Dương cầm thủ ‘vô thủ’ Dương Quyết Thắng

Dương cầm thủ ‘vô thủ’ Dương Quyết Thắng

Đằng-Giao/Người Việt

Dương Quyết Thắng, người chơi đàn bằng trọn con tim. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Chỉ lắng tai nghe, người ta sẽ cảm nhận, ngón đàn của dương cầm thủ Dương Quyết Thắng thiếu tinh xảo và điêu luyện, dù tiếng đàn vững chắc, chuyên nghiệp. Nhưng, liếc nhìn anh trên sân khấu, người ta sẽ ngạc nhiên và vỡ òa, bởi, anh không có mười ngón tay cần thiết như một dương cầm thủ!

Anh cũng không có được năm ngón tay.

Anh chỉ có hai cùi tay trơ trọi mà thôi.

Thế nhưng tiếng đàn của anh sẽ là những âm thanh vang vọng mãi trong lòng khán giả.

Vì anh chơi đàn bằng trọn tâm hồn và cả con tim đầy sức sống của mình.

21 tuổi mất hai bàn tay

Hành trình để anh Quyết Thắng có thể trình diễn dương cầm là một câu chuyện đầy sóng gió, đầy bão tố và chướng ngại thử thách cam go.

Khi còn đủ hai bàn tay, anh Dương Quyết Thắng từng chơi “keyboard” cho đám cưới. “Trước khi gặp tai nạn, mong ước của tôi là trở thành giáo viên âm nhạc. Thi đậu vào Đại Học Sư Phạm Âm Nhạc, tôi phải bỏ học vì lý do gia cảnh,” anh kể. “Học xong mà không có chỗ dạy thì cũng hoài công.”

Thi vào Học Viện Âm Nhạc Huế, anh rớt lần đầu. “Dạy không được thì tôi học sâu về âm nhạc như hòa âm, phối khí, sáng tác. Rớt thì tôi thi lại,” anh nói một cách đương nhiên. “Tôi đam mê âm nhạc từ lâu rồi.”

Năm sau, anh thi lại.

Năm 2009, trong lúc đang cắm điện vô đàn “keyboard,” chuẩn bị cho đám cưới, anh bị giựt điện cao thế. Khi tỉnh dậy trong nhà thương, anh thấy hai tay mình đã bị cưa vì hoại tử.

Anh đang sống với sứ mệnh là đem lời ca tiếng nhạc giúp vui cho đời. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trớ trêu thay, anh nhận giấy báo nhập học Học Viện Âm Nhạc Huế.

Năm ấy anh 21 tuổi.

Anh khóc. Khóc thật nhiều.

Và lại khóc nữa.

“Tất cả cuộc đời tôi như chấm dứt ngay lúc đó. Tôi như cái xác không hồn,” anh rướm nước mắt kể.

Anh nhớ lại: “Tôi bàng hoàng và tức giận.Tức giận cho cuộc đời, tức giận cho số phận hẩm hiu, tức giận cho hoàn cảnh trớ trêu đầy bất hạnh.”

“Lúc ấy, tôi nghĩ ngay đến cái chết. Chết là cách giải quyết dễ dàng nhất,” anh hồi tưởng.

Nhưng nhìn lại chung quanh thì người đau đớn và bất hạnh nhất trước nghịch cảnh ấy lại không phải là anh mà chính là mẹ anh. Bà còn khóc nhiều hơn anh.

Anh tiếp: “Mẹ tôi cũng như cái xác không hồn.”

“Thấy mẹ tôi cứ xanh xao, hao gầy đi trước mắt mình, tôi cảm thấy xấu hổ với chính tôi,” anh nhỏ giọng.

Nhưng nhờ sự động viên và khuyến khích của mẹ, anh đã dần dần tìm thấy nghị lực để tiếp tục sống.

Phải đến lúc mẹ khuyên anh cố vui sống đến vài trăm lần, anh mới tạm nguôi ngoai nỗi uất hận định mệnh.

Sống bằng nghề nông mà gia đình anh với 10 miệng ăn gồm cha mẹ và tám anh chị em phải bán tất cả đất đai, ruộng vườn, nhà cửa để lo cho sức khỏe anh. Anh Quyết Thắng quyết định phải chiến thắng hoàn cảnh bế tắc ấy.

“Tôi biết rằng mình phải có trách nhiệm với sự cố gắng của gia đình. Mẹ tôi không thể hoài công. Công sinh thành, công dưỡng dục của mẹ tôi phải được đền bù một cách xứng đáng,” anh nói một cách cương quyết. “Và tôi chưa chết hôm ấy vì Chúa chưa muốn tôi chết. Chúa có mục đích của Chúa.”

Thế rồi, bước kế tiếp là làm gì để không là gánh nặng cho gia đình. “Vốn mê âm nhạc từ hồi còn bé, tôi chỉ nghĩ là mình lại tiếp tục chơi ‘organ’ thôi. Nhưng làm sao để mà chơi được như lúc mình chưa bị cụt tay,” anh kể.

Phía sau cây dương cầm to lớn này là người nghệ sĩ không còn đôi tay Dương Quyết Thắng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong lúc phải tự mình an ủi bản thân mình, anh Quyết Thắng phải tự dạy mình cách chơi đàn lại từ đầu vì không ai có bài bản để dạy một người như anh. “Phải mất đến hai năm tôi mới có thể chập chững tạo ra những âm thanh ‘tạm nghe được’ từ cây đàn ‘keyboard’ quen thuộc,” anh kể.

Hai năm thôi mà anh đã tìm được cách để chơi đàn theo ý mình.

Và bản nhạc đầu tiên anh chơi trọn vẹn là bài “Câu Chuyện Của Tôi” do chính anh sáng tác. “Ngày mẹ sinh ra, trên đôi môi tôi là tiếng cười…”

Anh đã tìm ra cho mình niềm lạc quan để vui sống. Anh cười: “Tôi phải sống sao cho cha mẹ hãnh diện.”

Một “Vietnam’s Got Talent”

Rồi thì anh tham dự cuộc thi Tìm Kiếm Tài Năng “Vietnam’s Got Talent” năm 2012 và lọt vào vòng chung kết.

“Tài tôi chưa đủ để đoạt giải nhất nhưng ít nhất tôi tự chứng minh rằng mình chưa phải là người vô dụng,” anh cười duyên dáng. “Tôi là một trong sáu người vào vòng chung kết.”

Sau cuộc thi “Vietnam’s Got Talent,” anh được mời trình diễn khắp nơi. “Hiện tôi đang sống bằng nghề ca hát. Đây là một lãnh vực mà tôi đam mê từ lâu rồi,” anh cười thỏa mãn.

Lúc ấy, anh biết sứ mệnh của mình là đem lời ca, tiếng nhạc để giúp vui cho đời. Tùy theo trường hợp, có khi anh chơi nhạc của chính mình, có khi của Quách Beem và có khi của Lam Phương.

Hãnh diện vì không là gánh nặng cho bất cứ ai. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Anh đang sống với với vợ là Hồ Thị Thu và có hai con gái, hai tuổi rưỡi và bốn tuổi tại giáo xứ Kẻ Mui, hạt Nghĩa Yên, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Tới đây, đêm Thứ Bảy, 12 Tháng Mười, trong buổi thánh nhạc “Thánh Ca Diễn Nguyện Đức Mẹ Măng Đen Kon Tum” diễn ra tại Little Saigon, California, anh Dương Quyết Thắng sẽ gởi đến khán giả những âm thanh thuần túy từ con tim thuần thành.

Buổi thánh nhạc sẽ được trình diễn lúc 6 giờ rưỡi chiều tại hí viện Saigon Performing Arts Center, 16149 Brookhurst St., Fountain Valley, CA 92708.

Đây là một chương trình nhằm tôn vinh và gây quỹ cho Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen tại Kon Tum do Giám Mục Aloiso Nguyễn Hùng Vị ủy quyền cho Linh Mục Đa Minh Trần Văn Vũ và Hiệp Hội Truyền Giáo Têrêsa tổ chức.

Ngoài anh Dương Quyết Thắng, chương trình còn có các ca sĩ Mai Thiên Vân, Thúy An, Quỳnh Trâm, Ngô Thúy Hằng, Triệu Ngọc Yến, Thiên Tôn, Thành Lễ, Đê Ly, Vũ Anh.

Chương trình còn có sự tham gia của Đức Ông Phạm Quốc Tuấn, Linh Mục Trần Cao Thượng, Linh Mục Trần Văn Vũ, Linh Mục Khôi Nguyên, Soeur Ái Liên.

Góp phần làm nên chương trình còn có MC Kim Thúy, hoa hậu Vân Khương, Ngọc Chiệu, Đoàn Múa Dân Tộc Tam Biên, Đoàn Múa Các Em Thánh Linh, Ca Đoàn Hosana.

Anh Dương Quyết Thắng chia sẻ: “Cứ tin vào ơn trên và cố gắng hết sức mình thì làm gì cũng được.”

Anh nhấn mạnh: “Một lần chưa được thì lần thứ hai rồi lần thứ hai trăm cũng sẽ phải được thôi.”

Anh cố ý nhảy từ lần thứ hai đến hai trăm để nhấn mạnh vào lòng cương quyết và đức tin.

“Tôi tin rằng tôi còn sống để trình diễn âm nhạc là do ý Chúa,” dương cầm thủ “vô thủ” Dương Quyết Thắng nói. (Đằng-Giao)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay