Làm sao không cằn nhằn con cái ?

Làm sao không cằn nhằn con cái ?

Đăng bởi lúc 1:24 Sáng 25/01/13

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (25.01.2013) – Sài Gòn – Một trong những vấn đề quan trọng trong cách cư xử của cha mẹ đối với trẻ là làm sao không cằn nhằn con cái. Những vết xước trên bàn, những vết bẩn trên tường, những đồ chơi bừa bộn khắp nhà,… Đó là những thứ khiến cha mẹ cảm thấy “nóng gáy”, thế là cằn nhằn hoặc la rầy con cái.

Một cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng cằn nhằn là một trong những “âm thanh” làm người ta “không để ý” nhiều nhất – điều này chắc hẳn cha mẹ cũng đã biết hồi còn nhỏ! Có thể đó là lý do trẻ em có vẻ như đã được “lập trình gen” để có thể làm điều đó rất tự nhiên theo bản năng, như loài cá biết bơi hoặc loài chim biết bay vậy.

Tuy nhiên, cha mẹ có thể ảnh hưởng động thái thách đố này. Cách chúng ta phản ứng khi cằn nhằn con cái và điều chúng ta nói để hướng dẫn con cái có thể tạo nhiều khác biệt khi nhìn cách con cái phản ứng và mức độ “khó chịu” ở chúng.

Nên nhớ rằng nên giảm cằn nhằn theo tỷ lệ nghịch với độ tuổi con cái lớn dần. Cha mẹ luôn phải kiềm chế bản thân, và cố gắng dùng cách nói khéo để dạy con cái ý thức khi làm việc gì đó. Không dễ thực hiện, nhưng cố gắng thì việc gì cũng khả thi.

Đây là 5 “chiến lược” giúp các bậc cha mẹ không cằn nhằn con cái:

1. Tự điều chỉnh. Cha mẹ cần hiểu rằng lời cằn nhằn là lời “không lọt lỗ
tai”. Cần gì cứ nói thẳng đừng lẩm bẩm hoặc nói xiên nói xeo. Khi thất vọng,
con cái cũng lẩm bẩm để người khác nghe thấy. Hãy cho chúng biết ngay đó là
thói xấu. Nếu đó là thói xấu, chính cha mẹ cũng phải tự điều chỉnh để không cằn
nhằn người khác. Trẻ đang độ tuổi phát triển có nhiều thứ phức tạp, vì thế mà
cha mẹ phải cảm thông và hiểu đó là quá trình phát triển tốt ở trẻ.

2. Cân nhắc vấn đề. Trẻ cũng như người lớn, nghĩa là chúng cũng có những
ngày cảm thấy mệt mỏi, nhất là khi việc học căng thẳng và “quá tải”. Những thay
đổi trong sinh hoạt như khi có thêm em bé, chuyển nhà hoặc chuyển trường,… cũng
có thể khiến chúng căng thẳng. Người lớn cũng vậy thôi, vì thế mà nên nhẹ nhàng
giải thích cho chúng hiểu và an ủi chúng. Có thể bảo chúng đi chơi với bạn bè,
đi xe đạp, hoặc cho trẻ cùng làm bếp,… để chúng quên sự căng thẳng.

3. Bình tĩnh. Cố gắng bình tĩnh khi thấy con cái làm điều gì không
vừa ý. Còn trẻ người non dạ, chúng chưa kinh nghiệm nên vụng về và lóng ngóng
là điều tất nhiên thôi, chẳng ai sinh ra mà thông thạo ngay việc gì, dù là
thiên tài cũng vẫn cần được hướng dẫn làm cho đúng phương pháp. Đừng vội chê
trách trẻ, vì chê trách sẽ làm chúng nản lòng, mất tự tin mà nhụt chí. Cứ bình
tĩnh hướng dẫn chúng, rồi sẽ ổn thôi.

4. Kiên nhẫn. Được hướng dẫn tỉ mỉ nhiều lần mà chúng vẫn không làm
được, hãy hướng dẫn lại, nhưng phải “nhấn mạnh” việc tự nỗ lực và tự tin thì
mới có thể thành công. Tuy nhiên, cha mẹ cũng phải xem lại cách hướng dẫn của
mình có rõ ràng và hợp lý hay không. Không có phương pháp thì người tài cũng
hóa vụng về, nhưng có phương pháp thì người thường cũng khả dĩ làm được việc phi
thường.

Lão Tử nói: “Kẻ biết người là người khôn, kẻ biết mình là người sáng”. Giáo dục người là điều cần và khó lắm, nhất là giáo dục con trẻ, nhưng có lẽ giáo dục chính mình mới là điều khó nhất. Thật vậy, “khối cẩm thạch có bị gọt đẽo thì bức tượng mới nên hình nên dáng” (Danh họa Michelangelo). Một câu nói thật chí lý!

TRẦM THIÊN THU

Cuối năm Nhâm Thìn

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay