“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ trở thành khuyết tật.”

Image may contain: one or more people and outdoor

Sài Gòn trong tim tôi

Có lẽ mấy ngày nay, ai quan tâm đến giáo dục và tương lai của dân tộc này cũng đều biết đến câu nói nổi tiếng được bà Diệp Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Khảo thí tỉnh Hoà Bình phát biểu trước toà: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ trở thành khuyết tật.”

Một câu nói đầy hình tượng như một cú đấm chí mạng thọc thẳng vào lương tri của một nền giáo dục, lương tri của một dân tộc được xem là hiếu học.

Nhưng trước tiên, xin nói rõ một chút rằng câu này không phải là sản phẩm của bà Liên. Bà chỉ nhắc lại câu nói của Đại văn hào Horoné de Banzac, tác giả của bộ Tấn trò đời (La Comédie humaine): “Quand tout le monde est bossu, la belle taille devient la monstruosité”.

Thực sự thì trong nguyên bản, chữ dùng nặng nề hơn nhiều. Không chỉ là “khuyết tật” mà là quái dị.

Cái đáng nói là bà đã vận dụng đúng nơi, đúng chỗ. Câu dịch giảm nhẹ không làm giảm chút nào lực tàn phá của nó khi được đặt đúng vị trí, đúng thời điểm. Vậy hoá ra đây không phải là cú đấm mà là cú điểm vào tử huyệt. Câu nói này thực sự gây bão trên mạng và sẽ còn được phân tích, mổ xẻ nhiều lần và nhiều tháng năm sau đó.

Nhưng phân tích gì đi nữa thì chúng ta vẫn không thể tránh khỏi một tiếng thở dài cố nén không thành.

Trong một thế giới người gù, người có thể không gù thuở ban đầu, đã phải tự gù hoá để mình không trở thành khiếm khuyết hoặc quái dị. Và điều trớ trêu là những người gù đó lại mang sứ mệnh kỹ sư tâm hồn, người đưa đò vĩ đại. Theo một logic thông thường thì những người gù này sẽ chỉ thấy những học trò gù là bình thường. Những học trò không gù sẽ được các kỹ sư này bẻ cong lưng cho thành gù một cách bình thường. Những trẻ không chịu gù đến độ các kỹ sư tâm hồn không bẻ cong nổi thì chắc người đưa đò sẽ tìm cách hất chúng xuống sông bởi đơn giản chúng khuyết tật mà không chịu cong cho bình thường, một loại bệnh nan y kháng trị. Một logic khủng khiếp, kinh hoàng.

Sau hơn 150 năm, đôi mắt tinh tường mà u mặc của Banzac đã thức dậy ở một nơi rất xa, ở một đất nước rất xa nơi ông từng sống, từng viết. Hoá ra, cái vở hài kịch Tấn trò đời có sân khấu quá rộng và buổi diễn quá dài đi qua ba thế kỷ. Có thể nó đã mở màn trước khi Banzac ra đời và sẽ không đóng lại sau khi bà Liên lên đường đi gặp đại văn hào này.

Mọi người đang đau đấy. Rồi cũng có người tự nhủ có thể chỉ ở một nơi xa xôi nào đó như Hoà Bình mới có chuyện nhiều người gù làm giáo dục.

– Nhưng liệu chỉ có Hoà Bình?

Nếu sợ đau, xin đừng trả lời hay suy nghĩ về câu hỏi này. Đó là điều có ích duy nhất tôi có thể khuyên bạn trong bối cảnh ta chưa được khám cột sống.

Theo Fb Bác sĩ – Nhà văn Lê Minh Khôi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay