Phục Sinh mùa Covid

Phục Sinh mùa Covid

 Nguyễn Ngọc Duy Hân

Cơn đại dịch Covid 19 kéo dài đã hơn một năm, tổn hại về nhân mạng, tinh thần, vật chất nhiều không sao kể hết. Kế hoạch đóng cửa không gặp nhau để tránh lây lan coi như bắt đầu từ tháng 3, 2020. Lúc đó cộng đoàn của nhà thờ chúng tôi chuẩn bị mừng 10 năm thành lập. Nào là làm kỷ yếu, nào là chuẩn bị tiệc mừng … thế nhưng con vi trùng Corona đã làm buổi lễ bị hủy bỏ. Tiếp theo là tuần Thánh không có thánh lễ ở nhà thờ, lễ mừng Phục Sinh cũng không có. Thật là bàng hoàng, thật là lạ lùng, tất cả sinh hoạt “đời thường” đều bị xáo trộn. Tưởng là chỉ kéo dài vài tháng, thế nhưng tới nay là đã hơn một năm và bây giờ lại là một Tuần Thánh và chuẩn bị Phục Sinh năm 2021. Nhiều nơi vẫn đóng cửa nhà thờ không có thánh lễ. Cộng đoàn chúng tôi may mắn được mở cửa trở lại, nhưng số người tham dự thánh lễ chỉ giới hạn. Để tránh bớt sự tụ tập và giữ giãn cách xã hội 2 mét, người ta tính nếu nhà thờ rộng chứa được 800 người thì bây giờ chỉ được 15% tức là chỉ cho 120 người có mặt. Trong nhà thờ phải giăng dây rào lại, chỉ chừa chỗ cho một số ghế nhất định. Cũng may cộng đoàn chúng tôi bé nhỏ nên số người vừa vặn không cần phải ghi danh sớm mới có chỗ. Chị tôi ở Việt Nam kể trong một vài tuần cũng bị đóng cửa nhà thờ, người ta dậy thật sớm kéo nhau tới nhà thờ thật đông để mong có chỗ, nên người hy sinh bỏ ra về được coi là người có “công nghiệp” nhiều hơn người ở lại dự lễ. Lần đầu tiên khi thấy linh mục phải đeo khẩu trang và mặc áo lễ tôi thấy rất lạ. Bây giờ thì quen quá rồi.

Năm 2021 này, Thứ Năm Tuần Thánh chúng tôi may mắn được tới nhà thờ nhưng sẽ không có nghi thức rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giêsu. Hôm rồi Chúa Nhật lễ Lá cũng không có nghi thức cùng nhau tụ họp và rước lá lên nhà thờ, ai lấy tự cầm chiếc lá dừa đứng cách xa nhau hai thước, điều này đâu có giống sự miêu tả trong Kinh Thánh về việc Chúa Giêsu vào thành Jerusalem! Thôi thì có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ, được tới nhà thờ là tốt lắm rồi. Tiếp tới Thứ Sáu Tuần Thánh cũng sẽ không có nghi thức hôn Thánh Giá Chúa Giêsu. Thứ Bẩy vọng Phục Sinh lễ Nến mọi người cũng phải đứng xa xa.

Nhớ lại trong cả năm qua, chúng tôi đã phải tham dự thánh lễ bằng viễn liên, mà chúng tôi gọi tắt cho dễ hiểu là vào “Zoom”. Tính ra thì cũng dễ và tiện, vì đỡ tốn thời gian đi xe tới nhà thờ, nhưng không khí và sinh hoạt thì cũng có một số chuyện lủng củng. Mặc dù chia nhau đọc Thánh Thư, cầu nguyện, ca hát nhưng hệ thống Zoom không cho phép nhiều người đọc kinh chung, vì âm thanh từng nơi khác nhau khoảng vài giây, không thể đọc chung rập ràng được. Thỉnh thoảng lại có người bị “rớt mạng” (may mà không phải “mất mạng”) nên đang nói thì bỗng dưng biến mất tiêu, hoặc giọng nói lúc thì thật nhanh lúc thì kéo dài nhão nhẹt. Nhiều người chê không chịu đi lễ viễn liên, bảo là không tập trung được, không thấy nghiêm trang sốt sắng, nhưng nói chung thì “lễ Zoom” cũng được tới 90%. Chúng tôi còn tổ chức ca hát văn nghệ viễn liên. Gặp nhau ở trên Zoom chúng tôi hỏi nhau hôm nay đi nhà thờ ở đâu. Người kia bảo tôi xem lễ ở nhà thờ Toronto. Chị nọ kể hôm nay đi lễ tiếng Anh tại nhà thờ chính tòa New York với các con. Một chị khác thì hớn hở khỏe hôm nay em đi lễ mãi tận Vatican do Đức Giáo Hoàng chủ tế. Thôi thì trong cái buồn cũng có cái vui, cũng phải chấp nhận và “nín thở qua sông” để xem cơn dịch này như thế nào.

Hiện ở khắp thế giới và Canada đã có nhiều người được chích ngừa chống Covid. Tuy nhiên lứa tuổi của chúng tôi vẫn còn đang sắp hàng chờ chưa tới phiên mình. Chúng tôi còn bàn tán kén chọn xem thuốc nào tốt mới chích cơ! Gặp nhau bây giờ câu hỏi xã giao không phải là “Anh khoẻ không?” mà là “Anh chích ngừa chưa?” Rõ chán, chúng tôi còn thậm chí hỏi nhau “Đã mua đất ở nghĩa trang chưa?”!

Về kinh tế may mắn chúng tôi được làm việc tại nhà, cũng may công ty ngày càng cải tiến các phương tiện kỹ thuật, nên làm việc tại nhà càng ngày càng ít trở ngại. Công việc công ty vẫn tốt đẹp. Hiện tại thì mọi người đã quen với việc ở ru rú trong nhà, lại đâm ra lười biếng không muốn trở lại làm việc thật ở văn phòng nữa. Họ đang hỏi ý nhân viên, có thể sẽ áp dụng việc đi làm kiểu “hybrid”, cũng như xe Hybrid chạy nửa điện nửa xăng, chúng tôi sẽ đi làm nửa tuần ở nhà, nửa tuần tại văn phòng. Riêng bản thân tôi trước giờ cũng khá năng động, bây giờ chỉ sau hơn một năm cấm cung trong nhà, mà đã thấy ớn đi ra đường, lười biếng không muốn hoạt động chỉ muốn ở trong nhà luôn – dù đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Chúng tôi ai nấy đều trở thành người đẹp theo quan niệm xưa: “Da trắng, tóc dài” Quả thế, ở nhà riết làn da trắng xanh, tiệm cắt tóc bị đóng cửa nên ai nấy tóc thật dài, nhất là phía “liền ông” ai nấy cũng phải theo phong trào Hippy bất đắc dĩ, tóc dài quá mang tai là chuyện thường.

Cái nhìn về cuộc sống cũng thay đổi rất nhiều. Nếu có một bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 thì đó là chúng ta cần thích ứng để không chỉ trở lại trạng thái “bình thường mới” mà còn trở thành “bình thường tốt hơn”, tập sống theo các thói quen mới như rửa tay, đeo mặt nạ, vệ sinh cá nhân cẩn trọng hơn, tránh gần gũi, ôm, bắt tay…. Tôi cũng trở thành đầu bếp bất đắc dĩ. Không đi nhà hàng được thì phải tự mày mò vào YouTube học nấu ăn. Đa số là tạm thành công, tuy nhiên nếu có thất bại thì cũng ráng ăn nên mập tròn vo. Bạn bè ai cũng than bị lên cân quá sức, kiểu này sau khi đại dịch qua rồi thì chắc phải nới rộng cửa ra vào, hay ít nhất cũng phải thay quần áo mới. Áo dài không còn chiếc nào mặc vừa nữa, trước đây tôi rất thích mặc áo dài, bây giờ tròn trịa mặc áo dài rất ngại. Chắc phải chế cái gì để che cái bụng. Ra đường không sợ bị chê xấu vì đã có cái khẩu trang che mặt kín mít, nếu có thêm cái gì che bụng nữa thì thật là … khoẻ!  Dù sao cũng tạ ơn đời, tạ ơn Chúa vì vẫn đủ ăn, vẫn còn được đi ra ngoài mua thức ăn dù có lên giá mắc mỏ chút đỉnh, nhưng vẫn còn các chợ mở cửa không phải giành giật. Nhớ hồi đầu mùa dịch, người ta phải dành nhau để mua những cuộn giấy vệ sinh thật là thê thảm. Hơn 2 triệu người đã mất mạng, và sự lây nhiễm đã lên tới con số khủng khiếp. Trước đây thì ít thấy người Việt Nam bị nhiễm Covid và chết, gần đây thì lại bị khá nặng, nhiều bạn bè thân đã bỏ mình ra đi vì con vi trùng Vũ Hán này thật là buồn.

Một số người bị bệnh Covid may mắn thoát chết, đã chia sẻ kinh nghiệm để chống lại cơn bệnh, trong đó cũng có chia sẻ lại nỗi niềm khi bị mọi người xa lánh. Tâm trạng rất buồn và mặc cảm khi bị người khác tránh xa mình vì sợ lây nhiễm, giống như người bị phong cùi khi xưa. Làm sao trách được, ai phải cố gắng đề phòng bệnh chứ. Lại có một câu chuyện cười kể về một người bị Covid đã qua đời, nhưng hai ngày sau lại sống lại. Người nhà rất đỗi vui mừng và ngạc nhiên, hỏi lý do tại sao thì người chết kể lại: “Khi tôi lên tới cửa thiên đàng thì thiên thần bảo tội lỗi của anh ở trần thế cũng không có gì quá đáng, đáng lẽ được vào thiên đàng nhưng vì sợ anh lây vi khuẩn cho chốn thiên đình, nên “sorry” phải mời anh xuống địa ngục. Xuống tới cửa địa ngục thấy đám quỉ gác cửa thật hung hăng, tôi sợ chết khiếp thì chúng lại bảo: “Thằng này chết vì Covid, không thể để ở địa ngục làm lây lan cho mình”. Chúng bàn tán khẩn cấp rồi quyết định trả tôi về trần gian. Thế nên tôi được sống lại là như thế! Thật là câu chuyện cười ra nước mắt.

Mùa Covid, khi có đám tang cũng rất vắng vẻ. Tùy theo thời gian nhưng đa số thì chỉ giới hạn 10 người. Thân hữu muốn tham dự thì phải xem qua hệ thống viễn liên. Đám cưới cũng rất là hạn chế, tối đa là 10 người thì ai đi dự, ai ở nhà? Lại cũng không có tiệc ăn mừng ở nhà hàng. Hôm cuối tuần qua chúng tôi đi dự một Lễ Cưới với khoảng 60 người, và được cho là đám cưới lớn nhất trong suốt năm qua. Thôi thì biết nói gì hơn, đành cố gắng giữ giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tránh bớt đi ra đường để giữ gìn sức khỏe cho nhau. Mong cho mọi người đều được chích thuốc ngừa để mọi sinh hoạt có thể bình thường trở lại.

Chúng tôi và các bạn luôn nhắc tới những kỷ niệm được đi ăn, đi chơi với nhau, rồi hẹn hò trong năm tới này khi đại dịch chấm dứt sẽ cùng nhau đi ăn đi chơi bù lại suốt thời gian dài bị cấm cung bị gò bó. Thế mới biết thương cho những người bị tù tội, đặc biệt những tù nhân lương tâm, những vị hi sinh đi giảng đạo rồi bị bắt bớ cầm tù…. Ít nhất bây giờ chúng ta cũng còn được tự do, no ấm. Ước mong cơn đại dịch sớm chấm dứt, kinh tế mở cửa, mọi người được đi sinh hoạt, làm ăn, được gặp nhau, ôm nhau và được bỏ cái khẩu trang ra. Che kín mất cái mặt rồi lại hơi mập ra, bạn bè chẳng ai nhận ra ai. Đã có lần tôi mang chè tới tặng người bạn sau lễ ở nhà thờ, nhưng lại đưa lộn cho người khác.

Dù sao thì cũng tạ ơn, mong sao cho tinh thần mọi người được vẫn mạnh mẽ, phát triển sự yêu thương nhau quan tâm cho nhau nhiều hơn theo cách mới, và cùng chiến đấu để cơn đại dịch này sớm biến mất.

Mùa Phục Sinh đang đến, chúc bạn niềm vui, sự đổi mới canh tân trong tâm hồn và trong sinh hoạt hằng ngày

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay