Gương anh hùng:
THẦY MARCEL NGUYỄN TẤN VĂN – NẠN NHÂN CỦA VIỆT CỘNG
Lời toà soạn: Đây là sinh chứng của cha Denis Paquette, bề trên của thầy MARCEL. Ngài cũng đã tự ý ở lại Bắc Việt và cũng đã bị trục xuất vào ngày 23/10/1958. Lúc bấy giờ thầy MARCEL đã bị khổ sai hơn 3 năm.
***
“Không một nỗi gian khổ nào có thể xoá nhoà nụ cười êm dịu luôn phảng phất trên gương mặt gầy hóp của anh được. Và nụ cười tươi nở cho ai, nếu không phải là cho bạn tình Giêsu! Anh là lễ vật của tình yêu, và tình yêu là hạnh phúc hoàn hảo, bất diệt của anh. Anne Marie, em thân mến, anh khuyên em đừng khóc, cố gắng vui vẻ và hiến dâng tất cả cho Chúa”.
Bút tích trên được trích trong bức Ngục trung thư của thầy Marcel gửi cho em gái, hiện là nữ tu Dòng Chúa Cứu Thế tại Sainte Anne de Beaupré, Gia Nã Đại.
Vào tháng 7 năm 1954, khi Bắc Việt rơi vào tay Cộng sản, thầy Marcel đang phục vụ tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt. Thầy tình nguyện gia nhập nhà Dòng tại Hà Nội để làm chứng tá dưới chế độ Cộng sản. Trong số năm tu sĩ phục vụ tại đây, có hai linh mục Gia Nã Đại, một linh mục người Việt và hai tu sĩ, có nhiệm vụ duy trì đời sống của nhà Dòng dưới chế độ đỏ, và giúp đỡ cộng đoàn tín hữu ở lại trong xứ đạo sau biến cố di cư. Các vị Bề trên đã không ngần ngại chấp nhận lời thỉnh cầu của một tu sĩ gương mẫu như thầy Marcel, và chọn thầy để nêu cao tang chứng đức tin như ngọn đuốc sáng trong đêm tối của Giáo Hội thầm lặng và nguyện cầu.
Lúc ấy thầy Marcel được 26 tuổi, và đã khấn dòng được 9 năm. Lòng sốt sắng nồng nhiệt, tinh thần kỷ luật tuyệt mức, chí làm việc và hy sinh là những đặc điểm sáng chói nơi thầy. Từ thuở ban đầu, giữa bốn bức tường của gian phòng Tập viện, thầy đã tha thiết ước ao ơn Tử Đạo. Nên dịp hiếm có vừa đến, thầy đã không ngần ngại hiến dâng.
Trên đường ra Bắc, thầy đã thổ lộ hy vọng hạnh phúc Tử Đạo. Vài tháng sau ngày Việt cộng tiếp thu Hà Nội, tình hình đã rõ rệt và nguy hiểm đang sờ sờ trước mắt, Bề trên đã khuyên thầy nên theo đợt di cư cuối cùng vào Nam. Không ngần ngại, thầy từ chối, viện lẽ đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận mọi cực hình và sự chết vì tình yêu Chúa. Ít lâu sau, thầy nói cùng Bề trên: “Cộng sản sẽ buộc con vu cáo cha, nhưng cha đừng sợ, con sẽ không bao giờ vu cáo cha. Con sẽ kháng cự đến chết, và như thế con sẽ thắng Cộng sản”. Số phận của thầy đã được thực hiện đúng từng li theo lời tiên báo ấy.
Vào một buổi sáng thứ Bảy ngày 07 tháng 05 năm 1955, 7 tháng sau tiếp thu, thầy đã bị bắt và tống giam. Tu sĩ Marcel Nguyễn Tấn Văn đã bị buộc tội làm gián điệp cho Đế Quốc Mỹ và chánh phủ Miền Nan Việt Nam. Từ hăm doạ đến hứa hẹn, người ta bắt ép thầy phải nhận tội và đồng thời tố cáo vị Bề trên Dòng là chỉ huy tổ chức gián điệp và tuyên truyền chống chánh phủ. Thầy sẽ được trả tự do nếu thầy nhận tội và tố cáo vị Bề trên. Thầy Marcel không còn lạ về mánh khoé của Cộng sản và đã anh hùng trung thành cùng Thiên Chúa và lương tâm.
Năm tháng trời đằng đẵng trôi qua trong ngục tối. Có lần thầy đã bị tra hỏi suốt 15 đêm liền. Sức khoẻ mong manh của thầy vượt quá mức chịu đựng, thầy lâm bệnh trầm trọng và trước ngưỡng cửa sự chết, thầy vẫn một lòng sắt son với đức tin và tình yêu Giáo Hội.
Mọi biện pháp đều tỏ ra vô hiệu. Cộng sản không còn hy vọng khai thác thầy được. Thầy lại bị tống vào trại giam trung ương ở Hà Nội, cùng với hàng trăm tù nhân, đa số là Công Giáo, với 2 linh mục. Những bức thư lén lúc từ trại giam gửi ra cho biết nỗi khổ từ nội tâm và chí cương quyết của thầy: “Thưa cha, muốn sống là một điều dễ. Con chỉ việc vu cáo cha. Nhưng cha đừng sợ, con không bao giờ chịu vu cáo cha đâu. Con sẽ kháng cự đến chết”.
Sau này nhiều tù nhân đồng trại được phóng thích, đã nói lên lòng cảm mến và khâm phục thầy trong suốt thời gian bị giam giữ. Gương mặt thầy luôn phản chiếu ánh vui tươi siêu việt. Thầy cầu nguyện suốt ngày, tận tình bác ái với đồng bạn, chia sẻ từng miếng cơm, manh áo hay tiền bạc.
Sau nhiều lần bị tra hỏi vô hiệu. Thầy đã lãnh án 15 năm khổ sai. Thầy bị giải lên trại giam số 1 ở Mỏ Chén, một trại giam hai ngàn tù nhân với hai nghĩa địa để vùi thây những kẻ chết rũ tù. Một đoạn thư trong thời gian ấy: “Ở đây con được phước sống chung với nhiều tín hữu: thầy Quản lý nhà thờ Phát Diệm, bà Tu viện trưởng Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm cũng bị giam ở đây. Tất cả mọi tín hữu trong trại đều rất vững lòng tin. Nhiều người ăn chay nhiệm nhặt ngày thứ Tư và thứ Bảy.
Phần con, từ ngày lên đây, phải đóng vai một cha xứ. Ngoài giờ làm việc, phải tiếp các tù nhân, an ủi họ. Mọi người đều đến với con. Cám ơn Chúa hết lòng. Cuộc tù đầy đã không lay chuyển mức sống thiêng liêng của tâm hồn con. Rất nhiều lúc, Thiên Chúa tỏ rõ ràng là con đang thực hiện thánh ý Người nơi đây”.
Tháng 08 năm 1957, thầy Marcel bị giải sang trại số 2 ở Yên Bái. Chúng tôi không còn được phép thăm viếng thầy nữa: “Tên Văn không tiến bộ tí nào sau thời gian tẩy não. Các ông không nên thăm viếng nữa!” Chúng tôi biệt tin thầy từ đó. Thầy tạ thế ngày 10 tháng 07 năm 1959. Trong ngục ròng rã một năm, thầy kiệt sức vì thiếu ăn, đang lúc bệnh lao hoành hành, và sau cùng cơn bệnh thũng đã kết liễu cuộc đời anh dũng của thầy.
Trưa ngày 10 tháng 07, thầy hấp hối, cha Vinh Bề trên Địa phận Hà Nội, bạn đồng ngục của thầy, đã giúp đỡ thầy trong giây phút cuối cùng. Trên ngôi mộ thầy, các bạn đồng ngục của thầy đã chôn một vỏ chai để ghi dấu.
Thiên Chúa đã thực hiện hoài vọng của thầy Marcel. Tù ngục, tra tấn và sau cùng là cái chết bi đát, tất cả chỉ vì lòng trung thành cùng Thiên Chúa, cùng Giáo Hội, từ chối phá hoại Giáo Hội bằng vu cáo Bề trên: “Nếu con muốn sống thì rất dễ, con chỉ việc vu cáo cha”. Cũng như ngày thầy khấn dòng, trước đau khổ và sự chết, thầy Marcel đã lựa chọn và hiến dâng, sự lựa chọn và hiến dâng đó đã tươi nở nên một ngành hoa đỏ thắm mà các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hân hạnh tiến dâng lên Thiên Chúa và Giáo Hội.
Nếu các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế khắp hoàn cầu có vinh hạnh tôn dương một người anh cả như thánh Giêrađô, thì các tu sĩ Dòng tại Việt Nam cũng không kém vinh hạnh trước gương sáng thánh thiện và anh dũng của thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn tinh hoa của DCCT tại đất Việt.
(Trích Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 183 tháng 8 năm 1964, tr. 252 – 253)