THÔNG ĐIỆP KÉP CỦA GIÁNG SINH

THÔNG ĐIỆP KÉP CỦA GIÁNG SINH

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 

 

Tôi cực kỳ hạnh phúc khi một số bạn bè là nhà hoạt động xã hội gửi cho tôi các tấm thiệp Giáng Sinh với lời chúc: “Nguyện xin Bình an Chúa Kitô làm phiền bạn!”  Chẳng lẽ chúng ta không thể có một ngày trong năm để vui vẻ ăn mừng mà không để cái tôi vốn đã chẳng vui vẻ gì giờ lại gánh thêm cảm giác tội lỗi sao?  Chẳng phải Giáng Sinh là thời gian để chúng ta tận hưởng cảm giác làm trẻ thơ lần nữa sao?  Hơn nữa, như Karl Rahner từng nói, chẳng phải Giáng Sinh là thời gian Chúa cho chúng ta được phép vui vẻ sao?  Thế thì sao lại không vui vẻ?

 

À, chuyện này phức tạp lắm.  Giáng Sinh là thời gian Chúa cho chúng ta được phép vui vẻ, là thời gian như lời Chúa nói qua ngôn sứ Isaia: “Hãy làm khuây khỏa dân Ta.  Hãy nói những lời khuây khỏa!”  Nhưng Giáng Sinh cũng là thời gian cho thấy khi Thiên Chúa sinh ra cách đây 2000 năm, chẳng nhà nào có chỗ cho Ngài.  Chẳng có chỗ cho Ngài trong nhà trọ.  Cuộc sống bận rộn và những kỳ vọng của mọi người đã ngăn họ dành cho Ngài một nơi để ra đời.  Và điều đó vẫn không thay đổi.

 

Nhưng trước hết, tôi xin nói đến sự khuây khỏa Chúa Giêsu đem lại khi ra đời.  Nhiều năm về trước, tôi có tham gia hội đồng của một giáo phận lớn.  Trong giờ sinh hoạt, người điếu hành chương trình chia chúng tôi thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm được yêu cầu trả lời một câu hỏi: Một điều duy nhất, quan trọng nhất mà Giáo hội cần thách thức thế giới thực hiện ngay lúc này?

 

Các nhóm gửi lại câu trả lời, mỗi nhóm lại nêu ra một thách thức đạo đức hoặc thiêng liêng quan trọng: “Chúng ta cần thách thức xã hội biết thực thi công lý hơn!”  “Chúng ta cần thách thức thế giới biết có đức tin thật và đừng nhầm lẫn Lời Chúa với ý muốn của riêng mình.”  “Chúng ta cần thách thức thế giới biết nghiêm túc hơn về đạo đức tình dục.  Chúng ta đã lạc lối rồi!”  Đây đều là những thách thức cần thiết, và tốt đẹp.  Nhưng không nhóm nào nói: “Chúng ta cần thách thức thế giới đón nhận sự khuây khỏa của Thiên Chúa!”  Cứ cho là thế giới hiện nay đang có nhiều bất công, bạo lực, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, tham lam, ích kỷ, tình dục bừa bãi, và giả danh đức tin vì lợi ích riêng, nhưng hầu hết những người trưởng thành cũng đang sống trong đau đớn, lo âu, thất vọng, mất mát, trầm cảm, và mặc cảm tội lỗi không cách nào cởi bỏ.  Nhìn đâu cũng thấy những tâm hồn nặng trĩu.  Hơn nữa, quá nhiều người đang sống với tổn thương và thất vọng, họ chẳng thấy Thiên Chúa và Giáo hội là lời giải cho nỗi đau của mình, mà thậm chí còn là một phần gây nên nỗi đau đó.

 

Thế nên, khi rao giảng Lời Chúa, Giáo hội trước hết phải cam đoan với thế giới về tình yêu thương, sự quan tâm và sự tha thứ của Thiên Chúa.  Lời Chúa, trước hết là sự khuây khỏa cho chúng ta, thật sự là nguồn tối hậu của mọi khuây khỏa.  Chỉ khi nào thế giới biết đến sự khuây khỏa nơi Lời Chúa, thì thế giới mới đón nhận các thách thức kèm theo.


Và thách thức đó, trong mọi thách thức khác là dành chỗ cho Chúa Kitô trong nhà trọ, nghĩa là mở rộng lòng mình, nhà mình và thế giới mình sao cho Chúa Kitô có thể đến và sống ở đó.  Với khoảng cách 2000 năm, chúng ta dễ dàng phán xét gay gắt những người đồng thời với Chúa Giêsu đã không nhận ra thánh Giuse và Đức Mẹ đang cưu mang ai, đã không tạo một nơi xứng đáng để Ngài hạ sinh, đã không nhận ra Ngài là Đấng Thiên sai.  Sao họ có thể mù tối như thế?  Nhưng chính phán xét đó có thể áp dụng trên chúng ta.  Chúng ta đâu hẳn đã dành chỗ cho Chúa trong nhà trọ của mình.

 

Khi có một người mới sinh ra trên đời, thì người đó chiếm lấy một chỗ vốn trước đây chưa từng có ai.  Đôi khi, con người mới đó được chào đón nồng hậu, được có ngay một không gian yêu thương và được mọi người xung quanh mừng vui vì sự hiện diện mới này.  Nhưng không phải lúc nào cũng thế, đôi khi, như hoàn cảnh của Chúa Giêsu, người ta chẳng tạo một không gian yêu thương và cũng chẳng chào đón sự hiện diện mới này.

 

Thời nay chúng ta thấy chuyện này trong sự miễn cưỡng chào đón người nhập cư, một chuyện xảy ra gần như khắp thế giới và sẽ là lời phán xét sau này cho thế hệ chúng ta.  Liên hiệp quốc ước tính có 19,5 triệu người tị nạn trên thế giới, những người chẳng được ai hoan nghênh.  Tại sao lại không hoan nghênh?  Chúng ta đâu phải người xấu, và hầu như lúc nào chúng ta cũng có thể quảng đại rộng rãi vô cùng mà.  Nhưng để làn sóng nhập cư này tràn vào sẽ gây phiền toái cho cuộc đời chúng ta.  Cuộc đời của chúng ta sẽ phải thay đổi.  Chúng ta sẽ mất đi nhiều tiện nghi hiện thời, mất nhiều thứ vốn đã quen thuộc, và mất đi phần nào cảm giác an toàn.

 

Chúng ta không phải là người xấu, các chủ quán trọ hai ngàn năm trước cũng thế, họ không biết mình đang làm gì khi bỏ mặc, quay lưng với thánh Giuse cùng Đức Mẹ.  Tôi luôn có một lòng cảm thông dành cho họ.  Có lẽ bởi tôi, cũng đang vô thức làm hệt như họ.  Một người bạn của tôi thích nói rằng, “Tôi phản đối cho thêm người nhập cư vào… Vì tôi đã vào rồi mà!”

 

Bình an của Chúa Kitô, thông điệp tiềm ẩn và bối cảnh không êm đẹp trong việc Chúa Kitô xuống thế, nếu hiểu được, chắc chắn sẽ làm phiền chúng ta.  Và mong sao chúng cũng đem lại sự khuây khỏa sâu sắc cho chúng ta.

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim

30 - Joseph and Mary at Bethlehem 2.jpg

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay