Đạo đức Hồ Chí Minh: Từ Cát Hanh Long tới Lê Đình Kình.

Than Ngoc Pham

Đạo đức Hồ Chí Minh: Từ Cát Hanh Long tới Lê Đình Kình.

Khi nói tới cái chết của ông Lê Đình Kình nhiều người liên tục nhắc tới những đóng góp mà ông Lê Đình Kình đã bỏ ra suốt cuộc đời, hay đúng hơn là 58 năm tuổi đảng. Cái chết của ông dễ làm người ta liên tưởng tới một cái chết khác cách đây gần 70 năm khi cuộc Cải cách ruộng đất bắt đầu thì bà Nguyễn Thị Năm, tức bà Cát Hanh Long là người đầu tiên bị đấu tố và tử hình.

Ông Kình và bà Năm giống nhau ở điểm: Ông Kình bỏ ra gần 60 năm phục vụ cho Đảng, tức bỏ công sức cả đời ra cho tổ chức mà ông theo đuổi. Bà Năm bỏ gần hết cơ nghiệp gia đình ra để ủng hộ Việt Minh, tiền thân của Đảng hiện nay. Với số vàng và tài sản đóng góp kể cả bao che cho những cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh…..bà Nguyễn Thị Năm được xem là có công với cách mạng nhưng cái công đó bị chính ông Hồ Chí Minh khước từ. Ông Kình cũng bị khước từ những đóng góp suốt đời để nhận hậu quả là cái chết giữa đêm khuya.

Ông Hồ Chí Minh của quá khứ và ông Nguyễn Phú Trọng của hiện tại có khác gì nhau? Bởi một điều chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng phải được báo cáo xin chỉ thị trước khi hành quân hạ sát ông Kình, Thế nhưng không có văn bản nào có chữ ký của ông Trọng giống như ông Hồ Chí Minh không bao giờ ký vào bản án bà Nguyễn Thị Năm. Hai cái chết đều không có chữ ký của cấp cao nhất nước nói lên sự phủi tay trước trách nhiệm cần có, vậy thì có đạo đức không?

Lịch sử luôn lập lại nhưng lần này có lẽ là lần sau cùng một chính quyền luôn luôn chiến thắng dân sẽ khó mà ăn ngon ngủ yên như gần 70 năm trước bởi giờ đây người dân đã kịp trang bị cho mình kiến thức thật sự từ mạng lưới toàn cầu, họ không còn dễ dàng cả tin vào những người đầy tớ mà chất phản phúc lúc nào cũng lộ ra trên những chiếc khăn tay chậm nước mắt sau khi giết chủ.

Canhco/RFA

Riley Galang

Câu chuyện Đồng Tâm: Đúng, sai? Có cần thiết phải xử lý như vậy không?

Chính quyền đúng hay người dân đúng trong việc giành chủ quyền vài chục hecta đất ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội? Thật sự tôi cũng không tỏ tường. Bởi để rõ ai đúng ai sai phải có một trọng tài phân xử, dựa trên tài liệu, pháp luật thanh minh. Bên đại diện cho nhà nước là công an, quân đội, tư pháp, chánh quyền. Bên đại diện cho người dân Đồng Tâm là các luật sư, họ mới được đọc hồ sơ, am hiểu luật pháp. Hai bên phải tranh luận sòng phẳng để đến được kết luận bên nào đúng, bên nào sai. Ở đây, tiếng nói chỉ được nghe từ phía chính quyền. Còn phía luật sư thì không được tranh luận. Vậy sao hiểu được ai đúng ai sai? Biểu rằng, mấy chục hộ dân ĐT đúng thì e quá cảm tính. Biểu rằng, chính quyền nói chính quyền đúng, phải nghe, thì quá độc tài!…

Thôi thì cứ cho là dân sai, và đặc biệt là cụ ông đảng viên cọng sản trên 80 tuổi, người cầm đầu vụ tranh chấp, là sai. Thì việc bắt cụ, đánh gãy chân là đúng hay sao? Và việc đưa công an súng ống đầy đủ, rạng sáng 09/1/20 đồng loạt tấn công nhà ông Kình, bắn chết ông và vì vậy mà 3 cậu sĩ quan công an “sụp hầm” chết là có cần thiết hay không?

Cứ cho là dân ĐT sai, họ đã lấn chiếm trái phép đất quân sự ở đồng Sênh. Họ đã xây dựng nhà ở trái phép trên đất đó. Thì, việc sai trái này chắc đã diễn ra từ rất lâu rồi. Cụ thể là họ đã mấy đời sinh ra lớn lên từ đây. Mà cái sai đó nếu đã không được chính quyền “hợp thức hoá” thì họ đâu có ăn ở bình yên trên đất đó được đã bấy lâu nay. Vậy cái sai là bởi chính quyền. Chính quyền những năm nào thì cũng là chính quyền của nước CHXHCNVN, cũng do một đảng CS lãnh đạo thôi mà. Vậy đảng cũng có sai chứ đâu mỗi dân sai?…

Và trong hiến pháp “đất đai là sở hữu toàn dân”, thì dân có “vặt” một ít đất xây nhà cày ruộng thì cũng giống như bánh trái trong nhà là để các con, rủi có thằng nào “ăn vụng” vài cái bánh thì hắn cũng lỡ nuốt vào bụng rồi, móc họng, moi bụng ra cũng chẳng để làm gì, sao không phạt con bằng cách khác, như sẽ không cho con ăn thêm chè, thêm trái???

Chính quyền có trong tay 362 ngàn ki lô mét vuông đất ( là tôi được học thuộc lòng từ lớp tiểu học, bây giờ còn bao nhiêu tôi không biết). Nay muốn giao vài trăm hecta đất cho công ty quốc phòng làm nhà máy, thì trấu cha chỗ, cần chi phải đến Đồng Tâm. Và nếu cần thiết phải đến ĐT thì “hẹm” đi vài ngàn mét vuông trong cả trăm hecta thì cũng chả “bỏ bèn” gì, chẳng ảnh hưởng gì đến dây chuyền, công nghệ sản xuất…Có cần thiết phải ngay lập tức lập lại trật tự nghiêm minh bằng cả một lực lượng võ trang an ninh hùng hậu của chính quyền như trong thời chiến???

Sao không khoanh vùng lại, tạm thời để đó. Phần xây thì cứ xây. Phần đất tranh chấp thì chỉ đạo cho chính quyền địa phương. Tuyệt đối không được mua bán, đổi cho. Không cấp phép xây dựng trên đó….Sống trên miếng đất mà biết rằng đang bị “bất hợp pháp”, không mở mang, bán mua được, sở hữu mà như vô sở hữu, thì đến hết đời con ông Kình, họ cũng chán mà dọn đi nơi khác, cần gì phải “đánh úp”, tấn công?…

Rồi bắt bớ, giam cầm 29 người dân, rồi đưa ra toà với những khuôn mặt sứt sẹo, ánh mắt thảng thốt hoảng sợ, những hình hài người dân xiêu vẹo…, phỏng được lợi ích gì. Rồi kết án tử hình! Bao nhiêu quan tham đã ăn không biết bao nhiêu hecta đất, hại không biết bao gia đình, để họ sống mà như chết, tham ô cả ngàn tỷ đồng, đã biết, sao không bắt, không nhốt, không tử hình. Giết hai người con cụ Kình, liệu có đáng cho sự nghiệp dài lâu của một đảng mà ông Hồ hằng mong ước là được sống mãi trong lòng dân???

Tối 15/9, mở ti vi thấy tin toà Đồng Tâm, chừng như cô phát thanh viên cũng chẳng đặng đừng phải thông báo tin trên, khuôn mặt cô cũng thoảng một nét buồn. Và lòng tôi cũng nghe quặn thắt!

Ôi đất đai, nhà cửa. Con giết cha, anh giết em, vợ giết chồng…, quá khổ đau!. Và bây chừ trên thanh thiên bạch nhật. Chính quyền giết thêm hai người nữa cho đủ 3, để trả đúng mối thù 3 người công an đã chết. Buồn thay!…

Quyền lực trong tay. Có biết bao nhiêu cách để xử lý hay hơn. Có cần thiết phải mở màn và kết thúc vụ tranh chấp đất đai Đồng Tâm theo cái cách đã làm này không?

16.9.20

Nguyễn Quang Chơn

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay