Nói cho con người (Ba bài giảng sám hối): Lm Chân Tín (5)
Đăng bởi cheoreo lúc 1:40 Sáng 7/12/12
VRNs (07.12.2012) – Sài Gòn – Bài sám hối thứ ba này sẽ được nhà cầm quyền dùng làm bằng chứng, lên gân nội bộ và ra quân bắt cha Tín đi đầy, nhưng thật ra, bài này, cha Chân Tín vẫn kêu gọi sám hối mà thôi. Cũng có thể, người ta không chịu nổi việc làm xấu của họ bị gọi đích danh.
Ba bài giảng sám hối
(Mùa Chay, tháng 4/1990)
Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – DCCT
(đường Kỳ Đồng, Sài Gòn)
Bài giảng thứ ba
Sám hối tập thể Quốc gia
Trong bài giảng tối qua, tôi nói đến sám hối của Giáo hội: Giáo hội nhận sứ mạng của Chúa cha trong việc thu họp mọi người trong Chúa Kitô. Tôi đã nhấn mạnh Giáo hội Việt Nam chưa phấn đấu đủ để hoàn thành sứ mạng rao giảng Tin mừng; chưa phấn đấu đủ cho việc đào tạo linh mục, việc các dòng tu được hiện hữu và hoạt động; chưa phấn đấu để người Công giáo khỏi bị chèn ép, khỏi là công dân hạng hại; chưa phấn đấu đủ cho công việc giáo dục, y tế, xã hội của Giáo hội để phục vụ nhân dân, nhất là chưa phấn đấu đủ cho nhân quyền.
Hôm nay, trong buổi nói chuyện cuối cùng, tôi xin đề cập đến việc sám hối trên khía cạnh tập thể quốc gia.
Tại quốc gia này, trong 15 năm nay, Đảng CSVN đã một mình cai trị toàn cõi Việt nam trong một thời gian lâu dài hơn bất cứ chính phủ nào trước kia trong chế độ cũ: Bảo Đại được 7,8 năm; Ngô Đình Diệm, 9 năm; Dương Văn Minh, Phan Khắc Sửu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu chia nhau chỉ có 12 năm.
Đảng CSVN dính liền với các nước CS khác: trước nhất là Liên Xô, người anh cả; rối các nước Đông và Trung Âu; rồi đến Trung Quốc mà ngày xưa Đảng CSVN gọi là ‘môi hở răng lạnh’: ông Cuba đang gồng mình làm tiền đồn cho CS ở châu Mỹ; ông Bắc Hàn đang dựng một hệ thống độc tài cha truyền con nối.
Khỏi nói đến ông Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn là những chế độ đầy vi phạm đến quyền căn bản con người, mà chưa thấy một chút ân hận nào, thì làm gì có sám hối, có đổi mới.
Các nước Đông Âu đã ân hận, đã sám hối, đã vạch những tội ác của các chế độ cộng sản theo đường lối độc tài tàn ác của Staline. Họ đã lên án lãnh tụ bất tài bất tướng của họ và tuyên bố từ nay tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tự do tín ngưỡng, trả tự do cho tù chính trị.
Tôi muốn dành thì giờ để nói đến Liên Xô và đất nước chúng ta.
A. SÁM HỐI TẠI LIÊN XÔ:
Trước hết ta nhìn về Liên Xô, đất nước của Lê nin, nơi phát xuất cách mạng xã hội chủ nghĩa trong 73 năm, lãnh đạo cuộc cách mạng XHCN khắp thế giới, đất mẹ của Cách mạng XHCN Việt Nam.
1. Phim “sám hối”
Cách đây trên 20 năm, một cuốn phim Liên Xô tố cáo tội ác của chế độ độc tài của Staline, đã được thực hiện; nhưng chỉ cách đây vài ba năm, cuốn phim mới được xuất xưởng chờ cuộc sám hối của Liên Xô, và trong một thời gian ngắn, cuốn phim đã được thế giới nhìn nhận là kiệt tác: đó là phim ‘sám hối’ của Adbuladze. Cuốn phim mô tả một vụ án một người phụ nữ đã ba lần đào mả ông Varlam, thị trưởng của một thành phố nhỏ ở Liên Xô. Bà này là con của nạn nhân của ông thị trưởng này. Tại tòa, bà tuyên bố bà không thể để tên độc tài đó trong mồ, nếu cần bà còn đào nữa.
Đây là bản án dành cho một cơ chế quyền lực độc đoán, không dựa trên pháp luật, mà dựa trên sự mị dân và đàn áp. Phải giải thoát mọi người khỏi nỗi khiếp sợ và sự tôn kính không tự nguyện đối với ông thị trưởng tác oai tác quái, hình ảnh của Staline và cả một thế hệ lãnh đạo Liên Xô và các nước XHCN trong 73 năm qua. Y muốn trừ tận gốc tất cả những gì là sự sống và tài năng xung quanh y, bất mãn với mọi người, vì thế bỏ tù tất cả. Nhưng tất cả những vụ bắt bớ hành quyết nhục hình, y dùng bàn tay kẻ khác. Niềm khoái lạc thâm độc của y là rình rập một nạn nhân và mào đầu một trò chơi tàn bạo với kẻ thù mới, bằng cách chuẩn bị một màn công lý đẫm máu sẽ được bộ
hạ hoàn tất. Y nói: “Nếu muốn, chúng ta sẽ bắt được mèo trong phòng tối, kể cả
khi không có mèo.” Hoạt động chống lại con người tiêu biểu nhất của y là đã lấy
đền thờ làm chỗ thí nghiệm khoa học, rồi cho nổ tung nhà thờ, y muốn chặt đứt
rễ sống nuôi dưỡng và làm giàu đời sống tinh thần của nhân dân, xóa bỏ truyền
thống văn hóa. Đối với y, bốn người dân là bốn kẻ thù.
Y chết, đám tang lớn, có điếu văn ca ngợi. Một ngày sau, xác y được chôn cất đã bị quật lên đến ba lần do một người đàn bà, con của một nạn nhân. Ra tòa, bà nói còn quật lên nữa. Cuốn phim kết thúc với cuộc tự vẫn của cháu nội của tên độc tài vì nó ‘sám hối’ thay cho ông nội nó; đến lượt con trai cũng ‘sám hối’, bằng cách đào mồ bố và liệm xuống vực thẳm phơi thay cho đàn quạ. Cảnh cuối cùng là một bà cụ già đi ngang qua nhà người phụ nữ đã quật mồ tên độc tài. Người này bây giờ có nghề làm bánh ngọt. Trên mỗi chiệc bánh đều có hình một tháp nhà thờ. Bà cụ hỏi: “Đường này có đưa tới nhà thờ không?” Người bán bánh trả lời: “Không, thưa cụ.” Bà cụ trợn mắt
bảo: “Đường không đưa đến nhà thờ thì để làm gì?”…
Cuốn phim ‘Sám hối’ như thế đó. Hồi ấy cuốn phim chỉ là một ước mơ của nhà soạn phim Adbuladze. Nhưng nay là sự thật: toàn dân Liên Xô đã sám hối, cấp lãnh đạo Liên Xô đã sám hối. Họ đang quật mồ của Staline lên bằng cách tố cáo những tội ác của y và của tay sai y trong nhiều thập niên trước đây. Ta hãy lắng tai nghe họ nói. Ta lần lượt nghe các nhà văn lớn ngày nay của Liên Xô, các nhà trí thức, các Đảng viên cộng sản, các cấp lãnh đạo. Họ tố cáo các tội ác của một chế độ độc tài và họ đưa ra
những đường hướng mới cho cuộc sống lại của những giá trị thiêng liêng: họ đang
sám hối.
2. Các nhà văn Liên Xô
Sau đây là cuộc sám hối của các nhà văn lớn hiện tại của Liên Xô. Các nhà văn lớn của Liên Xô lên tiếng về sự mất mát các giá trị thiêng liêng của xã hội Liên Xô ngày nay.
Các nhà văn Bykov, Astafiev, Aytmatov, tất cả tố cáo sự sa sút luân lý sau 70 năm cách mạng. Nguồn gốc của sự sa sút này là ở trong công cuộc phá hoại tôn giáo. Con đường ra khỏi cuộc khủng hoảng này là làm tôn giáo sống lại.
+ Bykov (một nhà văn lớn) cho rằng không thể có luân lý nếu không có đức tin.
+ Astafiev: “Ai đẩy chúng ta vào vực thẳm của sự dữ và bất hạnh, và vì sao? Ai dập tắt ánh sáng của sự thiện trong tâm hồn chúng ta? Ai đã đẩy lui ngọn đèn của lương tâm chúng ta, đẩy nó vào vực thẳm tăm tối, trong đó chúng ta mò mẫm, cố gắng tìm đáy vực thẳm, tìm một cái gì để dựa và một chút ánh sáng dẫn ta đến tương lai? Ích gì cho chúng ta cái ánh sáng đưa chúng ta đến ngọn lửa của địa ngục? Chúng ta đã từng sống với ánh sáng của tôn giáo trong tâm hồn chúng ta, một ánh sáng đã có từ lâu trước ta… Người ta đã làm mất đi ánh sáng đó và không mang lại gì khác cho ta để thay thế, trái lại họ đem lại cho ta vô tín ngưỡng.”
+ Aytmatov (Hồi giáo)
Được hỏi vì sao ông lại chọn một chủng sinh Kitô giáo làm nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đoạn đầu đài của ông, ông nói: “Kitô giáo đã tạo một thúc đẩy mạnh mẽ trong khuôn mặt Đức Kitô. Đạo Hồi mà tôi là thành phần qua nguồn gốc dân tộc không có một khuôn mặt như vậy. Mahomet không phải là một tử đạo. Ngài có những ngày gian khổ, nhưng bị đóng đinh cho một lý tưởng và tha thứ cho người bách hại mình thì đạo Hồi không có như vậy.”
Rất nhiều nhà văn như thế nghĩ rằng tái lập những giá trị tôn giáo là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng thiêng liêng hiện thời. (Chr. Sc. Monitor, 13/10/86).
3. Các nhà trí thức
Trong một cuộc trao đổi bàn tròn, một số nhà trí thức đã tố cáo sự bất khoan dung của chế độ cộng sản và kêu gọi sự bao dung, điều kiện quan trọng để có sự thông cảm giữa người và người.
+ Alexandre Nejny (một nhà báo) nói về sự bất bao dung của Liên Xô: “Chúng ta
khó mà bao dung với những người khác chính kiến, chúng ta phải hiểu vì sao
chúng ta bất bao dung như thế, vì sao ta lại chống đối tôn giáo và Giáo hội.
Chính cái bất bao dung là thủ phạm của bao hy sinh của công dân nước ta vì niềm
tin của họ… Nhiều cán bộ chuyên trách về tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng, với
chức năng làm trung gian giữa Nhà nước với các cộng đoàn tôn giáo, giữa chính
quyền địa phương và các tín đồ, tuy họ còn trẻ, nhưng đã nhiễm tinh thần bất
bao dung truyền lại từ thời Staline và tỏ mình bền chí như những người đi trước
họ, bằng cách bắt bớ Giáo hội và các tín đồ.”
+ Janis Pujato (Giám mục Riga): “trong xã hội ta, tình cảnh người tín hữu
và người vô thần không ngang nhau. Người vô thần có quyền tuyên truyền tư tưởng
của mình, còn tín hữu chỉ được tế tự.”
+ Youri Davidor: “Có câu tục ngữ ‘Nhà thờ không phải là những khúc gỗ, nhưng
là con người’. Người ta sửa sang được nhà thờ là một điều ghê gớm. Nhưng làm
sao cho Giáo hội sống lại trong các tâm hồn là ưu tiên.”
+ Alxandre Nejny: Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm ngày rửa tội nước Nga, ông Nejny
có viết một bài ở báo tin tức Moscova ngày 19/6/1988. Ông nói: “Quan niệm coi
Giáo hội là một tàn dư có hại từ bản chất là một mưu toan xấu nhằm tước mất của
nhân dân cái di sản văn hóa và lịch sử vĩ đại. Chủ nghĩa vô thần bằng bất cứ giá nào là vô ích và tai hại, bởi vì khi thực hiện nguyên tắc đó, họ đã cưỡng bức cả quá khứ lịch sử của Liên Xô lẫn sự tự do lương tâm cả hàng triệu đồng bào của họ. Phải hiểu rằng vô thần cũng như tín hữu, họ cùng thừa hưởng một truyền thống tinh thần lớn lao duy nhất và chính cùng với truyền thống này mà những chân lý về sự thiện, về lòng nhân từ, và về lòng thương yêu đi vào bên trong cuộc sống của họ. Những kẻ tìm cách làm cho Giáo hội mất đi môi trường hoạt động của mình và cắt đứt mọi con đường đưa từ nhà thờ tới trần thế, những kẻ ấy đã phạm một lỗi lầm xã hội và chính trị không thể tha thứ được. người ta lơ là không dám đếm xỉa đến những quyền lợi của các tín hữu và coi các tín hữu này như những công dân hạng hai. Phải tôn trọng vô điều kiện nhân phẩm con người, nhìn nhận con người có những quyền không thể chuyển nhượng. Giáo hội có những đau khổ trong bảy thập niên vừa qua. Sao không tỏ lòng cảm phục hẳn hiên mà tưởng niệm những người đã chết vì đức tin trong các trại tù thời Stanline? Sự nghiêm chỉnh luật pháp trong các quan hệ giữa Nhà nước vô thần và Giáo hội bao hàm khoảng cách giữa đôi bên. Khoảng cách đó có thể tránh cho Giáo hội một nguy cơ trầm trọng: nguy cơ bị nghẹt thở bên trong những vòng tay siết chặt của các nhà cầm quyền và một khi bị tước đoạt sự độc lập tinh thần, nguy cơ trở
thành một bộ phận Nhà nước.”
+ Youri Davydov (nhà văn vô thần): “Nói đến bao dung thì dễ dàng hơn đối với
người của Giáo hội, vì họ có một truyền thống lâu đời hàng thế kỷ về điểm này,
còn những người vô thần như chúng tôi chưa biết đến. chúng tôi cứng cỏi, chúng
tôi đã đưa cái bất bao dung lên hàng đầu trong cuộc sống xã hội. Kết quả: Chúng
tôi không cảm thấy bao dung và thương xót đối với con người, con vật và cả
thiên nhiên. Phần tôi, tôi đã phải học cho biết bao dung trong các trại giam
của Statine. Các bạn ngạc nhiên phải không? Điều đó khó, nhưng nếu không, người
ta không sống sót nổi: thiếu thốn, đói khát, những khó khăn của cuộc sống ấy
nối kết chúng tôi lại.” (Nouvelles de Moscou, 30/10/1988).
+ Averintsev (tiến sĩ ngữ học, Hàn lâm viện Khoa học): “Cách thức tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề giữa những con người với nhau là tranh luận tự do mà không trở thành bất hòa, người ta không nhất thiết phải luôn có cùng một ý kiến với nhau mới tôn trọng nhau được. Cuộc sống xã hội không thể có được nếu không có bao dung. Mỗi người có toàn quyền tự do không những theo một niềm tin mình muốn, mà còn tuyên truyền bất cứ một tôn giáo nào hay đổi niềm tin. Không một cán bộ nào có quyền hỏi một ai về niềm tin của họ, đó là vấn đề lương tâm (Lê nin).”
4. Đảng và Nhà nước
Ông Constatin Katchev (trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Liên Xô), trong một cuộc phỏng vấn, khi người ta hỏi: Sau 70 năm cách mạng, có gì thay đổi trong một đất nước vô thần như Liên Xô đối với tôn giáo, ông nói: “Có nhiều thay đổi. Thay đổi chính yếu là nay người tín hữu không còn bị coi như công dân hạng hai nữa (năm 1976, tại Mặt trận Trung ương, tôi cũng đã nói người công giáo Việt nam được coi như công dân hạng hai). Điều này tiếc thay vẫn còn xảy ra một cách quá thường xuyên… Việc Hiến pháp Liên Xô kỳ thị tín hữu và ưu đãi người vô thần phải được chấm dứt. Ngày nay, người vô thần được tự do tuyên truyền, còn các tín hữu thì chỉ được nói về đức tin của
họ trong khuôn khổ nhà thờ mà thôi hoặc chỉ được nói trên báo chí với số ấn
hành rất hạn hẹp. Cần phải làm sao để người không tín ngưỡng và người có tín
ngưỡng đều được quyền như nhau.
+ Nhà nước không thể lấy công quỹ để tài trợ việc tuyên truyền vô thần được, vì đây là tiền của mọi người trong có người tín hữu.
+ Luật mới sẽ cho phép ai muốn học tôn giáo một cách cá nhân hay theo nhóm với sự trợ giúp của linh mục và học hỏi bất cứ ở đâu. Đây là chuyện riêng của công dân. Nhà nước không được xen vào.
+ Luật sẽ loại bỏ việc xin phép lập các tổ chức tôn giáo như các hội đoàn. Một tổ chức tôn giáo (họ đạo, họ đoàn) sẽ được tín hữu tự do thành lập mà không cần xin phép.” (La Republica, 4/3/1989).
Ông Gorbatchev, Tổng thống Liên Xô: “các quyền của con người trong chế độ XHCN không phải là quà tặng của Nhà nước, không phải là việc làm từ thiện của ai… Công cuộc cải tổ đã đặt ra vấn đề về các quyền chính trị của con người… Chúng ta không có quyền để cuộc cải tổ vấp phải tảng đá giáo điều và bảo thủ, vấp phải những thành kiến và những tham vọng riêng của ai đó.” (Saigon Giải phóng, 1/7/1988).
“Không có tính công khai, phê và tự phê, không có dân chủ thì quá trình cải tổ không thể tiến triển được. nó sẽ chết yểu và chúng ta có thể chôn nó ngay trong ngày hôm nay.” (Saigon Giải phóng, 2/7/1988. hội nghị Cộng sản Liên Xô).
“Chúng ta đoạn tuyệt với hệ thống độc đoán quan liêu. Lý tưởng của chúng ta là chủ nghĩa xã hội nhân đạo và nhân chủ. Chúng ta từ bỏ việc Nhà nước hóa một cách độc đoán đời sống xã hội, điều đã dẫn đến sự lộng quyền và bất chấp pháp luật. Đảng Cộng sản không giữ độc quyền, không loại trừ khả năng thành lập các Đảng.” (Sàigon Giải phóng, 14/2/90).
Gorbatchev nói với Gioan Phaolô II: “Chúng tôi cần những giá trị thiêng liêng, cần một cuộc cách mạng tinh thần. Đây là con đường độc nhất đưa đến một nền văn hóa mới và nền chính trị mới… Chúng tôi đã đổi thái độ đối với một số vấn đề, ví như tôn giáo, mà chúng tôi đã cư xử một cách đơn giản. Bây giờ, không những chúng tôi nhận định rằng không một ai có quyền can thiệp vào những vấn đề lương tâm cá nhân, nhưng chúng tôi còn nói rằng những giá trị luân lý mà tôn giáo đã làm nẩy sinh ra và đã đúc kết trong hàng thế kỷ, có thể giúp cho công việc đổi mới Đất nước chúng tôi vậy. Những người thuộc nhiều tôn giáo ở Liên Xô, tất cả điều có quyền thỏa mãn nhu
cầu thiêng liêng của họ.” (Time, 11/12/1989).
Với những lời của Gorbatchev, chúng ta có thể thấy được một phong trào sám hối đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở Liên Xô.
B. SÁM HỐI TẠI VIỆT NAM:
Còn ở Việt Nam ta? Việt Nam dĩ nhiên không phải Liên Xô hay các nước Đông Âu. Liên Xô và các nước Đông Âu dĩ nhiên không phải là Việt Nam. Nhưng Việt Nam cũng không sống trên một hành tinh khác. Và con người thì ở đâu cũng như nhau. Con người ở Việt Nam cũng như ở Liên Xô, ở Đông Âu cũng khát vọng sống, cũng khát vọng tự do thực sự, hạnh phúc thực sự, dân chủ thực sự.
Sau đây tôi xin trích những phát biểu, những ý nghĩ của báo chí, các nhân vật của Đảng, Quốc hội, Nhà nước. Quân đội về thực trạng tồi tệ của đất nước và những ưu tư, trăn trở, một ít ân hận, nhưng chưa có sám hối vì chưa thấy có gì đổi mới thực sự.
1. Báo chí Việt Nam và các nhà văn
+ Trước hết báo chí
Tự do báo chí rất giới hạn và như một người làm báo thú nhận trong một cuộc hội thảo về dư luận báo chí, cho đến nay chỉ có những công chức làm báo, chưa có nhà báo thực thụ. Tuy vậy trong mấy năm qua, đã có nhiều lời ‘nói thẳng nói thật’ hơn trước về tình trạng sa sút trên mọi địa hạt đời sống xã hội.
Chỉ trong tháng ba vừa qua, sau khi vụ ‘Đường Sơn Quán’ đổ bể do báo tuổi trẻ nêu lên, nhiều cán bộ cao cấp dính trong vụ ăn chơi trác táng như chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thủ Đức, Trung tá Phan Thanh, Trưởng ban hình sự của TP và nhiều nhân vật khác, một bài của báo Saigon Giải phóng (1/3/1990) đã yêu cầu loại trừ những bướu độc: Đảng và Nhà nước phải kiên quyết loại trừ ngay các cơ quan Đảng, chính quyền mọi cấp, những cán bộ thiếu khả năng, kém phẩm chất đạo đức, đang biến chất, tha hóa, xa rời quần chúng, quan liêu, đứng trên dân. Đây là những cán bộ có chức quyền, và từ những chức, những quyền ấy, họ biến đặc quyền, đặc lợi trở thành hiện tượng nghịch tình nghịch lý trước đời sống của đa số cán bộ công nhân viên chức và nhân dân còn nhiều mặt khó khăn. Mọi người thừa biết, để có được cuộc sống giàu sang một cách phi đạo lý, những cán bộ này đã lấy tiền ở đâu? Đó là kết quả của những
hành động ăn cắp của công, tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc, buôn lậu mà họ đã lạm
dụng chức quyền để làm.
Ngay trong tháng giêng 1990, một bài khác cũng của báo Saigon Giải phóng (18/1/1990) cũng đã phơi bày tệ nạn ăn chơi phung phí của cán bộ. Sau khi đề cập đến cuộc sống vất vả của một giáo viên phải đi sửa xe ban đêm, một nữ sinh không dám sinh con thêm vì thiếu sữa, bài báo nói tiếp: “Họ là giáo viện, y tá, kỹ sư, công nhân, bộ đội và những người lao động bình thường khác có cuộc sống thật vất vả. Nhưng bên cạnh đó, cũng trên một đất nước và một thành phố có nhiều lo toan, đã và đang tồn tại một cuộc sống khác, xa hoa và phung phí không thể tưởng tượng nổi. Kiểu ăn chơi bạt mạng, quái đản và trụy lạc của nhóm này đối nghịch một cách mỉa mai với cuộc sống bươn chải và khiêm tốn của đa số còn lại. Dân có tiền đang tạo ra hình ảnh của một thế giới trong một thế giới. Họ là ai? Giai cấp mới, giới thượng lưu mới, hiện nay thẳng tay vung tiền qua cửa sổ, những người dám bỏ ra bạc triệu để mua vui, mà tiền là tiền của Nhà nước, của nhân dân. Bằng những thủ đoạn lừa bịp tinh vi, bằng những sự liên kết và che giấu lẫn nhau trên cơ sở đôi bên đều có lợi, những phần tử xấu trong cán bộ công nhân viên Nhà nước đã lợi dụng những kẻ hở để tha hồ bòn rút đục khoét công quỹ.”
+ Các nhà văn
Nhiều nhà văn như Dương Thu Hương (Những thiên đường mù), Trần Mạnh Hảo (Ly thân) đã tố cáo những vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam.
1. Đảng và Nhà nước
– Ông Trần Bạch Đằng phát biểu: “Kinh nghiệm cay đắng ở từng loạt quốc gia XHCN cho thấy một khi Đảng đã rơi vào bệnh kiêu ngạo tuyệt đối hóa vai trò lãnh đạo
của Đảng, tất cả đều xuất phát từ ‘ơn Đảng’, từ sự minh mẫn đến độ thần thánh
thì cái bờ vực đang chờ một sẩy chân nho nhỏ vùi lấp mọi ánh hào quang…
Đảng chưa dùng sức mạnh quần chúng để chấn chỉnh Đảng, nhất là về tổ chức, nhân sự… đề cương (Trung ương Đảng) chưa thoát khỏi cách hiểu ngầm: quần chúng kém, Đảng phải vận động để nâng tầm quần chúng lên. Tất nhiên điều đó có thật, song nếu đặt mối tương quan một cách biện chứng thì cái mà không ít Đảng viên lạc hậu hơn quần chúng về trí thức, nhiệt tình và phẩm chất giữ vai trò không nhỏ trong hiệu quả của công tác vận động quần chúng…
Về các tổ chức quần chúng Công giáo, có một lầm lẫn đáng tiếc: Ủy ban Đoàn kết Công giáo là một đoàn thể trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (quốc doanh) là một tôn giáo. Đề cương không nêu chính sách đổi mới với các đối tượng này (về quan điểm) mà đi vào các tổ chức quả là không thỏa đáng.
Riêng nhận thức về Mặt trận của đề cương quá lạc hậu với hiện thực…
Đảng CS gồm những người vô thần, trong khi xã hội còn tôn giáo, còn tín ngưỡng và sẽ còn lâu, ngoài việc tìm chỗ có thể thỏa hiệp về chính trị, chúng ta đâu còn con đường nào khác?” (Nhân dân, 5/3/1990).
– Ông Nguyễn Cơ Thạch trả lời tạp chí Quan hệ Quốc tế: “Chế độ XHCN vì dân, đó là mục đích dân chủ nhất, nhưng cách làm tập trung quan liêu bao cấp đã đi ngược
lại mục đích dân chủ và đẻ ra tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lạm dụng quyền
hành, ức hiếp nhân dân lao động. Một chế độ vì nhân dân nhưng nhân dân không có
quyền dân chủ về kinh tế, cơ sở của quyền làm chủ về chính trị… Loài người đã
kéo dài cuộc sống man rợ trong 2 triệu năm với nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự
túc và không có trao đổi. 10 ngàn năm qua loài người đã thực hiện bước nhảy vọt
nhờ nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Nếu nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc đã
kềm hãm sự phát triển của xã hội loài người trong 2 triệu năm thì có thể nói
nền kinh tế tự cấp tự túc cũng đã kìm hãm sự phát triển của các nước xã hội chủ
nghĩa trong hơn 70 năm qua.” (Thanh Niên, 4/2/1980). (Tự túc: chặt cà phê để
trồng lúa, lời thú tội ghê gớm).
– Đại tướng Lê Đức Anh (Bộ Chính trị) đã nói về dân chủ: “hầu như mọi nơi, mọi ngành, mọi cấp, hiện tượng dân chủ hình thức quan liêu, quân phiệt, độc đoán, chuyên quyền, trù dập ức hiếp nhân dân, đặc quyền đặc lợi, không quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của quần chúng đang còn diễn ra phổ biến. Nhiều tiếng kêu
oan của người dân vẫn chưa được giải quyết. Trong quân đội thì truyền thống tốt
đẹp chính trị, dân chủ có lúc như bị lãng quên. Những hiện tượng mất dân chủ
nghiêm trọng… đương nhiên bị quần chúng phản đối một cách chính đáng, không
nên vội cho là xấu, là địch.” (Tạp chí Quốc phòng).
-Ông Lê Quang Đạo (Chủ tịch Quốc hội) nói đến độc tài: “Thường là Đảng quyết
định mọi cái. Trong thực tế, không phải là Đảng, mà cấp ủy, không phải là cấp
ủy, mà là một nhóm người có khi chỉ có một cá nhân quyết định, dẫn đến độc tài
chuyên chế, đặc quyền đặc lợi, sinh ra một tầng lớp cầm quyền đứng trên nhân
dân, đối lập với nhân dân, tạo ra những bất công xã hội khiến quần chúng chống
lại… Đảng bị quan liêu hóa nhưng bắt dân vẫn tuân theo mình, vì trong tay có
quyền lực, quyền thì có nhiều hơn, nhưng năng lực và đạo đức có khi không bằng
dân.”
– Ông Phạm Văn Đồng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) ngày nhận huân chương Sao Vàng (84 tuổi), ông nói: “cái nhà của chúng tôi hiện nay đang nhiều rác
rưởi và dơ bẩn làm cho quần chúng nhân dân phẫn nộ một cách chính đáng; trong
tình hình như vậy việc chúng ta phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của
chúng ta, quét mọi rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ.” (Nhân
dân, 2/3/1990). (Cột kèo mục nát phải thay?).
– Ông Trần Xuân Bách (Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng) nói về lạm dụng
quyền lực mà thiếu năng lực tại Câu lạc bộ Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ
thuật, ngày 13/12/1989: “Nguyên nhân khủng hoảng là lãnh đạo sai lầm, vi phạm
dân chủ, duy ý chí, bảo thủ trì tuệ, đổi mới lệch lạc, đội ngũ Đảng viên cán bộ
thoái hóa hư hỏng… Đảng phải kết tinh truyền thống dân tộc và trí tuệ thời
đại, không như thế thì không giữ được vai trò lãnh đạo. Không thể dùng quyền
lực thay cho năng lực. Đừng đổ lỗi cho cải tổ, đổi mới, cải cách. Đổi mới là
cái gương để ta soi. Nếu mặt bị nhọ thì phải rửa mặt đi chứ không phải đập vỡ
gương…”
– Ông Nguyễn Văn Linh (Tổng bí thư) nói về sự thiếu quan tâm đến lợi ích quần
chúng: “Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ngày nay truyền thống tốt đẹp đó (quan
tâm giải quyết các lợi ích thiết thân của quần chúng), đang bị vi phạm nghiêm
trọng và phổ biến. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự vi phạm đó là bệnh
quan liêu của cán bộ và bộ máy, kể cả bộ máy chuyên trách công tác quần
chúng. Hiện nay, cuộc sống bức bách đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nguyên
tắc vấn đề mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, đổi mới căn bản công tác vận
động quần chúng cho phù hợp.” (Diễn văn dịp 60 năm thành lập Đảng).
Ông Nguyễn Văn Linh còn nói về nguy cơ của Đảng cầm quyền. Tại Hội nghị 5 Trung ương Đảng, ông nói: “Lê nin đã dạy chúng ta không biết bao nhiêu lần là phải cảnh giác đề phòng những nguy cơ dễ xảy ra đối với một Đảng cầm quyền. Trước hết đó là bệnh quan liêu bàn giấy, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, hống hách với nhân dân, lên mặt là quan cách mạng. Họ chỉ biết suốt ngày thảo hết tờ công văn này đến chỉ thị khác, ngập đầu trong các giấy tờ, hoặc đi từ phòng họp này sang phòng họp khác, ban bố các mệnh lệnh, còn cuộc sống sinh động và sự việc thực tế thì hoàn toàn xa lạ. Họ
chỉ biết huênh hoang nói những điều cao xa, lý thuyết trừu tượng về cách mạng,
về lý tưởng cộng sản; nhưng không thể bắt tay giải quyết được một công việc cụ
thể nào cho ra hồn. Lê nin đã chế nhạo là sẵn sàng đổi một tá người cộng sản
như vậy để lấy một chuyên gia tư bản…
Một căn bệnh khác: đồng tiền. Khi có quyền lực và nắm của cải trong tay, thèm khát đồng tiền, chiếm công vi tư, đục khoét của cải của nhân dân, xâm phạm tài sản của xã hội chủ nghĩa bằng nhiều thủ đoạn tinh vi hoặc trắng trợn. Cần cảnh giác với những kẻ cơ hội chủ nghĩa, chỉ biết luồn lọt, nịnh bợ để có danh và có lợi. Lúc thuận lợi thì lao xông vào để kiếm chác, lúc khó khăn thì lảng tránh cốt giữ lấy thân. Họ sống là mặt lá
trái đổi chiều theo hướng gió, miễn là đạt được mục đích vị kỷ cá nhân… Tình
hình mất đoàn kết trong Đảng, kèn cựa địa vị, đầu ốc gia trưởng độc đoán…
Không nghe quần chúng, nhất là khi ý kiến của quần chúng không thuận tai mình,
đặc biệt khi được họ phê bình, chỉ ra những thiếu sót. Từ chỗ thiếu dân chủ đến
dân chủ hình thức thì tình hình cũng chẳng tốt đẹp gì hơn.” (Saigon Giải phóng,
24/6/1989).
C. NHẬN ĐỊNH:
Nhưng chưa đặt vấn đề căn bản mà Liên Xô và các nước Đông Âu đã đặt thì Việt Nam chưa có sám hối. Cộng sản Việt Nam chỉ nghĩ cách lấy lại lòng dân và củng cố quyền lãnh đạo của Đảng. Chưa đặt vấn đề nhân quyền cũng như vấn đề cơ cấu phải đổi mới.
Trước tiên, chưa đặt vấn đề nhân quyền bị vi phạm trầm trọng và quyết tâm sửa chữa. Đây không phải là vấn đề của cán bộ này, cán bộ khác biến chất, tiêu cực, nhưng là vấn đề chính sách, đường hướng chung. Không phải kêu gọi quét sạch rác rưởi, mà là vấn đề nền tảng, vách tường, cột kèo của ngôi nhà để nhân dân yên tâm sống dưới mái nhà đó.
Vấn đề thứ hai là vấn đề cơ cấu dân chủ. Dân làm chủ, dân kiểm tra, nói để mà nói, chứ thực chất chả có làm chủ kiểm tra gì cả.
Trong một cuộc sống trao đổi với một vị giữ một chức vụ trong Trung ương Đảng, tôi có nói: “Người dân như chúng tôi không đặt vấn đề ý thức hệ. Nhưng đặt vấn đề Đảng và Chính quyền có tôn trọng nhân quyền và dân quyền không. Người dân chỉ ủng hộ Chính quyền nào tôn trọng nhân quyền và dân quyền của họ.”
Cho tới nay, nhân quyền và dân quyền đã bị vi phạm nặng nề tại Việt Nam.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hiệp quốc mà tôi đề cập hôm qua đã được Việt Nam chấp nhận. Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng đã nêu lên những quyền căn bản của con người và của công dân: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình (đ.67); quyền tự do tín ngưỡng (đ.68); quyền bất khả xâm phạm về thân thể (đ.69); quyền được luật pháp bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm (đ.70); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín được bảo đảm, quyền tự do đi lại và cư trú được tôn trọng (đ.71).
Bản tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Hiến pháp Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như vậy đó, thế mà nhìn vào thực tế, người dân như chúng ta thấy đau xót.
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở đâu? Báo chí là ‘công cụ của Đảng’ kể cả một tờ như Công giáo và Dân tộc chẳng hạn. Chỉ có một tiếng nói. Không nói được hết sự thật, có nói được một chút sự thật là bị chặn lại. Có ai nói khác Nhà nước thì bị chụp mũ đủ thứ. Năm 1988, nhân vụ phong thánh 117 vị tử đạo Việt Nam, tôi phải lên làm việc với ông Giám đốc văn hóa và Thông tin vì một bài đánh máy vài ba trang; năm 1989 tôi cũng cùng năm anh em khác, hai linh mục, ba giáo đã phải làm việc với Công an và bị hù dọa đủ thứ chỉ vì hai lá thư góp ý với Hội đồng Giám mục Việt Nam và
với Đức Tổng giám mục giáo phận Sài Gòn.
Tự do hội họp? Tôi cùng sáu anh em gặp nhau trao đổi về đời sống Giáo hội thì bị kết tội hội họp, lập hội mà không xin phép.
Tự do tín ngưỡng? Chỉ có tự do vô tín ngưỡng, tự do viết báo, viết tiểu thuyết rẻ tiền để bêu xấu Giáo hội. Nhiều nơi, việc lễ lạy bị ngăn cản, hạn chế làm khó dễ. Các chủng viện bị hạn chế đủ thứ để Giáo hội không đủ linh mục phục vụ giáo dân. Việc đặt các giám mục gặp bế tắc như vụ Đức cha Nguyễn Văn Thuận. Việc thuyên chuyển linh mục từ xứ này qua xứ khác không phải dễ dàng. Các linh mục di chuyển gặp khó khăn. Việc giảng dạy giáo lý bị hạn chế. Chỉ có vô tín ngưỡng, vô thần được tự do tuyên truyền, được Nhà nước đài thọ. Tình hình đó đưa tới một thực tế bi thảm: sách báo nhảm nhí, truyện tàu kể cả dâm thư như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng tràn ngập vỉa hè thành phố, trong khi đó, phải mỏi mắt mớ tìm ra một quyển sách đạo in dấm dúi bằng ronéo. Các nữ tu mở lớp mẫu giáo chẳng được bao nhiêu mà còn là lớp chui,
còn các quán bia ôm, cà phê ôm thì tràn ngập thành phố với đèn màu nhạc nổi
tưng bừng.
Tự do tôn giáo là thế đó. Còn quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, tất cả những quyền ấy có được tôn trọng không? nhiều vi phạm trắng trợn. Đến đây tôi không thể không nghĩ đến cái đêm rùng rợn (25/1/1978), năm tu viện vùng Thủ Đức đã bị ốp, tất cả các tu sĩ bị trục xuất khỏi nhà, tài sản của Giáo hội bị tịch thu, vì cớ nọ cớ kia không có gì đáng tội, tu sĩ nọ linh mục kia bị bỏ tù. Mà đây chỉ là
một việc điển hình. Biết bao chuyện đau thương khác đã đến với người dân.
Kính thưa anh chị em,
Với cái nhìn tổng quát về cuộc sám hối từ Liên Xô qua CHXHCN Việt Nam, chúng ta thấy Liên Xô và các nước Đông Âu đã ân hận, đã sám hối bằng cách đổi mới. CHXHCN Việt Nam có ân hận đó nhưng còn loay hoay chưa biết phải sám hối bằng cách đổi mới như thế nào, đổi mới dỏm hay đổi mới thật.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho đất nước ta, để một cuộc sám hối thật đến với dân tộc Việt Nam hầu đem lại tự do và hạnh phúc cho toàn dân.
Trên đất nước ta, ‘giữa lòng dân tộc’ này, quả là chưa có sự sám hối thật sự để cho ngày mai trên đất nước, tương lai của dân tộc sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn kết thúc ba ngày tĩnh tâm này bằng một tia hy vọng, bằng một nốt nhạc vui. Chúng ta vẫn đón chờ Chúa sống lại cơ mà.
Nốt nhạc đó, tia hy vọng đó, anh chị em sẽ nhận thấy qua sự khác biệt giữa hai mẩu tin của báo Saigon Giải phóng, báo của Đảng. Một mẩu tin ngày 16/5/1985 đầy ác cảm với Giáo hoàng Gioan Phaolô II và một mẩu tin trên số báo ra đúng ngày hôm nay (11/4/1990) đầy thiện cảm.
Mẩu tin năm 1985 nói đến hàng trăm thanh niên Hòa Lan thuộc nhiều Đảng phái tổ chức biểu tình phản đối Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Nào là ném trứng thối, chai lọ, gạch đá; nào là Ngài có ý đồ xấu trong việc đi thăm một số nước và kết thúc bản tin: “Uy tín của Ông chưa lúc nào tồi tệ đến thế.” Bản tin này đã được tuần báo Công giáo và Dân tộc vui mừng phụ họa và chế diễu những người Công giáo bất bình với bản tin độc nhất xưa nay của báo chí về Giáo hoàng.
Mẩu tin sáng nay về Olimpic ở Roma: “Ban tổ chức (Olimpic) cho biết vào ngày 29/5, lễ bàn giao sân Olimpic sẽ có mặt Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến để ban phép lành cho sân Roma. Lúc còn trẻ, Giáo hoàng từng chơi bóng đá trong vai trò thủ môn. Ngày nay Ông vẫn thường xuyên theo dõi bóng đá qua truyền hình nhất là các trận đấu có đội tuyển Ba Lan quê hương Ông.”
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hy vọng nước Việt Nam ta sẽ đổi mới trong tinh thần tôn trọng các quyền căn bản của con người và của người dân, nhất là tôn trọng tự do tôn giáo. Giáo hội toàn cầu cũng như Giáo hội Việt Nam không tranh quyền bính với ai, chỉ muốn phục vụ con người, kể cả phục vụ cho đến hy sinh mạng sống mình, như Đức Kitô.
Lm. Chân Tín
(11.4.1990)