Khi người tài làm Bộ trưởng Giáo dục chỉ 4 tháng thì làm được gì?

 
Image may contain: 1 person, sitting

Khi người tài làm Bộ trưởng Giáo dục chỉ 4 tháng thì làm được gì?

Người trong hình là giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và mỹ thuật của chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945. Thành tựu của cụ trong 4 tháng làm Bộ trưởng ngắn ngủi là làm ra cho nước ta chương trình trung học đầu tiên dạy bằng Việt ngữ . Cụ cũng là người làm ra cuốn sách các danh từ khoa học bằng tiếng Việt đầu tiên giúp người Việt có các từ này để sử dụng tới bây giờ.

Cụ Hoàng Xuân Hãn sinh năm 1908, quê làng Yên Hồ, huyện La Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thuở nhỏ cụ học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà. 18 tuổi, cụ đậu bằng Thành chung, ra HN học trung học tại trường Bưởi, sau đó 19 tuổi cụ chuyển qua học Toán ở trường Lycée Albert Sarraut. Một năm sau, cụ đỗ thủ khoa tú tài toàn phần Pháp và nhận học bổng qua Pháp học. Cụ theo học tại trường Bách khoa Paris, sau đó học trường École Nationale des Ponts et Chaussées (Trường Cầu đường Paris). Từ năm 1934 đến năm 1936 Hoàng Xuân Hãn trở lại Pháp sau 4 tháng về nước, học và đậu cử nhân toán 1935 và thạc sĩ toán 1936 tại khoa Toán trường Đại học Sorbonne.

Học cao hiểu rộng, năm 1936 cụ về nước dạy trường Bưởi, hoàn tất cuốn Danh từ khoa học đầu tiên của VN, “một công trình rất đặc sắc để “khai đường mở lối” cho nền học thuật bằng tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Năm 1942, sách ra đời. Năm 1943, Hội Khuyến học Nam kỳ (SAMIPIC) tặng giải thưởng” ( theo giáo sư Nguyễn Đình Đầu)

Năm 1945, cụ được mời là Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật đầu tiên của chính phủ Trần Trọng Kim.

Vừa nhậm chức, nhận thấy chương trình trung học ở ta khi đó còn dạy theo lối Pháp, giáo sư Hoàng Xuân Hãn liền họp các giáo sư trung học và yêu cầu lập chung một chương trình có tính cách hoàn toàn quốc gia Việt Nam.

Cụ kể lại” Tôi tự đặt ra một số nguyên tắc mới, mà sau này chính chương trình Trung học Pháp cũng theo (như vượt lên về toán, lý, hóa, bỏ chia trung học ra hai phần . . . ). Chính tôi đã đặt ra những từ: Phổ thông và Chuyên khoa. Nhất là như tôi đã nói, tôi thấy về văn học ta thiếu những người học sâu về cổ văn, để hiểu và dạy quốc văn nghiêm túc, và nhận văn bản đúng hay sai. Vì lẽ ấy tôi đã đặt Ban chuyên khoa cổ văn như trong các chương trình Âu châu. Trong những người có công lớn trong việc cải cách, có Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Bảo, Đoàn Nồng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Nguyễn Dương Đôn… Cuối tháng 6, lần đầu mở kỳ thi trung học bằng tiếng Việt tại Huế. Những bài làm rất tốt, kể cả bài thi triết học. “.

Chương trình trung học của Hoàng Xuân Hãn được các Bộ Giáo dục VNDCCH và VNCH áp dụng rất lâu. Mà nơi lâu nhất là VNCH dùng tới 1972. Các chương trình sau đó có cải cách nhưng vẫn nằm cơ bản trong nền tảng của chương trình này.

Sau ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ nhiệm, Hoàng Xuân Hãn trở về dạy và viết sách toán bằng tiếng Việt, cùng cứu vãn những sách cũ, sách cổ bị đưa bán làm giấy lộn khắp đường phố Hà Nội. Sau 1945, ông tham gia phong trào diệt giặc dốt và nghĩ ra phương pháp học chữ Quốc ngữ rất mau, viết trong 1 cuốn sách của ông. Cuốn sách này đã giúp người mù chữ chỉ sau 3-6 tháng thì đọc thông viết thạo.

Nhận xét về giáo sư Hoàng Xuân Hãn, giáo sư Nguyễn Đình Đầu viết: Ông đã có công lớn trong việc dùng tiếng Việt và chữ Việt ở mọi cấp bậc học ở nước ta: Chúng ta không còn phải mượn tiếng người, chữ người nữa, tiếng Việt là vấn đề khỏi bàn, còn chữ Việt đây là chữ Quốc ngữ La tinh hóa. Ông đã mổ xẻ Quốc ngữ ra từng chữ i chữ tờ rồi đề nghị mở rộng cách ghi âm Quốc ngữ làm cho tiếng Việt phong phú hơn, đặc biệt về mặt khoa học.

Ông rút kinh nghiệm của cả Tàu lẫn Nhật. Ông dịch các danh từ khoa học thông thường như Tàu. Ông phiên âm các danh từ khoa học chuyên môn như Nhật. Song với chữ Quốc ngữ La tinh hóa, thì việc Phiên âm các danh từ khoa học chuyên môn – mà đa số là tiếng La tinh rồi – được thuận tiện hơn tiếng Nhật và chữ Nhật nhiều. Từ dạng chữ đến cách đọc Việt Nam sẽ rất gần với cách ghi âm và phát âm quốc tế. Ông lại phục sinh nền quốc học và cho gắn liền với chương trình giáo dục. Việc đào tạo nhân cách Việt Nam phải bắt đầu bằng tiếng ta, chữ ta, văn hóa ta. Ông không chỉ sáng tạo Danh từ khoa học, chỉ đặt Chương trình Trung học, mà còn trước tác rất nhiều công trình khoa học có giá trị lớn để làm mẫu mực cho việc giáo dục và quốc học nước ta. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có công lớn lắm vậy.”

Cụ Hoàng Xuân Hãn năm 1951 quay lại Paris sinh sống và học tiếp để trở thành kỹ sư nguyên tử. Cụ tiếp tục nghiên cứu về văn hóa VN. Năm 1996, cụ mất tại Paris. Tháng 8 năm 2011, Trường Đại học Ponts et Chaussées (Trường Cầu đường Paris), một trong những đại học có uy tín hàng đầu của Pháp đã chọn giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt tên cho giảng đường đại học thuộc trường. Trước đó, nhân kỷ niệm 100 năm truyền thống Trường Cầu đường Paris, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được Nhà trường vinh danh là một trong 100 sinh viên tiêu biểu nhất trong lịch sử của Trường.

Thật kính trọng tài năng và đức độ của cụ. 4 tháng của cụ vô cùng ý nghĩa, hơn cả chán vạn kẻ làm bộ trưởng mấy nhiệm kỳ mà chả làm ra cái gì ra hồn, có khi còn làm cho giáo dục càng ngày càng tệ hại hơn.

Fb Nguyễn Thị Bích Hậu     

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay