Đất nước cần tiềm lực tự nhiên hay tiềm lực nhân văn?

Đã hơn 40 năm kể từ ngày toàn cõi Việt Nam không còn binh đao, lửa đạn. Chỉ cần 20-30 năm, nhiều quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hongkong… đã hóa rồng hóa hổ. Nhưng, đã 40 năm mà Việt Nam vẫn nằm trong top 30 nước nghèo nhất thế giới. Cần phải đặt ra câu hỏi: Tại sao lại thế, và đất nước cần tiềm lực nào để phát triển?

Đất nước cần tiềm lực tự nhiên hay tiềm lực nhân văn?

Đề thi môn văn tốt nghiệp phổ thông trung học năm học 2017-2018 là bài thơ Đánh Thúc Tiềm Lực được Nguyễn Duy viết vào năm 1980-1982 trong thời kỳ đất nước quá nghèo khổ, được xếp vào hàng 5 nước nghèo khổ nhất thế giới vào thời điểm đó. Nhưng, cần phải nhận thức chính xác rằng, đất nước vào thời kỳ ấy có nhiều tiềm lực vật chất để không nghèo đói: Rừng vẫn vàng, biển vẫn bạc, tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa được khai thác nhiều, đất đai vẫn mênh mông. Thế nhưng, vào thời điểm ấy cơ chế quan liêu bao cấp chính là dây thòng lòng bóp nghẹt tất cả.

Trong nhận thức non trẻ của các em học sinh phổ thông, có lẽ hầu hết các em tin rằng Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm lực vật chất- tài nguyên khoáng sản để đánh thức, để phát triển như nhà thơ Nguyễn Duy. Nhưng, nếu có em nào đó viết đúng sự thật rằng, tiềm lực tự nhiên của đất nước không còn nữa, bài thi của em đó có bị điểm o không? Nếu chịu khó suy xét, có thể thấy rằng, Việt Nam không còn tiềm lực vật chất để phát triển nữa. Rừng- về cơ bản đã bị quan chức và những chính sách sai lầm phá hết. Biển- về cơ bản đã chết khi nguồn lợi hải sản đã bị khai cùng thác tận, và bị đầu độc ô nhiễm nặng nề. Dầu khí biển- về cơ bản cũng đã hết, và quan trọng nhất là 67 lô dầu khí biển đang mất dần vào tay bạn vàng bốn tốt Trung Hoa. “ Rừng đã hết và biển thì đang chết” có lẽ là câu thơ đau xót nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Đất đai- về cơ bản đã nằm trong tay các thương gia trục lợi và các nhóm tư bản thân hữu. Tài nguyên khoáng sản- về cơ bản đã hết. Việt Nam có tiềm lực vật chất nào nữa để mà đánh thức, để mà phát triển? Có nên trách người ra đề không có nhận thức về những thực tiễn đau lòng? Có nên xem xét rằng, người ra đề thi đã chính trị hóa sâu sắc bài thơ để tuyên truyền, mị dân về sự giàu có tài nguyên của đất nước? Nếu đặt ra những câu hỏi này, cần phải có thái độ cảm thông với các em học sinh vì các em đã bị cung cấp một ngộ nhận.

Thế giới đã qua rồi cái thời phát triển bằng tài nguyên khoáng sản, họ thấu hiểu “lời nguyền tài nguyên” là gì(Lời nguyền tài nguyên là một thuật ngữ chỉ việc khai thác tài nguyên chỉ làm lợi cho một nhóm người, không có lợi cho cộng đồng và đất nước, tàn phá môi trường…). Nước Nga của hoàng đế đỏ Putin đầy rẫy tài nguyên khoáng sản quý hiếm, đất hiếm và tồn tại bằng khai khoáng nhưng có giàu mạnh chút nào đâu. Lục địa đen cũng đầy rẫy tài nguyên khoáng sản nhưng vẫn đắm chìm vào đói nghèo và lạc hậu. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và hàng chục quốc gia khác không có tài nguyên khoáng sản, hoặc kiên quyết không khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn phát triển như vũ bão, vẫn giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc. Từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác đã kiên quyến nói không với khai thác mỏ để phát triển bằng kinh tế tri thức, bằng sáng tạo. Nước Mỹ dồi dào khoáng sản nhưng Mỹ không khai thác. Nước Mỹ nhập nguyên liệu phôi thép từ Liên xô cũ và nay là CHLB Nga về và chỉ sau vài tuần nước Mỹ đã có những sản phẩm thép đặc hữu có giá trị cao ngất. Giá trị cao ngất đó đến từ trí tuệ và sáng tạo chứ không đến từ khai thác và luyện thô. Nước Mỹ có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt vào hàng cao nhất thế giới, nhưng nước Mỹ chỉ khai thác nhỏ giọt, chủ yếu nhập khẩu. Trí tuệ và sức sáng tạo không ngưng nghỉ của nước Mỹ đã giúp cho nước Mỹ kiên định với con đường “giọt dầu cuối cùng của thế giới là giọt dầu của nước Mỹ”. Kiên định con đường ấy, nước Mỹ đã sản sinh ra công nghệ khai thác dầu đá phiến với hệ số thu hồi dầu cao gấp đôi các công nghệ hiện có, qua đó giảm giá thành, nâng cao sản lượng. Chính công nghệ này đã giúp giá dầu xuống thấp trong 4 năm nay. Với nước Mỹ, trí tuệ và sáng tạo làm nên thành tựu chứ không phải là tiềm lực tự nhiên.

Câu chuyện thành công- thất bại của các quốc gia không phải là câu chuyện tiềm lực tự nhiên, tài nhiên khoáng sán, mà chính là câu chuyện của các tiềm lực nhân văn, mà cụ thể là thể chế chính trị ưu việt hay thể chế chính trị tồi tệ, câu chuyện của tự do hay nô lệ, câu chuyện tôn trọng nhân quyền hay chà đạp nhân quyền.

Các quốc gia tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền đều là những quốc gia giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, New Zealand, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc……Ở đó, họ có đa nguyên và đa nguyên chính trị, có tự do bầu cử, có tam quyền phân lập để giám sát quyền lực, để chống tha hóa quyền lực. Ở đó có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do học thuật, tự do xuất bản, tự do biểu diễn, tự do sáng tác… Tự do là nền móng của sáng tạo, mà sáng tạo lại là nền tảng của phát triển và thịnh vượng, và họ giàu có là điều tất nhiên. Ở các quốc gia đó, quyền con người- nhân quyền được nhà nước và cộng đồng tôn trọng tuyệt đối. Khi nhân quyền được coi trọng và tôn trọng, con người luôn có hứng khởi để sống, để làm việc, để sáng tạo và cống hiến.

Nếu soi chiếu đơn giản các đặc trưng cơ bản của tự do- dân chủ- nhân quyền, hãy can đảm đặt câu hỏi: Việt Nam đã có tự do- dân chủ -nhân quyền hay chưa? Câu trả lời chính xác là, đó là mặt hàng xa xỉ mà nhân dân Việt Nam đang mong mỏi. Và khi chưa có mặt hàng xa xỉ đó, Việt Nam vẫn cứ phải lầm lũi trong đói nghèo, khổ đau và bất hạnh như những quốc gia thiếu vắng tự do- dân chủ- nhân quyền khác!

Việt Nam không còn tiềm lực tự nhiên để đánh thức, để phát triển, vậy cần gì để phát triển? Câu trả lời thật đơn giản: Việt Nam đang rất cần tiềm lực nhân văn đặc biệt Tự Do- Dân Chủ- Nhân Quyền. Đó là giải pháp vạn năng để sửa chữa những sai lầm của quá khứ, để phát triển trong hiện tại và thịnh vượng- hạnh phúc trong tương lai.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay