46 năm sau, ‘ta’ vẫn chưa thể tử tế bằng… ‘ngụy’!
Trân Văn
Bà Thiều Thị Tân, một trong những cựu tù nhân nổi tiếng thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và là một trong những tấm gương của… chủ nghĩa anh hùng cách mạng (1) thành ra chẳng xa lạ gì với dân chúng Việt Nam, vừa liên lạc với ông Mạc Văn Trang (từng làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục thuộc Bộ GDĐT Việt Nam khoảng 30 năm) đề nghị ông ghi lại và giới thiệu về giai đoạn bà bị giam ở Bệnh viện Tâm trí mà thiên hạ quen gọi là Nhà thương điên Biên Hòa năm 1972…
Bà Tân và chị gái (Thiều Thị Tạo) nổi tiếng cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam từ thuở còn là thiếu nữ. Gia đình tuy nghèo nhưng học giỏi nên hai chị em bà học trường Tây từ bé đến lớn. Cả hai tự tìm – theo Việt Cộng, trở thành thành viên Biệt động Sài Gòn. Lúc đó, bà Tạo mới 16 tuổi đã được cử làm Đội trưởng Đội Binh vận, bà Tân chỉ 13 tuổi đã được cử làm Đội phó (2). Hai năm sau (1968), họ bị bắt vì mang chất nổ vào phá hoại Tổng nha Cảnh sát Quốc gia (giống như trụ sở Bộ Công an hiện nay)…
Cả hai bị Tòa án Quân sự Mặt trận của VNCH kết án và bị đưa ra giam giữ tại Trung tâm Cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo). Việc giam giữ hai thiếu nữ đã khiến chính quyền VNCH bị báo chí cả trong lẫn ngoài chỉ trích trích kịch liệt… Chính quyền VNCH thừa nhận sự khắc nghiệt của môi trường lao tù khiến bà Tân, bà Tạo suy kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần nên năm 1972, chuyển họ từ Trung tâm Cải huấn Côn Sơn về Trung tâm Cải huấn Tân Hiệp (Biên Hòa – nay là Đồng Nai)…
Chuyện chưa ngừng ở đó, áp lực từ dư luận khiến chính quyền VNCH phải mở cửa nhà tù cho các phái đoàn quốc tế đến kiểm tra các trung tâm cải huấn. Khuyến cáo của nhiều giới ở trong nước, của các chính phủ, tổ chức quốc tế khiến Bộ ngoại giao VNCH yêu cầu Bộ Nội vụ VNCH phải xem xét lại một số trường hợp, trong đó có trường hợp của bà Tân. Nha Cải huấn thuộc Bộ Nội vụ VNCH phải chuyển bà Tân đến Bệnh viện Tâm trí Biên Hòa…
Bà Tân đã cho ông Trang xem toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc chuyển bà vào Bệnh viên Tâm trí Biên Hòa và đưa bà ra khỏi đó. Có rất nhiều công văn, công điện trao qua, đổi lại giữa Bệnh viện Tâm trí – Trung tâm Cải huấn Biên Hòa – Chỉ huy trưởng CSQG tỉnh Biên Hòa – Nha Cải huấn,… Những công văn, công điện ấy cho thấy, nhân viên y tế các cấp của Bệnh viện Tâm trí Biên Hòa không run sợ, không mệt mỏi trong việc sử dụng tư cách thầy thuốc để bảo vệ bà Tân – bệnh nhân của họ.
Theo ông Trang, sở dĩ bà Tân liên lạc với ông, mời ông đến để kể chuyện cho ông nghe, trao hồ sơ cho ông đọc để ông viết Chuyện người tù Việt Cộng trong Bệnh viện Tâm thần VNCH (3) vì bà đọc được Thư gửi các thầy thuốc có lương tri mà ông công bố hồi cuối tháng rồi. Từ những thông tin liên quan đến cách thức đối xử với một số tù nhân chính trị của “ta” như: Lê Anh Hùng, Phạm Thành, Trịnh Bá Phương,… bị cưỡng bức điều trị tâm thần, ông Trang hy vọng các thầy thuốc nhớ và thượng tôn y đức (4).
Đó không phải là hy vọng của riêng ông Trang. Bà Tân cũng vậy. Bà hy vọng như vậy nên mới liên lạc với ông Trang, kể chuyện cho ông nghe, đưa hồ sơ cho ông đọc để ông có thể dùng trường hợp của chính bà như một ví dụ trong nỗ lực thúc giục các bác sĩ, các nhân viên y tế ráng nhớ, ráng ý thức dù ở dưới bất kỳ chế độ nào thì họ hãy cố giữ đúng lời thề Hippocrate, cứu chữa bệnh nhân đúng với lương tri của người thầy thuốc… Ông Trang chỉ kể chuyện, không bình luận dù có biết bao điều lớn lao đáng suy ngẫm…
***
Cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của “ta” đang hối hả chuẩn bị để cuối tuần này long trọng kỷ niệm 46 năm ngày “đánh cho Mỹ cút, ‘ngụy’ nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
Sắp tròn nửa thế kỷ… toàn thắng nên dư dữ kiện thực tế để chính “ta” có thể so sánh – nhận định những khác biệt giữa “ta” với “ngụy”.
“Ngụy” tự điều chỉnh để hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền được xem là văn minh như phần còn lại của nhân loại, không phớt lờ chỉ trích, khuyến cáo của dân chúng, các chính phủ, các tổ chức quốc tế, mở cửa – mời khảo sát hệ thống trại giam, thay đổi biện pháp tư pháp, không lên án những chỉ trích, khuyến cáo là… thù địch – xuyên tạc sự thật (5), hay gián tiếp chê bai những chỉ trích khuyến cáo là… ngu ngốc vì… dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam (6)…
“Ngụy” đã để tất cả các giới, kể cả trẻ con xem, nghe, tiếp nhận mọi thứ bất lợi cho mình, có lợi cho đối phương nên bà Tân, bà Tạo sớm… giác ngộ cách mạng khi còn là thiếu niên.
“Ngụy” cho những dân biểu (như bà Kiều Mộng Thu – giống Đại biểu Quốc hội của “ta”), những luật sư (như Luật sư Tòa Thượng thẩm Nguyễn Long) sự tự tin vào quyền hạn, chức trách, hiệu quả công việc để đòi hệ thống công quyền phải cung cấp thông tin, thay đổi cách hành xử với cả những cá nhân nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Sự tự tin vào quyền hạn, chức trách nghề nghiệp, vị thế mà “ngụy” tạo ra nơi công dân của VNCH cũng là lý do các nhân viên y tế từ trên xuống dưới ở Bệnh viện Tâm trí đồng loạt kháng cự hệ thống cải huấn để bảo vệ bà Tân một cách nhiệt thành. Luật pháp và cách quản trị, điều hành quốc gia của “ngụy” khiến Bộ Nội vụ, CSQG phải xem xét – phúc đáp cẩn thận mọi yêu cầu, tiết lộ cả những thông tin mật để thỏa mãn đòi hỏi của thường dân do họ có quyền của giới khoác blouse trắng.
Bệnh viện Tâm trí hay Dưỡng trí viện của “ngụy” khác rất xa với bệnh viện tâm thần của “ta”.
Thời “ngụy”, nhiều đồng chí của “ta” như bà Huỳnh Thị Ngọc – người mà năm 1972 ném lựu đạn vào đêm lửa trại của thanh niên (Hướng đạo, Gia đình Phật tử, Hội Hồng thập tự), học sinh trung học Quy Nhơn tại sân vận động Quy Nhơn khiến một nữ giáo sư, 10 học sinh mất mạng, hơn 100 học sinh khác bị thương (7) – giả điên để hệ thống tư pháp VNCH phải gửi vào Bệnh viện Tâm trí điều trị rồi trốn thoát (8)…
Thời “ngụy”, Bệnh viện Tâm trí hay Dưỡng trí viện là nơi mà dân chúng, các tổ chức chính trị cả trong lẫn ngoài VNCH, các chính phủ, đòi “ngụy” phải an trí nhiều phạm nhân nguy hiểm cho an ninh quốc gia tại đó vì lý do nhân đạo.
Thời “ta”, dân chúng, các tổ chức chính trị cả trong lẫn ngoài VNCH, các chính phủ không ngừng bày tỏ sự lo ngại, lên án “ta” vô nhân đạo, vi phạm nhân quyền khi biến bệnh viện tâm thần thành nơi đày ải, vô hiệu hóa những cá nhân bất đồng chính kiến.
Bà Ngọc – người theo lệnh của “ta”, vì muốn giết một tỉnh trưởng của “ngụy” mà liệng lựu đạn vào nơi có cả ngàn giáo sư, học sinh, rồi giả điên để né tránh trách nhiệm không chỉ được “ta” khen là… mưu trí dũng cảm mà còn được “ta” phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hồ sơ liên quan đến bệnh án của bà Ngọc vẫn đang trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (Quận 3, TP.HCM)! Có thể đến đó để tận mục sở thị và kiểm chứng về sự khác biệt giữa “ta” và “ngụy”.
Về ngữ nghĩa, “ngụy” là giả trá, xảo quyệt nhưng nếu không tử tế hoặc ít nhất là nỗ lực hướng đến sự tử tế thì “ngụy” không thể như đã thấy và trước những gì đang diễn ra trên thực tế dưới sự quản trị – điều hành của “ta”, bà Tân chẳng còn cách nào khác, đành phải dùng chính trường hợp của bà để khuyên đội ngũ nhân viên y tế của “ta”đối xử với những cá nhân bị “ta” cáo buộc là… chống phá đúng với lương tri thầy thuốc. Bao nhiêu người tin đội ngũ nhân viên y tế dám hành xử tử tế như lời khuyên của bà Tân?
Thậm chí bao nhiêu người dám đoan chắc một người như bà Tân có thể bình an vô sự sau khi vì muốn thấy sự tử tế mà mở miệng khuyên can. “Ta” có nên giữ mãi sự hãnh diện vì luôn luôn đi ngược hướng với “ngụy”, kể cả tử tế với những khác biệt, kễ cả đối lập, đối kháng như… “ngụy”. Thêm bao nhiêu năm nữa ta mới tử tế như… “ngụy”?
***
– Những người đang bị giam giữ tại Việt Nam; kể cả bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Từ phải sang: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Phạm Đoan Trang, Hồ Sỹ Quyết. Photo Tập hợp từ Facebook.