CHÂN PHƯỚC GIÁM MỤC MYKOLAY CHARNETSKYI, C.Ss.R. (1884-1959)

 May be a black-and-white image of 1 person, beard and eyeglasses

Hôm nay (28/6), Dòng Chúa Cứu Thế mừng kính Chân phước Giám mục Mykolay Charnetskyi và các bạn tử đạo dưới chế độ Cộng sản Xô Viết.

CHÂN PHƯỚC GIÁM MỤC MYKOLAY CHARNETSKYI, C.Ss.R.

(1884-1959)

Mykolay Charnetskyi sinh ngày 14 tháng 12 năm 1884 trong một gia đình nông dân đông con và ngoan đạo ở làng Semakivka, tây Ukraina. Nhà có 9 anh em, Mykolay là con cả. Ngài bắt đầu đi học ở làng Tovmach rồi vào trường thánh Ni-cô-la ở Stanislaviv (bây giờ là Ivano-Frankivsk).

Từ khi còn là một thiếu niên, Charnetskyi đã nhận thấy ơn gọi làm linh mục và ngài ngỏ ý muốn bước theo. Năm 1903, Đức Giám mục Hryhoriy Khomyshyn gởi ngài đi học ở Rô-ma. Trong một lần về thăm ngắn ngủi Ukraine, ngày 2 tháng 10 năm 1909, Đức cha Hryhoriy Khomyshyn phong chức linh mục cho ngài. Cha Mykolay trở lại Rô-ma tiếp tục học và nhận học vị tiến sĩ thần học.

Mùa thu năm 1910, cha Charnetskyi làm giáo sư triết và thần học tín lý tại chủng viện Stanislavis. Ngài cũng là cha linh hướng của Đại chủng viện này. Tuy nhiên, sâu trong tâm tư, cha Mykolay mong ước sống đời tu sĩ. Vì thế, vào tháng 10 năm 1919, ngài vào nhà tập Dòng Chúa Cứu Thế ở Zboiska, gần Lviv. Năm sau, ngày 16 tháng 10, ngài tuyên khấn.

Năm 1926, đầy nhiệt huyết hoạt động cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Ki-tô và giúp những người bị bỏ rơi trở về với Công giáo, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tỉnh Lviv lập một trung tâm truyền giáo tại Kovel trong vùng Volhyn. Vị thừa sai hăng hái Charnetskyi được gởi đến đó. Hầu như ngay lập tức ngài được dân chúng địa phương hết lòng kính trọng, ngay cả các giáo sĩ Chính thống. Một nhà thờ và một tu viện đã được xây dựng tại Kovel. Cha Mykolay đã làm hết sức mình để bảo tồn sự tinh túy của nghi thức phụng vụ Đông phương. Năm 1931, quan tâm tới công việc đầy hy sinh của cha Charnetskyi, Đức giáo hoàng Pi-ô XI trao cho ngài chức Giám mục tông tòa Lebed và là Đại diện tông tòa tại Giáo hội Công giáo Ukraina miền Volhyn và Pidliashsha. Những miền này trở thành nơi hoạt động của Charnetskyi, trước tiên trong tư cách là một nhà truyền giáo, sau như một giám mục, trong gần 14 năm.

Là Giám mục Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên tại Ukraina, ngài kinh nghiệm sự ngược đãi ngay từ lúc bắt đầu công việc. Trong thời gian quân đội Xô-viết chiếm đóng miền tây Ukraina, năm 1939, Dòng Chúa Cứu thế bị áp lực phải rời miền Volhyn, giám mục Charnetskyi chuyển về Lviv, tới ở tại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế đường Zyblykevycha (nay là đường Ivana Franka).

Sau khi phục hồi lại Học viện thần học Lviv vào năm 1941, giám mục Mykolay Charnetskyi tham gia giảng dạy triết lý, tâm lý và thần học luân lý. Sự điềm tĩnh đặt nền tảng trên lòng tin chắc chắn không lay chuyển, tinh thần vâng phục và cầu nguyện của ngài khiến các sinh viên có lý mà cho rằng cha giáo của họ là một ông thánh. Đối với họ, giám mục Mykolay Charnetskyi vừa là một người đạo hạnh, vừa là một tu sĩ gương mẫu.

Năm 1944, quân Xô-viết tiến vào Galicia lần thứ hai. Đây là mốc khởi đầu đường thương khó của giám mục Charnetskyi. Ngài bị bắt ngày 11 tháng 4 năm 1945, bị mật vụ Xô-viết bắt giam tại đường Lonskoho. Ở đó, ngài chịu nhiều đau đớn: nửa đêm bị kêu dậy hỏi cung, bị đánh đập và tra tấn tàn nhẫn. Sau đó, Giám mục Charnetskyi được chuyển về Kiev, trải qua một năm đau khổ cho đến khi trường hợp của ngài được mang ra xét xử. Ngài bị kết án 10 năm tù giam về tội làm tay sai cho Vatican, chịu tù đày cùng với Đức Tổng giám mục Yosyf Slipyi, ban đầu thì ở thị trấn Mariinsk vùng Kemeroc, Siberia, sau đó tại một số nhà tù khác cũng thuộc vùng đó.

Theo những nguồn tin đáng tin cậy, trong thời gian tù đày từ khi bị bắt ở Lviv tháng 4 năm 1945 cho đến khi được phóng thích vào năm 1956, giám mục Charnetskyi đã phải trải qua tất cả là 600 giờ thẩm vấn và tra tấn, chuyển qua đến 30 nhà giam và trại tù khác nhau. Dù phải chịu nhiều đau khổ như thế, ngài vẫn luôn luôn tìm lời an ủi các bạn tù, nâng đỡ họ về mặt đạo đức và biết tên tất cả. Chẳng có gì lạ khi hầu như tù nhân nào cũng biết giám mục Charnetskyi, ngài như nguồn an ủi duy nhất của họ.

Giám mục Mykolay Charnetskyi trải qua những năm tù cuối cùng trong bệnh xá trại tù ở Mordovia. Năm 1956, sức khỏe ngài suy sụp đến độ các bác sĩ cho rằng không còn hy vọng gì sống sót. Các tù nhân qua đời được mặc một cái áo dài đặc biệt để chôn, và người ta đã may xong cho ngài. Thấy một giám mục đã đến hồi tuyệt vọng, và có thể cũng muốn tránh tiếng đã gây ra cái chết cho một giám mục, ban quản trị nhà tù quyết định phóng thích và gởi ngài về Lviv. Sau khi trở về Lviv vào năm 1956 cùng với bệnh viêm gan và một số bệnh tật khác, ngài phải nhập viện ngay. Ai cũng cho rằng ngài chẳng còn sống được bao lâu nữa. Nhưng Chúa có kế hoạch khác, Người quyết định kéo dài đời của một con người mà sự trung thành và việc làm đã được Giáo hội Ukraina lượng giá và cần đến. Chẳng bao lâu, vị giám mục lại hồi phục và chuyển về căn hộ số 7 đường Vechirnia cùng với thầy trợ sĩ Klymentyi. Ở đó, ngài tiếp tục kiên nhẫn làm việc tông đồ và cầu nguyện. Hầu như ngài đọc sách và cầu nguyện cả ngày. Những người đến thăm ngài trong thời gian này làm chứng rằng họ thường thấy ngài ở trong tình trạng xuất thần. Tại Lviv, Giám mục Charnetskyi vẫn trung thành với sứ mạng mục tử nhân lành: ngài nâng đỡ tinh thần anh em, chuẩn bị cho các tiến chức linh mục và phong chức cho hơn mười thầy.

Đáng tiếc là sự bình phục lạ lùng của ngài không kéo dài được lâu. Ngày 2 tháng 4 năm 1959, ngài đón nhận cái chết lành thánh. Lời cuối cùng của ngài là kêu xin sự nâng đỡ của Mẹ Hằng Cứu Giúp. Lễ an táng được cử hành vào ngày 4 tháng 4 năm 1959. Điếu văn lưu giữ tại văn khố tỉnh Yorkton (Canada) kết thúc như sau: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ đến ngày ngài được phong hiển thánh, vì ngài quả thật là một vị giám mục thánh thiện.”

Ai biết đến Giám mục Mykolay Charnetskyi cũng đều nhất trí xác nhận sự thánh thiện của ngài. Cũng không có gì ngạc nhiên khi thấy ngay sau khi ngài chết, nhiều người đã bắt đầu cầu nguyện với ngài. Có người đã nhận ra dấu chỉ đây là một vị thánh có khả năng cầu bầu cùng Thiên Chúa khi cầu nguyện nơi mộ Giám mục Charnetskyi tại nghĩa trang Lychakiv. Nhiều ơn huệ khác nhau đã được Thiên Chúa ban cho những người đến viếng mộ xin ngài nguyện giúp. Một phụ nữ có cánh tay sắp bị cưa được chữa lành hoàn toàn nhờ lấy đất lấy nơi mộ xoa vào tay. Từ đó, người ta bắt đầu lấy đất nơi mộ ngài để chữa đủ thứ bệnh tật.

Quan tâm đến những lời chứng về đời sống thánh thiện của Giám mục Mykolay Charnetskyi, cách riêng về sự kiên trì chịu đựng, lòng can đảm và sự trung thành với Hội thánh Chúa Ki-tô trong thời gian bị bắt bớ, việc xin phong Chân phúc cho ngài được bắt đầu vào năm 1960. Ngày 2 tháng 3 năm 2001, tiến trình hoàn tất ở cấp độ địa phương và được đệ trình lên Tòa thánh. Ngày 6 tháng 4 năm 2001, Ủy ban thần học xác nhận Giám mục Charnetskyi tử vì đạo. Ngày 23 tháng 4, Hội đồng các Hồng y chấp nhận. Và ngày 24 tháng 4 năm 2001, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong Chân phước cho vị giám mục trung thành với niềm tin Ki-tô giáo.

=Truyền Thông Thái Hà=

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay