CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC

CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC

            “Đức Giêsu đáp: ‘Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.  Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy.  Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.  Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy.  Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.  

            Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.  Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.  Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.  Anh em đã nghe Thầy bảo: Thầy ra đi và đến cùng anh em.  Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.  Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.’” (Ga 14, 23-29)

*****

            Đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan trên đây rất sâu sắc và phong phú.  Để hiểu rõ đoạn Phúc Âm đó, thiết tưởng nên nhờ vào nguồn mạch minh triết của Thánh Tôma Aquinô

            Thiên Chúa ở trong hỏa ngục? 

            Thánh Tôma Aquinô trong sách “Summa Contra Gentiles” (“Tổng Luận Về Việc Đối Phó Với Dân Ngoại”) đã đặt câu hỏi: “Thiên Chúa ở khắp nơi không?”  Rồi tiếp theo đường lối luận lý khúc chiết như thường lệ, ngài đã hỏi thêm: “Thiên Chúa có ở trong hỏa ngục không?”  Và thánh nhân hỏi tiếp: “Thiên Chúa làm gì ở trong hỏa ngục?”  Sau cùng ngài tự trả lời: “Thiên Chúa ở trong hỏa ngục để yêu thương những kẻ bị đọa đày.” 

            Những người bị đọa đày ở trong hỏa ngục có thể từ chối việc yêu mến Thiên Chúa nhưng họ không thể làm gì để ngăn chặn Thiên Chúa yêu thương họ, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa và “Thiên Chúa là tình yêu.”  Giờ đây, nếu chúng ta ngạc nhiên và tự hỏi tiến trình suy luận đó có liên hệ gì đến đoạn Phúc Âm của Thánh Gioan trên đây không?  Câu trả lời là có.

            Thánh Tôma chỉ làm chứng về sự kiện Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và yêu thương mãi mãi, bất kể chúng ta là ai hay chúng ta làm gì, và cho dù chúng ta sống trên đời nầy, lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục. 

            Thánh Grêgôriô Nyssa sống vào cuối thế kỷ thứ tư ở miền Trung nước Thổ-Nhĩ-Kỳ, đã đặt câu hỏi như sau: “Các bạn có muốn biết sự khác biệt giữa sự cứu rỗi và kiếp đọa đày, giữa thiên đàng và hỏa ngục không?

            Và đây là thí dụ mà Thánh Grêgôriô đã trưng dẫn: Bạn hãy nghĩ tới một ngày đẹp trời nào đó, với ánh nắng rực rỡ.  Khi bạn đi ra ngoài đường, dưới ánh nắng chói lọi, bạn sẽ có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời như là cái gì dễ chịu, thích thú, kỳ diệu, hứng khởi.  

            Rồi ngài nói tiếp: Giờ đây bạn thử tưởng tượng một người nào đó bị đau mắt nặng và cũng đi ra ngoài nắng như vậy.  Vì con mắt bị bệnh, người đó lại có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời một cách khác hẳn: ánh nắng mặt trời như là cái gì khó chịu, nhức nhối, tai hại, làm cho lòa mắt… và họ không thể chịu đựng được, chỉ muốn đi xa hẳn ánh nắng mặt trời.

           Và Thánh Grêgôriô kết luận: Đó, thiên đàng và hỏa ngục cũng hoàn toàn giống như thế đó.  Thiên đàng và hỏa ngục cũng là một.  Cả hai hoàn toàn giống nhau.  Sự khác biệt giữa hai thực thể đó là có người muốn thiên đàng và có người không muốn.

            Nếu bạn muốn thiên đàng, bạn sẽ run lên vì cảm động.  Nếu bạn không muốn thiên đàng – và điều đó thật tai hại – bạn vẫn sẽ được Thiên Chúa âu yếm nhưng trái với ý muốn của bạn, bởi vì bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa yêu thương bạn được.  Thiên Chúa là tình yêu.  Bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu.  Hỏa ngục chỉ có đối với Satan vì Satan được Thiên Chúa âu yếm trái với ý muốn của nó.” 

            Ân sủng 

             Chúng ta có một cụm từ đặc biệt để diễn tả tình yêu Thiên Chúa.  Đó là cụm từ “ân sủng” (“grace”).  Cụm từ đó xuất phát bởi tiếng La-tinh ‘gratis‘ có nghĩa là “cho không” (free).  Ân sủng là một tặng phẩm “nhưng không” của Thiên Chúa.  Chúng ta không thể làm gì để được hưởng hay đáng được ân sủng.  Người ta bảo mọi sự là ân sủng của Thiên Chúa.  Người ta nói ân sủng của Thiên Chúa ở khắp nơi.  Chúng ta không thể xa rời ân sủng được.  

            Và người ta cũng thường nói là mọi sự hiện hữu được bởi vì Thiên Chúa yêu thương.  Tình yêu Thiên Chúa là lý do mà chúng ta tồn tại.  Cái ghế mà chúng ta đang ngồi trên đó cũng là ân sủng của Thiên Chúa.  Nếu Thiên Chúa không còn yêu thương cái ghế đó nữa tức thì sự hiện hữu của nó bị chấm dứt ngay.  

            Thực phẩm chúng ta ăn vào, những người chúng ta yêu thương… là những ân sủng của Thiên Chúa.   Mỗi một sinh vật hay sự vật đều được Thiên Chúa sáng tạo và Ngài yêu thương hết mọi tạo vật của Ngài, bởi vì Thiên Chúa đã cấu trúc toàn bộ hệ thống đó!

            Khi đề cập như trên, một vấn nạn được đặt ra, có tính cách siêu hình.  Chúng ta là chúa tể về việc lãng quên những thực tại kỳ diệu ở chung quanh chúng ta.  Chúng ta thật đáng trách vì thường xuyên quên bẵng những hồng ân Thiên Chúa ở trong đời sống chúng ta. 

            Cái nháy mắt và nhịp tim đập

             Khi chúng ta khởi đầu đọc bài suy niệm nầy, mắt chúng ta đã chớp liên hồi.  Và cho đến giây phút nầy đây, chúng ta đã không đếm số lần mắt mình đập là bao nhiêu, trừ khi chúng ta cảm thấy bài viết nầy vô vị, nhàm chán.  Nhưng biết đâu có người sẽ nói: “Tôi đã đếm được con số 5,666 cái chớp mắt!!!”  Đúng hay sai, chúng ta không rõ.  

            Vấn đề là khi chúng ta chớp mắt – cho dẫu chúng ta đã làm việc đó thường xuyên – chúng ta đã không nhận ra điều đó.  Chúng ta đã chớp mắt một cách tự động.  Chúng ta không nhận thấy mắt chớp, cho tới khi chúng ta không thể chớp mắt được nữa.  Chính khi chúng ta không thể chớp mắt được thì sự chớp mắt trở nên quan trọng.  Nếu chúng ta bị bệnh tê liệt Bell thì chúng ta không thể chớp mắt được.

            Cũng thế, con tim chúng ta đập không ngừng.  Nhưng chúng ta không bao giờ nhận ra nhịp đập của con tim cho tới khi tim đập nhanh lên, hay chậm lại, hoặc ngừng đập.  Nếu tim ngưng hẳn, chúng ta cũng không nhận ra nhịp tim đập nữa.  Đã quá trễ rồi!  Nhưng người khác sẽ nhận ra điều đó khi chúng ta ngã quỵ trên sàn nhà.  

           Đối với dưỡng khí cũng thế.  Không ai để ý cho tới khi dưỡng khí đã cạn kiệt và không còn khí thở nữa.  Chúng ta không để ý tới những gì luôn luôn có mặt ở đó, nơi bản thân chúng ta hay bên cạnh chúng ta.

            Thời gian linh thánh

             Có những thời gian được chúng ta gọi là “thời gian linh thánh.”  Dĩ nhiên, mọi thời gian là linh thánh hết.  Và nếu thế, tại sao có một số thời gian được chúng ta gọi là “thánh.”  Chúng ta gọi Chúa nhật là thánh.  Chúng ta có những ngày nghỉ lễ (“holidays = “ngày thánh”) bắt buộc.  Chúng ta có Thứ Năm tuần Thánh, Thứ Sáu tuần Thánh và Thứ Bảy tuần Thánh.  Chúng ta có mùa Chay Thánh.  Ý nghĩa như thế nào khi chúng ta nói Bốn Mươi Ngày Chay Thánh là mùa thánh?

            Chắc chắn điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện trong bốn mươi ngày mùa Chay nhiều hơn trong ba trăm hai mươi lăm ngày kia còn lại trong năm.  Tuy nhiên, chúng ta vẫn gọi Chúa nhật là ngày thánh.  Chúng ta gọi ngày đó là “ngày của Chúa.  Nhưng chúng ta không nói thứ năm là ngày của Chúa.  Chúng ta không nói Chúa tới văn phòng Chúa nhật mà không tới ngày thứ năm.  Nhiều người tưởng Chúa vắng mặt ở văn phòng từ thứ hai đến thứ bảy và Chúa chỉ xuất hiện vào Chúa nhật.  Thiên Chúa ở trong văn phòng chúng ta mỗi ngày bởi vì mỗi ngày là ngày của Chúa, và mỗi mùa là mùa thánh. 

            Nhưng chúng ta không thấy sự thật như vậy.  Đó là vấn đề của chúng ta và chúng ta phải chấp nhận điều đó.  Chúng ta không chú ý đến điều đang xảy ra với chúng ta và điều đó vẫn luôn luôn là vậy.  Vì lý do đó, chúng ta đã để Chúa nhật riêng ra ngõ hầu chúng ta là những thành phần của cộng đồng dân Chúa có thể quan tâm đến sự kiện kỳ diệu là mỗi ngày và mỗi mùa là những hồng ân của Thiên Chúa.

            Đó cũng là lý do tại sao chúng ta tề tựu ở trong nhà thờ để tạ ơn Chúa và gọi thánh đường là một nơi thánh.  Nhưng đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện ở trong nhà thờ nhiều hơn và Ngài hiện diện ít hơn ở bãi đậu xe, trên xa lộ, trong siêu thị, nơi quán rượu, ở phòng khách và tất cả những chỗ khác mà chúng ta thường lui tới?  Không, điều đó không hợp với sự hiểu biết về linh đạo Kitô giáo.

            Không gian thánh 

             Những địa điểm nói trên cũng là những nơi thánh, bởi vì hồng ân của Chúa ban phát khắp nơi.  Dĩ nhiên, chúng ta cần thánh hiến một nơi chốn riêng biệt, không phải vì Chúa ở nơi đó mà thôi, nhưng đúng hơn và kỳ diệu thay, Thiên Chúa ở khắp nơi trên quả địa cầu, trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục.  Đó là điểm tuyệt hảo đối với lối suy tư và linh đạo Kitô giáo.  Đó là tư duy và linh đạo nhằm nhào nắn chúng ta trở thành cộng đồng dân Chúa mà chúng ta được mời gọi.

            Elizabeth Barrett Browning đã đặt câu hỏi: “Nếu trái đất bừng cháy bởi ngọn lửa của Thiên Chúa, tại sao chúng ta ngồi đó đây để nhặt những quả dâu chín?”  Nữ sĩ muốn hỏi tại sao chúng ta đã mất ý niệm về ân sủng, ý niệm về thế giới là thánh, về mọi sự là thánh và mọi sự là một bí nhiệm?  Đó là những vấn nạn lớn lao.  

            Chúng ta rất cần một nhãn quan và một linh đạo gây cảm hứng cho chúng ta để sống một cuộc sống cao quí hơn.  Chúng ta cần tề tựu ở một nơi riêng biệt được gọi là thánh đường hay nhà thờ, từ Chúa nhật nầy sang Chúa nhật khác, để chúng ta có thể tán tụng hết mọi hồng ân Thiên Chúa và đặc biệt thay, chỗ độc nhất của Ngài là ở trong đời sống chúng ta và trong tạo vật của Ngài là chính chúng ta.

LM Vincent Travers, OP,

Nguyên Tác IN STEP WITH GOD

Hương Vĩnh chuyển ngữ

From: Lanthangchieutim

 SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN

 SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN

 Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Nói đến sức mạnh, chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ đến những chàng trai võ sĩ thân hình lực lưỡng, cân đối rắn chắc, với những bắp thịt vạm vỡ, với những quả đấm thôi sơn ngàn cân.  Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng nghĩ đến những trận cuồng phong, những cơn lũ lụt phá đổ cây cối nhà cửa làng mạc, đê điều, đường sá, cầu cống.  Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng thường nghĩ tới những đám cháy lớn thiêu rụi cả một khu rừng, thiêu huỷ các tầng lầu.

Nói đến sức mạnh, chúng ta nghĩ đến những trận động đất san bằng nhiều thành phố, giết hại hàng triệu người trong vài giây đồng hồ.  Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng liên tưởng đến những cuộc chiến tranh đã giết hại bao sinh mạng, tàn phá bình địa nhiều thành phố làng mạc nhà cửa dinh thự đền đài.

Nhưng còn có một sức mạnh vạn năng khác, mãnh liệt hơn cả, quyết thắng tất cả mà lại luôn luôn ở trong tầm tay con người.  Đó chính là sức mạnh niềm tin tôn giáo.

Niềm tin tôn giáo không bao giờ bị bóp nghẹt do bất cứ quyền lực nào.  Không có quyền lực nào có thể xoá bỏ được niềm tin tôn giáo.  Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh xác tín đó.

  1. Sức mạnh đức tin vượt thắng những thách đố.

Trong chuyến hành hương Rôma, tôi có dịp đi viếng những hang toại đạo.  Đi trong hang như là tìm về cội nguồn đức tin.  Nơi đây biểu lộ sức mạnh đức tin của bao thế hệ tiền nhân.  Giáo hội giữ vững niềm tin trên nền tảng tử đạo của biết bao con người nằm dưới hang này trong 300 năm đầu bị bách hại.  Hang toại đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rôma. Những hang hầm dài nhiều cây số.  Không phải chỉ một tầng mà đến 3, 4 tầng sâu dưới lòng đất.  Không khí trong hang rất lạnh lẽo.  Mùi tử khí vẫn còn thoang thoảng đâu đây.  Đi trong hầm mộ lạnh lùng, hoang vắng, lối ngõ ngoằn ngoèo, tôi cảm nghiệm được ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.  Sự chết luôn luôn đe dọa rình rập cướp lấy mạng sống con người.  Bước đi trong lòng tin và lòng cảm phục nên người hành hương lại cảm nhận sự ấm áp, thân tình gần gũi với các thế hệ tiền bối.  Gia sản của Giáo Hội là đây.  Tại nơi này, các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong ba thế kỷ.  Sức mạnh đức tin thật là kỳ diệu.

Suốt ba trăm năm bắt Đạo, trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn trăm ngàn Vị Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách.  Trong số này, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. 

Trải qua ba trăm năm, với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội, Giáo Hội Việt Nam đã chịu bách hại và đã biểu lộ hào hùng sức mạnh đức tin qua dọc dài lịch sử.

Các Thánh Tử Đạo đã chịu đủ mọi cực hình: bị xiềng xích, lao tù, bị tra tấn, bị bỏ đói, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị bá đao, phanh thây, bị kìm kẹp, bị voi dày, bị thiêu sống, bị buộc đá thả trôi sông, bị tống cổ ra khỏi nhà cửa, làng mạc, sống vất vưởng trong rừng sâu nước độc.  Các ngài đã bị chết đói, chết khát, chết bịnh và bị dã thú ăn thịt…  Với sức mạnh đức tin, các ngài đã chiến thắng mọi thứ cực hình dã man.  Cho dù là gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói, voi giầy, trói ném xuống sông, đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng, chặt đầu, thắt cổ, thiêu sống, phân thây ra từng mảnh… các ngài chấp nhận tất cả nhờ đức tin mạnh mẽ.  Trong 117 Thánh Tử Đạo được tuyên phong, có 79 vị bị trảm quyết (bị chặt đầu); 18 vị bị xử giảo (bị thắt cổ); 8 vị chết rũ tù; 6 bị thiêu sinh; 4 bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh); 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.

Người ta nghĩ ra mọi thứ hình phạt tàn ác để buộc các tín hữu chối bỏ đức tin.

– Thật kinh hoàng sởn tóc gáy khi nghe kể về cái chết của Cha Cố Du theo kiểu bị xử bá đao: “Ngày 30.11.1835, họ chọn Thợ Đức làm pháp trường để xử ngài.  Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình.  Bên một lò than đang cháy đỏ rực có 5 tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.  Nghe lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những miếng thịt khét lẹt.  Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội.  Làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ.  Sau đó họ tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi ngài bất tỉnh thì họ mới hành quyết.  Họ cột chân tay ngài vào cây cột.  Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn.  Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa.  Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất, một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông, rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30.11.1835.  Cha Du chết rồi bọn lính còn chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi.  Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích.”

– Thánh Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc.  Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng nghe lệnh quan án sát.  Vừa nghe lệnh, hai lý hình chặt hai chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt đầu.  Rồi họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.

– Cha Điểm và Cha Khoa bị trói chân tay vào cột, lý hình tròng dây vào cổ.  Nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.

Dù chịu mọi cực hình tàn bạo, bị hành hạ tra tấn khủng bố, các ngài vẫn không chối bỏ đức tin.  Vua chúa, quan quyền, binh lính phải sững sờ kinh ngạc và kính phục lòng tin sắt son của các ngài.

Thánh Hồ Đình Hy làm quan lớn trong triều đình.  Quan Án Phạm Trọng Khảm.  Nhờ sức mạnh đức tin, các ngài chấp nhận mất chức quyền, mất danh vọng thế gian và sẵn sàng hiến dâng mạng sống.

Thánh Lê Thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhờ sức mạnh đức tin nên ngài đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô.

Thánh Tôma Thiện, Phaolô Bột, đầu xanh tuổi trẻ, tương lai còn dài, nhiều hứa hẹn.  Các ngài đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Chúa nhờ sức mạnh đức tin.

Các Thánh Tử Đạo vui lòng đón chịu mọi cực hình đau đớn, chấp nhận mọi thua thiệt, vui lòng mất hết địa vị bổng bộc và hiên ngang tiến ra pháp trường đón nhận cái chết như một mối phúc, minh chứng lòng trung thành của mình đối với Đức Kitô.  Cái chết của các ngài làm sáng lên sức mạnh đức tin.

  1. Những thách đố Đức Tin thời nay.

Làm sao chúng ta có thể sống đức tin mạnh mẽ như các Thánh Tử Đạo.  Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời xưa.

Nhưng ngày nay có rất nhiều thách đố đức tin với tín hữu Việt Nam.

– Vô thần duy vật

Thách đố trước hết đối với Đức Tin chính là môi trường mà chúng ta đang sống và “hít thở”, đó là một xã hội vô thần duy vật.  Đây là một xã hội tự bản chất chối bỏ Thiên Chúa, đề cao vật chất và quyền lực.  Sự chối bỏ Thiên Chúa sẽ là nguyên nhân đưa tới sự sa đọa của con người và xã hội.  Khi một xã hội vắng bóng Thiên Chúa, người ta sẽ tạo ra những “thiên chúa khác” nơi một con người hoặc nơi vật chất như người Do Thái trong Cựu Ước đã đúc ‘bò vàng” để thờ như thờ Thiên Chúa.  Xã hội chạy theo sức hấp dẫn của đồng tiền.  Của cải và quyền lực lên ngôi.  Thang giá trị đạo đức bị đảo lộn.  Người ta tìm mọi cách kiếm tiền để có quyền.  Khi có chức quyền thì càng kiếm được nhiều tiền.  Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người.  Ai cũng muốn có nhiều tiền.  Để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng giả, buôn bán ma túy, tham nhũng, hối lộ…  Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá trị, biến chất con người.  Trong xã hội đó, nhiều người Công Giáo cũng bị cuốn hút vào ma lực của đồng tiền, nên dễ đánh mất Niềm Tin, xa rời Giáo Hội.

– Gian dối và lừa lọc lên ngôi

Thách đố thứ hai của Đức Tin, đó là xã hội Việt Nam đang báo động bởi đầy dẫy những bất công, lạm quyền và giả dối lan tràn.  Đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm.  Mấy câu thơ sau đây có thể tóm tắt thực trạng xã hội:

“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi,

Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi,

Lương tâm bán rẻ hơn lương thực,

Chân lý chân giò một giá thôi.”

Sống trong môi trường như thế, nhiều người lập luận: người ta gian dối mà mình trung thực là mình thua thiệt!  Có những người Công Giáo cũng hành xử như người không tin, cũng lừa lọc, gian lận đủ cách để làm sao mình có lợi.

– Sự đề cao hưởng thụ cá nhân

Chúng ta đang phải đối diện với một nền văn hóa bị thống trị bởi lối sống hưởng thụ ích kỷ.  Trong đó, con người chạy theo lối sống hưởng thụ cá nhân, biến người khác thành một món hàng để chiếm đoạt và mua bán.  Tương quan yêu thương và nhân bản bị xếp sau tương quan trao đổi và lợi ích kinh tế.  Xã hội này đã sinh ra những đứa con “quái thai” trong cách sống: bằng mọi cách để kiếm tiền và hì hục hưởng thụ!  Khi sống theo lối sống này, con người trở nên ích kỷ, quy ngã, hời hợt, và ít quan tâm đến người khác, thiếu khả năng liên vị, không biết tôn trọng và yêu thương người khác.  Quan sát cách hành xử của người Việt Nam ở nơi công cộng và nhất là khi tham gia giao thông, sẽ thấy người ta tranh giành nhau, chụp giật và manh mún theo kiểu mạnh ai người ấy thắng, cá lớn nuốt cá bé.  Cách sống nói lên não trạng và tâm tính con người.  Đó là một tình trạng đáng buồn cho xã hội Việt Nam hôm nay!

– Chủ trương duy tương đối

Còn có một thách đố lớn hơn đối với Đức Tin mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI luôn cảnh báo, đó là chủ trương duy tương đối.  Chủ trương này khiến cho con người hôm nay không còn muốn chấp nhận các chân lý tuyệt đối nữa, không quy chiếu và sống theo một chuẩn mực luân lý hay giá trị đạo đức khách quan nào nữa.  Tất cả là tương đối và mỗi người có thể thay đổi các chân lý và sống theo những chọn lựa và chuẩn mực cá nhân.  Đây là sai lầm căn bản dẫn đến những sai lầm khác của con người hôm nay. (x. Những thách đố đối với Đức Tin trong xã hội hôm nay; lamhong.org).

Những lối sống và não trạng trên đã và đang len lỏi vào các ngõ xóm, các xứ đạo của chúng ta.

  1. Hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô

Năm Đức Tin là thời gian và cơ hội quý báu giúp mọi Kitô hữu “tái khám phá hành trình Đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say mới của việc gặp gỡ Đức Kitô” đồng thời, “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng” (Tự sắc Porta Fidei, số 2 và 9).

Đức Giáo Hoàng Biển Đức dạy: “Năm Đức Tin sẽ là một cơ hội thuận tiện để tăng cường việc cử hành Đức Tin.”  Cử hành đức tin là tuyên xưng, sống và làm chứng cho Đức Tin.  Tuyên xưng Đức Tin như Kinh Tin Kính dạy và như Hội Thánh công bố.  Tuyên xưng Đức Tin trong mọi hoàn cảnh sống khi an vui, hạnh phúc và thành công, cũng như khi đau khổ, bệnh tật, thất bại hay khủng hoảng.  Cử hành Đức Tin bằng việc nhiệt thành dấn thân thực hiện công cuộc truyền giáo với cách thức mới mẻ và hiệu năng hơn.  Cử hành Đức Tin bằng sự chuyên cần cử hành và lãnh nhận các bí tích.  Cử hành các bí tích là cử hành mầu nhiệm các đức tin, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải.

Đức Tin là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng.  Đức Tin là “cửa” mở ra, đưa chúng ta đi vào đời sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và bước vào Hội Thánh của Người.  Đức Tin là bảo chứng mang lại ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.

Đức Tin bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng.  Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam là dịp để học hỏi nơi cuộc đời chứng nhân của các ngài.  Chúng ta được tiếp thêm sức mạnh Đức Tin để sống đạo giữa biết bao thách đố của thời đại hôm nay.  “Hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô, xây dựng trên nền tảng Đức Kitô và được củng cố trong đức tin” (Cl 2, 7), chúng ta sẽ được tràn đầy sức mạnh Đức Tin.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

From: Langthangchieutim

Linh hồn sẽ đi về đâu sau khi ta rời bỏ thế gian?

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời… (Thánh Phanxicô Assisi)

I)Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày cho người đã mất (1)

*Lễ cúng 49 ngày (Hán-Việt: Chung thất) là một dạng tín ngưỡng, đồng thời nó cũng là buổi lễ cúng giỗ vô cùng quan trọng của người còn sống đối với người đã khuất. Đây là một buổi lễ cúng giỗ mở đầu sau ngày người chết qua đời được 49 ngày.(1)

Phong tục này được người Việt Nam dựa theo thuyết Phật giáo: Âm hồn sau khi đã qua đời phải trải qua 7 lần phán xét, mỗi lần kéo dài 7 ngày. Sau đó linh hồn phải đi qua 1 điện lớn ở âm ty, sau 7 tuần vong hồn sẽ được siêu thoát.

II)Cầu nguyện cho người đã mất là bổn phận của người còn sống. Khi chết rồi, thông thường linh hồn người chết phải qua luyện ngục để thanh luyện con người cho sạch tội. Vì muốn diện kiến Thánh Nhan Chúa phải thật tinh tuyền sạch tội. Khi linh hồn con người còn có tội không dám gặp Thiên Chúa. Chỉ khi nào thật sự sạch tội mới dám diện kiến Ngài. Cho nên luyện ngục là con đường linh hồn người chết phải qua để thanh luyện cho sạch các tội đã phạm.

Vậy người sống phải cầu nguyện cho người chết để linh hồn người chết sớm rời khỏi nơi luyện ngục mà vào chốn thiên đàng. Khi linh hồn người thân đã được vào Thiên đàng rồi, sẽ cầu nguyện lại cho chúng ta hiện còn ở thế gian này.

Thời gian luyện ngục không ai biết được bao lâu, nên tốt nhất, nếu yêu thương người chết, phải cầu nguyện mỗi ngày mà thôi.

Trong tháng 11 năm nay (2021), có Sắc lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh về ơn Toàn Xá. (2) Nếu đọc kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính cùng đi thăm nghĩa trang để cầu nguyện cho người quá cố thì linh hồn nguời thân của mình sẽ được hưởng ơn Toàn Xá này. Nếu đọc thêm kinh Vực sâu nữa thì càng tốt.

Hiện nay tôi có tham dự Nhóm cầu nguyện kính Lòng Thương Xót Chúa và mỗi ngày đọc kinh ba lần 8 giờ sáng, 3 giờ trưa và 9 giờ tối, và cũng đã đi viếng nghĩa trang cầu cho linh hồn Phaolô rồi.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

tháng 11/ năm 2021

Xem thêm: (1) Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày cho người đã mấthttp://hoavienvinhhang.com/y-nghia-cua-viec-cung-49-ngay-cho-nguoi-da-mat/

(1)LM. Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ: Giỗ 49 – 100 ngày bên Công giáo đúng sai?- https://www.youtube.com/watch?v=lES0hNS2Hjg

(2) Sắc lệnh cho phép các tín hữu được lãnh nhận Ơn Toàn Xá dành cho các tín hữu đã qua đờihttps://keditim.net/?p=103600

(2) Sau khi chết linh hồn sẽ đi về đâu? – LM Mathew Nguyễn Khắc Hy- https://www.youtube.com/watch?v=s1WfahdjFy4

Sắc lệnh cho phép các tín hữu được lãnh nhận Ơn Toàn Xá dành cho các tín hữu đã qua đời

Pham Quang Long

Ngày 27/10/2021, Đức Hồng y Mauro Piacenza, Chánh Toà Ân giải Tối cao, và Đức ông Krzysztof Nykiel, Phó Toà Ân giải Tối cao, đã công bố sắc lệnh cho phép các tín hữu được lãnh nhận Ơn Toàn Xá dành cho các tín hữu đã qua đời kéo dài suốt tháng 11 năm nay.

Sắc lệnh của Toà Ân giải Tối cao giải thích rằng theo thỉnh nguyện của nhiều mục tử trong Giáo hội, do tình trạng đại dịch kéo dài, Toà Ân giải Tối cao “xác nhận và mở rộng trong trọn tháng 11 năm 2021 tất cả các ơn ích thiêng liêng đã được ban ngày 22 tháng 10 năm 2020, qua sắc lệnh số 791/20/I”.

Trong sắc lệnh ban hành vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, Toà Ân giải Tối cao quyết định:

“Ơn Toàn Xá được ban cho những ai viếng nghĩa trang và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, thông thường chỉ trong những ngày từ 1-8/11, có thể chuyển sang các ngày khác đến hết tháng 11. Những ngày này, do mỗi tín hữu tự chọn, có thể tách biệt nhau” (không cần các ngày liên tiếp).

Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng điều chỉnh việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá vào ngày 2/11, ngày lễ “cầu nguyện cho các tín hữu qua đời”, khi viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện và đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, có thể dời không chỉ vào ngày Chúa Nhật trước hoặc sau đó, hoặc vào ngày lễ Các Thánh, mà còn có thể vào một ngày nào khác của tháng 11, do mỗi tín hữu tự chọn.

Thêm vào đó, riêng đối với những người già, người bệnh hoặc những ai vì lý do nghiêm trọng không thể ra khỏi nhà, cũng có thể lãnh nhận Ơn Toàn Xá, miễn là họ hiệp nhất thiêng liêng với các tín hữu khác, hoàn toàn xa lánh tội lỗi và với ý hướng thực hành ba điều kiện thông thường: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Họ có thể làm việc này trước một bức ảnh Chúa Giêsu hay Đức Mẹ, đọc kinh cầu cho những người đã qua đời hoặc một bài đọc Kinh Thánh vv… để dâng cho Chúa những đau khổ và khó khăn của mình.

Sắc lệnh cũng kêu gọi các linh mục, trong năng quyền của mình, quảng đại cử hành bí tích Giải Tội và trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Đồng thời, vì lợi ích cho các linh hồn trong Luyện ngục, tất cả các linh mục đều được mời gọi cử hành ba Thánh Lễ trong ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, theo Tông hiến Incruentum Altaris, do Đức Beneđictô XV ban hành 10/08/1915.

Theo Vatican News | Hồng Thủy

May be an image of standing, monument, outdoors and text that says 'THÁNG 11/2021 Năm nay, 2021, việc lãnh Ơn Toàn Xá dành cho tín hữu đã qua đời được kéo dài suố‘t tháng 11. NGUỒN: VATICANNEWS.VA'

VỊ LINH MỤC VIỆT NAM RẤT ĐẶC BIỆT VÌ CÓ CHA THUỘC ĐẠO CAO ĐÀI VÀ CÓ MẸ THUỘC ĐẠO PHẬT

 Make Christianity Great As Always

VỊ LINH MỤC VIỆT NAM RẤT ĐẶC BIỆT VÌ CÓ CHA THUỘC ĐẠO CAO ĐÀI VÀ CÓ MẸ THUỘC ĐẠO PHẬT

Nhất gia tam Đạo. Tam nhân tam Tôn. Một gia đình ba Tôn giáo. Ba thành viên trong cùng một gia đình thuộc ba Tôn giáo khác nhau.

Chuyện lạ không tưởng này đã xảy ra trong gia đình cha Phêrô Giuse Maria HÀ THIÊN TRÚC, đương kim Chánh xứ Martinô thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Quả vậy, cha Trúc đã xuất thân trong một gia đình có thân phụ là một tín đồ thuộc Đạo Cao Đài và thân mẫu thuộc Đạo Phật.

Ngài nguyên là một bác sĩ y khoa có tâm và kiêm là một ca sĩ hát rất tâm tình.

Cha ngài vì muốn ngài trưởng thành về tâm linh và vững mạnh về kiến thức nên đã đặt tên ngài là Thiên Trúc, tên cũ của Ấn Độ, một quốc gia Phật Giáo.

Cả ông cố và bà cố đều tôn trọng niềm tin của nhau, cùng sùng Đạo của riêng mình và đã tôn trọng sự chọn lựa tâm linh của các con, và đã chấp nhận cho con trai mình là Hà Thiên Trúc được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Hiện nay cả hai ông bà cố đã viên tịch.

Cha Trúc đã từng sống bên những người Công giáo đạo đức thánh thiện, đã được nghe biết về Chúa Giêsu cách sâu xa ấn tượng thuyết phục.

Chính vì thế mà cha Trúc đã gia nhập Đạo Công giáo vào năm 19 tuổi với sự chấp thuận, tôn trọng và ủng hộ rất vô tư của cả cha lẫn mẹ.

Ngài được Rửa tội ở Giáo xứ Tân Định, Sài Gòn năm 1989 và được gia nhập vào Giáo xứ này.

Không dừng lại ở đó, cha còn say mê Đạo Công Công giáo đến nỗi đã muốn trở thành một Linh mục để đem ơn cứu độ cho nhân thế.

Cha đã được cha sở Gioan Baotixita Võ Văn Ánh giới thiệu vào Đại Chủng viện dưới sự dìu dắt tận tình vô tư trước đó của cha nghĩa phụ Giuse Maria Đỗ Duy Lạn.

Chính cha Lạn đã khuyến khích, đã nâng đỡ, đã hướng dẫn bác sĩ Hà Thiên Trúc trong những bước đầu của ơn gọi linh mục.

Và cuối cùng cha đã được truyền chức Linh mục.

Vậy là cha Trúc tuy đang có một tương lai sán lạn cho mình, và cũng đang phục vụ, mang lại an ủi cho nhiều bệnh nhân, nhưng đã chọn đi tu trở thành linh mục, và có lẽ đã làm nhiều người thắc mắc, khó hiểu.

Vậy là bác sĩ Trúc từ việc chữa lành thể xác con người cách chóng qua lại trở nên “bác sĩ” chữa lành tâm linh con người cách Vĩnh cửu.

Vậy là cha Trúc từ là người không hiểu gì về Đạo Công giáo đã trở thành thầy dạy của Đạo Công giáo.

Khẩu hiệu đời linh mục mà cha đã chọn chính là những câu ca ngợi Thiên Chúa của Đức Mẹ là: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa » (Lc 1,46).

Sở dĩ cha Trúc có đến 3 tên Thánh vì cha rất yêu thích Thánh Phêrô, rất sùng kính Đức Mẹ và tri ân cha nghĩa phụ Giuse Maria Đỗ Duy Lạn nên đã chọn tên Thánh Giuse để tưởng nhớ cha cố.

Cha đã thành tâm tìm hiểu Đạo Công giáo và đã khiến cha hết sức thán phục và quyết định gia nhập Đạo.

Cha Trúc khi còn là một Chủng sinh đã từng tâm sự như sau:

“Ba con rất sùng đạo Cao Đài, ăn chay trường, đạo đức, có ước muốn con cái giúp ích cho đời (như: đặt tên chị con là “Thanh Tuyền” với ước mong phục vụ vô vị lợi cho đời như “giòng suối trong” chảy hoài không ngưng nghỉ, và hiện chị con là bác sĩ đang giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân và cho xã hội trong lãnh vực ngoại thần kinh và chẩn đoán hình ảnh).

“Và ba con cũng đã giác ngộ trên đường Đạo nên có ước mong các con cái sẽ được thăng tiến trong đời sống tâm linh (như đặt tên con là “Thiên Trúc”, tên cũ của Nước Ấn Độ – cái nôi của Phật giáo).

“Má con cũng là người sùng đạo Phật, đã dẫn các con cái quy y Phật. Má cũng thường đi học và nghe thuyết pháp về Phật giáo vào các chiều chủ nhật hàng tuần ở chùa Xá Lợi. Bản thân con cũng được má con dẫn quy y Phật vào năm học lớp 6, pháp danh “Thiện Tuấn”.

“Ba má con rất quan tâm, chăm sóc, giáo dục nhiều cho các con cái về tri thức và đạo đức.”

Cha Trúc chính là chứng nhân cho câu nói của Thánh Phê-rô: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!” (Cv 10, 34-35).

Hồng ân Chúa vẫn ngày ngày tuôn đổ như nắng như mưa xuống trần gian không phân biệt.

Bất cứ ai thành tâm thiện chí mở rộng tâm hồn, thì sẽ được đón nhận dồi dào ơn Chúa.

Chúng ta cùng nhau cúi đầu tạ ơn Chúa, chúc mừng cha, cầu cho cha Thiên Trúc và chúng ta ngày càng gần trái tim Chúa hơn. Amen.

Giuse Kích

(Bài viết có tham khảo một số nguồn tin).

May be an image of 2 people, people standing and text that says 'Linh hồ»n tôi ngợi khen Thiên Chúa (171.46) ( Cha tân Chánhxứ Phêrô Giuse Maria HÀ THIÊN TRÚC'

CHUYỆN NGƯỜI TU SĨ

CHUYỆN NGƯỜI TU SĨ

Chuyện kể rằng: Có một tu sĩ rất chuyên chăm tu hành. Kết quả là đời sống tu trì cũng như tâm hồn của ông trở nên rất mực tốt lành, và thánh thiện.

Một ngày kia, đang lúc vị tu sĩ ấy bắt tay vào rửa chén dĩa, thì một Thiên thần hiện ra nói: “Thiên Chúa sai ta đến báo cho ngươi biết là đã đến giờ ngươi lìa đời để đến trình diện Chúa”. Vị tu sĩ điềm nhiên và vui vẻ trả lời: “Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, liệu giờ tôi đến trình diện Chúa có thể hoãn lại sau khi tôi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?” Nghe vậy, Thiên thần liền biến mất. Tu sĩ ấy trở lại công việc bổn phận một cách hăng say và quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.

Một thời gian sau, trong lúc vị tu sĩ ấy đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần lại hiện ra. Lần này vị tu sĩ không nói một lời, chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân đang nằm trên giường. Thiên thần lại biến mất không nói một lời nào. Cứ như vậy, vị tu sĩ cứ vui tươi và tận tình chu toàn việc phục vụ cộng đoàn tu của mình và tất cả mọi người.

Rồi một ngày kia, ông cảm thấy mình đã già nua và mệt mỏi. Ông thốt lên lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con đã sẵn sàng theo ngài”. Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa hiện đến. Vị tu sĩ vui mừng rỡ: “Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc”. Thiên thần nhìn vị tu sĩ ấy với tất cả sự trìu mến và nói: “Này vị thánh nhỏ ơi, sao còn mơ ước về Thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, chẳng phải ông đã đang ở thiên đàng rồi hay sao?”

Lạy Chúa, xin sai các Thiên thần của Chúa đến dẫn dắt và trợ giúp chúng con trong mọi khó khăn và hiểm nguy trên hành trình dương thế để chúng con luôn sống trong ơn nghĩa với Chúa ở đời này và đời sau sẽ được cùng các Thiên thần đàn ca chúc tụng Chúa trên Thiên quốc. Amen.

Nt. Rosa Lê Ngọc Thuỳ Trang, MTGCQ

 Têrêsa Ngọc Nga (st)

From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

TƯƠNG LAI CUỘC ĐỜI

TƯƠNG LAI CUỘC ĐỜI

 TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Sống trên đời, ai cũng mong có một tương lai tốt lành.  Tương lai mà người tín hữu kỳ vọng không giống như mọi người không có đức tin mong đợi.  Bởi lẽ, theo quan niệm trần gian, tương lai là những kỳ vọng thành đạt trong sự nghiệp hay học vấn, hoặc giàu có sung sướng về vật chất.  Người Kitô hữu cũng cố gắng để có được một điều kiện sống hạnh phúc phong lưu.  Tuy vậy, tương lai và hạnh phúc vĩnh cửu của họ là Nước Trời.  Giữa cuộc sống này phủ đầy bóng tối, nhiều thử thách gian nan và dối gian lừa lọc, nhưng những tối tăm gian khổ ấy cũng có lúc kết thúc.  Vương quốc mà chúng ta chờ đợi, đó là hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.  Hướng về tương lai vĩnh cửu, đó là mối ưu tiên hàng đầu của người tin Chúa.

Với lối hành văn theo thể loại được gọi là “Khải huyền”, tác giả sách Đanien đã diễn tả lúc tận cùng của thời gian, chúng ta vẫn gọi là ngày tận thế.  Lúc ấy, Thiên Chúa sẽ can thiệp và làm cho những người đã chết được sống lại.  Sự can thiệp của Tổng lãnh Thiên Thần Micae như một cuộc tổng điều tra dân số.  Những ai được ghi trong “Sổ hằng sống” sẽ được hưởng hạnh phúc ngàn thu, những ai không có tên trong đó sẽ phải trầm luân muôn kiếp.

Giống như tác giả sách Đanien, thánh sử Mác-cô đã sử dụng lối văn Khải huyền để diễn tả ngày cánh chung.  Vào thời đó, các thiên thể tinh tú sẽ mất hết khả năng chiếu sáng và sẽ rơi xuống đất.  Mặt trời, mặt trăng và các tinh tú được các dân xung quanh thờ như những vị thần.  Vào thời Thiên Chúa xuất hiện, các vị thần ấy sẽ bị đánh bại.

Có thể những tiên báo trên đây bị người thời nay coi là chuyện tầm phào.  Người ta nói rằng, từ xưa đến nay, rất nhiều lần có lời đồn thổi về ngày tận thế, nhưng rốt cuộc thì ngày tận thế không đến.  Lời Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta khi quả quyết: thế gian này chẳng thể tồn tại mãi.  Sẽ có ngày cuộc đời này kết thúc, dù chúng ta không biết khi nào và như thế nào.  Những hình ảnh được nêu trong sách Đanien, và Tin mừng Thánh Mác-cô chỉ là những biểu tượng để giúp cho các độc giả cách chúng ta mấy ngàn năm dễ hiểu.

Nếu người ta có thể phủ nhận ngày tận thế, thì không ai có thể phủ nhận sự chết.  Dù sang hay hèn, dù văn minh hay lạc hậu, ai cũng phải đến ngày kết thúc cuộc đời.  Biết bao lần chúng ta đã chia tay những người thân, qua đó chúng ta càng cảm nhận sự mỏng giòn của thân phận con người.  Giáo lý Công giáo dạy chúng ta: giờ chết là tận thế đối với cá nhân mỗi người.  Lúc đó họ sẽ phải trả lời Chúa về những việc mình đã làm khi còn sống trên dương gian.  Chúa dựng nên con người có hồn và xác.  Thân xác có thể bị mục nát trong lòng đất, nhưng linh hồn bất tử.  Mỗi người phải mang trách nhiệm về những gì mình đã làm.  Thời gian, sức khoẻ, gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và những ưu đãi khác đều là những “vốn” Chúa ban để sinh lợi.  Trên trần gian, có người tốt kẻ xấu, lúc tận thế, cũng có người hưởng vinh quang, kẻ bị trầm luân muôn kiếp.  Ngôn sứ Đanien đã nhìn thấy “những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.”  Niềm tin vào đời sau chính là tôn vinh phẩm giá con người.  Niềm tin này cũng khích lệ chúng ta, như một lời hứa hẹn rằng, nếu chúng ta sống tốt ở đời này thì sẽ được hưởng vinh quang bất diệt đời sau.

Tin vào đời sau, đó không phải là sự ru ngủ như có người thiếu thành kiến với Giáo Hội đã suy diễn.  Chính Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta: ai tin vào Người thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai tin vào Người sẽ được sống muôn đời.  Tác giả thư Hípri nói với chúng ta: nếu chúng ta có hy vọng được hưởng sự sống đời đời là nhờ hy tế của Đức Giêsu dâng trên thập giá.  Người là Thượng tế, đã dâng chính máu mình để chuộc tội cho nhân loại.  Những ai tin vào Người sẽ được tha thứ tội lỗi và được hưởng hạnh phúc vô biên.

Vào lúc năm cùng tháng tận, mỗi chúng ta hãy suy nghĩ về lúc kết thúc của cuộc đời.  Hai chữ “tận thế” gợi cho chúng ta nỗi sợ hãi và bi quan chán nản, nhưng hai chữ “tương lai” lại giúp chúng ta bừng lên niềm hy vọng.  Người vô thần cho rằng mỗi ngày sống là đang tiến dần tới nấm mộ; người tin Chúa lại cho rằng mỗi ngày sống là một nấc thang đưa họ đến với Đấng Tối cao.  Quả vậy, khi đối diện với sự chết, người Kitô hữu nhìn nhận, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa.  Đó cũng là sự biến đổi từ thân phận phải chết sang cuộc sống đời đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim