Đi! Vì sao phải ra đi?

Đi! Vì sao phải ra đi?

Tác giả Huy Phương

Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Ðồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh. Nông dân vừa là động lực, vừa là lực lượng đông đảo, nòng cốt, và cũng là đối tượng vận động của cách mạng.”

Ðiều đó trước kia chưa chắc đã đúng mà bây giờ hóa ra sai bét!

Nông dân bỏ ruộng vì đói. Ngày trước, người ta tranh đấu để được chia ruộng để được cày bừa, giờ thì nông dân đua nhau trả ruộng để bỏ xứ đi làm mướn. Ði làm thợ hồ, mỗi ngày, một người kiếm được 180,000 đồng, mỗi tháng có chừng 5 triệu bạc. Làm ruộng bây giờ  thu nhập vài triệu một tháng, không đủ đong gạo ăn cả năm và nông dân mang nợ vì giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu… trăm thứ tốn kém, nếu lỡ chẳng may mất mùa thì mang nợ suốt đời, tơi nón đi ăn xin.

Chuyện “những cánh đồng 5 tấn” chỉ là chuyện xưa, tích cũ. Một năm hai vụ lúa, ruộng chỉ cấy một vụ, rồi bỏ hoang. Nông dân sống nhờ ruộng bây giờ lại có phong trào trả ruộng. Dọc sông Hồng, có những ngôi làng bị bỏ hoang vì nông dân đã bỏ làng ra đi.

Lớp thanh niên nông thôn, sau mười mấy năm, xong trung học phổ thông, đã tìm mọi cách đi khỏi làng. May mắn có khả năng thì vào đại học, không thì đi học nghề, lái xe taxi, hoặc theo nhóm bạn làng đi buôn ve chai, đồng nát, chạy xe ôm, đi làm công nhân… Miễn là chạy khỏi xóm làng, khi ruộng đồng không cho đủ hạt cơm bỏ vào miệng.

Thái Bình, Nam Ðịnh, phong trào “lên Hà Nội khai hoang” bộc phát, nghĩa là thoát ly ruộng đồng, không bao giờ quay lại quê hương.

Nhưng rồi cuộc sống ở quê nhà cũng không lấy gì làm tốt đẹp, lương 3 triệu không đủ ăn, chỉ có một con đường “xuất khẩu” đi lao động. Hết hợp đồng lao động rồi, về nước cũng khổ, đành trốn ra ngoài làm việc lậu, bị bắt và trục xuất về nước vì vi phạm pháp luật tại nước sở tại. Ở Nhật không xong, về nước không yên, lại tính đường du lịch Nam Hàn trốn ở lại để đi làm chui. Có cả một khu xóm, anh em, bà con đùm bọc che chở cho nhau mà sống tha phương như vậy!

 Cùng đường về nước rồi thì câu trả lời “làm gì sau khi về nước” là lại ra đi. Không đi lao động tiếp ở Nam Hàn được thì trở qua Ðài Loan theo diện du lịch 6 tháng. Làm hết 6 tháng về nước, sau đó lại quay lại vòng vòng như vậy, không biết bao nhiêu lần cho một cuộc đời vô định, nghĩa là phải đi. Ai đó trả lời giùm tôi: “Vì sao phải ra đi?”

Miền Trung không có phương tiện thì sang Lào, Kampuchea, cả Trung Quốc, những quốc gia chẳng giàu có gì hơn mình để kiếm miếng ăn.

Con người vốn quý? Nay con người như con tôm, con cá, con heo, củ khoai, nải chuối, con người cũng là loại “xuất khẩu”. Ðược “xuất khẩu,” mà lại phải lo lót, bán nhà vay nợ, mỉa mai tột cùng mà lại háo hức vui mừng, hãnh diện được đi làm “culi” xứ người.

Việt Nam ít ra tự vấn, phải đặt câu hỏi, sao công dân nước mình lại phải “tha phương cầu thực,” không giống một ai trên thế giới, rồi vì chuyện đi, chuyện trốn ở lại, mang tiếng xấu cho người Việt Nam.

Ra đi từ các tỉnh miền Bắc, công nhân phải trả một số tiền khoảng 300 triệu đồng để đổi lấy một công việc chân tay vất vả ở xứ người. Ðã vậy con người Việt Nam lại lừa đối, lường gạt nhau sang Nhật, Ðài Loan… rồi bỏ nhau giữa đường, không ngôn ngữ, không tiền bạc, không thân thích.

Người Việt ở Nhật lại giả danh kỹ sư để lừa gạt những sinh viên tu nghiệp mới tới Nhật, vì kỹ sư thì được ký visa dài hạn, nếu cưới vợ thì vợ cũng có quyền ở lại Nhật.

Ở quê hương mình, bây giờ nếu ai hỏi: “Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba? “

Một đứa trẻ ở Hải Phòng hay Nam Ðịnh có thể lớn lên với không khí ô nhiễm đầy những mưu toan, dự liệu, ấp ủ chuyện “đi,” dù đó là đi lao động, đi ở đợ, hay đi lấy chồng. Ở Hải Phòng có thành ngữ “làm hôn thê” ai cũng hiểu – thậm chí kể cả đi… bán thân. Còn như với chuyện tìm được những con đường mới để đi Tây Âu, Úc, Canada, Bắc Âu… là cả những chuyện xa vời, hơn cả một cõi thiên đường trong trí tưởng.

Một người trong nước đã viết những dòng khá đau xót: “Bạn bè tôi đã đi không phải vì hết sinh kế, cũng không phải vì nuôi ảo tưởng rằng ở nước ngoài sung sướng (tất cả đều ý thức rất rõ về sự vất vả của xã hội tư bản, và hiểu xã hội nào cũng có vấn đề riêng). Chỉ đơn giản là đi thì tốt hơn. Buồn bã, bặm môi mà đi, nhưng vẫn tốt hơn. Ðiều gì đã tạo ra thôi thúc này, và nếu không thể thực hiện trong đời mình, bao người đã truyền lại sự ước muốn đó cho đời con?”

Và ở một đoạn khác: “Lấy chồng Ðài Loan cũng đã trở thành con đường thoát. Chỉ còn đâu vài đứa trai làng buồn bã nhìn người bạn gái từ thời thơ ấu leo lên chiếc xe hơi với gã đàn ông Trung Hoa già nua, để lại đằng sau một đám bụi mù. Vài đứa may mắn, được nhà chồng cho ra ngoài đi làm, dành dụm một khoản tiền riêng gởi về, cha mẹ thay nhà mái tranh thành nhà ngói đỏ. Những bà mẹ nhà mái tranh khác, thúc giục đứa con gái vừa đủ tuổi đi ra khách sạn đứng xếp hàng!”.

Ði và trốn ở lại quả là một điều nhục nhã cho hai chữ Việt Nam. Người ta mới tiết lộ ra, chín người trong đoàn Quốc Hội CSVN do bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, đã bỏ trốn bất hợp pháp tại Nam Hàn. Sự việc xảy ra hồi tháng 12-2018 nhưng nay truyền thông Nam Hàn mới loan tin.

Phái đoàn của Quốc Hội VN sau khi làm việc tại Bunsan và Seoul để gặp mặt với Quốc hội Nam Hàn, hội kiến Tổng Thống Moon Jae In và tham gia diễn đàn Thương mại Ðầu tư Hàn-Việt, sau đó quay trở về Việt Nam từ sân bay Incheon, nhưng 9 thành viên trong đoàn đã vắng mặt trong chuyến bay hồi hương.

Chín người Việt trong phái đoàn này trốn ở lại là ai? Dân biểu, Bộ Trưởng hay một ai đó đã chạy tiền lo lót cho Chủ Tịch Quốc Hội “Kim Ngân phá luật lệ” để có một chỗ trong phái đoàn với âm mưu trốn ở lại?

Cả một phái đoàn Quốc Hội Việt Nam còn như vậy, ai còn dám ngẩng mặt nhìn thiên hạ nữa? Còn gì là quốc thể?

Tôi nhắc lại câu viết của Vũ Ðông Hà trong “Dân Làm Báo,” khi nói về hoàn cảnh của những thiếu nữ bán thân ở Ðài Loan: “Tôi rời Ðài Loan mang theo lời của Trang: ‘Anh nói tụi em khổ còn hơn nô lệ. Em thì thấy ở nhà còn khổ hơn.’ Lời nói ấy đã dẫn đến một bước ngoặt của một đời….” 

Và lời văn ông, như một câu thơ buồn:

“Những người đàn ông đã rời khỏi mảnh đất không còn gì để mà sống.

Những đứa con gái tới tuổi mười bảy, mười tám là bỏ cái làng không còn gì mơ ước để mà đi.”

Huy Phương

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay