NHỮNG “CON QUỶ ĐỘI LỐT NGƯỜI” TRONG TRẠI LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC NỮ TỈNH SƠN ĐÔNG, TÀU CỘNG

CHUYỆN CHINESE KLEPTOCRACY

BÀI 448: NHỮNG “CON QUỶ ĐỘI LỐT NGƯỜI” TRONG TRẠI LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC NỮ TỈNH SƠN ĐÔNG, TÀU CỘNG

Khi cầm trên tay một món hàng giá rẻ xuất xứ Tàu, rất có thể bạn đang chạm tới phần nổi của một tảng băng tội ác chìm khuất phía sau. Từ lâu, dư luận thế giới đã biết đến việc lạm dụng lao động tù nhân được chế độ ĐCS Tàu bảo hộ nhằm tạo ra những mặt hàng giá rẻ có tính cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ít nhiều người ta vẫn cho rằng “tù nhân” là những tội phạm có việc làm sai trái, và giọng điệu “lao động gột rửa tội lỗi” của chính quyền Bắc Kinh đã lấp liếm đi tính chất tà ác của những trại lao động cưỡng bức này. Sự thực là, rất nhiều người bị giam giữ trong các trại cưỡng bức lao động ở Tàu là những công dân lương thiện, như các học viên Pháp Luân Công, tín đồ Công giáo, người Duy Ngô Nhĩ. Họ bị tước đoạt tự do chỉ vì tư tưởng của họ không phù hợp với lý luận của ĐCS Tàu.

I- TỘI ÁC KINH HOÀNG TRONG TRẠI LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC NỮ SỐ 2 TỈNH SƠN ĐÔNG

Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, Trại Lao động Cưỡng bức Nữ số 2 tỉnh Sơn Đông đã trở thành một nơi chuyên giam giữ các học viên Pháp Luân Công. Báo cáo từ Minh Huệ Net cho biết có hơn 1.000 học viên Pháp Luân Công bị giam trong 7 khu của trại lao động vào năm 2001. Các lính canh của trại lao động đã được huấn luyện để tra tấn, lừa gạt và tẩy não các học viên bằng các thủ đoạn đen tối và ác độc. Kết quả là, một số học viên đã bị bức hại đến chết, trong đó nhiều người trở nên tàn tật, rối loạn tinh thần và bị bệnh nặng.

Pháp Luân Công là một môn khí công Phật gia tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Tân Hoa Xã, tờ báo chính thức của ĐCS Tàu tuyên bố: “Thực tế, cái gọi là nguyên tắc ‘Chân, Thiện và Nhẫn’ được giảng bởi ông Lý Hồng Chí (người sáng lập Pháp Luân Công) chẳng có gì chung với sự phát triển văn hóa và đạo đức xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang cố gắng đạt được”. Bởi lẽ đó, các học viên Pháp Luân Công tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ số 2 tỉnh Sơn Đông bị buộc phải tham gia các phiên tẩy não nhằm ép buộc họ từ bỏ đức tin, hoặc lao động không công từ 5:30 sáng đến 21:30 tối.

Đôi khi, họ phải làm thêm giờ đến quá nửa đêm, thậm chí đến 2:00 sáng, họ buộc phải ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ liên tục trừ thời gian ăn cơm, đi vệ sinh hoặc làm những công việc lao động mà bắt buộc phải đứng. Các học viên từ chối từ bỏ đức tin bị tra tấn bằng nhiều cách thức khác nhau, chẳng hạn như cấm ngủ trong thời gian dài đến hơn 40 ngày, biệt giam, còng tay, sốc điện bằng dùi cui, hạn chế sử dụng nhà vệ sinh và tắm rửa, đứng trong thời gian dài, ngồi xổm hoặc úp mặt vào tường, bị treo lên hoặc bị trói chặt.

II- CÂU CHUYỆN THƯƠNG TÂM VỀ CÔ TRẦN CHẤN BA

Cô Trần Chấn Ba (SN 1962, Kế toán viên Công ty hạt giống Jinhua, tỉnh Sơn Đông) từng bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ số 2 tỉnh Sơn Đông một năm rưỡi. Cô bị chính quyền ĐCS Tàu bắt cóc vào ngày 25-12-2008 trong lúc đang phát tờ rơi về Pháp Luân Công. Trong những nỗ lực để “chuyển hóa” cô Ba, các viên chức trại lao động đã tra tấn tinh thần và thể xác cô đến tàn tật. Sau đây là trích đoạn từ tự thuật của cô Trần Chấn Ba trên Minh Huệ:

1- CÁC LÍNH CANH ĐÃ LÉN LÚT BỎ THUỐC VÀO LƯỢNG THỨC ĂN ÍT ỎI CỦA TÔI

Trong hai tháng bị tra tấn tàn bạo ba lần, và bị còng tay vào một cửa sổ trong bảy ngày, các viên chức trại đã cung cấp một lượng thức ăn ít ỏi mà chỉ đủ duy trì cho tôi sống qua ngày. Hầu như mọi ngày họ chỉ cho tôi một bữa ăn, nhưng thỉnh thoảng tôi bị bỏ đói trong nhiều ngày. Khi bánh bao và vài cọng rau được chuyển đến nhà vệ sinh hoặc nơi tôi bị giam, những người giám sát (các tù nhân được giao nhiệm vụ trông chừng tôi) chỉ cho tôi một miếng bánh nhỏ, và họ ăn rau.

Tôi chỉ còn da bọc xương trước khi bị còng tay vào một cửa sổ. Tôi cảm thấy rằng họ đã thêm một vài thứ lạ vào thức ăn của tôi vì tay chân tôi chuyển thành màu xanh, hai môi tôi bị sưng lên, và đầu tôi quay cuồng sau mỗi lần tôi ăn gì đó. Toàn thân tôi bị sưng tấy chỉ trong một đêm. Tôi cảm thấy như mình sắp chết. Tôi nói với tù nhân Vương Phó Cầm rằng các lính canh chắc chắn có ý đồ muốn đầu độc cho tôi chết.

Sự nghi ngờ của tôi đã được xác nhận không lâu sau đó. Một lần tôi yêu cầu được ăn bánh xoắn bột (một loại bột chiên kiểu Tàu), ngay sau khi ăn vào, tôi cảm thấy bị tê liệt, sưng tấy, và mất hết sức. Mặt, hai bàn tay, và chân của tôi trở nên thâm tím sau nhiều ngày. Tôi cảm thấy hai môi, lỗ mũi cũng bị sưng, và khó thở. Đôi chân bị sưng tấy của tôi không thể xỏ dép. Người chung xà lim với tôi là Lưu Hải Lan, một người phạm tội trộm cắp bị kết án, đã ăn hai cái bánh xoắn của tôi và cũng bị tình trạng tương tự.

2- CÁC LÍNH CANH ĐÃ CẤM TÔI TẮM RỬA TRONG THỜI GIAN DÀI

Tôi bị cấm tắm rửa trong 117 ngày, từ ngày tôi bị bắt là 25-12-2008 đến khi kết thúc lần thứ hai bị đánh đập tàn bạo vào ngày 19-4-2009. Người tôi rất hôi và bẩn.

Một ngày vào tháng 6-2009, (phó trại) Triệu Lệ Lệ đột nhiên đồng ý cho tôi tắm rửa và ra lệnh cho Vương Thiến mang nửa chậu nước đến. Nhưng trước khi tôi có cơ hội lau chùi thân thể, Từ Kính tuyên bố rằng thời gian đã hết. Cô ta đá vào chậu làm nước văng tung tóe khắp phòng.

Khi lần đánh đập thứ ba kết thúc vào giữa tháng 8-2009, Triệu Lệ Lệ nói rằng tôi có thể gội đầu. Tù nhân Tiết Liên Hỉ đã mang đến một nửa chậu nước, chỉ để cho Từ Kính hất đổ. Đêm thứ hai Từ Kính chỉ cung cấp đủ nước để tôi lau chùi phần trên thân thể. Trong một năm rưỡi bị giam, họ không bao giờ cho tôi tắm rửa trong nhà vệ sinh hay nhà tắm, cũng không cho phép tôi giặt quần áo bẩn. Quần lót của tôi rất dơ trong những lần có kinh nguyệt. Tôi không có sự lựa chọn nào ngoài việc đổi quần lót với những người đã được thả ra.

Tù nhân Hầu Bảo Cầm đã đổi quần dài của cô với tôi khi một người giám sát ra ngoài trong chốc lát. Khi tôi cởi quần dài ra, lớp da rơi ra khỏi chân tôi hình thành một lớp dày trên sàn nhà. Một ngày mùa đông năm 2009, khi tù nhân và người giám sát Trương Hiểu Lệ đang ngủ, tôi vặn vòi nước để gội đầu. Âm thanh đã đánh thức cô ta dậy, và cô ta đã tố cáo tôi với Hạ Lệ. Khi quay trở trở lại, cô ấy đã tắt vòi nước khi tóc tôi vẫn còn đầy xà phòng.

Khi tôi yêu cầu được gội đầu vào ngày trước khi được thả ra, Hạ Lệ lúc đầu đã từ chối nhưng đã thay đổi ý định khi máy quay phim của cô ta đã sẵn sàng. Hóa ra cô ta và Tống Mẫn đã bí mật quay phim khi tôi đang gội đầu. Tôi nhấn một tay ở đáy chậu để làm điểm tựa, và dùng tay kia để xoa tóc. Thỉnh thoảng tôi xoa đầu bằng cả hai tay.

Sau khi trở về nhà và bị tàn tật, chồng tôi đã nộp một đơn khiếu nại đến Cục giáo dục lao động cưỡng bức tỉnh Sơn Đông, sau đó họ đã gửi một đội điều tra đến trại lao động. Sau năm ngày ở đó, đội đã đi đến kết luận rằng tôi không bao giờ bị đánh đập, và tôi không bị tàn tật. Bằng chứng họ dùng để chứng minh cho kết quả điều tra là cuộn phim bí mật ghi hình tôi khi tôi đang gội đầu bằng cả hai tay.

3- CÁC LÍNH CANH RA LỆNH CHO TÔI PHẢI LAO ĐỘNG NẶNG BẤT CHẤP VIỆC TÔI BỊ TÀN TẬT

Khi tôi đến trại lao động vào tháng 1-2009, mọi người phải thức dậy vào lúc 5 giờ 30 phút sáng và chỉ có ba phút để rửa mặt và đánh răng. Thông thường chúng tôi làm việc 16 giờ mỗi ngày, chỉ với năm phút ăn trưa và hai phút đi vệ sinh. Thỉnh thoảng chúng tôi phải thức cả đêm để hoàn thành công việc đúng thời hạn. Thời khóa biểu này không thay đổi đến tận tháng 10-2009 khi có đợt thanh tra trại. Nhưng lịch làm việc mới với 8 giờ chỉ kéo dài một vài ngày. Ngay sau khi thanh tra rời đi, chúng tôi phải làm việc 12 giờ một ngày.

Khối lượng công việc nặng nhọc như vậy dẫn đến chấn thương lưng cho những người lớn tuổi, và làm biến dạng ngón tay của những người trẻ hơn. Từ lúc chúng tôi làm việc trên những sản phẩm điện tử có chứa chất độc, hơn hai phần ba số người bị ngứa da với những chỗ sưng đỏ. Chung Ngọc Hoa, một trong những tù nhân bị hen suyễn, thở rất khó khăn, và mặt của cô bị sưng tấy.

Sau lần thứ hai bị tra tấn tàn bạo, xương sống, xương sườn, đốt sống thắt lưng của tôi đã bị thương. Xương sống của tôi đã bị trật ra so với đầu của tôi nữa, luôn bị lệch sang trái. Răng của tôi cũng không thẳng hàng, và rất khó cho tôi nhai và nuốt. Tôi đặt một cuộn giấy vệ sinh giữa vai và đầu để nâng đầu. Hầu như trong một năm, đầu tôi bị nghiêng như thế cho đến khi tôi phải nằm xuống và không thể đứng dậy.

Lính canh vẫn cho người giám sát tôi khi tôi bị liệt nửa người. Họ đánh tôi khi tôi từ chối lao động nặng. Vì tay trái của tôi mất cảm giác và không làm việc được, tôi phải giữ sợi chỉ trong răng trong khi dùng tay phải để làm việc. Khi tôi không hoàn thành công việc, chắc chắn họ sẽ buộc tôi thức khuya để hoàn thành nhiệm vụ. Sau hai tháng đau khổ đến kiệt sức như vậy, tất cả xương của tôi đều đau, và tôi thường xuyên bị bất tỉnh. Lúc đầu, tôi di chuyển xung quanh bằng cách dựa vào một cái ghế nhỏ. Sau đó hai người phải khiêng tôi đi xung quanh. Cuối cùng tôi hoàn toàn không thể di chuyển và nằm trên một tấm bảng gỗ trong năm tháng. Lúc được thả ra, Hạ Lệ, Lý Tú Vân và hai lính canh khác đã bọc tôi vào một cái chăn và mang tôi ra khỏi trại lao động.

III- ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Cô Trần Chấn Ba cho rằng lý do cô không bị chết trong trại lao động là vì việc cô bị tra tấn đã được phơi bày trên Minh Huệ Net nhiều lần cũng như áp lực từ phía gia đình cô, trong đó có người thân ở hải ngoại đang làm trong những tổ chức quốc tế nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như cô Ba.

Ông Âu Tư Văn (SN 1943), nhân viên đã nghỉ hưu của nhà máy cơ khí quân đội Phong Lôi thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu, đã bị tra tấn đến chết trong Trại cưỡng bức lao động Trung Bát, tỉnh Quý Châu.

Ông Trương Khánh Quân (SN 1949) bị tra tấn đến chết trong Trại lao động cưỡng bức Ẩm Mã Hà ở Cửu Đài, tỉnh Cát Lâm.

Bà Hầu Hữu Phương (SN 1955), giảng viên trường trung học Tây Pha, tỉnh Cam Túc, bị bức hại đến chết trong Trại cưỡng bức lao động Bình An Đài, tỉnh Cam Túc. Xương tay, chân bà đều bị gãy, và bà bị xuất huyết nội rất nặng.

Đó chỉ là vài trong số các trường hợp bị tra tấn và bức hại đến chết được báo cáo trên Minh Huệ Net. Các trại lao động cưỡng bức đã gây ra bao tội ác kinh hoàng cho đến tận năm 2013 khi hệ thống này bị giải thể ở Tàu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp lao động cưỡng bức vẫn tồn tại. Ông Uông Chí Viễn, Giám đốc Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPF) cho biết trên tờ The Epoch Times rằng, các trại lao động cưỡng bức này chỉ đơn giản là đổi tên và sáp nhập vào hệ thống nhà tù, như thể “bình mới rượu cũ”.

(Thanh Ngọc – DKN 30/10/2020)

Image may contain: 1 person, sitting
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay