Bài Thánh ca Giáng Sinh cho thế giới

Bài Thánh ca Giáng Sinh cho thế giới

(“A Christmas Carol for the World” – Per Ola và Emily D’Aulaire)

Mỗi mùa Lễ Giáng Sinh, những giọng hát bằng nhiều ngôn ngữ đã tái tạo một bài hát tuyệt vời ra đời trong hoàn cảnh tầm thường cách đây 194 mùa Giáng Sinh.
“Silent night, Holy night
All is calm, all is bright
Round yon Virgin
Mother and child
Holy infant so tender and mind
Sleep in heavenly peace
Sleep in heavenly peace.”
Tuyết nhẹ rơi trên những ngôi nhà bằng gỗ và đá ở Oberndorf, một ngôi làng Áo gần Salzburg. Trong làng, người dân trang hoàng đèn nến, trái cây và hạt trên những cây vân sam mà họ đã chuẩn bị cho những đêm thánh vô cùng này. Chẳng mấy chốc nữa đây, tiếng chuông từ ngôi nhà thờ cổ kính
của Oberdorf sẽ ngân vang để loan báo Thánh lễ lúc nửa đêm, và giáo dân sẽ tưởng niệm ngày Đức Kitô ra đời với những lời kinh và tiếng hát.
Tuy nhiên, bên trong Nhà thờ Thánh Nicolas  không khí lại nặng nề, ảm đạm vào đêm vọng Giáng Sinh năm 1818. Cha xứ Joseph Mohr, 26 tuổi, vừa nhận ra chiếc phong cầm bị hư hỏng nặng. Cho
dù bàn đạp được bơm cứng hơi thế nào đi nữa, ngài cũng chỉ có thể làm cho cây đàn cũ kỹ ấy phát ra những tiếng khò khè. Cha Morh thất vọng. Đợi đến lúc thợ sửa đàn đến được giáo xứ này chắc Lễ Giáng Sinh đi qua lâu rồi. Đối với một cha xứ trẻ, Lễ Giáng Sinh mà thiếu nhạc là điều không thể tưởng tượng được.
Cha Mohr có một thiên khiếu âm nhạc. Khi còn là một cậu bé, đứa con trai ngoài giá thú của một cô thợ may với một người lính, cậu đã kiếm tiền bằng cách ca hát, chơi đàn violon và ghi-ta nơi công chúng. Ở bậc trung học, rồi lên bậc đại học, cậu đã sống bằng đồng tiền kiếm được khi trình diễn ca nhạc. Làm việc chăm chỉ cùng với tài năng của mình đã gây sự chú ý đến một tu sĩ, người mà đã thuyết phục cậu bước vào nhà dòng. Thụ phong linh mục năm 1815, Cha Mohr được bổ nhiệm đến Oberndorf vào năm 1817. Ở đó, ngài không chỉ truyền giảng ca vịnh, mà còn làm ngạc nhiên một số người trong giáo đoàn của mình với cách chơi ghi-ta, chuyển một cách dễ dàng từ nhạc điệu dân gian sang nhạc điệu thánh ca.
Bây giờ phải đối mặt với với một khủng hoảng xảy ra vào Lễ Giáng Sinh. Vị linh mục trẻ rút về phòng làm việc yên tĩnh của mình. Nhận ra rằng những bài thánh ca Giáng Sinh truyền thống không phù hợp với đàn ghi-ta. Ngài quyết định sáng tác một bài mới. Cúi xuống tờ giấy trắng, với cây bút lông duyên dáng sẵn sàng, ngài nghĩ về một gia đình thuộc giáo xứ mà mới đây ngài đã viếng thăm và làm phép rửa tội cho đứa bé mới chào đời của họ. Ký ức về người mẹ ôm đứa con được ủ ấm để chống lại cái lạnh mùa
đông đã khiến những suy nghĩ của Cha Mohr đến một sự ra đời khác nữa cách đây hơn 2.000 năm.
Ngập ngừng do dự, ngài bắt đầu viết. Cây bút của ngài di chuyển y như thể được hướng dẫn bởi một bàn tay vô hình nào đó. Một điệp khúc được gợi lên, “Stille nacht, heilige nacht!” xuất hiện trên tờ giấy: “Đêm thầm lặng, Đêm thánh!” Bằng những câu giản dị, mộc mạc như một bài thơ dành cho nhi đồng. Vị cha xứ trẻ này nói về phép lạ Lễ Giáng Sinh trong 6 khổ thơ. Tưởng chừng đó là những lời chảy xuống tự thiên đàng.
Khi ngài viết xong, thời gian còn rất ngắn. Những vần thơ này còn phải được phổ nhạc kịp lúc cho Thánh lễ nửa đêm. Cha Mohr quyết định tìm một người bạn thân tên là Franz Xavier Gruber, 31 tuổi, một thầy giáo ở làng Arnsdorf cạnh bên, là người soạn nhạc giỏi hơn ngài.
Không giống như Cha Mohr, Gruber đã phải giấu niềm đam mê âm nhạc của mình. Với người bố khắt khe của ông, một người thợ dệt, âm nhạc không phải là nghề thích hợp để kiếm sống. Nên cứ vào buổi chiều, Franz đã phải lén ra khỏi nhà để đi học lớp nhạc của một thầy giáo địa phương. Ông đã học rất giỏi đến nỗi một ngày nọ khi bố ông nghe ông chơi phong cầm, bố ông đã bớt gay gắt và để cho con trai mình học nhạc.
Franz cũng quyết định trở thành một thầy giáo. Hồi đó người ta muốn thầy giáo còn phải là một người chơi phong cầm và là người điều khiển dàn hợp xướng ở nhà thờ địa phương. Được gửi đến Arndorf
để dạy học, Gruber lại còn được chào đón tại Nhà thờ Thánh Nicholas gần đấy.
Khi Gruber đọc những lời bài hát của Cha Mohr, ông chắc hẳn đã bị tác động mạnh bởi cái đẹp và sự trong sáng của lời bài hát. Ông bước tới chiếc đàn dương cầm của mình và bắt đầu làm việc trong lúc Cha Mohr trở về nhà thờ.
Sử dụng 3 trong số hoà âm cơ bản nhất trong kỹ năng âm nhạc, phong cầm thủ ấy đã tạo nên một giai điệu mộc mạc và gợi cảm sâu sắc. Rồi gần nửa đêm, ông mang bài hát đến cho Cha Mohr. Với thời gian vừa đủ để tập dượt, hai người đồng ý rằng Cha Mohr sẽ chơi ghi-ta và hát bè cao trong lúc ông Gruber hát bè trầm. Sau mỗi phiên khúc, dàn hợp xướng sẽ cùng hát điệp khúc.
Vào lúc nửa đêm, giáo dân xếp hàng một bước vào nhà thờ, có lẽ đang mong đợi chiếc dàn phong cầm sẽ ngân lên khắp nhà thờ âm hưởng của những bài hát mừng Giáng Sinh. Thay vào đó, nhà thờ vẫn im
lặng khi họ ngồi chen chúc trên những hàng ghế dựa hẹp bằng gỗ.
Cha Mohr bước vào gian giữa nhà thờ và ra dấu cho thầy Gruber đến đứng cạnh mình. Cầm chiếc đàn ghi-ta, Cha xứ có lẽ đã giải thích cho con chiên biết rằng, mặc dù chiếc phong cầm bị vỡ, tuy thế, Thánh lễ nửa đêm vẫn có nhạc: ngài và ông Gruber đã chuẩn bị một bài hát Giáng Sinh đặc biệt cho giáo đoàn.
Với Cha Mohr, gảy đàn ghi-ta, hai giọng hát dịu êm chẳng bao lâu đã tràn khắp giáo đường. Dàn hợp xướng hát bản hoà âm gồm 4 đoạn này ở mỗi điệp khúc. Giáo dân lắng nghe với sự ngạc nhiên
trước bài thánh ca tinh khiết và tươi mát như dòng suối ở dãy núi Alps. Sau đó, Cha Mohr cử hành Thánh lễ Misa, và giáo đoàn quỳ xuống cầu nguyện. Ngày trước Lễ Giáng Sinh ở Nhà thờ Thánh Nicholas đã
thành công.
Câu chuyện tưởng như đã kết thúc ở đây. Cha Mohr và ông Gruber sáng tác bài thánh ca của họ như một sự thay thế cho khó khăn tạm thời mà họ gặp phải và có lẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc trình diễn lại bài hát này. Mùa xuân sau đó, một người thợ sửa đàn đã vá lại chiếc phong cầm ấy. Chẳng bao lâu, Cha Mohr được chuyển đến một xứ khác. Mất vài năm, bài thánh ca đó đã rơi vào im lặng như cái đêm mà nó đã đem lại vẻ vang vào năm 1818.
Nhưng may mắn thay cho thế giới,chiếc phong cầm ở Nhà thờ Thánh Nocholas vẫn dở chứng. Vào năm 1824 hay năm 1825 gì đó, giáo xứ này đã thuê một người thợ sửa đàn phong cầm bậc thầy tên là
Carl Mauracher đóng lại nó. Trong lúc làm việc, tình cờ ông Mauracher thấy bài hát của Cha Mohr và ông Gruber sáng tác. Sự giản dị phổ quát của bài hát đã lôi cuốn người thợ sửa phong cầm lớn tuổi này. Trông nom việc sửa lại chiếc đàn phong cầm của Nhà thờ Thánh Nicholas, Gruber đã vui vẻ đồng ý khi ông Mauracher xin bản sao bài “Silent Night”.
Khi rời Oberndorf, Mauracher đã mang theo bài hát này. Những người nghe bài hát qua giọng hát của ông đã say mê vì lời cùng giai điệu của nó. Chẳng mấy chốc, những đoàn dân ca vùng Tyrol, những người thường xuyên toả khắp Âu châu, đã bổ sung bài “Silent Night” vào tiết mục trình diễn của họ.
Trong số những người đưa bài hát này vào tiết mục trình diễn phải nói đến là ban nhạc Gia đình Strasser. Bốn anh chị em trong ban nhạc với những giọng hát thần tiên đã trình diễn tại những hội chợ thương mại trong lúc họ bán bao tay mà gia đình họ làm ra. Vào năm 1831 hay 1832 gì đó, ban nhạc Strasser đã hát bài “Đêm thầm lặng” tại một hội chợ ở Leipzig, nước Đức. Khán giả rất thích bài hát này. Sau đó không lâu, một nhà xuất bản địa phương đã in bài hát này lần đầu tiên, chỉ công nhận nó như bài Tirolerlied hay một bài hát thuộc vùng Tyrol. Không đề cập gì đến Cha Mohr hay ông Franz Gruber gì hết.
Lời hát và điệu nhạc giờ đây đã lan đi nhanh chóng. Chẳng bao lâu, “Silent Night” đã cùng với ban
nhạc Rainers vượt qua Đại Tây Dương, một gia đình các ca sĩ dân ca trình diễn và chu du khắp Hoa Kỳ. Ở Thành phố New York vào năm 1839 hay 1840 gì đó, ban nhạc Rainers đã gưới thiệu bài hát này với thế giới nói tiếng Anh.
Khán giả khắp mọi nơi bắt đầu tin rằng “Silent Night” vượt lên trên một bài dân ca mộc mạc. Một
số thính giả cho đó là một trong những ca khúc của Haydn. Nhưng ở trong làng của mình, ông Gruber và Cha Mohr vẫn không hay biết gì về những xôn xao mà bài hát của họ gây ra. Cha Mohr đã qua đời vì bệnh viêm phổi, không một xu dính túi, năm 1848 ở tuổi 55. Ngài không bao giờ biết rằng bài hát của ngài đã vươn tới những vùng xa xôi nhất của trái đất.
Mãi đến năm 1854, Gruber mới nghe nói về sự thành công của bài hát, khi người điều khiển buổi hoà nhạc phục vụ vua Frederick William IV của nước Phổ bắt đầu truy tìm nguồn gốc của bài hát
này. Khi lời đồn đại đến tai Gruber, lúc đó ông 67 tuổi, ông đã viết một lá thư tới Berlin kể vế nguồn gốc của bài hát.
Thoạt tiên, ít có học giả nào tin rằng hai con người khiêm tốn ấy lại có thể nghĩ ra một bài Thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng như thế. Năm 1863, khi ông Gruber qua đời, quyền tác giả của ông vẫn bị thách thức. Cùng năm ấy, Cha John Freeman Young, người mà sau này trở thành Giám mục Tân giáo ở Florida
đã dịch 3 khổ thơ của bài hát này sang tiếng Anh mà ngày nay chúng ta vẫn hát.
Không còn bất kỳ một tranh cãi nào về tác quyền của nguyên thuỷ bài hát này. Các tượng đài ở Áo đã biểu lộ lòng tôn kính đối với Cha Mohr và ông Gruber, và di sản của họ đã trở thành một phần thiết yếu của Lễ Giáng Sinh khắp mọi nơi. Ông William E. Studwell ở Đại học Northern Illinois, Hoa Kỳ, một chuyên gia Thánh ca Giáng Sinh, đã nói: “Đêm thầm lặng là biểu tượng âm nhạc của Lễ Giáng Sinh.”
Thực ra, bài Thánh ca này giờ đây được hát khắp các lục địa trên thế giới bằng nhiều ngôn ngữ, từ tiếng gốc Đức đến Welsh, từ tiếng Swahili đến tiếng Afrikaans, từ tiếng Nhật đến tiếng Nga, từ tiếng Triều Tiên đến tiếng Việt rồi tiếng Hoa – tất cả cùng diễn tả một cảm giác sâu lắng về sự thanh bình và niềm hân hoan. Nó đã được ghi âm với những giọng ca của những ca sĩ, từ Bing Crosby đến Elvis Presley.
Qua bao năm, bài Thánh ca mộc mạc này đã biểu hiện một quyền lực mạnh mẽ để tạo ra cảnh an bình trên thiên quốc. Chẳng hạn trong thời gian ngưng bắn Lễ Giáng Sinh năm 1914, những người lính
Đức dọc theo phòng tuyến mặt trận phía Tây đã bắt đầu hát bài “Silent Night”. Từ phía bên kia của vùng cấm địa. Những binh sĩ Anh cũng cùng hát bài hát đó.
Trong cùng cuộc chiến ấy, tại trại tù binh Seberi, các tù binh người Đức, Áo và Hungari bỗng cùng đồng thanh hát bài “Silent Night”. Với những giọt nước mắt rưng rưng trong khoé mắt, viên cai tù người Nga nói bằng tiếng Đức bồi: “Đêm nay là lần đầu tiên trong hơn một năm của cuộc chiến mà tôi đã có thể quên giữa các anh và tôi xem nhau như những kẻ thù.”
Ở Tiệp Khắc bị Đức Quốc Xã chiếm đóng vào năm 1944, một sĩ quan Đức thăm một trại mồ côi đã hỏi xem có em nào biết bài “Đêm thầm lặng” bằng tiếng Đức không. Một bé trai và một bé gái ngập
ngừng bước tới, rồi bắt đầu hát “Stille Nacht, heilige Nacht”. Viên sĩ quan nhoẻn miệng cười, nhưng sau đó hai đứa trẻ ngừng hát, như chừng chúng bắt đầu nhớ ra điều gì và trông chúng sợ hãi. Ở vùng đất của quốc gia đó, những người biết tiếng Đức chủ yếu là người Do Thái. Thấy vẻ sợ hãi của chúng, viên
sĩ quan này đã dỗ dành chúng. “Đừng sợ”, ông nói. Ông ta cũng bị xúc động bởi sự kỳ diệu của bài hát.
7 năm sau đó, vào một Lễ Giáng Sinh trong thời chiến tranh Triều Tiên, một người lính Mỹ trẻ tên là John Thorsness, khi đang trong phiên gác, anh nghĩ mình đã nghe thấy tiếng quân địch. Ngón tay
đặt trên cò súng, anh thấy một đám đông người Triều Tiên đi ra từ bóng tối, họ đang mỉm cười. Khi người lính trẻ này đứng sững sờ, nhóm người này đã hát bài “Silent Night” bằng tiếng Triều Tiên, sau đó họ lui dần vào bóng tối.
Bài hát đã được sáng tác rất xa về không gian và rất lâu về thời gian: “Đêm thầm lặng, đêm thánh, tất cả
đều êm đềm, tất cả đều ngời sáng…”
. Những lời hát khó quên giai điệu mộc mạc ấy vẫn lưu lại trong tâm hồn của chúng ta như đã từng lắng đọng trong tâm hồn của mọi người trên khắp thế giới kể từ khi một vị cha trẻ và một người bạn của ngài làm thầy giáo làng đã hát nó lần đầu tiên cách đây 194 năm.
(Mùa Vọng Giáng Sinh 2012)
Jos. Tú Nạc, NMS
Silent Night (with lyrics)
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay