CÂU CHUYỆN BẮT ĐẦU TỪ MỘT ĐÁM TANG

Image may contain: sky, house and outdoor
Image may contain: house, sky and outdoor
Image may contain: one or more people, people standing and indoor
Image may contain: one or more people, basketball court and indoor
Kimtrong Lam

*CÂU CHUYỆN BẮT ĐẦU TỪ MỘT ĐÁM TANG

(GẦN 300 NGƯỜI VIỆT BỊ ĐẶT TRONG TÌNH TRẠNG LO LẮNG – 4 THÂN NHÂN CỦA TANG GIA ĐÃ BỊ NHIỄM BỆNH)

Câu chuyện dịch bệnh gây quan ngại nhiều nhất trong Cộng đồng người Việt tại Úc trong lúc này liên quan đến đám tang của ông Giuse Huỳnh Văn Trinh (tự Chấn Electrician), đột ngột qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 7.7.2020, hưởng thọ 61 tuổi.

Ông “Chấn” là tên mọi người thường gọi dành cho ông với sự ưu ái. Bởi trong công việc là một thợ điện chuyên nghiệp, ông luôn chứng tỏ là người có trách nhiệm, và không coi trọng việc tiền bạc. Gia đình ông cũng vậy, đều là những người có đóng góp tài chánh và công sức cho cộng đồng, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.

Chính vì vậy mà đám tang của ông đã có gần 300 người tham dự, dù trong thời điểm bị hạn chế gắt gao bởi dịch bệnh Vũ Hán.

Tang lễ chính của ông đã diễn ra ngày Thứ Bảy 18.7 tại nhà thờ St Brandon, Bankstown với sự đồng tế của 3 Linh mục: Lm chánh xứ Nguyễn Khoa Toàn, Lm phó xứ Đặng Đình Nên và Lm John Hồ (Thuận) từ Wollongong.

Tại đám tang này, một phụ nữ Việt trên 40 tuổi cư ngụ ở vùng Bonnyrigg (được coi là có mối liên hệ mật thiết với tang gia) đã bị dính bệnh Covid-19 trước đó – đã có mặt hầu như đầy đủ trong các Thánh lễ Cầu nguyện tại tư gia, tại Thánh Đường, tại Nhà Quàn cũng như tại Nghĩa Trang.

Người phụ nữ này sau đó cũng tham dự một Thánh Lễ cầu nguyện khác tại Thánh đường Our Lady of Carmel, Mt Pritchard.

Từ khi được xét nghiệm và biết mình bị mắc bệnh. Hành trình đi lại của người phụ nữ này ngày càng được làm rõ. Bộ Y Tế tin rằng “nạn nhân” đã từng đến ăn tại nhà hàng Thai Rock nằm trong vùng Wetherill Park, nay đã có con số lây nhiễm đến trên 40 người.

Tất cả những nơi đông người nhất mà người phụ nữ này có hiện diện nay đều bị đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ.

Bộ Y Tế tiểu bang NSW đã ra thông báo và yêu cầu những người có tham dự các buổi tụ họp sau đây nên đi xét nghiệm:

1. Thánh lễ tại Our Lady of Carmel tại Mt Pritchard, Chúa Nhật ngày 19.7.2020 từ 7:30 Am- 8:30 Am (Thánh lễ tiếng Anh).

2. Thánh lễ phát tang tại St Brendan, Bankstown, Thứ Năm 16.7.20 từ 6:30 Pm-7:30 Pm

3. Thánh lễ an táng tại St Brendan, Bankstown, Thứ Bảy 18.7.20 từ 10:00 Am- 11:00 Am.

4. Thánh lễ tại Our Lady of Carmel tại Mt Pritchard, Chúa Nhật ngày 19.7.2020 từ 7:30 Am- 8:30 Am (Thánh lễ tiếng Anh).

Các buổi nghi thức khác:

1. Đọc kinh và thăm viếng tại nhà quàn Trường An, Thứ Sáu, 17.7.20 từ 1:00 Pm-8:00 Pm

2. Nghi thức an táng tại nghĩa trang Rookwood, Thứ Bảy 18.7.20 từ 11:30 Am- 1:00Pm.

Ban tuyên úy Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney cho biết:

“Theo quy định của Bộ Y Tế Tiểu Bang NSW, BTU và BTV mời gọi những ai đã tham dự các nghi thức cũng như các thánh lễ nói trên hãy đi xét nghiệm và tự cách ly trong khi chờ kết quả.

Đặc biệt trong các thánh lễ cuối tuần này nên hy sinh không tham dự thánh lễ cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Vào cuối tuần này sẽ không có các thánh lễ tại nhà thờ Our Lady of Carmel, Mt Pritchard cho đến khi có thông báo mới”.

Hàng trăm người tham dự các Thánh Lễ và Nghi Thức kể trên nay đã được Bộ Y Tế liên lạc để đi xét nghiệm.

Và từ đây các cơ quan y tế đã tìm ra những con số đáng nghi ngại khác.

Tin tức ban đầu cho thấy đã có 4 người bị lây nhiễm từ người phụ nữ trên 40 tuổi này.

Nhưng tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được cho biết có ít nhất 4 người thân khác trong gia đình tang gia đã bị nhiễm bệnh, sau khi đi xét nghiệm và được Bộ Y Tế xác nhận. Đó là 2 gia đình của Em Gái và Em Trai của người quá cố.

Một nhân viên của tòa soạn báo Chiêu Dương, chị Vũ Thị Loan người đã tham dự Thánh Lễ An Táng của ông Chấn tại nhà thờ St Barndon ở Bankstown cho biết:

“Mặc dù Nhà Thờ đã làm mọi cách, nhưng số người tham dự đông quá nên việc giãn cách xã hội không được thực thi đúng mức”.

Chị Nguyen Thị Oanh, một ca trưởng cũng tham dự Thánh Lễ này nói rằng: “Ngay cả việc dùng nước khử trùng chung và bút ghi danh chung cũng là điều đáng lo ngại”.

Theo chị, người tham dự nên có các thứ ấy trong túi xách, và nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.

Chị Oanh nói cho tới nay chị vẫn chưa có kết quả thử nghiệm.

Chị rất lo vì là một Giáo viên chị cần có kết quả sớm để còn trở lại trường. Chị đã kể lại kinh nghiệm “xếp hàng” chờ thử nghiệm tại Fairfield Showground, theo chị: “Mọi việc cũng dễ dàng và mau chóng thôi. Quý vị cứ ngồi trên xe, và nhân viên y tế sẽ làm mọi sự”.

Qua đó, các nhân viên y tế chỉ cần một cây tăm bông ngoáy vô mũi của người đến xét nghiệm là xong, và kết quả sẽ được gửi qua điện thoại bằng tin nhắn.

Bộ phận xét nghiệm cũng ưu tiên ra kết quả cho giới trẻ trước, rồi sau đó mới đến người già và người trung niên. Đó là chuyện của gia đình chị Oanh, khi 2 đứa con có kết quả trước mẹ, dù đi thử nghiệm sau.

Ông Joseph Thắng Nguyễn, người chuyên giúp các tang gia trong lúc bối rối, cũng viết trên facebook rằng ông vẫn an toàn, dù đã cận kề với “nhà héo” trong suốt thời gian dài. Ông cũng như chị Oanh đang nằm nhà để chờ kết quả xét nghiệm từ Bộ Y Tế.

Ông Lê Văn Phát gửi thắc mắc với người viết bài: “Tại sao dưới thời dịch bệnh lây lan như thế này, mà người Công Giáo lại vẫn cứ ngang nhiên cử hành các Thánh Lễ đông người đến như vậy?”

Thật ra Thánh Lễ thường lệ nơi các nhà thờ vẫn giữ khoảng cách 4m vuông cho phép, và số người tham dự ít nhiều tùy theo diện tích. Còn các Thánh Lễ An Táng, ngoài chuyện tỏ lòng thương tiếc với người ra đi, người Công Giáo còn thực hiện Kinh Mười Bốn Mối, trong đó điều răn thứ 7 Chúa dạy con chiên phải “Chôn Xác Kẻ Chết”. Và đó là lý do chính mà ngay các Linh Mục khi biết tin cũng phải đến tham dự, chứ không riêng gì Giáo dân.

Ông Phillip Vinh Lam, giám đốc nhà quàn Trường An, nơi diễn ra tang lễ của ông Chấn, vừa trải qua một cuộc “tẩy trùng” theo lời yêu cầu của Bộ Y Tế. Qua đó toàn bộ khu Tang Nghi Quán đã được một Công ty chuyên về khử trùng đến xịt thuốc trong vòng 4 tiếng đồng hồ để bảo đảm an toàn vệ sinh cho những người đến dự.

Ông Phillip Vinh Lam nói: “Chúng tôi luôn tuân thủ các đòi hỏi của Bộ Y Tế trong thời gian dịch bệnh. Chính vì vậy mà có người cho rằng nhà quàn làm khó, nhưng thực ra là để tránh rắc rối cho cả đôi bên”.

Qua đó, nếu không thực hiện việc giãn cách, nhà quàn sẽ bị phạt 55 ngàn, và người vi phạm sẽ bị phạt trên 1,000 đồng.

Được biết, nhà quàn Trường An là nơi khá rộng rãi để tổ chức các tang lễ, vì thế đa số các thân nhân của người quá cố đã chọn nơi này để diễn ra các nghi thức tiễn đưa.

Ông Phillip Vinh Lam cho biết: “Hiện nay tùy theo phòng ốc, mỗi lần số người tham dự có mặt bên trong là từ 35 tới 46 người. Chúng tôi có nhân viên sắp xếp cho người viếng thăm ngồi giãn cách ở phòng đợi. Cứ 10 người vào thăm ra, thì sẽ có 10 người khác vô”.

Ông Giám Đốc nhà quàn còn cho biết thêm: “Ngoài chuyện thuốc khử trùng lau tay, và sổ ghi danh. Kể từ tuần tới, nhà quàn sẽ có thêm việc đo nhiệt độ tất cả những người đến viếng”.

Mặc dù sự lo ngại ngày càng gia tăng, bởi con số thực sự những người tham dự các Thánh Lễ và Nghi Thức kể trên cũng chưa đi xét nghiệm hết. Đó là chưa kể còn một số đông khác không ghi danh và để lại số điện thoại. Nhưng giới y tế cũng trấn an dư luận rằng:
Số giờ “chung đụng” tại các đám đông này chỉ diễn ra trên dưới một tiếng. Và người mắc bệnh không “mặt đối mặt” với tất cả mọi người, nên mức độ lây nhiễm không cao (low rist).

Vì vậy trước mắt, Bộ Y Tế yêu cầu mọi người có liên quan đến vụ lây nhiễm này, dù không có triệu chứng gì cũng nên tự sống cách ly 14 ngày để bảo vệ sự an toàn cho những người chung quanh.

*Nguyễn Vy Túy

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay