Nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

Nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

Apr 8, 2021

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

*Hỏi: Tại sao bị mất ngủ kinh niên? Có cách nào để chữa mà không bị nghiện thuốc ngủ? Uống thuốc ngủ lâu ngày có hại như thế nào? Có cách nào để tránh hoặc giảm uống thuốc và vẫn ngủ được hay không?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra mất ngủ kéo dài, chẳng hạn các rối loạn gây ra lo lắng một cách bất thường mà chẳng có nguyên nhân gì rõ ràng. (Hình minh họa: mindthesciencega p.org)

-Đáp: Nếu mất ngủ kéo dài trên 30 ngày, thì được xếp vào loại mất ngủ kéo dài (chronic insomnia).

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra mất ngủ kéo dài (có người nói là kinh niên, có người gọi là mạn tính, đều cùng chung một ý nghĩa). Trong đa số trường hợp, nếu giải quyết được tất cả các nguyên nhân gây ra mất ngủ (ở một bệnh nhân cụ thể nào đó), cơ hội chữa khỏi hẳn chứng mất ngủ (cho bệnh nhân đó) sẽ rất cao.

Các vấn đề tâm thần hoặc tâm lý (psychiatric and psychological problems)

Là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra mất ngủ kéo dài, và đây thường có thể là triệu chứng báo trước của một rối loạn tâm thần. Các rối loạn tâm thần hoặc tâm lý này có thể là:

-Bệnh trầm cảm, đặc biệt là ở người cao tuổi. Trầm cảm có thể gây ra các triệu chứng như là không thiết sống, không thiết làm gì cả, ăn uống lộn xộn (không muốn ăn hoặc ăn nhiều quá), ngủ nghê lộn xộn (mất ngủ hoặc ngủ nhiều quá). Nếu các triệu chứng này kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng sống và làm việc bình thường thì sẽ được chẩn đoán là bị rối loạn trầm cảm.

-Các rối loạn gây ra lo lắng một cách bất thường (cứ lo mà chẳng có nguyên nhân gì rõ ràng). Các rối loạn gây ra lo lắng này bao gồm:

+Các cơn khủng hoảng (panic attacks-bệnh nhân có những cơn tưởng như “sắp chết đến nơi,” với các triệu chứng như đánh trống ngực, hụt hơi, lả người, tê cứng người…).

+Sợ hãi một điều gì đó một cách bất thường (phobia-sợ đủ thứ, như sợ đi ra ngoài đường, sợ ở trong chỗ kín, sợ ở trên cao, sợ con này, con nọ…).

+Rối loạn căng thẳng tinh thần sau chấn thương (posttraumatic stress disorder). Ví dụ như sau khi trải qua hay thấy một việc kinh hoàng, ta có thể bị ám ảnh, lo lắng, mất ngủ…

-Bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia). Đây là một loại bệnh mà bệnh nhân có thể có các triệu chứng (kéo dài quá sáu tháng), làm tổn thương đến khả năng làm việc và sinh hoạt bình thường của của họ, như là:

+Các ảo giác (hallucinations – nghe, nhìn, ngửi thấy những gì không có thật, ví dụ như thấy… ma, nghe thấy ai đó nói trong tai mình điều gì đó, mà không ai khác nghe thấy cả, vân vân).

+Ảo tưởng (delusions – nghĩ tới, sợ hãi điều gì đó hoàn toàn không có thực, ví dụ như tin là có ai đó theo dõi muốn hại mình, trong khi điều đó hoàn toàn không xảy ra).

+Rối loạn trong sự liên hệ với người xung quanh, ví dụ như là không muốn gặp, liên hệ với ai cả, tự cô lập mình.

+Rối loạn về cảm xúc, như là trầm cảm (không muốn làm gì cả), hưng cảm (làm đủ thứ một các quá đáng và không hợp lý).

+Rối loạn về hành vi (làm những chuyện kỳ quặc, không giống ai…).

Giữ cho phòng ngủ sạch sẽ, yên lặng và đủ tối là một thói quen tốt trong việc ngủ nghỉ để giúp cho ta có một giấc ngủ đủ. (Hình minh họa: kids.frontiersin.org)

Các rối loạn thần kinh (neurological disorders)

Cũng có thể liên quan đến việc làm cho bệnh nhân bị mất ngủ. Ví dụ như là:

-Các tổn thương trong não.

-Các vấn đề thần kinh gây ra đau đớn, rối loạn về cảm giác, lú lẫn, rối loạn về vận động của cơ thể.

-Các thuốc chữa một số bệnh thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Không có thói quen tốt trong việc ngủ nghỉ (poor sleep hygiene)

Cũng là một nguyên nhân rất thường gặp gây ra mất ngủ. Thói quen tốt trong việc ngủ nghỉ là những hành động cần làm để giúp cho ta có một giấc ngủ đủ và “đã.” Ví dụ như là:

-Tránh cà phê, thuốc lá, rượu, và những chất kích thích vào buổi tối.

-Giữ cho phòng ngủ sạch sẽ, yên lặng và đủ tối.

-Tránh thể dục, thể thao quá mức cũng như các kích thích tâm thần quá độ (ví dụ như gây lộn với bồ) vào buổi tối, gần giờ đi ngủ.

-Ngủ và dậy đúng giờ.

-Không ngủ ngày, nếu có ngủ thì không ngủ nhiều quá (khoảng dưới nửa tiếng đến một tiếng).

-Không coi tivi, đọc sách, hoặc làm chuyện gì khác (ngoài chuyện ngủ và “ngủ với nhau”) trong phòng ngủ.

-Không ăn quá no trước khi đi ngủ.

-Không uống quá nhiều nước gần giờ ngủ (làm cứ bị mắc tiểu khi đang ngủ). [qd]

Thân mến

 From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay