CHÚNG TA CÙNG SUY TƯ…
Người Già Người Của Trăm Năm
Bùi Tiểu Quyên
Người già của chúng ta cứ nhớ mãi chuyện hồi nảo hồi nào, họ như nhân chứng trầm tích của ký ức. Vậy mà, những chuyện mới xảy ra tức thì có khi họ lại quên. Ðến một lúc nào đó trong trăm năm này, chúng ta cũng giống như thế!
Mỗi lần tôi về nhà, bén chuyện là má tôi nói chuyện… trên phim. Nhưng lần về sau đó, hỏi lại chắc chắn má không nhớ gì cả. Ðến cả – bộ phim xem triền miên ngày này qua tháng nọ – vậy nhưng hỏi đến đâu là bà quên đến đó. Xem là để vui lúc ấy thôi.
Vậy mà chuyện từ mấy mươi năm về trước, khi má mới năm tuổi mà cậu ba trước khi mất nói muốn uống nước gì, mặc đồ như thế nào và giọng hiền từ ra sao, má nhớ hết. Chuyện lúc má 17 tuổi được ba đến nhà coi mắt, rồi bà ngoại hồi còn sống thích món ăn gì… Phần ký ức đó mới như in, còn năm tháng cứ trôi như một màn sương mù. Buổi hừng đông đi bộ ra chợ sáng, đường dài hơn 3km mà má kể chuyện xưa không dứt.
Tôi cảm nhận được niềm vui trong những thanh âm hào hứng của bà, như chỉ cần được ai đó lắng nghe những câu chuyện cũ – ký ức có lúc khó khăn chồng chất, khổ sở trăm bề – sẽ trở thành quà cho hiện tại. Tôi chợt nhận ra rằng, trong năm tháng của tuổi trẻ mình, hành trình của tôi với biết bao chân trời mới, nhưng đâu được bao lần trở về để ngồi cùng má nghe trọn những ký ức buồn vui?
Có bao nhiêu người trong chúng ta sắp xếp được những khoảng thời gian cố định để nghe người già kể chuyện?
Hôm qua, chúng tôi – những người của thế hệ này trò chuyện với nhau, bảo rằng sau này già sẽ vào viện dưỡng lão để có bầu có bạn. Nói vui là vậy, nhưng cũng vì thấy người già bây giờ cô đơn lắm. Cái cô đơn thăm thẳm như thể họ đang sống đây, nhưng tâm tư ở miền xa lắc nào. Như ba tôi, trước khi mất ông bảo mơ thấy xóm ngoại, thấy những người quen biết ngày xưa đến tìm gọi ba theo cùng.
Hình như, chỉ có phần đời cũ mới neo lại trong lòng, mới khiến cho người già cảm thấy hạnh phúc, mới là không gian họ thuộc về. Tôi đã trò chuyện với nhiều người già trong thành phố, thế nào rồi cũng dẫn về câu nói mở đầu hồi ức, rằng “hồi đó…”. Tôi nhớ hoài đôi mắt sáng bừng của người bảo vệ già – từng là thuyền trưởng, ông hào hứng kể về quãng đời trai trẻ chinh phục đại dương. Tôi nhớ người cựu chiến binh mỗi lần cao hứng lại vang vang bài hát và những chuyện đường rừng…
Những câu chuyện của người già cứ ôm trọn trăm năm – như những kho báu vô tận trong lớp lớp người người của mong manh vĩnh hằng.
Bạn tôi vừa về quê một tuần, mà tin từ làng trên xóm dưới trong khoảng ngắn thời gian ấy đã có năm cụ già qua đời. “Thôi thì cũng xem như là mãn nguyện, các cụ đều sống thọ trên dưới tuổi 80…” – bạn bùi ngùi sau mỗi lần đi viếng. Tôi không định nghĩa được khái niệm “mãn nguyện” trong cuộc đời một người già, chỉ biết rằng họ rất ít khi để con cháu biết những nỗi niềm trong lòng.
Như bà ngoại tôi, cho đến ngày cuối cùng vẫn không một lời trách móc, dù năm tháng cuối đời, đứa con trai duy nhất nuôi bà không bằng cách của yêu thương. Như dì tôi, dù con cái có lỗi lầm gì vẫn lặng lẽ bao dung, ngày nhắm mắt vẫn chỉ mong cháu con an vui, hạnh phúc. Như má tôi hay muôn triệu người mẹ, người bà trên cuộc đời này nữa. Nước mắt chỉ chảy xuôi…
Hôm trước, tôi thắt lòng ngồi nhìn một người già khóc. Ðó là lần bà nấu cháo gà bắt xe buýt đi thăm cháu nội đang ốm, nhưng con trai không cho vào nhà. Trời mưa lất phất chân cầu, người con trai ra đón mẹ, quay đầu xe chở thẳng về nhà bà ở ngoại ô. Lý do là ngày xưa cưới dâu bà phản đối, nên “giờ thăm làm gì…”.
Tôi không biết khi làm điều đó với mẹ già, người con trai ấy có nhớ mình đã được sinh ra, nuôi lớn, chăm bẵm yêu thương như thế nào. Cuộc đời của anh nếu không phải là mẹ cho, mẹ vất vả cưu mang lo lắng từng chút một thì bây giờ ra sao? Nước mắt người già không cạn đâu – dù cho cuộc đời của họ đã khóc nhiều như thể bây giờ “hết nước mắt” như người già thường nói.
Chỉ có những khúc sông là cạn, như lòng người…
Người già là của trăm năm. Sống một cuộc đời can trường rồi họ sẽ trở về tâm hồn mong manh như trẻ nhỏ. Dễ buồn dễ giận dễ tổn thương dễ khóc. Và cũng cần được quan tâm, dỗ dành.
Trường học hay trường đời của chúng ta đều không có môn đức nghiệp dạy cách làm cho người già được an vui, hạnh phúc. Chỉ có trái tim mỗi người phải tự biết tìm cách học lấy và thực tập cho chính mình. Phải học từng ngày, cho trăm năm…