Những cách để người trung niên có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc

Những cách để người trung niên có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc

June 22, 2021

LOS ANGELES, California (NV) – Ở tuổi trung niên, không phải ai cũng có được cuộc sống an nhàn, hạnh phúc, nhưng nếu biết cách sống, cuộc đời sẽ bớt nặng nề, đau khổ, theo HuffPost.

Thôi “đắm chìm” trong quá khứ

Tới tuổi trung niên, nên đi đây đi đó cho cuộc sống thêm phong phú. (Hình minh họa: Krakenimages/Unsplash)

Quá khứ vốn là quá khứ, dù đau khổ, hay hạnh phúc thì nó cũng đã qua rồi. Đến tuổi trung niên này rồi thì còn tiếc hay hoài niệm nhớ thương gì quá khứ. Cuộc sống hiện tại và tương lai mới là quan trọng, xã hội và cuộc sống ngày càng tốt, cũng có tiền tiêu, tiền tích lũy, có thời gian nhàn rỗi để làm những việc mình thích. Vậy nên, các bậc trung niên đừng nhất mực chìm đắm trong những hồi ức quá khứ, hãy lạc quan, nhìn về tương lai, dù sao chúng ta cũng đã có 20 năm hoàng kim trong cuộc đời rồi.

Ngưng tức giận

Tức giận và oán trách người khác chỉ càng làm cho tâm tình mình thêm bực mình, bất an, bất ổn… gây mệt mỏi, bệnh tật thêm. Vậy sao chúng ta không buông bỏ đi, cuộc sống vốn mong manh không biết ngày mai ra sao, vậy sao chúng ta cứ phải ôm mãi những bực mình, oán hận vào thân cho mệt người?

Những nóng giận bồng bột của tuổi trẻ đã qua rồi. Đến tuổi trung niên tự bản thân mỗi người cũng già dặn, chín chắn và điềm đạm đi nhiều. Con cái cũng đã trưởng thành rồi, đã có cách nghĩ cho riêng mình rồi, và chúng ta cũng không giống như trước đây. Vậy nên cứ thoải mái mà sống thôi!

Không nên phàn nàn, oán trách

Tục ngữ có câu: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi người đều có lúc có phiền não, có khi cũng muốn cùng người khác thổ lộ hết. Điều này có thể giải thích, nhưng phải chú ý không nên phàn nàn nhiều quá. Nếu như bạn bè luôn phàn nàn với bạn về một việc, mỗi ngày đều đang truyền đi những năng lượng trong lời nói, tin rằng bạn sẽ không muốn có một người bạn như vậy.

Tuổi trung niên là thời điểm tự do tự tại làm, hay tìm những niềm vui, sở thích của mình. (Hình minh họa: Krakenimages/Unsplash)

Đừng ép buộc bất kỳ ai

Con cái cũng lớn rồi, chúng có cuộc sống của chúng, tuổi trẻ có những cách nhìn, cách sống, ước mơ hoài bão riêng… là bậc cha mẹ không thể suốt ngày bó buộc chúng vào khuôn khổ theo mình.

Đừng nghĩ đến việc con cái suốt ngày phải ở bên cạnh, hay buộc chúng phải sống cùng, phải có trách nhiệm phụng dưỡng, nghe lời mình… nếu chúng không làm được những điều này cho mình thì tự coi là mình bất hạnh, là cô đơn. Cho dù là ở cùng với con cái, cuối cùng thì cũng là hai vợ chồng già sống với nhau, đều muốn làm được độc lập về tinh thần và không muốn suốt ngày sinh hoạt quẩn quanh trong nhà từ sáng đến tối.

Ra khỏi nhà và tìm thú vui, đừng lãng phí thời gian

Cuộc sống vốn mong manh, làm việc cả một đời, thời gian không còn nhiều. Đây là thời điểm thích hợp nhất để cho người ở độ tuổi trung niên tự do tự tại làm, hay tìm những niềm vui, sở thích của mình. Từ tuổi trung niên, nhiều người bắt đầu muốn đi đây đi đó. Họ cần có bằng hữu xung quanh, có một số thú vui tao nhã, như vậy cuộc sống mới thêm phần phong phú. Thời gian không đợi người, chúng ta càng không nên lãng phí thời gian.

Thoải mái hơn trong chi tiêu

Cả một đời tuổi trẻ tiết kiệm, tích lũy tiền bạc, của cải. Khi có tuổi hãy tự cho mình được tiêu tiền, chi tiêu thoải mái hơn. Đến tuổi này rồi hãy tự đối đãi với bản thân mình tốt một chút. Trong phạm vi năng lực của mình, đừng quá quan tâm một bộ y phục bao nhiêu tiền, một món ăn bao nhiêu tiền. Muốn mua gì cứ mua, thích ăn cứ ăn, muốn mặc cứ mặc, muốn đi chơi mà còn sức khỏe thì đừng ngại đường xa… Muốn làm gì cứ làm, muốn mua cứ mua. Đừng nói: “Hãy đợi sau này,” “Chờ khi có thời gian,” “Đợi qua mấy hôm nữa.”

Người trẻ rất sợ những người nói nhiều, hỏi nhiều, khó tính, hay càm ràm, nói dông dài… (Hình minh họa: Krakenimages/Unsplash)

Bớt nhúng tay vào việc người khác

Đến tuổi trung niên đa phần mọi người đã khá thấu hiểu sự đời, nhìn mọi việc rõ ràng hơn, sẽ tự thấy những việc mình nên và không nên, cũng như bỏ qua. Hãy cho con cái có không gian riêng của chúng, cho chúng tự trưởng thành, tự có trách nhiệm với bản thân và gia đình của chúng.

Cũng đừng tham gia vào việc nuôi dạy cháu nội hay cháu ngoại làm gì, hãy để chúng lo cho con cái của chúng và tự chúng có trách nhiệm nuôi dạy con cái. Cũng không nên quá can thiệp nhúng tay vào chuyện nọ chuyện kia của họ hàng, làng xóm, chuyện thiên hạ… mà hãy tự biết cách chăm sóc bản thân cho mình luôn khỏe mạnh, vui vẻ.

Hạn chế càm ràm, bớt nói nhiều

Người ta thường nói càng nhiều tuổi càng “lắm điều” nói nhiều, hỏi nhiều, khó tính, hay càm ràm, nói dông dài… nên người trẻ rất sợ những người như thế này. Chính vì vậy, người trẻ, hay con cháu càng ngày càng có xu hướng không muốn sống với người lớn tuổi, người già có lẽ chính vì điều này. (Đ.Trang) [qd]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay