Tại sao gia đình tôi hòa thuận?

Tôi rất sợ phải nghe ba mẹ cãi nhau. Tôi thường phải làm quan tòa và lẫn lộn không biết nên nghĩ gì. Mẹ hay nói:

– Con thấy ba kỳ cục không, nếu gặp người đàn bà khác, bà ta đã đập tan mọi thứ trong nhà ra rồi.

Ngược lại ba thường hỏi:

– Con gái, tuy con còn bé nhưng con có thấy ba chịu đựng mẹ giỏi như thế nào không? Ba phải làm sao đây?

Tôi hay nhìn những tấm hình ba mẹ chụp thời mới cưới treo trên tường, hai người nhìn nhau tươi cười hạnh phúc làm sao. Họ đã từng yêu nhau thắm thiết, tại sao tình yêu lại thay đổi mau chóng và thê thảm như vậy. Họ rất khó quên, khi gây gỗ thường kể đi kể lại những chuyện giận hờn xảy ra năm xửa năm xưa, rồi từ từ nặng lời với nhau. Tôi và em gái cũng hay có chuyện vì giành đồ chơi, hay vì phân công dọn dẹp nhà cửa không đều, nhưng chỉ chút sau là chúng tôi quên và tiếp tục chơi với nhau vui vẻ. Tôi muốn gia đình hòa thuận, êm ấm như hồi tôi còn bé. Lâu rồi chúng tôi không được đi picnic, đi câu cá với nhau.

Ngày ba tôi đập tan những tấm hình đám cưới treo trên tường, là ngày ba mẹ quyết định ly dị. Ba mẹ gọi hai chị em tôi vào phòng, chúng tôi đứng trên những mảnh vụn và được hỏi:

– Hai đứa con phải quyết định, đứa nào muốn ở với mẹ, đứa nào muốn ở với ba. Chúng ta sẽ phải chia hai.

Tôi và em gái chỉ biết khóc. Cách đây mấy tháng, tôi cũng giúp ý kiến thằng Tâm để nó chọn lựa bố hay mẹ. Bây giờ tới phiên nó sẽ giúp tôi? Tôi biết Tâm rất khổ, trong lớp nó không còn muốn chơi với ai cả ngoại trừ tôi. Cô giáo và những bạn hiểu chuyện thường nói lời an ủi, thương hại và cũng làm nó thêm bực mình, muốn lẩn tránh. Nó trở nên ít nói và không cười nữa. Tôi biết rồi sẽ phải trải qua những chuyện y như vậy. Tôi rất sợ.

Đêm hôm đó tôi không ngủ được, chạy sang phòng em thấy nó còn thức, tôi rủ nó ra bàn thờ cùng đọc kinh. Chúng tôi chỉ thuộc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, tôi ước gì có thể đọc được những kinh thật dài như người ta đã đọc trong nhà thờ để Chúa hiểu và lắng nghe chúng tôi hơn.

Một chút sau ba má tôi cũng ra phòng khách cùng quỳ đọc kinh với chúng tôi – có lẽ vì nửa đêm tiếng cầu kinh của chị em tôi lớn quá làm họ không ngủ được. Thật là nhiệm mầu, sau khi đọc kinh, ba má tôi đã xin lỗi nhau và quyết định không ly dị nữa. Tất cả chúng tôi cùng khóc.

Tôi nghe mẹ tôi kể với bạn của bà, nhờ sự thành khẩn của hai đứa tôi trong lần đọc kinh đó mà bà đã suy nghĩ lại. Tình trạng gia đình tôi từ đó khá hẳn. Gia đình tôi càng ngày càng hòa thuận.

Ba đã treo lại những tấm hình đám cưới lên tường và treo thêm tấm gia đình bốn người chúng tôi vừa chụp ở tiệm.

Tôi tin lời cầu nguyện sẽ luôn được Chúa chấp nhận nếu mình cầu xin hết lòng và ở trong một hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ. Tôi cũng an tâm không cần phải học nhiều bài kinh dài và mới, Lạy cha và Kính mừng có thể tạm đủ.

ST

nguồn trên mạng

From:TU-PHUNG


 

Nỗi buồn lớn nhất của người già không phải bệnh tật…

Lương Văn Can 75.

Kimtrong Lam

Nỗi buồn lớn nhất của người già không phải bệnh tật mà là một điều tưởng chừng như nghịch lý.

Người ta sợ tuổi già không ai chăm sóc, nhưng đó chưa phải là tất cả. Chính điều này mới là sự ám ảnh của người già.

Ông Hùng, 71 tuổi: Cuộc sống ở quê khiến tôi tự do và thoải mái

Tôi năm nay đã 71 tuổi rồi, tôi làm trong ngành điện, đã nghỉ hưu. Tôi sống một mình ở quê, dù cô đơn nhưng tôi thấy cuộc sống thoải mái. Tôi có 4 người con, tôi đã mất vợ từ sớm. Các con tôi may mắn có công việc và gia đình ổn cả.

Không ai trong số chúng muốn sống với tôi, ban đầu buồn nhưng tôi nghĩ các con cũng có gia đình, hãy để chúng sống riêng thật thoải mái.

Tôi ở quê thường chơi cờ, đi bộ cùng với những người lớn tuổi trong làng quê.

Từ lâu tôi chỉ có bạn bè bầu bạn, vợ mất sớm nên tôi chỉ có những người bạn. Dù điều kiện có hạn nhưng chúng tôi là một nhóm bạn cũ cùng nhau vui vẻ và tôi đã có khoảng thời gian rất vui vẻ.

Dù các con của tôi không ở bên cạnh nhưng tôi vẫn có lương hưu riêng. Cộng thêm tiền bảo hiểm thì tôi sống thoải mái.

Sau khi nhập viện vì đau tim, chú Hùng phải chuyển đến nhà con trai

Cứ tưởng chú Hùng có thể sống mãi những năm tháng hạnh phúc ở làng quê, nhưng rồi ông bị đột quỵ, may mắn cứu được nhưng sức khỏe giảm sút đi rất nhiều. Nếu không có những người bạn qua đi tìm ông thì có lẽ ông đã mất rồi.

Cả 4 đứa con đều về thăm bố. Họ sợ hãi và nói sẽ đưa chú Hùng lên sống cùng. Ban đầu chú Hùng không đồng ý nhưng rồi vì sức khỏe yếu ông đành đồng ý.

Chú Hùng chọn sống với con trai út, căn nhà của con trai út rộng rãi nhất nên cũng thoải mái.

Ngày ông Hùng đi những người bạn cũng khuyên nhủ ông lên đó vì ở quê chẳng có ai chăm sóc cả.

Thật không thoải mái khi sống ở nhà con trai

Khi lên thành phố thì chú Hùng tâm sự:

Ban đầu gia đình con trai rất nồng nhiệt, con để tôi ở phòng riêng, mua giường, nội thất mới. Mỗi bữa con đều làm những món tôi thích.

Ở với con trai thì tôi cũng có thời gian chơi với cháu. Nhưng rồi thời gian tốt đẹp không kéo dài được. Tôi có thói quen tắm cách ngày vì tôi cho rằng mình không làm gì nên chẳng cần ngày nào tắm. Nhưng con dâu tôi nghĩ tôi bẩn nên thường bảo con trai nhắc nhở tôi đi tắm.Tôi còn nhớ con dâu đã nói: “Bố nặng mùi quá, anh bảo bố đi tắm đi, nếu không em sẽ không ăn cơm cùng đâu”.

Quần áo cũng thế, tôi nghĩ 2, 3 ngày mới thay lần. Đồ lót thì tôi thay thường xuyên. Nhưng con dâu không đồng ý.

Tôi muốn giúp cháu học bài nhưng cháu không muốn tôi giúp. Sau đó tôi biết con dâu không muốn tôi dạy cho cháu.

Địa vị của tôi trong gia đình ngày càng thấp, giống như một gánh nặng

Chú Hùng còn tâm sự thêm: Tôi thấy địa vị của mình trong nhà con trai ngày càng thấp, dù tôi có muốn giúp đỡ gì thì con dâu cũng bảo không cần.

Có lần con dâu ốm, con trai đi làm nên tôi cố gắng nấu bữa tối giúp con dâu. Nhưng tối đó con dâu kéo chồng vào phòng vào là tôi nấu quá mặn, khiến nó không thể ăn được. Nghe xong, tôi cảm thấy rất buồn, thấy mình như một gánh nặng. Con trai tôi không nói gì, chỉ mời tôi ra phòng khách xem TV.

Tôi sống những ngày cảm xúc buồn tủi lẫn lộn. Tôi là người lớn tuổi nhất nhà, nhưng tôi phải hứng chịu mọi sự giận dữ của các con.

Bây giờ tôi sống rất thận trọng, dè dặt với gia đình con trai

Tôi rất muốn nói chuyện với con dâu, nhưng tôi không thể chịu nổi cảnh nó sẽ làm khổ con trai nếu tôi nói ra.

Tôi nhận ra mình phải ăn nói cẩn thận để không làm mất lòng con dâu. Nếu con dâu thực sự không chịu nổi mà yêu cầu con trai để tôi về quê thì cuộc sống của tôi sẽ càng khó khăn hơn đối với một ông già ốm yếu.

Nếu tôi về quê chắc chắn sẽ không có ai chăm sóc cả. Thế nên tôi sẽ tự lập, chiều theo ý của con dâu. Những ngày bây giờ của tôi thật sự là bi kịch.

VietBF@sưu tập


 

Lá Thư Con Gái Gửi Bố Mẹ Trước Ngày Ly Hôn: “Ngày Mai Con Sẽ Thành Trẻ Mồ Côi”

Kimtrong Lam – Lương Văn Can 75.

Con sẽ không chọn bố, không chọn mẹ và cũng không muốn chờ đến lúc có em mới thành mồ côi. Ngày mai, khi bố mẹ ly hôn, con sẽ thành trẻ mồ côi luôn.

Một cặp vợ chồng quyết định ly hôn sau 10 năm chung sống. Họ đã thường xuyên cãi vã nhau trong nhiều năm qua, không chịu đựng nổi, cả hai quyết định giải thoát cho nhau để đi tìm hạnh phúc riêng. Điều duy nhất khiến cả hai còn níu giữ nhau suốt 10 năm chính là cô con gái nhỏ của họ, nhưng rồi, cái tôi cá nhân vẫn chiến thắng, họ cho rằng chia tay sớm thì con chưa hiểu gì, sẽ dễ chấp nhận mọi việc hơn…

Một ngày trước khi hai người ra tòa, người mẹ vào phòng con gái nhỏ và bỗng thấy một lá thư con để lại dưới gối…

“Bố mẹ ơi,

Cô giáo con nói, những chuyện chúng ta không thể nói với nhau bằng lời thì nên dùng cách viết thư để có thể nói hết những gì mình muốn cho người khác nghe. Những ngày này, con có rất nhiều điều muốn nói với bố mẹ, nhưng bố cứ đi từ sáng đến đêm mới về. Con chỉ gặp bố trong mơ. Mẹ thì luôn buồn và khóc, con muốn lại gần nhưng con lại sợ. Nên, con đành viết thư.

Con nghe bà nội nói: “Trẻ con chả biết cái gì cả đâu.” Con muốn viết cho bố mẹ để nói với mọi người rằng, con biết tất cả mọi thứ.

Con biết ly hôn là gì.

Ở lớp con có bạn Minh Tú, có cả bạn Anh Khang, bố mẹ các bạn ý đều ly hôn lâu rồi. Minh Tú bảo với con ly hôn là mình không còn được sống cùng bố hoặc cùng mẹ nữa. Con sẽ phải chọn một trong hai. Nếu ở cùng bố thì không bao giờ còn thấy mẹ, còn nếu chọn sống cùng mẹ thì sẽ chẳng bao giờ được bố ôm vào lòng nữa.

Bạn bảo con nên suy nghĩ từ bây giờ xem yêu ai hơn để mà còn chọn. Nhưng con nghĩ mấy tháng vẫn không chọn được. Nếu đến ngày bố mẹ ly hôn con vẫn chọn không được thì con sẽ ra đi, con chẳng ở cùng ai cả để đỡ phải chọn.

Còn Anh Khang thì nói với con, ly hôn tức là con sẽ trở thành trẻ mồ côi, là không có bố cũng chẳng có mẹ đâu. Bố Anh Khang sau khi ly hôn đã cưới một cô rất xinh rồi sinh cho bạn ý một em gái. Em ý gọi bố Anh Khang là bố, gọi cô kia là mẹ, thế là bạn ý mất bố. Rồi không lâu sau, mẹ Anh Khang cũng cưới một chú khác và sinh một em bé trai khác. Vậy là bạn ý mất luôn cả mẹ.

Con đã suy nghĩ rất kĩ về vấn đề này. Và cuối cùng, con chọn làm trẻ mồ côi. Con sẽ không chọn bố, không chọn mẹ và cũng không muốn chờ đến lúc có em mới thành mồ côi. Ngày mai, khi bố mẹ ly hôn, con sẽ thành trẻ mồ côi luôn. Bố mẹ yên tâm nhé!

Mấy hôm trước, mẹ nói với con, bố mẹ không hạnh phúc nên buộc phải chia tay. Đúng là con không hiểu hạnh phúc là gì thật.

Con vẫn nhớ khi con học mẫu giáo. Mỗi buổi sáng bố mẹ đều đưa con đến trường, cả bố và mẹ. Hồi đó mỗi ngày, cả nhà chúng ta cùng đi ăn sáng, mẹ thường bảo bố ăn trước, mẹ đút cho con xong rồi mới ăn phần của mình. Khi đến trường, lần nào bố cũng bế con lên lớp vì sợ con nặng, mẹ bế con leo 3 tầng gác sẽ mệt. Lúc đó con còn bé tí, con không biết gì thật. Nhưng giờ con đã 9 tuổi, con nhớ lại khi đó, mẹ cười rất nhiều, bố cũng vui vẻ rất nhiều. Như thế không được gọi là hạnh phúc ạ?

Rồi con nhớ khi đó, mỗi buổi tối nhà ta thường nằm ở salon nghe nhạc. Nhà mình khi đấy nhỏ tí xíu, có mỗi một phòng làm tất cả mọi thứ từ nấu ăn đến đi ngủ. Mỗi tối lúc mẹ nấu cơm, bố sẽ bật nhạc rồi cùng con múa theo nhạc. Mẹ thì vừa nấu vừa cười đến chảy cả nước mắt vì 2 bố con. Con nghĩ lại hồi đó con vui lắm, như thế cũng không được coi là hạnh phúc ạ?

Khi con vào lớp 1, cả nhà mình đi Nha Trang nghỉ mát. Con nắm tay, một bên là bố, một bên là mẹ đi dạo bên bờ biển, con vừa hát vừa nhảy tung tăng. Giờ chỉ cần nhớ lại con cũng thấy thích lắm rồi. Bố mẹ ly hôn rồi, cả nhà mình có thể vẫn đi nghỉ mát như thế có được không?

Thư con viết dài rồi mà con cũng buồn ngủ quá. Bố mẹ quyết định ly hôn, con không thể cản được. Con cũng quyết định sẽ làm trẻ mồ côi giống bạn Anh Khang rồi. Bố mẹ cũng đừng cản con. Mẹ đã nói: ai cũng cần phải được hạnh phúc. Con cũng chưa hiểu ý mẹ lắm nhưng trẻ mồ côi không biết có hạnh phúc hơn được bây giờ hay không. Nếu không, con sẽ lại suy nghĩ lại sau.

Chào bố mẹ,”

Đọc xong lá thư của đứa con gái nhỏ, người mẹ ướt nước mắt đem sang cho chồng đang thu dọn hành lý xem. Cả hai nhìn nhau, nghĩ đến đứa con đáng yêu của mình và câu nói cứ xoáy mãi trong đầu họ. Ly hôn, bố mẹ sẽ tìm hạnh phúc mới, còn con… sẽ trở thành trẻ mồ côi!

GIẢI QUYẾT XUNG KHẮC GIA ĐÌNH

Rung Nga Nguyen

Xung đột gia đình là gì và 5 cách giải quyết hiệu quả

Khi có điều bế tắc thường người ta chỉ nghĩ đến người khác phải thay đổi mà không nghĩ đến “thay đổi mình” và nghĩ đến“Chia tay” hoặc thay đổi “Hôn nhân” đó là một cách giải quyết sai lầm! Đang đi gặp hòn sỏi vào trong giầy làm ta khó chịu, ta giũ bỏ hạt sỏi hay dục bỏ đôi giầy? Vợ chồng nên kiềm chế nhẫn nhịn nhau để gia đình không đổ vỡ, con cái khỏi xáo trộn bơ vơ…

Để giải quyết những xung khắc (Conflicts) trong gia đình có nhiều phương cách giải quyết khác nhau. Hãy thử tìm hiểu những cách giải quyết sao cho thích hợp?

* Cầu nguyện xin khôn ngoan và sức mạnh đương đầu với thách đố, thay vì lẩn tránh thiếu trách nhiệm.

* Khiêm tốn nhận vì giới hạn của mình không thể biết hết mọi sự.

* Nhận lỗi là dọn đường cho việc thông cảm.

* Xin lỗi tạo sự thân mật vì xin lỗi không phải là mình có lỗi mà muốn làm cho người ta vui.

Ảnh cần hoa Xin lỗi Người yêu cute

* Thay vì xoa dịu trốn tránh hãy bình tĩnh, không to tiếng chia sẻ thẳng vào vấn đề đó…

* Cố gắng đối xử tử tế bằng nụ cười tươi để tránh những phê phán chỉ trích tiêu cực?

* Kìm hãm tính nóng nảy, mau mắn làm hòa xin lỗi và quan tâm đến cảm nghĩ của đối phương.

* Khích lệ thay vì chỉ trích. Cảm thông chia sẻ và nâng đỡ nhau. * Không to tiếng rồi đổ lỗi cho người khác?

* Im lặng rút lui để gia đình yên ổn tránh xung khắc?

* Hạ đối thủ ngay hay để hạ hồi phân giải?

* Cứ bộc lộ rồi tìm cách giải quyết ôn hòa giúp nhau sửa đổi để gia đình thêm vững mạnh?

* Hung hăng biểu lộ giận dữ, dùng quyền hạn đe dọa kết án người khác.

* Bào chữa thái độ hung hang vì… nếu không … tôi đã không giận dữ.

* Hai bên đều hung hăng sẽ làm gia đình đổ vỡ con cái bơ vơ, mất tin tưởng ở nhau.

* Lẩn tránh đối diện với những xung khắc rút lui vào phòng ngủ. * Muốn làm gì thì làm tôi hết sức rồi, đừng làm phiền tôi nữa!

* Tranh luận được lý thì mất tình, sẽ bị tổn thương sau này kẻ thua sẽ phục thù gây thêm phiền toái!

* Tranh chấp với người nhà, thắng thì mất tình thân.

* Tính toán với người yêu, thì tình cảm nhạt phai.

* Hơn thua với bạn bè, thắng thì tình nghĩa không còn. Đôi khi sẽ bị trả thù gây nhiều ân oán.

ST


 

HẠNH PHÚC

Rung Nga Nguyen

Hạnh phúc là cảm giác đến từ trái tim là tâm trạng tồn tại ở mọi nơi trong cuộc sống. Hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Hạnh phúc không phải sống lâu trăm tuổi, không phải quyền thế đầy mình, giàu sang phú quý, sức khỏe tràn trề, tiền bạc dư thừa… Hạnh phúc là khi nguyện vọng chính đáng của bạn trở thành hiện thực. Khi đói được ăn no. Khi khát được uống nước. Muốn yêu có người yêu, muốn gì được nấy…

Đôi khi hạnh phúc là một mục tiêu phải bôn ba vất vả mới tìm kiếm được, đôi khi hạnh phúc là một so sánh khi thấy từ bất hạnh của người khác. Hạnh phúc là một loại cảm giác, một loại tâm trạng, chỉ cần bạn hiểu được, nó tồn tại trong mọi nơi của cuộc sống.

Được sinh ra đó là hạnh phúc để có thể trải nghiệm được mọi sắc thái của cuộc sống này. Nên người ta hay chúc Happy Birthday, Happy Anniversary, Happy new year…Có chuyện kể ông Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh bên Trung hoa là một nông dân nghèo, bố mẹ chết vào chùa tu đi khất thực, sau vào lính dưới trướng tướng quân họ Quách tính tình nhanh nhẹn được giao cho cầm quân đánh giặc, số ông may mắn đánh đâu thắng đó, được tướng quân thương cất nhắc lên và gả con gái cho. Sau khi tướng quân mất ông lên thay thế, sau này lật đổ được nhà Nguyên là quân Mông cổ đang cai trị Trung hoa lúc bấy giờ và lập nên nhà Minh lấy hiệu là Minh Thái Tổ.

Khi làm vua vì ít học nên ông hay mặc cảm các quan lên tâu vua người nào ông thấy ngờ vực đoán là có ý mỉa mai là ông chặt đầu, ông đã giết oan rất nhiều người vô tội. Tính hay nghi ngờ nên ông hay giả dạng thường dân đi nhiều nơi để nghe ngóng. Vào một dịp ngày 30 tết đến một làng kia thấy đám đông tụ tập cười đùa, ông liền lẻn vào xem và thấy một họa sĩ vẽ bức tranh cô gái Trung hoa ôm quả dưa hấu ngày xuân, bắp chân và bàn chân quá lớn vì là con nhà lao động, con nhà giầu không làm gì lại có tục lệ bó chân cho chân thon nhỏ gọn đẹp! Đám đông đó cười chế diễu người chân to! Vợ vua chân to nên ông động lòng nói vị quan ghi tên những người cười chê người chân to, khi về ông ra lệnh những người không cười quan cho người đến dán chữ phúc ở trước cửa, đêm đó vua ra lệnh đến tịch thu hết tài sản những nhà không có chữ phúc trước cửa. Từ đó thành một tục lệ cứ đến ngày xuân dán chữ phúc ở cửa để cầu may mắn trong năm mới và trên những quyển lịch của năm mới cũng in chữ Phúc.

Sống là một điều hạnh phúc mà Chết cũng là hạnh phúc, bởi bạn đã vượt qua đời là bể khổ để trở về cõi vĩnh hằng. Có bạn bè là hạnh phúc, bởi vui buồn giận hờn có người chia sẻ. Cô độc cũng là hạnh phúc, bởi được hưởng thụ sự yên tĩnh để thanh lọc tâm hồn. Mọi chuyện đều thuận lợi, đó là hạnh phúc, bởi đang đón nhận món quà từ Thượng Đế. Xuất chúng cũng là hạnh phúc khi được người khác tôn sùng, được người khác ngưỡng mộ. Tuổi trẻ là hạnh phúc vì có tương lai vô tận và hy vọng tràn trề. Tuổi già cũng là hạnh phúc vì đã từng trải có nhiều kinh nghiệm phong phú và nhiều kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống.

Nhưng có lời khuyên là đừng kiếm tìm hạnh phúc ở đâu xa, hạnh phúc ngay bên mình trong trái tim khi đạt được đầy đủ những ước vọng của cuộc đời, con cháu thành nhân thành tài cảm thấy thoải mái, đó là thứ hạnh phúc ở đời này cho thân xác bạn, nhưng hạnh phúc đích thực cho linh hồn ở đời sau mới là thứ hạnh phúc vĩnh cửu mà bạn nên chú tâm kiếm tìm ngay từ bây giờ.

St

TÌNH GIÀ CÓ NHAU

Bà ơi nắm lấy tay tôi
Cùng nhau đi hết đoạn đời ngày sau
Miễn là ta vẫn có nhau
Dẫu cho tóc có phai màu vẫn thương.
Bóng tôi đổ xuống con đường
Bóng bà nghiêng hẳn chiều vương cuối ngày
Nhớ xưa cũng khúc đường này
Dáng bà một thủa tóc dài thướt tha.
Bây giờ tay gậy chống ba
Lưng còng tôi vẫn dắt bà qua đây
Lối xưa hai đứa từng ngày
Dạt dào kỉ niệm mà nay xa rồi.
Từ ngày con cái có đôi
Đất lành chim đậu… Còn tôi với bà
Hai ta vẫn được chung nhà
Vườn rau hoa trái tuổi già nuôi nhau.
Thương bà những lúc ốm đau
Cứ nằm miệng hỏi con đâu ông à?
Bà ơi … đừng có so bì …
Như hồi con nó tập đi bên mình.
Bà nhìn, ông lại lặng thinh
Trông ra ngoài ngõ mong hình bóng con.
Bà ơi con nó còn son…
Còn lo bao việc, bà còn tôi đây.
Bà cười … tay nắm … bàn tay…
Cùng ông đi hết tháng ngày trần gian
Ông ơi … xích lại cho gần…
Tình già trăm tuổi vẫn cần có nhau.

Sưu tầm

From: Tu-Phung

TUỔI GIÀ, KHI THIẾU MỘT NGƯỜI BẠN ĐỜI.

Nguyễn Kim Thủy-Những câu chuyện Nhân Văn

Trong cuộc sống, nhất là khi về già, một trong những điều quan trọng nhất, đó là có cho mình một người bạn đời. Nếu người ta không may, vì mộ lý do nào đó, ví dụ như ly hôn, hay một trong hai người kia ra đi quá sớm, mà phải sống cuộc đời còn lại một mình đơn lẻ, thì quả là một điều bất hạnh.

Bởi vì, người bạn đời là một trong những yếu tố quan trọng, để quyết định cho bạn có một cuộc sống trong quãng thời gian còn lại, hạnh phúc và viên mãn kể cả khi bạn nghèo, thậm chí nó còn giúp cho bạn kéo dài thêm tuổi thọ.

Thật vậy, các bạn thử nghĩ xem, khi con người ta bắt đầu bước sang cái tuổi xế chiều, với những năm tháng của cuộc đời, mà phải sống trong cô đơn và im lặng, thì sẽ buồn như thế nào.

Đến bữa ngồi ăn một mình, và tối đến đi ngủ cũng một mình, đêm đêm khi tỉnh giấc, nhìn sang bên cạnh cũng chẳng có ai, sáng sáng tỉnh dậy, cũng vẫn chỉ một mình…thì đó là một điều đáng sợ và buồn tủi.

Cuộc đời này, người sống bên bạn lâu nhất, không phải là bố mẹ và con cái, cũng không phải anh em hay bạn bè, càng không phải là đồng nghiệp hay người yêu, mà chính là người bạn đời. Đấy mới thực sự là người duy nhất chung sống bên bạn suốt đời.

Bạn bè, dù có chân thành đến mấy, cũng không thể ở bên bạn mãi mãi. Bố mẹ, dù có tốt đến mấy, cũng không thể sống với bạn cả đời. Con cái, có thân thương là vậy, cũng không thể sống mãi bên cạnh bạn, rồi cũng có lúc chúng vỗ cánh bay đi, để có một cuộc sống riêng.

Anh em, dù có là máu mủ ruột thịt thân tình, cũng không thể ở bên bạn mỗi ngày, cũng không thể chăm sóc bạn những khi “Tối lửa tắt đèn”. Chỉ có vợ chồng, người mà ta vẫn thường gọi là bạn đời, mới có thể chung sống và bên bạn lúc sớm chiều.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi nhìn thấy những cụ ông, cụ bà với mái tóc bạc phơ, dắt tay nhau từng bước đi bộ trên đường, tôi rất ngưỡng mộ.

Lúc đó, tôi mới hiểu được rằng, con người ta có được những khoảnh khắc hạnh phúc như vậy, họ đã phải cùng nhau trải qua không biết bao nhiêu những sóng gió gian truân của cuộc đời, để rồi, họ vẫn còn ở bên nhau, tay nắm tay, và cùng nhau đi nốt quãng đời còn lại, cho đến hết cuộc đời của mình.

Đừng vì một điều gì trong cuộc sống, mà đánh mất đi người vợ hay người chồng của mình, người mà hằng ngày vẫn hết mực yêu thương mình nhất. Vì suy cho cùng, họ mới chính là người sẽ ở lại bên bạn, và sống với bạn trong cuộc đời này.

Chính vì thế, hãy thật trân trọng người bạn đời của mình, và trân trọng những gì mình đang có khi còn có thể !!!

( Sưu tầm ).

CHÚC LÀNH CỦA NGƯỜI CHA

 

Ðức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: “Tôi là con của giai cấp công nhân.  Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi.”  Cha tôi là một công nhân nghèo, người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện.  Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp.  Tôi đến gần cha tôi.  Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu.  Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi.  Tôi rụt rè thưa với cha tôi: “Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?”  Cha tôi trả lời: “Con ơi, ở tuổi con ba đã phải đi làm rồi.  Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn.”

Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi: “Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn trở thành linh mục.”

Bình thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm.  Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má…  Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.

Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: “Ba má đã hy sinh quá nhiều…  Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh.”

Mà quả thực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học.  Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn tin cha tôi đau nặng.

Dead Body Bed Photos and Premium High Res Pictures - Getty Images

Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho tôi.  Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành linh mục.

Sau khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới công nhân.

Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn.  Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh sống cụ thể.  Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ làm việc…  Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện.  Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới.  Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt…

Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng, và sống với những người khác.  Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng…

The best advice I can offer new priests | America Magazine

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ.  Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô.  Từ gia đình, đến trường học, công sở… mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta.

Thánh Gioan Bosco đã nói: phần thưởng quan trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục.  Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi…

Sưu tầm

From: Langthangchieutim


 

Con Cái Thời Nay – Huy Phương

 Huy Phương 

Xem tin tức ở Việt Nam chúng ta thường nghĩ đến lúc đạo lý đã suy đồi. Thời gian qua, số vụ án con cái giết cha mẹ đang có chiều hướng gia tăng. Trên báo chí, không thiếu tin tường thuật những vụ án mạng tàn bạo do những đứa con bất hiếu thẳng tay đâm chém cha mẹ dù chỉ với những bất bình nhỏ.

Nếu kể chuyện nghịch nữ hoặc nghịch tử ở Việt Nam, hẳn phải mất hàng nghìn trang giấy: Tơ Đênh Triệu (Quảng Nam) say rượu giết cha. Đặng Hùng Phương (Vĩnh Long) giết cha rồi đem lên Sài Gòn phi tang. Trần Văn Kiệt (Tây Ninh) đâm cha sau một lần cãi vã. Lê Văn Lực (Thanh Hóa) chỉ vì lời mắng “đồ ăn hại” đã đoạt mạng cha mình. Nguyễn Xuân Hậu (Lào Cai) chỉ vì bị la không chịu lo sửa soạn Tết đã đâm chết cha. Nguyễn Khả Đ. (Rạch Giá) giết mẹ rồi giấu xác trong lu nước. Nguyễn Thị Phin (Tây Ninh) giết mẹ chiều 30 Tết để lấy tiền, vàng. Nông Văn Thùy (Bắc Giang) xin tiền không được, đã vung chày sát hại mẹ. Bùi Minh Đạt (Hà Nội) vì mâu thuẫn đất đai, đã dùng dao chém nhiều nhát vào cổ, đầu, tay mẹ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Lê Văn Phước (Đồng Nai) trong lúc tắm rửa, vệ sinh cho người mẹ 82 tuổi bị tai biến, đã liên tục chửi bới và đánh đập khiến bà cụ tử vong…

Chúng ta những người Việt đang sinh sống ngoài Việt Nam, ở Hoa Kỳ hay các nước khác thường cho là mình may mắn không phải sống ở cái đất nước đạo lý suy đồi, luân thường bại hoại. Nước Mỹ có 320 triệu dân, nửa năm chưa xảy ra một vụ án mạng con giết cha mẹ, đất nước Việt Nam chỉ có 90 triệu dân, tuần nào cũng có chuyện cha mẹ bị con đâm chém. Nhưng như thế có phải cha mẹ người Việt sống ở Mỹ, đời sống được bảo vệ và có hạnh phúc hơn không? Sở dĩ chúng tôi trình bày như vậy, vì giữa văn hóa Việt và Mỹ có những phần khác biệt.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường trong “Một Quan Niệm Về Sống Đẹp” (Nguyễn Hiến Lê dịch) đã cho rằng người cao niên ở Mỹ về già vẫn làm việc hăng hái, vì họ theo chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá, tự đắc, muốn độc lập, cho sự nhờ vả con cái là tủi nhục. Trong các quyền của công dân không có cái quyền của cha mẹ được con cái phụng dưỡng. Tại phương Tây, ông già bà lão không muốn xen vào đời sống của con, lánh mặt trong một nơi nào đó, tự lo cho cái ăn ngủ của mình. Người Trung Hoa (và người Á Đông?) không có cái quan niệm cá nhân độc lập, mà cho rằng những người trong gia đình có bổn phận giúp nhau, nếu về già mà phải nhờ cậy con, có điều chi mà xấu hổ!

Bản năng của muôn loài là thương yêu và bảo vệ con. Con gà mẹ dùng đôi cánh che chở cho bầy gà con trước sự hung hiểm của diều hâu. Con chim bay xa tha mồi về mớm cho con non nớt yếu đuối bên bờ tổ. Hung dữ như cọp beo cũng không có loài nào ăn thịt con. Nhưng muôn loài cũng không có cái cảnh nào có đàn con đi kiếm thức ăn cho những người sinh nở ra chúng lúc họ về già, không còn khả năng săn nhặt, nằm chờ chết trong hang ổ. Nhà văn Lâm Ngữ Đường cho rằng, “Người nào cũng yêu con, nhưng người có văn hóa mới biết thương yêu cha mẹ!

Ở Mỹ, trong giờ hành chánh mà một đứa con lang thang ngoài đường, thì cảnh sát lập tức kết tội cha mẹ của chúng, nhưng một cụ già bị bỏ ngoài đường thì người ta tìm đến sở xã hội, liệu có ai truy tìm và lên án những đứa con.

Chúng ta phải chờ vài ba thế hệ nữa may ra, chứ hiện nay, các bậc cha mẹ người Việt ở Mỹ, tâm lý vẫn chưa sẵn sàng, còn cảm thấy tổn thương và đau khổ, than trách khi bị con cái đẩy ra khỏi nhà. Những vị cao niên Mỹ không ai than phiền vì con cái không quan tâm hay “bỏ rơi” mình. Đối với họ, con trên 18 tuổi đã ra khỏi gia đình, vì muốn cho con tự lập, có khi muốn con đi học xa, thăm hỏi, quan tâm là điều tốt, nhưng cha mẹ không bao giờ kỳ vọng nơi con cái khi mình về già, trông đợi sự giúp đỡ của con. Cha mẹ và con cái từ đây hết còn bổn phận với nhau. Do đó, họ chuẩn bị để dành tiền, đầu tư, mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm “sức khỏe lâu dài,” chuẩn bị “hậu sự” cho mình.

Như vậy các bậc cha mẹ này không còn cảm thấy đau khổ vì những lý do về con cái.

Trái lại người Việt hay Á Đông luôn cho rằng trong trăm nết thì chữ hiếu đứng đầu (Bách hạnh hiếu vi tiên). Theo Phật Giáo thì “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.” Khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc thì đem lòng ai oán, nhất là vào buổi giao thời, vẫn thường so sánh lối sống của gia đình ngày xưa, với lối sống “Mỹ hóa” bây giờ của con cái, và cũng vì chính sự đổi thay quá nhanh chóng của con cái, sinh ra ở Mỹ, hay chịu lối sống Mỹ quá sớm, hoặc là dùng chữ gia đình “vô phước” như cách than phiền của nhiều vị.

Quý vị đã có dịp lui tới chuyện trò với các vị cao niên người Việt trong các nhà dưỡng lão, đã thường biết đến nỗi buồn của họ, không phải vì tiền, vì danh mà vì một nỗi cô đơn, chỉ vì con cái không ngó ngàng đến họ. Khi tôi muốn kể nỗi lòng của một vị cao niên buồn bã, cô đơn trong một nhà dưỡng lão, trên trang báo, thì ông cụ chấp tay vái tôi, “Thôi xin ông, con tôi mà biết tôi kể lể với ông thì chúng hành tôi đến chết mất!”

– Một gia đình, khi người cha qua đời, những đứa con thấy mẹ thui thủi một mình, khuyên mẹ bán ngôi nhà rồi về ở với chúng nó. Như một trái bóng, bà bị đưa qua đưa lại giữa những đứa con, và chỗ ở cuối cùng của bà bây giờ là nhà dưỡng lão!

– Một bà cụ khi bị đưa vào bệnh viện, rồi nhà hưu dưỡng, vì lo xa, bà làm thủ tục trao cho cô con gái duy nhất, ngôi mobile home của bà, nhưng chỉ ít lâu sau, cô này bán ngôi nhà lấy tiền bỏ túi. Khi khỏe mạnh được trở về nhà, bà phải đi “share” phòng cho đến lúc qua đời.

– Một gia đình lúc người cha mất, bà mẹ vội vã sang tên ngôi nhà cho hai cô con con gái. Cô chị trả cho em một nửa số tiền để lấy hẳn ngôi nhà, và mời bà mẹ ra khỏi nhà. Lý do: Hạnh phúc gia đình của riêng cô. Người mà cô chọn là chồng, chứ không phải mẹ!

– Nếu bạn đọc thấy một người phụ nữ luống tuổi thường đi xe đạp trong khu Little Saigon, đó là người mẹ có bốn đứa con, bà đang ở nhà “share” vì không đứa con nào chịu “nuôi” mẹ.

Hầu hết những nhân vật trong câu chuyện này là quý bà, vì trong buổi giao thời này, còn mang tâm lý “nội trợ,” không biết lái xe, không biết Anh ngữ, và tình thương con cái còn nhiều như thuở còn ở Việt Nam, còn các ông thì dễ sống hơn. Mặt khác là bậc cha mẹ người Việt ở Mỹ không biết là các con đổi thay quá nhanh.

Phần đông những bậc cha mẹ ở Mỹ lâm vào cảnh ngộ trên vì có con cái sinh ra ở Mỹ hay được đem đến Mỹ quá sớm, và con cái có bằng cấp càng cao, giàu có càng nhiều thì hình như càng không nghĩ đến chuyện mình phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ già. Không những phụng dưỡng cha mẹ già mà còn như lường gạt, lừa đảo các bậc sinh thành như những câu chuyện thường xảy ra trong cộng đồng Việt Nam mà chúng tôi trình bày ở trên. Cái cảnh trong gia đình nghèo, anh chị em thương nhau, con cái hiếu với cha mẹ, hình như chúng ta vẫn thường thấy trong đời. Những đứa con lớn lên ở Việt Nam, đã qua cái cảnh thiếu ăn, cha tù đày, mẹ vất vả ngược xuôi, hẳn trong lòng chúng còn một chỗ tựa cho cha mẹ.

Những câu chuyện con, dâu, con rể mời cha mẹ ra khỏi nhà không thiếu ở đây, nhan nhản, chẳng khác gì những thảm cảnh con cái giết cha mẹ ở Việt Nam. Gia đình người Việt ở Mỹ chưa thấy cảnh cha mẹ chết dưới tay con, nhưng khổ đau u sầu do con cái gây nên thì không thiếu, “Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu, giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?

Cuối cùng bài học chưa thuộc của tuổi già vẫn là: “…Người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong chờ báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.” (Chu Dung Cơ).

Bài học thứ hai là đừng bao giờ “dốc túi” cho con quá sớm trước khi nhắm mắt.

Thực ra, “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ, về già mới biết lòng con cái.

Trong chúng ta ai thực sự đã chuẩn bị cho tuổi già như người bản xứ, thôi thì trăm sự, đường cùng phải nhờ đến ông nhà nước.

Huy Phương

From: Tu-Phung

Con muỗi – Truyện ngắn của Nguyễn Tầm Thường



CON MUỖI
Thân tặng quý Anh Chị trong Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình.
Ghi nhớ mười năm thành lập phong trào 1987-1997

Lần này tôi sẽ viết một bức thư lâm ly để lại cho vợ, rồi đi! Tôi đang giận vợ tôi ghê lắm, vừa bắt đầu thảo lá thư thì con muỗi vo ve bay đến. Cái tật ấy của nàng đã bao lần “chích’’ tôi cũng giống như con muỗi đang vo ve rình mồi kia. Không được đâu, tôi sẽ đập một cái cho nó chết !

Hà! Hà! Con muỗi kia, mày đến vo ve phá rối vào lúc tao đang viết “tuyệt mệnh thư’’ hả. Tao sẽ thanh toán mày ! Tôi chuẩn bị tiêu diệt kẻ thù thì nghe tiếng nó than thở. “Hôm nay đói quá, đói thế này thì chết mất”. A! Thì ra con muỗi biết nói! Thú vị quá, tôi cúi nhìn se sẽ. Cái bụng nó xẹp lép, trong như giấy bóng kiếng. Nó đứng run run. Tội nghiệp hết sức vậy đó. “ Hôm nay bị xua đuổi quá, hu… hu… Chúa ơi… hu… hu…” A! Thì ra con muỗi đang khóc, nó lại biết kêu cả Chúa ơi nữa. Ai mà không trắc ẩn trước tiếng khóc thê lương như thế, nhất là những người có tâm hồn nghệ sĩ như tôi!

Tôi liền nhẹ nhàng đưa cánh tay ra. Nó sáng mắt lên khi ngửi thấy da thịt tôi. Như tôi thèm một tô phở thơm hơi vào lúc đói. Rung đôi cánh, nhẹ một đường bay êm như thiên thần, con muỗi đáp xuống bãi đậu. “Xin Chúa cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.’’ À, thì ra con muỗi đọc kinh trước bữa ăn. Con muỗi này lạ quá. Một tí xíu nữa là tôi gọi nàng đến mà xem rồi. Nhưng chợt nhớ ra là tôi đang viết tuyệt thư để lại cho vợ. Tôi lại thôi, hừ, đây cũng là cách tôi trả thù nàng, không cho nàng biết con muỗi kỳ lạ thế này trên cõi đời. Một mình tôi với con muỗi thôi!

Đậu trên cánh tay tôi, con muỗi thầm thì : “Tạ ơn Chúa, đã thương cho con bữa ăn hôm nay.’’ A! Thì ra nó còn tạ ơn Chúa trước bữa ăn. Tạ ơn Chúa xong, nó cong chiếc kim rồi chích vào cánh tay tôi. Chà! Cũng đau ghê. Nhưng tôi đã quyết định tặng cho nó bữa ăn chiều, cho lời nguyện kia của nó thành sự thật. Cứ cho là Chúa nhận lời cầu của nó mà gởi tôi đến cứu đói nó trong giây phút không vay nợ đâu được như thế này. Chiếc bụng nó bắt đầu hồng hào, bé tí à. So với tôi, nó chẳng khác gì một chấm nhỏ trong biển nước Thái Bình Dương mênh mông. Cho nó một tí máu thế kia có ăn thua gì.

Bất chợt, tôi nghĩ tới nàng, nàng cũng như con muỗi kia thôi, nàng cũng cần tôi để sống, vợ chồng với nhau ý mà. Một cái đau tí ti mà nuôi được con muỗi. Nàng cũng vậy thôi, chịu đựng khuyết điểm của nàng cũng giống như để cho nàng là loài muỗi “chích” một cái… Hay là mình chiều nàng một tí đi? Ái chà, thế thì hỏng mất lá thư đang viết dở mất rồi. Tôi bắt đầu nghĩ về nàng. Ừ, không ngờ cái con muỗi tí ti kia mà rắc rối. Có thể mày phá vỡ chương trình của tao, muỗi ơi. Đang lúc suy nghĩ như thế thì nó cất cánh bay lên. Cứ y như là nó đọc được hết ý nghĩ trong đầu tôi. Nó cất tiếng: “Một bài ca mới, hát lên một bài ca mới.” A! Thì ra con muỗi biết hát, nó hát tạ ơn Chúa đã cho nó bữa ăn.Cái bài hát giống y như của vợ tôi. Lắm lúc đang nhặt rau nàng hát thế. Có lần tôi đã phải quở nàng rằng , em không còn bài hát nào khác nữa hay sao. Nàng bảo, trong tình yêu thì lúc nào cũng là một bài ca mới! Hay là… con muỗi này là hồn của vợ tôi? Bỗng dưng tôi nghe tiếng nàng cười khanh khách ở nhà bếp. Chết, nàng đọc hết tư tưởng trong đầu tôi sao!

Con muỗi đã bay đi từ lúc nào. Ngồi một mình nghĩ lại câu chuyện vừa xẩy ra, thấy cũng thú vị thật. Cả chiều hôm ấy, tôi cứ miên man so sánh nàng với con muỗi. Nàng bé bỏng, tôi nghiệp, bỗng dưng tôi thấy thương nàng làm sao. Càng suy nghĩ, tôi càng muốn bỏ dỡ “tuyệt mệnh’’ thư kia. Nhưng tôi không nói ra, tôi cứ tỉnh bơ làm như còn giận nàng lắm. Chiều hôm ấy, tôi ăn cơm ít. Nàng đâu biết tâm trí tôi vẫn còn miên man nghĩ đến con muỗi. Cái cố tật ấy của nàng không bỏ được đâu. Tôi hướng ngoại, nàng hướng nội, tôi ôm đồm đủ chuyện, nàng dè dặt, tôi thích bạn bè, nàng chỉ thích quanh quẩn với gia đình. Cứ như nước với lửa, thế mà không biết sao chúng tôi lại thành vợ chồng. Tôi phải ráng mà chấp nhận. Để cho con muỗi chích hay là đập cho nó một cái? Ái chà! Khó xử ghê.

Thấy tôi không ăn hết chén cơm, nàng băn khoăn: “Mình vẫn giận em đấy à, thôi, mình cho em xin lỗi, lâu lâu em mới “chích’’ mình một cái mờ.’’ Chết chửa! Tôi giật mình, nàng nói cứ y như là hồn con muỗi đang ở trong đầu tôi,thì nàng cũng lại so sánh y như thế. Trời ơi! Điên cái đầu, chuyện gì đang xảy ra cho tôi đây. Đêm ấy, tôi thao thức không ngũ được. Tôi không dứt được hình ảnh con muỗi, tôi miên man suy nghĩ về cú chích hồi chiều tôi đã tặng nó. Thấy tôi trằn trọc, nàng tưởng tôi vẫn giận nàng lắm, nàng chúi đầu vào ngực tôi âu yếm. Á, à muốn làm hoà đấy hả. Tôi giả vờ quay mặt qua một bên. Tôi lại thấy vợ tôi giống y như con muỗi, đang lúc tôi suy tư một đề tài lớn như thế mà nàng cứ vo ve phá đám. Nhưng nàng đâu biết tôi thương nàng ghê gớm rồi.

Hôm sau, cũng đến giờ cơm chiều, con muỗi lại vo ve bay tới. Tôi im lặng theo dõi xem nó làm gì. Nó đậu xuống góc bàn, chỗ hôm qua, không thấy tô phở là mùi thơm trên cánh tay tôi nữa, nó dáo dác nhìn chung quanh. Tội nghiệp không kìa, cô đơn, lẽ bóng giống y như vợ tôi lúc đi chợ một mình. Chắc bạn đọc bảo đi chợ một mình thì có gì đâu. À, không đơn giản đâu nhé. Nàng đẩy chiếc xe đi hết vòng này qua vòng khác mua cho bằng được món nấu súp măng cua. Về đến nhà, có khi lại một mình bê đồ từ garage lên đầu. Bạn đọc ạ, chỉ tại một chiều hứng chí, tôi phán một câu bâng quơ: “Lâu ghê rồi nhỉ, mình không ăn súp măng cua.’’ Tôi nói chơi vậy thôi rồi quên bẵng, ấy thế mà nàng nhớ, nhất định nấu súp măng cua cho tôi.
Tôi đâu biết rằng đằng sau chén súp là cả một khung trời yêu thương nàng dành cho tôi. Làm sao nàng kể hết cho tôi nghe nàng đi chợ như thế nào được. À, mà tôi quên chưa kể cho bạn lúc vợ tôi chất đồ vào chiếc xe đẩy. Nàng lấy cái receipt dài lê thê như chiều mưa không biên giới, lấy cái bút chì gạch hết một lượt xem cô cashier có tính tiền lộn không. Trời ơi, phải tôi, thì tôi đã vất ngay đi rồi. Nàng cẩn thận từng đồng một, ấy thế mà có gì sơ suất một tí là tôi cho nàng một bài học ngay. Nghĩ lại thì tôi cũng “chích’’ nàng không thua gì con muỗi kia đâu. Nghĩ tới đay, tôi thương nàng, quá đỗi.

Thế còn tờ “tuyệt mệnh’’ thư tôi đang viết dở thi sao? Chả nhẽ tôi lại bỏ dở à? Chà, rắc rối, chỉ vì cái con muỗi này làm xáo trộn nền suy tư triết học của tôi. Tôi nhìn con muỗi đang dáo dác tìm bữa ăn chiều. “Lạy Chúa, xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.’’ À, thì ra nó lại cầu nguyện. Cứ cái điệu này thì tôi phải nuôi nó suốt đời quá! Nhưng mà suy cho cùng, thì từ qua đến hôm nay nó đã cho tôi bao nhiêu suy tư thú vị, mà tôi mới cho nó một tí máu, chả nhằm nhò gì. Tính ra thì tôi vẫn có lời. Nghĩ vậy, tôi sẻ sàng đưa cánh tay cho nó đậu xuống. Bất chợt, tôi lo, nếu nó truyền bệnh sốt rét cho tôi thì sao đây. Chết chửa, tôi sợ lạnh toát cả người. “Thưa ông chủ, không sao đâu.’’ Aí chà, nó nói với tôi như đọc hết ý nghĩ trong đầu tôi bạn ạ. “Mày nói gì hả muỗi.’’ “Thưa ông chủ, tôi không có bệnh sốt rét đâu, những con muỗi ngoài vườn nó ăn uống lung tung với trâu bò, gà vịt nên mới có bệnh, còn tôi, ông chủ nuôi chính bằng máu của ông chủ mà, ông chủ lại sợ chính máu của mình sao, ngày nào ông chủ đuổi tôi ra vườn bấy giờ tôi mới giống những con muỗi khác, cũng như ngày nào ông chủ đuổi bà chủ vậy.’’ Ái chà chà, con muỗi này ghê thật. Nó dám đem chuyện vợ chồng tôi ra mà ví von. Nhưng, xem chiều nó cũng có lý đấy. Bất chợt, tôi nghe tiếng nàng cười khanh khách ở ngoài nhà bếp. Chết chữa, hôm qua nàng cũng cười đúng lúc mà tôi lý luận với con muỗi. Thế này nghĩa là sao. Nếu hồn nàng trong con muỗi này thì tôi mắc cỡ chết đi được, nàng đùa giỡn với suy tư triết học của tôi!

Câu chuyện giữa tôi và con muỗi cứ tiếp tục, mỗi ngày nó cho tôi một đề tài, tôi thấy nhờ thế mà liên hệ giữa tôi và nàng khác xưa. Tôi thương vợ tôi nhiều, càng thương nàng tôi thấy như tôi thương chính tôi, cũng giống như con muỗi lý luận vậy, máu thịt tôi đó mà, có điều nó cũng quá quắt lắm, tôi phải nuôi nó hàng ngày. Một lần nọ, nó lý luận với tôi như thế này, thì hỏi rằng có ghê gớm không. Đó là sau một thời kỳ nuôi nó, tôi đâm nhàm chán. Tôi hỏi nó:
– “Muỗi này, mỗi lần mày chích đau quá, con người chúng tao ghét mày là vì thế”.

Nó trả lời:
– Thưa ông chủ, trong địa đàng cũng vậy thôi, chúng tôi cũng chích người như thế. Ngày xưa trong địa đàng chúng tôi cũng chích hai ông bà nguyên tổ. Ở đâu mà chả có những cái đau khổ nho nhỏ, đó là cuộc đời mà!

Tôi sửng sốt kêu lên:
– Ở địa đàng cũng có muỗi chích hay sao!

Nó thản nhiên trả lời:

– Thưa ông chủ, Thiên Chúa dựng nên chúng tôi trước khi dựng nên con người. Ông chủ không đọc Kinh thánh sao. Sau khi dựng nên vũ trụ, dựng nên tất cả chúng tôi, rồi bấy giờ Thiên Chúa mới dựng nên chúng tôi là phải chích người. Nếu ông chủ không muốn bị muỗi đốt thì đừng về địa đàng nữa, chúng tôi vẫn còn ở đấy. Cũng như ông chủ với bà chủ ấy, thỉnh thoảng tôi thấy hai ông bà cằn nhằn nhau mà tôi thấy tội nghiệp. Ông chủ với bà chủ cũng như muỗi chích nhau. Thưa ông chủ, cái chịu đựng của người này là sự sống của người kia đấy. Những đau khổ nho nhỏ như cú muỗi chích ấy làm sao mà tránh được, ngoại trừ đừng có nhau. Thưa ông chủ, vâng, địa đàng cũng có muỗi chích, tuỳ ông đáy, muốn vào thì vào, ông không thay đỗi được địa đàng đâu, hay là ông thay đổi chính ông đi để mà vào được địa đàng?

Thú thật với bạn đọc, tôi thấy đúng y như vậy. Làm sao tránh hết những cú “muỗi chích’’ trong đời sống hôn nhân. Nhưng, tôi là người chỉ muốn mình lý sự với người chứ không muốn ai lý sự với mình. Cho dù con muỗi nói đúng, nhưng sự thật khó nghe. Tôi phục nó đó, nhưng tôi không thương hại nó như ban đàu nữa. Tôi phải là người ban phát, chỉ bảo chứ không muốn kẻ khác lý sự với mình. Có khi kẻ khác nói đúng, nhưng tôi vẫn không muốn nghe, nó chạm tự ái tôi làm sao ấy, cũng như tôi đang ghét con muỗi kia. Nếu con muỗi năn nỉ tôi như vợ tôi thường năn nỉ tôi thì có lẽ dễ thuyết phục tôi hơn, chứ còn lý luận kiểu đó là hỏng với tôi rồi. Bây giờ tôi lại cứ phải để nó “chích’’ hàng ngày. Cho dù tôi biết, mất một tí máu chẳng nhằm nhò gì, đau một tí không thấm vào đâu, như tôi đã nói với bạn lúc nẫy, so sánh thì vẫn lợi nhiều vì nó như nhà hiền triết mỗi ngày cho tôi một suy tư, tôi thấy mình thâm trầm nhiều từ ngày nói chuyện với nó. Nhưng tôi khó chịu với ai dạy đời, nó chỉ là con muỗi bé nhắt, vậy mà lại đòi dạy tôi mới chết chứ. Thế là tôi âm mưu giết nó.

Một ngày kia, nó cũng đến như mọi ngày. Khốn cho nó, nó đâu biết hôm nay là ngày cuối đời của nó. Tôi không cần cái triết lý sống của nó nữa. Nó dạy đời tôi nhiều quá rồi. Hôm ấy, nó cũng lại đậu trên cánh tay tôi như thường lệ. Trước khi châm ngòi xuống tay tôi, nó nói:
– Thưa ông chủ, tôi biết , khi tôi “chích’’, ông chủ có hơi đau, ông chủ có mất một chút máu, nhưng tôi đã cho ông chủ bao nhiêu suy tư về cuộc đời.So sánh thì tôi cho ông chủ nhiều hơn ông chủ cho tôi đấy. Ông cho tôi chút vật chất, còn tôi, tôi cho ông những giá trị tinh thần!

Ái chà! Không ngờ nó dám lý sự vậy. Chẳng khác nào vợ tôi bảo, này anh, nhiều lúc em có làm cho anh tức mình, nhưng mà những gì em đem đến cho anh còn nhiều hơn thế bao nhiêu. Trời ơi! Giả sử vợ tôi mà nói thế thì… Vậy mà giờ đây con muỗi nhách này dám ăn nói vậy! Chưa hết, nó nhìn tôi tiếp tục nói thêm:
– Thưa ông chủ, nghĩ cho cùng, cái mà ông chủ khó chịu với tôi không phải là tiếc chút máu, cũng không phải là đau. Hồi sáng nay, ông chủ vấp chân vào cái bàn, đem so sánh thì một ngàn cái chích của tôi cộng lại cũng chưa đau bằng cái vấp ấy. Ông khó chịu không phải vì đau mà chỉ vì nhàm chán là cứ phải lập đi lập lại hàng ngày. Cũng như hồi đầu mới cưới nhau về, người ta đâu có kêu ca gì, ông hạnh phúc, bà hạnh phúc, ấy vậy mà những năm sau này, hơi chút là ông cằn nhằn, hơi chút là ông cạu cọ. Chẳng qua là vì nhàm chán nhau đó mà thôi. Tất cả hệ tại là thái độ suy tư trong tâm thức của mình.

Chết rồi nó lại dạy đời tôi nữa! Mà đúng quá, những gì nó nói cũng y như những gì tôi nghĩ thôi. Nhưng tôi nghĩ thì được chứ để nó dạy tôi thế này thì hỏng. Nhớ lại, có lần vợ tôi nói: “Những gì em nói thì cũng giống như anh thôi, có điều anh nói ra thì đúng, còn em nói là sai, tại sao vậy.’’ Hôm ấy tôi giận quá là giận, bỏ không ăn cơm chiều. Chà, con muỗi này sao giống vợ tôi thế. Không được, nếu cứ thế để thế này rồi đời tôi sẽ đi về đâu. Nó bắt đầu lèo lái cuộc đời tôi bằng lý luận của nó rồi. Không khéo thì một lúc nào đó, “tôi sống mà không phải tôi sống, nhưng là con muỗi sống trong tôi.’’

Không! Tôi không chấp nhận được. Không suy nghĩ gì nữa, tôi phải giết con muỗi này. Thế là cuộc âm mưu giết con muỗi bắt đầu. Tôi từ từ đưa bàn tay kia lên, rất sẻ sàng, con muỗi không hề biết gì, nó thản nhiên chích cái vòi vào cánh tay tôi. Từ trên cao tôi nhắm đúng hướng mà chụp bàn tay xuống. Trong tích tắc con muỗi không kịp nói một lời ăn năn. Bàn tay tôi phát đánh đét một cái, con muỗi chết tức tưởi.

Một chấm màu đỏ toé trên tay, đó, máu của tôi đó. Giữa lúc ấy, chiếc cầu thang sắt ngoài garage đổ ầm một cái, đồ đạc rơi loãng xoãng. Tôi chạy ra thì vợ tôi đang run lên đau đớn quằn quại. Chúa ơi, nàng sửa cái bóng đèn, bị điện giật ngã bất tỉnh nhân sự. Sao em không để đấy cho anh sửa, em sửa làm gì cho khổ vào thân. Tôi cuống quýt, thì chính nàng đã chẳng bảo tôi thay cái công tắc ấy mấy lần rồi đó hay sao. Cái tối nàng xuống garage giặt đồ, đã đánh bể cái bình thuỷ tinh nuôi cá vì không có đèn. “Anh thay cho em cái công tắc đèn đi, bảo anh mấy lần rồi.’’ Tối ấy tôi đã định thay, nhưng khốn nỗi lại và ngay tối có football. Tính ra có đến cả tháng nay rồi lúc nào tôi cũng bảo, để đấy anh sẽ làm. Trơi ơi, bây giờ cớ sự đã xảy ra. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Bây giờ biết làm sao đây.

Xe cấp cứu vội đưa vợ tôi vào nhà thương, nhưng người ta không cứu được vợ tôi nữa, dến nhà thương thì vợ tôi chết!

Ngay chiều ấy, lúc tôi giết con muỗi cũng là lúc vợ tôi bỏ tôi mà đi. Thế là tôi mất luôn con muỗi lớn lẫn con muỗi nhỏ.

Từ ngày vợ tôi chết, căn nhà vắng làm sao. Tôi bắt đầu thao thức những khi đêm tối đổ về. Không còn con muỗi vo ve, cũng thấy trống trãi. Bây giờ tôi cô đơn. Chiếc giường rộng mênh mông, ngày xưa những lúc giận nhau tôi thường nằm quay mặt thế này, nàng hay năn nỉ tôi bằng đôi tay mềm mại xoa trên vai tôi. Bây giờ tôi muốn giận ai thì giận, chả còn ai năn nỉ tôi nữa. Nghĩ tới vợ, tôi thương nàng quá chừng. Nhưng nàng không còn nữa.

Mới có mấy tuần lễ không có nàng mà đời tôi xáo trộn nhiều quá, đến độ tôi không thể tưởng tượng nỗi. Ai có sống cảnh gà trống nuôi con, mới thông cảm được cho tôi. Chỉ nguyên chuyện hỏi thằng con xem nó muốn ăn gì mà tôi cũng đã điên lên. Bố lấy mì gói cho con nhé. Nó lắc đàu. Bố lấy hot dog nhé. Nó cũng lắc đầu. Thế có chết tôi không. Ngày xưa vợ tôi có phép màu gì mà bữa nào nó cũng ăn tì tì, thằng bé lớn như thổi. Mới có mấy tuần lễ không mẹ mà nó ốm hẳn đi. Nguyên tuần thứ nhất, đi chợ, tôi bỏ quên ví tiền ở cashier. Đoảng quá sức. Phải ngày xưa mà vợ tôi thế thì tôi đã cho bài học rồi.

Đến lúc cô thư ký làm chung hãng nhắc, tôi mới biết là áo mình rớt cái cúc từ bao giờ. Về nhà, tôi cặm cụi kim chỉ. Khâu xong xuôi, mặc vào, mới thấy cái cúc lệch cái khuy đến cả đốt ngón tay. Tôi lại cặm cụi tháo ra. Ôi! Cái cảnh gà trống nuôi con.

Những lúc như thế, tôi thương nàng da diết. Nhưng làm sao mà bù lại được nữa. Tôi mất nàng rồi. Còn lại hai bố con tôi thôi, thui thủi nói chuyện với nhau. Nhà vắng vẻ quá sức. Giá có nàng lúc này căn nhà ấm cúng biết bao. Chỗ này đây nàng vẫn đứng nhặt rau.Nàng hay nhắc tôi cái ống tăm thì để chỗ này. Mấy bao giấy thì cất chỗ kia. Không biết ngày xưa nàng làm thế nào mà hay thế. Bây giờ, tôi mới biết công lao của nàng. Tôi tưởng cứ mỗi hai tuần lễ đem cho nàng cái pay check là xong. Y như con muỗi nó nói, tôi cho nó ít mà nó cho tôi nhiều. Xét lại thì vợ tôi cũng thế. “Em ơi, bây giờ vắng em anh mới hiểu đời chúng ta cần nhau như thế nào.’’ Tôi khóc một mình trong chiều vắng.” Chúa ơi, có cách nào Chúa cho vợ con sống lại được không.’’

Tôi đang thổn thức, chợt có con muỗi vo ve. À, vẫn có tiếng vo ve của con muỗi sao? Tôi chìa tay cho nó đậu, nhưng nó lượn qua rồi bay vào góc tối. Thế là hết, ngày xưa tôi đã giết con muỗi, bây giờ không con muỗi nào cần tôi nữa. Hình ảnh ấy làm tôi tủi thêm, như Chúa nói rằng, tình yêu cũng thế, ai không biết gìn giữ tình yêu, sẽ mất tình yêu. “Không! Chúa ơi, xin cho nàng sống lại, một lần thôi trong đòi, con sẽ bù trừ lại tất cả ngày xưa tháng cũ cho nàng.’’ Tôi vừa nói xong như thế, thì, trời ơi, bạn có biết chuyện gì xảy ra không. Chúa nói với tôi thế này: “Ta cho con được lại người vợ năm xưa.’’ Chúa nói với tôi: “Nhưng con ạ, trong địa đàng cũng có muỗi, rồi vợ con cũng sẽ “chích’’ con như ngày xưa thì sao.’’ Tôi sợ Chúa đổi ý, vội thưa ngay: “Lạy Chúa, vâng, con biết rồi, trong địa đàng cũng có muỗi chích, Chúa cứ cho nàng về đây với con. Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.’’ Chúa nhìn tôi nói: “Nhớ nhé, ngày xưa trong hôn lễ ngươi cũng nói y như thế, con nhớ không? Hôm nay lại hứa một lần nữa, Ta chứng giám lời hứa, thương tình, Ta sẽ đem nàng về. Nhớ nha, trong địa đàng cũng có muỗi đốt đấy.’’

Con muỗi lúc này lại vo ve bay đến. Nó bay sát gần tôi, dùng đoi cánh đập vào nhau thành âm thanh nói với tôi: “Thấy Chúa nói chưa?’’ Lạ quá, sao tiếng nói giống y như tiếng vợ tôi ngày xưa. Chúa vẫn đứng đấy nhìn cả con muỗi và tôi. Tôi đưa cánh tay cho con muỗi, lần này, nó từ từ hạ cánh, Chúa ban phép lành và con muỗi biến mất. Có hương thơm người đàn bà dựa đầu trên cánh tay tôi. Trời ơi! Chúa đã đem vợ tôi trở về! Tôi kêu lên sung sướng. Nàng ôm lấy tôi rồi tát yêu vào má tôi rồi nói: “Chúa nào thèm nhận lời của anh, Chúa nhận lời của em đó! Em cầu xin Chúa cho em biến thành con muỗi để tìm cách yêu anh hơn.’’

Có Chúa biết! Tôi ôm nàng hạnh phúc. Nàng cắn yêu vào bàn tay tôi. Tôi lại sực nhớ, à thì ra con muỗi này sẽ tiếp tục chích tôi đây. Nhưng lần này tôi không đuổi nữa, đời tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi giữ nàng trong tay ôm. Hương hạnh phúc lan toả ngập nhà. Hạnh phúc quá đổi. Tôi nghẹn ngào nghe giọng nàng cất lên se sẻ như ngày xưa: “Một bài ca mới, hát lên một bài ca mới…’’ Bất giác, tôi cũng hát theo. Nàng vẫn trong tay của tôi, và lần này thì cả hai người cùng hát chứ không còn một mình nàng hát như xưa.

Nàng rưng rưng lệ, nước mắt hạnh phúc của nàng rơi trên tay tôi. Tôi cũng thấy mắt mình cay từ bao giờ. Chúng tôi hạnh phúc quá, vì từ đây, cuộc đời chúng tôi lại có nhau như một bài ca mới của tình yêu. Và, từ đây, chúng tôi sẽ cùng nhau hát bài ca tình yêu mới ấy cho đến mãi mãi nghìn sau.

Như Hội Thánh phục tùng Chúa Ki tô thế nào thì vợ cũng phải phục tùng chồng như vậy.
Người làm chồng phải yêu thương vợ như chính Đức Ki tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.
Chồng phải yêu vợ như chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình.
Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình như Chúa Ki tô nuôi nấng và săn sóc Hội Thánh.
Tôi muốn nói về Đức Ki tô và Hội Thánh.
Mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình.
(Êphêsô 5: 21-33).

Nguyễn Tầm Thường

From: Le Ngoc Bich & KimBang Nguyen

Chuyện ngắn giải trí cuối tuần: CÁI GIÁ PHẢI TRẢ KHI NGOẠI TÌNH!

Khánh NgọcNhững câu chuyện Nhân Văn

Vợ chồng tôi ly hôn khi vợ phát hiện tôi ngoại tình và có con riêng 5 tuổi – ít hơn 1 tuổi K. – con trai út của vợ chồng tôi.

Vợ tôi cư xử rất có văn hóa và văn minh. Cô ấy không làm ầm ĩ cũng chẳng đáпh ghen mà cho tôi chọn lựa: hoặc về với gia đình, hoặc đến với nhân tình.

Trong lúc tôi đang đứng ở ngã ba đường thì cô bồ nhí trẻ đẹp, miệng ngọt ngào và luôn tâng bốc tôi tận trời xanh đòi tự tử, Còn đến tận nhà gặp gỡ vợ tôi với các con tôi ép bắt tôi phải ly hôn. Khi ấy, bé Mun – con gái đầu của tôi – 11 tuổi, con trai nhỏ vừa tròn 5 tuổi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ hậu ly hôn, cha con tôi có khoảng cách, vì tôi rất yêu thươпg con, và chúng cũng vậy. Thế nhưng, sau ly hôn, bồ nhí lên chức vợ, quản tôi như quản tù. Vợ hai luôn cản trở, ngăn cấm tôi về thăm con.

Tôi và vợ 2 làm chung cơ quan tình công sở, “may cho tôi vợ cũ không triệt đường công việc của hai chúng tôi, nhưng anh em cùng cơ quan thì mỉa mai “…Nên tôi không thể trốn đi thăm con được. Theo lệnh của vợ 2, mỗi tháng tôi chỉ được thăm con một lần, dù hai nhà cách nhau chỉ 5km. Và khi đi phải chở theo cậu con nhỏ.

Lần đầu sau ly hôn 2 tháng sau tôi mới được về thăm con. Khi đó, chị em Mun đang chơi ngoài sân. Tôi vừa đưa tay ngoắc, hai đứa định chạy về phía tôi, thì bất ngờ, con trai riêng ôm chặt lấy chân tôi và hét lên “ba của tao, không phải ba của mày”. Con vừa hét, vừa khóc nên tôi bồng con lên.

Lúc ấy, Mun và K. đứng nhìn tôi trân trối rồi chúng bước thụt lùi, cho đến khi khuất sau cổng nhà ngoài. Cái cảnh cha con ôm nhau mừng rỡ và tôi sẽ công kênh cậu con trai trên vai như mỗi lần tôi đi làm về, và nghe tiếng con cười hắc hắc, giọng đớt đát “Ba của Chèo” (tên ở nhà của con là Tèo) không còn nữa.

Sau đó, tôi cũng về thăm con, nhưng một là chúng chạy mất dạng khi thấy bóng tôi, hai là ngồi lì trên võng trước nhà ngoại, tôi kêu thế nào cũng không bước ra (tôi bị cha vợ cấm cửa sau khi ly hôn).

Tôi chỉ gần hai con nhất vào dịp giỗ ba tôi. Dịp này, vợ cũ đưa hai con về cúng ông nội, rồi cô ấy lánh ra quán ngồi chờ. Tôi chẳng biết trước khi tôi đến, hai con thế nào, nhưng từ lúc tôi và vợ 2 còn con xuất hiện thì hai con thu vào một góc, sụ mặt xuống, không cười giỡn với ai, tôi ngoắc cũng không chịu lại.

Tôi bước đến định ôm con, thì cả ba cha con tôi đều thấy ánh mắt tóe lửa của vợ 2 tôi, còn con trai riêng thì mè nheo. Vậy là tôi chẳng thể ôm con trọn vẹn.

Tôi không biết mỗi lần gặp con ở đám giỗ đều để lại vết hằn trong tâm trí con. Vợ 2 tôi chẳng biết cố ý hay vô tình, cô ấy cứ quấn lấy tôi, miệng cứ “chồng ơi”, rồi nhờ tôi lấy thức ăn, nước uống cho cô ấy. Cô ấy còn bắt tôi đút con ăn, bồng con suốt – dù thằng bé có thể tự chơi. Thể hiện đủ mọi trò trước mặt các con tôi.

Thấy vậy, má tôi cùng các em kéo chị em Mun lại gần vỗ về. Nhưng có lẽ việc cha mình cưng nựng một đứa trẻ khác và chăm chút cho người đàn bà khác là điều khó có đứa trẻ nào chấp nhận.Cũng không chấp nhận nhìn ảnh cha nó chụp với gia đình mới của cha nó

Những năm sau, tôi về đám giỗ thì không gặp hai con. Tôi gặng hỏi thì vợ cũ mới nói:

“Hai đứa nhỏ không chịu về, vì không muốn gặp ba và vợ con của ba”.

Vừa bị vợ 2 ngăn cản thăm con, quyết không cho tôi gửi tiền nuôi chúng nó như toà xử, tôi sống như tù giam lỏng… Con cái lại lợt lạt nên sau khi bức bối và làm ăn đang tuột dốc thì tôi chia tay “tập 2”, tôi lên TPHCM sống với “tập 3” và cũng ít khi gặp con cái.

Sau này tôi bị bệпh tiểu đường, biến chứng qua tiм, khớp người yếu, đi lại khó khăn thì vợ 3 cũng dứt áo ra đi. Tôi không nghĩ, ở tuổi xế chiều tôi phải sống trong cô độc, bệпh tật dù có đến 3 đứa con. Tôi cũng không biết rằng, chị em Mun vĩnh viễn không thể bước tới với tôi sau những bước thụt lùi 20 năm về trước.

Ngày hai con cưới, vợ cũ cho tôi hay, nhưng tự ái vì hai con không gọi điện báo tin cho cha, và không mời cha dự nên tôi không về. Tôi nghĩ, sự vắng mặt của tôi sẽ làm con hối hận.

Cách đây 2 năm, tôi bị tai пạп gãy chân, gọi báo con. Tôi tin là con sẽ пóпg ruột chạy tới ngay và vì con làm ở côпg aп tỉnh nên có thể giúp tôi giải quyết nhanh vụ xe. Nhưng, đến gần sáng con mới tới, hỏi thăm mấy câu rồi về. Trong lúc vừa giận, vừa xỉn, tôi chửi:

“Đồ mất dạy, bất hiếu”.

Con trai trả lời:

“Tôi mất dạy vì không có ba và ông có trách nhiệm gì với tôi mà giờ đòi tôi báo hiếu, tôi được ngày hôm nay là sự hy siпh rất lớn của mẹ tôi “

Tôi cứng họng, không nói được câu nào.

-Có một điều đáng lưu tâm là phần lớn người thành đạt đều có những người mẹ tuyệt vời và những gì mà họ tiếp thu được từ người mẹ thì nhiều hơn rất nhiều từ người cha.

Mối quaп hệ tôi với con gái đỡ hơn, khi tôi nằm viện, con tới thăm. Nhưng, con cho tôi ít tiền rồi về như làm từ thiện. Cả hai đứa không hề đụng tay vào tôi xem tôi gày hay ốm, chỉ đứng nhìn như người bất đắc dĩ đi thăm bệпh. Tôi rất đau, nhưng đó là cái giá tôi phải trả cho những năm tháng bỏ bê, không có trách nhiệm với con.

Còn cậu con trai với vợ sau thì lông bông, lêu lổng, chỉ nhớ đến tôi khi cần tiền tiêu xài, ăn nhậu. Mẹ nó thì vẫn chứng nào tật đấy đong đưa với đàn ông có vợ để có tiền …

Giờ đây, ở tuổi xế chiều, bệпh tật và cô độc, tôi vô cùng thấm thía khi đọc bài

“Bỏ mặc con, đàn ông đầu tư cho tình nhân rồi về già ai chăm?”- Tôi chưa từng nghĩ đến điều đó khi lao theo những cơn say ái tình, để giờ phải trả giá.

Vì vậy, những ngày qua, khi đọc tin tức, xem hình ảnh vị doanh nhân và cô diễn viên công khai yêu nhau bất chấp chưa ly hôn, tự dưng tôi hình dung hơn chục năm nữa, anh ta cũng sẽ như tôi của hôm nay – bị con cái quay lưng, Chính tôi cũng là người thành đạt rồi cứ vì gái như con quỉ vận xấu cứ đeo bám mà làm ăn càng xuống dốc.

Không biết trân trọng người vợ sát cáпh bên mình khì khổ sở thì cuối đời chỉ cô độc mà thôi

Психоневрологические интернаты – социальные учреждения для тех, кто ...

Vợ là may mắn của người đàn ông, mất vợ là mất tất cả … Sau mỗi thành công của người chồng luôn có hình bóng người vợ kề bên..

Sau thất bại của đàn ông là kẻ thứ ba chiếm thị trường …

Và chúng ta không chỉ có tội bỏ rơi con, làm tổn thươпg con, mà còn gián tiếp biến con thành kẻ bất hiếu. Đó là tội lỗi lớn nhất của người cha ngoại tình.

Tôi tha thiết mong con tới thăm khi bệпh tật, nắm tay tôi một cái cũng đỡ tủi thân, nhưng… Điều ấy xa vời.

Sưu tầm.