Nguy hiểm: “Có sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án”

Image may contain: 1 person, eyeglasses and suit
Image may contain: 2 people
Image may contain: 2 people

Nguyễn TuấnFollow

Nguy hiểm: “Có sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án” [1]

Tôi nghĩ đọc câu phát biểu trên của TAND Tối Cao thì có lẽ tất cả chúng ta — dù không am hiểu về tư pháp, — vẫn thấy phát biểu đó sai một cách nguy hiểm. Công chúng sẽ hỏi “vậy thì đề ra luật tố tụng làm gì?” Nhưng câu ‘sai sót tố tụng’ làm tôi liên tưởng đến vụ án liên quan đến Đức Hồng Y George Pell bên Úc, người mới được Toà án Tối cao Úc trả tự do vì sai sót trong tố tụng.

Vụ án George Pell

Ở Úc có một vụ án gây ra nhiều tranh cãi và công lí cuối cùng thì cũng đến với nạn nhân. Nạn nhân là Đức Hồng Y George Pell, nhân vật số 3 ở Toà thánh Vatican. Ông nổi tiếng là một nhân vật bảo thủ trong Giáo hội Công giáo (như không chấp nhận hôn nhân của người đồng tính), nên ông có rất nhiều ‘kẻ thù’. Ông bị toà án bang Victoria kết tội rằng ông dung túng những linh mục lạm dụng tình dục thiếu niên và chính ông cũng phạm tội tày trời đó. Vụ án này được rất nhiều người quan tâm, vì tình tiết li kì và nhân chứng có vấn đề. Trước sau như một ông kêu oan. Hai cựu thủ tướng Úc và rất nhiều quan chức cao cấp (bộ trưởng, nhân sĩ elite, nhà khoa bảng, v.v.) viết thư bảo chứng nhân cách của ông. Thế nhưng ông vẫn bị toà án Victoria phạt tù giam.

Ông kháng án. Vài tuần trước, Toà án Tối cao của Úc xem xét chứng cớ và quá trình kết tội ở bang Victoria. Chỉ một thời gian ngắn, Toà án Tối cao bác bỏ những chứng cớ và cáo buộc của toà án Victoria. Tất cả 26 cáo buộc của cảnh sát Victoria đều bị bác bỏ — không một chứng cớ nào được xem là có giá trị chứng cớ trước tòa. Chẳng hạn như cáo buộc rằng ông đã hãm hiếp một cậu lễ sinh (choirboy), nhưng người tố cáo không có mặt vào ngày đó và Đức Hồng Y Pell cũng không có mặt trong buổi lễ! Chỉ cần một chứng cớ ‘tào lao’ như vậy là đủ bác bỏ bản án. Do đó, tất cả quan toà (7/7) thuộc Toà án Tối cao đều đồng ý rằng Đức Hồng Y Pell vô tội, và ra lệnh trả tự do cho ông ngay lập tức.

Tính ra ông đã ngồi tù suốt 405 ngày. Bây giờ, các luật sư và nhân sĩ ủng hộ Đức Hồng Y Pell đang vận động phải có cuộc điều tra những kẻ đã đưa ông vào tù. Những kẻ đó là cảnh sát Victoria, truyền thông (đặc biệt là đài ABC của Nhà nước Úc), vài nhân vật trong chánh phủ bang Victoria, và những nhóm chống đối ông. Vụ án làm chia rẽ nước Úc, vì người ủng hộ ông và những người chống ông không nhìn mặt nhau. Có thể đọc về vụ án lịch sử này trong bài trên ‘The Spectator’ [2].

Vụ án Hồ Duy Hải

Vụ án Hồ Duy Hải dĩ nhiên là rất khác với vụ án của Đức Hồng Y George Pell, nhưng có một điểm giống nhau: sai sót trong tố tụng. Không cần trích đâu xa, Viện Kiểm Sát nói rõ:

” … các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng; bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.”

Ngược lại, nhân vật được xem là nghi can số 1 là Nguyễn Văn Nghị [3] thì toà bỏ qua! Qui luật gần như bất biến là trong các vụ tội phạm có liên quan đến quan hệ tình cảm, người bị giết thường là nữ và kẻ sát hại thường là người yêu hay chồng. Nhân vật Nghị có quan hệ tình cảm với nạn nhân, nhưng toà án lại bỏ qua nhân vật này là điều khó chấp nhận.

Có người thống kê 40 sai sót trong vụ việc kết án Hồ Duy Hải! Chỉ dấu vân tay tại hiện trường không phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải cũng đủ để huỷ bỏ vụ án. Thêm vụ mua tang vật để kết tội là biết công lí đã bị hư hỏng như thế nào. Thậm chí, không xác định được Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường trong vụ giết người!

Ấy vậy mà 17 người chánh án và thẩm phán toà án tối cao cho rằng sai phạm tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất của vụ an! Thật không hiểu nỗi logic của họ như thế nào.

Ngay cả tỉ lệ 100% (17/17) đồng thuận trên tất cả 4 vấn đề cũng là một câu hỏi về tính độc lập trong phán xét. (Ở Mĩ, các quan toà cấp tối cao chỉ đồng thận với nhau chừng 90%).

Thử tưởng tượng nếu Hồ Duy Hải sống ở Úc. Xác suất rất cao là vụ án đã không diễn ra vì sai phạm trong tố tụng ngay từ lúc đầu. Nếu bị kết án, anh ta có thể cầu khẩn đến Toà án Tối cao, và xác suất rất cao là anh ta được trả tự do lập tức.

Hai quan điểm

Kết cục những phiên toà cung cấp nhiều bài học rất quan trọng để nhìn lại nền công pháp và tư pháp giữa các nước. Ở Việt Nam, các chánh án thường xuất thân từ ngành công an hay bên đảng, và họ thường có bằng cấp tiến sĩ (10/17 chánh án và thẩm phán TAND Tối cao có bằng tiến sĩ). Ở Úc, cũng như ở bất cứ xã hội theo thể chế dân chủ nào, quan toà chẳng dính dáng gì đến cảnh sát. Họ xuất thân từ trường luật và trải qua nhiều năm trong ngành tư pháp, nhưng rất rất hiếm ai có bằng tiến sĩ. Đa số quan toà và chánh án từng là luật sư cao cấp với những thành tích sáng chói và uy tín cao nhứt trước khi được bổ nhiệm làm chánh án.

Ở các nước dân chủ và pháp trị, luật và qui trình tố tụng ưu tiên nhận dạng đúng phạm nhân hơn là phạm sai lầm công lí. Ở Tàu, luật và qui trình tố tụng dựa trên suy nghĩ thà sai lầm công lí hơn là bắt đúng phạm nhân. Điều này giải thích tại sao tỉ lệ phá án ở bên Tàu lên đến 99.9% [4].

Và, đó cũng chính là lí do tại sao bên Tàu có rất nhiều án sai và án oan. Chẳng hạn như năm 1995, một thanh niên Tàu tên Nie (thuộc tỉnh Hồ Bắc) bị cáo buộc hãm hiếp và giết người, và anh ta bị tử hình; nhưng 21 năm sau Toà án Nhân dân Tối cao của Tàu tuyên bố rằng Nie vô tội vì họ tìm ra thủ phạm là Wang Shyjin! Nhưng Nie đã chết [4]. Sai lầm như thế đã cướp đi biết bao mạng người bên Tàu.

Câu nói “Có sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án” phản ảnh rất đúng quan điểm thà để cán cân công lí bị lệch (hơn là nhận ra đúng thủ phạm), y như bên Tàu. Đúng ra phải dùng chữ “VI PHẠM”, chớ không phải “sai sót” như ông chánh án nói.

Nếu nền tư pháp Tàu đã gây ra nhiều oan khiên thì Việt Nam chắc không thoát khỏi tình trạng đó (vì cùng hệ thống). Và, vụ án Hồ Duy Hải có thể đi vào lịch sử tư pháp quốc tế như là một ca oan khiên tiêu biểu của một hệ thống tư pháp được xây dựng trên nền tảng thiếu tính độc lập [5] và chuyên nghiệp [6].

===

[1] https://tuoitre.vn/hoi-dong-tham-phan-bieu-quyet-bac-khang-…

[2] https://www.spectator.co.uk/…/Cardinal-George-Pell-is-the-v…

[3] https://motthegioi.vn/…/vu-an-ho-duy-hai-nhung-dau-hieu-pha…

[4] https://www.scmp.com/…/no-sign-change-chinas-deeply-flawed-…

[5] http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/home.aspx?ItemID=44610

[6] https://www.tienphong.vn/…/nganh-toa-an-se-moi-giao-vien-de…

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay