Bạo loạn tại Quốc Hội Mỹ: Những gương mặt “nổi trội” lần lượt sa lưới (RFI)

Bạo loạn tại Quốc Hội Mỹ: Những gương mặt “nổi trội” lần lượt sa lưới (RFI)

Đăng ngày: 14/01/2021  

Những gương mặt đáng chú ý trong vụ xâm nhập vào trụ sở Quốc Hội Mỹ tại Washington, ngày 06/01/2021, với Jake Angeli "người đội sừng" (G).

Những gương mặt đáng chú ý trong vụ xâm nhập vào trụ sở Quốc Hội Mỹ tại Washington, ngày 06/01/2021, với Jake Angeli “người đội sừng” (G). AP – Manuel Balce Ceneta

Mai Vân

7 phút

Theo báo chí Mỹ vào hôm qua, 13/01/2021, thêm một “nhân vật cần chú ý” trong số hàng trăm người xông vào gây loạn tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 06/01 vừa qua đã bị bắt. Ông Robert Keith Packer, cư ngụ tại bang Virginia là người có mặt trên một bức ảnh chụp một nhóm người bên trong Điện Capitol mặc áo in dòng chữ “Camp Auschwitz”, bị cho là cổ vũ cho phong trào Tân Quốc Xã.

QUẢNG CÁO

Packer nằm trong số hàng trăm người đang bị cảnh sát liên bang Mỹ truy lùng vì đã tham gia vụ xâm nhập trụ sở Quốc Hội Mỹ – đã bị coi là một vụ bạo loạn. Cuộc điều tra đã tiến triển nhanh chóng nhờ vô số hình ảnh và video đã được rất nhiều phóng viên báo chí thu được cũng như được chính các đương sự tung lên các mạng xã hội trong thời gian qua.

Vào lúc phe ủng hộ tổng thống Trump, và cả chính ông, đã quy trách nhiệm cho các thành phần cực tả “antifa” là đã mạo danh những người ủng hộ tổng thống để xông vào làm loạn trong Quốc Hội, thực tế cho thấy là nhóm gây bạo loạn đều là những người trong giới nổi tiếng nhiệt tình đi theo ông Trump.

Những gương mặt tiêu biểu

Nhật báo Pháp Le Monde ngày 12/01 vừa qua đã phác họa chân dung của những gương mặt tiêu biểu trong số những kẻ bạo loạn đã xâm nhập vào Điện Capitol, những gương mặt đã xuất hiên trên thông cáo tìm kiếm thông tin mà cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI đã công bố khắp nơi để truy nã.

Nhận xét của tờ báo Pháp không chút mập mờ: Đó là những người thuộc giới loan truyền các thuyết âm mưu cực hữu, một số cựu quân nhân, và cả những đại biểu dân cử ở các bang hay một vài đại gia triệu phú, tuyệt đại đa số là người da trắng.

Ashli Babbitt, nữ quân nhân theo QAnon

Gương mặt đầu tiên được Le Monde nhắc đến lại là một người không thấy trên thông báo tìm kiếm của FBI: Ashli Babbitt, một nữ cựu quân nhân, ủng hộ Donald Trump vô điều kiện, trở thành tín đồ của các thuyết âm mưu của QAnon, người duy nhất bị bắn chết trong vụ tấn công vào Điện Capitol.

Trong một đoạn video được tờ báo Mỹ Washington Post công bố, người phụ nữ này được nhìn thấy giữa đám đông đang cố gắng xông vào khu văn phòng của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Đám đông xô đẩy, phá cửa sổ, đánh đuổi các cảnh sát bảo vệ ở cửa. Ashli Babbitt cố gắng chui qua một cửa sổ sát đất. Một cảnh sát nổ súng. Babbitt trúng đạn bị thương nặng và qua đời tại bệnh viện.

Ashli Babbitt nằm trong số năm người bị thiệt mạng trong vụ bạo loạn, trong đó có một cảnh sát bảo vệ Điện Capitol. Theo báo chí Mỹ, Brian Sicknick – tên người cảnh sát – đã chết vì thương tích quá nặng sau khi bị một kẻ bạo loạn dùng bình chữa cháy đánh vào người khi anh cố gắng ngăn chặn đám đông tràn vào.

Đối với Le Monde, căn cứ vào trang phục của những người gây bạo loạn, có thể thấy sự hiện diện đáng kể của nhiều phần tử thuộc các nhóm bán quân sự và Tân Quốc Xã, điển hình là trường hợp của Packer với chiếc áo mang hành chữ “Trại Auschwitz – Lao động mang lại tự do”, gợi đến phương châm được ghi ở lối vào trại hủy diệt người Do Thái của Đức Quốc Xã.

Le Monde đặc biệt tìm hiểu về ba người mà hình ảnh được loan truyền khắp thế giới dưới các biệt danh như “người đàn ông đội sừng”, “người gác chân lên bàn” và “người đàn ông với chiếc bục phát biểu”.

“Người đàn ông đội sừng”

Theo tờ báo Pháp, nổi tiếng nhất trong bộ ba này có lẽ là Jacob Anthony Chansley, 32 tuổi, còn được gọi là Jake Angeli hoặc Pháp sư QAnon. Đến từ bang Arizona, nơi các mạng lưới theo thuyết âm mưu của QAnon đã được triển khai, anh ta là người đội chiếc mũ lông có sừng, để ngực trần, xăm trổ, với khuôn mặt được vẽ bằng màu cờ Mỹ với kẻ sọc và ngôi sao.

Sự xuất hiện và các phát biểu của Jake Angeli đã thu hút báo chí trước vụ tấn công. Trên một video, anh ta đưa ra những nhận xét đầy tính âm mưu về các chủ ngân hàng trung ương, những người đã xuyên thủng dãy Alps của Thụy Sĩ “như một miếng pho mát Thụy Sĩ” để nô dịch hóa thế giới từ các căn cứ dưới lòng đất.

Bị FBI truy nã, anh đã bị bắt hôm thứ Bảy 09/01 về tội xâm nhập trụ sở Quốc Hội một cách bất hợp pháp.

“Người gác chân lên bàn”

Nổi tiếng thứ hai là người đàn ông đã ngồi chễm chệ và gác chân lên bàn trong văn phòng của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện. Richard Barnett, 60 tuổi, đã ra đầu thú chính quyền ở Arkansas vào hôm 08/01 sau khi đã trở về nhà.

Ông cũng bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản công vì đã lấy đi một tấm biển gỗ đánh dấu lối vào văn phòng của bà Pelosi. Đối với Barnett bà Pelosi không phải là chủ tịch Hạ Viện của những người như ông. Cảnh sát đang điều tra xem ai đã lấy đị một chiếc máy tính xách tay trên bàn của bà Pelosi.

“Người đàn ông với chiếc bục phát biểu”

Nhân vật thứ ba đáng chú ý là Adam Johnson. Người ta thấy bức ảnh của người đàn ông 36 tuổi này, vui mừng với chiến lợi phẩm của mình và tươi cười trước các ống kính, tay ôm chiếc bục phát biểu của bà Nancy Pelosi.

Thế nhưng, theo Le Monde, bức ảnh mới nhất chụp nhân vật này không thoải mái chút nào: Ảnh chụp thẳng, trong trang phục màu cam. Đây là ảnh được một cảnh sát trưởng Florida chụp sau khi Johnson bị bắt vào tối 08/01. Tang vật thì được tìm thấy nguyên vẹn trong một hành lang của điện Capitol.

Ngoài ba nhân vật “nổi tiếng” kể trên, Le Monde còn phác họa chân dung của một số kẻ bạo loạn khác như Nick Ochs, người sáng lập nhóm cực hữu Proud Boys ở bang Hawai xa xôi, đã về nhà nhưng vẫn bị FBI đến bắt.

Cũng như vây, Derrick Evans, một nghị sĩ trẻ 35 tuổi, mới được bầu của West Virginia, đã bị FBI sờ gáy vì đã tự quay cảnh mình xông vào Điện Capitol, đội mũ bảo hiểm trên đầu, hét lên “Trump! Trump !” trước khi đăng một video khác sau vụ xâm nhập, phấn khởi khoe rằng: “Chúng tôi ở bên trong, chúng tôi ở bên trong. Derrick Evans đang ở Capitol.”.

Ngoài ra, theo Le Monde, trong đám người bạo loạn ở Điện Capitol có cả những triệu phú như bà Jenna Ryan, không đến Washington bằng ô tô, mà từ Frisco, gần Dallas, Texas, đã đi máy bay riêng đến thủ đô để phản đối.

Doanh nhân này đã có một tài khoản trên Parler, một mạng xã hội phổ biến trong giới cực hữu, vì họ đánh giá  Facebook và Twitter đang trôi sang phía tả. Bà gọi ngày 6 tháng 1 là một trong những “ngày đẹp nhất trong cuộc đời mình” và chụp bức ảnh trước khung cửa sổ vỡ vụn, trước khi xóa bài đăng.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay