“Lấp đất, hố tôi, lấp với tay cô nàng,”

“Lấp đất, hố tôi, lấp với tay cô nàng,”

Thì hãy chôn, trái tim non buồn thương.”

(Paul Simon/Scarborough Fair- Giàn Tiên Lý Đã Xa)

(Lc 21: 25-26)

Lúc tan ánh mặt trời”, giờ đã đến! “Trái tim non buồn thương”, thì hãy chôn! Ôi thôi. Phải chăng đó là giờ phút anh “lấp đất”, “hố tôi”, “giàn thiên lý đã xa mãi người ơi”? Người xa mãi, cứ tít mù lời đồn đại, về thế tận? Phải chăng ý/lời bài hát trên là lời “tiên tri”, “hạ hồi sẽ rõ”? Rõ như ban ngày. Như, ngày thế tận có thông tin dồn cục ở trang mạng?

Trả lời câu hỏi này, cũng nên tóm tắt vài bản tin đọc được ở Úc rất như sau:

“Tại sao thế giới không tận tuyệt ngày hôm ấy?

Vâng. Đó, chỉ vì mấy ông bạn làm lịch người sắc tộc Maya đã tính sai những tháng ngày còn dài, có thế thôi. Nhưng, chuyện này vẫn không ngăn cản cơ quan NASA của Hoa Kỳ vừa cho ra đĩa hình đặc biệt cho thấy lời tiên tri trên lịch của dân Maya, nước Mexicô đã không thành hiện thực.

Làm sao hiện thực được, khi ở đầu đĩa đã thấy ghi lời phân trần, như sau: “Xem đĩa, bạn sẽ thấy rõ một điều là: ngày hôm qua, thế giới của ta chưa đi vào “ngõ cụt”, tựa hồ ngày tận thế đâu. Đĩa hình nói ở trên chỉ muốn chứng tỏ một điều là: hành tinh
Nibiru được biết dưới tên “Sumêrian” sẽ đụng vào trái đất, xoá sạch sự sống của
mọi sinh vật ở đây. Nhưng sự thực, làm gì có hành tinh nào giống như thế.”

Lại có lời đồn này khác, cứ đưa ra những lời đoán rất bậy bạ những bảo rằng: Mặt trời sẽ hủy hoại trái cầu của chúng ta, cũng chóng thôi. Nhưng, một lần nữa, may cho con người, là đã có cơ quan NASA cũng chứng minh rằng điều này vẫn sai tuốt luốt. Chuyên gia Lika Guhathakurta lại cứ đoán già đoán non rồi bảo:

Ngay lúc này, mặt trời đang đi vào giai đoạn chóp đỉnh của chu kỳ 11 năm vần vũ vẫn cứ quay, nhưng nay là giai đoạn chót có hiện tượng kỳ lạ nhất trong 50 năm qua.”

Nói thế, có nghĩa là: từ trường mặt đất, lúc này đây, sẽ đi ngược chiều khiến cấu tạo nhiều biến động về khí hậu cực kỳ khó chịu? Và, hành tinh ta đang sống có rơi vào hố sâu đen ngòm mà trước đây ta chưa từng thấy? Cơ quan NASA một lần nữa lại nói tiếng“Không”, rất chắc nịch. Ts John Carlson cắt nghĩa trong đĩa hình rằng: “Ý niệm về thời gian mà sắc dân Maya khi xưa sử dụng đã đụng phải ý niệm của các nhà khoa học ngày nay, kiểu thoái hoá. Theo hiểu biết của ngành khoa học hiện đại,
thì Vụ Nổ Big Bang đã xẩy ra cách nay những 13,7 tỷ năm trời, rồi còn gì. Thế
nhưng, tháng ngày được ghi trong đống tro tàn mảnh vụn của nền khoa-học dân-tộc
Maya lại thấy những tháng ngày ngược ngạo đến tỷ tỷ năm xưa hơn thế. Lịch của
sắc dân này bới những cân-đong-đo-đếm như thế chỉ để dõi theo khoảng cách sai
biệt quá xa vời đối với hệ thống viết nên lịch chưa từng triển khai khi nào.
Thành thử, như quý vị thấy đó, chẳng có cái-gọi-là tận thế hay tận mạng gì hết
cả. Đấy chỉ là ý niệm vẩn vơ tương đương với chuyện quên không lấy lại đồng hồ
báo thức, chỉ thế thôi.”
(x. au.news.yahoo.com/world/a/-/world/15636301/why-didnt-the-world-end-yesterday 14/12/2012)

Thật đúng như phim tập! Phim, là phim về sự sống trên hành tinh mang tên địa cầu,
cũng rất rầu. Thế nghĩa là một số bà con ta hết chuyện để bàn rồi, bèn chui vào
địa hạt khoa học không gian với khoa chiêm tinh/bói toán rồi đồn rồi đoán. Đoán
thật hay đoán giả thế nào không biết, nhưng cũng đã làm nhiều người bấn loạn
lên, hết tự tử, rồi lại bắn giết các trẻ bé ở trường Mẫu giáo nọ, đến nực cười.

Thế nhưng, chuyện đáng cười của người đời không chỉ là đoán già đoán non ngày
thế tận. Mà là, những ý tưởng vẩn vơ, chết chóc, tựa hồ lời thơ với ca nhạc như
nghệ sĩ nọ vẫn từng hát:

“Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà.


Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa.


Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi.


Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi.”

(Paul Simon – bđd)

Quả là, mỗi sớm mai im lặng trôi, tình quên thật. Người cứ mải quên sót mọi thứ
tình, để rồi luận bàn mãi những điều ít thấy, ít xảy ra. Chẳng thế mà, đấng bậc
nọ đã phải lên tiếng cả trong nhà thờ, qua bài chia sẻ rất nổi cộm như sau:

“Cuối năm 1999, dân chúng khắp nơi chừng như vẫn hối hả, ưu tư khi thế giới đang từ từ bước dần vào những ngày đầu của thiên niên kỷ mới. Có người dựa vào Phúc âm, để quyết đoán rằng: ngày thế tận đã gần kề. Và, Đức Kitô nhất định sẽ quang lâm giáng thế một lần nữa, vào ngày sinh thứ 2000 của Ngài.

Những ai quả quyết chuyện này, xem ra đã liên tưởng đến câu ngạn ngữ mà các cụ ngày xưa vẫn dặn dò: hãy luôn đặt mình vào tình huống xấu nhất, để rồi từ đó mình mới tự tìm cách thoát ra, mà đi vào chốn lạc quan, đầy ân huệ. Thật ra, Đạo Chúa đã bước vào chốn lạc quan niên lịch từ thế kỷ thứ tư, sau công nguyên. Đúng hơn, đấy là năm 526 tại La Mã, tu sĩ uyên bác tên là Dionysius Exiguus đã dày công nghiên cứu các niên biểu ghi rõ ngày Đức Giêsu sinh ra, tử nạn và sống lại để biên
soạn làm niên lịch cho Hội thánh.

Nhiều năm sau, ông đã định ngày cho các nghi lễ phụng vụ để rồi đúc kết thành một bộ gọi là lịch Hội thánh. Với các dụng cụ sơ sài tự kiếm, một thày dòng chuyên tu như thày Dionysius làm được niên lịch Hội thánh như thế, cũng là chuyện phi thường, hiếm thấy. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các nguồn sử liệu bên ngoài và nhất là vào Tân Ước, khi kể về các vị cầm quyền Do Thái và La Mã ở Palestine, thì dứt khoát là lịch của Dionysius đã đi trễ, những 4 năm.

Đến năm 1582, Giáo hội biết rõ những sơ hở này, đã định sửa đổi. Tuy nhiên nếu sửa, thế giới sẽ phải bỏ phí đi, mất 4 năm. Chung cuộc, đã có quyết định là ta cứ để vậy. Như thế, tính đúng thực tại, phải thừa nhận rằng ngày Đức Giêsu quang lâm, lẽ đáng phải là năm 1996, chứ không phải 2000, như số dân con nhà Đạo từng khẳng định. Thêm một thực tế khác nữa, là: mỗi khi bắt đầu kỷ nguyên mới, tín hữu Đạo Chúa lại  được nghe kể về điềm thiêng dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao, tinh tú. Rồi đến, thiên tai hạn hán mất mùa, động đất sóng thần, cứ liên tục
xảy đến. Và, người dân ngoan hiền ở quận huyện lại sẽ cho rằng: ngày Chúa tái
lâm đã gần kề. Tuy nhiên, rõ ràng là ta vẫn chờ. Và, vẫn cứ chờ.

Nếu ai muốn xác minh về điềm báo khốc liệt như thế, có lẽ nên nhớ lại lời dặn dò của Chúa hôm trước: “Các con chẳng thể biết được thời gian và nơi chốn khi Con Người đến trong vinh quang.” Chính vì lời dặn này, mà cộng đoàn thánh Luca nghĩ rằng Đức Kitô sẽ nhanh chóng quang lâm, trong tương lai gần. Ngài sẽ đến lại trong huy hoàng, lộng lẫy. Thời gian vẫn cứ trôi. Điềm báo, dấu hiệu vẫn cứ đến. Và, cộng đoàn tiên khởi lúc đó mới vỡ lẽ rằng: ngày Chúa quang lâm không mang mốc chặng thời gian và không gian gì rõ rệt hết.

Thực tế cho thấy: thời gian và không gian luôn thuộc về Ngài. Hy vọng đợi chờ từ nơi tín hữu thời ban sơ đã phản ảnh tình huống bách hại, những là khổ đau. Tín hữu Đạo Chúa nay đà hiểu rõ: chẳng thể tuyên xưng lòng tin vào Đức Kitô một khi hành vi, cuộc sống của mình không phản ảnh được sự sống ở Nước Trời, Ngài hằng nói đến. Đó là mấu chốt của niềm tin. Đó mới là mốc chặng của Tin Mừng mặc khải.

Nói rõ hơn, nếu tín hữu Đạo Chúa sống và thực hiện điều Đức Kitô truyền dạy nơi Tin Mừng, bằng và qua cuộc sống thường nhật, thì chắc chắn thế giới này cần phải đổi thay. Thế  giới này sẽ có thay đổi. Thay đổi rất nhiều. Thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Và khi đó, Đức Kitô mới quang lâm trong huy hoàng lộng lẫy, như mọi người chờ mong.

Cho đến nay, chưa nắm rõ được ngày giờ thế giới nhân trần đã đi vào giai đoạn tận tuyệt chưa. Nhưng ở đây, vào những giây phút đầu của niên lịch Hội thánh, ta biết rõ được hai điều: Đức Chúa sẽ trở lại bất cứ lúc nào khi ta thực hiện được tình yêu thương – tha thứ. Khi ta biết san sẻ tài sản ta có. Và, biết xót xa, độ lượng. Biết hy sinh cho những người có nhu cầu hơn ta. Thứ đến, vào ngày quang lâm Ngài đến lại, có thể sẽ không có hiện tượng mặt trời mặt trăng quay cuồng, nhảy múa. Và có thể,
cũng chẳng thấy hiện tượng thủy triều dâng sóng ngút ngàn, đâu. Và cuộc đời ta
vẫn cứ phẳng lặng. Vẫn trĩu nặng tình thương yêu, như trước.

Thực tế Nước Trời quang lâm đang diễn tiến. Quang lâm chính là lúc tình yêu dũng cảm của bậc cha mẹ đối xử với con. Quang lâm, là lòng thương yêu triển nở của vợ hoặc chồng đang diễn tiến với người phối ngẫu yếu đau.

Quang lâm còn là, lòng cảm thương yêu giúp đỡ của thế giới đã phát triển đang đùm bọc các quốc gia nghèo, thuộc thế giới thứ ba. Đại để là, mỗi khi ta có được những tình thương cao cả như thế, thì Vương quốc Nước Trời đã nguy nga, tráng lệ đủ để chứng minh rằng những điều Đức Giêsu loan báo về việc Ngài quang lâm, vẫn đến với chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ. Ở mọi nơi, vào mọi lúc.” (xem Lm Richard Leonard, Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng Năm C 02/12/2012 Bản Tin Giáo xứ Fairfield, Úc)

Có thể là bà con ta cứ mải bàn luận những chuyện tréo cẳng ngỗng như thế là do
hiểu không hết ý nghĩa của lời thánh hiền khi xưa từng viết:

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao.

Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang

trước cảnh biển gào sóng thét.

Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc,

chờ những gì sắp giáng  xuống địa cầu,

vì các quyền lực trên  trời sẽ bị lay chuyển.”

(Lc 21: 25-26)

Hiểu sự đời như thế, có khác nào người nghệ sĩ lại cứ viết:

“Này! Nàng hỡi nhớ may áo cho người.


Giàn Thiên lý đã xa tít mù khơi.


Tấm áo cắt ngay, đã cắt trên khăn lụa là.


Là, chiếc chăn đắp chung những ngày qua.”

(Paul Simon – bđd)

Chăn đắp chung, những ngày qua”, có phải là những tư tưởng buồn sầu ảo
não, vì tin vào ngày chấm hết của thế giới? “Giàn thiên lý đã xa tít mù khơi”,
phải chăng là cõi đất trời nay, tít mù tắp?

Để giải đáp, lại xin nghe những lời của đấng bậc thượng thừa, rất như sau

“Anh chị em có bao giờ về thăm nông trại nào đó vào một mùa hè nóng bỏng không? Nếu có, chắc anh chị em cũng có kinh nghiệm không ít về chuyện khan hiếm nước, như thế nào. Bản thân tôi, có nhiều dịp từng về quê thăm nông trại của ông chú ruột. Lúc ấy, chúng tôi gồm chừng 6, 7 người anh em họ, phần đông sống ở thị thành, về đây lưu lại sống trọn kỳ nghỉ. Một lần về là một lần thấy vui. Duy có điều mà chúng tôi cứ nhắc nhau mãi: phải cẩn trọng, khi sử dụng nước! Dường như, chúng ta quen sử dụng lượng nước tắm gội bao giờ cũng gấp đôi dung lượng của người anh em sống ở vùng sâu vùng xa, nơi thôn xóm.

Tôi nhớ mùa hè năm ấy ở miệt dưới, bà con chúng ta đã phải trông chờ hầu như suốt chín tháng trời ròng rã vẫn không thấy một giọt rơi vãi những nước mưa. Mãi về sau, vào buổi bóng xế hôn hoàng hôm đó, chúng tôi mới thấy cảnh “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Và, từng đám mây vần vũ từ đâu đến. Chốn thiên đàng như rộng mở. Và sau đó, từng khối và từng khối nước ào ào trút xuống đến độ chúng tôi không biết
lấy gì để hứng. Tựa như một hoạt cảnh, anh em chúng tôi vụt dậy chạy nhanh ra
đứng ngồi nơi lộ thiên, quyết vui hưởng ơn mưa móc tràn đầy những nước và nước.
Chẳng một ai muốn cất nên lời. Anh em chúng tôi, đứng đó tận hưởng những giọt
vắn giọt dài, đầy ân sủng. Mình mẩy chúng tôi ai nấy đều ướt sũng như chuột
trong hang ngập nước, nhưng vẫn cứ đứng mà đón nhận ơn mưa móc. Vạn vật, chừng như chỉ mong mỗi một điều là được triền miên tắm gội, toàn bằng nước .

Trong thư thánh Giacôbê tông đồ, hình ảnh mong chờ cơn nước lũ đổ xuống trên ta, được coi như ví dụ để hiểu rõ thế nào là sự chờ đợi ngày Đức Kitô đến lại. Đây, là hình ảnh sắc nét nhất, về Vọng chờ. Mỗi năm, vào mùa này, ta đều liên tưởng đến cảnh trí, qua đó nhân loại ao ước chờ mong dấu hiệu về cuộc sống mới, nơi Giêsu Đức Chúa.

Nhiều thế hệ cứ thế trôi qua, nhưng dân con nhà Đạo vẫn ngước mắt nhìn lên bầu trời rộng mở, ngong ngóng/kỳ vọng có được dấu hiệu nào đó cho thấy: hôm nay là ngày ơn cứu độ của Đức Chúa đổ tràn hồng ân, cho muôn dân. Thế rồi, vào buổi tối trời hôm ấy, theo cách thức không ai có thể mường tượng được; không kèn không trống, một Hài Nhi đã lao vụt về với thế giới gian trần, để lập nên triều đại cuối cùng, cho tình yêu của Đức Chúa.” (xem Lm Richard Leonard sj, Suy Niệm Lời Chúa , Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng năm C, Bản Tin Giáo xứ Fairfield Úc 16/12/2012)

Nói gì thì nói, bàn gì thì bàn, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cũng chỉ nên bàn bằng các câu truyện kể nhè nhẹ về tình yêu, hy vọng và niềm tin còn đứng vững như sau:

“Ngay từ khi lọt lòng mẹ, bác sĩ đã quả quyết rằng Kimberly Marshall không thể nào sống được. Bé bị chứng Cytic Fibrosis, một chứng bịnh bẩm sinh và di truyền mà người ta thường gọi tắt là CF. Trong sự tuyệt vọng để cứu sống con mình, mẹ của Kim đã mang bé về nhà, mỗi ngày ba bốn giờ, bà và bà ngoại của Kim đã thay phiên nhau vỗ nhẹ trên lưng và ngực của bé, với hy vọng mong manh là có thể làm tan đi những cục đờm đang đóng nghẹt trong phổi của bé. Một bác sĩ chuyên khoa về CF cho biết, diệt trừ những cục đờm bằng cách này, chẳng khác gì dùng chổi để quét mật ong trên sàn nhà.

Ngoài sự dự liệu của mọi người, bé Kimberly đã thoát được lưỡi hái của tử thần. Bé lớn lên và vào trường tiểu học.

Kim còn học vũ ballet và gia nhập đội soccer của trường. “Kìa nhìn xem công chúa của tôi” mẹ của Kim thường hãnh diện nói như vậy, mổi khi bà đứng bên lề sân cỏ để xem Kim đá bóng.

Bà vẫn mơ ước là Kim sẽ lớn lên bình thường nhưng những đứa trẻ bình thường khác. Bà mơ ước rằng Kim sẽ lên trung học, sẽ tham dự buổi khiêu vũ cuối năm lớp 12, và một buổi tối sẽ ngẩng mặt lên để đón nhận nụ hôn đầu của một chàng thanh niên đẹp trai.

Nhưng bác sĩ Robert Kramer, vị bác sĩ chuyên khoa về CF đầu tiên tại Dallas, đã nhiều lần khuyến cáo mẹ của Kim là cô bé chỉ tạm thời lướt thắng được cơn bịnh mà thôi. Giống như một tên sát nhân nguy hiểm, các bác sĩ chưa có phương cách để ngăn chận được CF. Mặc dù với nền y khoa hiện đại cùng thuốc men và máy móc tối tân, cũng chỉ giúp các bệnh nhân dễ chịu hơn, ít đau đớn hơn mà thôi. Tuổi thọ trung bình của các bệnh nhân CF chỉ ở vào khoảng 29.

Ðúng như lời của bác  sĩ Kramer, sức khoẻ của Kim tự dưng tuột dốc như một cái phao bị xì hơi. Mẹ của Kim, không còn cách nào hơn, bắt buộc phải mang Kim vào bệnh viện Presbyterian tại Dallas để chữa trị. Và cứ như vậy, Kim chỉ khoẻ được vài tháng, rồi lại phải vào bệnh viện…, lại khoẻ vài tháng rồi lại vào bệnh viện.

Trong những lần phải nằm bệnh viện, Kim luôn luôn mang theo những con thú nhồi bông, cái chăn màu  hồng mà cô bé thích nhất, cùng quyển nhật ký thân yêu. Mỗi khi chứng kiến một bạn cùng phòng bị CF cướp đi mạng sống, Kim lại viết vào nhật ký của mình, chẳng hạn như: “Wendy đã chết vào lúc 8 giờ sáng nay. Tội nghiệp nó quá. Nó đã đau đớn suốt đêm”. Mẹ của bé đã nghĩ thầm “Có lẽ đây là cách Kim
chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra cho cô bé trong tương lai chăng?”.

Trong một thời gian, Kim đã cố gắng sống như một đứa trẻ “bình thường”. Cô thường hay gọi những đứa trẻ may mắn không bị chứng CF là “bình thường”. Trong những năm ở trung học, Kim đã cố gắng để lấy điểm A hay B. Cô mặc áo đầm dài để che giấu đôi chân gầy guộc, khẳng khiu của mình. Khi những bạn học hỏi về những cơn ho không dứt của cô, thì Kim trả lời rằng cô bị hen suyễn. Cô cũng chở những
bạn gái khác trên xe hơi của mình, cũng bấm còi inh ỏi, cũng vẫy tay chào và
cười duyên với bọn con trai cùng trường.

Nhưng Kim vẫn không thể lừa dối được thực tế. Bộ tiêu hoá của cô đặc nghẹt những đờm, khiến cô bị đau bụng và tiêu chảy. Thần kinh bị xáo trộn nên Kim đi đứng không vững. Ðôi khi Kim cũng bị hoa mắt.

Cuối cùng, cuối năm lớp 12, Kim phải rời trường để học tại gia vì sức khoẻ của cô quá yếu. Trong một phút nản lòng, Kim đã từ chối không muốn hình của mình được đăng trong kỷ yếu của trường, viện cớ là cô quá ốm yếu và xấu xí. Chán chường, Kim trở nên gắt gỏng với mọi người và hay cãi cọ hoặc xung đột với em gái của mình. Ðể giải sầu, Kim xem đi xem lại bộ phim “Blue Lagoon” không biết bao nhiêu
lần. Bộ phim nói về cuộc đời của hai đứa trẻ, một trai một gái, bị đắm tàu và
sống bơ vơ trên một hoang đảo. Cuối cùng, hai người đã yêu nhau tha thiết.

David Crenshaw, một bệnh nhân CF, đã để ý đến Kim khi hai người còn điều trị tại bệnh viện Presbyterian vào mùa xuân 1986. Kim, ở tuổi 16, ốm và xanh xao nhưng không thiếu nét dễ thương với mái tóc đỏ ngang lưng, buông xoã trên chiếc áo ngủ
hồng. David, lúc đó 18, mặc áo thun rộng thùng thình, quần pajama bạc màu, mang
cặp kiếng cận to tổ bố với hai gọng kính gãy được dán lại với nhau bằng miếng
băng keo.

“Ðừng hy vọng con bé để ý đến mày”, Doug Kellman, người y tá trong bệnh viện thường trêu David như vậy mỗi khi bắt gặp David đang mê mẩn nhìn trộm Kim. Thật tình mà nói, khó có thể tưởng tượng được David và Kim sẽ trở nên một cặp tình nhân. Kim thích quần áo đắt tiền, nước hoa và mỹ phẩm. Cô thích ngồi hằng giờ trên giường để đọc tiểu thuyết tình cảm. Trong khi đó, David nổi tiếng thích lấy le với
những cô gái bằng những mầu chuyện vui tục tằn.

Trông có vẻ yêu đời và khoẻ mạnh, David là một huyền thoại của khu CF. Không một bệnh nhân nào thuộc khu CF dám làm những việc David đã làm. Chẳng hạn như khi David không phải nằm bệnh viện, anh rất thích đua xe hơi mini tại sân đua gần nhà. “Mục đích của chúng tôi là giúp cho David sống như một đứa trẻ khỏe mạnh. May ra nhờ vậy, nó có thể lướt thắng được căn bịnh hiểm nghèo này”, ba của David đã nói như vậy.

Ðúng thế, David không  bao giờ biểu lộ cho người khác biết là mình bị bệnh. Anh đã tổ chức cuộc đua xe lăn và cuộc thi ném cà chua trên từng lầu 3 của bệnh viện. Có một đêm, David đã dẫn một số bệnh nhân CF đi đua xe mini, trong sự giá lạnh của mùa đông với nhiệt độ bên ngoài xuống gần 0 độ bách phân. “Có lẽ hắn nghĩ rằng hắn bất tử”, bác sĩ Kramer thường đùa như vậy.

Trong suốt hai năm  trời, David thường đi qua cửa phòng của Kim, lấy can đảm vào phòng, tán tỉnh. Nhưng Kim chỉ mỉm cười rồi lại cắm cúi đọc sách. Nhưng David chẳng nản lòng. “Khi David được ở nhà trong khi Kim phải ở lại bệnh viện, David thường hay gọi điện thoại cho tôi để hỏi han bệnh tình của Kim, mặc dầu Kim chẳng bao giờ để ý đến David. Ngay cả những khi David hỏi giờ, Kim cũng không thèm đáp lại”, người y tá cho biết như vậy.

Một điều ngạc nghiên, rất nhiều mối tình đã được kết hợp trong khu CF. “Ðừng nghĩ rằng chỉ vì họ bệnh hoạn mà họ không nghĩ đến tình yêu”, bác sĩ Kramer nói như vậy, “Có lẽ họ nghĩ đến tình yêu còn nhiều hơn những người khoẻ mạnh. Ðó là một
cách để họ biểu lộ sức sống và sự yêu đời của họ cho mọ người biết”.

Vào cuối năm 1988, Kim  chơi thân với một bệnh nhân cùng khu CF tên là Steven. “Tôi không nghĩ mối tình của họ sẽ bền vững. Họ sợ phải sống với nhau”, David khẳng định như vậy. Ðúng như lời David, cuộc tình của Kim và Steven chỉ một sớm một chiều đã tan vỡ.

Cuối mùa thu năm 1989, khi David và Kim, cả hai cùng được dưỡng bịnh tại tư gia, David đã gọi điện thoại mời Kim đi ăn tối. Mặc dù Kim đã quyết liệt từ chối, David vẫn lì lợm bảo Kim “Anh sẽ có mặt tại nhà em vào lúc 8 giờ tối, không nhưng không nhị gì hết cả”. Hoảng sợ, Kim rủ theo cô em gái, Pettri, để cô em ngồi ghế trước
với David còn nàng thì ngồi băng sau, nhất định không thèm nói chuyện với
David. Suốt bữa ăn, Kim hoàn toàn im lặng.

Nàng đã trợn mắt lên với David khi anh đề nghị cả ba cùng đi khiêu vũ. Khi David đưa Kim về đến nhà, nàng mở cửa xe và chạy một mách thẳng lên phòng, đóng kín cửa lại.

Dù vậy, David vẫn không bỏ cuộc, lì lợm, trường kỳ mặt dày đến nhà Kim. Thế rồi anh đã rủ được Kim đi chơi bowling. Sau đó, Daivid còn dẫn Kim đến sân đua để xem anh đua xe hơi mini.

Bất kể mọi chuyện, cuối cùng mối tình của David và Kimberly cũng đã nảy nở. Kim đã thật sự yêu David. Ngày 17 tháng 11 năm 89, Kim đã viết vào nhật ký của mình “Ðêm hôm nay, mình và David đã hôn nhau lần đầu. Lạy Chúa, xin chúc phúc cho mối tình của chúng con và xin cho chúng con yêu nhau mãi mãi”.

Sáu tháng sau, Kim và David tuyên bố làm lễ đính hôn. Tin được tung ra làm tất cả mọi người trong gia đình hai bên đều sửng sốt và bàng hoàng. “Tụi mày điên cả rồi, cả hai đứa bay đều bệnh hoạn”, ba của David đã lớn tiếng ngăn cản con. Riêng mẹ của Kim cũng khuyên ngăn con bằng một giọng đầy nước mắt “Con có biết rằng một
trong hai đứa sẽ chết trong vòng tay của đứa kia hay không?”.

Nhưng Kim và David vẫn quyết định lấy nhau. “Tôi nghĩ Kim biết rằng đây là cơ hội cuối cùng để nó được yêu”, mẹ của Kim cuối cùng đã nói như vậy và đã đồng ý tán thành cuộc hôn nhân.

Ngày 27 tháng 10 năm 1990, Kim trong chiếc áo cưới trắng tinh, sung sướng bước lên cung thánh, trước mặt Thiên Chúa nhận David làm chồng. Thánh lễ được cử hành trong những tiếng ho sặc sụa của các bệnh nhân khu CF. Tất cả được mời đến để tham dự, chứng kiến và chung vui ngày hôn lễ của Kim Marshall và David Crenshaw.

Họ chung sống với nhau bằng số tiền cấp dưỡng khiêm nhường trong một căn hộ nhỏ bé nhưng rất ấm cúng. Căn hộ được trang bị như một bệnh viện với những bình dưỡng khí, một tủ đầy thuốc và một tủ lạnh chứa đầy nước biển.

Việc dọn dẹp nhà cửa mới thật là khó khăn. Những khi phải dọn dẹp hoặc giặt giũ, họ phải mất cả ngày trời mới làm xong việc. Ðến tối, cả hai đều mệt lả. Dầu vậy, họ là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất trên đời. David gọi Kim là “cọp con” vì nàng có mái
tóc hung đỏ.  Kim gọi Daivid là “gấu rừng” vì chàng phá như gấu. Chàng luôn luôn mua cho nàng những tấm thiệp ướt át nhất, càng ướt át bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Nàng luôn luôn viết cho chàng những bức thư tình thật dài, thật nồng nàn và tình tứ. “Chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách. Chúng ta sẽ thắng”, họ thường quả quyết với nhau như vậy.

Ðể kiếm thêm tiền tiêu vặt, David nhận thêm việc sửa xe hơi mini. Anh lại còn ghi tên học để lấy bằng Cử nhân về kế toán. Một người bạn thân ở khu CF khuyên David không nên phí sức. “Những việc tôi làm tất cả chỉ vì Kim. Ðời tôi bây giờ chỉ có Kim mà thôi”, David trả lời.

Vào năm 1992, những mạch máu trong người Kim bắt đầu tắt nghẽn. Vì cơ thể Kim không thể tiếp nhận những dinh dưỡng từ bộ tiêu hoá, Kim đã xuống cân một cách thảm hại. Thân thể nàng chỉ còn da bọc xương. Nàng rất xấu hổ khi tới những nơi công cộng. David đã viết cho Kim “Này cọp con, em là người đẹp nhất của đời anh. Anh yêu em bằng tất cả con tim, linh hồn và khối óc củ anh. Gấu rừng”.

Trong những lần Kim phải nằm bệnh viện, David không rời Kim nửa bước. Anh đã ngủ trên chiếc ghế bố kê trong phòng. Ðể giúp Kim khuây khoả, David đã đưa Kim đến khu sơ sanh, để Kim được ngắm những đứa trẻ mới chào đời. Và nếu nửa đêm Kim có đòi ăn kẹo, David chẳng ngần ngại, bất kể thời tiết, khoác áo đi mua ngay những viên kẹo mà Kim ưa thích. Lạ lùng thay, sức khoẻ của Kim càng ngày càng khá hơn. Cuối cùng, nàng đã được bác sĩ cho xuất viện.

Ðầu năm 1993, bệnh tình của David bỗng dưng trở nên trầm trọng. Những tiếng ho của anh lớn hơn. David ôm ngực ho từng cơn, ho sặc sụa. Những cơn ho như muốn phá vỡ tung lồng ngực của anh. Mặt David sưng lên như bị phù thủng. Dần dần, David đã phải thở bằng dưỡng khí. Nhưng David vẫn đoan chắc với Kim là chàng chẳng sao cả, chỉ cần tĩnh dưỡng ít lâu là sẽ khỏi. David đã giấu Kim những điều mà bác sĩ Kramer đã cho anh biết trong kỳ khám nghiệm mới đây: phổi của anh đã rách nát, thanh quản sắp nghẹt cứng. David đang chết lần, chết mòn vì thiếu dưỡng khí.

Chạy đua với thời gian, David không để lãng phí một giây phút nào. Tháng 7 năm 1993, để kỷ niệm sinh nhật thứ 26 của chàng và thứ 24 của nàng, David rủ Kim đi nghỉ hè ở bãi biển Florida. “Ðó là lần đầu tiên họ cảm thấy rất thoải mái khi ra khỏi
nhà để tới vùng biển. Cả hai đều mang theo bình dưỡng khí. Họ ngồi bên nhau,
nắm tay nhau trên bãi cát vàng”, Mandy, em gái Kim cho biết như vậy.

Ba tháng sau, David và Kim cùng đi khám bệnh. Trong khi Kim đợi ở phòng bên, bác sĩ Kramer, sau khi khám cho anh, đã nói với anh rằng “Anh phải nhập viện ngay tức khắc, lần này sẽ hơi lâu”. David trầm ngâm một hồi lâu, rồi nói “Xin bác sĩ tận tình chăm sóc cho Kim”.

Bác sĩ Kramer đến phòng Kim và cho nàng hay tin chẳng lành. Kim cúi đầu yên lặng, cố giấu hai hàng nước mắt “Xin bác sĩ tận tình giúp anh, đừng để anh phải đau
đớn”, nàng nức nở khẩn nài với bác sĩ Kramer.

Trong suốt ba mươi năm chuyên khoa về CF, bác sĩ Kramer đã từng chứng kiến hơn 400 bệnh nhân trẻ qua đời. Ðể khỏi bị ám ảnh, ông đã cố gắng không để tình cảm mình bị chi phối với những trường hợp như của David. Nhưng lần này, ông đã ôm Kim vào lòng và ông không sao cầm được nước mắt của mình.

David nhập viện ngày 21 tháng 10 năm 1993. Kim ngồi bên cạnh anh. Nàng đã cố gắng viết một bức thư cho Hội Ðồng Y Khoa của bệnh viện Presbyterian, khẩn nài xin họ thay phổi cho David. Nhưng Kim không bao giờ viếc xong lá thư.

Năm ngày sau, môi và móng tay của David trở nên bầm tím. Kim thổn thức bên anh “Anh ơi, đừng đi, đừng bỏ em”. David không nói nên lời, chỉ mấp máy đôi môi “Anh
yêu em”, rồi chàng gởi cho nàng một nụ hôn gió. Hai người cầm tay nhau
thật chặt, nhìn nhau một lần cuối thật lâu. David bóp mạnh tay Kim rồi nhắm mắt
yên giấc ngàn thu.

Sau ngày tang lễ của David, Kim trở nên điên loạn. Một tuần sau, mẹ nàng đưa nàng trở lại bệnh viện. Sau khi khám cho nàng, bác sĩ Kramer nói với mẹ nàng “Cơ thể của nàng đã kiệt lực. Kim đang chết mòn vì nhớ thương David”.

Rồi Kim rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mê trong hai ngày. Bỗng nhiên, vào sáng sớm ngày 11 tháng 11 năm 1993, Kim trở nên tỉnh táo lạ thường. Nàng mở mắt và nói bằng một giọng rất lạ, nhẹ nhàng như tiếng chim mà không ai hiểu nổi. Người nữ y tá chăm sóc nàng cho biết hình như Kim đang nói chuyện với David. Sau đó, Kim từ từ nhắm mắt, bình thản ra đi về bên kia thế giới.

Kim được liệm trong chiếc áo cưới trắng và được chôn bên cạnh David. Trên ngôi mộ đôi, dựng một tấm bia đá, với những hàng chữ được khắc sâu như sau “David S (Gấu rừng) Crenshaw và Kim (Cọp con) Crenshaw, bên nhau mãi mãi. Nghĩa phu thê trọn 3 năm”.

Gia đình và bạn bè đều đồng ý là chuyện tình của Kim và David không giống bất cứ một chuyện tình nào cả. Riêng bác sĩ Kramer đã tâm sự “Ðối với tôi, chuyện tình của họ như chuyện tình của Romeo và Julliette”.

Một tuần lễ sau, trong lúc mẹ của Kim thu dọn đồ đạc của hai con, bà đã tìm thấy một tấm thiệp mà David đã gởi cho Kim trước khi chàng rời bỏ thế gian. Tấm thiệp có những lời tình tự như sau “Em yêu, chúng ta gần nhau ngay cả khi chúng ta xa nhau. Hãy ngước mắt nhìn lên, chúng ta đang sống trong bầu trời đầy tinh
tú.”
(x. Trần Quốc Sỹ, theo “The Love Like No Other” Reader’s Digest, May 1995)

Truyện kể hôm nay, người kể không ghi thêm một lời bàn nào hết. Nhưng bàn thêm
mà làm gì. Bởi, cũng như câu chuyện về ngày sau hết của thế giới, cũng chẳng
cần bàn tán nhiều mà làm gì, chỉ cần cảm nghiệm là đủ. Cũng thế, truyện kể về
tình yêu thương, trước khi đi vào cõi hết, cũng đại để như truyện kể về ngày
thế tận.

Hôm nay đây, bàn về câu chuyện loanh quanh ngày thế tận, lại có người đến gần
bần đạo, đưa ra một câu hỏi nhỏ: “Nếu anh biết rằng ngày mai là ngày
thế tận, thì anh tính sao?”
Bần đạo nhớ mang máng câu trả lời/trả vốn
của mình chỉ thế này: “Khi ấy tôi cũng sẽ lấy giấy bút ra để viết đôi giòng
phiếm ngăn ngắn về những cảm nghiệm của mình trước khi không còn có khả năng để cầm bút mà viết nữa. Và chuyện phiếm tôi viết khi ấy, cũng chẳng có gì để ai
đọc, vì chẳng còn ai để đọc nữa, nhưng vẫn còn người để viết, ấy là tôi.”


Trần Ngọc Mười Hai


Và đôi giòng tưởng tượng về ngày tận cùng
của thế giới và cuộc đời.

Maria Thanh Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay