CUỘC ĐỜI GIOAN BOSCO, VỊ THÁNH ĐÃ SỐNG VÀ CHẾT CHO CÁC EM THIẾU-NHI
Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh (Toronto, Canda)
chuyển-ngữ từ bài viết của Benoît Fidelin trong tạp-chí Pèlerin Magazine.
No. 5495, 25 Mars 1988.
Cậu bé vùng Piémont đã trở nên linh-mục của các trẻ em bị bỏ rơi. Ngài tạ thế cách đây hơn 100 năm (nguyên-bản là 100 năm, viết năm 1988, kỷ-niệm giỗ 100 năm vị thánh qua đời). Đời Ngài là cả một tình thương trải rộng bao-la do Tin Mừng Đức
Kitô thúc đẩy, và noi gương Ngài, hàng ngàn người đã và đang dấn thân phục-vụ
giới trẻ, tại Pháp cũng như trên toàn thế-giới.
Đó là GIOAN, con của gia-đình Bosco, cậu bé có nụ cười trong sáng, vầng trán bướng-bỉnh, đôi mắt đen nhánh, tóc rối bù như lông chiên. Thuở mới lớn lên, ngày ngày Gioan Bosco dắt đàn bò đi vào các vùng núi đồi miền Piémont, nước Ý. Cậu tập cuốc đất, phát cỏ, sử-dụng liềm, mác, và tập vắt sữa bò. Từ thuở đó cậu đã hiểu thế nào là đói khát và đã từng chứng-kiến cảnh chết-chóc ly-biệt.
Nạn đói hoành-hành năm 1817, lúc Gioan vừa mới lên hai tuổi, khi sương giá mùa xuân và những cơn hạn-hán khủng-khiếp tàn phá tất cả mùa màng. Nông-dân phải giết gia-súc để ăn thịt. Người ta gặp thấy trong các mương rãnh, xác những kẽ hành-khất chết đói, miệng còn ngậm
cỏ…
Và cả cái chết nữa, như cha cậu đã ngã qụy xuống vì chứng sưng phổi vào một buổi chiều tháng năm rất đẹp trời nhưng cũng thật buồn thảm.
Mẹ cậu, bà Ma-ga-ri-ta, mới 29 tuổi đã góa chồng. Nhưng bà sống thắt lưng buộc bụng, vỡ đất làm rẫy, nuôi dạy con cái cách dịu-dàng mà nghiêm nhặt. Bà ở trong ngôi nhà gạch tồi-tàn vừa là chỗ ở, vừa làm kho lẫm, vừa làm chuồng bò. Hai bao bắp để trong bếp và hai con bò cái nằm sau liếp vách ngăn. Phòng ngủ ngay dưới mái nhà và nệm lót bằng lá bắp. Nhưng chính ở đó, ngay trong cảnh nghèo nàn trơ-trụi ấy, cuộc đời bé Gioan Bosco đã bừng sáng lên.
Chỉ một giấc mơ bình-thường đã khiến cậu tin rằng trọn cuộc đời mình được Chúa Giêsu Kitô mời gọi để chăm lo cho các trẻ em bị ruồng bỏ. Năm lên 9, bé Gioan mơ thấy mình đứng giữa một đám trẻ bụi đời ngổ-ngáo. Chúng chửi thề, văng tục, và Gioan đã trả đũa lại bằng những cú đấm ngoạn-mục. Nhưng một người với diện-mạo sáng ngời đã gọi tên Gioan và bảo: “Con phải chinh-phục chúng, không phải bằng tay chân như thế, mà là bằng khổ đau và lòng yêu mến”. Gioan hỏi: “Ngài là ai mà đòi con phải làm những việc không thể nào làm nổi như vậy?”; và người lạ mặt đã trả
lời: “Ta là Con của Bà mà mẹ con vẫn dạy con cầu nguyện với Bà mỗi ngày
ba lần”. Cũng trong giấc mơ đó, Ðức Trinh-Nữ Maria đã hiện ra với cậu.
Bằng những hình-ảnh khác, Người loan báo cho cậu cũng một sứ-mạng ấy: chăm
sóc các trẻ em bị bỏ rơi.
Thế là bắt đầu cuộc phiêu-lưu! Từ lúc còn rất nhỏ, Gioan đã nói rằng cậu ao-ước trở thành linh-mục. Trong thời-gian đợi chờ, cậu tụ-tập bạn-bè ở ngoài đồng để diễn-thuyết, làm hề và biểu-diễn cả ảo-thuật nữa. Nhưng lúc nào cũng thế, trước khi tới màn cuối, “ông bầu” lại lôi cỗ tràng hạt trong túi ra, qùy xuống và mời cả đám trẻ cùng cầu-nguyện.
Gioan say mê đọc sách và nuôi chim. Ngồi dưới bóng cây im mát, cậu ngấu-nghiến đọc những cuốn sách mượn được của một vị linh-mục ở một xứ đạo hẻo-lánh. Rồi trèo lên cây, cậu gỡ tổ chim và bắt những con sáo nhỏ, đem về nuôi trong lồng làm bằng cành cây dương-liễu, rồi dạy chúng hót. Chuyện học-hành ư? Chỉ khi nào ngoài đồng ruộng hết bóng người thì cậu mới tới trường. Cậu không chịu học-hành đến độ đã gây-gổ với người anh cả và đã phải bỏ nhà đến làm việc tại một làng kế bên. Sau bao năm lao-động ròng-rã, cuối cùng mới gặp được dịp may: một vị linh-mục già thấy cậu thông-minh thì yêu mến, nhận nuôi và dạy cho cậu học tiếng La-tinh. Sau khi Cha qua đời, được mẹ giúp đỡ và cũng được nhiều ân-nhân tiếp tay, cậu theo học tại trường trung-học ở tỉnh bên. Hằng ngày đi bộ mười cây số, bất kể mưa gió hay nóng bức bụi-bặm. Tất cả chỉ để làm linh-mục! Gioan sẽ không bao giờ quên điều ấy. Và rồi sau sáu năm học ở chủng-viện, năm 1941, cậu đã trở thành linh-mục DON BOSCO!
Người ta mau chóng trao cho Ngài những công việc của một linh-mục tuyên-úy. Nhưng Ngài chỉ muốn một điều là các trẻ em. Thời-kỳ ấy là thời-kỳ cách-mạng kỹ-nghệ, thành-phố Turin là nơi hấp-dẫn đã lôi kéo hàng ngàn người di-dân đến kiếm sống. Các thanh, thiếu-niên làm việc ngắn hạn ở các xưởng đóng tàu, rổi lang-thang thất-thểu dọc bờ sông Pô, không một đồng xu dính túi. Những em khác vào tù. Don Bosco đi gặp họ tất cả, và Ngài được sự giúp đỡ của Cha Don Cafasso, vị linh-mục của “giới bần cùng”. Ngài dám trèo lên các xe bò chở tử-tội để an-ủi họ suốt lộ-trình cho đến pháp-trường.
Ngài lôi kéo được Don Bosco đi vào trại giam; ở đó vị linh-mục trẻ tuổi người vùng Piémont buồn rầu đảo mắt nhìn cảnh tù đày, cái nhìn đó cũng ngăn đe mấy cậu bé đang chen-chúc trong các xà-lim hôi-hám, chúng tiều-tụy đi vì nạn chí rận, ăn toàn bánh mì đen và uống nước lã. Thật vô cùng khủng-khiếp! Don Bosco bàng-hoàng kinh-hãi, Ngài gào lên trong cổ họng: Quá nhiều thanh-niên bị nhốt ở đây, bởi chẳng có ai săn-sóc đến họ. Tôi phải giúp-đỡ, dạy-dỗ họ. Tôi muốn cứu giúp những kẻ bất hạnh này”. Và Ngài sẽ làm như Ngài đã nói thế!
Ít lâu sau, có một lần kia khi Ngài chuẩn-bị dâng thánh-lễ tại nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Át-si-gi-ô, Chúa đã dẫn đến cho Ngàimột cậu bé tên là Ba-tô-lô-mê-ô Ga-ren-li, em mới từ xa đến thành-phố này kiếm sống. Đầu cạo trọc-lóc, áo dính đầy vết vôi. Don Bosco qùy xuống và dạy em cầu nguyện. Sau đó Ga-ren-li trở lại, dẫn theo năm đứa, mười đứa, rồi tới một trăm đứa, bạn bè của nó, đứa nào cũng bị Don Bosco chinh-phục bằng tình yêu thương Ngài dành cho chúng. Ngài giảng dạy về Thiên-Chúa cách cụ-thể, nhờ những sự-kiện hấp-dẫn và những chi-tiết lý-thú làm chúng say mê.
Họ quấn-quýt và không rời bỏ nhau nữa. Trong các nhà nguyện cũ, trên những bãi đất trống vùng ngoại-ô, và trong các vựa lúa, các em kéo đến ngày một đông hơn để nghe Ngài giảng, để được Ngài dạy-dỗ huấn-luyện nên người và nên con cái Chúa.
Vì lo-lắng cho tương-lai các em, Don Bosco mở các xưởng dạy nghề. Ngài nghĩ ra việc ký giao-kèo lao-động để kiếm việc cho các em, trước khi lao mình vào việc viết lách và xuất-bản, nhằm mục-đích giáo-dục và phát-triển đức tin Công-Giáo nơi các em. Công-trình lớn mạnh. Nhờ có các ân-nhân tài-trợ nên Ngài đã xây-dựng được nhiều nhà cho các em. Don Bosco đặt trọn niềm tin nơi Chúa Quan-Phòng.
Chẳng bao lâu, một “Tổ Ấm” hình-thành với 15, 20, rồi 600 em nội-trú. Vì không muốn cho tương-lai các em quá tồi-tệ, Cha Don Bosco cho dựng thêm nhà cửa, mở một lớp học tối, rồi mời các linh-mục và những người thiện-nguyện đến dạy cho các em. Họ làm việc trong nhà bếp, trong phòng mặc áo lễ ở gian bên của cung thánh. Trên hết mọi sự, họ rất mực yêu thương nhau, vì sư-phạm của Cha Gioan là Sư-Phạm Của Tình Thương. Lý-thuyết mà làm gì? Ngài không mong xây-dựng một “kiểu” giáo-dục lỗng-lẫy. Ngài nói: “Hệ-thống giáo-dục của tôi ư? Chính tôi, tôi cũng chẳng biết nữa.”…”Tôi chỉ có công này, là tiến về phía trước theo sự dẫn-dắt của Chúa, rồi tùy hoàn-cảnh mà xử-trí”.
Quả thế, Ngài chủ-trương một đường lối sư-phạm “ngay tại chỗ”, đặt tin-tưởng vào bản-chất của con người đã được Thiên-Chúa cứu-độ và tin vào sự hiện-diện hữu-hiệu của nhà giáo-dục. Don Bosco ước-đoán được những nỗi cùng khổ và âu-lo của từng em một. Ngài biết rằng tuổi thanh thiếu-niên là tuổi đầy-dẫy những nghi-ngờ, những phiền-muộn, tuổi của phẫn-nộ và thất vọng. Thế là Ngài đến với chúng, nói một câu khôi-hài, kiên-trì mời gọi chúng đối-thoại, cũng như vui-vẻ, thành-thực, cởi mở thoải-mái, một sự thoải mái tự-nhiên không hề bó-buộc vẫn là đặc-điểm nổi bật nhất trong tình yêu giáo-dục của Ngài. Ngài đã sống câu châm-ngôn sau đây, dựa theo lời thánh
Phao-lô: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn” (Un saint triste est un triste saint).
Và Ngài đã nên thánh. Ngài được phong thánh năm 1934, sau khi sống
một cuộc đời luôn luôn bận-bịu lo-lắng cho các em thiếu-nhi và sáng lập ra
tu-hội Sa-lê-giêng để tôn-kính thánh Phan-xi-cô Sa-lê-gi-ô. Cũng như vị thánh
này, Ngài đã tìm được sức sống cho đời mình qua tình yêu thương con người và
qua Tin Mừng của Đức Kitô, ở đó Ngài khám phá ra dung-mạo một Thiên-Chúa có thể chia sẻ mọi yếu-hèn của chúng ta.
Ngay cả đến cuối đời, sau khi được Ðức Thánh Cha tiếp-kiến, trong các cuộc hành-trình khắp năm châu bốn bể để kiếm tiền in những tác-phẩm Ngài viết, Ngài cũng rất gần-gũi các trẻ em vất-vưởng của mình. Lúc nhắm mắt lìa đời, rạng sáng ngày 31 tháng giêng năm 1888, Ngài nói với các tu-sĩ Sa-lê-giêng đang săn-sóc Ngài rằng:
“Hãy làm tốt cho mọi người,
đừng gây điều xấu cho ai cả!
Hãy nói với các bạn trẻ của Cha rằng:
Cha đợi họ trên Thiên-Đàng!
Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh (chuyển-ngữ)
nguồn: conggiaovietnam.net