Ở đâu mà dân chủ và quyền con người bị chà đạp như ở Việt Nam?

Ở đâu mà dân chủ và quyền con người bị chà đạp như ở Việt Nam?

Nguyễn Tiến Trung

 Xin chú thích là tôi để chữ “tiến sĩ” trong ngoặc kép vì tôi không tin vào các chức danh và học vấn thật sự của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng dù sao tôi cũng cảm ơn ông Cao Đức Thái vì nhờ có ông mà tôi mới biết ở Việt Nam có hẳn một Viện nghiên cứu về quyền con người. Tôi lấy làm lạ vì sau bao nhiêu năm chứng kiến tình trạng vi phạm nhân quyền nhan nhản ở Việt Nam tôi không hề thấy các “giáo sư”, “tiến sĩ” ở Viện này lên tiếng.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ chỉ tập trung phân tích các yếu tố của một chế độ được gọi là dân chủ do chính ông Thái nêu ra để xem xét xem chế độ dân chủ mà ông gọi là “dân chủ xã hội chủ nghĩa” có thực là một chế độ do người dân làm chủ hay không.

1. Sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân (bao gồm tất cả các thành viên xã hội)

Người dân Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế dễ dàng nhận ra công dân cộng sản và công dân không cộng sản không hề bình đẳng. Ngay trong điều 4 Hiến pháp do giới lãnh đạo cộng sản ban hành đã cho phép các công dân cộng sản có quyền lập đảng, quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội” mà không cần thông qua lá phiếu của dân. Công dân không cộng sản bị bắt buộc phải phục tùng sự lãnh đạo của công dân cộng sản.

Công dân cộng sản có quyền thành lập các hội như Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong khi công dân không cộng sản hoàn toàn không có quyền tự do lập hội. Đến giờ này Quốc hội do giới lãnh đạo cộng sản “cơ cấu”, “quy hoạch” vẫn không ban hành Luật về quyền tự do lập hội, tước đoạt quyền tự do lập hội của nhân dân Việt Nam.

Ví dụ về sự bất bình đẳng trong quyền lãnh đạo quốc gia, quyền tự do lập đảng, lập hội cũng cho thấy là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam nói riêng, các công dân là đảng viên cộng sản nói chung, đang vi phạm nghiêm trọng điều 16 Hiến pháp: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Theo điều 47 Hiến pháp, “mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”. Tuy nhiên, công dân cộng sản có quyền sử dụng tiền thuế của công dân không cộng sản. Trong Điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam, Điều 46 có nêu: “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, thu từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của Đảng, ngân sách nhà nước và các khoản thu khác”.

Tại sao các công dân cộng sản có quyền sử dụng ngân sách nhà nước tạo thành từ tiền thuế của các công dân khác? Tại sao điều lệ của một đảng, không phải là luật do Quốc hội ban hành, lại có hiệu lực với cả ngân sách nhà nước? Rõ ràng là không hề có sự bình đẳng trong việc đóng thuế và sử dụng tiền thuế giữa công dân cộng sản và không cộng sản.

Như thế, điều kiện số 1 của một nền dân chủ là sự bình đẳng giữa các công dân không hề tồn tại tại Việt Nam. Công dân cộng sản là công dân hạng nhất, là giai cấp thống trị, có quyền lãnh đạo không cần qua bầu cử, có quyền sử dụng tiền thuế của dân, có quyền vi phạm Hiến pháp và pháp luật mà không sợ bị trừng phạt.

2. Bầu cử tự do và theo nhiệm kỳ bầu ra các cơ quan, người lãnh đạo nhà nước

Có thể khẳng định, ngay ở Việt Nam không hề có bầu cử tự do và công bằng. Các khâu đưa người ra ứng cử, đếm phiếu và công bố kết quả bầu cử đều do Mặt trận Tổ quốc, cánh tay nối dài của đảng Cộng sản thực hiện, nên chắc chắn không thể có công bằng với các ứng cử viên không cộng sản.

Điều 4 của luật Mặt trận Tổ quốc ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Đương nhiên Mặt trận Tổ quốc phải làm tốt việc là chỉ đưa những người được giới lãnh đạo cộng sản chuẩn thuận vào Quốc hội.

Trong lần bầu cử Quốc hội gần đây nhất, tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhiều trí thức không cộng sản khác có uy tín với dân như chị Nguyễn Trang Nhung đã ra ứng cử, nhưng bị an ninh hăm dọa, và kết quả hiệp thương rất dễ đoán là các ứng viên không có ý thức hệ cộng sản đều rớt.

Ngày 14/9/2019 mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải đã nói thật: “…Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực các ủy ban của Quốc hội họ thường từ chối. Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều ‘xin đừng đưa em vào quy hoạch’.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đồng ý: “Có những cán bộ ở cơ quan khác, khi chúng tôi làm việc với tổ chức để quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách ở Quốc hội thì họ thường xin đừng cho em vào, nếu chị cho em vào quy hoạch sang Quốc hội thì sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại của em nên em xin rút”.

Qua lời phát biểu công khai của hai quan chức trên, rõ ràng là bầu cử Quốc hội ở Việt Nam cũng không có tự do khi chính những quan chức, cán bộ đảng viên cộng sản cũng bị cưỡng ép phải đóng vai “đại biểu nhân dân”, cũng có nghĩa là lá phiếu của dân chỉ là mớ giấy lộn. Tôi dám chắc là từ trước đến nay không có ai rỗi hơi đi ngồi đếm phiếu của dân cả. Kết quả bỏ phiếu đều phải đi theo “cơ cấu”, “quy hoạch” của giới lãnh đạo cộng sản.

Từ đó, chúng ta có thể khẳng định rằng ở Việt Nam không hề có bầu cử tự do và công bằng. Tất cả chỉ là trò diễn hề của đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tạo tính chính danh cho chế độ.

Bầu cử là sự lựa chọn. Bầu cử độc đảng nghĩa là dân Việt Nam hoàn toàn không có bất kỳ lựa chọn nào. Bầu cử độc đảng là thủ đoạn tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam.

Bầu cử độc đảng như vậy đã vi phạm nghiêm trọng điều 2 Hiến pháp: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, điều 3 “nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, điều 7 nhấn mạnh bầu cử phải theo nguyên tắc “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”,… Tức là điều kiện số 2 của một nền dân chủ không có ở Việt Nam.

3. Quyền lực của nhà nước được chia ra làm ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi cơ quan trên có một chức năng riêng.

Điều 69 Hiến pháp ghi rõ: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Thế nhưng bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong phiên họp Quốc hội bàn về dự luật Đặc khu ngày 16/4/2019, lại “hồn nhiên” phát biểu: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”.

Bất kỳ ai hiểu biết về luật Hiến pháp sẽ phải phì cười vì trong Hiến pháp do chính các lãnh đạo cộng sản ban hành hoàn toàn không hề có dòng nào quy định “Bộ Chính trị” là cơ quan quyền lực nhà nước nào, quyền hạn và trách nhiệm tới đâu, do ai bầu ra. Quốc hội là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” rồi thì “Bộ chính trị” là cái gì mà dám ra lệnh cho Quốc hội, nhánh Lập pháp? Người dân có bầu ra cái gọi là “Bộ chính trị” hay không?

Ngày 6/8/2018, ông Phan Bá, Vụ trưởng Vụ địa phương – Ban Nội chính Trung ương, cho biết về chỉ thị 15 như sau: “Đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, khi bị khởi tố thì cơ quan chức năng phải báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị còn đảng viên các cấp khác không phải xin ý kiến mà chỉ có quy định khi khởi tố đồng thời báo cho cấp ủy mà đảng viên đó sinh hoạt để cấp ủy biết và tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng”.

Như thế, cái gọi là “Bộ Chính trị” cũng đứng trên nhánh Hành pháp, đứng trên công an. Nếu công an muốn bắt công dân là “cán bộ” do “Bộ chính trị” quản lý thì phải “báo cáo”, “xin ý kiến”. Cái gọi là “Bộ chính trị” đó có quyền lực đứng trên mọi quyền lực, đứng trên cả Tòa án là nhánh Tư pháp khi cho phép công an bắt ai thì mới được bắt.

Tức là trên thực tế, cái gọi là “Bộ chính trị” đứng trên tất cả các nhánh quyền lực nhà nước là Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Điều này khiến sự phân chia các nhánh quyền lực nhà nước trở nên vô nghĩa vì không có ai hay cơ quan nào có thể giám sát quyền lực bất hợp pháp của cái gọi là “Bộ chính trị”.

Quyền lực của “Bộ chính trị” như vậy là đã vi phạm điều 69 Hiến pháp về quyền lực của Quốc hội, điều 94 Hiến pháp về quyền lực của chính phủ, và vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khoản 2 điều 103 Hiến pháp: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.

Như thế, điều kiện thứ 3 của một nền dân chủ thực sự không hề có ở Việt Nam.

4. Hiến pháp và pháp luật được xem là tối thượng

Qua các phân tích ở các tiêu chí 1, 2, 3 thì chúng ta cũng thấy, giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm Hiến pháp và pháp luật một cách nghiêm trọng và có hệ thống. Thực tế, cái gọi là “Bộ chính trị” mới là “tối thượng” ở đất nước Việt Nam này chứ không phải là Hiến pháp và pháp luật, dù Hiến pháp và pháp luật được làm ra bởi chính các đảng viên cộng sản trong Quốc hội.

Chính Tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Hiến pháp là “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng [cộng sản]”. Tức là cương lĩnh của đảng Cộng sản còn có giá trị cao hơn Hiến pháp. Nếu đảng viên cộng sản, Bộ chính trị vi phạm Hiến pháp như đã chỉ ra ở trên mà vẫn đúng cương lĩnh của đảng Cộng sản thì vẫn không bị coi là có tội?

Cần khẳng định dứt khoát rằng, đã vi phạm Hiến pháp và pháp luật thì đó là tội phạm và hành vi phạm tội phải lập tức chấm dứt ngay. Thực ra, giới lãnh đạo cộng sản thừa biết họ vi phạm Hiến pháp nên mới cương quyết không cho thành lập Tòa bảo hiến. Nếu có Tòa bảo hiến thì tôi và các công dân Việt Nam khác sẽ ngay lập tức kiện họ ra tòa.

5. Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được tôn trọng và bảo đảm

Điều 25 Hiến pháp ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Thế nhưng đến giờ phút này người dân Việt Nam chưa có quyền ra báo chí tư nhân, các quyền hội họp, lập hội, biểu tình cũng không có. Quốc hội của đảng Cộng sản Việt Nam không thèm ra các bộ luật bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình của người dân. Trong khi lực lượng công an thì vịn vào cớ đó để đàn áp các cuộc biểu tình do nhân dân phản đối cộng sản Trung Quốc xâm lược, phản đối dự luật Đặc khu, dự luật An ninh mạng,…

Trong bài viết của mình, ông Cao Đức Thái “khoe” là ở Việt Nam có tổng cộng hơn một ngàn cơ quan báo chí các loại. Tuy nhiên, con số đó không nói lên gì cả khi ở Việt Nam chưa có một tờ báo tư nhân. Công dân có quyền tự do báo chí tức là công dân không cộng sản cũng phải có quyền ra báo. Việc khoe Việt Nam có nhiều cơ quan báo chí chỉ là ngụy biện, lảng tránh vấn đề.

Khoản 1, điều 28 Hiến pháp, ghi: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.

Tôi đố các lãnh đạo cộng sản có thể chỉ ra cho tôi cán bộ từ cấp trung trở lên trong bộ máy nhà nước không phải là đảng viên cộng sản. Thực tế rành rành là công dân không cộng sản hoàn toàn không có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội như Hiến pháp quy định.

Như thế, ở Việt Nam, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân không hề được tôn trọng và bảo đảm. Thực tế là, chỉ có quyền của đảng viên cộng sản, nhất là quyền của cái gọi là “Bộ chính trị” mới được bảo đảm.

Kết luận

Sau khi điểm qua 5 tiêu chí để đánh giá một chế độ dân chủ do “tiến sĩ” xã hội chủ nghĩa Cao Đức Thái đưa ra, người dân Việt Nam có thể thấy rất rõ là “chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa” hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn không hề thỏa mãn bất kỳ một tiêu chí nào. Nói thẳng ra, ở Việt Nam không hề có dân chủ mà chỉ có “đảng chủ”, “đảng trị”.

“Tiến sĩ” Cao Đức Thái đã khái quát “đảng chủ” ở Việt Nam như thế này: “Nền dân chủ ở Việt Nam là chế độ dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền”. Điều này chẳng khác gì chế độ phong kiến vì vua cũng có thể nói “chế độ phong kiến là chế độ dân chủ do vua và con cháu vua lãnh đạo và cầm quyền”.

Trình độ ngụy biện của “tiến sĩ” Cao Đức Thái quả là mạt hạng (chứ không phải siêu hạng).

Tôi xin mời “tiến sĩ” Cao Đức Thái nói riêng, các “giáo sư”, “tiến sĩ” xã hội chủ nghĩa tranh luận, viết bài phản biện lại bài viết này của tôi, để nhân dân Việt Nam tiếp tục được “sáng mắt, sáng lòng” về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nếu các vị không dám ra tranh luận, tức là các vị thừa nhận giới lãnh đạo cộng sản đang vi phạm Hiến pháp và pháp luật nghiêm trọng, thừa nhận không có dân chủ, không có quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay