In Retrospect – Nhìn Lại Của Cha và Con Steinbeck Giữa Chiến Tranh Việt Nam – Phần 2.

In Retrospect – Nhìn Lại Của Cha và Con Steinbeck Giữa Chiến Tranh Việt Nam – Phần 2.

***

STEINBECK VÀ 2 CUỘC GẶP GỠ CHƯA GHI LẠI – (tiếp theo & hết)

Cần Thơ, Việt Nam, Ngày… Tháng 12 Năm 1966

BS Hoàng Ngọc Khôi, YKSG 1960:

“Khi John Steinbeck được giải Nobel văn chương 1962, tôi – Hoàng Ngọc Khôi và anh DS Nguyễn Phúc Bửu Tập đang làm tại Trường Quân Y và cùng phụ trách tờ Tập San Quân Y (TSQY). Anh Bửu Tập mua được cuốn Of Mice and Men (OMAM), đọc xong đưa cho tôi đọc.

Khi trả lại, Bửu Tập bảo: Hay là chúng mình dịch rồi đăng vào Tập San. Chúng tôi bắt đầu dịch và cho đăng vào TSQY khoảng giữa năm 1963, dựa theo cuốn tiếng Anh OMAM nhưng vẫn có thêm cuốn tiếng Pháp Des souris et des hommes để tham khảo. Nhà văn Trần Phong Giao, lúc đó là Thư ký Tạp chí Văn, tình cờ đọc được vội tìm hai chúng tôi đặt cọc là khi viết xong giao cho Tạp chí Văn xuất bản. Tôi không biết Nxb Văn có liên lạc với John Steinbeck hay không, nhưng hình như hồi đó chưa có thoả hiệp về tác quyền giữa hai nước.

Khi Steinbeck sang Việt Nam thì tôi đang làm Y sĩ trưởng Quân y viện Trương Bá Hân tại Sóc Trăng. Lúc đó, có một Đại úy cố vấn Mỹ thuộc Cục IV Tiếp Vận phụ trách tiếp vận cho Quân y viện TBH cứ khoảng hai tháng lại tới kiểm tra xem QYV có nhu cầu gì không và không hiểu sao ông ta lại biết tôi có dịch cuốn OMAM.

Bỗng một hôm, cuối năm 66 hay đầu năm 67 gì đó, cũng viên Đại uý cố vấn ấy (mà nay tôi quên mất tên) bay trực thăng ghé thăm QYV bảo tôi là John Steinbeck đang ở Cần Thơ và có hẹn gặp ông ta ngày mai đi uống cà phê trưa từ 2 tới 3 giờ chiều và hỏi tôi có muốn gặp Steinbeck không? Ông bảo tôi có thể lên ngay trực thăng đi cùng nhưng khi về phải tự lo. Tôi mừng quá nhưng trả lời sáng mai tôi sẽ lấy xe Jeep đi và về cho tiện vì từ Sóc Trăng sang Cần Thơ chỉ khoảng hơn một giờ lái xe.

Hôm sau đúng giờ, viên đại uý Mỹ đã đợi tôi tại QYV Phan Thanh Giản, Cần Thơ và rồi ông chở tôi tới một câu lạc bộ sĩ quan Mỹ. Tới nơi thì Steinbeck cũng vừa tới, ông ta mặc đồ như một quân nhân tác chiến, có khoác cả áo giáp, có bộ râu lẫn ria cắt tỉa gọn ghẽ.

Khi gặp Steinbeck tôi còn là Y sĩ Đại uý, ông ta gọi tôi là Doctor và hỏi tôi có sang Mỹ bao giờ chưa và sao lại chọn dịch cuốn sách OMAM của ông? Tôi nói tôi đã sang Mỹ hai lần rồi và lần nào tôi cũng muốn mau trở về vì nhớ quê nhà và bằng hữu. Ông cười bảo vậy đúng là điều ông muốn nói trong cuốn truyện rồi, ước vọng sao có một mảnh đất, một khu vườn và ngày ngày gặp bạn bè tán gẫu với nhau.

Tôi mang theo hai cuốn truyện dịch, một cuốn OMAM và một cuốn Des souris et des hommes để ông ký cho tôi và Bửu Tập, còn tôi cũng tặng ông một cuốn truyện dịch Của Chuột và Người. Tôi chỉ được viên Đại uý cố vấn nhường cho nửa giờ nên tôi chỉ hỏi ông một câu duy nhất là ông có dự tính gặp một nhà văn Việt Nam nào không? Ông trả lời chuyến đi này của ông không có liên quan gì tới văn chương cả, mà là quan sát tại chỗ về tình hình miền Nam xem có cơ thắng trận hay không.

Hôm đó viên Đại uý cố vấn có chụp cho tôi với John Steinbeck một tấm hình polaroid lấy liền. Nửa giờ quá ngắn ngủi và Steinbeck chỉ ở Việt Nam có sáu tuần mà phải đi khắp bốn vùng chiến thuật và viết bài hàng ngày cho tờ báo Newsday mà ông là đặc phái viên. Steinbeck ủng hộ Mỹ đem quân tới Việt Nam để chống sự bành trướng của CS và rất ghét nhóm phản chiến. Ngược lại con ông, đang phục vụ tại Việt Nam trong đoàn Truyền thông quân sự Hoa Kỳ thì lại chống chiến tranh VN. Những bài báo của ông viết từ Việt Nam sau được in lại thành một cuốn sách: John Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the war. Và anh cũng đã biết rồi.

Đêm 29–04–1975 do tôi di tản nhờ tàu Hải quân rất bất ngờ nên đã không mang theo được gì. Sau 1975 có người nhà bên Việt Nam gửi cho tôi cuốn Của Chuột và Người do Hội Nhà Văn in lại và đây là lần xuất bản thứ hai, đề năm 1997. Cuối sách có lời viết như sau: “Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với các ông Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập. Rất tiếc cho đến nay chúng tôi vẫn không nhận được tin tức cụ thể từ hai dịch giả”.

Sau đó bên nhà lại gửi cho cuốn Của Chuột và Người nhưng lần này do nhà Xuất bản Văn Học ấn hành năm 2001. Và tôi nghe nói cuốn truyện được tái bản nhiều lần vì được dùng làm tài liệu tham khảo trong các trường Đại học về môn Anh ngữ. Người bạn cùng dịch sách OMAM với tôi, DS Nguyễn Phúc Bửu Tập, thì nay cũng đã mất [1930-2020]. BS Hoàng Ngọc Khôi, Toronto, Email ngày 21-03-2021

*******

Tây Ninh, Việt Nam, Ngày… Tháng 01 Năm 1967

BS Trần Văn Khánh, YKSG 1965

BS Khánh nguyên cựu nội trú các bệnh viện, anh là bạn đồng khoá YKSG 1965 và rất thân với Nghiêm Sỹ Tuấn, trong Ban Quan Điểm báo SVYK Tình Thương. Ra trường bị động viên với cấp bậc Y sĩ Trung uý, là bác sĩ chuyên khoa giải phẫu thần kinh / neurosurgeon hiếm hoi, anh được bổ nhiệm về làm trưởng khoa Giải Phẫu QYV Tây Ninh. Anh Khánh kể: Giai đoạn ấy, do đụng độ hai bên thương vong nhiều, ngày đêm tôi làm việc trong Quân y viện và cả sang giúp bên Dân y viện! Tôi mổ đủ thứ; có thể tưởng tượng là tôi đã làm cả giải phẫu thần kinh Stellectomie, với những dụng cụ dã chiến!

“Tôi có diễm phúc gặp văn hào John Steinbeck tại Tây Ninh năm 1967, không nhớ rõ ngày tháng trong một dịp bất ngờ khó tin! Như một “duyên khởi” vào một buổi sáng sau vòng thăm các bệnh nhân sau mổ, rất tình cờ tôi gặp nhóm người Mỹ trên một xe Jeep chạy vào Quân y viện, hai người đàn ông và một phụ nữ. Họ cần có nước rửa tay và khu vệ sinh. Trong đám người ấy, tôi nhận ra ngay nhà văn Steinbeck qua chùm râu và ria mép trên khuôn mặt nông dân của ông ấy. Steinbeck trông phong trần trong bộ quân phục GI’s với cả áo giáp và nón sắt.

Qua vài câu trao đổi, Steinbeck quá đỗi ngạc nhiên khi có một người bản xứ xa lạ nói tiếng Anh lưu loát và nhận ra mình; hơn thế nữa anh ta còn là độc giả từ bao năm của ông. Khánh nhắc tới cuốn sách The Grapes of Wrath, nhắc tới cảnh tượng một người mẹ vừa sẩy thai đã cố gắng cứu sống một người đàn ông sắp chết đói và cho ông ta bú bầu sữa từ chính nơi ngực mình. Khánh nói với Steinbeck, trang sách cuối ấy không chỉ vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng và cả tuyệt đẹp, đã đọc rồi không sao có thể quên.

Chỉ bấy nhiêu thôi, Steinbeck đã hoàn toàn bị chinh phục. Steinbeck thân thiết mời Khánh – mà ông gọi là “young man” lên chuyến xe Jeep cùng ông trong chuyến thăm đi một trại Lực Lượng Đặc Biệt không xa chân núi Bà Đen mà lính Mỹ gọi đó là Black Virgin Mountain, cũng là nơi mà Steinbeck tưởng như đó là điểm cuối của con đường mòn Hồ Chí Minh.

Ấn tượng sâu đậm nhất nơi Khánh: Steinbeck nói nhiều như là một war advocate / bênh vực chiến tranh, ông tin rằng với vũ khí tối tân như hiện nay Mỹ sẽ thắng đám lính VC hỗn tạp và cả quê mùa. Trong khi đó thì cô Mỹ tóc bạch kim ngồi phía sau – không biết có phải là vợ mới cưới của ông hay không, đi theo làm stenodactylo / tốc ký ghi xuống những điều Steinbeck đang nói.

Không phải là không nhớ, nhưng Khánh không muốn nói nhiều về chuyến field trip ngày hôm ấy với Steinbeck, Khánh coi đó như một chút riêng tư mà Khánh muốn giữ cho riêng Anh. Khánh viết: “Tôi xin được phép không làm nhân chứng lịch sử của một giai đoạn chiến tranh tương tàn mà rốt cuộc miền Nam bị miền Bắc cưỡng chiếm”. Sau này sang Mỹ, Khánh đã có dịp tới thăm The National Steinbeck Center ở Salinas, tới thành phố Carmen, cả ôm pho tượng Steinbeck. Trần Văn Khánh, Oklahoma, Email: ngày 7 tháng 3, 2021

MỘT CUỐN SÁCH GÂY TRANH CÃI

“Những bức thư gửi Alicia” trên tờ Newsday được tập hợp trong một cuốn sách có tên là Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War, nhưng rồi đã không được in ra vào thập niên 1960s, do những e ngại danh tiếng của Steinbeck bị thêm tổn thương và mãi tới 44 năm sau khi Steinbeck mất (1968), cuốn sách mới được University of Virginia Press xuất bản (2012), với Thomas Barden giáo sư Đại học Toledo, Ohio từng là cựu chiến binh ở Việt Nam và là một học giả chuyên về Steinbeck viết lời Dẫn Nhập và Kết Từ cho tác phẩm cuối đời của Steinbeck.

Theo Barden, chính TT Johnson cũng muốn Steinbeck tới Việt Nam tường trình tại chỗ những gì đang diễn ra lúc đó. Steinbeck muốn có một chuyến đi độc lập, nhưng qua nội dung các bức thư viết từ chiến trường, rõ ràng Steinbeck có quan điểm ủng hộ cuộc chiến tranh, phản ánh chính sách của TT Johnson lúc đó với chủ thuyết Domino, và tính tất thắng / winnability của Mỹ trong cuộc chiến này. Giữa Cha và Con Steinbeck đã có đụng độ với cách nhìn khác nhau về cuộc chiến tranh Việt Nam. John IV con trai Steinbeck cho rằng đây là một cuộc chiến sai lầm, “đa số lính Mỹ thì nghiện ngập, con số thương vong thì không chính xác, và rằng chúng ta – người Mỹ phải rút chân ra khỏi cuộc chiến tranh này.”

Sau thời gian ở Việt Nam trở về Mỹ và trong những trao đổi riêng tư, Steinbeck đã tỏ ra bất bình về những tin tức sai lạc về cuộc chiến tranh hàng ngày cung cấp cho dân chúng Mỹ. Chính Elaine vợ ông cũng khuyên Steinbeck cần thay đổi cách nhìn về cuộc Chiến tranh Việt Nam, nhưng Steinbeck đã không còn sống lâu hơn để viết thêm gì khác về cuộc chiến tranh ấy.

Đồng ý với John Steinbeck hay không, thì sự nghiệp của ông đã hoàn tất. Tất cả những trang viết của ông trước sau, thì nay vẫn hiện diện trên các kệ sách trong các thư viện và trường học. Sẽ vẫn là một bài học cho các thế hệ tương lai.

IN RETROSPECT – NHÌN LẠI

Năm 1972, thời gian tôi đi tu nghiệp ở San Francisco về chuyên ngành Y Khoa Phục Hồi, John Steinbeck đã mất trước đó 4 năm (1968). Tiếp sau Lyndon B. Johnson, Richard Nixon là Tổng thống Mỹ, đang theo đuổi chính sách Việt Nam hoá cuộc chiến tranh – mà báo chí Mỹ gọi đó là kế hoạch đổi màu da trên xác chết, chuẩn bị cho Mỹ hoàn toàn rút chân ra khỏi Nam Việt Nam.

Và cũng chưa bao giờ phong trào phản chiến với teach-in, sit-in lên cao và lan rộng ra khắp các đại học trên toàn nước Mỹ như vậy. Nơi sân trường Đại học Berkeley, đám sinh viên “con ông cháu cha” từ miền Nam Việt Nam sang du học Mỹ cũng hoà nhập vào đám phản chiến ấy, chúng mặc bộ áo bà ba đen tổ chức các nhạc hội hát “Quảng Bình Quê Ta ơi” quyên tiền ủng hộ Hà Nội và Mặt trận Giải Phóng. Và ở đâu đó, hai con trai của John Steinbeck cũng đang hoà nhập vào dòng người đó.

Cũng trong năm 1972 và cả sau này, tôi đã hơn một lần tới thăm Monterey, Salinas quê hương của Steinbeck. Steinbeck mất ở New York, tro cốt của ông được đưa về California và chôn cất lặng lẽ trong khu nghĩa trang của gia đình. Ba mươi năm sau khi ông mất, một National Steinbeck Center được khai trương (27-06-1998) nơi thị trấn Salinas, nơi quê hương ông sinh ra.

Trung tâm Quốc gia Steinbeck, [địa chỉ 1 Main Street, Salinas, CA 93901] nơi thị trấn Salinas quê hương của Steinbeck. Trung Tâm Steinbeck được xây dựng và khai trương (1998) 30 năm sau khi ông mất (1968)

Câu trích dẫn của John Steinbeck được phóng lớn và trưng nơi sảnh đường của National Steinbeck Center Salinas, California.

Trong một lần đã tới thăm, điều vẫn còn lưu lại trong trí nhớ là câu trích dẫn của John Steinbeck được phóng lớn và trưng bày nơi sảnh đường của National Steinbeck Center Salinas, California.

“Nhà văn phải tin tưởng rằng điều hắn đang làm là quan trọng nhất trên thế giới. Và hắn phải giữ ảo tưởng ấy cho dù khi biết được điều đó là không thực.”

Dĩ nhiên đây không phải là câu văn hay nhất của Steinbeck nhưng có lẽ phản ánh đúng nhất về cuộc đời 66 năm đầy thăng trầm và cả nghịch lý của Steinbeck mà ông đã bướng bỉnh lựa chọn để đi tới vinh quang và cả đôi khi chống lại chính mình.

Bức tượng đồng John Steinbeck, nơi thành phố Monterey, California, quê hương ông.

California 28-03-2021

*******

– Hình trái, Of Mice and Men, của John Steinbeck bản tiếng Anh; giữa: Des souris et des hommes bản tiếng Pháp; phải: Của Chuột và Người, bản dịch của Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập, Nxb Văn Sài Gòn 1967. Từ sau 1975, bản tiếng Việt này đã được tái bản nhiều lần ở Việt Nam.

– Hình bìa cuốn sách“Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War” đã không ra mắt vào thập niên 1960s, mà mãi tới 44 năm sau khi Steinbeck mất. University of Virginia Press (2012).

– Câu trích dẫn của John Steinbeck được phóng lớn và trưng nơi sảnh đường của National Steinbeck Center Salinas, California.

– Bức tượng đồng John Steinbeck, nơi thành phố Monterey, California, quê hương ông.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay