– Bác sỹ có thể cho thuốc về nhà uống được không? Tôi không muốn nhập viện, nhà tôi đơn chiếc lắm! – Con bà đâu? Bà đi khám bệnh một mình à? – Tụi nó đi làm hết rồi. – Bận rộn đến nỗi để mẹ già 75 tuổi bệnh nặng đi khám bệnh một mình sao? Mình hỏi xong tự dưng thấy có lỗi với bà cụ, bởi câu hỏi đó chỉ làm bà tủi thân và xót xa. Người cần nghe thì không có mặt ở đây. Bà cụ ngồi đối diện với mình dáng vẻ gầy guộc như cành khô, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể xuôi tay về đất. Đường huyết 480 mg%, Na+ 157, Creatinin 2,5mg%, ECG : rung nhĩ đáp ứng thất nhanh…. Vậy mà … Mình biết cho thuốc gì bây giờ? Insulin ư? Bà cụ có chích insulin được không? Nhìn đôi mắt ngân ngấn lệ mà se sắt trong lòng. Ngỡ như mình đang “kiệt” nước. – Bà ơi, bà nghe lời con nhập viện đi. Bệnh bà nặng lắm. Bà có thể vào hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu. – Không được đâu. Bác sĩ cứ cho thuốc đi. – Bà đọc số điện thoại con bà đi, con gọi cho. Bệnh của bà phải nhập viện. Bà cụ nhìn mình một hồi rồi mới lập cập giở tờ giấy lận lưng có ghi số điện thoại con mình. – Alo, phải chị là con bà Nguyễn Thị A không? – Đúng rồi. – Mẹ chị bệnh nặng lắm, phải nhập viện. – Cho thuốc về được không? Bả còn phải coi nhà và hai đứa nhỏ nữa. Vợ chồng tui chiều nay có cuộc họp quan trọng. – Chị nói đùa hay sao vậy? Tôi là bác sĩ đang khám cho bà đây. Mình gần như quát lên trong điện thoại. – Vậy thôi, nhập thì nhập. Mà ở bệnh viện đó có dịch vụ thuê người nuôi bệnh không? Bây giờ mình mới hiểu được tại sao bà cụ không muốn nhập viện. Ôi … giá như mình đừng hiểu, đừng cố nhìn thật sâu vào lòng người …. Nhiều khi chúng ta mê mải với cuộc mưu sinh, mà quên còn mẹ ở bên, bạn nhỉ? Hay do tình yêu và sự hy sinh của mẹ quá thầm lặng, đến nỗi chúng ta không cảm nhận được! Mỗi đêm chúng ta đi làm về, vội lao vào chiếc tivi xem trận đá bóng ngoại hạng, xem cô ca sỹ hở hang bốc lửa hát… mà quên hỏi mẹ hôm nay có khỏe không, ăn có ngon miệng không, mùa mưa về khớp xương có nhức mỏi hơn không? Có bao giờ chúng ta mua tặng mẹ một chiếc áo, một nhành hoa? Có bao giờ chúng ta chở mẹ lang thang phố, hay ghé vào một quán nào đó, ngồi lặng im bên mẹ và nhìn mẹ ăn? Rồi một ngày không xa, chúng ta vội vàng đưa mẹ đến phòng cấp cứu trong cơn nguy kịch. Rồi một ngày bác sĩ nhìn chúng ta lắc đầu hỏi : Sao anh chị không đưa bà đến đây sớm hơn? Rồi chúng ta ngỡ ngàng hối tiếc … Mẹ đã ra đi. Bây giờ bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu tiền của cũng không thể nhìn thấy thêm một lần nữa nụ cười hiền từ bao dung của mẹ. Trở về sau cuộc cờ tàn. Bàn chân con bước bao lần chông chênh. Bao lần khó ngủ trong đêm. Lời ru của mẹ biết tìm nơi đâu?
Ngày còn bé con cứ thắc mắc, tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn sự tôn vinh người Mẹ. Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái. Con đường nào lớn gọi là “đường cái.” Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ.”
Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ.” Trên dải đất nhỏ hẹp mang hình chữ S ấy đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu. Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường mẫu giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy. Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái,” “đũa cả.”
NHỚ LỜI MẸ DẶN: Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu.” Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con.
Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây ấn tượng và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.
Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi.” Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con!
NHỮNG LÁ THƯ CŨ: Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây.
Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ.”Mẹ đã ngăn lại và bảo:“Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỉ niệm. Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỉ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy.” Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thủy chung với mẹ.
Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc!
HAI VÙNG SÁNG TỐI: Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền. Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hóa ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con.
Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu, những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi.” Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít,đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi!
BÀI HỌC LÀM GƯƠNG: Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem vô tuyến. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con là cán bộ cũng không thông tỏ ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào?” Ngẫm kĩ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài.
Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo” mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!
Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình.
Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức, nhưng không phải vô tình người ta mới chỉ phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và trong nhạc, trong thơ, nơi đâu cũng thấy vang lên những “Huyền Thoại Mẹ,” ” Tình mẹ,” “Lòng mẹ”…
Con gái yêu của mẹ…Trong cuộc sống mẹ mong con hãy ghi nhớ những điều sau:
– Lúc giận đừng có cãi nhau. Có thể không nói gì, không giặt quần áo của chồng, nhưng không được cãi nhau tay đôi với chồng.
– Cãi nhau với đàn ông thì đừng có chạy ra ngoài mà oang oang khắp nơi, anh ta tiến về phía con một bước thì con hãy bước về phía anh ta hai bước.
– Ngôi nhà chính là chỗ đóng quân của người phụ nữ, cho dù có xảy ra chuyện gì thì cũng đừng có bỏ đi. Bởi vì, đường trở về rất khó khăn.
– Hai người trong nhà đừng có lúc nào cũng chỉ nghĩ đến sĩ diện, hai người sống với nhau, sĩ diện quan trọng lắm sao? Nếu thế thì ra ngoài sống thế nào được?
– Đã là vợ chồng thì cần phải biết thông cảm và tha thứ lẫn nhau, ai cũng có tốt, có xấu lẫn lộn, ta chỉ một bề tận dụng những cái tốt cho nhau.
– Bất kể một người đàn ông giàu có, nhiều tiền như thế nào thì anh ta vẫn hi vọng có thể nhìn thấy con sạch sẽ thơm tho ở trong một ngôi nhà sạch sẽ tươm tất và đợi anh ta.
– Đàn ông tốt rất nhiều, anh ta sẽ không bao giờ đi ôm người phụ nữ khác. Nhưng trong cái xã hội như thế này, có rất nhiều phụ nữ xấu sẽ giang tay ra ôm lấy người đàn ông của con.
– Phụ nữ nhất định phải ra ngoài làm việc, cho dù là kiếm được nhiều hay ít, làm việc chính là sự thể hiện giá trị cuộc sống của bản thân. Nếu con cứ ở nhà mãi, anh ta sẽ có cơ hội nói trước mặt con rằng: “Tôi đang nuôi cô đấy” .
– Con đi làm bên ngoài, dù có bận lắm là bận thì vẫn phải làm việc nhà, nếu không thì dùng tiền của mình mà tìm một người giúp việc theo giờ. Việc trong nhà nhất định phải lo liệu tốt, con cái cũng phải nuôi dạy cho tốt.
– Anh ta vì con mà làm những việc mà con không bao giờ ngờ tới, con có thể cảm động, có thể khen ngợi, nhưng nhất quyết không được châm chọc kiểu “Hôm nay mặt trời mọc đằng tây rồi hay sao?”. Vì nếu như vậy, sau này anh ta sẽ không bao giờ làm bất cứ việc gì vì con nữa.
– Chẳng có ai là một nửa của ai cả, ý nghĩ của con mà không nói ra thì ai mà biết được? Cần cảm nhận cái gì, ghét việc gì, con phải nói ra thì người ta mới hiểu được.
– Bố mẹ anh ta cũng là bố mẹ con, cho dù bố mẹ anh ta đối xử với con không được tốt cho lắm, thì con cũng phải đối tốt với họ. Bởi họ là bố mẹ của anh ta.
– Một khi đã quyết định sống cùng người đó rồi, thì đừng có oán thán cuộc sống khó khổ, nếu như con đã chọn anh ta, thì đừng có oán trách anh ta.
– Cả đời này chúng ta có thể tiêu hết bao nhiêu tiền? Đừng mua những đồ xa xỉ mà làm gì, sống hạnh phúc là tốt rồi.
– Đừng có dọa con cái là “Mẹ không cần con!”. Lúc cáu giận, đừng có đuổi con cái ra khỏi nhà, chẳng may không thấy nó thật, con sẽ rất đau khổ.
– Đừng đánh con cái, lại càng không nên lôi ra ngoài mà đánh.
– Tình yêu mà cứ đánh đấm đâm giết nhau đúng là mãnh liệt thật, cũng rất lãng mạn. Nhưng không thực tế. Cứ bình thường thôi là được.
– Cuộc sống luôn thay đổi, phải biết trân trọng từng ngày. Tình nghĩa vợ chồng cũng đều là duyên phận cho nên: Một điều nhịn chín điều lành con ạ.
– Và cuối cùng mẹ mong con luôn luôn nhớ rằng: “ Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa mấy đời cơm khê. “.
Mẹ Mong con gái của mẹ có một cuộc sống bình yên và hạnh phúc viên mãn.
P/S: Cảm ơn quý bạn đã đọc bài, nếu thấy hay và ý nghĩa cho cuộc sống thì đừng quên chia sẻ cho mọi người cùng đọc, cùng biết và chia sẻ để nhận chia sẻ nhiều hơn bạn nhé… Chúc tất cả các vị mọi sự tốt lành!!
Thay thái độ đổi cuộc đời.
Thiên Chúa là tình yêu. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu.
Nếu được hỏi thì không biết ngày nay có được bao nhiêu gia đình còn đủ cha, đủ mẹ hay đầy đủ các con nếu mẹ nó không bị ép buộc đi phá thai nhỉ?. Có phải chúng ta nhận thấy rằng thời buổi của ngày nay giá trị của gia đình không còn được đặt nặng vấn đề nữa mà chỉ là tiền tài và danh vọng ảo hay không?. Dù rằng ảo như thế nào nhưng chẳng ai muốn nhìn vào sự thật của chính mình và chính gia đình của mình cả. Có lẽ thay vì tất cả chúng ta cần mượn đến cần sa, ma túy hay chích choác thứ gì đó nhưng vì cũng biết sợ nghiện ngập rồi làm cho thân thể dần chết thảm … Nên mượn cuộc sống ảo để cảm thấy cuộc đời còn đáng sống, đáng yêu qua liên hệ với những con người cùng sống ảo giống mình chăng?.
Cứ nhìn theo thống kê hàng năm trong giáo xứ, trong làng xóm thì chúng ta cũng được biết con số người đã làm phép Hôn Phối sau rồi ly dị là bao nhiêu đôi?. Tình trạng ông ăn chả, bà ăn nem rồi bị tai tiếng nên bỏ xứ ra đi là bao nhiêu?. Hay nghe biết, thấy bà này hoặc cô kia đã đi phá thai bao nhiêu lần rồi?. Gia đình chửi nhau, đánh nhau như cơm bữa cũng là con số nhiều đáng lo ngại. Ông nội, ngoại còn xàm xở với cháu gái ở tuổi chưa biết gì. Con cái bỏ nhà ra đi vì nhiều lý do như không thấy gia đình là hạnh phúc, là nơi tìm về, là nơi mà chúng có thể nhận được sự quan tâm hay yêu thương gì của cả hai cha mẹ mà bạn bè nơi băng đảng mới là những người anh em uống máu ăn thề; sống chết có nhau của chúng?, v.v…
Từ trong gia đình thì đã là tệ lắm như thế thì hà huống gì trong xã hội con người ngày càng bất an, ngày càng có nhiều côn đồ du đãng làm ăn ngay cả ban ngày chớ nói gì đợi đến ban đêm; xã hội ngày càng nhiều người gian trá, tẩm độc giết hại nhau mà chẳng còn một chút liêm xỉ nói chi là nghĩ đến tình đồng loại. Và tệ hại nhất là sự dữ nó phát xuất ngay từ trong những nhà giữ trẻ tư, nơi trường học thì gặp đầy những thầy cô giáo giống như ác thú đã hành hung, hiếp dâm cả trẻ em ở tuổi mầm non … Thử hỏi như thế thì cả một thế hệ tiếp nối xã hội con người sẽ ra thế nào đây? Thiên Đàng hay Hỏa Ngục ngay tại trần gian này?.
Do đó hơn lúc nào hết, chúng ta là những người đạo Công Giáo thiết tưởng nên tìm về cội nguồn của mình là nhận thức hơn vào cuộc sống của gia đình sống cho đúng nghĩa. Là bậc làm cha, làm mẹ, làm anh chị em trong nhà cùng máu mủ chớ chẳng có ai là người ngoài để mà trở thành như người xa lạ. Đừng sống giầu có kiểu nhà thì phải xây lên cho thật to nằm trên lô đất thật rộng đến mấy tầng lầu đủ cho mỗi người 1 tầng; xe cộ thì toàn tên hiệu mỗi người 1 chiếc. Nhưng thật ra thì mỗi thành phần trong căn nhà đó bảo đảm họ cảm thấy rất lạnh, rất trống trải và rất cô đơn/ từng ngày một. Không cô đơn sao được khi mạnh ai người nấy về, mạnh ai có phòng riêng và mạnh ai nấy sống. Sống, chết cũng chẳng ai hỏi han hay quan tâm đến. Và có phải con người dần yêu thích cuộc sống cô lập chán chường như thế?.
Người mình có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” có vẻ lạc hậu lắm và xưa như trái đất rồi nhưng vì những câu nói này vẫn còn tồn tại đến ngày nay là để nó phù hợp với câu “Chồng chúa vợ tôi” đấy mà. Nhưng thời bây giờ chúng ta bậc cha mẹ đều học được rất nhiều chuyện tâm lý gia đình tuy không qua sách vở nhưng qua rất nhiều những phim bộ tình cảm xã hội. Nên hiểu biết tình trạng giữa mẹ chồng và nàng dâu thì muôn đời nó vẫn y thế. Chồng hành hung vợ ngay ngoài đường cũng chẳng ai quan tâm?. Người chết nằm giữa đường đang ngáp ngáp nhưng người qua kẻ lại chỉ làm kẹt đường vì tò mò nhìn chứ chẳng ai giúp đỡ thực sự, vì một trong lý do là không muốn dính líu?.
Nên hy vọng rằng tất cả gia đình ai là đạo Công Giáo nên nhìn hình ảnh của gia đình Thánh Gia đây mà học hỏi, mà làm gương sống tốt lành cho các con của mình vì lẽ gia đình Thánh Gia là một gia đình trọn hảo, tuyệt vời, đạo đức, bác ái và luôn sống trong cầu nguyện. Luôn biết sống phó dâng, chấp nhận cuộc sống đời là bể khổ nơi trần gian này không than thở đến một câu. Nhưng quan trọng hơn cả thảy là hằng ngày chúng ta cần phải biết tri ân và cảm tạ một Thiên Chúa toàn năng, một Chúa Tể càn khôn nhưng rất yêu thương con người.
Nên cần lắm thay là chúng ta trong mỗi gia đình cố gắng học và bắt chước theo cho giống gia đình Thánh Gia là hãy yêu thương vợ/chồng con cái của mình và chu toàn trách nhiệm của từng bậc một vì lẽ Chúa Cha đã cho Chúa Con Giêsu giáng trần không ngoài mục đích là để dạy dỗ, Cứu Độ và chết thay cho tội lỗi của nhân loại con người. Trong sự dạy dỗ của yêu thương con cái là chính và luôn xin cho được ơn khôn ngoan của Thánh Thần Thiên Chúa học biết cách dạy chúng con cái sao cho đúng với Thánh Ý Thiên Chúa. Amen.
CUỐI NĂM NHÌN LẠI GIA ĐÌNH MÌNH ĐÃ SỐNG TỐT HƠN CHƯA?
Tuyết Mai
Thường con người của chúng ta suy nghĩ đến mất ăn mất ngủ qua việc hôm nay phải có tiền để mua sắm cái này, ngày mai phải có tiền để mua sắm cái kia và những ngày trong tương lai cái danh sách mà ta liệt kê phải được lần lượt CÓ cho gia đình, cho từng thành phần lớn nhỏ … Thì tất cả mới được vui vẻ và nhất là cảm thấy được thỏa mãn. Chậm nhất thì lời hứa mua sắm ấy phải có trong ngày Giáng Sinh để mọi người cùng mở quà và để thấy ánh mắt long lanh sướng vui, cảm động khi thấy được từ nhỏ tới lớn ôm món quà thật có giá trị; trong sự cố gắng làm việc vất vả lắm mới có được, thưa có phải?.
Nhưng chúng tôi cũng được chứng kiến thấy được tận mắt của rất nhiều gia đình mà trong ngày Giáng Sinh cái ăn uống ở trên bàn nó cũng không khác gì ở ngày thường nhật vì rất nhiều lý do mà lý do đáng tin nhất là họ không có khả năng. Trong nhà thì chẳng có chưng một thứ gì gọi là đủ chứ nói chi cho giống được với người ta và quà cáp gói cho thật đẹp ư? Hay quà gói ráng cho đẹp nhưng bên trong hộp quà là một miếng giấy mà ông già Santa để vào đó là “Quà sẽ đến muộn” (I owe you). Nhưng thưa rằng chưa chắc hẳn cái nghèo ấy mà chúng con nít không có nhiều mơ tưởng hay không có được hạnh phúc gia đình mà có thể ngược lại nữa là đằng khác.
Bởi có phải như Chúa Giêsu giáng trần vì biết hầu hết con người thế gian sanh ra nghèo nhiều hơn là giầu hay không?. Nên Chúa Hài Đồng cũng đã được sanh ra trong cảnh còn nghèo hơn là người nghèo trên thế gian nữa, thưa để làm chi? Có phải vì Ngài muốn an ủi hết thảy mọi người nhất là chúng con nít trẻ thơ chưa có hiểu biết nhiều gì về cuộc đời mà thấy Chúa Con Giêsu tội nghiệp quá như thế; làm cho chúng rất muốn tặng cho Chúa cái mình có duy nhất là tìm rơm rạ, lá chuối, cây dại hay bất cứ cái gì chúng tìm thấy được ở ngoài đồng mà với đầu óc của chúng trẻ có thể nghĩ ra được.
Còn người lớn trong gia đình nghèo khổ thì họ làm gì? Thưa có phải họ chỉ có khả năng làm quà cho Chúa qua sự phụng thờ, qua cách mà họ dạy tất cả con cái của họ là đóng góp thời giờ của chúng đến giáo xứ phụ góp công sức vào làm những gì mà cha sở ở tại giáo xứ giao phó cho chúng, tùy khả năng của chúng hay không?. Từ chuyện nhỏ theo tuổi của chúng cho đến người lớn và các niên trưởng. Rồi giới trẻ chúng có những chương trình đi quyên góp để đến những nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa để chia sẻ cho những dân tộc thiểu số. Hay đến thăm những người vô gia cư sống ở gầm cầu của thành phố, ven đường, trước cửa tiệm quán mà trao tặng mùng mền cùng, một ít thức ăn và ít hiện kim, v.v…
Thưa sự Chúa Giêsu xuống trần gian đã mang lại cho hết thảy chúng ta Bài Học là sống Chia Sẻ, là sự liên kết chặt chẽ từ trong gia đình cho đến những người sống hằng ngày chung quanh chúng ta. Và mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã khuyên dạy chúng ta rằng trước tiên là phải sống cho gia đình cái đã; có nghĩa chúng ta phải biết sống quan tâm cho nhau, có trách nhiệm và bổn phận trên nhau trong đúng vai trò làm cha mẹ và làm anh chị em trong gia đình. Rồi mới đến người lân cận sống gần và sống chung quanh, rồi thì mới đi đến những nơi xa hơn. Kẻo không thì chúng ta đang sống đạo đức giả đấy vì không ai bỏ bê gia đình mà đi làm việc từ thiện cách có thiện tâm cho được mà không là đánh bóng tên tuổi của mình lên thôi.
Nên hình ảnh của một Chúa Con Giêsu chào đời có dưỡng phụ là thánh cả Giuse và dưỡng mẫu là Đức Trinh Nữ Maria tượng trưng cho một gia đình Thánh Gia là gia đình Thánh. Là gia đình gương mẫu để tất cả mọi gia đình trên thế gian cần phải học hỏi và cố gắng thực thi cho được đúng vai trò, đúng vị trí của chúng ta cho thật tốt lành để làm đẹp lòng Thiên Chúa là Thiên Chúa của hết thảy chúng ta. Vì có phải những gì chúng ta có là do Thiên Chúa ban cho chớ đừng lầm tưởng rằng do tài năng rất có giới hạn của chính mình mà có được tất cả đâu nhé.
Mong rằng một gia đình tuyệt hảo của Thánh Gia sẽ được tất cả mọi gia đình Công Giáo nhìn nhận, theo gương mà bắt chước và cần nhất là học theo tinh thần sống khó nghèo của các Ngài. Vì các Ngài tượng trưng cho một gia đình luôn sống theo thánh ý Chúa, phó dâng, chấp nhận những gì Thiên Chúa trao ban cho rất nhưng không và tùy theo khả năng mà các Ngài đã luôn sống chu toàn trong đạo đức, trong sự lành thánh, kinh nguyện, bác ái và giữ trọn lề luật của Thiên Chúa là Đấng Tối Cao vô cùng quyền năng và hằng hữu; Người có thể cất đi mạng sống của chúng ta ở bất cứ giờ phút nào. Amen.
Khi không minh bạch trong chi tiêu thì các bạn sẽ không thể cùng nhau thiết lập và đạt được các mục tiêu như mua nhà, nuôi dạy con, nghỉ hưu…
1.Thái độ im lặng
“Đây là một tín hiệu xấu khi các cặp vợ chồng xung đột mà sau đó là thái độ im lặng với nhau. Chắc chắn, đấu tranh giúp cho mối quan hệ lành mạnh nhưng khi vợ chồng thường xuyên cãi nhau thì sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng và kết thúc trong im lặng, bế tắc. Đây không phải là điềm báo tốt cho mối quan hệ thành công trong tương lai”, Jason Levoy , một luật sư về ly hôn ở thành phố New York, (Mỹ) nói.
Đời sống tình dục ảm đạm
“Đây là điều hiển nhiên. Con người có thể không cần sex nhưng mấu chốt chúng ta là những sinh vật sống và tình dục là một nhu cầu tự nhiên. Đúng là có những mối quan hệ không có tình dục nhưng là một luật sư ly hôn, tôi không sốc khi một khách hàng nói với rằng họ đã 5 năm không có ‘chuyện ấy’ với đối tác của họ”, Randall M. Kessler, một luật sư ở Georgia nói.
Họ có ít điểm chung
“Đừng nghĩ rằng mọi sự đối lập thì thu hút nhau, khi mà bạn cứ giữ những thói quen của riêng mình trong cuộc hôn nhân. Ví dụ, nếu một người hướng ngoại và thích đi đêm, còn người kia thích tắm nước ấm lúc 7h tối, sau đó là một ly sữa, bên cuốn sách hay thì chẳng thể đảm bảo họ sẽ mãi duy trì khoảng cách trong lối sống này được lâu”, Lisa Helfend Meyer, một luật sư ly hôn tại California nói.
Đặt nghề nghiệp trước gia đình
“Sẽ thành vấn đề nghiêm trọng nếu chồng hoặc vợ bạn luôn đặt sự nghiệp của họ lên trên mọi thứ, kể cả mối quan hệ của hai người, dù cho các bạn đã thỏa thuận trước hôn nhân. Đơn cử như công ty của tôi đã đại diện cho một đơn vị trong ngành quân sự mà ban đầu các đối tác của họ phải chấp thuận nhượng bộ và chăm sóc gia đình để người kia có thể thăng tiến. Nhưng trong những năm qua, người vợ hoặc chồng ở nhà bắt đầu bực bội với cam kết này. Thậm chí ngay cả những cặp vợ chồng vốn rất hạnh phúc cũng phai nhạt theo thời gian vì người kia đặt công việc lên trên gia đình”, Christian Denmon, một luật sư ly hôn tại Florida nói.
Khinh miệt nhau
“Không nhìn vào mắt nhau, coi thường và có thái độ khinh miệt nhau là dấu hiệu báo trước mối quan hệ sẽ tan rã. Mặc dù không phải lúc nào các cặp vợ chồng cũng nhìn thẳng vào mắt nhau mới hạnh phúc nhưng họ phải tôn trọng, đánh giá cao sự khác biệt, chứ không phải xem thường sự khác biệt của nhau, không kiêng dè gì khi nói vợ/chồng mình là ngốc, dốt hoặc sai”, Karen Covy, một luật sư tại Illinois nói.
Không tôn trọng ngôn ngữ tình yêu của nhau
“Biết ngôn ngữ tình yêu của vợ/chồng bạn là yếu tố quan trọng để hạnh phúc lâu dài. Thực tế có những cặp vợ chồng yêu nhau nhưng lại không cảm thấy được yêu, bởi vì họ có ngôn ngữ tình yêu khác nhau. Ví dụ, nếu chồng bạn thể hiện tình yêu bằng cách làm những việc có ích giúp vợ hoặc mua quà, còn bạn lại nghĩ chồng không yêu mình, vì anh quá khô cứng, bởi bạn thích yêu qua lời nói, thì rất có thể theo thời gian cảm hứng yêu đương và tình cảm của hai người sẽ bị phai nhạt”, Dennis A. Cohen, một luật sư hòa giải tại California nói.
Không trung thực về chi tiêu
“Hôn nhân là mối quan hệ của hai người và mỗi người đều phải giải thích rõ ràng với người kia trong vấn đề tài chính. Khi tài chính không chung về một mối mà của ai nấy giữ thì rất dễ có chuyện các bạn bị chi tiêu quá nhiều. Nhưng dù cho các bạn tiêu tiền chung hoặc riêng thì cũng cần có sự minh bạch. Khi không minh bạch trong cách tiêu tiền thì các bạn sẽ không thể cùng nhau thiết lập và đạt được các mục tiêu như mua nhà, nuôi dạy con, nghỉ hưu… Việc này là dấu hiệu cảnh báo hôn nhân không thể bền”, Puja A. Sachdev, một luật sư ly hôn tại California nói.
Không bao giờ cãi nhau
“Nhiều vợ chồng có xu hướng tránh những tình huống rắc rối bằng cách che đậy sự thật hoặc bỏ qua, tránh va chạm. Điều này dẫn đến sự oán giận, những mâu thuẫn tích tụ và đây là điềm xấu cho hôn nhân. Vợ hoặc chồng là người bạn, người tâm tình, người mà ta yêu nhất. Bạn sẽ có thể nói bất cứ điều gì với họ, dù nó nghiêm trọng đến đâu”, Douglas S. Kepanis, một luật sư ly hôn tại thành phố New York nói thêm.
“Cười người hôm trước hôm sau người cười”, đây là câu truyền miệng đến với nhân gian mà ở nước nào cũng có, nghĩa là chúng ta đừng có cười chê ai hết bởi hôm trước ta người người thì đến mai người cười lại. Vâng, thưa nhất là những gì xẩy ra ngay trong gia đình, trong họ hàng của chúng ta. Thường chúng ta thích chê bai người, nói hành nói xấu người bởi vì chúng ta thiếu tự tin ở chính mình nên đâm ra ghen ghét và tìm cách hạ người ta xuống bằng cách truyền miệng nhau để bêu xấu người mình ghen ghét, có phải?.
Thường con người chúng ta thích sống mầu mè, chuộng vẻ bề ngoài để mọi người thấy rõ tầng lớp đứng trong xã hội của mình như giầu có trong kinh doanh, giầu có trong bằng cấp và giầu có trong sự may mắn mà có được. Nhưng có mấy ai tỏ ra khiêm nhường trước mặt người đời đâu mà lại không tự khoe về chính mình cùng gia đình mình. Hay không đủ thì mời mọi người đến để khoe của cải mình mua sắm thật ngay trong nhà để được người ta tấm tắc khen lấy khen để vì mình giầu có thật chớ không phải đứng dựa xe thiên hạ hay vào nhà thiên hạ mà chụp hình rồi bảo là xe và nhà là của mình sắm, có phải?.
Thường con người chúng ta không làm điều gì hay sống theo gương của gia đình Thánh Gia, là một gia đình Thánh thiện, toàn mỹ và luôn kính trọng lẫn nhau; không một ai dẫm chân lên ai hay đi ngược lại với vai vế trong gia đình như trong miền nam chúng ta thấy có rất nhiều người phận làm em nhưng vì giầu có thì lại chễm chệ gọi anh chị của mình là mày xưng tao cách tỉnh bơ như cả nhà cho phép?. Bởi khi giầu có con người ta đổi từ đen thành trắng, từ trắng thành đen có nghĩa họ đi lột da cho trắng để che đi cái gốc gác nghèo hèn của mình ngày xưa thân ái, có phải?.
Chúng ta có nhớ rằng ngày xửa ngày xưa khi Thiên Chúa có hứa với cha ông chúng ta rằng Người sẽ không luận phạt con cái người bị ngập lụt suốt 40 ngày đêm như trước nữa nhưng thiên tai ở nhiều nơi vẫn cứ còn tiếp diễn từng năm, từng năm là vì sao? Vì có thể, có thể thôi là dân ngày xưa còn ít hơn bây giờ thì quá nhiều. Và cũng có thể dân ít thì phạm tội ít, dân nhiều thì phạm tội nhiều nên Chúa nổi giận và nói cho cùng thì ai hiểu được Thiên Chúa hay nói trúng được ý Chúa, có phải?.
Thiên Chúa Người luôn yêu thương con người mà Người đã tác tạo ra hình ảnh giống Người nên Người đã cho Chúa Con Giêsu giáng trần để sưởi ấm cho toàn thể nhân loại con người chúng ta … Thấy và hiểu rằng sự giầu có ở trần gian chẳng là gì cả nhưng ơn Cứu Độ của Ngài mới là tất cả và là thiết yếu cho từng con người của chúng ta. Hẳn ai cũng thấy rằng gia đình Thánh Gia là một gia đình rất ư là nghèo chẳng có gì cả, nhưng cả ba Đấng đều rất hạnh phúc vì sao? Thưa vì ba Đấng đã sống cách tốt đẹp, chu toàn trách nhiệm cùng bổn phận trong gia đình nhỏ bé, chấp nhận tất cả thử thách trong cuộc đời mà Thiên Chúa trao ban trong khả năng, trong thân xác của người phàm, có phải?.
Nên lạy Thiên Chúa là Thiên Chúa càn khôn! Xin thương giúp gia đình của tất cả chúng con cũng cố gắng sống cách tốt đẹp theo gương của ba Đấng để đẹp lòng Chúa và đẹp lòng người. Tránh cho chúng con sống soi mói, tò mò, nói hành nói xấu người khác rồi thêm mắm thêm muối để mang lại đau khổ cho người mình nói xấu đó … Mà sống chú trọng vào linh hồn sống đời của mình cùng chia sẻ trong gia đình; cho những người khó nghèo với những cảnh đời đau khổ, gánh chịu khác nhau như bị bệnh lạ, bệnh nan y, bệnh AIDS, v.v… Chúng con toàn khắp thế gian cúc cung, bái lạy và hát khen mừng Chúa Giáng Sinh ra đời; Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Amen.
Trên thế gian này, các đấng sinh thành đều mong muốn con cái được hạnh phúc và vui vẻ. Tuy nhiên có một người cha trong ngày vui của con, lại chúc con trai mình bất hạnh và đau khổ.Vì sao bài diễn thuyết này của ông được cộng đồng mạng tán thưởng và lan tỏa nhanh chóng như vậy?
Mọi người đừng vội cho rằng đây là người cha “máu lạnh” và “độc ác”. Có khi nào đó là cách thể hiện tình yêu thương khác biệt của một người cha thông minh dành tặng cho con mình?
Vậy người cha có những lời chúc đặc biệt ấy là ai?
Ông chính là John Roberts – Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Ông được mời tham gia đọc bài diễn văn tại buổi lễ tốt nghiệp của trường trung học Cardigan, nhưng không phải với tư cách là một chánh án mà là một người cha. Và lời chúc “chúc con bất hạnh và đau khổ” được cả thế giới tán dương .
John Roberts là chánh án thứ 17 và là Chánh án đương nhiệm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Ông đảm đương chức vụ này từ năm 2005, được tổng thống George W. Bush bổ nhiệm sau khi Chánh án William Rehnquist đột ngột qua đời.
John Glover Roberts, Jr. (sinh ngày 27 tháng 1 năm 1955) là Chánh án thứ 17 và là Chánh án đương nhiệm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. (Ảnh: wikipedia.org)
Thông thường các bài diễn thuyết trong các buổi lễ tốt nghiệp, là dịp các phụ huynh nói lên những lời cảm kích với nhà trường, với thầy cô giáo và khuyến khích trẻ chào đón một tương lai tốt đẹp hơn, dẫn dắt con mình hướng đến những điều tươi sáng. Tuy nhiên khi tham dự buổi lễ tốt nghiệp trung học của Jake, cậu con trai 16 tuổi của mình, vị chánh án này lại vào đề với những lời lẽ như một nhát kiếm sắc nhọn đối với bọn trẻ:
“Ta rất lấy làm tiếc phải nói với các con một điều rằng, thời khắc vui vẻ nhất và thoải mái nhất trong cuộc đời của các con sắp trở thành quá khứ rồi…”.
Khi ông nói ra những lời này, những cô cậu học trò phía dưới khán đài đều ngỡ ngàng, bởi từ trước tới nay mọi người đều nói với chúng rằng “Cuộc sống tương lai sẽ càng trở nên tốt đẹp và càng có nhiều hy vọng hơn”. Còn vị chánh án này thì ngược lại, ông đang diễn thuyết trên khán đài và nói với chúng: “Những ngày tháng tốt đẹp đã chấm dứt rồi”.
Tiếp theo đó, bằng những lời nói mang đầy ngữ khí “khó nghe”, vị chánh án bắt đầu bài diễn thuyết của mình:
“Ta hy vọng con có thể gặp phải một chút đối xử không công bằng, bởi chỉ có như vậy con mới có thể cảm nhận được giá trị của sự công bằng.
Ta hy vọng con có thể nếm trải một chút mùi vị của sự phản bội, bởi chỉ có như vậy con mới có thể lĩnh hội được tầm quan trọng của sự chân thành.
Ta hy vọng con thường xuyên cảm nhận được sự cô đơn, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được rằng bạn bè đối xử tốt với mình không phải là chuyện đương nhiên, người ta không thiếu nợ con.
Ta hy vọng con có thể gặp xui xẻo một vài lần, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được ý nghĩa của cơ hội và vận may, con mới có thể hiểu được sự thành công mình có lẽ chỉ là bởi vận may, và sự thất bại của người khác cũng không phải là đáng đời.
Ta hy vọng khi con gặp thất bại, đối thủ của con có thể châm chọc và cười nhạo trên sự đau khổ của con. Bởi như vậy con mới hiểu có phong độ rốt cuộc quan trọng như thế nào.
Ta hy vọng thi thoảng con bị người khác coi thường, chỉ có như vậy con mới hiểu được học cách tôn trọng và lắng nghe là quan trọng tới mức nào.
Ta nói những điều này với con, bởi thật ra sớm muộn gì nó cũng sẽ xảy ra trong cuộc sống của con. Con có thể tiếp thụ giáo huấn hoặc thu hoạch được gì trong đó hay không, đều dựa vào việc con có hiểu những điều ta nói hay không”.
Bằng những lời nói mang đầy ngữ khí “khó nghe”, vị chánh án đã cho bọn trẻ một bài học quý giá khi đối diện với một xã hội phức tạp. (Ảnh: wikipedia.org)
Cộng đồng mạng sau khi nghe được những lời diễn thuyết này đã vô cùng khen ngợi và đồng thuận.
Những đứa trẻ 15, 16 tuổi đang hồn nhiên vô tư chuẩn bị tốt nghiệp trung học, đã bắt đầu có nhân sinh quan và thế giới quan của bản thân mình, đầy hăng hái nhiệt tình. Tuy nhiên, khi đối diện với một xã hội phức tạp, ngoài bầu nhiệt huyết hăng hái thì không hề có bất kỳ sự chuẩn bị gì.
Cá nhân tôi cho rằng cho rằng đoạn diễn thuyết này rất tuyệt vời, những đứa trẻ nghe được đoạn diễn thuyết này sẽ học được nhiều điều mới lạ.
Những lời “khó nghe” này giống như gậy cảnh tỉnh, là những điều tinh túy nhất được chắt lọc lại. Tuy từ ngữ không mỹ miều nhưng được nói lên từ tận đáy lòng của một người cha, mong muốn con mình học cách đối mặt với một xã hội phức tạp với tâm thái cân bằng, ứng xử đúng đắn trước những gian nan gập ghềnh trong cuộc sống.
Ngay cả các bậc làm cha làm mẹ, cũng rút ra được nhiều bài học quý giá:
1. Đừng nên luôn biến con trở thành trung tâm của thế giới, đôi khi hãy học cách lơ là với chúng
Bạn không nên chăm sóc thái quá hay quá chú ý tới trẻ. Bởi vì khi con trẻ bước vào trường học, gia nhập cộng đồng xã hội, chúng sẽ phát hiện trên thế giới này, không phải ai cũng yêu mến chúng, có người thương thì sẽ có kẻ ghét. Bởi vậy cần rèn luyện cho chúng có đủ năng lực chịu đựng để đối diện với tất cả những điều không như ý trong cuộc sống này.
Hãy dám “buông tay” cho con mình trải nghiệm những “gian khổ” trong cuộc sống ngoài xã hội. Nơi mà trẻ sẽ ý thức được các giá trị sống trong tinh thần tập thể, cùng làm, cùng chơi và biết xây dựng ý thức trách nhiệm cho bản thân mình.
2. Khi con bạn bị bạn bè bỏ rơi, đừng nên vội vàng tới bên an ủi vỗ về chúng
Khi nhìn thấy con ngồi đơn độc trong một góc, còn nhóm bạn của chúng đang cười nói vui vẻ, điều bạn cần làm là không nên kéo con đi tìm người bạn khác hay bắt nhóm bạn kia cho con chơi cùng. Hãy để con bạn tự hiểu rằng thế nào là sự cô độc, thế nào gọi là bạn bè.
Một người từng nếm trải sự cô độc, mới có thể hiểu được tầm quan trọng của tình bạn. Khi rời xa khỏi sự che chở của gia đình, con bạn sẽ phải tự học cách hòa nhập với cuộc sống.
Khi rời xa khỏi sự che chở của gia đình, con bạn sẽ phải tự học cách hòa nhập với cuộc sống. (Ảnh: time.com)
3. Khi con bạn gặp phải những điều đen tối trong xã hội, đừng tìm cách che mắt chúng
Mỗi bậc cha mẹ đều hy vọng con cái mình có môi trường sinh hoạt trong sáng và tốt đẹp, không phải đối diện với mặt xấu tối tăm của xã hội, nhưng liệu điều này có thể xảy ra?
Chúng ta luôn hy vọng con cái có sự thiện lương, lại càng hy vọng chúng có năng lực phân biệt thị phi đen trắng. Khi xã hội ngày càng biến động, những việc tốt càng vơi đi, việc xấu thì xuất hiện tràn lan, liệu con bạn có tránh được tất cả những điều xấu ảnh hưởng không? Điều cần làm là bạn nên dạy con cách đối diện chứ không phải là trốn tránh. Hãy cố gắng gieo vào trái tim bé nhỏ của con trẻ hạt giống của sự thiện lương. Có hạt giống ấy nảy mầm và tươi tốt, trẻ sẽ biết cách xử trí thế nào trước những rối ren.
4. Khi con bạn phát hiện những gian nan vất vả trên đường đời, đừng nên rót những giọt mật ngọt ngào cho chúng
Đời người vốn có rất nhiều nỗi khổ, khi con nói với bạn “học hành rất khổ”, “tập đàn rất khổ”, hãy giúp chúng hiểu được “khổ” là một việc tất yếu trong thế gian này. Trẻ con cần đi học, người lớn cần đi làm.. đây chính là trách nhiệm và gánh vác mà con người cần thực hiện khi sống trong thế gian này.
Tóm lại ngay từ khi trẻ còn nhỏ, đừng nên sợ cho con chịu một chút khổ, chịu một chút khó khăn. Những đứa trẻ từ bé chưa từng chịu khổ, tương lai khi sẽ phải chịu càng nhiều nỗi khổ hơn, thì liệu lúc đó chúng sẽ đối diện ra sao?
Lạy Chúa là Cha con và là Thiên Chúa toàn năng. Vì yêu thương, Chúa đã cho con được ơn sinh ra làm người, nhất là làm con Chúa. Con cảm tạ ơn Ngài, và ước gì đời con là những chuỗi ngày dài vang lên lời tạ ơn. Ngoài Chúa ra, hôm nay con muốn nói lời cảm ơn với một người.
Một người mà thiếu vắng trong cuộc đời sẽ làm cho đời con trở thành lạnh lẽo, cô đơn, và trống vắng, nhưng thường ngày nhiều lần khiến con cảm thấy thừa thãi, nóng nảy và bực bội.
Một người mà lâu lâu không gặp mặt thì nhớ nhung, nhưng khi ở trước mặt lại làm con gai mắt và khó chịu.
Một người mà tiếng nói đem lại cho con ấm lòng và được an ủi, nhưng nghe nhiều sẽ làm cho con nhức đầu, căng thẳng, và đôi khi trở nên trầm cảm.
Một người mà khi không nói thì dịu dàng, dễ thương, nhưng nói lên thì cộc lốc, chua chát, hoặc hằn học.
Một người mà cử chỉ yêu thương, săn sóc, đón đưa làm con ấm lòng, tin tưởng, thấy mình được nâng niu, chiều chuộng, và quan tâm, nhưng đôi lúc lại biến con thành một đứa trẻ ngây ngô, người chồng khờ khạo, và người vợ vô dụng.
Một người mà mỗi đêm về nằm bên con cảm thấy yêu và được yêu, hạnh phúc và hưng phấn, nhưng cũng có nhiều đêm khiến con nằm mơ thấy toàn là ác mộng.
Một người mà nói yêu con, thương con, trung thành với con, nhưng sau lưng lại tằng tịu, lại nhìn ngang, liếc dọc, so sánh thế này thế khác.
Một người thề yêu con trọn đời, yêu con mãi mãi, nhưng hễ có dịp là đòi ly thân, ly dị.
Một người mà luôn luôn coi mình là đúng, là nhất, là phải được chiều chuộng, còn con luôn luôn lúc nào cũng sai, là thứ yếu và phải làm người phục vụ.
Một người mà có những bữa cơm trên bàn dọn lên với những của ngon, vật lạ, bổ dưỡng và thơm ngon, nhưng cũng có những bữa mà món ăn mặn chát, nhạt nhẽo vô vị, những món ăn không mang mùi vị yêu đương, mà là mùi vị của miễn cưỡng, của hận thù.
Một người mà trách nhiệm làm cha, làm mẹ không bao giờ quan tâm, lo lắng, nhưng lại khoán trắng cho mình con, mặc dù vậy, lại luôn chê bai, và bất đồng với con về đường lối giáo dục con cái.
Một người mà mỗi khi nhắc đến công ăn việc làm thì luôn kêu ca, phàn nàn, và bất mãn, nhưng lại không biết chia sẻ với con về những gánh nặng của công việc, về những khó khăn trong cuộc sống.
Và lạy Chúa, Chúa biết tất cả, Chúa biết con muốn ám chỉ người ấy là ai. Nhưng là ai đi nữa thì cũng là người mà Chúa gửi tặng con trong cuộc đời này. Xin Chúa cho con luôn nhận ra người ấy chính là một phần của đời con, một phần của cuộc sống con, và cũng là một phần trong những lựa chọn quan trọng nhất của đời con.
Không riêng gì hôm nay nhưng là mãi mãi, con muốn cám ơn người ấy, cám ơn tất cả những cái tốt và cái xấu, những cái toàn hảo và bất toàn nơi con người ấy. Trong tâm tình cảm ơn, xin Chúa cho con ơn khôn ngoan, can đảm, chịu đựng, và nhẫn nại để sống hài hòa, sống yêu thương, và biết chia sẻ với người ấy bởi vì người ấy là một tặng ân tốt nhất, đẹp nhất, thích hợp nhất mà Chúa đã ban tặng cho con.
Trong ngày thành hôn của các đôi bạn trẻ, người ta thường chúc họ trăm năm hạnh phúc, ước mong sao cả hai được sống yên vui suốt cả đời. Chắc hẳn ai ai muốn truyền cho đôi bạn một sức bật đủ mạnh để cả hai bắt đầu dấn bước trên hành trình mới vừa mở ra. Dầu vậy, mẹ cha, anh chị, bạn bè, và biết bao người thân thích không thể phủ nhận, ngoài những sướng vui hạnh phúc, người vợ người chồng cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn trong đời hôn nhân của mình.
Hoa đẹp đến mấy rồi sẽ tàn, tiệc lớn thế nào rồi cũng tan. Những cái bắt tay chúc mừng, những nụ cười và ánh mắt tràn tươi rồi sẽ tắt lặng đi. Chút vinh quang và nổi bật ngày cưới sẽ tan mây, trả lại cho đôi vợ chồng trẻ thực tại cuộc sống. Có ảm đạm và bi quan quá chăng? Không hề! Vì đó là thực tại. Hôn nhân không chỉ có màu hồng, hay đúng hơn, để có màu hồng hạnh phúc miên viễn, nó phải trải qua những ngày mây xám, mưa giông, và bão tố.
Trong nhãn quan đức tin, hôn nhân là tiếp nối câu chuyện tình thập giá. Tình yêu hôn nhân được so sánh với tình yêu của Đức Giê-su với nhân loại. Chúa đã yêu bằng tình yêu hiến tế, tình yêu hy sinh, tình yêu bỏ mình. Nếu theo tư tưởng của người Hy Lạp, trong 3 cấp độ tình yêu: Eros (tình yêu nhục thể), Philia (tình yêu tương quan), và Agape (tình yêu hiến tế), thì tình yêu của Chúa Giê-su là tình yêu cấp độ thứ ba. Hãy xem Ngài đã yêu thế nào: Ngài yêu bằng cách hủy mình đến chết để cứu nhân loại. Thế nên, thập giá trở thành đỉnh cao của tình yêu hiến tế, hay tình yêu hiến tế của Chúa được diễn tả một cách thi vị: “đường tình thập giá.”
Trong đời sống vợ chồng, cả hai sẽ yêu nhau bằng tình yêu xác thịt và tình yêu tương quan, nhưng vì hôn nhân là diễn tả của tình yêu Đức Ki-tô dành cho nhân loại, nên người vợ người chồng cũng được mời gọi đạt đến cấp độ tình yêu thứ ba. Tình yêu hiến tế đòi buộc họ ra khỏi mình để sống cho người mình yêu, đòi họ bỏ đi những ích kỷ để dành hơn cho người bạn đời của mình. Chồng bớt đi những sở thích: thuốc lá, nhậu nhẹt, cafe quá đà để bảo vệ sức khỏe các thành viên và để dành giờ cho vợ con. Vợ bớt đi những rảnh rỗi, những câu chuyện mua vui, những gặp gỡ không cần thiết để bên con bên chồng. Tình yêu ấy đòi cả hai phải yêu bằng hành động hơn bằng lời nói.
Có khi những tính cách và hành xử của người này trở thành thập giá của người kia, nhưng tùy cách nhìn để đón nhận và để thăng hoa tình yêu.
Lỗ mũi mười tám gánh lông,
Chồng thương chồng bảo tơ hồng trời cho…
Đi chợ thì hay ăn quà,
chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm…
Ca dao ghi lại những trái khuấy đã được hóa giải nên thơ thế đó, và người vợ người chồng muốn họa theo bản mẫu tình yêu Đức Giê-su và Hội Thánh cũng được mời gọi đón nhận sự khác biệt để đời hôn nhân được kết trái đơm bông.
Cả những sóng gió ba đào và muôn vàn trắc trở cũng trở thành thuốc thử cho tình yêu mang tên hiến tế: khi con đau vợ ốm, lúc to tiếng và chiến tranh, khi im lặng và hiểu lầm, những lỗi lầm và đổ vỡ, những thua thiệt và thất bại. Khi đối diện với những bách hại và đớn đau trong đời Ngài, Chúa Giêsu đã không trốn chạy, không kêu ca, không than thân trách phận. Ngài không đổ lỗi, không kết tội, không đay nghiến… Trái lại, Ngài đón nhận tất cả vì yêu. Ngài đã đi hết con đường tình thập giá cách ngoạn mục và vẻ vang nhờ lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Cha của Ngài. Soi chiếu vào gương mẫu của Chúa, người vợ người chồng một lần nữa được mời gọi hành xử như Chúa Giêsu. Những khó khăn thử thách sẽ là phương tiện để cả hai chứng tỏ tình yêu của mình là tình yêu đích thực. Cứ như thế, tình yêu ấy trở thành sao bản của tình yêu mẫu mực của Đức Giê-su Ki-tô.
Thật tuyệt vời khi chúc nhau có một cuộc sống toàn màu hồng của niềm vui và hạnh phúc. Nhưng sẽ thực tế hơn khi chúc nhau biết tín thác cậy trông vào Chúa, biết nài xin Ngài để có thể vượt qua những ngày xám ngắt và đi đến những ngày nắng hồng, vượt qua những khác biệt, khó khăn, thử thách để yêu nhau nhiều hơn. Suy cho cùng, tình yêu hôn nhân cũng là tình yêu thập giá. Và giống chuyện tình của Chúa Giêsu, nếu không có thập giá, sẽ chẳng có vinh quang phục sinh.
Chọn một người đàn ông đẹp trai hào hoa thì phải chấp nhận anh ấy phong lưu. Chọn một người đàn ông biết kiếm nhiều tiền để được hưởng thụ thì phải chấp nhận anh ấy ít có thời gian chăm sóc cho gia đình.
Chọn một người đàn ông ở nhà chăm sóc gia đình thì phải chấp nhận anh ấy ít biết kiếm nhiều tiền.
Chọn người đàn ông ngoan hiền, biết vâng lời thì phải chấp nhận anh ấy là trẻ con.
Chọn một người đàn ông mạnh mẽ, kiên cường thì phải chấp nhận anh ấy ngang ngược.
Chọn một người đàn ông giỏi giang và bản lĩnh thì phải chấp nhận anh ấy gia trưởng.
Chọn một người đàn ông phong trần thì phải chấp nhận anh ấy lãng tử, phiêu lưu.
Chọn một người đàn ông “nữ tính” thì phải chấp nhận anh ấy có tính “đàn bà”.
Làm gì có đàn ông nào vừa ngoan, hiền, vâng lời, ở nhà quanh quẩn với gia đình, không biết ăn nhậu, không quan hệ bạn bè mà kiếm nhiều tiền cho gia đình vợ con hưởng thụ sung sướng. Miễn là đừng gặp phải đàn ông vô dụng là được.
Cái gì cũng có cái giá của nó mà. Hãy vì hai chữ hạnh phúc mà chấp nhận sự tương đối.
Hạnh phúc ở tại lòng ta mà, đừng suy diễn, đừng tự làm khổ chính mình , chỉ cần một người đàn ông tử tế và trách nhiệm là đủ.