Văn hóa… thỏa hiệp
Huy Phương
Nếu đúng là tiệm Phở Hòa-Pasteur ở Sài Gòn mới đây bị côn đồ tạt sơn và chất bẩn vào tiệm để phải đóng cửa, là tiệm phở ngày xưa vẫn còn đó, sao bao nhiêu năm vật đổi sao dời, thì đây là một tiệm ngon, mà ngày xưa tôi cũng đôi lần lui tới.
Tiệm phở này không chỉ nổi tiếng ngon, mà là một tiệm phở mở cửa rất khuya của “Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ” hồi đó dành cho giới ca nhạc sĩ phòng trà, các cô ca-ve, khách vừa tản ra từ một xuất chiếu bóng cuối cùng ở Sài Gòn hay dân lang thang đàn đúm với bạn bè đi chơi khuya.
Sống thời này, làm ăn mà không biết điều. Nếu chủ tiệm phở biết thỏa hiệp với công an khu vực (kiểu bảo kê) thì bố thằng du đãng, côn đồ nào dám công khai lộng hành, khủng bố con người bằng phân, mắm tôm, sơn… vào ngay cửa tiệm, có khi ngay cả ban ngày, để người ta có thể thu hình được như báo chí đã loan tin. Ngược lại thì bọn thủ phạm này có lẽ cũng đã thỏa hiệp với đồn công an, là công an chớ can thiệp, để bọn tôi xử nó.
Thời nào cũng vậy thôi, bên nguyên, bên bị gì “có ba trăm lạng việc này mới xong!”
Một lý do không có tính cách pháp lý chút nào, nguyên nhân là vì một ông rể nhà này nợ nần quá nhiều, khiến chủ nợ phải ra tay, trút giận vào nơi làm ăn của ông già vợ! Chuyện này kéo dài nửa tháng chứ không phải ngày một, ngày hai mà “tai mắt của nhân dân” không hay biết. Không những chúng tấn công vào tiệm mà còn đổ phân, sơn vào cả thực khách! Giá mà có ai giương bảng chống Tàu ngoài đường phố thì chỉ ba phút sau đã có mặt công an, không cần phải ai gọi.
Cũng vì chuyện “thỏa hiệp” mà đất nước này càng ngày càng đi xuống.
Xứ sở này người ta phải thỏa hiệp quá nhiều và những ai không quá dễ dàng thỏa hiệp thì rất dễ chết!
Người ta không còn khí lực đấu tranh cho lẽ phải, đành cúi đầu thỏa hiệp cho xong. Một chiếc xe khách chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn muốn suôn sẻ thì phải thỏa hiệp với các trạm gác công an; làm ăn tại địa phương thì phải “nháy nhó” với thuế vụ, công an, đó là điều kiện cần và đủ.
Ngoài những vụ bắt hàng tấn bạch phiến, vũ khí hàng lậu được tuyên dương trên báo chí, có bao nhiêu vụ được thỏa hiệp trong bóng đêm, dưới gầm bàn hay ở một góc khuất trên quốc lộ? Nếu không thì người ta đã chẳng phải chạy tiền để được tuyển vào công an, thuế vụ, hải quan…
Để không bị kiểm soát, công ty Hiệp Toàn vận chuyển gần 200 chuyến xe lớn chở gỗ, dầu ăn từ Đắc-Nông về Sài Gòn và ngược lại, đã thỏa hiệp với một nhân vật thanh tra của Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh này với giá 200 triệu đồng.
Chuyện thỏa hiệp nhỏ xẩy ra giữa một ông không đội nón bảo hiểm và anh công an đứng đường, chuyện lớn như thỏa hiệp giữa hai quốc gia, biển sông tôi anh cứ dùng, nhưng đảng và quyền lực tôi anh đừng đụng tới. Tôi không đụng đến chuyện anh làm, và anh cũng chớ an thiệp vào việc của tôi. Thỏa hiệp đòi hỏi sự nhượng bộ, sự nhân nhượng, hy sinh nguyên tắc.
Luật pháp bị văn hóa thỏa hiệp che mắt. Tất cả những gì sai phạm, kể cả những bản án nặng nề đều có thể chạy bằng tiền, hay bằng rất nhiều tiền. Một người dân có thể vi phạm luật giao thông, chạy xe quá tốc độ, không đội nón bảo hiểm, nhưng không bao giờ lo ngại phải trả giá đắt về lỗi của mình, bởi vì anh ta nghĩ có thể điều đình hay thỏa hiệp.
Một người Việt ở ngoại quốc về, lái xe mà không có bằng lái. Bạn bè lo ngại cho anh, nhưng anh bình tĩnh cho họ biết là anh có bằng lái “quốc tế.” Anh chàng mở ví và kéo ra tờ đô la $100 có in hình ông Franklin. Ai bảo cái bằng lái này không có giá trị?
Ai cũng tin rằng họ có thể thỏa hiệp, nếu vi phạm luật giao thông hay dính xa gần đến luật pháp ở đây!
Nói chung, trong xã hội Việt Nam hiện nay, những hành động sai trái, phạm luật vẫn có thể thay đổi hoặc dàn xếp được. Thỏa hiệp mang đến sự dễ dãi, bình an cho mọi người. Dần dần người ta không còn quan tâm đến phải trái, quy luật, vì thỏa hiệp mang đến cho ta sự đắc thắng, thành công trong sự giao tiếp với mọi người, cái gì cũng xong, cái gì cũng “đầu xuôi đuôi lọt.”
Gần đây, những người có trách nhiệm trong giới thanh tra đã lộng quyền, nhũng nhiễu khi phát hiện vi phạm, vì trong khi thi hành công vụ họ có thể “thay trắng đổi đen” trong tầm tay của mình, bỏ qua cho các chuyện vi phạm pháp luật. Có quyền lực trong tay, giới thanh tra thay vì cầm cân nẩy mực, lại tìm cách kiếm chác, vòi vĩnh, thỏa hiệp với người gian, kẻ xấu, miễn là mang mối lợi cho riêng mình.
Thỏa hiệp gần như là một danh từ quen thuộc với những người làm chính trị và giới con buôn, cả hai giới đều có thể hy sinh quyền lợi của kẻ khác, miễn là sự thỏa hiệp có phần lợi nghiêng về cho mình.
Người làm thương mãi thành công là người biết thỏa hiệp, khi không bên nào thật bằng lòng với kết quả, thì nên chọn sự tốt nhất có thể làm thỏa mãn cho cả hai bên. Và như vậy thỏa hiệp là sự giải quyết một sự tranh chấp mà mỗi bên đều nhượng bộ.
Đúng như danh hiệu “Bà Đầm Thép” người ta đã đặt cho bà Margaret Thatcher, cố thủ tướng Anh Quốc, và bà đã nói về sự thỏa hiệp: “Đừng bao giờ nhượng bộ. Đừng bao giờ nhượng bộ. Đừng bao giờ, đừng bao giờ nhượng bộ – trong bất cứ chuyện gì, dù vĩ đại hay nhỏ bé, lớn lao hay tầm thường – đừng bao giờ nhượng bộ, trừ khi bị thuyết phục bởi đức hạnh và lẽ phải. Đừng bao giờ thỏa hiệp trước thế lực. Đừng bao giờ khuất phục trước sức mạnh tưởng chừng áp đảo của kẻ địch.”
Làm người mà thích thỏa hiệp thì bỏ cá tính, mất nhân cách. Làm lãnh đạo mà vì lợi ích riêng, dễ thỏa hiệp thì đi đến chỗ mất nước. Nhưng đã biết bao nhiêu người đã nhân danh tổ quốc hay nhân dân, để đi đến chỗ …thỏa hiệp, vì điều này có phần lợi nghiêng về họ. (Huy Phương)