Khó khăn tài chánh, mạng xã hội tạo thêm căng thẳng cho sinh viên

Khó khăn tài chánh, mạng xã hội tạo thêm căng thẳng cho sinh viên

(Hình minh họa: Wikipedia)

BERKELEY, California (NV) – Chỉ vài tuần sau khi vào đại học UC Berkeley khóa trước, cô Maja Ahmann, theo học năm thứ nhì đại học, nhận thấy rõ ràng một hiện tượng trong đời sống sinh viên của mình: Đó là khi áp lực bài vở quá nặng nề, cô tìm cách giải khuây bằng cách vào các trang mạng xã hội như Snapchat, Twitter hay Instagram, có khi xem tới xem lui hàng giờ đồng hồ.

Nhưng thay vì cảm thấy nhẹ nhàng đầu óc, cô Ahmann lại càng cảm thấy căng thẳng hơn, đến nỗi mới gần đây cô lần đầu tiên phải đến gặp chuyên viên tư vấn tâm thần trong trường, theo San Francisco Chronicle.

Vấn đề cô Ahmann từng gặp phải là sự khó khăn mà nhiều sinh viên đại học trên khắp nước Mỹ cũng đối diện.

Sự căng thẳng và lo lắng trong các trường đại học nay được coi là lên đến mức cao chưa từng thấy, theo kết quả một cuộc nghiên cứu do trường UC Berkeley thực hiện.

“Chúng ta đang có sự bộc phát lớn lao ở khắp các khuôn viên đại học,” theo lời Giáo Sư Richard Scheffler thuộc trường Y Tế Công Cộng của UC Berkeley và trường Chính Sách Công Chúng Goldman, cũng là người đứng đầu cuộc nghiên cứu.

“Các con số chúng tôi có được cho thấy số sinh viên được điều trị tình trạng căng thẳng hoặc xác định là bị căng thẳng đã tăng gấp đôi trên toàn quốc trong tám năm qua,” ông nói.

Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy khó khăn tài chánh và sử dụng nhiều các phương tiện điện tử là hai trong các lý do chính gây ra tình trạng gia tăng này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự gia tăng này không vì có thêm nhiều người hiểu ra tình trạng của mình hay vì có thêm các dịch vụ chăm sóc tinh thần trong trường.

Giáo Sư Scheffler nói có thể khẳng định như vậy là vì gia tăng trong mức độ lo lắng căng thẳng vượt quá các sự gia tăng khác về lãnh vực tâm thần, như trầm cảm.

“Nay đây là vấn đề số 1,” theo Giáo Sư Scheffler.

Ông nói rằng sự căng thẳng, lo lắng được biểu hiện qua việc người ta thường xuyên lo sợ về những điều lẽ ra không phải lo sợ, và gồm cả việc tim đập mạnh, sợ hãi đến nỗi như bị tê liệt.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng trong năm 2008, có 1 trong 10 sinh viên được coi là có chứng căng thẳng, lo lắng.

Sang đến năm 2016, mức độ này là 1 trong 5 người.

Giáo Sư Scheffler và toán nghiên cứu của ông dự trù sẽ công bố các lý do khiến có sự gia tăng này trong sinh viên khi hoàn tất cuộc phân tích trong chừng một tháng nữa.

Tuy nhiên họ cũng tiết lộ rằng có sự liên hệ chặt chẽ giữa lo lắng căng thẳng với việc sử dụng các phương tiện điện tử, khó khăn tài chánh và trình độ học vấn của người mẹ (cuộc thăm dò không hỏi đến trình độ học vấn của người cha).

Toán nghiên cứu thấy rằng sinh viên trong các gia đình gặp khó khăn chi trả các chi phí đời sống có mức độ lo lắng cao gấp 2.7 lần hơn những sinh viên trong các gia đình không gặp khó khăn này.

Họ cũng thấy các sinh viên có bà mẹ có bằng đại học thường bị lo lắng căng thẳng nhiều hơn người khác tới 45%.

Và các sinh viên dành ra hơn 20 giờ đồng hồ mỗi tuần để giải trí qua một phương tiện điện tử thường có tình trạng căng thẳng khoảng 53% cao hơn những sinh viên chỉ dành chưa tới 5 giờ mỗi tuần vào việc này. (Lê Tâm)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay