Sao không cho Sài Gòn khóc vậy,

Tôi không biết những người cấm Sài Gòn khóc, mỉa mai những lời cảm thương, họ có ở gần đáy xã hội bao giờ không. Nếu họ ở gần một cái chợ tự phát bị dẹp, họ sẽ thấy những người bán rau, bán cá lén lút bưng mẹt chạy ra chạy vô một ngày không biết bao nhiêu lần, nếu bị phạt bao nhiêu tiền một lần biết không. Tôi đã đứng nhìn những ánh mắt những bàn tay mệt mỏi của người bán rau bán cá đó, không biết họ có khóc không nhưng tim tôi đầy ngậm ngùi.

Người giàu thì không khóc đúng không. Ban đêm hãy đi ra quận 1 để nhìn những khách sạn bề thế nằm im hàng đêm như con mèo kiệt sức. Khách sạn Caravelle không một bóng người ở sảnh chỉ còn những hàng ghế im lặng nói chuyện với nhau. Nằm im nhưng nợ nần thì vẫn sống mãnh liệt cùng virus. Anh có thể không khóc nhưng có người phải cầm nhà cầm cửa để trả nợ đời. Tôi tin là người ta cũng ngấn lệ.

Tại sao anh lại thấy khó chịu khi Sài Gòn yếu đuối. Sài Gòn là cái qué gì mà cứ đòi hỏi phải mạnh mẽ, gồng lên, ý chí lên mãi. Cứ để cho Sài Gòn thể hiện cảm xúc tự nhiên trong nỗi tổn thương của mình, sao người yêu anh buồn thì khóc được còn người Sài Gòn đau khổ thì không được tự nhận là mình đau khổ? Sao những nơi khác buồn khổ người ta có thể làm thơ viết nhạc còn Sài Gòn thì không?

Ai cũng có quyền thể hiện trạng thái của mình, đó chính là sự phong phú làm nên Sài Gòn. Anh cứ nói theo cách của mình nhưng đừng dùng sự quy chụp, duy ý chí áp đặt lên những thành phần xã hội khác. Sự ồn ào có giá trị của ồn ào nhưng mảnh mai cũng là một vẻ đẹp khác.

Cái mà Sài Gòn đang cần lắm, trong góc nhìn của riêng tôi, đó chính là lời cầu nguyện. Một đời sống cần thêm tâm linh bên cạnh những giải pháp vô cùng vất vả khác. Hãy thành tâm cầu nguyện cho Sài Gòn nữa, ngoài những lời lẽ bất tận.

(Ảnh Diệu Qúy)

FB Trương Bảo Châu