VIỆN ĐẠI HỌC MINH ĐỨC
Trường Đại học Kinh Thương
Lm. Lê Ngọc Thanh
(@Lm An Thanh)
Đại học Công giáo trước 1975
VIỆN ĐẠI HỌC MINH ĐỨC
[*Thông tin chưa hoàn chỉnh, cần bổ sung]
Viện Đại học Minh Đức là công trình của Liên hiệp các Dòng Tu Công giáo tại Việt Nam. Tôn chỉ của Viện Đại học Minh Đức là Dân tộc, Hiện đại, và Thực dụng.
Tên của Viện Đại học Minh Đức được rút từ câu đầu trong sách Đại Học (một trong bốn sách gọi là Tứ thư của Nho giáo): Đại học chi đạo tại minh minh đức… (大學之道在明明德…), nghĩa là: Con đường Đại học cốt ở làm sáng đức sáng.
Ý nghĩa của tôn chỉ Viện Đại học Minh Đức là Dân Tộc – Hiện Đại – Thực Dụng
1. Với tôn chỉ Dân Tộc, Viện đào tạo Sinh viên trên căn bản tinh thần dân tộc với chương trình giảng dạy cũng như nghiên cứu đều hướng về các sinh hoạt và phát triển trong khung cảnh Việt Nam.
2. Với tôn chỉ Hiện Đại, Viện nghiên cứu và phối hợp các kiến thức về phát triển các ngành học, phát triển Quốc Gia, các kỹ thuật tân tiến của thế giới với giá trị dân tộc và khung cảnh Việt Nam để truyền bá cho Sinh viên và cống hiến cho cộng đồng.
3. Với tôn chỉ Thực Dụng, Viện không áp dụng lối học từ chương khoa cử mà giảng dạy những vấn đề thực dụng, cần ích cho Sinh viên ra đời làm việc và đóng góp.
Viện Đại học Minh Đức thành lập từ tháng 9 năm 1970 với năm phân khoa:
– Kỹ thuật canh nông,
– Khoa học thực dụng,
– Kinh tế thương mại,
– Triết học, và
– Y khoa.
Vị viện trưởng đầu tiên được Liên hiệp các bề trên thượng cấp Việt Nam trao cho cha Thiên Phong Bửu Dưỡng là Giáo sư Triết học của Viện Đại học Sài Gòn, thuộc Dòng Đa Minh, cha Gioan Nguyễn Văn Thính, DCCT đảm nhiệm vai trò Viện Phó. Sau đó vì nhiều lý do, các Dòng tu rút dần sự tham gia trực tiếp, nên gánh nặng trách nhiệm trao sang cha Henry Bạch văn Lộc, Dòng Chúa Cứu Thế, Tiến sĩ Giáo luật làm Viện Trưởng.
Đây là viện đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam có dạy 2 ngành Y khoa và Kỹ thuật, trong đó chương trình học Y khoa được kết hợp cả Đông Tây y. Đến tháng 12 năm 1972 thì trường chính thức nhận được giấy phép hoạt động dưới tên Viện Đại học Minh Đức. Trường tọa lạc ở số 6 đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định. Năm phân khoa đại học trước được tách ra thành 5 trường:
*Trường Đại học Kỹ thuật Canh nông
*Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật (phân khoa Khoa học thực dụng cũ)
*Trường Đại học Kinh thương: 179-181 đường Trần Quốc Toản (sau 1975 là đường 3 Tháng Hai)
*Trường Đại học Nhân văn Nghệ thuật (phân khoa Triết học cũ)
*Trường Đại học Y khoa, số 2 đường Trần Hoàng Quân (tức đường Nguyễn Chí Thanh sau năm 1975)
Theo ông Phạm Quang Hải (sinh viên Khóa 3) cho biết:
Trường Đại Học Kinh Thương Minh Đức được thành lập từ niên khóa 1970-1971 dưới danh hiệu Phân Khoa Kinh Tế Thương Mại. Từ đầu niên khóa 1973-1974, chính thức mang tên là Trường Đại Học Kinh Thương và đặt trụ sở riêng biệt tại số 179-181 Trần Quốc Toản, quận 10, Saigon.
Trường khởi sự với một sĩ số khiêm tốn là 175 Sinh viên Cử Nhân I. Trong bốn năm hoạt động, Trường đã phải tận lực vượt những trở ngại nội bộ cũng như hoàn cảnh, từ sự thiếu thốn phương tiện của một đại học tân lập đến ảnh hưởng của những đợt nhập ngũ liên tiếp trong các năm 1971 và 1972. Tuy nhiên, với ý chí cương quyết, tài quản trị điều hành của Trường, sự nâng đỡ tuyệt đối của Tòa Viện Trưởng và sự kiên nhẫn của tập thể Sinh viên, Đại Học Kinh Thương Minh Đức đã bước những bước tiến rất nhanh nhưng vẫn chắc chắn.
Vào niên khóa 1973-1974, sĩ số Trường Kinh Thương đã lên đến 1.000 Sinh viên. Trường hãnh diện và bận rộn sửa soạn tốt nghiệp cho Khóa I Kinh Thương với 70 Sinh viên tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân vào hè 1974. Những phương pháp giảng dạy mới, những chương trình thực tập tại các Xí nghiệp công và tư, những cuộc du khảo, điều nghiên, chương trình tìm việc cho sinh viên tốt nghiệp v.v… đã đem đến những nhận xét đầy khích lệ của giới chức hữu quyền, phụ huynh sinh viên và của cộng đồng đại học dành cho Đại Học Kinh Thương: “Một đại học tiến bộ và vững mạnh nhất”.
Màu xanh trời nhẹ nhàng đã trở thành quen thuộc với mọi người dưới một tên mới “Màu xanh Kinh Thương”. Cảm tình của cộng đồng dành cho sinh viên Kinh Thương cũng như niềm tin của các em vào sự dìu dắt của Trường đã đưa đến một kết luận chung là 75% Sinh viên cảm thấy “hãnh diện” hay “tự tin” khi có người biết mình là Sinh viên Minh Đức (Kết quả điều tra lấy ý kiến của toàn thể Sinh viên). Bước vào niên khóa 1974-1975, Trường Kinh Thương sẽ chứng kiến một năm phát triển nhất với các chương trình Cao Học, chương trính Cao Đẳng Chuyên Nghiệp mới, việc thiết lập Võ Đường Kinh Thương (Thái Cực Đạo), Tập San Kinh Thương, Tủ Sách Kinh Thương v.v…
Mục đích giáo dục của Trường Đại Học Kinh Thương là đào tạo một lớp chuyên viên vừa giỏi về kỹ thuật, vừa có một tinh thần phục vụ cao độ và lòng yêu nước thiết tha. Sinh viên tốt nghiệp Đại Học Kinh Thương sẽ là những con người toàn diện, vừa nắm vững chuyên môn vừa bảo đảm về đạo đức.
Song song với mục đích giáo dục, Trường Đại Học Kinh Thương cũng cố gắng thực hiện các công cuộc nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, doanh thương và quản trị tại Việt Nam, đồng thời tìm hiểu những diễn biến liên hệ trên địa hạt quốc tế. Kết quả các công trình nghiên cứu này được phổ biến rộng rãi để đóng góp thực sự không chỉ trong phạm vi học đường mà còn cho quảng đại quần chúng. Như vậy, nghiên cứu chính là một gạch nối giữa đại học và cộng đồng.
Đường lối giáo dục của Đại Học Kinh Thương là Hội Nhập, Thực Tế và Khai Phóng
1. Với đường lối Hội Nhập, Trường Đại Học Kinh Thương đặt nặng đường lối giáo dục trên khía cạnh chuyên môn nhưng không tách rời chuyên môn ra khỏi bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội và chính trị quốc gia. Phương pháp xuyên khoa (Multidisciplinary Approach) là cơ hội để thực thi chủ trương hội nhập.
2. Với dường lối Thực Tế, Trường Đại Học Kinh Thương hướng dẫn Sinh viên tìm hiểu những vấn đề thực tế qua các nỗ lực quan sát, nghiên cứu, điều tra, phỏng vấn, hội luận để thâu thập dữ kiện và xử dụng các phương pháp phân tích khoa học để đi đến các kết luận, đề nghị hay biện pháp chính xác, khả thi.
3. Với dường lối Khai Phóng, Trường Đại Học Kinh Thương mở rộng cửa đón mọi ý kiến, luôn luôn thích nghi để tiến bộ. Sinh viên được khuyến khích đặt vấn đề và thảo luận dưới sự hướng dẫn của Giáo sư để các Sinh viên có thể đóng góp tối đa trong việc học tập. “Tinh thần Tham dự” là phương châm để rèn luyện Sinh viên Kinh Thương trong lãnh vực học vấn cũng như sinh hoạt cộng đồng.
Một số giáo sư của các Trường thuộc Viện Đại học Minh Đức ngày xưa:
1. Thầy Tiến Lộc, cựu Giáo sư Khoa Nhân Văn Nghệ Thuật
2. Thầy Nguyễn Minh Triết, cựu GS Khoa Y
3. Thầy Nguyễn Hải Bình, cựu Khoa Trưởng Khoa Kinh Thương
4. Thầy Bùi Duy Tâm, cựu Khoa Trưởng Khoa Y
5. Cô Bùi Thị Lạng, cựu GS Khoa Y
6. Thầy Lê Viết Tòa, cựu GS Khoa KHKT
7. Thầy Nguyễn Kim Trang, cựu GS Khoa Canh nông
8. Thầy Nguyễn Hữu Phương, cựu GS Khoa Y và Khoa KHKT
9. Thầy Lê Dân, cựu GS Khoa NVNT
10.Thầy Lê Mộng Hoàng, cựu GS Khoa NVNT
12.Thầy Trương Thìn, cựu GS Khoa Y
13. Thầy Lê Dân, cựu Giáo sư Khoa Nhân Văn Nghệ Thuật
14. Thầy Lê Viết Tòa, cựu Giáo sư Khoa Khoa Học Kỹ Thuật
——————
Hình 1: Trường Đại học Kinh Thương.
Hình 2: Cha Bửu Dưỡng, OP
Các hình 3,4,5: Cha Henry Bạch Văn Lộc, CSsR
Nguồn: Lm. Lê Ngọc Thanh
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=173691217016190&id=100031259394131