TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT HƠN 100 NĂM TRƯỚC

TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT HƠN 100 NĂM TRƯỚC

(Nhận xét của một Đại úy Hải Quân Nhật hồi cuối thế kỷ 19)

Giới thiệu

Sone Toshitora (曾根 俊虎/ Tăng Căn Tuấn Hổ) (1847-1910) là một đại úy hải quân hoàng gia Nhật, những năm đầu 1880 được cử sang An Nam công cán. Ông là người lập ra Hưng Á hội để cổ vũ cho tư tưởng liên Á chống lại đô hộ của Pháp ở châu Á. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã tìm hiểu, cóp nhặt thông tin trên các báo và viết ra hai cuốn sách là “Nam phiêu ký sự” và “Pháp Việt giao binh kỷ lược”, xuất bản lần đầu tại Tokyo năm Minh Trị thứ 19 (1886), bằng chữ Hán. Vì chưa dám chắc về những quan sát của mình, trước khi xuất bản, tháng 6/1883 Toshitora đã đưa bản thảo 2 cuốn sách này cho một học giả Việt Nam lúc ấy là Nguyễn Thuật để nhờ hiệu đính và sửa chữa. Cuốn “giao binh kỷ lược” gồm 5 quyển, tổng hợp thông tin về tình hình chính trị Pháp-Việt trong đó có dành một số trang của chương đầu tiên giới thiệu về tính cách, phong tục, con người Việt Nam. Sách này đã được ông Phan Khôi trích dịch và đăng trên tạp chí Sông Hương, Huế, năm 1937, gần đây nhiều trang tin có đăng lại. Dưới đây xin trích một vài đoạn mà Toshitora ghi chép và nhận xét về người Việt Nam để chúng ta có cơ sở hình dung xem người An nam cách đây hơn một trăm năm qua góc nhìn một người nước ngoài như thế nào.

Thể chất

Người An Nam “thân thể gầy còm, tinh thần bạc nhược, tuy có khi sấn sướt làm mình ra mạnh mà rồi cũng trở nên biếng nhác tức thì. Có lẽ tại họ không có lòng kiên nhẫn. Bởi vậy, những việc khó nhọc lắm và phải làm lâu lai thì họ ắt không kham”.

“Người An Nam đa phần nhỏ thó, cái mặt tẹt, cái tai phẳng, cái mũi thấp, con ngươi đen, hơi giống người Tàu. Da hơi đen, có lẽ là bởi những người đó làm ruộng và dang nắng. Chứ còn như những người sang và các cô gái trẻ thì da cũng có trắng. Tuy vậy, đại để An Nam không có người đẹp. Người nào da trắng thì trắng như sáp, còn đen thì như đồng đen. Cũng có người da hơi vàng, giống người Mông Cổ. Con trai con gái hồi còn trẻ tuy cũng có vẻ đậm đà dễ coi, nhưng sau khi có vợ có chồng rồi thì tuồng mặt đổi hẳn, không còn được như trước nữa. Cũng có nhiều kẻ tốt tóc, nhưng ngoài hai mươi tuổi thì tóc đã trở nên xác xơ, không láng ngời nữa. Họ thường búi tóc. Kẻ nào ưa làm dáng thì hay búi bằng chang, con trai con gái đều như vậy.

Phục sức

“Về y phục, đồ mặc thường của họ quá chật. Nhưng, đàn ông mặc như thế thì được tiện và nhanh nhẹn. Đàn bà, áo dài hơn đàn ông, may bịt bùng hết, không có chỗ hở da. Đó là vì ngừa thói dâm của phụ nữ mà khiến họ có sự bất tiện. Lễ phục thì hai tay áo dài và rộng”.

“Đàn ông, đầu đội khăn; đàn bà dùng cái nón lớn để che nắng che mưa. Dân thường thì dùng một miếng vải nhỏ che trên đầu; khi đi ra đồng, đội nón lá; còn miếng vải nhỏ, vắt trên vai để thay khăn tay. Đó là điều không giống với nước nào hết.”

“Đàn ông đàn bà đi ra ngoài đều đi chân không. Duy có ông già cùng người đàn bà khá giả thì có mang giày, mà giày thì ngắn, khi mang vào, thường để hai gót ra ngoài, cho nên dáng đi cũng xấu xí. Từ ngày có người Pháp đến ở trong nước, người An Nam nào có thông hôn với người Pháp thì có đi giày đen và tất trắng”.

Tính cách

“Người An Nam không thiếu người có tài có trí. Họ có tánh giỏi nhớ, tuy chưa thể vào sâu trong mọi sự, chứ được cái học mau biết. Người Pháp đến An Nam mới mười năm nay mà người An Nam học tiếng Pháp cũng đã đủ dùng, nói chuyện thường không đến nỗi ngập ngợ; vả lại viết bằng chữ Pháp cũng được nữa.

Họ không phải là không dũng khí. Nếu cai trị có phương pháp, lấy pháp luật mà chỉnh tề, lấy đạo nghĩa mà cố kết thì sự dũng cảm của người An Nam được việc lắm, sẽ không có người nước nào ở Đông phương này bằng họ được. Nay vì sự cai trị lỗi phương, trên dưới không noi đường chính, cho nên lòng người tàn bạo và khinh bạc thật hết chỗ nói. Coi như giữa chỗ pháp trường, người An Nam đến coi tuy thấy sự thảm khốc trước mắt mà họ vẫn đứng hút thuốc tự nhiên, không hề có vẻ thương xót. Như thế là vô tình quá lắm, chứ có phải dũng gì đâu!

Người An Nam ưa giữ theo tục cũ những mấy trăm năm về trước. Sự ấy đã thành ra thói quen, không sao chữa được. Nhưng có một điều đáng quý là biết kính người trên và giữ pháp luật. Từ khi có giao thiệp với người Pháp, họ dần dần bỏ mất cái tính vâng lời ngoan ngoãn ấy đi mà lại cho mình như thế là khai minh tiến bộ thì thật đáng tiếc. Tuy vậy, những người Pháp ở An Nam lại còn ngang ngạnh quá người bản xứ nữa, người An Nam có thế nào cũng còn là hơn họ. Đối với người Pháp, người An Nam tuy có vâng lời cũng chỉ bề ngoài thôi, chứ thật ra thì ai nấy đều “dạ trước mặt, trỏ cặc sau lưng” vậy”.

“Người bản xứ hay đổi nghề. Có thể bảo họ là “vô hằng tâm”. Người nào thấy một việc gì trúng ý mình thì nôn nả làm liền, lúc đầu dù có nhọc nhằn mấy cũng ráng chịu. Đến vài tháng hoặc vài năm, đã thấy lộ vẻ biếng trễ rồi, rốt cuộc công việc phải bỏ dở. Khi bỏ rồi, thấy không có nghề làm, lại muốn trở lại nghề cũ. Cái thói ấy, người Pháp muốn trừ đi cho họ, nhưng vì mới đến ở, chưa có thể được.

Phụ nữ An Nam có tài gánh gồng buôn bán ở các nơi phố chợ. Còn chồng họ thì ở nhà uống rượu nói chuyện với bạn bè hàng xóm, ngồi không mà hưởng của vợ làm ra. Cái thói ấy cho đến ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn. Trẻ con mất dạy. Chúng nó cũng có học, nhưng chỉ học qua loa những sách dễ dễ của người Tàu. Người lớn không biết cách chỉ bảo trẻ con. Chúng có lỗi cũng không hay răn phạt. Bởi vậy trẻ con đều hung tánh, đến lúc lớn cha mẹ đối với chúng cũng chịu phép.

Người An Nam không có ý nỗ lực tấn tới, mà lại còn không biết biện biệt sự lợi hay hại, nên hay hư. Việc buôn bán trong nước, họ đều phó cho người Tàu, không ngó ngàng đến. Người Tàu ở đó hay rủ nhau hùn vốn lập công ty để buôn. Buôn có lời, họ lại chia ra và lập thêm công ty khác. Còn người bản xứ thì sẵn tánh khinh bạc, hay nghi ngờ nhau, chống báng nhau, không lập công ty được; cho nên mối lợi trong nước đành phải để cho người Tàu tóm thâu. Người trong nước ưa lấy sự trá ngụy để lừa dối nhau, không ai tin ai được cả. Rất đỗi bà con quen thuộc cũng không có thể tin cậy nhau được. Đây thử cử ra một sổ vay nợ để làm chứng: Người cho vay đặt ra quy điều để ngừa giữ rất nghiêm nhặt, nhưng thường không khỏi bị gạt. Vì họ cho vay ăn lời nặng quá, có khi số lời gấp đôi số vốn, thì dễ gì mà trả được? Té ra sự gạt nợ cũng tại chủ cho vay tự mình chuốc lấy”.

ST

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay