Việt Nam có cho phép dùng dịch vụ VPN để vượt tường lửa?

Việt Nam có cho phép dùng dịch vụ VPN để vượt tường lửa?

RFA
2019-08-20

Ảnh minh họa VPN, mạng xã hội...

Ảnh minh họa VPN, mạng xã hội…

 AFP

Kiểm soát mở hay đóng?

Kế hoạch này được Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua hồi đầu năm 2019, với mục tiêu thu hút các hãng viễn thông nước ngoài cung cấp dịch vụ VPN cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Chính phủ TQ vẫn giới hạn phần sở hữu của nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ VPN chỉ được ở mức thấp hơn 50%.

Đây được coi là động thái mới, có phần mềm dẻo hơn trong việc kiểm soát mạng internet của Chính quyền Bắc Kinh? Trao đổi với RFA hôm 20/8, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập tại Singapore nhận định:

“Mình thấy đúng là Trung Quốc muốn mở cái đấy thật, nhưng chỉ cho phép khi vào đầu tư làm ăn chung với Trung Quốc, chứ không được giữ 100% sở hữu ở công ty cung cấp dịch vụ VPN, chỉ cho giữ dưới 50%. Theo tôi, 50% còn lại sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát được hoạt động của dịch vụ VPN đấy, tức là ai vào đấy rồi đi ra thì chui vào đâu. Điều này rất trẻ con, người Trung Quốc thường nói xong làm ngược lại.”

Từ Hà Nội, Nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng bày tỏ sự nghi ngờ với kế hoạch của người Trung Quốc. Ông cho rằng, nhìn trên tổng thể qua việc Trung Quốc cho nước ngoài đầu tư VPN, người ta sẽ tưởng là Trung Quốc mở cửa. Nhưng theo ông, điều đó không phải, họ chỉ mở trong thời điểm nào đó, để phục vụ mục đích của họ thôi.

Với hệ thống tường lửa nghiêm ngặt mang biệt danh ‘Vạn Lý Trường Thành trên mạng’ (Great Firewall of China), Trung Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới về kiểm duyệt mạng Internet. Với hệ thống tường lửa này, nhiều dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới như Google, Facebook đều bị chặn. Tuy nhiên, nếu dùng dịch vụ VPN sẽ cho phép người dùng ‘vượt qua’ hệ thống tường lửa này để sử dụng các dịch vụ hay trang web bị ngăn chặn.

Vậy dịch vụ VPN là gì? Để tìm hiểu, hôm 20/8, RFA liên lạc qua tin nhắn với Kỹ sư Công nghệ Thông tin Trần Kỳ Quang, và được anh giải thích như sau:

“Giả sử doanh nghiệp X có 2 chi nhánh A và B, nếu muốn có 1 kết nối an toàn giữa 2 chi nhánh này, thì người ta không dùng internet, mà thuê nhà cung cấp mạng 1 đường dây nối từ A đến B, việc này dĩ nhiên rất đắt đỏ.

Còn đối với cá nhân, có 3 người A – B – C, người A không được giao tiếp với người C. Nhưng B và C thì kết nối được. Lúc này người A muốn trò chuyện với người C thì sẽ thông qua B. Cụ thể hơn, có 1 cái gọi là VPN Server, ở đây chính là B.”

VPN vướng Luật an ninh mạng?

Nhà cầm quyền Việt Nam xưa nay bị nhiều người cho rằng, hay sao chép cách thức kiểm duyệt từ hệ thống chính trị đến xã hội, dân sự của Trung Quốc. Do đó, sau khi TQ công bố kế hoạch VPN nhiều người liên tưởng đến Việt Nam. RFA nhận được ý kiến của Nhà báo Ngô Nhật Đăng về vấn đề này:

Mạng xã hội Facebook, ảnh minh họa.
Mạng xã hội Facebook, ảnh minh họa. AFP

“Ở Việt Nam khác Trung Quốc về tiềm lực, về kinh tế, về con người trong công nghệ thông tin… Trung Quốc họ mạnh hơn rất nhiều, đầu tư số tiền khổng lồ cho mạng riêng của họ để kiểm soát.”

Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, về sức mạnh kinh tế thì Việt Nam thua Trung Quốc rất nhiều, nên nếu kiểm soát kiểu Trung Quốc sẽ khó thành công.

Còn đối với ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Công ty công nghệ BKAV, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 20/8 cho biết, hiện các công ty tư nhân không kinh doanh dịch vụ VPN tại Việt Nam, ông nói tiếp:

“Tôi cũng không thấy cấm VPN ở Việt Nam. Tôi thấy các công ty họ có đội ngũ kỹ thuật thì họ tự mở, tự làm việc đó, chứ không qua nhà cung cấp dịch vụ riêng. Chẳng hạn như để cho nhân viên truy cập vô làm việc từ xa chẳng hạn.”

Theo Kỹ sư Công nghệ Thông tin Trần Kỳ Quang, bản thân các dịch vụ VPN phục vụ doanh nghiệp ở Việt Nam cũng phải truy cập vào đường truyền tổng, nên có dùng thì vẫn bị chặn. Thứ nhất là do truy cập vào các trang mạng sẽ bị nhà mạng Việt Nam chặn, hay truy cập vào các trang không chấp nhận truy cập IP từ Việt Nam cũng đều sẽ bị chặn. Anh cho biết tiếp:

“Ở Việt Nam bây giờ cũng có nhiều nhà mạng cung cấp VPN, lớn như Viettel, VNPT… Các nhà cung cấp lớn này hầu như không dành cho người dùng cá nhân mà dành cho doanh nghiệp. Người dùng cá nhân dùng các VPN khác ở nước ngoài, chưa kể là có cả VPN miễn phí…”

Doanh nghiệp nhà nước được phép cung cấp dịch vụ VPN tại Việt Nam. Vậy thực tế vấn đề đầu tư kinh doanh dịch vụ VPN tại Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài thì như thế nào?

Thông tin từ Cục đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư ‘dịch vụ mạng riêng ảo VPN’ tại Việt Nam theo hình thức liên doanh, với tỷ lệ sở hữu vốn không vượt quá 70% đối với dịch vụ không có hạ tầng mạng và không vượt quá 49% đối với dịch vụ có hạ tầng mạng.

Kỹ sư Công nghệ Thông tin Trần Kỳ Quang cho biết, thực tế hơn 50% người dùng VPN ở Việt Nam là người dùng cá nhân, để truy cập một số nội dung bị chặn tường lửa như, truy cập trang chủ RFA, BBC. VOA… Hay họ sẽ sử dụng VPN vào những thời điểm họ không vào được Facebook.

Vậy cá nhân sử dụng dịch vụ VPN để vượt tường lửa có gián tiếp vi phạm pháp luật? Và luật pháp Việt Nam hiện nay quy định như thế nào đối với cá nhân sử dụng dịch vụ VPN?

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh cho RFA biết hôm 22/8 qua tin nhắn, thì ông không chắc là Việt Nam có nằm trong 30 quốc gia cấm VPN hay không nhưng theo tìm hiểu của ông, ông cho rằng trong điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, khoản 4 Luật An ninh mạng Việt Nam có những thông tin liên quan đến vấn đề này. Cụ thể:

“Các hành vi bị cấm như chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.”

Nếu như vậy, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, dùng VPN có thể vô hiệu hóa, làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng, do đó có thể bị buộc vi phạm Luật an ninh mạng ở Việt Nam.

Luật An Ninh Mạng của Việt Nam có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Luật này qui định nhiều vấn đề liên quan đến việc cung cấp thông tin dịch vụ. Trong đó có quy định buộc nhà cung cấp dịch vụ phải công bố những thông tin cá nhân người dùng nếu được lực lượng an ninh Việt Nam yêu cầu. Đây là điều luật được giới chỉ trích cho rằng, nhằm để đàn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay