Thánh Inhaxiô (I Nhã) Loyola Đấng sáng lập dòng Tên

Chúc bình an, hôm nay giáo hội mừng kính Thánh Inhaxiô (I Nhã) Loyola Đấng sáng lập dòng Tên. Mừng lễ quan thầy đến những ai nhận Thánh Inhaxiô làm bổn mạng nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 31/07/2023

Thánh Inhaxiô (I Nhã hoặc St. Ignatius of Loyola) Loyola, (1491-1556). Vị sáng lập dòng Tên này đang trên đà danh vọng và quyền thế của một sĩ quan trong quân đội Tây Ban Nha thì một trái đạn đại bác đã làm ngài bị thương ở chân. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, vì không có sẵn các cuốn tiểu thuyết để giết thời giờ nên ngài đã biết đến cuộc đời Ðức Kitô và hạnh các thánh. Lương tâm ngài bị đánh động, và từ đó khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô.

Inigo Lopez de Loyola sinh năm 1491 tại Loyola, Guipuzcoa, Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc. Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, cuốn Những Thao Luyện Tâm Linh.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Rôma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học hành ở Alcalá, Salamanca và Balê.

Vào năm 1534, lúc ấy đã 43 tuổi, cùng với sáu người khác (trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê) ngài thề sống khó nghèo và khiết tịnh và tất cả cùng đến Ðất Thánh. Các ngài thề quyết rằng nếu không thể ở đây thì sẽ dâng mình cho công việc tông đồ của đức giáo hoàng. Và đó là điều đã xảy ra. Bốn năm sau, ngày 15 tháng 8 năm 1534 Ignatius hợp thức hóa tổ chức của ngài. Tu Hội của Ðức Giêsu (The Constitutions of the Society of Jesus / Dòng Tên) được Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận năm 1541 và Ignatius được bầu làm bề trên đầu tiên.

Trong khi các bạn đồng hành được đức giáo hoàng sai đi truyền giáo thì Ignatius vẫn ở Rôma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi, cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội. Ngày nay Tu Hội của Đức Giêsu (Dòng Tên) phát triển trên 500 đại học với 30,000 thành viên khắp nơi trên thế giới và mỗi năm dạy trên 200,000 học sinh.

Thánh Y Nhã đích thực là một vị thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo – Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên, ad majorem Dei gloriam – “để Thiên Chúa được vinh danh hơn.” Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện, vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà đức giáo hoàng đã sai đi vì sự cứu rỗi các linh hồn.

Trong những năm tháng cuối đời, ngài phải chịu nhiều đau khổ vì bệnh tật và qua đời ngày 31 tháng 7 năm 1556 tại Rome, nước Ý. Đức Giáo Hoàng Pius V đã tôn phong Chân Phước cho Ignatius ở Loyola ngày 27 tháng 7 năm 1609 và Đức Giáo Hoàng Gregory XV đã tôn phong hiển thánh cho Ignatius ở Loyola ngày 12 tháng 3 năm 1622. (Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online & Patron Saints & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint, Vatican Blesseds và Santi-Beati-Testimoni)

Sau đây là những câu nói của Thánh Inhaxiô Loyola. Mời Bạn suy niệm những lời này để nâng cao tâm trí và linh hồn đến Chúa.

❦ Việc làm đầu tiên là tín thác nơi Chúa. Hãy cố gắng làm như Chúa đang làm mọi sự và bạn không làm điều gì cả.

❦ Ai muốn làm cho những người khác tốt hơn thì vô ích, trừ khi người ấy bắt đầu từ chính mình trước.

❦ Từ thiện và tử tế mà không có chân lý thì là sự giả dối và hư vô.

❦ Sao bạn lại để mọi sự sang một bên cho tháng sau hay năm sau? Tại sao, tại sao bạn lại tin rằng bạn sẽ sống lâu như thế?

❦ Không nên nói hay làm điều gì mà không tự hỏi xem những điều ấy có làm Chúa vui lòng không, có ích lợi cho bạn và có làm ích cho người khác không?

❦ Nếu Chúa muốn cho bạn đau khổ nhiều, đó là dấu hiệu mà Chúa muốn bạn trở nên một vị thánh vĩ đại.

❦ Cẩn thận khi chê trách hành động của người khác. Hãy quan tâm đến ý nghĩ của người khác, có khi họ thành thật và vô tội, dù cho hành động của họ có vẻ xấu xa khi ta nhìn vào. (Nguồn HĐđaminh)

Câu nói nào đánh động Bạn nhất, tại sao?

Lạy Thánh I Nhã, xin Cha Thánh cầu bầu cho con được ơn hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Amen.

From: Đỗ Dzũng

NHẠC THÁNH CA VPV – CON ĐỪNG SỢ 

Vua Sa-lô-môn thưa: Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; (1 V 3:5,9a) 

Ngày Chúa Nhật an vui và tốt lành trong Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 30/07/2023

TIN MỪNG: ĐỨC CHÚA hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.”… Vua Sa-lô-môn thưa: Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; (1 V 3:5,9a)

SUY NIỆM: Có bao giờ bạn chủ tâm bỏ ra ít phút trong ngày để mở lòng ra và lắng nghe coi Chúa đang muốn nói gì với bạn trong tâm hồn không? Lắng nghe để mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của bạn không còn là ý riêng nhưng mà là Ý Chúa trong tâm hồn.

Thái độ của Vua Sa-lô-môn thưa với Chúa thể hiện được sự lắng nghe này. Là một vị vua trẻ, ngài không xin để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, sống lâu, hay được của cải nhưng ngài chỉ sự khôn ngoan để phân biệt được điều phải điều trái. Chúa đã ban cho ngài một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngài, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngài, cũng chẳng có ai bì kịp. Ngài đã ý thức được rằng mọi sự: mạng sống, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị, tài năng, quyền hành, danh vọng… rồi sẽ qua đi xin làm chi. Ngài chỉ xin có tâm hồn biết lắng nghe để phân biệt được điều phải điều trái và làm theo ý Chúa trong mọi sự. Làm được như vậy thì mới có được bình an và hạnh phúc đời này và đời sau. Mong bạn hãy noi gương Vua Sa-lô-môn và làm như vậy nhé.

LẮNG NGHE: Vì thế, mệnh lệnh Ngài, con yêu quý, / quý hơn vàng, hơn cả vàng y.  / Vì thế, theo mọi huấn lệnh Ngài, con thẳng bước, / lòng ghét mọi đường nẻo gian tà. (Tv 119:127-128)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn biết lắng nghe để “nên một” với tâm tư Chúa trong từng hoàn cảnh, biến cố, từng con người đi ngang qua đời con.

THỰC HÀNH: Mời bạn bỏ ra ít phút trong ngày Chúa Nhật hôm nay để lắng nghe tiếng Chúa đang muốn thủ thỉ tâm sự với bạn trong tâm hồn.

From: Đỗ Dzũng

Lắng nghe lời chúa- Việt Dzũng

Ai thuộc về Hội Thánh Công giáo?

Gần hết Tháng 7 rồi bạn ơi! Bạn đã và đang làm gì cho Chúa và cho tha nhân hả? Ước mong bạn hãy sống xứng đáng là một Ki-tô hữu chính hiệu nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 27/7/2022

GIÁO LÝ: Ai thuộc về Hội Thánh Công giáo? Người hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công giáo là người: hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục; hợp nhất với Chúa Ki-tô qua việc tuyên xưng đức tin Công giáo và lãnh nhận các Bí tích. (YouCat, số 134)

SUY NIỆM: Thiên Chúa đã muốn chỉ có Một Hội Thánh cho mọi người. Rủi thay Kitô hữu chúng ta lại không trung thành tôn trọng ước mong đó của Chúa Kitô. Dẫu vậy, ta vẫn còn liên kết sâu xa với nhau bởi đức tin và phép rửa tội chung. (YouCat, số 134 t.t.)

LẮNG NGHE: Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Chúa Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn. (Ep 1:22-23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đời sống Ki-tô hữu có sống động được là bởi Chúa. Chúa là gương mẫu cho con về mọi phương diện, trong mọi hoàn cảnh, khi vui cũng khi buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi gặp hiểm nguy cũng như lúc bị cám dỗ và trong lúc sầu khổ của giờ chết, xin cho con biết tận tình nhất quyết kết hợp với Chúa, đi theo và bắt chước Chúa là Anh Cả, Vị Cứu Tinh, đồng thời là Chúa mọi người.

THỰC HÀNH: Có bao giờ bạn cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc vì được làm con của Chúa chưa? Tập làm Dấu Thánh Giá một cách chậm rãi và kính cẩn để nhắc nhở bạn về ơn gọi Ki-tô hữu Công giáo của mình nhé.

From: Đỗ Dzũng

Dấu Thánh (Làm Dấu 2)- Phan Đình Tùng

Thánh Gioankim và thánh Anna là song thân của Đức Trinh Nữ Maria

Chúc bình an đến bạn và gia đình, hôm nay Giáo Hội mừng kính 2 thánh Gioankim và thánh Anna là song thân của Đức Trinh Nữ Maria. Mừng quan thầy đến những ai chọn các ngài làm bổn mạng nhé. Xin lưu ý: Mình đang đi vắng, nếu kg nhận được bài, thông cảm nhá.

Cha  Vương

Thứ 4: 26/7/2023

TIN MỪNG: Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả. (Luca 8:15)

SUY NIỆM: Cây tốt sinh trái tốt. Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Xem quả biết cây. Đức Maria là hoa quả của hai thánh Gioakim và thánh Anna. Tất cả những điều ấy muốn nói lên rằng Chúa luôn yêu thương những người biết tin tưởng, phó thác, cậy trông vào Ngài.

Đọc lại Kinh Thánh, ta không thấy Thánh Kinh thuật lại lai lịch và cuộc sống của hai thánh Gioakim va Anna là song thân của Mẹ Maria. Nhưng các Thánh Truyền cho ta hiểu rõ rằng hai ông bà Gioakim và Anna luôn phó thác, cậy trông và tin tưởng vào Chúa. Hai ông bà đã già nua tuổi tác mà vẫn không có con, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương, chấp nhận lời khẩn nguyện, cầu xin của hai ông bà và cho hai ông bà cưu mang, hạ sinh người con yêu quý là Maria. Đây là hồng ân cao cả Thiên Chúa dành cho ông bà Gioakim và Anna.

Cái phúc mà song thân của mẹ Maria đã lãnh nhận từ Thiên Chúa biến đổi cả cuộc đời của hai ông bà như lời Tv 23, 5 đã viết: “Các Ngài được Chúa ban phúc lành, và được Thiên Chúa cứu độ hằng xót thương”. Thiên chúa đã chúc phúc cho hai ông bà bằng tình yêu vĩnh cửu, tình yêu không bao giờ tàn lụi, phai mờ, tình yêu hiến trọn cho người khác. Vì luôn trung tín với Thiên Chúa, hai ông bà được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt và Maria là con hai ông bà đã được Thiên Chúa cất nhắc, để ý và tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Chính nhờ phúc lành Hai ông bà lãnh nhận nơi Thiên Chúa, qua các Ngài, phúc lành ấy cũng được đổ xuống cho muôn dân, muôn nước và từng người. (Nguồn: mạng Mến Thánh Giá Cái Mơn, hạnh các Thánh)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa xin cho con cháu trong các gia đình luôn biết sống thảo hiếu với Chúa và ngoan hiền với Ông Bà Cha Mẹ.

LẮNG NGHE: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mátthêu 5:4)

THỰC HÀNH: Hôm nay Bạn hãy gọi điện thoại hỏi thăm Ông Bà Cha Mẹ và làm một việc hy sinh để cầu nguyện cho các đấng còn sống cũng như qua đời nhé.

From: Đỗ Dzũng

Cầu Cho Cha Mẹ 7 – Hồng Ngọc 

Thánh Giacôbê (James) Tông Đồ

Chúc một ngày zui zẻ, phẻ mạnh, và an lành trong Chúa và Mẹ nhé. Hôm nay 25/07 Giáo Hội mừng kính Thánh Giacôbê (James) Tông Đồ. Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh Giacôbê làm quan thầy hay có tên là James nhé.

Cha Vương

Th 3: 25/07/2023

Thánh Giacôbê [Cả] là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Ðức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê.

Lecturas y comentario del Martes VIII del Tiempo Ordinario. - Obispado ...

Trước đó, Ðức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrê. “Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Máccô 1:19-20).

Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Ðức Giêsu trong vườn Giệtsimani.

Có hai biến cố trong Phúc âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến để xin cho họ được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Ðức Giêsu). “Ðức Giê-su bảo: ‘Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?’ Họ đáp: ‘Thưa được’ (Mt 20:22). Sau đó Ðức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Ðức Giêsu – chỗ đó “được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị” (Mt 20:23b).

Do You Always Want to Be First? — Watchtower ONLINE LIBRARY

Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Ðức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Ðây là vị thế của chính Ðức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.

Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Ðức Giêsu đặt cho họ – “con của sấm sét”- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Ðức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. “Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?’ Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông…” (Luca 9:54-55).

Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. “Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa” (CVTÐ 12:1-3a).

Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với Thánh Giacôbê con Alphê, Thánh Giacôbê hậu “anh em họ” của Đức Giêsu và sau này là Giám Mục Jerusalem cũng là tác giả Thư Thánh Giacôbê.

 

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ Người cầu thay nguyện giúp, Hội Thánh được luôn nâng đỡ phù trì (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Giacô-bê tông đồ).

From: Đ Dzũng

và ĐƯỜNG CON THEO CHUA FEAT HIỆP HỘI ĐA MINH TIN MỪNG

( Nhóm Tinh Thần, Hạnh Thánh)


 

Tôi cần dọn mình cách nào để có thể lên Rước lễ?

Chúc bạn và gia đình ngày Thứ 2 được mọi sự tốt lành trong Chúa và Mẹ Maria nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 24/07/2023

GIÁO LÝ: Tôi cần dọn mình cách nào để có thể lên Rước lễ? Tôi cần phải là người Công giáo, và nếu lương tâm nghĩ mình đang có tội trọng thì phải xưng tội đã. Trước khi tới gần bàn thờ, bạn phải làm hòa với người thân cận. (YouCat, số 220)

SUY NIỆM: Trước đây ít năm [trước 1964] có thói quen không ăn gì trong 3 tiếng đồng hồ trước rước lễ, vì muốn cho mình sửa soạn rước Chúa Kitô. Ngày nay, Hội thánh truyền dạy giữ chay ít là một tiếng đồng hồ. Một dấu hiệu tỏ lòng tôn kính khác là ăn mặc cho xứng đáng, vì thực ra đây là cuộc hẹn gặp với Chúa của vũ trụ. (YouCat, số 220 t.t.)

Điều 919, Bộ Giáo luật 1983, có quy định về việc kiêng ăn uống trước khi rước lễ hay còn gọi là việc giữ chay Thánh Thể như sau:

Điều luật này có ba triệt phân biệt ba đối tượng: Đối với các tín hữu nói chung, trong tình trạng bình thường, TRIỆT 1 quy định: “Ai muốn rước Thánh Thể thì ít là trong khoảng một giờ trước khi rước lễ phải kiêng mọi thức ăn, thức uống, chỉ trừ nước lã và thuốc chữa bệnh.” TRIỆT 2 quy định: “Linh mục cử hành Bí tích Thánh Thể hai hoặc ba lần trong cùng ngày, có thể ăn uống gì đó trước khi cử hành lần thứ hai, lần thứ ba, dẫu không cách quãng tới một giờ.” Như thế, nếu linh mục chỉ cử hành Thánh lễ một lần trong ngày thì vẫn theo quy định của triệt 1. Ngoại lệ của triệt 2 chỉ dành cho linh mục cử hành nhiều Thánh lễ trong ngày. TRIỆT 3 cũng là một ngoại lệ dành cho “những người tuổi cao và bệnh tật cùng những người chăm sóc” khi quy định: “Những người già nua và bệnh hoạn và những người coi sóc họ, có thể rước Thánh Thể, dầu đã ăn uống gì đó trong khoảng một giờ trước.”

Lưu ý ở triệt 2 và triệt 3 có định ngữ “ăn uống gì đó”, có thể được hiểu là “ít, đơn giản và chỉ để chống đói”, để không bị đánh mất đi lòng tôn kính với Bí tích cực trọng này.

❦ Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành sạch. (Mt 8:8)

LẮNG NGHE: Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. 1Cr 11:27-28

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, mỗi khi rước Mình và Máu Thánh Chúa con được kết hiệp mật thiết với Chúa, xin giúp con biết chuẩn bị và dọn mình cho xứng đáng.

THỰC HÀNH: Cố gắng giữ gìn luật giữ chay trước khi tham dự Thánh Lễ nhé.

From: Đỗ Dzũng

GIÊSU, CHÚA BÊN CON – Lumen Choir

Cứ để cả hai [giống tốt và cỏ lùng] cùng lớn lên cho tới mùa gặt

Hôm nay ngày Chúa Nhật, Chúa ban cho bạn 24 giờ để yêu như Chúa yêu. Bạn hãy mở lòng ra để đón nhận nhé.

Cha Vương

CN: 23/07/2023

TIN MỪNG: Cứ để cả hai [giống tốt và cỏ lùng] cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.” (Mt 13:30)

SUY NIỆM: Đứng trước thảm cảnh đau lòng gây ra từ chiến tranh, cướp bóc, hành hung, bạo loạn và tội ác có bao giờ bạn tỏ ra bất mãn, oán trách Thiên Chúa và chua chát kêu lên: “Chúa ở đâu? Tại sao Chúa để cho bao nhiêu thảm cảnh đau lòng xảy ra như thế mà không ra tay can thiệp? Hãy bình tĩnh lại đi một tí bạn ơi! Có phải Đức Chúa nói với ông Sa-mu-en: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16:7).

Chúa nhìn vào đáy lòng. Nếu bạn đặt mình vào góc nhìn của Thiên Chúa thì việc người tốt và người xấu sống lẫn lộn với nhau có thể là một bài học cho từng người trên thế gian này. Bạn hãy nhìn vào lòng Hội Thánh cũng có tình trạng tương tự: Trong cộng đoàn giáo xứ, hội đoàn hay dòng tu, luôn có các người tốt xấu sống chung lẫn lộn và người tốt luôn bị kẻ xấu ức hiếp hãm hại.

Vậy bài học Chúa muốn dạy trong dụ ngôn giống tốt và cỏ lùng là gì? Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác nhưng kiên nhẫn đợi chờ, đợi chờ họ hồi tâm và tỉnh ngộ, để nhận ra mọi người là anh chị em một nhà con cùng một Cha…

Nhờ đó, hận thù sẽ được xóa bỏ, ghen ghét sẽ bị đẩy lùi, hòa bình và yêu thương sẽ ngự trị trong tâm hồn mọi người…

Thiên Chúa để người tốt sống chung với kẻ xấu còn để thử thách đức tin của những người công chính. Nếu phải sống chung với nhau, vậy làm sao để phân biệt được người tốt với người xấu theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa? Thông thường thật khó phân biệt được người tốt và kẻ xấu vì lòng người thật là khó hiểu được như người xưa đã dạy: “Sông sâu còn có người dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng!”.

Người thánh thiện thì không có dáng vẻ đạo đức, còn kẻ thánh thiện giả tạo lại luôn mang bộ mặt thánh thiện như những người Pha-ri-sêu giả hình. Để phân biệt được người tốt và kẻ xấu bạn phải dựa vào tiêu chuẩn của đức mến.  Hãy lấy lòng mến làm thước đo.

Thánh Phao-lô dạy các tín hữu phải làm mọi việc với lòng mến Chúa và yêu người: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13:3). Vào cuối đời của mỗi người, dù tốt hay xấu, Chúa sẽ xét xử bạn dựa trên tình yêu tức là Đức mến với Thiên Chúa và tha nhân.

LẮNG NGHE:  Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.8 Đức mến không bao giờ mất được. (1 Cr 13: 7,8a)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, là đấng từ bi và nhân hậu, xin hãy biến đổi đôi mắt con khi nhìn thấy lỗi lầm của anh em giống như cái nhìn từ bi bao dung của Chúa đối với tông đồ Phê-rô sau khi ông phạm tội.

THỰC HÀNH: Đừng nhìn vào cái xấu của người khác để phê phán và chỉ trích nhưng hãy nhìn vào để tự tránh và đừng làm những điều xấu như họ.

From: Đỗ Dzũng

Yêu Như Chúa Yêu – Nguyễn Hồng Ân  

Thánh Maria Magdalen (thế kỷ thứ 1)

Hôm nay 22/07 Giáo Hội mừng kính Thánh Maria Magdalen (thế kỷ thứ 1). Mừng Bổn mạng đến những ai chọn thánh Nữ làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 22/7/2023

Ngày trước, người ta lẫn lộn giữa Maria Magdalen với ba người phụ nữ được Phúc âm nói đến là:

– Người đàn bà tội lỗi vô danh đã đến đổ thuốc thơm trên chân Chúa và lấy tóc lau (Lc 7,37-50)

– Maria ở Bethania, em của Mattha và Lazarius. Cô cũng đã xức thuốc thơm nơi chân Chúa và lấy tóc lau (Gio 11,1;12,3)

– Maria ở Magdala (Magdala là một làng nhỏ bên bờ hồ Tiberiade) người được Chúa Giêsu đuổi trừ bảy quỷ (Lc 8,2) và đã có mặt dưới chân Thánh Giá khi Chúa chết cùng với Mẹ Maria và Gioan. Cô dự vào việc mai táng Chúa, trở ra mộ Chúa hai hôm sau để xức xác, nhìn thấy ngôi mộ trống. Maria là người đầu tiên nhìn thấy Chúa sống lại và đi báo tin cho các tông đồ. Thì chỉ Maria Magdalen này được ghi trong niên lịch Phụng Vụ sau vụ cải tổ lịch Phụng Vụ Roma mới.

St. Mary Magdalene, Disciple of the Lord, Monday July 22, 2019 (Feast ...

Cũng do sự nhầm lẫn lâu đời giữa ba nhân vật nên Maria Magdalen mới được coi như là quan thầy những phụ nữ hoàn lương, những người bán nước hoa và buôn găng tay.

Cũng do sự nhầm lẫn lâu ấy mà có những tương truyền khác nhau như việc Maria Magdalen đã đến xứ Gaules (có từ thế kỷ thứ XI) người ta kính thánh tích của bà ở Vezelay, trên con đường hành hương đến Compostelle; cũng tại Provence, từ thế kỷ thứ XIII có những cuộc hành hương lôi cuốn nhiều người đến Sainte Marie de la Mere, nơi mà người ta cho rằng Maria Magdalen đã đổ bộ với em là Lazarius cùng nhiều phụ nữ khác, có cả người tớ gái là Sarah, quan thầy của những người phiêu bạt Gitans. Cũng như tại Saint Baume nơi có bọng đá mà người đã ở qua và tại Saint Maximin có phần mộ của người.

Tại Đông Phương, tương truyền rằng Maria Magdalen chết và được chôn ở Êphêsô. Năm 899, hoàng đế Leon VI đã chuyển thánh tích của người hay là được coi như vậy, về một tu viện ở Constantinople. Từ Đông phương, việc sùng kính đến Tây phương từ thế kỷ thứ X.

Vậy chúng ta chỉ biết về những gì Phúc âm nói đến về vị thánh nữ đặc biệt ấy và ngày nay hình như chỉ có Maria Magdalen này mới có tên trong lịch Phụng Vụ mới.  (Nguồn: Nhóm Tinh Thần, hạnh các Thánh)

Đức Giáo hoàng Benedict XVI nói: “Câu chuyện của Maria thành Mácđala nhắc nhở tất cả chúng ta một sự thật hiện hữu”… “Thánh nữ là một trong những môn đệ của Chúa Kitô, trong kinh nghiệm yếu đuối của con người, ngài đã khiêm nhường cầu xin Chúa thương xót, và đã được Chúa tha thứ, để rồi tiếp tục đi theo Chúa mà trở thành một nhân chứng về điều này:

– tình thương xót của Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết”.

Hôm nay Bạn hãy xin cho được ơn hoán cải nhé. Xin thánh Maria Magdalen, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

 

Theo Trang Mạng thánh Thomas Moore, đại học Yale:

The Feast of St. Mary Magdalene: A Celebration of Women Leaders

Vào năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi tình trạng của Thánh lễ được cử hành để tưởng nhớ Thánh Maria Mađalêna từ Lễ Tưởng niệm thành Lễ Mừng Kính. Điều này có thể không có nhiều ý nghĩa đối với những người không phải là mọt sách phụng vụ, như tôi, nhưng ngoài các ngày Chủ nhật và Lễ trọng, đó là cấp độ quan trọng cao nhất tiếp theo, nâng thánh nữ lên ngang hàng với các Tông đồ. Mary Magdalene đã có một lịch sử rô.

Câu chuyện của Ngài thường bị lầm lẫn với những người phụ nữ  khác (có cùng tên)  trong Kinh thánh. Sự chuyển hướng này nhìn nhận vai trò đích thực của Thánh Nữ  trong lịch sử cứu độ.

Tại sao Mary Magdalene lại quan trọng? Chúng ta có thể không có Cơ đốc giáo nếu không có Ngài. Cô ấy là người đầu tiên nhận ra Chúa Giê-xu là Đấng Ki tô phục sinh và Magdalene đã làm theo chỉ dẫn của Ngài để kể cho các Sứ đồ những gì đã xảy ra. Vì điều này, thánh nữ được tặng  danh hiệu Apostolorum Apostola , hay “Sứ đồ của các Tông đồ.”

Ngoại trừ một số ít, chúng ta ít nghe về những người phụ nữ đã đi cùng Chúa Giê-su và tham gia vào thánh vụ của ngài. Ngay cả trong những câu chuyện nổi tiếng nhất, như Feeding of the 5.000, người ta ghi rằng có 5.000 đàn ông có mặt, không kể phụ nữ và trẻ em [1] .

Điều quan trọng cần lưu ý là Mary, Martha và Mary Magdalene được đề cập nhiều lần trong Tin Mừng, cùng với Mary, Mẹ của Chúa Giêsu. Vai trò của họ với tư cách là bạn bè, gia đình và đồng nghiệp được ghi lại bởi các học giả Kinh thánh.

Một số học giả nghĩ rằng những người phụ nữ đi cùng Chúa Giê-su cũng có thể giúp tài trợ cho thánh vụ của Ngài.

Những người phụ nữ thánh thiện này, với lỗi lầm và ân sủng, cũng là một phần di sản của các nữ lãnh đạo trong Giáo hội. Xin cho chúng con, giống như Mẹ Maria Mađalêna và vô số phụ nữ khác trong lịch sử, những người được nhớ hoặc quên tên, tiếp tục loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Kitô.


 

Thánh Lawrence ở Brindisi-Linh Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619)

Tạ ơn Chúa, Thứ 6 rồi, chúc bạn và gia quyến cuối tuần an lành nhé. Hôm Giáo Hội mừng kính Thánh Lawrence ở Brindisi-Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương

Thứ 6: 21/07/2023

Thoạt nhìn qua tiểu sử, có lẽ đặc tính nổi bật của Thánh Lawrence ở Brindisi là ngài biết nhiều thứ tiếng. Ngoài kiến thức về tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ngài còn có thể đọc và viết thông thạo tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, Ðức, Bohemia, Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Ngài sinh ngày 22 tháng 7 năm 1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619. Tên thật của ngài là Julius Caesare Rossi, sau khi cha mẹ mất sớm, ngài được người chú nuôi nấng và cho theo học trường Thánh Máccô ở Venice.

Khi mới 16 tuổi, ngài gia nhập Dòng Phanxicô Capuchin ở Venice và lấy tên là Lawrence. Ngài học triết thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Ðại Học Padua và được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.

Với khả năng ngôn ngữ trổi vượt, ngài có thể nghiên cứu Phúc Âm bằng tiếng nguyên thủy. Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngài dành nhiều thời giờ để rao giảng cho người Do Thái ở Ý. Ngài thông thạo tiếng Hebrew đến nỗi các giáo sĩ Do Thái tin rằng ngài là người Do Thái trở lại Kitô Giáo.

Ngài rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác — đó là một đặc tính không ngờ nơi một học giả tài giỏi như vậy. Ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng Capuchin ở Tuscany khi mới 31 tuổi. Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và khả năng điều hành. Sau một loạt “thăng quan tiến chức”, ngài được các tu sĩ Capuchin chọn làm bề trên toàn Dòng vào năm 1602. Với chức vụ này, ngài góp phần lớn trong việc phát triển Dòng về phương diện địa lý.

Sau khi từ chối việc tái bổ nhiệm chức vụ bề trên vào năm 1605, ngài được đức giáo hoàng chọn làm sứ thần và sứ giả hòa bình cho một vài tranh chấp giữa các hoàng gia. Vào năm 1616, ngài giã từ mọi sinh hoạt trần tục để về sống trong tu viện ở Caserta.

Vào năm 1956, Dòng Capuchin đã hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài. Trong các tuyển tập ấy, mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải. Một trong những bài giảng: “Thiên Chúa là tình yêu, và mọi hoạt động của Ngài xuất phát từ tình yêu. Một khi Ngài muốn thể hiện sự tốt lành ấy bằng cách chia sẻ tình yêu của Ngài ra cho bên ngoài, thì sự Nhập Thể là một thể hiện vượt bực về sự tốt lành và tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Ðức Kitô đã được tiền định trước tất cả mọi tạo vật và cho chính Ngài. Vì Người mà muôn vật được tạo thành, và đối với Người mà muôn vật phải quy phục, và Thiên Chúa yêu quý mọi tạo vật trong Ðức Kitô và vì Ðức Kitô. Ðức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật, và toàn thể nhân loại cũng như thế giới vật chất tìm thấy nền tảng và ý nghĩa của nó trong Ðức Kitô. Hơn thế nữa, điều này cũng sẽ xảy ra ngay cả nếu Adong không phạm tội” (Thánh Lawrence ở Brindisi, Tiến Sĩ Hội Thánh).

Thể theo lời yêu cầu của các nhà cầm quyền ở Naples, ngài đã đến Tây Ban Nha để can thiệp với Vua Philip III. Cái nóng bức oi ả của mùa hè trong chuyến đi ấy đã làm ngài kiệt sức, và vài ngày sau khi gặp gỡ nhà vua, ngài từ trần ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 22 tháng 7 năm 1619 và được mai táng tại nghĩa trang của Dòng thánh Clare nghèo khó ở Villafranca.

Đức Giáo Hoàng Pius VI đã tôn phong Chân Phước cho ngài năm 1783 và Đức Giáo Hoàng Leone XIII đã nâng ngài lên hàng hiển thánh ngày 08 tháng 12 năm 1881. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 3 năm 1959 với tước hiệu “doctor apostolicus – tiến sĩ tông đồ”.

(Nguồn: Dòng Tên VN)

From: Đỗ Dzũng

LỜI CHÚA LÀ THẦN TRÍ VÀ SỰ SỐNG (TV 18) | Quang Thái | Sáng tác: Tường Ân

Người Công giáo thường phải tham dự bao nhiêu Thánh Lễ?

Xin Chúa chúc lành cho bạn và gia đình hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 20/07/2023

GIÁO LÝ: Người Công giáo thường phải tham dự bao nhiêu Thánh Lễ? Hội thánh buộc mọi người Công giáo tham dự Thánh Lễ các Chúa nhật và các lễ buộc. Bất cứ ai thực sự tìm làm bạn với Chúa Giêsu, sẽ đáp lời mời của Chúa đến dự Tiệc thánh này càng nhiều càng tốt. (YouCat, số 219)

SUY NIỆM: Nói rằng người Công Giáo đích thực buộc phải dự các lễ Chúa nhật và lễ buộc thì cũng rất chính đáng như nói rằng hai tình nhân thì buộc phải ôm hôn nhau. Không ai có thể có mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu mà lại không đến với nơi Người đã hẹn gặp. Vì thế từ xưa đến nay Thánh Lễ luôn luôn là “trái tim của Chúa Nhật”, là điểm hẹn quan trọng nhất của tuần lễ. (YouCat, số 219 t.t.)

❦ Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa cần hơn hết nơi bạn một tấm lòng. Thánh Lễ sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn chỉ đi vì bắt buộc, vì thói quen. Nếu không vì yêu mến, không xuất phát từ việc ý thức được tầm quan trọng của nó, bạn sẽ cảm thấy việc đi lễ là một điều gì đó rất nặng nề. Quả thật, nếu bạn hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của Thánh Lễ trong đời sống tâm linh, thì việc đến dự Tiệc thánh này càng nhiều càng tốt là một điều “hiển nhiên”, phải không bạn?

❦ Thánh Lawrence Justinian nói: “Không có lời cầu nguyện hoặc một việc lành nào làm vui lòng Chúa hơn là Thánh Lễ Misa.” Và, “Không miệng lưỡi nào có thể diễn tả được bao đặc ân, bao chúc lành chúng ta nhận được từ Thánh Lễ. Kẻ tội lỗi được ơn tha thứ. Người sốt sắng được thánh thiện hơn. Những lỗi lầm được chữa lành bởi Thánh Lễ.”

❦ Thánh Timothy: “Thế giới này có thể bị hủy diệt từ lâu bởi tội lỗi con người nếu không có Thánh Lễ.

❦ Thánh Fornerius diễn tả: Dự một Thánh Lễ, chúng ta sẽ làm Chúa rất vui lòng; sẽ lãnh nhận biết bao ơn ích, bao đặc sủng từ Thiên Chúa cho cuộc hành trình về quê thật.”

LẮNG NGHE: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. (1 Cr 11:26)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Mình Máu Thánh Chúa là của ăn thiên liêng cho tâm hồn con, xin giúp con nhận thức được sự cao trọng của ân huệ cao siêu này mà chạy đến Tiệc Thánh Chúa thường xuyên hơn.

THỰC HÀNH: Mỗi khi tham dự Thánh Lễ bạn mang đi những gì và mang về những gì? Hết sức tập chung vào những lời nguyện trong Thánh Lễ để kếp hiệp với Chúa và xin ơn biến đổi.

Đỗ Dzũng

Gia Ân | Gia Nghiệp Đời Con 

Chúng ta phải làm gì cho xứng đáng để tôn sùng Chúa hiện diện trong hình bánh và hình rượu?

Thứ 4 rồi bạn ơi! Hãy hướng mắt và tâm hồn về Chúa luôn nhé , ma quỷ đang tìm cơ hội để cám dỗ bạn đó. Đừng quên cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 4: 19/07/2023

GIÁO LÝ: Chúng ta phải làm gì cho xứng đáng để tôn sùng Chúa hiện diện trong hình bánh và hình rượu? Vì Thiên Chúa thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu đã được truyền phép, nên chúng ta phải lưu giữ với lòng trọng kính hết sức, và thờ lạy Thiên Chúa cũng là Đấng Cứu chuộc chúng ta trong Phép cực trọng Mình và Máu thánh Chúa. (YouCat, số 218)

SUY NIỆM: Nếu sau lễ còn Mình Thánh Chúa, phải lưu giữ trong các bình thánh và đặt trong Nhà Tạm. Nhà Tạm phải là nơi được tôn kính hơn cả. Mỗi lần đi ngang qua phải bái kính. Thật ra ai muốn đi theo Chúa Kitô thực sự thì phải nhận ra Chúa trong những người nghèo nhất và phụng sự Chúa qua người nghèo. Kitô hữu cũng phải kiếm giờ để có thể tôn thờ Chúa thinh lặng trước Nhà Tạm và bày tỏ tình yêu mến Chúa.

❦ Nhà tạm (lều) cảm hứng từ hòm bia giao ước trong Cựu ước, Hội thánh coi nhà tạm như nơi cao quý nhất để giữ gìn Thánh Thể (Chúa Kitô dưới hình bánh).

❦ Bình hương là đồ vật được dùng trong dịp đặt Thánh Thể, là Chúa Kitô, cho các tín hữu tôn thờ. (YouCat, số 218 t.t.)

LẮNG NGHE: “Ngươi sẽ dựng Nhà Tạm với mười tấm thảm bằng sợi gai mịn xe, vải đỏ tía, vải điều và vải đỏ thẫm. Ngươi sẽ cho thêu trên đó những thần hộ giá rất mỹ thuật… (Xh 26:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, xin giúp con nhận thức được giá trị cao trọng của sự hiện diện của Chúa đang kêu gọi con trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày.

THỰC HÀNH: Tập viếng Chúa hoặc làm Dấu Thánh Giá và thốt lên: “Lạy Chúa, con chào Chúa, con yêu mến Chúa.” mỗi khi đi qua một nhà thờ Công Giáo.

From: Đỗ Dzũng

Thờ Lạy Chúa – Hoàng Oanh 

Khi Thánh lễ được cử hành, điều gì xảy ra cho Hội Thánh?

Thứ 2 tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết của Chúa Thánh Thần nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 17/07/2023

GIÁO LÝ: Khi Thánh lễ được cử hành, điều gì xảy ra cho Hội Thánh? Mỗi lần Hội thánh cử hành Thánh lễ, Hội thánh trở về nguồn suối mà Hội thánh phát sinh và Hội thánh được đổi mới không ngừng. Nhờ “ăn” Mình Chúa Kitô, Hội thánh trở nên “Thân thể Chúa Kitô” (một tên khác chỉ Hội thánh). Trong lễ hy sinh của Chúa Kitô, Đấng ban mình cho chúng ta, cả xác và hồn, đều có chỗ cho cả cuộc sống của ta: từ việc lao động đến mọi đau khổ, niềm vui, tất cả đều có thể hiệp nhất với Chúa Kitô. Nếu ta dâng lên Chúa qua cách này, ta sẽ được biến đổi, ta làm đẹp lòng Chúa, và trở nên như bánh tốt lành nuôi sống cho mọi người. (YouCat, số 218)

SUY NIỆM: Chúng ta không ngừng trách Hội Thánh dường như chỉ là một cuộc họp những con người tốt nhiều hay ít. Thực ra, Hội Thánh hình thành mỗi ngày cách mầu nhiệm trên bàn thờ. Thiên Chúa hiến mình cho mỗi người và muốn mỗi người biến đổi nhờ hiệp lễ, nhờ rước Người. Một khi được biến đổi, ta phải biến đổi thế giới. Còn những chuyện khác liên quan đến “Hội Thánh là gì” đều là phụ thuộc. (YouCat, số 218 t.t.) Mời bạn ngẫm nghĩ đôi lời nhắn nhủ của các thánh về Thánh Lễ sau đây nhé:

❦  Ngay cả chính Thiên Chúa cũng không thể làm gì thánh thiện hơn, tốt lành hơn và cao cả hơn thánh lễ Misa.—Thánh Alphonsus

❦  Thánh lễ là sự diễn lại trên bàn thánh việc xảy ra trên đồi Canvê xưa, bởi vậy mỗi thánh lễ đem tới cho người dự những ích lợi ngang với những sự hy sinh của Chúa Kitô trên đồi Canvê.—Thánh Thomas

❦  Thánh lễ có giá trị ngang với sự hy sinh của Chúa Kitô trên đồi Canvê.—Thánh John Chrysostom

❦  Thánh lễ là tất cả tình yêu của Chúa được gói trọn trong đó những ích lợi cho con người. Thánh lễ ban bố cho thế giới những lợi ích không ít qua cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.—Thánh Bonaventure

❦ Thật tuyệt vời cho những linh mục vì họ được ôm ấp Chúa Kitô trong đôi tay mỗi lần họ dâng thánh lễ.—Thánh Augustine

LẮNG NGHE: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. (1 Cr 11:26)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, thật là diễm phúc cho con khi được kết hiệp với Chúa trong Thánh Lễ, mặc dù bận rộn trong công việc hàng ngày cộng với bao nhiêu trách nhiệm nặng nề trong cuộc sống xin giúp con biết cố gắng tham dự Thánh Lễ càng nhiều càng tốt để được biến đổi trở nên hoàn thiện hơn.

THỰC HÀNH: Suy tư về cảm giác của bạn khi rước Chúa vào lòng nhé.

From: Đỗ Dzũng

CHÍNH MÌNH MÁU CHÚA – ÁI TRINH+GIA ÂN