NẾU KHÔNG CÓ CHA ĐẮC LỘ, SỐ PHẬN CHỮ QUỐC NGỮ RA SAO?

No photo description available.

Hoàng Mạnh Hà is with Vũ Xuân Tràng and 7 others.

NẾU KHÔNG CÓ CHA ĐẮC LỘ, SỐ PHẬN CHỮ QUỐC NGỮ RA SAO?

Một trong những luận điệu mà 12 “nhà nghiên cứu” đưa ra để phủ nhận vai trò của Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là “Đắc Lộ không phải là người Âu châu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải người đầu tiên sáng tác chữ Quốc ngữ…”. Nói như thế, nhóm 12 “học giả” (hầu hết từ đất Thần Kinh) có thể do hoặc không đọc sách, hoặc cố tình giả ngu để phủ nhận vai trò của Cha Đắc Lộ.

Nhóm 12 này còn cho rằng, “sở dĩ Đắc Lộ về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ Quốc ngữ cho bằng ông đã để lại hai quyển sách”.

Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Các ông đang cố tình xem nhẹ việc xuất bản và công bố những cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Cha Đắc Lộ. Thử hỏi, nếu những cuốn sách đó không được xuất bản thì số phận của chữ Quốc ngữ sau đó sẽ ra sao?

Các tác phẩm xuất bản của Linh mục Đỗ Quang Chính, cũng là tu sĩ Dòng Tên, đã lý giải khá cặn kẽ vấn đề này. Đó là cuốn “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659” và cuốn “Tản mạn lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam”.
Xin nói thêm, Linh mục Đỗ Quang Chính là tiến sĩ sử học ĐH Sorbonne, Pháp. Tuy nhiên, trên các sách của ngài, chúng ta sẽ không bao giờ thấy ghi học vị. Mà tôi thấy hầu hết các vị chân tu đều chẳng bao giờ in học hàm, học vị trên các trước tác, hoặc danh thiếp của họ.

NHỮNG CUỐN SÁCH QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN BỊ THẤT TRUYỀN
Trở lại chuyện chữ Quốc ngữ, chẳng những Cha Francisco de Pina là người học tiếng Việt đầu tiên, là thầy dạy tiếng Việt cho Cha Đắc Lộ mà ngài còn là đầu tiên soạn ra cuốn sách CHÍNH TẢ VIỆT NGỮ. Cuốn này Cha Pina viết tại Hội An khoảng năm 1622. Đến năm 1623, Cha Francisco de Pina lại viết cuốn NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT. Cuốn này viết tại Hội An hoặc Thành Chiêm.

Ngoài ra, còn khoảng ba cuốn sách do các giáo sĩ khác viết trong thời kỳ từ 1625 – 1642. Có cuốn thì viết ở Đàng Trong, có cuốn viết ở Đàng Ngoài.

Theo Cha Đỗ Quang Chính, sở dĩ chúng ta biết có những cuốn sách viết tay đã xuất hiện ở giai đoạn này là vì các tu sĩ Dòng Tên khi đi truyền giáo ở các nước, phải thường xuyên viết bản trường trình cho các bề trên ở Macao, Roma. Ngoài nội dung nói về công việc truyền giáo, các giáo sĩ cũng đề cập đến các tác phẩm của mình. Trong quá trình nghiên cứu, Cha Đỗ Quang Chính đã tìm tòi trong các văn khố và thư viện ở La Mã, Madrid, Lisboa, Paris, Lyon, Avignon nhưng rất tiếc là không tìm được những cuốn sách này.

Sau những tác phẩm trên, đến năm 1651 Cha Đắc Lộ đã cho xuất bản cuốn “Tự điển Việt – Bồ – La” và cuốn “Phép giảng tám ngày” bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên. Hai cuốn sách này được Bề trên cả Dòng Tên cho xuất bản tại La Mã. Ngày 2-10-1651, trong một phiên họp, các hồng y và Giáo chủ đã ra lệnh cho nhà in của Bộ Truyền giáo ngừng mọi công việc để in cho xong. Hai cuốn này về sau đã được dịch và xuất bản nhiều ở Việt Nam. Hiện nay, ở Nhà thờ Mằng Lăng, Giáo phận Qui Nhơn còn lưu giữ cuốn Phép giảng tám ngày, xuất bản đầu tiên tại La Mã.

NẾU CHA ĐẮC LỘ KHÔNG XUẤT BẢN…

Nếu hai cuốn sách của Cha Đắc Lộ không được xuất bản mà chỉ là bản viết tay như của Cha Pina hay các giáo sĩ kể trên, theo Cha Đỗ Quang Chính, có thể xảy ra các trường hợp sau:

– Bị tiêu huỷ hay nằm ở một xó nào đó, giống như hai cuốn Chính tả và Ngữ pháp của Cha Pina hay các cuốn sách của giáo sĩ khác.
– Ngày nay chúng ta không có một bản văn dài và Từ điển vào giữa thế kỷ XVII để biết được khá rõ về thời điểm khai sinh chữ Quốc ngữ. Cũng vì nhiều tài liệu của các tác giả khác không còn nữa nên chúng ta chỉ biết sơ sài tình hình chữ Quốc ngữ trước năm 1651.
– Sẽ làm chậm lại công cuộc bổ sung và phổ biến chữ Quốc ngữ. Nếu không xuất bản hai cuốn sách trên, chưa chắc năm 1659 Thầy giảng Bento Thiện đã soạn được tập Lịch sử nước An Nam chẳng những có rất nhiều giá trị về mặt ngôn ngữ mà còn về mặt lịch sử. Đằng khác, chưa chắc vào năm 1773 Đức cha Bá Đa Lộc cùng cha Phao-lô Nghị đã soạn xong cuốn Tự điển.
– Ngày nay không thể biết được công trình của Cha Đắc Lộ. Cha Đắc Lộ đã cho xuất bản nhiều sách khác về Việt Nam, nhưng nếu bỏ qua hai cuốn này thì ai dám đánh giá rất cao về mặt tiếng Việt của ông. Lúc ấy người ta chỉ coi ông là nhà truyền giáo số 1 ở Việt Nam vì nhiệt tình, can đảm, yêu mến, gắn bó với con người và xứ sở nơi ông phục vụ…

CÔNG BỐ CHỮ QUỐC NGỮ CHO CẢ THẾ GIỚI

Hai tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên được công bố tại Roma, trung tâm của Giáo hội Công giáo. Uy tín của Roma đối với châu Âu hồi đó nổi bật hơn ngày nay. Toàn thành phố Roma và các vùng xung quanh thời ấy là đất của Toà thánh, dưới quyền của Đức Thánh cha về thần quyền và thế quyền. Vì vậy, việc in ấn do Thánh bộ Truyền bá Đức Tin, rồi phát hành đi các nơi, mang ý nghĩa chính thức được Roma công nhận và đề cao.

Để công bố cho toàn thế giới biết công trình sáng tác chữ Quốc ngữ, Cha Đắc Lộ đã phải vượt qua bao khó khăn. Muốn có công trình này, ngoài tài năng về ngôn ngữ và kiên trì học hỏi, Cha Đắc Lộ còn phải nhờ đến công trình của các vị đi trước, đề cao công lao của người thầy Francisco de Pina và sự đóng góp của các thầy giảng người Việt nữa.

Công là vậy, mà nỡ sao các vị được cho là có ăn có học, hậu duệ của nước Đại Việt xưa, không những phủi tay mà còn bảo Đắc Lộ có tội!
(Còn tiếp)

HOÀNG MẠNH HÀ
——
Ảnh: Cuốn Phép giảng tám ngày, bản in chữ Quốc ngữ đầu tiên xuất bản tại Roma, hiện đang được lưu giữ ở Nhà thờ Mằng Lăng, Giáo phận Qui Nhơn

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay