TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT KHOA SÀI GÒN (FACULTÉ DE DROIT).

Hoang Le Thanh
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT KHOA SÀI GÒN (FACULTÉ DE DROIT).

Sau Hiệp Định Geneve năm 1954 chia đôi lãnh thổ. Trường Đại học Luật Khoa (Trung tâm Hà Nội) di chuyển vào Miền Nam, sáp nhập với Trung Tâm Sài Gòn, cải danh là Luật Khoa Đại Học Đường (Faculté de Droit) trực thuộc Viện Đại Học Sài Gòn.

Ngày 30-4-1955, cùng lúc thu hồi chủ quyền đất nước, Trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, trụ sở ở số 17 đường Duy Tân.

Trường sở nầy nguyên là một trường mẩu giáo thời Pháp thuộc, chính phủ Đệ nhứt Việt Nam Cộng Hòa mới thu hồi.

Tính đến năm 1975 thì Trường Luật Sài Gòn là ngôi trường xưa nhất trong ba trường luật của Việt Nam Cộng hòa. Tiền thân là Trường Pháp Chính Đông Dương, thành lập tại Hà Nội ngày 15/10/1917. Hai trường kia là Luật khoa của Viện Đại học Huế (1957) và Luật khoa thuộc Viện Đại học Cần Thơ (1966).

Đáng lẽ ra phải gọi là Luật Khoa Đại Học Đường (Phân Khoa Luật) thuộc Viện Đại Học Sài Gòn, nhưng thói quen nên dân Sài Gòn hay gọi tắt là Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, hay ngắn gọn hơn:Trường Luật.

Đây là hình ảnh của ngôi trường vẫn cổ kính cho đến năm 1972 khi Mỹ được gây ảnh hưởng nhiều trên Hội Đồng Khoa, với sự có mặt của những giáo sư Việt tốt nghiệp từ Mỹ về dạy học thì Trường Luật cổ kính này bị phá đi và xây theo kiểu mới và như bây giờ là trường Đại Học Kinh Tế của chế độ mới.

I- CÁC KHOA TRƯỞNG

– GS Vũ Văn Mẫu – Khoa trưởng 1955-1957, Thượng Nghị sĩ, Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa
– GS Vũ Quốc Thúc – Khoa trưởng 1957-1963
– GS Nguyễn Cao Hách – Khoa trưởng 1963-1967
– GS Nguyễn Ðộ – Khoa trưởng 1967-1971
– GS Bùi Tường Chiểu – Khoa trưởng 1971-1973
– GS Vũ Quốc Thông – Khoa trưởng 1973-1975

II- TỔ CHỨC

Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn có ba ban:

1- Ban Công pháp (Droit public): gồm Luật Hiến pháp (Droit constitutional), Luật Hành chánh (Droit administrative) và Luật Công pháp Quốc tế (Droit international public).

2- Ban Tư pháp (Droit privé): gồm Dân luật (Droit civil), Hình luật (Droit pénal ), Luật Thương mại (Droit commercial)và Tư pháp Quốc tế (Droit international privé).

3- Ban Kinh tế (Économie Politique): gồm Phân tích Kinh tế (Analyse économique), Lịch sử Học thuyết (Histoire des Doctrines) , Địa lý Kinh tế Phát triển (Géographie Économique Dévelopement).

4- Sinh viên luật còn phải học thêm môn Cổ luật Việt Nam.

Tổng số sinh viên ghi danh học vào năm 1969 là 13.711 và đến năm 1974 là 58.000.

III- CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Thoạt tiên chương trình Cử nhân Luật là 3 năm nhưng đến năm 1967 thì tăng lên thành 4 năm. Bằng Cao học là thêm 2 năm (chủ yếu thêm Chuyên môn). Khi trình Luận án thì được cấp bằng Tiến sĩ Luật.

Tuy sĩ số Trường Đại học Luật khoa khá đông nhưng số người hoàn tất Cử nhân và tốt nghiệp Cao học rất ít (năm 1974 có 715 người tốt nghiệp).

Bắt đầu từ 1967, học trình Ban Cử nhân là 4 năm. Hai năm đầu chưa phân ban, sinh viên học chung cùng một chương trình với các môn như sau:

1- Cử nhân năm thứ nhất gồm 7 môn: Dân luật (Civil Law), Luật Hiến pháp (Constitutional Law), Kinh tế Học (Économie), Công pháp Quốc tế (International Public Law), Pháp chế sử (History of Law), Danh từ Kinh tế Anh ngử (Economical Terminology in English) và cả Danh từ Pháp lý (Justidical Termonology).

2- Cử nhân năm thứ hai: Hình luật (Penal Law), Dân luật (Civil Law), Bang giao Quốc tế (International Relations), Kinh tế học (Economie), Tài chánh (Finances), Luật Hành chánh (Administrational Law), Danh từ Kinh tế (Economical Terminology in English) và Luật Đối chiếu (Comparative Law in French).

3- Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi, sinh viên sẽ bắt đầu chọn ngành, với các môn học chung và chuyên biệt như Ban Kinh tế sẽ học thêm các môn Thống kê và Kinh Toán Học.

Sau 4 năm nếu thi đậu hết, sinh viên sẽ được cấp bằng Cử Nhân Luật ban Công pháp, Tư pháp hay Kinh tế. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân, sinh viên có thể ghi danh tiếp tục học Ban Cao Học Luật 2 năm theo ngành của mình để đủ điều kiện trình Luận án lấy bằng Tiến sĩ Luật.

IV- CHẾ ĐỘ THI CỬ

Bắt đầu từ năm 1967, ban Cử nhân năm thứ nhất học 7 môn, năm thứ hai học 8 môn, năm thứ ba tùy theo Ngành học khoản 10 môn và năm thứ tư học 13 môn. Đại học Luật khoa Sài Gòn mổi năm có 2 kỳ thi vào tháng 6 và tháng 9 cho các sinh viên Ban Cử nhân.Thí sinh phải thi viết 2 môn trong 7 môn chính, 5 môn còn lại thì thi vấn đáp. Thí sinh phải đạt điểm trung bình 10/20 mới được coi như trúng tuyển. Nếu có một môn bị điểm loại (4/20) thì thí sinh coi như rớt dù điểm trung bình có vượt quá điểm đậu là 10/20. Về sau có ân giảm về điểm loại cho các môn vấn đáp ban Cử nhân. Sinh viên có thể được bù điểm giữa các môn. Trong niên học, sinh viên bị rớt thi vấn đáp kỳ I sẽ được thi lại vấn đáp kỳ II mà không phải thi viết lại.

Nguồn: Nguyễn Vô
Vô Nguyễn
https://m.facebook.com/photo.php?fbid=2224302424348490&id=100003062636866&set=a.784068128371934&source=57

Image may contain: house, tree, outdoor and nature
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay