Tướng Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước CSVN, qua đời

 

Tướng Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước CSVN, qua đời   

Ông Lê Đức Anh, ngồi trên xe lăn, đến dự đám tang cố Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt hôm 15 Tháng Sáu 2008 tại Sài Gòn. (Hình: Hoang Dinh Nam/Getty Images)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tướng Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước CSVN qua đời lúc 8 giờ 10 phút tối 22 Tháng Tư 2019 tại Hà Nội, thọ 99 tuổi, nhiều cơ quan truyền thông tại Việt Nam loan tin.

Trước đó ít giờ mạng xã hội xôn xao với một post trên Facebook của ông Lê Mạnh Hà, cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ CSVN và là con trai cựu Chủ Tịch Nước CSVN Lê Đức Anh, viết có đoạn “… Ông sẽ là người cuối cùng trong bộ chỉ huy chiến dịch năm ấy ra đi mãi mãi.”

Ông Lê Đức Anh là chủ tịch nước thứ tư của CSVN, nhiệm kỳ 1992 đến 1997. Ông cũng từng là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc Phòng CSVN từ 1987 đến 1991.

Tuy post của ông Hà không giải thích chi tiết “ra đi mãi mãi” có phải là cách ông ý nhị báo tin cha ông vừa qua đời hay không, nhưng hàng trăm comment phía dưới của cộng đồng mạng là “chia buồn cùng gia quyến”, bên cạnh những comment nguyền rủa ông về vụ Trung Quốc thảm sát lính của quân đội CSVN tại Gạc Ma, Trường Sa, chỉ hiển thị trong chốc lát trước khi bị ông Hà xóa đi.

Ông Lê Đức Anh tròn 98 tuổi hôm 1 Tháng Mười Hai, 2018.

Bức ảnh chụp vào ngày 5 Tháng Chín 1995, ông Lê Đức Anh (giữa), khi đó là đương kim Chủ tịch nước, đón tiếp cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và cựu Đệ Nhất Phu Nhân Barbara tại Hà Nội. (Hình: HOANG DINH NAM / AFP / Getty Images)

Các báo nhà nước ở Việt Nam hiếm khi đăng tin về ông Anh trong lúc mạng xã hội từng vài lần rộ lên tin đồn ông qua đời.

Hồi trung tuần Tháng Chín, 2018, thời điểm đương kim Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang qua đời, mạng xã hội xôn xao chuyện “quốc tang nối tiếp quốc tang” với tin đồn hai cựu lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN là ông Đỗ Mười và ông Lê Đức Anh cũng qua đời.

Ông Đỗ Mười sau đó qua đời hôm 1 tháng 10, 2018 còn ông Anh được cho là vẫn “lây lất, thở máy” đến nay.

Lúc các tin đồn đó đang lan truyền, trang Facebook Truong Huy San của nhà báo Huy Đức, người đầu tiên loan tin ông Trần Đại Quang qua đời, viết: “Tôi muốn nói với các bạn rằng, cụ Đỗ Mười sinh năm 1917, cụ Lê Đức Anh sinh năm 1920, đau yếu đã lâu. Với tôi, Trần Đại Quang chết mới là tin, hai cụ có đi gặp Karl Marx, Lenin [ý nói qua đời] thì cũng là lẽ thường, không phải ‘tin.’”

Theo thông lệ, khi một người thuộc hàng “tứ trụ” qua đời, gia đình không được phép loan tin báo tử ngay, mà phải đợi thông báo từ Bộ Chính Trị về việc sắp đặt người trong ban tang lễ, do liên quan đến việc tổ chức quốc tang.

Ông Lê Đức Anh qua đời trong bối cảnh diễn biến bệnh tình của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng thế nào vẫn chưa được công khai, ngoài những tin gửi điện mừng, điện chia buồn đến lãnh đạo các nước.

Trước post gần nhất của ông Lê Mạnh Hà, mạng xã hội từng xôn xao nhiều lần về tin ông Lê Đức Anh qua đời các năm trước.

Đáng lưu ý, những năm gần đây, ông Lê Đức Anh được ghi nhận sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà và các tin tức về ông chỉ được hé lộ trên mạng xã hội.

Hôm 17 Tháng Tư, Facebook Đinh Bá Truyền cho hay: “Ngày 16 Tháng Tư, ông Nguyễn Phú Trọng được cáng lên chuyến bay của hãng Vietnam Airlines tại Sài Gòn, khởi hành đi Hà Nội. Chiều hôm ấy, xe cứu thương chở ông vào Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108. Hiện ông đang nằm tại tầng 2, mé bên phải, Khoa A11. Cũng ở tầng này, Đại Tướng Lê Đức Anh đang được điều trị tích cực ở căn phòng mé bên trái.”

Quân Y Viện 108 là nơi các lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN thường được đưa vào chữa trị hay dưỡng bệnh.

Ông Lê Đức Anh là nhân vật gây tranh cãi và bị nhiều người cáo buộc là nhân vật đã ra lệnh cho binh lính Việt Nam “không nổ súng” trong cuộc hải chiến Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, hồi năm 1988, khiến 64 thủy binh Việt Nam thiệt mạng dưới tay quân Trung Quốc.

Tuy vậy, ông vẫn nhận được một số lời tán dương.

Hồi Tháng Giêng, 2019, nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh niên viết trên trang cá nhân: “Ông Lê Đức Anh từng làm bộ trưởng Quốc Phòng [CSVN], rồi làm chủ tịch nước, cuối cùng là làm cố vấn Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Nhiều người đề cập đến uy quyền của tướng Lê Đức Anh, một uy quyền còn kéo dài mãi cho đến sau khi ông rời khỏi mọi chức vụ. Người ta đồn rằng, chính ông đã đề cử và hậu thuẫn cho tướng Lê Khả Phiêu lên làm tổng bí thư và cũng chính ông chặn con đường tái cử của ông Phiêu, cùng nhiều chuyện khác nữa. Những chuyện đại loại như vậy tôi không đủ thông tin cũng như tư cách để bàn luận. Tôi chỉ biết chắc một điều: Tướng Lê Đức Anh không phải là người tham quyền cố vị.” (T.K.)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay