Phiên điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ về vụ mất tích của một Giám mục Công giáo Trung Quốc

 

TINMUNGCHONGUOINGHEO.COM

Phiên điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ về vụ mất tích của một Giám mục Công giáo Trung Quốc

 Số phận của một Đức Giám mục Công giáo bị cầm tù lâu năm ở Trung Quốc là trọng tâm của một phiên điều trần quốc hội vào thứ Năm vừa qua, trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng rằng ngài có thể đã bị chết trong nhà tù của chính quyền Cộng sản.

“Chủ tịch Tập Cận Bình: Đức Cha Su đang ở đâu, và ông đã làm gì với ngài?”- Dân biểu Chris Smith (R-N.J.), Đồng Chủ tịch của Ủy ban, đã nêu câu hỏi trong bài phát biểu khai mạc tại phiên điều trần ngày 30 tháng 7 của Ủy ban Nhân quyền lưỡng đảng Tom Lantos.

“Ông đã bí mật làm gì với con người phi thường này của Thiên Chúa? Và tại sao một chế độ độc tài mạnh mẽ lại sợ những người đàn ông và những người phụ nữ ôn hòa đầy đức tin và đức hạnh?”

Đức Giám mục James Su Zhimin của Giáo phận Bảo Định, ở Trung Quốc, tỉnh Hà Bắc, đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vào năm 1997. Ngài được gia đình nhìn thấy lần cuối tại một bệnh viện vào năm 2003 khi ngài đang bị chính quyền giam giữ.

Theo cháu trai của Đức Cha Su, các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu Vatican bổ nhiệm một giám mục mới cho Bảo Định, UCA News đưa tin vào ngày 22 tháng 7. Ứng cử viên ưa thích của họ là Đức Cha Phanxicô An Shuxi, một thành viên của Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc.

Các tin tức về các yêu cầu đó đã gây ra lo ngại rằng ĐGM Su đã chết trong nhà tù của chính phủ, mặc dù chưa có báo cáo chính thức về cái chết của ngài.

Hôm thứ Năm, Smith và những người ủng hộ tự do tôn giáo khác đã thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh ĐGM Su.

Nury Turkel, một ủy viên mới của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và là người ủng hộ quyền của người Duy Ngô Nhĩ, nói rằng ủy ban này “rất đau buồn trước những báo cáo gần đây rằng Đức Cha Su có thể đã chết trong thời gian bị giam cầm bất công.”

Tin tức xuất hiện trong thời kỳ “khủng bố tồi tệ nhất của các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ,” Turkel nói.

Smith kể ông đã gặp ĐGM Su như thế nào trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1994, rằng đó là một vị Giám mục “phi thường, dịu dàng, đầy sức mạnh, lòng can đảm, và sự bình an vượt qua tất cả sự hiểu biết.” ĐứcGiám mục Su đã cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình trong một Thánh lễ mà ngài dâng, Smith nói.

Đức Giám mục đã bị chính quyền bắt giữ trước khi phái đoàn Smith rời Trung Quốc, Smith kể. Sau đó ngài được thả ra, và chỉ bị bắt trở lại vào năm 1997 sau khi từ chối gia nhập Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát. Cho đến khi một thỏa thuận tạm thời được ký giữa Vatican và Trung Quốc vào năm 2018, các giám mục của hiệp hội này bị coi là đã phá vỡ sự hiệp thông với Roma.

Kể từ đó, Đức Giám mục Su chỉ được các thành viên gia đình nhìn thấy một lần tại một bệnh viện năm 2003 khi ngài vẫn còn bị chính quyền giam giữ.

Tổng cộng, Đức Giám mục đã bị giam giữ khoảng 40 năm, Smith nói, vì ngài đã phải chịu đựng sự đày đoạtrong các trại lao động cưỡng bức trước khi bị bắt năm 1997. Đức Giám mục Su đã bị đánh đập, bị bỏ đói và bị tra tấn trong các trại cải tạo và trại tù, nhưng ngài vẫn cầu xin lòng thương xót cho những kẻ bắt bớ mình, Smith nói, thêm rằng “lòng tin của ngài vào Chúa Giêsu Kitô làm tôi vô cùng kinh ngạc.”

Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc 2018, chấp nhận một biện pháp cho phép chính phủ cộng sản can thiệp một phần vào các cuộc bổ nhiệm Giám mục ở Trung Quốc, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng Chín. Các cuộc đàm phán để gia hạn thỏa thuận đó có thể xác định việc đề cử người kế vị Đức Cha Su, và ảnh hưởng đến cáchđối xử hiện tại đối với những người Công giáo ở Trung Quốc.

Theo báo cáo, phát hành ngày 28 tháng 7, một nhóm do nhà nước Trung Quốc tài trợ đã thực hiện các cuộc tấn công mạng nhắm vào Vatican và các tổ chức Công giáo khác, để đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán và giám sát các liên lạc của Toà Thánh với Giáo phận Hồng Kông.

“Chúng tôi đề nghị Vatican xác định số phận [của Đức Giám mục Su] là ưu tiên trong bất kỳ cuộc đàm phán nào đang diễn ra với chính phủ Trung Quốc, và từ chối công nhận bất kỳ giám mục thay thế nào cho thành phố Bảo Định ở tỉnh Hồ Bắc,” ông Tur Turkel nói về các cuộc đàm phán giữa Vatican và Trung Quốc về việc gia hạn thỏa thuận.

Nếu Đức Giám mục Su đã chết, thì “việc lựa chọn người thay thế có thể xảy ra theo các điều khoản của thỏa thuận này,” Tiến sĩ Tom Farr nói về thỏa thuận hiện tại. Farr là chủ tịch của Viện Tự do Tôn giáo.

Trong khi thỏa thuận này nhằm mang lại sự hợp nhất của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc với Giáo hội hầm trú ở Trung Quốc trung thành với Roma, các Kitô hữu vẫn tiếp tục bị quấy rối và đàn áp, và ít nhất 50 giáo phận ở Trung Quốc đại lục không có giám mục do các cuộc bổ nhiệm mới bị ngăn chặn.

“Tình hình của những người Công giáo hầm trú ở Trung Quốc sau thoả thuận là một trong những vấn đề lớn gây căng thẳng,” Farr nói.

“Tôi nghĩ rằng họ đang bị áp lực trong một cảm giác khác thường,” Farr nói, trong đó họ phải chịu sức ép của chính phủ buộc tham gia Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc đồng thời “họ cảm thấy bị Toà Thánh bỏ rơi.”

Hiện có từ 800.000 đến 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương được ước tính đã bị giam giữ trong một hệ thống gồm hơn 1.300 trại giam. Các báo cáo xuất hiện từ Tân Cương đều nêu các chi tiết về việc nhồi sọchống tôn giáo, việc tra tấn, việc triệt sản bắt buộc và các hành vi lạm dụng khác đối với những người bị giam giữ trong các trại đó.

Nhiều người Duy Ngô Nhỉ đã bị buộc phải làm việc trong các nhà máy hoặc nông trại bên trong và bên ngoài các trại giam, hoặc đã bị chính quyền chuyển đến các nhà máy khác trên khắp Trung Quốc. Công dân Tân Cương bên ngoài các trại phải chịu một hệ thống giám sát hàng loạt.

Giáo hội Công giáo cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình hình ở Tân Cương, Farr nói.

“Đức Giáo hoàng đã lên tiếng về vấn đề này, nhưng tôi cảm thấy rằng vì mong muốn không đụng chạm chính quyền Trung Quốc, một số người trong hệ thống phẩm trật Công giáo đang kìm hãm sức mạnh của việc lên tiếng này. Đây chỉ là một cách hành xử phi Công giáo” – ông nói.

“Lập trường Công giáo nói rằng mỗi người phải có tự do tôn giáo, đó là lập trường rất sâu sắc về thần học.”

Chế độ của ông Tập Cận Bình “đã hiểu và sợ sức mạnh của tôn giáo,” ông Farr nói.

Công giáo, ông nói, “đặt ra một khó khăn đặc biệt” đối với ĐCSTQ vì “học thuyết riêng biệt” và “thẩm quyền giáo huấn” của Giám mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.

Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Kitô giáo là một “thành công” nguy hiểm vì có rất nhiều tín đồ trên toàn thế giới, và Giáo hội hầm trú ở Trung Quốc là “tổ chức chỉ ủng hộ quốc gia với một hệ tư tưởng và một hệ thống niềm tin tách biệt với Đảng Cộng sản.”

Do đó, Shea nói, “Đảng Cộng sản Trung Quốc không khoan dung với sự tồn tại của các nhà thờ hầm trú tách biệt với hệ thống đảng của họ.”

Hoàng Tiến (theo CNA)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay