PHÓ TẾ TỬ ĐẠO (+258)

 PHÓ TẾ TỬ ĐẠO (+258)

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo Roma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Sau Công Đồng Vatican vào thập niên 1960, phụng vụ được canh tân chỉ còn 3 bậc lễ: Lễ Trọng (solemnity), Lễ Kính (feast) và Lễ Nhớ (memorial), trong đó các Thánh Tông Đồ mới được ở bậc lễ kính, trừ 2 Thánh Sử Luca và Marco, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi Stephano, Thánh Mai Đệ Liên là tông đồ của các tông đồ, còn có lễ Thánh Phó Tế Tử Đạo Laurensô ở thế kỷ thứ 4 này. Ở vào thời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma. 

Laurensô là ai mà được tôn kính cách đặc biệt như vậy? -Phải chăng là vì chủ trương độc đáo của ngài cho rằng người nghèo là tài sản của Giáo Hội, nhất là vì lòng ham ước được phúc tử đạo đến độ chịu tử đạo một cách khủng khiếp chưa từng có mà vẫn hiên ngang thách thức quyền bính thế gian, và vì ngài được dân Chúa đặc biệt sùng kính? Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho thánh nhân rất thích hợp với vai trò phó tế tử đạo được hiển vinh của ngài: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Laurensô được cho là sinh tại Huesca – một thị trấn ở Aragon (nay thuộc Tây Ban Nha), gần chân dãy núi Pyrenees. Ngay từ khi còn trẻ, Laurensô đã được gửi đến Zaragoza để học văn hóa và thần học. Tại đây mang cơ duyên cho Laurensô gặp được Giáo hoàng tương lai là Xíttô II (Sixtus II), một người gốc Hy Lạp khi đó là một trong những giáo viên nổi tiếng nhất trong học viện. Khi trở thành Giáo hoàng Xíttô vào năm 257, ông đã truyền chức phó tế cho Laurensô, mặc dù Laurensô khi đó vẫn còn khá trẻ nhưng giáo hoàng đã bổ nhiệm đứng đầu trong số bảy phó tế phục vụ trong nhà thờ Giáo hoàng. Kể từ đó, Laurensô được gọi là “tổng trưởng phó tế thành Roma”. Đây là một vị trí rất được tin tưởng, chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và Ngài được giao cho trách nhiệm “quản lý tài sản của Giáo hội.  

Khi sự cấm đạo dưới thời Hoàng đế Valerianus bùng nổ, Giáo hoàng Xíttô II và 7 phó tế bị bắt. Giáo hoàng bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế vào ngày 6 tháng 8 năm 258.  Khi Đức Giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Laurensô đi theo khóc lóc nức nở, ngài hỏi: “Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này theo?”. Ðức giáo hoàng trả lời: “Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta.” Nghe thấy thế, Laurensô thật vui mừng, ngài về phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.

Sau đó, viên tổng trấn Roma yêu cầu phó tế trưởng Laurensô giao tất cả tài sản của giáo hội cho đế quốc trong 3 ngày. Tuy nhiên, nghe theo lệnh Giáo hoàng khi ngài ra pháp trường, Laurensô đã kịp phân phát hết tiền của, tài sản của giáo hội cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục quý giá để có thêm tiền mà phân phát. 

 Viên tổng trấn nổi giận, buộc ngài phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, Laurensô phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ, khi bị nướng ngài còn nói với tổng trấn:”Một mặt đã chín thì nướng luôn mặt còn lại mà ăn đi.”. Ông mất ngày 10 tháng 8 năm 258 và được coi là tử vì đạo.  

Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô, như là tài sản của Giáo hội. Khi tổng trấn chất vấn về số tài sản ấy của giáo hội đang ở đâu thì Laurensô đã nói rằng người nghèo, người khuyết tật, người mù lòa và đau khổ là những ‘tài sản’ thực sự của giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, đặc biệt là khi bị nướng ngài còn nói với viên tổng trấn:”Một mặt đã chín thì nướng luôn mặt còn lại mà ăn đi.”. Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 258, ngày 10 tháng 8.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay