Cùng đi chung một đoạn đường

Cùng đi chung một đoạn đường

Phạm Thanh Chương

“Dù tiễn đưa ngàn dặm rồi cũng phải chia tay”

         (Tống quân thiên lý, chung hữu nhất biệt)

Du vũ Minh

Không ai có thể nói trước được chuyện gì sẽ xảy ra ở ngày mai, mặc dù ngày mai mặt trời vẫn lên, nắng vẫn lấp lánh trên cành lá và dòng sông vẫn lặng lẽ hiền hòa chảy quanh đồng cỏ như ngày mọi ngày…

Thiền sư Ajahn Chah khuyên chúng ta rằng :“Rồi sẽ có một ngày bạn phải vào bệnh viện, bạn hãy tâm niệm rằng: lành bệnh thì tốt nếu không lành bệnh thì cũng tốt thôi, trường hợp xấu hơn, thầy thuốc nói bạn chỉ còn sống một thời gian ngắn nữa, bạn hãy bình tỉnh nhìn những người đang ở chung quanh bạn và nghĩ rằng: Dù mau hay chậm rồi họ cũng sẽ như mình. Được như vậy bạn sẽ thấy vơi bớt những lo âu đang nặng trĩu trong lòng”

Trong cuộc sống chúng ta thường gặp những rủi ro và bất công nhưng cái chết luôn bình đẳng với mọi người, phải chăng đó là niềm an ủi trước khi rời bỏ người thân và cuộc đời…với những nỗi buồn trĩu nặng trên đôi vai?

Tác giả Du Vũ Minh nói về cuộc chia tay với người bạn thân thiết của ông rằng: “Sau cơn mưa hôm ấy, người bạn của tôi ngỏ lời từ giã, tôi đòi đưa bạn mình ra đến trạm chờ xe, bạn tôi nói: “dù có đưa nhau ngàn dặm cuối cùng cũng phải chia tay, thế nào chăng nữa thì bạn  chỉ có thể cùng tôi đi chung một đoạn đường. Vậy bạn đưa tôi ra khỏi cửa nhà cũng đủ rồi.

Trước năm 1975, hồi tôi còn ở căn phòng nhỏ bề bộn trong thành Ô Ma, Saigon. Bạn tôi, Phạm Chu Sa thường đến chơi và có lần nói với tôi rằng: anh có người bạn có một sở thích rất lạ lùng: cứ 4 giờ sáng là anh ta thức dậy ra ngoài bến xe, anh ngồi đó với ly cà phê bên quán cóc nhìn thiên hạ cho đến sáng trắng mới trở về. Anh ấy thích nhìn cảnh chia ly chăng? Hay anh bị ám ảnh một nỗi buồn nào đó từ trong sâu thẳm của tâm hồn?

Trước đây, Tế Hanh một nhà thơ nổi danh từ thời tiền chiến cũng đã từng chìm đắm trong nỗi buồn như vậy:

Những ngày nghỉ học tôi hay tới

Đón chuyến tàu đi đến những ga

  Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt

 Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”

Nỗi buồn cứ vướng theo từng bước chân của người ở lại:

“Kẻ về không nói bước vương vương

 Thương nhớ lan xa mấy dặm trường…

Âu cũng là sở thích của mỗi người, nhưng đó là những cuộc chia tay nhẹ nhàng để rồi có ngày còn gặp lại. Nhưng có những cuộc chia tay để rồi cách biệt không còn bao giờ gặp nữa.

Lúc thấm đẫm nỗi buồn mất mát khi đã xa cách ngàn trùng người ta mới cảm nhận sự quí hóa của từng ngày được sống gần nhau:

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

 Ta được thêm ngày nữa để yêu thương

(Kahil Gibran. Nguyễn nhật Ánh dịch).

Tác giả Jean D’Ormesson, viết một đoạn ngắn về “Chuyến tầu cuộc đời” (Le train de la vie), ông nói: Cuộc hành trình đầy niềm vui lẫn nỗi buồn, hội ngộ rồi chia ly. Ta chẳng biết rồi ta sẽ xuống ở ga nào? Thôi thì hãy sống vui, yêu thương và tha thứ, điều quan trọng là chúng ta phải để lại những kỷ niệm đẹp cho những người còn tiếp tục chuyến đi. Và cuối cùng xin cảm ơn bạn là người hành khách đã cùng với tôi chung một chuyến tàu.

Trong cuộc hành trình trên “Chuyến tầu cuộc đời” dù phải xuống bất cứ ga nào, tôi cầu mong khi rời bỏ trần gian này chúng ta sẽ bước lên một chuyến tầu khác êm ái hơn, thân thiện hơn, sẽ đưa chúng ta về một nơi chốn bình yên đầy cỏ hoa và nắng ấm.

(Gởi bạn bè, người thân và em.  Những người đã cùng tôi đi chung một đoạn đường trong cuộc sống nầy)

Saigon, tháng IV.2019

Phạm Thanh Chương

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay