CHẾT VÌ MONG MUỐN CÔNG BẰNG…

Image may contain: text
Image may contain: one or more people and text

8 SÀI GÒN

CHẾT VÌ MONG MUỐN CÔNG BẰNG…

Vì sao một nền tư pháp minh bạch, công bằng, rõ ràng lại quan trọng đến thế? Chiều nay, một người đàn ông ở Bình Phước đã bị kết án 3 năm tù vì bị quy lỗi trong một vụ tai nạn giao thông năm 2017.

Vụ tai nạn đã khiến bạn anh-người anh chở sau xe mất. Sau khi tòa phúc thẩm tuyên án, anh đã post lên Facebook cá nhân anh về việc muốn cái chết của mình thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước. Sau đó, anh đi đến tòa án, lên tầng 2, nhảy xuống. Anh chọn cái chết thay vì việc chấp nhận 3 năm tù giam.

Sự minh bạch, công bằng của nền tư pháp sẽ không chỉ giúp không có án oan mà còn cứu người ta khỏi những cái chết từ bên trong như thế. Những cái chết ẩn nấp, cựa quậy, được nuôi dưỡng bằng sự tuyệt vọng về việc không tìm thấy sự công bằng, chân lý, không thể chấp nhận được sự phi lý của sự việc.

Mong muốn công bằng, mong muốn được hiểu đúng, mong muốn được lắng nghe luôn là điều cần có ở mỗi con người.

Chấp nhận 3 năm tù trong một bản án không thuyết phục được mình – sống mãi với sự oan khuất không cách giãi bày, và cái chết, điều nào dễ hơn?

Đa phần, có lẽ, như tôi, sẽ chọn sống. Như một con người, tôi thương tiếc quãng đời bị đánh mất của anh, như một con người, tôi cảm phục sự lựa chọn của anh.

THUAN VUONG TRAN

***

KÊU OAN VÀ NHẢY LẦU TỰ SÁT…

Sáng nay, Toà án tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm kết tội một người đàn ông.

Mặc dù Luật sư của anh đã động viên và tính soạn đơn kiến nghị lên cấp cao hơn, nhưng có lẽ vì niềm tin nhỏ nhoi vào nền tư pháp đã cạn kiệt, nên trong một buổi chiều buồn thảm, anh đã đến chính trụ sở của Toà án tỉnh, nơi vừa kết thúc phiên toà để gieo mình từ trên cao xuống.

Tự chấm dứt cuộc đời mình và mang theo nỗi tuyệt vọng ngay dưới bóng của thần công lý..

Tôi không thể biết, nên không thể nói được bản án của anh là đúng hay sai. Nhưng tôi tin vào lời nói cuối cùng của anh đã nhắn lại cuộc đời này.

Mức án cho anh ấy chỉ có 3 năm tù, và tôi tin rằng số năm tù đó không phải là nguyên nhân, mà chính sự cạn kiệt niềm tin và sự thất vọng quá lớn đã đẩy anh đến quyết định đau lòng đó.

Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.

Mong ai đó thức tỉnh…

LS NGUYỄN HÀ LUÂN

***

NẾU MỘT CÁI CHẾT CỦA TÔI LÀM THỨC TỈNH NỀN TƯ PHÁP TỈNH BÌNH PHƯỚC THÌ CŨNG ĐÁNG LẮM CHỚ!

Đây là status cuối cùng của anh Lương Hữu Phước, sau đó anh đến trụ sở tòa án Bình Phước và nhảy lầu tử vong.

Bị tòa sơ thẩm kết án 3 năm cho án tai nạn giao thông, anh Lương Hữu Phước kháng cáo kêu oan lên tòa tỉnh Bình Phước.

Hôm nay 29/5 Tòa tỉnh xử phiên phúc thẩm, bác kháng cáo, y án sơ thẩm3 năm, nhưng chưa thi hành án ngay.

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến chia sẻ: Sáng nay, ngày 29/5/ 2020, sau khi nghe Hội đồng xét xử phúc thẩm tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên án, tôi cùng anh về văn phòng của tôi. Anh em đang tính soạn đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án và thứ 2 đi nộp. Sau đó, anh về nhà.

Chiều nay, tôi đến tòa án nhân dân thành phố Đồng Xoài để chụp hồ sơ vụ án 39,5 mét vuông đất một mạng người xảy ra ở khu phố Tân Bình, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài mấy năm về trước, nay tòa thụ lý lại do Tái thẩm hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Vừa ra khỏi tòa, điện thoại reo và nhận hung tin: Chiều nay, anh Lương Hữu Phước đã đến trụ sở tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước và nhảy lầu…

Người thân của anh vừa báo cho tôi: Anh đã chết. Tôi vô Facebook của anh thì thấy anh đăng dòng trạng thái …!

Ai di đà!

HOÀNG LINH

***

CÁI CHẾT CỦA NIỀM TIN…

Đây là một cái chết có thật: bị cáo chỉ bị tuyên án với mức 3 năm tù giam. Và ông đã nhảy từ trên tầng cao xuống mặt đất để kết thúc cuộc đời mình.

Nhưng vấn đề là họ không còn niềm tin vào “công lý” vừa được dành cho ông, và vì thế, ông đã lựa chọn cái chết ngay tại chính toà án, nơi mà đã tuyên án cho ông, với lời nhắn: cái chết này có làm cho toà án ở đây thức tỉnh lương tâm của mình không.

Có cái chết, đơn giản, chỉ để chứng minh rằng, bản án mà họ phải nhận là hoàn toàn phi lý. Vì thế, nó là một nỗi oan ức có tính nhục nhã mà không thể chịu đựng.

Sống với oan ức, chỉ 3 năm, nghe về mặt thời gian thì có lẽ nó có thể là một định lượng không quá lớn so với án tử hình hay chung thân. Nhưng ở đây là lựa chọn giữa sống với danh dự và tự do chính đáng của con người có lương tâm. Chứ không thể chịu nhục để sống với sự tù đày mà họ nhận thấy là sự oan nghiệt vô lối.

Sinh mạng của một con người đã bị quyết định bởi bản án chỉ 3 năm tù giam. Nhưng đó là sức nặng của sự bất công, chứ không còn là mức hình phạt của tội danh nữa.

Những ngôi trường nào cũng dạy về công lý và toà án nào cũng trang hoàng cho mình những chiếc áo thụng đẹp đẽ. Nhưng trước giá công lý, chẳng ai có đủ sự trong sạch trong tâm hồn để nói về “lẽ công bình”.

Xin được chia buồn với ông và gia đình. Cái chết của ông, có thể chưa chắc đã thức tỉnh được những thẩm phán mà ông muốn nhắn nhủ, nhưng nó đã thức tỉnh những con người đang dửng dưng sống qua ngày ngoài xã hội.

Luật sư LÊ VĂN LUÂN

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay