lớn nhất của Đài Loan, bảo đảm các chuyến bay nối liền hòn đảo này với Hoa Lục, Nhật Bản Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam.

 

Thế giới có trên 2,2 tỉ người nghèo và cận nghèo

Thế giới có trên 2,2 tỉ người nghèo và cận nghèo

RFI

Thiên tai, một nguyên nhân dẫn đến thiếu ăn. Một cảnh tượng ở Quảng Đông, Trung Quốc do cơn bão Rammasun. Ảnh ngày 19/07/2014.

Thiên tai, một nguyên nhân dẫn đến thiếu ăn. Một cảnh tượng ở Quảng Đông, Trung Quốc do cơn bão Rammasun. Ảnh ngày 19/07/2014.

Reuters

Thụy My

Liên Hiệp Quốc hôm nay 24/07/2014 cảnh báo, trên 2,2 tỉ người trên thế giới là người nghèo hay cận nghèo ; con số này còn có thể tăng lên theo với các cuộc khủng hoảng tài chính và thiên tai.

Trong báo cáo năm 2014 được công bố hôm nay tại Tokyo, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nêu ra giá thực phẩm và các cuộc xung đột dữ dội, trong số những nguyên nhân làm trầm trọng thêm nạn nghèo khó.

Cho dù nhìn trên toàn cầu thì nạn nghèo khổ có giảm bớt, nhưng UNDP cảnh báo tình trạng bất bình đẳng đang tăng lên. Bên cạnh đó là những « yếu kém mang tính chất cơ cấu » mà theo cơ quan Liên Hiệp Quốc, đã tạo nên những mối đe dọa nghiêm trọng cho cuộc đấu tranh nhằm xóa đói giảm nghèo.

Báo cáo mang tên « Tiến bộ bền vững cho nhân loại : giảm nghèo và tăng cường sức chịu đựng » của UNDP cho rằng : « Diệt trừ tình trạng cực nghèo không có nghĩa là đạt đến mức zéro rồi dừng lại. Cần phải đặc biệt bảo vệ những ai bị đe dọa bởi các thiên tai, thay đổi khí hậu hay các cú sốc tài chính. Đặt vào trung tâm lịch trình phát triển việc giảm bớt tính dễ tổn thương trước các nguy cơ, là phương tiện duy nhất đảm bảo tiến bộ lâu dài và bền vững ».

Bản báo cáo cho biết : « Bảo đảm các phúc lợi xã hội cơ bản cho người nghèo trên toàn thế giới chiếm chưa đến 2% tổng sản phẩm nội địa. Việc này có thể thực hiện được nếu các quốc gia thu nhập thấp tái phân phối và tăng cường nguồn lực trong nước, với sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế ».

Theo UNDP, hiện nay có khoảng 1,2 tỉ người đang sống với 1,25 đô la một ngày, thậm chí còn thấp hơn. Trên toàn thế giới có gần 1,5 tỉ người phải sống trong cảnh nghèo đói tại 91 quốc gia đang phát triển, cộng thêm 800 triệu người khác đang ở bên bờ vực của sự nghèo khổ.

Báo cáo nhấn mạnh, tình trạng thất nghiệp thường đi kèm với tỉ lệ tội phạm tăng lên, bạo động, tiêu thụ ma túy và tự tử.

Bà Helen Clark, giám đốc UNDP trong phần lời nói đầu của báo cáo đã viết : « Khi tấn công vào những yếu kém này, tất cả mọi người có thể cùng chia sẻ tiến bộ, và sự phát triển trở nên công bằng, bền vững ».

 

Chuyện những chiếc cầu treo ở Tây Bắc

Chuyện những chiếc cầu treo ở Tây Bắc

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2014-07-23

07232014-suspen-bridg-in-nvn.mp3

Cầu treo hiện đại ở Điện Biên

Cầu treo hiện đại ở Điện Biên

RFA

Với những người dân vùng cao mạn Tây Bắc, những chiếc cầu treo luôn là một thứ gì đó vừa gần gũi, quen thuộc lại vừa mang tính huyền nhiệm của một thế giới xa xôi nào đó mà Thượng Đế đã ban phát cho con người để con người mỗi ngày được đi lại trên đó và con người có thể xích lại gần nhau hơn. Đó là trong tâm thức của những người đồng bào dân tộc thiểu số, còn với những người miền xuôi, những kĩ sư xây dựng, mỗi cây cầu treo luôn tiềm ẩn mối họa và tội ác nào đó mà những đồng bào hồn nhiên, chất phát kia chưa kịp nhìn thấy. Bởi mỗi chiếc cầu treo là một công trình bị rút ruột, bị ăn gian nhiều thứ.

Bị rút ruột quá nhiều

Một kĩ sư xây dựng tên Trúc, đang công tác ở khu vực phía Bắc, chia sẻ: Theo em làm việc với tất cả những chủ đầu tư và nhà nước đều cùng một giuộc hết. Ví dụ như em báo giá đoạn đường này là một trăm ngàn một mét vuông thì phải chiết khấu lại cho bên A mười phần trăm và những thằng cóc cóc ba, bốn phần trăm..

Theo ông Trúc, có thể nói rằng toàn bộ 100% các cây cầu nói chung và đặc biệt là các cây cầu treo ở Việt Nam cũng như ở Tây Bắc đều bị rút ruột ít hoặc nhiều. Mức độ rút ruột tăng dần theo vùng sâu vùng xa bởi ở những nơi hẻo lánh khỉ ho cò gáy này ít có đơn vị giám soát thi công nào lại chịu băng đèo lội suối lên tận thực địa để theo dõi mà đa phần theo dõi theo kiểu sa-lon, ngồi tại văn phòng để gọi điện thoại, lấy hình qua bưu chính hoặc email để báo cáo và ăn chia với đơn vị thi công. Cuối cùng là đơn vị giám soát vô hình trung trở thành cái nơi làm tổn thất thêm một lần nữa chất lượng công trình bởi đơn vị thi công sẽ rút ruột tàn bạo hơn sau khi chung chi cho bên giám sát.

“ Theo em làm việc với tất cả những chủ đầu tư và nhà nước đều cùng một giuộc hết. Ví dụ như em báo giá đoạn đường này là một trăm ngàn một mét vuông thì phải chiết khấu lại cho bên A mười phần trăm và những thằng cóc cóc ba, bốn phần trăm

Một kĩ sư xây dựng tên Trúc”

Và ở những vùng cao vùng sâu như Tây Bắc, thường những cây cầu treo được xây dựng từ nguồn tài trợ nhân đạo của các nước Châu Âu. Chính vì địa hình hiểm trở, xa xôi, hơn nữa những người Châu Âu không thể trực tiếp đến từng địa phương để thi công xây dựng cầu mà chỉ thông qua các cơ quan nhà nước đại diện cấp trung ương, sau đó cấp này rót xuống các địa phương, và mỗi lần kinh phí đi qua tấm lưới lọc các cấp này lại hao đi một phần đáng kể. Khi đến tay nhà thầu thì mười đồng chỉ còn từ ba đến năm đồng, phần nhà thầu lại xơi tái một lần nữa, khoản kinh phí này chỉ còn teo tóp xương bọc da. Chính vì thế, không thể có những chiếc cầu bảo đảm chất lượng tỉ lệ với kinh phí ban đầu của nó.

Cầu treo cổ điển do đồng bào thiểu số tự làm (RFA)

Cầu treo cổ điển do đồng bào thiểu số tự làm (RFA)

Chung qui là mỗi cây cầu treo ở các huyện miền núi ở các tỉnh Tây Bắc sẽ bị rút ruột ít nhất là 50% kinh phí xây dựng bởi nó qua quá nhiều cửa, trong trường hợp cầu treo do nhà nước đầu tư, khoản tiền bị rút ruột sẽ giảm đi một chút nhưng cũng không đáng kể. Nghĩa là bất kì chiếc cầu nào xây dựng đều bị rút ruột, đặc biệt cầu treo cho những vùng có đồng bào thiểu số sinh sống thì việc rút ruột diễn ra tàn bạo hơn bởi không có sự quan sát của người dân, hơn nữa, với bản tính hồn nhiên, tin yêu lẫn nhau, cộng thêm kiến thức ít ỏi, người đồng bào thiểu số dễ dàng bị các đồng loại cán bộ người Kinh qua mặt mà không hề hay biết gì.

Tình trạng sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu chỉ là một điển hình có thể nhận biết thông qua hậu quả, trên thực tế, còn rất nhiều cầu treo bị độn gạch hoặc tre trong các mố bê tông chịu lực và nguy cơ sập của nó là hiển nhiên. Nếu chịu khó làm một cuộc khảo sát tất cả mọi cây cầu sẽ nhận ra vấn đề trầm trọng này ngay tức khắc.

Người dân không hay biết gì về tai họa treo trên đầu

Với những đồng bào dân tộc thiểu số, chiếc cầu treo bắc ra thế giới bên ngoài, để khỏi phải lội bộ đường rừng cả ngày để đi ra thị trấn, lên huyện là cả một thiên đường hiện ra trước mắt. Ông Giàng A Khư, một lão làng ở bản Tả Van, thị trấn Sa Pa, Lào Cai, chia sẻ: Từ ngày có cái cầu treo thì già cũng vui lắm, đi ra đi vào thị trấn mua con heo con gà cũng gần hơn. Nuôi nò lớn đ0i ra đi vào thị trấn bán cũng gần hơn… Nhưng rồi già cũng buồn hơn, con gái trong làng đi ra đi vào cây cầu treo và đi theo Tây, theo Trung Quốc, không lo nuôi con heo con gà…
Theo ông Khư, kể từ ngày cây cầu treo Tả Van bắc ngang qua suối, khoản cách từ bản làng ra thị trấn không còn xa xôi vạn dặm như trước đây, bà con hết sức mừng vui, phấn khởi đón mừng cây cầu mới này. Nhưng cũng kể từ ngày cây cầu treo xuất hiện, thế giới cách biệt giữa đời sống người dân bản làng với thế giới bên ngoài quá xa.

Tình trạng sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu chỉ là một điển hình có thể nhận biết thông qua hậu quả, trên thực tế, còn rất nhiều cầu treo bị độn gạch hoặc tre trong các mố bê tông chịu lực và nguy cơ sập của nó là hiển nhiên.

Đời sống của những nhà kinh doanh lấn dần vào bản làng, các dịch vụ du lịch mọc ra như nấm nhưng đời sống của bà con chẳng có gì thay đổi, cũng mảnh ruộng bậc thang nhỏ xíu, vài con heo cỏ, vài luống rau lây lất qua ngày. Trẻ con thì đua nhau đi bán các loại hàng lưu niệm, chuyện học hành trong bản vốn dĩ là một cái lỗ hổng, bây giờ lại thêm phần lai căn đủ điều. Hầu hết con gái trong bản đều ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch vì nghĩ rằng làm hướng dẫn viên du lịch là sung sướng, có cơ hội lấy chồng giàu và bước ra được thế giới bên ngoài.

Trong khi đó, những gia đình bám trụ với nghề nông lại thêm phần bần cùng vì chính sách giữ nguyên trạng đời sống nguyên thủy để phục vụ du lịch, biến những bản làng thành những cái chuồng nguyên thủy chứa những con người nguyên thủy với nếp sống nguyên thủy nhằm tạo hiệu ứng dân tộc học để mà thu hút khách vãng lai. Ông Khư lắc đầu chua chát nói thêm rằng suy cho cùng, chiếc cầu treo qua suối Tả van, đi vào bản Tả Van chỉ đóng vai trò cái cổng của một thảo cầm viên trong mắt khách du lịch mà bước qua khỏi nó, du khách sẽ gặp được một thế giới khác rất ư nguyên thủy và na ná động vật cổ sơ.

Và ông Khư cũng nói thêm rằng có không biết bao nhiêu chiếc cầu treo ở Tây Bắc được xây dựng nhằm phục vụ du lịch và cũng có không biết bao nhiêu chiếc cầu treo ở mạn Tây Bắc ông đang sống đang chứa mầm họa cho đồng loại của ông. Mầm họa bởi chất lượng thi công kém và chủ trương xây dựng thiếu tính nhân văn mà thừa tính thực dụng. Chỉ có những đồng bào thiểu số hồn nhiên và chân chất là tội nghiệp!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

 

Ông Phạm Quang Nghị thăm Mỹ

Ông Phạm Quang Nghị thăm Mỹ

Thứ năm, 24 tháng 7, 2014

Ông Phạm Quang Nghị đã gặp một số nhân vật trong chính giới Hoa Kỳ như Thượng nghị sỹ John McCain

Tin cho hay ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đang có chuyến thăm tới Hoa Kỳ bắt đầu từ 21/7.

Ông Nghị bắt đầu chuyến thăm từ thủ đô Washington DC, nơi ông có các cuộc làm việc với Cố vấn cao cấp của Ngoại trưởng John Kerry, Thomas Shannon; Phó Cố vấn an ninh quốc gia phụ trách đối ngoại Tony Blinken; Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy và Thượng nghị sỹ John McCain.

Ông không gặp được bản thân ngoại trưởng Mỹ, thay vào đó Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã tới chào và chuyển tới ông lời thăm hỏi của ông Kerry.

Thông tấn xã Việt Nam cho hay trong các cuộc tiếp xúc, Bí thư Hà Nội đã “thông tin về tình hình Việt Nam, chính sách đối ngoại… của Việt Nam; khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng và không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ Đối tác toàn diện”.

Ông cũng hoan nghênh các nỗ lực “tìm hiểu, nghiên cứu khả năng trao đổi giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng tham chính ở Mỹ trong thời gian tới”.

Hai bên còn đề cập tới tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Về mặt chính thức, trong cương vị Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy, ông Phạm Quang Nghị là đại diện cao cấp của Đảng Cộng sản và không tham gia các thương lượng trực tiếp về chính sách.

Do vậy, chuyến đi Hoa Kỳ của ông được giới chuyên gia nhận định dường như là một cuộc “ra mắt” chính giới Mỹ của nhân vật có thể sẽ còn lên cao sau Đại hội Đảng XII sang năm.

Sau Washington DC, ngày 23/7 ông Nghị đã đi New York và sau đó ông sẽ thăm Chicago.

Tăng quan hệ với Washington

Chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị cũng được xem như chỉ dấu của tiến trình xích lại gần Hoa Kỳ của Hà Nội.

Mới 10 tháng trước, ông Nghị còn đi thăm Bắc Kinh, nơi ông ca ngợi quan hệ truyền thống của Việt Nam với Trung Quốc.

Tuy nhiên kể từ đó, các hoạt động mạnh mẽ và đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông, tiêu biểu là sự kiện giàn khoan 981, đã đẩy Việt Nam lại gần quốc gia cựu thù cách một vòng trái đất.

Ông Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Canberra, Úc châu, nói với BBC rằng chuyến đi của ông Nghị sẽ cho thấy Washington sẵn sàng tới đâu trong việc hỗ trợ Hà Nội, đặc biệt trong lĩnh vực chủ quyền lãnh thổ.

Nó cũng hé mở rằng trong nội bộ ban lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có xu hướng muốn tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và xích lại với Mỹ, tuy chưa rõ xu thế này mạnh mẽ đến đâu.

Một số chuyên gia, như Edmund Malesky, từ Đại học Duke ở bang North Carolina, Mỹ, cho rằng mong muốn hợp tác với Mỹ đang khá mạnh.

Ông Malesky tuần trước được báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời nói: “Nhóm những nhà hoạch định chính sách muốn thúc đẩy quan hệ với phương Tây hiện đang ở thế mạnh”.

Tuy nhiên, Giáo sư Thayer cảnh báo rằng việc Trung Quốc di rời giàn khoan 981 có thể đã làm những người chủ trương thân phương Tây bị động và kế hoạch kiện Bắc Kinh ra tòa trọng tài quốc tế mà phe này ủng hộ có thể bị dừng.

Ngay cả nỗ lực mang vấn đề quan hệ với Trung Quốc ra hội nghị thượng đỉnh Asean tháng tới tại Miến Điện nay cũng có thể bị ảnh hưởng, theo ông Thayer, vì việc rời giàn khoan đã giảm ý nghĩa của công tác này.

 

Máy bay Algeria chở 116 người bị mất tích

Máy bay Algeria chở 116 người bị mất tích

24.07.2014

Một chuyến bay của Hãng hàng không Air Algerie (Algeria) chở theo 116 người bị mất tích trong cuộc hành trình từ Burkina Faso tới thủ đô Algiers của Algeria.

Hãng thông tấn chính thức của Algeria cho hay các nhân viên điều khiển không lưu bị mất liên lạc với chuyến bay chừng 50 phút sau khi phi cơ cất cánh từ thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso trong chuyến bay thường kéo dài 4 tiếng.

Các nguồn tin từ Algeria cho hay liên lạc cuối cùng là khi máy bay đi ngang qua miền Bắc Mali.

Phi cơ này do hãng hàng không tư nhân Swiftair của Tây Ban Nha làm chủ.

Một thông cáo của hãng này cho hay trên chuyến bay có 110 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn.

Thông cáo cũng cho hay các chuyên cụ và nhân viên  khẩn cấp đã được điều động để điều tra xem chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay này.

Nghệ sĩ Quỳnh Giao qua đời, hưởng thọ 68 tuổi

Nghệ sĩ Quỳnh Giao qua đời, hưởng thọ 68 tuổi
July 23, 2014

Nguoi-viet.com


FOUNTAIN VALLEY, California (NV)
Nghệ sĩ Quỳnh Giao qua đời sáng sớm Thứ Tư, 23 Tháng Bảy, tại nhà riêng ở Fountain Valley, California, sau một thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 68 tuổi.

Nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa, phu quân của bà, cho nhật báo Người Việt biết.



Cố nghệ sĩ Quỳnh Giao. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Quỳnh Giao tên thật là Nguyễn Ðoan Trang, Pháp Danh Như Nghiêm, sinh năm 1946 tại làng Vỹ Dạ, Huế, là con gái của nữ danh ca tân nhạc Minh Trang.

Khi mới 5 tuổi, thân phụ của bà qua đời, và người mẹ tái giá với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Nghệ sĩ Quỳnh Giao nổi tiếng ngay từ lúc thiếu thời, từng hát trên đài phát thanh quốc gia Sài Gòn, trong các chương trình của Ban Nhi Ðồng Kiều Hạnh.

Nghệ sĩ Quỳnh Giao tốt nghiệp thủ khoa lớp dương cầm, và được một nhạc sĩ của Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Alliance Française, hướng dẫn về thanh nhạc và opera.

Từ tuổi 15, Quỳnh Giao đã trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, là một trong những ca sĩ quan trọng trong các chương trình của các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Ðội và Tiếng Nói Tự Do.

Trong những năm đầu thập niên 1970, Quỳnh Giao cũng với các em gái là Vân Quỳnh, Vân Khanh và Vân Hòa thành lập ban tứ ca Bốn Phương, chuyên hát tại vũ trường Ritz và thu âm cho các trung tâm băng nhạc Jo Marcel, Phạm Mạnh Cương và Premier.

Bà sang Mỹ năm 1975, định cư đầu tiên tại tiểu bang Virginia, đến thập niên 1990 thì chuyển về sống tại California.

Nghệ sĩ Quỳnh Giao cùng với hai ca sĩ Mai Hương và Kim Tước lập ban Tiếng Tơ Ðồng ở hải ngoại và thu được nhiều thành công.

Ngoài ra, bà luôn luôn hỗ trợ các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật trong cộng đồng, và cũng cộng tác với nhiều cơ quan truyền thông Việt ngữ. Nghệ sĩ Quỳnh Giao phụ trách mục Câu Chuyện Âm Nhạc trên nhật báo Người Việt và Người Việt TV trong nhiều năm.

Vài tháng cuối đời, vì sức khỏe yếu, bà không còn viết nữa. Tuy nhiên, chỉ cách đây vài tuần, bà đã viết bài viết – có lẽ là cuối cùng trong đời – về âm nhạc Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, cho số báo đặc biệt kỷ niệm 60 Năm Hiệp Định Geneva, đăng trên Người Việt. (Ð.D.)